“MẠNG MONTERNET” LÀ MỘT BÁU VẬT
Trên con đường dẫn dắt Tencent khai phá “mỏ vàng”, Mã Hóa Đằng vừa là nhà thám hiểm, cũng vừa là người được hưởng lợi: Một số nghiệp vụ được ông tìm thấy nhờ sự nhạy bén của một doanh nhân, một số khác là do thời cơ ban tặng. Trong lịch sử trưởng thành của đế quốc chim cánh cụt, những món quà do thời đại ban tặng nhiều không đếm xuể, trong đó, “mạng Monternet” là một ví dụ.
Mạng Monternet là gì? Trước khi nói về nó, không thể không nhắc đến SP. SP là viết tắt của Service Provider trong tiếng Anh, có nghĩa là “nhà cung cấp dịch vụ”, dùng để chỉ nhà cung cấp trực tiếp các ứng dụng trong nội dung dịch vụ Internet, chịu trách nhiệm khai thác và cung cấp dịch vụ phù hợp với điện thoại di động của người dùng trên cơ sở nhu cầu của họ.
SP chính là dịch vụ giá trị gia tăng di động. Xét từ góc độ doanh nghiệp triển khai dịch vụ, SP có thể phân thành hai loại lớn: Loại 1 là SP cổng thông tin điện tử, cung cấp nội dung dịch vụ tin nhắn bao gồm nhạc chuông, hình ảnh, tin tức, trò chơi; loại thứ 2 là SP chuyên nghiệp. Đây là những công ty chủ yếu làm về nghiệp vụ tin nhắn, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ gần giống với kiểu SP cổng thông tin điện tử. Nếu xét từ nghiệp vụ cụ thể, ưu thế của kiểu SP chuyên nghiệp là công nghệ không ngừng đổi mới và dịch vụ sáng tạo.
Ngoài ra, còn một loại hình SP nữa, là SP dự án, Tencent thuộc loại hình này. Khác với các nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn truyền thống khác, Tencent không có các dịch vụ thường gặp như hình ảnh, nhạc chuông, trò chơi…, mà chủ yếu dồn lực vào dịch vụ tin nhắn phái sinh từ phần mềm QQ có sẵn.
Tháng 4 năm 2000, lượng người dùng đăng ký QQ của Tencent vượt mốc 5 triệu; tháng 5 cùng năm, số lượng người cùng lên mạng tại cùng một thời điểm vượt hơn 100 nghìn người, lượng người dùng đăng ký lên tới hơn 10 triệu người.
Tháng 8 năm 2000, rất nhiều trang thông tin điện tử bị ảnh hưởng bởi “mùa đông giá lạnh” tràn đến ngành Internet, trong khi còn chưa kịp hồi phục hậu bong bóng dot-com. Nhưng chính trong lúc các doanh nghiệp cùng ngành thở dài ngao ngán, Tencent và Công ty Di động Quảng Đông Mobile lại ký Thỏa thuận Hợp tác, thông qua kết nối giữa mạng Internet và mạng di động Trung Quốc, cho phép người dùng QQ thực hiện kết nối tin nhắn ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào với người dùng mạng di động ở khu vực Quảng Đông qua tin nhắn QQ và tin nhắn di động.
Tháng 4 năm 2001, khi China Mobile và các SP tính toán thu nhập, Mã Hóa Đằng đã tích lũy được vốn kinh nghiệm trong nửa năm, và “kế hoạch thành lập mạng Monternet” đã cứu ông cũng như chú chim cánh cụt. Mã Hóa Đằng đã chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh với rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nhờ “Mobile QQ”.
Dịch vụ “Mobile QQ” tận dụng trọn vẹn mối liên kết giữa hệ thống GSM, SMS và WAP của công ty vận hành thông tin di động và hệ thống QQ của Tencent để người dùng điện thoại di động có thể trực tiếp trao đổi tin nhắn với người dùng QQ. Có thể nói, Mobile QQ là sản phẩm 3G đầu tiên trong lịch sử phát triển mạng Internet.
Năm 2001, nhờ nỗ lực tích cực của Mã Hóa Đằng, Tencent đã xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà mạng viễn thông ở tất cả tỉnh thành trong cả nước. Nói về điều này, Mã Hóa Đằng bày tỏ rằng phương thức kiếm lời đầu tiên của họ là dựa vào dịch vụ giá trị gia tăng mạng không dây, trong đó chủ yếu là Mobile QQ. Họ vẫn luôn nỗ lực theo cách này ngay cả khi mạng Monternet chưa xuất hiện.
China Mobile cho ra đời dịch vụ mạng Monternet, nhưng cũng không ngờ dịch vụ mạng Internet di động đầy sáng tạo này lại có thể cứu vớt hàng loạt công ty mạng Internet.
Kể từ ngày đầu tiên giới thiệu Mobile QQ với thị trường, Mã Hóa Đằng đã bắt tay ngay vào nghiên cứu để không ngừng mở rộng trải nghiệm của người dùng. Tháng 11 năm 2002, tại Hội nghị cấp cao về an ninh mạng Tây Hồ lần thứ 3, khi được hỏi về viễn cảnh phát triển của Mobile QQ, Mã Hóa Đằng đã phát biểu như sau: “Công ty Tencent vừa cùng Công ty China Mobile cho ra đời dịch vụ tin nhắn màu, có thể gửi hình ảnh QQ đầy màu sắc, sống động đến điện thoại di động. Sau này, Công ty Tencent sẽ còn cho ra đời các dịch vụ đặc sắc hơn nữa, khiến điện thoại di động cũng là máy tính, phương thức liên lạc cũng được đa dạng hóa.” Có thể thấy, với dịch vụ tin nhắn và Mobile QQ, Tencent đã trở thành bộ phận không thể thiếu của mạng Monternet với doanh số ở thời điểm cao nhất chiếm tới 70% tỷ trọng mạng Monternet.
Năm 2003, Mã Hóa Đằng cho rằng Tencent đã tìm thấy phương thức thu lời phù hợp với dịch vụ mạng không dây và dịch vụ giá trị gia tăng. Nhờ không ngừng mày mò và cải thiện, ông đã sở hữu mười hai dịch vụ thuộc năm loại hình lớn là: thông tin, giải trí, kết bạn và trò chơi. Sau này, cùng với sự ra đời của thương hiệu M-Zone, dịch vụ số liệu không dây của Mã Hóa Đằng lại tìm thấy hướng đi mới.
Dù hợp tác với nhà mạng viễn thông thuận lợi hay không, Mobile QQ vẫn mang lại cho Mã Hóa Đằng khoản lợi nhuận kếch xù, thậm chí còn chiếm khoảng một nửa lợi nhuận của cả công ty trong suốt thời gian dài. Còn China Mobile tận dụng QQ để nâng cao dịch vụ giá trị gia tăng số liệu của mình. Nhưng do chuyển hướng thành “chuyên gia tin nhắn di động”, họ đã khai thác dịch vụ Fetion và ngày càng hoàn thiện công nghệ này vào năm 2006.
Mặc dù Fetion được “nhà giàu” China Mobile khai thác, nhưng họ lại phải đối mặt với tình trạng đáng ngại là thiếu người dùng, vì thế China Mobile hy vọng có thể kết nối Fetion và hàng triệu người dùng QQ với nhau. Tuy nhiên, đề nghị này không phải là tin tốt đối với Mã Hóa Đằng. Lúc này, QQ của Tencent đã chiếm 60% thị trường tin nhắn di động, đương nhiên ông không muốn chia sẻ với người khác 7 triệu người dùng QQ của mình.
Điều khiến một số người trong giới cảm thấy ngạc nhiên là ngày 29 tháng 12 năm 2006, ngày cuối cùng trước khi China Mobile kết thúc hợp tác với tất cả những nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn không dây, Tencent bỗng tuyên bố ở Hồng Kông: Sẽ hợp tác với China Mobile khai thác Fetion QQ và chuyển người dùng Mobile QQ của họ sang Fetion. Dĩ nhiên, thỏa thuận liên quan giữa Tencent và China Mobile cũng kéo dài thêm nửa năm.
Năm 2008, số người dùng Fetion QQ cuối cùng cũng vượt mốc 10 triệu, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này và trải nghiệm dịch vụ, China Mobile tiếp tục hợp tác với Tencent. Nhưng vì tốc độ phát triển của Fetion ngày một nhanh, China Mobile sớm hay muộn cũng nảy sinh ham muốn kiểm soát ngày càng chặt nguồn thu nhập đến từ tin nhắn di động. Do đó, Tencent cũng kịp thời điều chỉnh sách lược, tránh cuộc chiến tranh giành thu nhập IM với một đại gia thông tin như China Mobile, và mở rộng sang nguồn thu phái sinh khác. Vài năm sau, một phần mềm tên là Wechat ra đời, lập tức làm rúng động ngành tin nhắn trực tuyến.
WECHAT, LỰC LƯỢNG MỚI TRỖI DẬY
Ngày 21 tháng 1 năm 2011, Tencent cho ra đời phần mềm Wechat, ứng dụng miễn phí chuyên cung cấp dịch vụ tin nhắn trực tuyến cho thiết bị thông minh. Cũng giống như số đông các phần mềm khác trên điện thoại thông minh, Wechat hỗ trợ tất cả nhà mạng viễn thông và hệ điều hành, hơn nữa còn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng qua mạng với dung lượng cực kỳ nhỏ. Ngoài ra, Wechat còn tích hợp các trình cắm plug-in dịch vụ như: Lắc điện thoại, Bình trôi, Không gian công chúng…
Wechat vừa ra đời đã nhận được sự yêu mến của đông đảo khách hàng di động. Ngày 29 tháng 3 năm 2012, lượng người dùng Wechat cán mốc 100 triệu chỉ sau 433 ngày!
Sau khi Wechat dần chuyển sang “mở”, rất nhiều người viết ứng dụng cảm thấy lo sợ. Kể từ sau “đại chiến 3Q”, Mã Hóa Đằng luôn hướng đến mục tiêu phát triển của Tencent là “mở”, đương nhiên không phải theo nghĩa tuyệt đối, mà là từng bước kết nối chặt chẽ các thành phần trong tổng thể mạng Internet với nhau bằng thái độ hòa nhã và tư duy xây dựng.
Mã Hóa Đằng cho rằng quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp mạng Internet của Trung Quốc không thành công. Giải thích cho nhận định này, ông nói: “Trong quá khứ, mô hình mạng Trung Quốc đều được sao chép từ Mỹ, không thể ‘đi ra ngoài’. Khi làn sóng mạng Internet di động quét qua toàn cầu, bản thân nhiều gã khổng lồ ngành Internet quốc tế cũng chưa chuẩn bị tốt, hoặc là bị hạn chế bởi PC vốn có hoặc bị liên luỵ bởi dịch vụ và thói quen mạng, họ rất khó tạo ra sản phẩm di động đặc thù. Hiện nay, tốc độ phát triển của mạng Internet di động và điện thoại di động ở châu Á còn nhanh hơn phương Tây, đem lại cơ hội nghìn năm có một cho doanh nghiệp mạng Internet Trung Quốc.”
Ngày nay, Wechat đã được Mã Hóa Đằng xem là một loại vũ khí thăm dò quá trình quốc tế hóa. Mã Hóa Đằng tin rằng tốc độ sáng tạo của Wechat sẽ vượt qua các sản phẩm cùng loại của Âu Mỹ. Các yếu tố như không gian mở, kết nối phương thức thương mại, trao đổi xã hội… đều là điểm độc đáo của Tencent.
Sự trỗi dậy thần tốc của Wechat tạo ra thách thức to lớn đối với dịch vụ tin nhắn, tin nhắn màu truyền thống của nhà cung cấp dịch vụ di động, thế nên đã xuất hiện “sự kiện thu phí Wechat”.
Bắt đầu từ cuối tháng 2 năm 2013, thông tin về việc nhà mạng viễn thông thu phí Wechat xuất hiện làm rúng động toàn ngành. Ngày 31 tháng 3 cùng năm, phát biểu tại “Diễn đàn Lĩnh Nam” lần thứ 2, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miêu Vu tuyên bố sẽ ủng hộ nhu cầu hợp lý của các nhà mạng viễn thông. Tin này sau khi được phát đi, lập tức vấp phải sự phản đối của đông đảo người dùng. Họ cho rằng bản thân đã phải trả phí mạng, nếu lại thu phí Wechat thì là hai tầng thu phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dùng. Ngày 23 tháng 4 năm 2013, trong buổi họp báo thường lệ, người phát ngôn Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trương Phong bày tỏ: “Dịch vụ mới của mạng Internet và Internet di động có thu phí hay không không phải do một bên quyết định, mà được quyết định bởi thị trường, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin sẽ kiên trì nguyên tắc ‘doanh nghiệp dịch vụ tự quyết định căn cứ theo tình hình thị trường.’” Lúc đó, sóng gió quanh việc thu phí Wechat mới tạm thời lắng xuống.
Có thể thấy, chủ trương “thu phí Wechat” được đưa ra khi các nhà mạng viễn thông bị rơi vào tình cảnh thu nhập ngày một giảm sút, nhưng đề nghị này lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dùng. Còn nhìn từ góc độ của Mã Hóa Đằng, ông biết rõ mối quan hệ trước mắt giữa Tencent và các nhà mạng viễn thông tương đối nhạy cảm, nhưng ông cho rằng Wechat và dịch vụ tin nhắn do các nhà mạng viễn thông khác cung cấp không hề giống nhau nên phương hướng phát triển trong tương lai thiên về hợp tác chứ không phải đối đầu.
XƯỞNG IN “TIỀN ONLINE”
Nhờ Mã Hóa Đằng mở rộng lĩnh vực hoạt động và huy động vốn cho Tencent thành công, chú chim cánh cụt phát triển từ “hộ nghèo” thành “nhà giàu”, không chỉ sở hữu khả năng hút tiền mà còn tăng thêm tính năng tạo tiền là bán Q Coin.
Q Coin viết tắt là QB. Tỷ giá hoán đổi là 1 Q Coin tương đương 1 Nhân dân tệ, giao dịch trên Mạng Paipai của Tencent thường được giảm 10%. Nó là một loại tiền ảo được ra đời bởi Tencent, dùng để thanh toán các dịch vụ như phí mua mã số QQ Xing, phí hội viên QQ…
Một số học giả cho rằng Q Coin tồn tại sẽ thay đổi trật tự tài chính của Trung Quốc với lý do được đưa ra là: Căn cứ “Điều lệ Quản lý Nhân dân tệ”, Nhân dân tệ là tờ tiền chính thức được quy định bởi pháp luật Trung Quốc, có số lượng hạn chế trong thực tế, vậy mà loại tiền ảo như Q Coin lại có thể phát hành không giới hạn, nên khi tiền ảo trở thành vật ngang giá thay thế cho Nhân dân tệ trong giao dịch mạng sẽ làm xáo trộn trật tự tài chính Trung Quốc. Ngoài ra, có người chỉ rõ, trong các cuộc đánh bạc bằng Game Coin ở trò chơi QQ, giá trị đặt cược thường rất lớn. Do Game Coin có thể tự do đổi sang Q Coin nên ở mức độ nào đó, Q Coin mang tính chất của “tiền chợ đen”.
Thật ra, Q Coin chỉ dùng để mua dịch vụ giá trị gia tăng của Tencent, cơ bản không thể bước vào hệ thống tài chính, ngày nay nói về cơn sốt Q Coin, chỉ có thể xem là một trận lăng xê nhiệt tình của cư dân mạng mà thôi. Dù gì đi nữa, đồng Q Coin do Tencent phát hành không phải là loại tiền tệ đúng nghĩa, vốn không có tính năng giao dịch khác. Hơn nữa, Tencent thực hiện chính sách với Q Coin là hoán đổi một chiều, tức là người dùng đã mua Q Coin thì không thể đổi lại về Nhân dân tệ.
Q Coin thịnh hành liên quan tới sự thiếu hụt phương thức thanh toán trong giai đoạn đầu của mạng Internet. Lúc đó, người chơi muốn thanh toán tiền mua thiết bị trò chơi chỉ có thể ra ngân hàng chuyển khoản, tương đối phức tạp, bởi riêng việc bán ra một thiết bị đã mất thời gian dài thảo luận. Sau đó, giao dịch Q Coin dần thay thế giao dịch truyền thống.
Nhiều người thực hiện giao dịch Q Coin bằng đủ các phương thức. Như vậy, đồng Q Coin được dùng vào những đâu? Có thể dùng Q Coin để đổi lấy điểm tích ở các diễn đàn khác nhau, để đổi lấy hàng hóa các loại, hay thanh toán tiền quảng cáo. Từ đó có thể thấy, ngày nay, mua bán Q Coin không chỉ liên quan đến dịch vụ do QQ cung cấp.
Trước nghi ngờ đó, một bộ phận cư dân mạng cho rằng nhận định này có phần thái quá bởi vì Q Coin vẫn chưa được coi là vật ngang giá, ở đây tồn tại vấn đề về lòng tin: Đó là buộc phải có một bên chủ động gánh chịu rủi ro trong giao dịch mạng. Thông thường, ngoài giao dịch gặp mặt trực tiếp, các giao dịch khác tỉnh đều phải tìm một trang mạng bảo lãnh mà hai bên cùng tin tưởng, mọi người đưa thiết bị và đồng Q Coin lên trạng mạng đó rồi cơ quan này sẽ thực hiện chuyển phát.
Q Coin đã được cư dân mạng yêu mến như vậy thì rốt cuộc Tencent đã phát hành bao nhiêu Q Coin? Tencent không thể công khai con số này bởi vì chẳng có cách nào thống kê.
Nếu căn cứ định nghĩa của ngành tài chính, tiền tệ là hàng hóa đặc thù đóng vai trò vật ngang giá cố định. Nhưng với tình hình thực tế của Trung Quốc, Nhân dân tệ là loại tiền tệ duy nhất do Nhà nước phát hành, vậy liệu Q Coin đã trở thành tiền ảo thông dụng trên mạng hay chưa?
Một số chuyên gia cảm thấy Q Coin chưa thể được xem như tiền ảo, mà chỉ là loại ký hiệu được một số cư dân mạng công nhận, nên nói Q Coin gây chấn động tới Nhân dân tệ là điều không thể, bởi tờ Nhân dân tệ trên thị trường chắc chắn sẽ không in nhiều hơn theo đà tăng thêm của Q Coin. Q Coin phát hành dựa trên sức mua, không liên quan tới hệ thống tài chính quốc gia.
Dù vậy, vẫn có một số người cho rằng Q Coin đã mang hình thù của tiền tệ, dần trở thành “tiền ảo” đúng nghĩa, chỉ cần Công ty Tencent có tiềm lực, việc gia tăng tính năng tiền tệ của Q Coin không quá khó khăn.
Trên mạng hiện nay có rất nhiều nhà phát hành tiền ảo, do lỗ hổng về pháp luật trong nước. Nhà nước không áp dụng bất kỳ biện pháp quản lý nào đối với họ vì không thể thống kê lượng phát hành. Có người dự đoán rằng hiện tượng này rất dễ gây ra lạm phát trên mạng, sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cư dân mạng và đánh mất lòng tin vào giao dịch mạng.
Bắt nguồn từ điều này, một số người làm trong ngành tư pháp cảm thấy cần phải có động thái để Ngân hàng Trung ương quan tâm hơn đến hậu quả của giao dịch tiền ảo và đưa ra quy định chặt chẽ về tư cách của chủ thể phát hành tiền ảo trên mạng.
Mã Hóa Đằng cũng điều chỉnh chính sách có liên quan đến Q Coin: Q Coin của Tencent và Game Coin sẽ không thể chuyển đổi với nhau nữa. Game Coin chỉ được tặng khi mua thiết bị trò chơi, như thế có nghĩa kênh lưu thông ngầm của đồng Q Coin trước đây sẽ bị đóng lại. Chính vì phần lớn Q Coin buôn lậu trên mạng đều do ăn cắp tài khoản mà có nên Mã Hóa Đằng kiên quyết ngăn chặn hành vi này. Ngoài ra, Tencent cũng tăng cường biện pháp kỹ thuật, quét sạch tận gốc loại hiện tượng gây xáo trộn trật tự giao dịch ảo trên mạng Internet.
DỊCH VỤ GIÁ TRỊ GIA TĂNG CHƠI THẬT ĐÃ
Cùng với quá trình Q Coin bị một số chuyên gia đưa vào “tầm ngắm”, sản phẩm ảo của Tencent cũng ngày một nhiều. Điều này thể hiện rõ nhu cầu của cư dân mạng đối với dịch vụ ảo trong thời đại Internet. Mã Hóa Đằng nắm ngay cơ hội này nên một lần nữa lập kỳ tích trên thị trường dịch vụ ảo.
Dịch vụ ảo lớn nhất của QQ phải kể đến QQ Show.
Vào một ngày trong năm 2002, khi một giám đốc sản xuất của Tencent là Hứa Lương đang khảo sát ở Hàn Quốc, bỗng phát hiện một trò chơi mang tên “Avatar” rất được yêu thích trên trang mạng Cyworld của nước này. Trong trò chơi đó, người dùng có thể thoải mái thay đổi tạo hình của các nhân vật ảo theo sở thích như kiểu tóc, trang phục, vẻ mặt…, trong khi những phụ kiện tạo hình phải trả tiền mua. Hứa Lương lập tức nhận ra, nếu đưa những nhân vật ảo này vào QQ để người dùng QQ thông qua nhân vật ảo thể hiện bản thân thì sẽ kiếm được lợi nhuận lớn.
Từ “Avatar” bắt nguồn từ tiếng Phạn (Ấn Độ) có nghĩa là “phân thân, hóa thân”, nên khi được dùng trong lĩnh vực mạng, nó trở thành danh từ đại diện cho các nhân vật ảo. Ngoài ra, “Avatar” cũng là tên gọi của một bộ phim khoa học viễn tưởng.
Mã Hóa Đằng cảm thấy đề xuất của Hứa Lương rất khả thi, bởi dịch vụ kiểu QQ Show giống như một sự gửi gắm, nó phản ánh hình ảnh mà mỗi người chúng ta mong muốn xây dựng trong mắt người khác. Việc này giống như mở rộng không gian tồn tại hay cũng có thể nói là mở rộng trải nghiệm về sự tồn tại của chúng ta vậy.
Dù Mã Hóa Đằng rất tự tin về tương lai của QQ Show, nhưng với tư cách là người đưa ra quyết định, ông không dễ dàng gật đầu, càng không chạy theo xu hướng một cách mù quáng hay sáng tạo viển vông, điều ông muốn là học tập cái hay của người khác rồi vượt lên. Để Tencent tiếp tục phát triển, Mã Hóa Đằng đã thực hiện nhiều thử nghiệm, cuối cùng phát hiện thấy Hàn Quốc và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa nên dễ tham khảo hơn so với các nước Âu Mỹ, từ đó, xác định Hàn Quốc là đối tượng học tập lâu dài.
Tháng 1 năm 2003, QQ Show chính thức ra mắt người dùng. Suy nghĩ lúc đó của Mã Hóa Đằng là phải kinh doanh QQ Show theo quy tắc của ngành thời trang. Ví dụ, trong ngành thời trang truyền thống, thương hiệu là yếu tố then chốt, thương hiệu sẽ phản ánh gu thẩm mỹ của một người. Trong khi QQ Show chủ yếu thể hiện gu thẩm mỹ của một cá nhân qua kiểu dáng trang phục, nên những thương hiệu ảo nổi tiếng như Nike có thể bắt gặp ở khắp nơi trong QQ Show.
Một thời gian sau khi QQ Show ra đời, Mã Hóa Đằng tìm đến những công ty nổi tiếng thế giới như Nike, đưa hình ảnh sản phẩm, trang phục mới nhất của các công ty này lên mạng, để người dùng tải về “mặc thử”. Đương nhiên, người dùng đăng ký có thể tận hưởng dịch vụ miễn phí. Do QQ sở hữu nền tảng là lượng người dùng khổng lồ, nên Tencent nhận được thiết kế từ những thương hiệu đình đám mà không tốn một đồng. Cuối cùng, Mã Hóa Đằng còn đòi phí quảng cáo của những doanh nghiệp lớn này, và đối phương hoàn toàn tình nguyện trả phí. Nhờ vậy, QQ Show mang đến thu nhập khổng lồ cho Mã Hóa Đằng.
Ngoài trang phục, phụ kiện, Mã Hóa Đằng còn hợp tác với giới giải trí để cùng khai thác hình ảnh trên QQ Show. Năm 2005, Tencent bắt tay với nhà sản xuất phim “Vô cực”, cho ra đời bộ tạo hình nhân vật trong “Vô cực” trên QQ Show. Về việc này, suy nghĩ của Mã Hóa Đằng là, do cuộc sống online của người dân Trung Quốc ngày càng giống thực tế nên việc đáp ứng nhu cầu giải trí của người dùng cũng ngày càng trở nên quan trọng, trong đó, điện ảnh là khía cạnh quan trọng nhất.
Lấy QQ Show là điểm khởi đầu, Mã Hóa Đằng tìm ra mô hình thương mại hoàn toàn mới ngoài giá trị gia tăng mạng không dây, ông gọi nó là “dịch vụ giá trị gia tăng mạng Internet”. Trên cơ sở này, Mã Hóa Đằng còn cho ra đời các dịch vụ và sản phẩm giá trị gia tăng khác như QQ Zone và QQ Pet.
Sự xuất hiện của QQ Zone đã khai sinh dịch vụ blog kiếm tiền quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc. Mặc dù nó là một loại dịch vụ ảo được sử dụng miễn phí nhưng vì muốn không gian của mình đẹp hơn, rất nhiều người dùng tiêu tiền để mua dịch vụ cao cấp hơn, nhờ vậy, QQ Zone thu được không ít lợi nhuận từ việc bán sản phẩm ảo.
So với QQ Show, khả năng “kiếm tiền” của QQ Zone càng lớn hơn. QQ Show chỉ có thể bán những thứ đồ chơi bé nhỏ như quần áo, đạo cụ và bối cảnh, trong khi QQ Zone có thể bán rất nhiều thứ từ những đồ vật lớn như bàn ghế đến những thứ nhỏ như hoa tươi. Những sản phẩm này làm cho không ít người dùng nảy sinh nhu cầu mua sắm, và cùng với hành trình ngày một thịnh vượng của blog, chúng cũng một thời bán chạy khắp mạng Internet.
QQ Pet không giống với QQ Show và QQ Zone, nó là sản phẩm được Mã Hóa Đằng tạo dựng theo nhu cầu tâm lý của người dùng. Ông biến chú chim cánh cụt nhỏ có dáng vẻ đáng yêu thành thú cưng ảo được mọi người yêu mến, không ít người dùng đã tốn tiền mua đồ cho nó. QQ Pet trở thành sản phẩm vàng của Tencent.
Với Mã Hóa Đằng, sở dĩ Tencent phát triển các loại hình mới như dịch vụ giá trị gia tăng cũng như trò chơi trực tuyến ra đời sau này hoàn toàn xuất phát từ cảm giác về nguy cơ sinh tồn của doanh nghiệp. Mã Hóa Đằng tin rằng cổng thông tin điện tử có thể giúp Tencent giữ chặt người dùng, trò chơi trực tuyến có thể giúp Tencent tăng cường sức hấp dẫn của thương hiệu, còn dịch vụ giá trị gia tăng có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của người dùng, nên ông sẽ không ngừng thăm dò tiếp con đường này.
QQ - VẬT DỤNG KHÔNG THỂ THIẾU
Kể từ ngày đầu tiên xuất hiện trên mạng, QQ của Tencent đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng mạng Internet Trung Quốc. Sự kết hợp hiệu quả giữa phần mềm này với điện thoại, máy tính trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân lúc đó.
Cùng với sự phát triển của công nghệ cao, chú chim cánh cụt nhỏ do Mã Hóa Đằng xây dựng dần biến thành cuốn danh bạ của mọi người, cho phép mỗi người đều có thể sở hữu tài khoản của riêng mình, có thể kết bạn với khắp nơi bằng tài khoản QQ.
Để đáp ứng nhu cầu đại chúng, Mã Hóa Đằng cũng không ngừng đổi mới chú chim cánh cụt nhỏ, liên tiếp cập nhật phiên bản mới để tính năng của QQ ngày càng đa dạng. Bởi thế, đã có người dùng xúc động nói rằng: “Trên QQ, một số người đến, một số người đi, nhưng QQ mãi tồn tại.”
Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay, QQ đã trở thành phương tiện trao đổi mạnh thứ ba của người Trung Quốc sau điện thoại bàn và điện thoại di động. Hơn nữa, xét về tần suất sử dụng, QQ thậm chí còn vượt lên trên.
Lên mạng, sử dụng QQ để nói chuyện, người ta dường như quên mất QQ là một sản phẩm mạng Internet, mà coi nó như một vật dụng thân thuộc hằng ngày. Dù muốn hay không, QQ đang đóng vai trò thiết yếu giống như nước và điện trong đời sống thường nhật, đã thâm nhập sâu vào cuộc sống của mỗi người dùng, khiến thế giới tinh thần cũng như thế giới vật chất của họ thêm phong phú.
WECHAT THAY ĐỔI CUỘC SỐNG
Cùng với quá trình ứng dụng Wechat mở rộng phạm vi, một số doanh nghiệp cũng ý thức được thời cơ thương mại to lớn ẩn chứa trong đó. Ví dụ, phần mềm gọi xe trên điện thoại di động từng thịnh hành một thời đã giúp ích cho không ít người. Ngoài ra, chính sách ưu đãi của một số ứng dụng mới trong Wechat cũng thu hút nhiều người dùng. Không chỉ thế, tìm việc qua Wechat, đi siêu thị bằng Wechat, thậm chí tìm người yêu qua Wechat có thể trở thành thói quen của mọi người trong tương lai không xa.
Phần mềm gọi xe đem đến sự thuận tiện cho những người đang vội vã hoặc không thông thuộc đường phố, và góp phần điều tiết đơn hàng thực tế cho xe taxi, từ đó, điều chỉnh hợp lý nguồn tài nguyên của xã hội. Ngoài ra, phương thức tiêu dùng như thanh toán qua Wechat được giới thiệu cùng thời điểm cũng đem lại tiện ích cho người dùng.
Cùng lúc đó, dịch vụ mua sắm và tuyển dụng qua Wechat được hình thành trên nền tảng công nghệ quét hình đã trở thành điểm mới lạ trong các ứng dụng trên điện thoại di động mấy năm trở lại đây.
Tuy nhiên, mua sắm trên mạng cũng tiềm ẩn một vài rủi ro về hàng giả và dịch vụ hậu mãi, cộng thêm thái độ thiếu trách nhiệm của một số hãng chuyển phát cũng gây ảnh hưởng tới cả quy trình, trở thành vấn đề đau đầu với cả người mua lẫn người bán.
Ngày nay, khi tính năng quét hình của Wechat ngày càng phổ biến, rất nhiều người tiêu dùng nhìn thấy một phương thức mua sắm mới, đó là chỉ cần quét mã của một sản phẩm nào đó bằng điện thoại di động là có thể tìm được rất nhiều thông tin liên quan, thậm chí có thể biết ngay sản phẩm đó là thật hay giả. Khi công nghệ mua sắm trong siêu thị trên Wechat ngày một hoàn thiện, hàng hóa từ siêu thị gần nhất được chuyển đến người dùng cũng sẽ trở thành một loại trải nghiệm mua sắm trực tuyến hoàn toàn mới.
Tính năng quan trọng nhất của Wechat là giao tiếp xã hội, mặc dù về mức độ bảo mật và tính chân thực của thông tin vẫn còn tồn tại một số vấn đề, nhưng qua quá trình không ngừng được hoàn thiện, ứng dụng sau này chắc chắn sẽ có độ xác thực cao hơn và đảm bảo an toàn mạng có hệ thống hơn, khoa học hơn.
So với QQ, điểm nổi bật của Wechat là có thể chia sẻ thông tin ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào, không bị giới hạn bởi việc có máy tính hay không. Thêm nữa, Wechat trực tiếp kết nối với tính năng chụp ảnh của điện thoại di động, có thể chia sẻ hình ảnh và clip với danh sách bạn bè, điểm này ưu việt hơn hẳn so với QQ. Wechat ngày càng chân thực, giúp con người cảm nhận cuộc sống rõ nhất có thể.
Đương nhiên, là một phần mềm mới, Wechat cũng tồn tại một vài khiếm khuyết khó tránh, đó là tính đóng kín khá cao. Thông thường trong một danh sách bạn bè, những nội dụng được chia sẻ và chuyển tiếp mà mọi người có thể nhìn thấy cơ bản đều chỉ xoay quanh một loại thông tin lớn, thậm chí còn có rất nhiều thông tin trùng lặp. Nhìn từ góc độ này, Wechat đã hạn chế tầm nhìn của người dùng trong cùng một cộng đồng có đặc điểm chung. Nhưng nghĩ cách khác, chính vì Wechat “đóng gói” những người cùng một phạm trù lại với nhau nên mới có thể tập trung sự chú ý có hạn của con người, khiến mọi người có thể tiếp cận rất nhiều thông tin quan trọng.
Sau khi Wechat ra đời, mức độ phụ thuộc của con người vào điện thoại di động càng tăng lên, vì thế mới xuất hiện khung cảnh bạn bè tụ họp mà người nào người nấy cắm đầu nghịch điện thoại. Đánh giá về việc này, có người nói một cách bi quan rằng kiểu giao tiếp xã hội mới đã làm mất đi ý nghĩa bản chất của giao tiếp xã hội, Wechat khiến những người xa lạ trở nên gần gũi, nhưng lại khiến những người thân quen trở nên xa cách. Tuy thế, cũng có người lại nhận xét đây là một thay đổi khó tránh trong giao tiếp xã hội hiện đại.
Liên quan đến Wechat, có rất nhiều tranh luận, nhưng chắc chắn có thể khẳng định một điều: Cho dù bạn dùng hay không dùng Wechat, nó vẫn ở đó, luôn tồn tại.
CÂU CHUYỆN VỀ “CHIM CÁNH CỤT BỐ” VÀ “CHIM CÁNH CỤT MẸ”
Mã Hóa Đằng là một nhân tài công nghệ, phần lớn thời gian tuổi trẻ của ông đều “ngâm” trên mạng, mỗi ngày ông lên mạng ít nhất ba tiếng đồng hồ, lúc say mê nhất, một ngày có thể lên mạng tới mười mấy tiếng. Sau khi thành lập Tencent, ông bận rộn công việc, thời gian lên mạng hằng ngày nhiều nhất cũng chỉ khoảng một tiếng.
Mã Hóa Đằng là dân kỹ thuật, công nghệ nên không có thời gian yêu đương. Có lẽ chính ông cũng không thể ngờ, chú chim cánh cụt bé nhỏ lại trở thành bà mối xe duyên cho mình và sợi dây tơ hồng thì dài tới cả ngàn dặm.
Vào một ngày tháng 5 năm 2004, một nhân viên của Tencent ở văn phòng Hồng Kông đến Thâm Quyến giao lưu, trao đổi công việc. Do nhân viên này không biết dùng QQ, Mã Hóa Đằng bèn dùng tài khoản cá nhân của mình đăng nhập vào QQ để dạy người đó cách kết bạn. Để thuận tiện cho việc kết nối, Mã Hóa Đằng nới lỏng hạn chế, đặt chế độ kết bạn “mở”, cho phép ai cũng có thể kết bạn với ông. Bỗng đâu, một cô gái xa lạ kết bạn với Mã Hóa Đằng.
Khi đó, cô gái hỏi Mã Hóa Đằng: “Xin chào! Anh là ai?” Mã Hóa Đằng trả lời một cách vô tư: “Tôi là bố của chim cánh cụt.” Cô gái cứ nghĩ Mã Hóa Đằng đang trêu mình, nên đáp lại một cách hài hước: “Vậy thì tôi là mẹ của chim cánh cụt.” Cô gái giới thiệu mình tên là Vương Đan Đình, là giáo viên Khoa Nhạc cụ dây và hơi thuộc Đại học Sư phạm Cáp Nhĩ Tân.
Ba tháng sau, Mã Hóa Đằng đi công tác tại Bắc Kinh, tình cờ Vương Đan Đình cũng tới Bắc Kinh lưu diễn, vậy là họ có cơ hội gặp mặt lần đầu tiên.
Hôm gặp gỡ, Vương Đan Đình nhận tấm danh thiếp từ tay Mã Hóa Đằng mới biết ông thật sự là “bố của chim cánh cụt”. Ấn tượng mà Mã Hóa Đằng lưu lại cho Vương Đan Đình là cách cư xử chân thật, thẳng thắn; còn ấn tượng Vương Đan Đình để lại cho Mã Hóa Đằng là phong thái tao nhã thanh lịch, cử chỉ khéo léo đúng mực.
Sau khi kết thúc công việc ở Bắc Kinh, hai người quay về thành phố của mình. Kể từ đó, mỗi buổi tối hoặc ngày cuối tuần, Vương Đan Đình lại ngồi bên máy tính đợi Mã Hóa Đằng lên mạng, nhưng vì Mã Hóa Đằng rất bận nên thời gian lên mạng cũng rất ít. Hai người “gặp nhau” liền trò chuyện vui vẻ suốt buổi. Dần dần, giữa đôi bên nảy sinh tình cảm, và họ lại tìm cơ hội gặp mặt vài lần.
Yêu Vương Đan Đình không lâu, Mã Hóa Đằng đã ngỏ lời cầu hôn cô. Vậy là hai người từ tình cờ gặp gỡ trên mạng đến quen biết và nên duyên chỉ trong khoảng thời gian hơn nửa năm. Mã Hóa Đằng đã tìm thấy một nửa của mình bằng chính công cụ kết nối do mình tạo ra.
Mã Hóa Đằng và Vương Đan Đình lựa chọn xây dựng tổ ấm ở Thâm Quyến. Phía trước ngôi nhà của hai vợ chồng vốn có một hồ nước nhân tạo, cảnh sắc rất đẹp, nhưng sau đó sinh ra rất nhiều muỗi khiến Vương Đan Đình ngày nào cũng bị muỗi đốt. Để người thương của mình bớt khổ, Mã Hóa Đằng mua lại cả hồ rồi cho lấp đất, cải tạo thành một khu vườn rộng, nơi sau này, Vương Đan Đình trồng rất nhiều loài cây.
Thấy Vương Đan Đình lấm lem bùn đất ngoài vườn, Mã Hóa Đằng luôn cảm thấy xót xa. Một ngày, ông bỗng nảy ra ý tưởng mới liên quan tới trồng trọt, và liền khai thác một trò chơi trực tuyến. Ông và đội ngũ kỹ thuật của công ty thảo luận suốt mấy ngày đêm, cuối cùng thông qua thử nghiệm, sau đó đưa ra giới thiệu với đông đảo người dùng. Đó chính là trò chơi QQ Farm từng làm mưa làm gió một thời.
Sau khi kết hôn, Mã Hóa Đằng thay đổi rất nhiều. Nếu Mã Hóa Đằng trước kia ngày nào cũng làm việc đến nửa đêm thì nay đã khác, thời gian tan làm của ông được đẩy lên sớm hơn, ông thường rời khỏi công ty và trở về nhà lúc chín, mười giờ tối. Dù vậy, Mã Hóa Đằng vẫn là một người làm việc điên cuồng. Mỗi sớm thức giấc, nhân viên của Tencent luôn nhìn thấy ngay thư điện tử về cải tiến sản phẩm của Mã Hóa Đằng và thời gian gửi thư thường là mười một, mười hai giờ đêm hôm trước.
Một thay đổi khác sau khi kết hôn là Mã Hóa Đằng bắt đầu chú ý phong cách ăn mặc. Nhờ Vương Đan Đình, ông dần hình thành khái niệm về thời trang. Nhờ đó, mỗi khi xuất hiện trước công chúng, ông trở nên tự tin, thời thượng và phóng khoáng.
Đối với Mã Hóa Đằng, Vương Đan Đình là hậu phương vững chắc và cũng là nguồn vui của ông. Mã Hóa Đằng cho rằng kết hôn với Vương Đan Đình khiến cuộc sống của ông càng ổn định vững chắc hơn.
Vương Đan Đình chia sẻ về mối quan hệ vợ chồng: “Có người nói, quan hệ nam nữ nên giống như hình tròn bị khuyết một góc vừa hay tìm được khối tam giác bù vào. Nhưng nếu khối tam giác đó lớn lên, chẳng phải hình tròn bị khuyết là bạn không chứa được nữa sao? Vì thế cả hai người đều nên là hình tròn, to hay nhỏ không phải vấn đề, quan trọng là có thể đồng hành cùng nhau.” Vương Đan Đình đã yêu Mã Hóa Đằng bằng sự thông minh, hồn hậu và chu đáo như thế, cô tận hưởng kiểu tình yêu vừa độc lập vừa nương tựa lẫn nhau giữa hai người, khiến cuộc sống lứa đôi luôn ngập tràn niềm vui và cảm giác mới mẻ.