TRỘM TÀI KHOẢN
Sau khi QQ trở thành “tài sản nhất định phải có” của không ít cư dân mạng, một hiện tượng kỳ lạ cũng xuất hiện, đó là lấy trộm tài khoản.
Hiện tượng lấy trộm tài khoản trên QQ từng một thời làm xáo động cộng đồng mạng, rất nhiều người dùng cảm thấy bực bội bởi những thứ mà tin tặc lấy đi không phải là tài sản ảo, mà là danh sách bạn bè hay cả một cộng đồng giao tiếp xã hội, thậm chí có khả năng ảnh hưởng đến công việc và đời sống của người dùng. Cho đến hôm nay, dù rất khó mua bán tự do, hiện tượng trộm mã tài khoản vẫn tồn tại. Vì thế, số người dùng gửi khiếu nại đến Tencent ngày một nhiều. Một bộ phận người dùng cho rằng vì Tencent không hành động nên mới khiến hiện tượng trộm mã tài khoản vẫn tồn tại.
Lời chỉ trích này có phần oan ức đối với Mã Hóa Đằng. Không phải ông không muốn xóa bỏ một cách triệt để hiện tượng trộm mã tài khoản. Nhưng lượng người dùng QQ khổng lồ, tin tặc chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư lại xuất hiện khắp nơi khiến kế hoạch công phá của Tencent vấp phải rất nhiều trở ngại.
Ngày 17 tháng 1 năm 2013, tham dự kỳ họp thứ IV của Hội đồng Nhân dân Thành phố Thâm Quyến khóa IV, sau khi thảo luận kết thúc, Mã Hóa Đằng vốn định lặng lẽ rời đi nhưng lại bị không ít phóng viên “bao vây chặn đường”. Mã Hóa Đằng lập tức bày tỏ, mục tiêu của Tencent trong năm 2013 là tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin.
Lời phát biểu của Mã Hóa Đằng không phải chỉ để làm yên lòng mọi người. Năm 2013, số nhân viên của Tencent đã lên đến 20 nghìn người, trong đó, 2.000 người chuyên trách công tác an toàn thông tin. Tencent cũng áp dụng rất nhiều biện pháp phòng ngừa, như người dùng có thể nhập mã xác thực khi lên mạng để tìm lại số QQ bị lấy cắp…
Mã Hóa Đằng rất muốn chấm dứt hiện tượng lấy trộm tài khoản, nhưng để giải quyết vấn đề này một cách triệt để lại buộc phải đem tới một số bất tiện về mặt kỹ thuật cho người dùng, như tăng thêm một số bước xác minh hoặc sử dụng các biện pháp hạn chế đăng ký…, nên bản thân Mã Hóa Đằng cũng rất mâu thuẫn. Mặc dù vậy, ông vẫn luôn thúc đẩy công tác bảo vệ thông tin cho người dùng, và hy vọng các cơ quan hữu quan sớm có biện pháp xử lý những “tin tặc” trên mạng.
Để ngăn chặn hành vi lấy trộm mã tài khoản QQ xảy ra không ngừng trên mạng Internet trong nước, Mã Hóa Đằng quyết định triển khai tấn công quyết liệt, cao điểm là “đòn tổng hợp” kết hợp giữa kỹ thuật công nghệ và sức mạnh tư pháp. Mã Hóa Đằng tăng thêm các biện pháp kỹ thuật, chẳng hạn, bảo vệ bằng mã số xác thực nhiều lần nhằm phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng lấy trộm mã tài khoản QQ.
Hiện nay, để nhắm vào các thủ đoạn lấy trộm mã tài khoản QQ như “trình theo dõi thao tác bàn phím Keylogger” hay phần mềm Trojan, Tencent đã dùng đến công nghệ bảo mật bàn phím “nProtect”. Ngoài ra, Mã Hóa Đằng cũng tuyên bố rằng Tencent sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan tư pháp trừng trị nghiêm khắc hành vi lấy cắp mã tài khoản QQ, đồng thời, nhắc nhở người dùng: Không nên sử dụng các chương trình không rõ nguồn gốc, cũng không nên tin vào những thông tin về hoạt động QQ không chính thống ngoài trang chủ Tencent, đây đều là những lỗ hổng mà phần tử phạm pháp dễ dàng lợi dụng để lấy cắp mã tài khoản.
Bên cạnh đó, hành vi lấy cắp tài khoản còn liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Mấy năm gần đây, đã có không ít vụ án liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp công nghệ cao được xếp vào xâm phạm bí mật thương mại với đặc điểm chính là bí mật công nghệ.
Mã Hóa Đằng từng trả lời phỏng vấn của báo “Nhà doanh nghiệp Trung Quốc” như sau: “Tencent vốn chỉ tiếp xúc với người dùng mạng, nay phải kết hợp với cơ quan công an, tư pháp. Ví dụ, chúng tôi đã bắt được mười mấy tổ chức lấy trộm tài khoản, đây là vụ án lấy trộm tài khoản mạng lớn nhất trong lịch sử tỉnh Quảng Đông, phải mất mấy tháng mới phá được án, và vẫn đang tiếp tục điều tra. Thật ra, việc làm này còn có tác dụng răn đe, đặc biệt là với trẻ em, lứa tuổi vốn không hề biết lấy cắp tài sản ảo cũng là hành vi phạm pháp. Điều khiến tôi lo lắng nhất bây giờ là vấn đề an ninh mạng, chúng tôi đã triển khai rất nhiều biện pháp, tôi cũng tin rằng chúng tôi chắc chắn giữ vị trí số một trong việc chống lấy cắp tài khoản.”
Nhiệm vụ chống lấy cắp tài khoản vẫn còn rất nhiều thử thách phải vượt qua. Đối với Mã Hóa Đằng, đây là cuộc so tài giữa tội phạm thông minh và phòng vệ thông minh, một cuộc chiến khó tránh khỏi trên con đường phát triển sau này của Tencent.
CƠN PHONG BA THU PHÍ ĐĂNG KÝ
QQ đã thực sự đi vào cuộc sống, rất nhiều người dùng mạng có thói quen đăng nhập QQ đầu tiên khi mở máy tính. QQ quả thật rất tiện dụng, có thể nói chuyện trực tuyến; gửi, phát văn bản, dữ liệu trực tuyến ngay cả khi không lên mạng, có thể đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người trong giới văn phòng. Ngoài ra, hòm thư QQ cũng tiện ích vô cùng, các ứng dụng sau này như QQ âm nhạc, QQ trò chơi, QQ nông trường đều tạo ra một lượng lớn người dùng có tính phụ thuộc cao.
Nhưng nếu một ngày nào đó, QQ thu phí, bạn còn dùng nữa không? Người dùng hiện nay sẽ cảm thấy khó hiểu khi nghe đến điều này, nhưng vào khoảng năm 2001, rất nhiều người dùng có nhu cầu đăng ký tài khoản QQ mới đã thật sự “choáng váng” khi đón nhận thông tin về phí sử dụng.
Năm 2000, thị trường chứng khoán NASDAQ phá vỡ kỷ lục thiết lập, các doanh nghiệp mạng trên toàn cầu lập tức rơi vào “mùa đông giá lạnh”, hiệu ứng domino tiếp theo sẽ là toàn bộ ngành IT tuột dốc, khiến các ngành nghề trong thị trường đều một phen lao đao. Khi đó, ngoài vấn đề huy động vốn, Mã Hóa Đằng cũng phải nghĩ cách khác để Tencent thu được tiền.
Trong lĩnh vực kinh tế truyền thống, thông thường, lợi nhuận biên đều giảm dần, nhưng điều đó không đúng với thực tế ngành Internet. Những ngành có số liệu duy trì trong một thời gian dài, chỉ khi vượt qua “điểm tới hạn”, lợi nhuận biên mới đột nhiên lộ diện, tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Chú chim cánh cụt bé nhỏ của Mã Hóa Đằng cũng vậy.
Giữa năm 2001, lượng tài khoản đăng ký mới của Tencent tăng đột biến, khiến công ty không chống đỡ nổi. Không còn cách nào khác, Mã Hóa Đằng bắt đầu thực hiện kiểm soát người dùng đăng ký. Từ tháng 2 năm 2001, Tencent bắt đầu hạn chế việc đăng ký mới và dần cắt giảm đến mức người dùng rất khó có thể đăng ký được. Mặc dù như vậy, hằng ngày vẫn có lượng lớn người dùng đăng ký mới.
Trong quãng thời gian này, Mã Hóa Đằng đã phải suy tính rất nhiều, bởi chi phí hằng tháng của Tencent đều rơi vào khoảng hai triệu Nhân dân tệ, trong đó, riêng kinh phí để mua thêm thiết bị đã chiếm khoảng 3/4. Do vậy, đến tháng 3 năm 2002, Mã Hóa Đằng thử nghiệm tung ra dịch vụ “Vùng số đẹp QQ Xing” và bắt đầu bán mã tài khoản QQ. Tháng 9 năm 2002, để khống chế lượng người dùng QQ tăng mạnh, Mã Hóa Đằng chính thức cho ra đời mã tài khoản QQ Xing với lệ phí là hai Nhân dân tệ mỗi tháng, chấm dứt thời kỳ tài khoản phổ thông được miễn phí và đề nghị mở tài khoản một lần trước đây. Đến tháng 11 cùng năm, QQ ban hành văn bản pháp lý cấm hành vi mua bán mã tài khoản QQ.
Cuối năm 2002, xuất hiện một thông tin khiến đông đảo người dùng “vỡ nát con tim”: Tencent ngừng cấp mới mã tài khoản sử dụng dài kỳ dưới dạng tài khoản miễn phí và tài khoản một lần (trả phí), QQ chủ yếu vận hành mã tài khoản QQ Xing với giá thuê bao hàng tháng là hai Nhân dân tệ.
Cư dân mạng Trung Quốc từ lâu đã quen với việc nhận tài nguyên và thông tin trên mạng hoàn toàn miễn phí nên cảm thấy bức xúc trước cách làm của Tencent. Có người phản ánh rằng họ đã chịu đựng cửa sổ quảng cáo và hình ảnh quảng cáo nhấp nháy của Tencent, nay lại phải trả phí tài khoản, như vậy là không thỏa đáng.
Lúc đó, không riêng cư dân mạng phản đối việc QQ thu phí, ngay cả giới truyền thông cũng lên tiếng chỉ trích. Ngày 22 tháng 8 cùng năm, Tencent đưa ra tuyên bố quan trọng. Sở dĩ công ty hạn chế số lượng đăng ký là vì một số người dùng đăng ký nhiều mã tài khoản QQ, gây lãng phí nguồn tài nguyên có hạn của công ty. Đương nhiên, Tencent cũng mong nhận được sự ủng hộ và hợp tác của người dùng.
Thật ra, với tư cách là một doanh nghiệp, Tencent của Mã Hóa Đằng có quyền tiến hành bất kỳ cải cách đơn phương nào, còn người dùng chỉ có quyền lựa chọn “chấp nhận” hoặc “rời bỏ”. Đây cũng là giải pháp bất đắc dĩ khi phải đối diện với áp lực sinh tồn và cạnh tranh thị trường.
Tháng 5 năm 2002, trên mạng bỗng xuất hiện một tin đồn: QQ sắp tiến hành thu phí toàn bộ hội viên. Đến tháng 7, khi trả lời phỏng vấn, Mã Hóa Đằng khẳng định: “Tencent chỉ thu phí người dùng đăng ký mới, đồng thời sẽ đảm bảo một phần tài nguyên cho tài khoản miễn phí và tài khoản một lần. Đối với những tài khoản có mã số tương đối đẹp, chỉ những hội viên trả phí thuê bao tháng là mười Nhân dân tệ mới được sở hữu.”
Mã Hóa Đằng từng nói: “Thật ra, từ trước đến nay, QQ luôn áp dụng chính sách phát triển thu phí, điển hình như các biện pháp thương mại gồm đăng ký trên điện thoại di động và hạn chế số lượng người dùng đăng ký trong ngày. Đương nhiên, đối với người dùng mới đăng ký, Tencent sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ tương ứng, như dịch vụ bảo mật tốt hơn, khiến người dùng cảm thấy chi phí bỏ ra là hợp lý.” Ngoài ra, Mã Hóa Đằng còn cho biết: “Song song với chính sách thu phí người dùng đăng ký, QQ cũng sẽ tiếp tục giữ lại hình thức miễn phí đăng ký chủ yếu hướng về người dùng ở nước ngoài.”
Tháng 6 năm 2003, nhân dịp QQ tròn ba tuổi, Mã Hóa Đằng đã tuyên bố: “Người dùng QQ di động mới mở sẽ có một mã tài khoản QQ miễn phí sử dụng trong thời gian dài.”
Tháng 8 năm ấy, QQ mở lại dịch vụ đăng ký miễn phí cho người dùng, nhưng lại đưa ra quy định sẽ thu hồi mã số tài khoản nếu bảy ngày liên tiếp không đăng nhập; sau đó lại đổi thành ba tháng. Cuối cùng, quy định chỉ áp dụng cho những mã tài khoản QQ được đăng ký với ý đồ xấu hoặc không đăng nhập trong thời gian dài.
Hiển nhiên, quyết định điều chỉnh chính sách thu phí và không thu phí là vì Mã Hóa Đằng ý thức được rằng khoản thu nhập đến từ phí thu đăng ký chắc chắn không bù đắp được tổn thất do hao hụt người dùng. Chính đợt phong ba này khiến Mã Hóa Đằng càng kiên định phải thúc đẩy mô hình thương mại.
Tháng 5 năm 2010, Mã Hóa Đằng chia sẻ: “Mô hình thương mại của Tencent không giống với các doanh nghiệp khác, mục đích của nó là cung cấp các dịch vụ miễn phí. Với khoảng 500 triệu người dùng thường xuyên, Tencent đã phủ sóng tới hàng trăm triệu cư dân mạng Trung Quốc nên công ty sẽ thông qua các dịch vụ miễn phí để khai thác dịch vụ gia tăng. Đây mới là nguồn thu nhập chính mà Tencent hướng đến.”
Có thể thấy, mô hình thương mại mà Mã Hóa Đằng vạch ra thực sự độc đáo. Sau đó, mô hình này được các chuyên gia khái quát thành “nguyên tắc Mã Hóa Đằng”. Cốt lõi của “nguyên tắc Mã Hóa Đằng” nằm ở chỗ nó chia dịch vụ thành hai phần, một phần là dịch vụ cơ bản, phần khác là dịch vụ gia tăng. Đối với dịch vụ cơ bản, bắt buộc phải cung cấp miễn phí, còn dịch vụ gia tăng thì phải đảm bảo đa dạng và cao cấp.
SỰ KIỆN “CORAL”
Đối với rất nhiều người dùng và doanh nghiệp mạng Internet, năm 2006 là một năm ồn ào. Trong năm đó đã có không ít phần mềm xuất hiện, giao dịch trên mạng bùng phát, các trang blog của người nổi tiếng cũng trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của mọi người… Náo nhiệt và hỗn loạn.
Trong năm này, Mã Hóa Đằng vẫn như mọi khi, tiếp tục đổi mới QQ. Cùng lúc đó, phần mềm “Coral QQ” nổi lên nhờ QQ cũng liên tiếp được chỉnh sửa, cập nhật. Chỉ có điều, lúc đó, tác giả của Coral QQ là Soff chưa hình dung được bản thân sẽ phải đón nhận tai họa gì.
Coral QQ là gì? Đó là phần mềm bên thứ ba được hình thành trên cơ sở của QQ Tencent, bao gồm tổ hợp cài đặt tích hợp bản Coral hoàn chỉnh và gói tăng cường Coral, một trình cắm plugin2. Thông thường, Coral sẽ không làm thay đổi mã code vốn có của chương trình QQ Tencent trong quá trình vận hành.
2. Plug-in, trình cắm: Là một bộ phần mềm hỗ trợ, thêm những tính năng cụ thể cho một phần mềm ứng dụng lớn hơn. Plug-in cho phép tùy biến các chức năng của một ứng dụng.
Người lập trình chính của “Coral QQ” là thầy giáo Trần Thọ Phúc (Soff Chen) thuộc Trung tâm Tính toán Đại học Khoa học Tự nhiên Bắc Kinh. Ngay từ năm 2003, Tencent đã gặp Trần Thọ Phúc và đưa ra cảnh cáo đối với ông. Sau đó, Trần Thọ Phúc đã viết bản cam kết hứa sẽ “đóng lại dịch vụ download liên quan đến phiên bản sửa đổi của QQ trên trang mạng cá nhân, xóa hết những nội dung có liên quan đến phiên bản sửa đổi này và ngừng phát tán nó, đảm bảo sẽ không đưa ra bất kỳ sửa chữa nào nữa đối với QQ của Tencent.” Có vẻ như mối ân oán giữa Tencent và Trần Thọ Phúc đã kết thúc. Nhưng plug-in tránh được vấn đề bản quyền nên Trần Thọ Phúc đã tiếp tục công việc nghiên cứu.
Nhờ sự cải biến của ông, Coral QQ có rất nhiều tính năng “hay ho”: có thể hiển thị địa chỉ IP cũng như vị trí địa lý của bạn bè trong danh sách, còn có thể chặn quảng cáo của Tencent, cũng có thể cài đặt nhắc nhở bằng âm thanh theo phong cách của MSN, ngoài ra, gói tăng cường còn cung cấp các tính năng cố định phong phú khác.
Chính nhờ hàng loạt tính năng thêm vào này khiến Coral QQ vừa ra đời đã được một số người dùng yêu mến. Mỗi lần Coral tiến hành cập nhật đều thu hút sự chú ý của người dùng, đây cũng chính là yếu tố giúp cho Soff có thể trụ được trên thị trường mạng Internet.
Nhưng khi đó, Mã Hóa Đằng không có biện pháp ngăn cản gì đối với Coral, bởi nó vốn không làm thay đổi bất kỳ chương trình nào của QQ nên đã tránh được vấn đề liên quan đến bản quyền. Tính năng vượt trội trong gói tăng cường của Coral lập tức được tải về với lượng lớn. Số liệu từ một số trang mạng cho thấy, nó thậm chí còn vượt qua lượng tải của chính phiên bản QQ gốc.
Ngày ngày đều phải đuổi theo phiên bản được cập nhật mới của QQ khiến Trần Thọ Phúc thấy rất nhàm chán. Sau đó, với tư duy về phần mềm cũng như tư tưởng về GAIM và Luma QQ, Trần Thọ Phúc bắt đầu phát triển Coral QQ 4.0.
Coral không ngừng cập nhật và phát triển, Mã Hóa Đằng cũng bắt đầu chú ý đến sự tồn tại của chương trình bé nhỏ này. Không còn khoanh tay ngồi nhìn nữa, ông phải đòi lại công bằng cho bản quyền của chú chim cánh cụt nhỏ.
Khoảng tháng 9 năm 2006, Tencent chính thức khởi kiện Trần Thọ Phúc vì hành vi xâm phạm quyền tác giả và cạnh tranh không lành mạnh. Sau thời gian thụ lý, tòa án tuyên bố Trần Thọ Phúc thua kiện. Mặc dù phải mất một thời gian dài phán quyết mới được công bố nhưng kết quả đã lọt ra ngoài từ sớm. Khi đó, vụ án này thu hút sự chú ý của nhiều người trong giới, những người lập trình phiên bản QQ sửa đổi khác cũng đang âm thầm theo dõi để thăm dò giới hạn của Tencent. Họ đã được một phen thất vọng bởi đối diện với vấn đề này, Tencent tỏ thái độ hết sức cứng rắn, thậm chí từ chối hòa giải nhằm thể hiện thông điệp mang tính răn đe của mình.
Sở dĩ Mã Hóa Đằng không tha thứ là vì chương trình Coral của Trần Thọ Phúc đã chạm đến lợi ích của Tencent. Đối với Tencent, phiên bản QQ sửa đổi của bên thứ ba thịnh hành khiến lượng người dùng của phiên bản QQ gốc ngày một ít đi, đã thế, các phiên bản QQ sửa đổi đều chặn quảng cáo của QQ. Mặc dù dịch vụ này không phải là hạng mục thu lợi chính của Tencent, nhưng hành vi trên vẫn ảnh hưởng đến lợi ích của Tencent cũng như của khách hàng quảng cáo. Ngoài ra, một số bản QQ sửa đổi gắn với phần mềm khác khiến người dùng không hiểu, đổ trách nhiệm cho Tencent.
Có lẽ vì những nguyên nhân nêu trên, Mã Hóa Đằng mới nhất định xử lý Coral QQ, phần mềm đang được đón nhận nồng nhiệt, có công nghệ tốt nhất.
Tuy vậy, khi đã biết rõ QQ phiên bản sửa đổi xâm phạm quyền sở trí tuệ của Tencent, tại sao vẫn có nhiều “bên thứ ba” tham gia như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì họ có thể đạt được nhiều lợi ích.
Lấy Coral QQ làm ví dụ, nó chủ yếu thu lợi thông qua trình cắm plugin (phần mềm hỗ trợ) được gắn vào. Với các phần mềm đang hot trên thị trường, nhà kinh doanh trình cắm plugin đều sẽ đưa ra điều kiện hậu hĩnh để tác giả của phần mềm gắn trình cắm plugin của họ vào. Mặc dù đơn giá cực thấp, nhưng số lượng người dùng mạng Internet Trung Quốc lên đến cả trăm triệu, chỉ cần mấy trăm nghìn người tải về là đã cho thu nhập lên tới mấy nghìn, mấy vạn tệ, chứ chưa nói đến lượng tải về của phần mềm hot như Coral QQ. Thống kê sơ bộ cho thấy, thu nhập bình quân theo năm của Coral QQ lúc bấy giờ lên tới mấy triệu Nhân dân tệ.
Rất rõ ràng, vụ án của Trần Thọ Phúc là lời nhắc nhở đối với những tác giả của phiên bản QQ sửa đổi đến từ bên thứ ba. Trong số các phiên bản QQ sửa đổi đương thời, chỉ có hai phiên bản nổi tiếng nhờ công nghệ là Coral QQ và Floating Cloud QQ, còn những cái khác, tác giả chỉ tiến hành một vài sửa đổi đơn giản đối với gói tăng cường của bản tích hợp Coral QQ. Giả sử sau này Coral QQ không cập nhật nữa thì những tác giả đó sẽ chuyển sang phiên bản khác.
Kết quả phán quyết cuối cùng: Trần Thọ Phúc phạm tội xâm phạm quyền tác giả, bị phạt tù ba năm và bị tịch thu 1,17 triệu Nhân dân tệ, cộng thêm số tiền phạt 1,2 triệu Nhân dân tệ, tổng số tiền phải nộp sau vụ án lên tới 2,37 triệu Nhân dân tệ.
Phần mềm Coral QQ đi vào dĩ vãng từ đó.
Sau Coral QQ, đội ngũ lập trình của Floating Cloud QQ cũng ý thức được rằng không thể tiếp tục “trò chơi” nên ngày 11 tháng 10 năm 2007, tác giả chính của Floating Cloud QQ là “RunJin” - “người đàn ông ga lăng điên cuồng”, tuyên bố rút khỏi việc khai thác chương trình Floating Cloud QQ. Điều này có nghĩa là thêm một bên thứ ba cung cấp QQ phiên bản sửa đổi có hàm lượng công nghệ cao rút khỏi vũ đài. Đương nhiên, một số tác giả của QQ phiên bản sửa đổi tiếp tục đi trên con đường này nhưng viễn cảnh phát triển của họ đều vô cùng mù mịt. Bởi vì khi lợi ích của Tencent bị xâm phạm, Mã Hóa Đằng sẽ không mềm lòng hay nhẹ tay, mà ra đòn phản kháng với những kẻ làm tổn hại đến lợi ích của chú chim cánh cụt nhỏ bằng thái độ cứng rắn nhất.
Thực ra, QQ Tencent khôi phục lại trạng thái ban đầu là điều mà phần đông người dùng mong muốn, bởi dù sao phiên bản sửa đổi của bên thứ ba vẫn luôn ẩn chứa một vài nguy cơ an ninh. Chỉ có thể nói chú chim cánh cụt nhỏ đã gây dựng được thương hiệu quá lớn nên mới hấp dẫn hàng loạt người mạo hiểm đến “đào vàng”.
CƠN PHONG BA CHỐNG LŨNG ĐOẠN VÀ ĐÁNH BẠC
Sau khi Mã Hóa Đằng dẫn dắt chú chim cánh cụt của mình từ một công ty “bình dân” trở thành gã khổng lồ trong ngành Internet, Tencent khó tránh khỏi việc bị “dán nhãn”, chẳng hạn, thường xuyên bị người ngoài ngành chỉ trích về hành động “lũng đoạn” và “sao chép”.
Tháng 5 năm 2006, Tencent gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân trung cấp số 1 thành phố Bắc Kinh với nội dung: số lượng người dùng đăng ký tin tức trực tuyến di động của Tencent bắt đầu sụt giảm rõ rệt từ tháng 7 năm 2005 do phần mềm PICA của Công ty Chưởng Trung Vô Hạn.
Công ty Chưởng Trung Vô Hạn thành lập năm 2004, là một công ty công nghệ cung cấp dịch vụ thông tin và tin tức di động đa phương tiện. Đầu năm 2005, Công ty Chưởng Trung Vô Hạn cho ra đời PICA, một phần mềm có tính năng rất giống với QQ, người dùng có thể đăng nhập vào QQ thông qua PICA.
Sau đó, Tencent phát hiện số người dùng đăng ký tin nhắn trực tuyến di động của mình không ngừng tụt giảm, qua điều tra đã rõ, là do Công ty Chưởng Trung Vô Hạn “phá đám từ bên trong”. Tencent bèn nộp đơn kiện Công ty Chưởng Trung Vô Hạn với lý do: công ty này xâm phạm quyền sở hữu tài sản và quyền tác giả phần mềm của Tencent.
Sau khi đơn kiện được gửi đi, Tencent không hề công bố ra bên ngoài, bởi Mã Hóa Đằng vốn có nguyên tắc làm việc thầm lặng, không muốn làm to chuyện. Điều khiến Mã Hóa Đằng bất ngờ là năm tháng sau khi ông nộp đơn tố tụng, Công ty Chưởng Trung Vô Hạn đột nhiên tuyên bố sẽ kiện Tencent vì tội lũng đoạn và cạnh tranh không lành mạnh. Giới truyền thông có liên quan cùng chung tay đưa tin khiến chuyện này đi đến mức độ ông không hề mong muốn.
Công ty Chưởng Trung Vô Hạn cho rằng trong phần mềm tin nhắn trực tuyến QQ, Tencent đã cố ý thiết kế một loại tường rào ngăn chặn các nhà kinh doanh tin nhắn trực tuyến khác “kết nối với nhau”, việc này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc “không được phép cự tuyệt các nhà kinh doanh dịch vụ điện tín khác kết nối với nhau” trong “Điều lệ điện tín”, đồng thời cũng vi phạm các quy định hữu quan là: “người kinh doanh cần tuân thủ nguyên tắc thành thật, giữ chữ tín, tuân thủ đạo đức thương mại đã được công nhận” trong “Luật chống cạnh tranh không lành mạnh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Ngoài ra, theo Công ty Chưởng Trung Vô Hạn, Tencent còn dùng các thủ đoạn gây áp lực với PICA cũng như một số đối thủ cạnh tranh muốn “kết nối” với phần mềm này, khiến quá trình trao đổi không được thông suốt.
“Kết nối với nhau” là một hình thức hợp tác giữa Yahoo và MSN. Lúc đó rất nhiều công ty liên quan đến lĩnh vực tin nhắn trực tuyến ở Trung Quốc ồ ạt gia nhập vòng tròn lớn này, chỉ duy nhất Tencent là không tham gia.
Lần này, Công ty Chưởng Trung Vô Hạn “lên tiếng cáo buộc” Tencent, yêu cầu Tencent gia nhập “công cuộc kết nối ” là một chiêu bài tương đối “cao tay” bởi công ty này đã dùng đến vũ khí pháp luật. Nhưng dù vậy, Mã Hóa Đằng quyết không chịu cúi đầu.
Tencent nhanh chóng ủy thác cho luật sư “đáp trả” đơn kiện của Công ty Chưởng Trung Vô Hạn. Trong phiên tòa, Tencent đã bày tỏ rằng nếu các nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn trực tuyến khác cũng yêu cầu Tencent “kết nối”, Tencent sẽ suy xét vấn đề từ góc độ của người dùng, sẽ thực hiện toàn diện việc “kết nối” trên nguyên tắc công bằng, hợp lý và bổ sung lẫn nhau.
Thấy Tencent có thái độ hòa nhã, cuối cùng, Tòa án Nhân dân trung cấp số 1 Bắc Kinh đưa ra phán quyết buộc Công ty Chưởng Trung Vô Hạn ngừng xâm phạm QQ qua phần mềm PICA và phải bồi thường cho Tencent hai triệu Nhân dân tệ. Mặc dù giành phần thắng trong vụ kiện này nhưng Tencent phải cam kết tham gia quá trình “kết nối”. Chẳng thể nói đây là một kết quả tốt nhưng nó cũng không phải là một kết quả tồi đối với Tencent.
Vụ kiện này kết thúc vào tháng 2 năm 2007, trong thời gian kiện tụng, Tencent còn gặp phải một sự vụ phiền phức khác.
Tháng 7 năm 2006, trên mạng lại xuất hiện một bài viết nặc danh có tiêu đề là “Lá thư công khai gửi tới lãnh đạo thành phố Thâm Quyến về việc Tencent liên quan đến đánh bạc”.
Liên quan đến đánh bạc? Đây không phải là một việc nhỏ. Chỉ mấy tháng sau, một số chương trình như “Phỏng vấn điểm nóng” bắt đầu “chĩa súng” vào Tencent, cho rằng Tencent lợi dụng đồng tiền ảo của mình như Q Point, Q Coin để thực hiện đánh bạc trá hình trên mạng. Q Point, Q Coin là một loại “tiền tệ” trên mạng Tencent, cư dân mạng có thể dùng loại tiền này để mua bất kỳ sản phẩm và dịch vụ cụ thể nào được phát hành trên mạng Tencent.
Trong các trò chơi QQ như 21 điểm (hay còn gọi là Black Jack), Showhand (hay còn gọi là Five Card Stud), ba nhà bài đều cần “điểm số” nhất định, “điểm số” này chính là Game Coin (tiền trò chơi). Làm thế nào để có được Game Coin? Thứ nhất, cạnh tranh với các đối thủ khác để đoạt lấy tiền của họ. Thứ hai, đổi bằng Q Coin.
Mặc dù Tencent quy định Q Coin là một loại tiền ảo, chỉ được phép sử dụng trên mạng, nhưng giá bán ra lại bằng với Nhân dân tệ, tức là 1 Q Coin tương đương 1 Nhân dân tệ, vấn đề xuất hiện từ đây. Có người hẳn nói, 1 Q Coin bằng với 1 Nhân dân tệ, nếu đánh bạc bằng trò chơi QQ thì có khác gì đánh bạc ngoài đời thực?
Thông thường, 1 Q Coin có thể đổi được khoảng 10.000 Game Coin, cũng có nghĩa bạn có thể đổi 1 Nhân dân tệ lấy 10.000 Game Coin. Nếu bạn bỏ ra mấy chục hoặc mấy trăm Nhân dân tệ trong thực tế, bạn sẽ là “triệu phú” trong trò chơi. Nhìn từ góc độ này, Tencent quả là biết cách kinh doanh khi giỏi nắm bắt “tâm lý người dùng”.
Q Coin đổi sang Game Coin có thể thỏa mãn một mức độ nào đó “lòng ham hư vinh” của số đông người chơi, khiến họ có cảm giác được “tiêu tiền như nước”. Tuy nhiên, đằng sau việc thua vài trăm nghìn hoặc vài triệu Game Coin, số Nhân dân tệ cũng tăng theo, số tiền này đương nhiên đều vào túi của Tencent.
Sau khi người chơi thắng cuộc và giành được Game Coin, có thể đổi sang Q Coin, sau đó lại mua sản phẩm hoặc dịch vụ trên mạng Tencent. Đổi lấy sản phẩm có thể coi là một “giao dịch” ở tầng khác của Tencent. Giá sản phẩm mà Tencent bán ra luôn cao hơn nhiều so với giá sản phẩm trong đời sống thực. Ví dụ, người chơi có thể dùng Game Coin đổi lấy điện thoại di động, nhưng trên thực tế vẫn là “mua về” bằng Nhân dân tệ, chỉ khác là người chơi không trực tiếp rút hầu bao ra mua mà thôi. Đây là một chiêu cao tay khác của Tencent.
Ngoài ra, trang chủ Tencent còn lấy hoa hồng trong mỗi trận “đánh bạc” của người chơi. Cụ thể, khi hai người chơi tiến hành một trận “đánh bạc”, một người thua 1 triệu Game Coin, người còn lại sẽ thắng được 1 triệu Game Coin. Lúc này, Tencent sẽ giữ lại 10% Game Coin, cuối cùng, người chơi thắng cuộc chỉ nhận được 900.000 Game Coin.
Những người có liên quan cho biết, Game Coin của Tencent được cung cấp không giới hạn, nên cơ bản không cần đầu tư tiền gốc, họ đang làm một cuộc kinh doanh “không gốc mà vạn lãi”. Chính vì thế, mới có người nhận định Tencent đang lợi dụng “Nhân dân tệ” trá hình, “xúi giục” người chơi đánh bạc.
Có những sự việc nêu trên thì mới có lá thư nặc danh kia. Tiếp theo đó, hàng chữ “Tencent liên quan đến đánh bạc” xuất hiện trên nhiều trang mạng, phương tiện truyền thông cũng tranh nhau đưa tin. Đài Truyền hình Trung ương cũng tham gia vào việc vạch trần hành vi “tổ chức đánh bạc” của Tencent.
Sau khi Đài truyền hình Trung ương nhập cuộc, Tencent nhanh chóng đóng cửa các trò chơi mang đậm “màu cờ bạc”.
Mã Hóa Đằng không muốn việc lần này lớn chuyện nên đã nhanh chóng đóng lại kênh đổi Game Coin sang Q Coin, khiến cho người chơi chỉ có thể mua Q Coin đổi thành Game Coin và tiêu hết số Game Coin trong các trò chơi, ở một mức độ nhất định, đây là một cách “bảo vệ chính mình”. Bởi khi Game Coin có thể đổi sang Q Coin, một số phần tử phạm pháp lợi dụng kênh hoán đổi tự do giữa Q Coin và Game Coin triển khai một loạt “giao dịch chợ đen” gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến Tencent. Khi Tencent tuyên bố Game Coin không thể đổi sang Q Coin nữa, loại giao dịch này dần biến mất. Tencent mặc dù bị truyền thông “nã súng” nhưng sau khi quét sạch “giao dịch chợ đen”, trò chơi của QQ đã trở nên “sạch sẽ” hơn nhiều.
CHÍNH SÁCH “GIẢM LƯƠNG GIẢM BIÊN CHẾ” GÂY CHUYỆN
Mặc dù Mã Hóa Đằng làm việc vô cùng cẩn trọng, tỉ mỉ nhưng vẫn xảy ra rắc rối với MSN, đối thủ quen thuộc của Tencent.
Vào một ngày của năm 2006, trên mạng Tianya xuất hiện một bài viết có tựa đề: “Tencent cắt giảm lượng lớn nhân viên”. Bài viết nói rằng nhận được một bức thư điện tử của Mã Hóa Đằng, trong thư, Mã Hóa Đằng cho biết sẽ biến thưởng quý thành thưởng năm và chỉ thưởng 60%, 40% còn lại sẽ được phát vào sau Tết. Ngoài ra, Công ty Tencent bắt đầu cắt giảm 5% nhân viên từ dưới lên, tức là những nhân viên không đủ năng lực chỉ có thể rời đi. Trong bài đó, người viết nhận định: Sự phát triển của Tencent không còn tốt như trước, cổ tức cũng chẳng có để chia.
Sau khi bài viết này đăng lên, cư dân mạng bàn tán sôi nổi, sóng gió cũng nổi lên. Rốt cuộc chuyện này là thế nào?
Sự thật là trước đó, Công ty Tencent bị MSN “đánh úp”, không ít nhân viên bị “dụ đi”. Có lẽ Tencent cho rằng đây là “báo ứng”, bởi trước đây, Tencent cũng mời Hùng Minh Hoa của MSN sang làm việc. Đứng trước vấn đề này, Mã Hóa Đằng nghĩ ra một cách, ông quyết định thực hiện chế độ lương thưởng mới và chế độ đào thải từ dưới lên. Một mặt, khen thưởng theo quý được đổi thành khen thưởng cuối năm, có thể tránh được hiện tượng nhân viên bỏ đi sau khi nhận thưởng quý. Mặt khác, chế độ đào thải 5% từ dưới lên có thể tạo dựng bầu không khí “cạnh tranh khốc liệt” có lợi cho sự phát triển của công ty.
Nhưng sự việc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mã Hóa Đằng. Khi Mã Hóa Đằng còn chưa công bố chính sách mới, bức thư điện tử xuất hiện bất ngờ đó đã đảo lộn toàn bộ kế hoạch của ông.
Nhân viên trong Công ty Tencent đồng loạt bày tỏ thái độ bất mãn, ai cũng “có ý kiến” đối với Mã Hóa Đằng nói riêng và bộ phận lãnh đạo cao cấp nói chung.
Dĩ nhiên, Mã Hóa Đằng hiểu rất rõ, nếu tình hình này kéo dài, sẽ làm dao động lòng quân, cộng thêm sự tham gia của MSN, Tencent chắc chắn sẽ chịu tổn thất. Trên thực tế, cách làm này của Mã Hóa Đằng không hề quá đáng. Việc đưa ra chế độ đào thải 5% từ dưới lên, thứ nhất là để đảm bảo lực lượng nòng cốt trong công ty, thứ hai là để Tencent ngày càng lớn mạnh, chứ không như người ngoài cho rằng đang “giảm lương giảm biên chế”.
Sau đó, Mã Hóa Đằng thay đổi kế hoạch đã định, nhanh chóng đưa ra phản hồi về việc “giảm lương giảm biên chế”, đồng thời đưa ra tuyên bố công khai. Trong bản tuyên bố, Mã Hóa Đằng nhấn mạnh: “Tencent không hề ‘giảm lương giảm biên chế’, mà là xây dựng chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển với hy vọng hoàn thiện hơn thể chế của công ty, nhằm xây dựng Tencent trở thành công ty quốc tế theo đúng nghĩa. ‘Giảm lương’ và ‘giảm biên chế’ hoàn toàn là chuyện bịa đặt, Tencent có cơ sở vững chắc, tình hình tài chính ổn định, hơn nữa chiến lược ‘Cuộc sống online’ ra đời trước đó đã có những thành tựu bước đầu, Công ty Tencent sao có thể vì chuyện nhỏ mà hy sinh cái lợi lớn?”
Đến đây, Tencent coi như vượt qua được khó khăn. Mã Hóa Đằng luôn thể hiện sự kiên trì và nhạy bén trong suốt quá trình phát triển của Tencent. Thái độ bình tĩnh khi gặp chuyện cũng như phản ứng nhanh chóng để tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề của Mã Hóa Đằng là đặc trưng của những nhà lãnh đạo ưa thích phong thái trầm tĩnh.
LỪA ĐẢO TRÊN MẠNG, NÊN TRÁCH AI?
Ngạn ngữ có câu: Cây to gọi gió lớn. Sau khi Mã Hóa Đằng biến Tencent từ một chú chim cánh cụt nhỏ bé thành chú chim cánh cụt hoàng đế phổng phao, “gió” cũng theo đó mà tới.
Do số lượng người dùng QQ không ngừng tăng, Tencent bị một số phần tử phạm pháp trên mạng nhòm ngó, kết quả là chú chim cánh cụt nhỏ bé trở thành một trong những nạn nhân điển hình của tội phạm trên mạng. Mã Hóa Đằng cho biết, ông lo ngại nhất là vấn đề an ninh. Trong bản báo cáo năm 2006 của Tencent, nâng cao an toàn cho người dùng được coi là hạng mục ưu tiên xử lý hàng đầu.
Tháng 12 năm 2005, trả lời phỏng vấn của “Tuần báo thời sự Trung Quốc”, Mã Hóa Đằng nói: “Tôi cảm thấy, nhìn từ môi trường lớn là hệ thống mạng Internet, đâu đâu cũng có tốt có xấu. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều nhưng cũng giống như xã hội hiện thực, vẫn sẽ xảy ra rất nhiều sự vụ lợi dụng điểm yếu của con người, như lừa đảo sau khi chiếm được lòng tin. Đây không phải là vấn đề công nghệ, mà là vấn đề trao đổi giữa người với người, phản ánh một hiện trạng tồn tại trong xã hội thực.”
Tin nhắn trực tuyến chỉ là một kênh thông tin. Mã Hóa Đằng chỉ cung cấp một công cụ và không gian cho đông đảo cư dân mạng, cũng giống như các nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử, không thể quản lý trực tiếp nội dung trong thư, chỉ có thể sử dụng một số biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhất định thư rác.
Dù rất khó giám sát tất cả nội dung, nhưng Tencent vẫn dốc sức tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục về lừa đảo cho cư dân mạng. Ở những vị trí dễ nhìn thấy trên giao diện QQ hay cửa sổ nói chuyện, thường xuyên xuất hiện cảnh báo nhắc nhở cư dân mạng phòng tránh bị lừa. Ngoài ra, Mã Hóa Đằng còn đưa ra hàng loạt biện pháp nâng cấp công nghệ và ưu việt hóa dịch vụ để tăng cường hơn nữa tính an toàn cho QQ.
Tháng 3 năm 2007, tại hội thảo “Luật hình sự liên quan đến mạng Internet và quyền trí tuệ”, Mã Hóa Đằng phát biểu: “Tội phạm kiểu mới trong lĩnh vực máy tính và mạng Internet liên tiếp xuất hiện. Phần lớn những hành vi phạm tội trên mạng mà chúng ta biết đến đều là thủ đoạn đánh cắp ‘tài khoản sử dụng dịch vụ Internet’ của người dùng. Những hành vi này làm rối loạn trật tự mạng, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống thực tế của mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể cảm nhận rõ một điều, những sự vụ phạm pháp kiểu này xảy ra liên tục, khó bề khống chế. Loại hành vi này có đặc điểm là khó phát hiện, nguyên nhân đến từ nhiều mặt như: môi trường xã hội, hệ thống pháp luật, kỹ thuật công nghệ, quản lý, giáo dục… Ví dụ, đối với rất nhiều hành vi phạm pháp trên mạng, pháp luật hiện nay còn khó định tội hoặc xử phạt quá nhẹ nên không có tác dụng trừng phạt và răn đe thích đáng. Thêm nữa, tiêu chuẩn đạo đức mạng chưa được xác lập, thiếu định hướng giáo dục chuẩn xác. Một số phần tử phạm pháp thực hiện hành vi xâm phạm trên mạng như tin tặc, tạo ra virus… lại được coi là ‘thiên tài công nghệ’, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của nhiều người.”
Ngày 8 tháng 1 năm 2007, để ngăn chặn hành vi trộm cắp trên mạng, Mã Hóa Đằng đã liên kết với bốn nhà cung cấp dịch vụ mạng nổi tiếng là NetEase, Kingsoft, Shanda, Nine Cities, đưa ra tuyên bố thành lập “Liên minh chống trộm cắp mạng” với mong muốn tấn công và trừng phạt nghiêm khắc hành vi trộm cắp của các tin tặc, bảo vệ an toàn tài sản trên mạng của người dùng. Mã Hóa Đằng cũng cho biết, ông cùng các đồng nghiệp khác kiên quyết đấu tranh với hành vi trộm cắp này bằng thái độ tích cực và tinh thần sáng tạo, nhằm xây dựng tốt, tận dụng tốt và quản lý tốt mạng Internet.
Trước mắt, về mặt vận hành, Công ty Tencent xác định trọng tâm là ba phương diện gồm: chú ý an toàn, ổn định và chất lượng mạng; trong đó, quan trọng nhất là vấn đề an toàn. Vì việc này, Mã Hóa Đằng triển khai hợp tác chặt chẽ với các công ty ngăn ngừa virus hàng đầu trong nước như King Soft, xây dựng Trung tâm An toàn QQ; ngoài ra, cũng kết hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, cùng tấn công những trang mạng gian lận, phi pháp và cả một số trang mạng quảng cáo xấu phương hại nghiêm trọng đến lợi ích của người dùng. Về mặt duy trì sự ổn định, Mã Hóa Đằng còn lên kế hoạch ưu việt hóa cả phần mềm lẫn phần cứng của hệ thống máy tính, từ đó đảm bảo chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, ông cũng thành lập Trung tâm trực 24 giờ, phát hiện hiện tượng bất thường sẽ lập tức xử lý.
Để đáp ứng yêu cầu về an toàn của người dùng QQ, giúp đỡ, hướng dẫn người dùng sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn, chuyên nghiệp hơn, Mã Hóa Đằng còn thiết kế “Lớp tự học về an toàn QQ”. “Lớp tự học về an toàn QQ” thực ra là một khóa học ảo trên mạng, lấy những trường hợp điển hình trên mạng làm ví dụ, kết hợp với nhiều lĩnh vực an ninh, cung cấp những bài học mang màu sắc cá nhân trên mạng và giảng giải các vấn đề cũng như cách xử lý trong lĩnh vực an ninh liên quan đến QQ dưới hình thức phim hoạt hình, vừa trực quan vừa hài hước.
“ĐẠI CHIẾN 3Q” VỚI NHIỀU LUỒNG Ý KIẾN
Tết Nguyên đán năm 2010 là dấu mốc khó quên đối với những cựu nhân viên của Qihu 360. Đúng ngày 30 Tết năm đó, Tencent mặc định gắn thêm “QQ Doctor” (một chương trình bảo vệ an toàn/diệt virus) vào máy tính của người dùng.
Thật ra, lãnh đạo cấp cao của Qihu360 không hề ngạc nhiên khi Tencent sản xuất phần mềm an ninh, bởi Mã Hóa Đằng đã dẫn dắt đội ngũ của ông mở rộng nghiệp vụ đến khắp các ngõ ngách trên mạng Internet, nhưng sự xuất hiện thần tốc của QQ Doctor, với Qihu360 là quá nhanh. Mặc dù lúc đó, Qihu360 xây dựng lại quy tắc trong ngành phần mềm diệt virus nhờ hình thức an toàn miễn phí, nhưng so với Tencent, Qihu360 rõ ràng chỉ là một công ty nhỏ.
Vốn dĩ sự việc này chẳng có gì đáng nói, nhưng tháng 5 năm 2010, “QQ Doctor” bỗng nhiên đổi tên thành “QQ Computer Protection (quản gia máy tính)”, rất giống với phần mềm “Vệ sĩ an toàn 360” cả về tính năng cũng như nội dung dịch vụ. Đến Trung thu năm đó, Tencent lại phát động đợt tấn công thứ ba qua việc mặc định gắn thêm phần mềm QQ Computer Protection cho người dùng ở các thành phố cấp 2 và cấp 3.
Hành động này của Mã Hóa Đằng thật không đơn giản, để QQ Computer Protection và QQ buộc chặt vào nhau chắc chắn sẽ vô cùng hiệu quả. Qihu 360 cũng hiểu rằng “QQ Farm (Nông trường)” đã thay thế trò chơi “Trộm rau vui vẻ” từng rất phổ biến, cờ và quân bài QQ đã thế chân trò chơi “cờ và quân bài Liên Chúng”, họ liệu có phải chịu số phận tương tự?
Ngày 27 tháng 9, Qihu 360 cho ra đời “Thiết bị bảo vệ riêng tư” dùng để giám sát xem phần mềm IM có xâm phạm quyền riêng tư của người dùng không. Kết quả cho thấy QQ có liên quan đến việc xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Tencent phủ nhận và quay lại chỉ trích trình duyệt 360 quảng cáo không chính xác.
Qihu360 không thể trơ mắt đứng nhìn thị phần khó khăn lắm mới giành được của mình bị Tencent cướp đi, nên họ quyết định sản xuất một sản phẩm mà Tencent khó bề sao chép. Cuối tháng 9 năm đó, Công ty Qihu 360 cho ra đời phần mềm “Vệ sĩ KouKou” với khẩu hiệu là “phản đối gắn thêm” và “sàng lọc quảng cáo QQ”. Giá trị lớn nhất của phần mềm này là giúp người dùng tùy ý lựa chọn có sàng lọc quảng cáo QQ hay không.
Sau khi tung ra chiêu phản công này, Qihu 360 đã động chạm đến mô hình thương mại của Tencent. Do vậy, đến ngày 3 tháng 11, trang chủ Tencent đăng một bức thư rất nổi tiếng là “Lá thư gửi tới người dùng QQ” với nội dung vô cùng đơn giản: Hoặc là sử dụng phần mềm 360 thì gỡ bỏ QQ, hoặc là giữ lại QQ và xóa bỏ phần mềm 360. Kể từ đây, “cuộc đại chiến 3Q” vốn diễn ra âm thầm đã chuyển sang trực diện.
Dưới áp lực phải “chọn một trong hai”, rất nhiều người dùng đành xóa hẳn phần mềm 360, bởi đối với họ, phần mềm diệt virus thì có nhiều, nhưng phần mềm tin nhắn trực tuyến dùng thuận tay nhất, quen nhất chỉ có mỗi QQ.
Vào ngày Tencent công bố lá thư yêu cầu “chọn một trong hai”, phần mềm “Vệ sĩ an toàn 360” bị giảm 20% lượng người dùng. Lúc đó, lượng máy tính cài đặt phần mềm “Vệ sĩ an toàn 360” đạt khoảng 200 triệu, điều này có nghĩa là chỉ trong một đêm, đã có 40 triệu người dùng gỡ bỏ phần mềm từng bảo vệ máy tính của họ, nhưng vẫn có một số người dùng lên tiếng với khẩu hiệu mang tính kêu gọi như: “Vệ sĩ an toàn 360 bảo vệ máy tính của tôi vô số lần, lần này đến lượt tôi bảo vệ bạn.” Nhưng nói cho cùng, Qihu360 vẫn là công ty nhỏ nên ngày 4 tháng 11 năm đó, buộc phải nhường bước thông qua hành động tuyên bố thu hồi phần mềm “Vệ sĩ an toàn 360” trên cửa sổ giao diện. Ngày 21 tháng 11, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc chính thức vào cuộc điều tra “đại chiến 3Q”. Nhờ các cơ quan hữu quan của Nhà nước hòa giải, hai công ty lần lượt công khai xin lỗi trước xã hội và tuyên bố khôi phục sự tồn tại cùng lúc của cả QQ và Vệ sĩ an toàn 360.
Chúng ta không thể không thừa nhận rằng phong cách của Mã Hóa Đằng ngày nay được hình thành từ chính quá trình nỗ lực năm xưa. Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, chỉ cần quy mô của nó lớn mạnh đến một mức độ nhất định, chắc chắn sẽ nảy sinh những tranh chấp thương mại với các đối thủ.
Ngày 14 tháng 10 năm 2010, Tencent khởi kiện Qihu360 vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi dùng Thiết bị bảo vệ quyền riêng tư xâm phạm QQ. Tháng 4 năm 2011, Tòa án tuyên bố Qihu360 thua kiện và phải bồi thường cho Tencent 400.000 Nhân dân tệ. Đến tháng 6 năm 2011, Tencent lại khởi kiện Qihu360 vì Vệ sĩ KouKou, phán quyết của tòa án lại là Qihu360 thua kiện và phải bồi thường cho Tencent 5 triệu Nhân dân tệ. Tháng 10 năm đó, tới lượt Qihu360 khởi kiện Tencent lạm dụng địa vị chi phối thị trường, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là thua kiện và phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng.
Người trong ngành cho rằng thực ra, quá trình diễn ra “đại chiến 3Q” quan trọng hơn kết quả. Trong cuộc chiến lê thê này, Qihu360 đã chiến đấu vì sự sinh tồn, điều đó cũng có thể xem là một thách thức đối với gã khổng lồ trong ngành mạng Internet - Tencent. Nếu không có cuộc đụng độ trực diện giữa Qihu360 và Tencent, có thể Mã Hóa Đằng vẫn tiếp tục mô hình vận hành là “sao chép + buộc chặt” và ở mức độ nào đó, không quan tâm cảm nhận của người dùng. May thay, thông qua cuộc “đại chiến 3Q”, Tencent đã nghe thấy tâm tư của người dùng và kịp thời điều chỉnh chính sách thương mại của mình.