ANH TRAI HỌ MÃ TỪ BI NUÔI HỔ
Đúng lúc chú chim cánh cụt nhỏ bé của Mã Hóa Đằng nổi lên trên bầu trời mạng Internet Trung Quốc, một phần mềm tin nhắn trực tuyến của nước ngoài cũng tiến vào thị trường này. Đó chính là MSN.
MSN là chương trình do nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet - Công ty Microsoft nổi tiếng “khai sinh” vào ngày 24 tháng 8 năm 1995, cùng thời gian phát hành với Windows 95. Người dùng có thể tải miễn phí chương trình từ trang mạng qua hòm thư MSN. Tính năng của MSN cũng rất đầy đủ, như trò chuyện, video và thông báo người dùng nhận thư điện tử…
So với QQ của Mã Hóa Đằng, MSN có ưu thế ở chỗ nó được tích hợp với hệ điều hành Windows nên người dùng không cần lo lắng việc giải phóng dung lượng ổ cứng. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, khi dung lượng ổ cứng còn rất nhỏ, đây là một lợi thế lớn. Do Trung Quốc có ít nhất 90% người dùng máy tính cài đặt hệ điều hành của Microsoft nên chương trình MSN cũng được chào đón và yêu mến.
Microsoft gắn MSN trong hệ điều hành là một hành vi lũng đoạn điển hình, rất nhiều người dùng mạng ở các nước Âu Mỹ từng kiện Microsoft, cho rằng đây là hành vi xâm phạm quyền lợi người dùng, nên Microsoft phải thu mình trên một số phương diện. Mã Hóa Đằng lúc đó chưa ý thức được kiểu lũng đoạn này, nếu không ông có thể khởi kiện Microsoft.
Đến tháng 10 năm 2001, Microsoft tiến sâu hơn một bước là cho ra đời phần mềm MSN Explorer phiên bản tiếng Trung, đồng thời vẫn gắn kèm liên kết của trang chủ MSN phiên bản tiếng Trung china.msn.com như thường lệ. Microsoft thể hiện rõ ý đồ muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Lúc đó, hệ thống máy chủ quản lý trang chủ MSN phiên bản tiếng Trung Quốc được đặt ở Mỹ. Tổng Giám đốc phụ trách MSN khu vực châu Á của Microsoft giải thích rằng: “Trung Quốc có nhiều quy định nghiêm ngặt đối với nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet nước ngoài, như vậy trang mạng của chúng tôi sẽ không gặp phiền phức về mặt pháp luật.”
Một loạt hành động này của Microsoft khiến Mã Hóa Đằng cũng như các nhà khai thác phần mềm trực tuyến khác không biết phải xoay xở thế nào. Dù phương tiện truyền thông lúc đó đưa tin về tham vọng của MSN khi vào Trung Quốc, nhưng đều bị Microsoft phủ nhận. Từ đó có thể thấy, Microsoft đã khảo sát rất kỹ thị trường Trung Quốc, họ không dễ dàng để lộ mục đích của mình nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh với những doanh nghiệp cùng ngành sau khi tiến vào thị trường mới.
Đối diện với sự xuất hiện bất ngờ của MSN, Mã Hóa Đằng không hề hoảng loạn, ông nói: “Có áp lực là việc tốt, chúng tôi sẽ tránh đối đầu trực diện với đối thủ.”
Ngày 24 tháng 10 năm 2002, tại Central Park, New York, Bill Gates tham gia lễ ra mắt MSN 8.0 ở thị trường Mỹ và Canada. Cùng lúc, Tổng Giám đốc phụ trách MSN khu vực châu Á của Microsoft cũng đến Bắc Kinh và có buổi gặp mặt với năm cơ quan truyền thông chuyên nghiệp, hoàn thành lễ quảng bá MSN đầu tiên ở Trung Quốc. Về chuyến thăm của Tổng Giám đốc phụ trách MSN khu vực châu Á của Microsoft, không ít người cho rằng Microsoft chắc chắn sẽ đẩy nhanh tốc độ tiến vào thị trường Trung Quốc. Nhưng những phỏng đoán này lại một lần nữa bị Microsoft phủ nhận.
Mặc dù Microsoft ra sức che giấu kế hoạch tiến quân nhưng có một sự thật khó phủ nhận là MSN đã trở thành phần mềm tin nhắn trực tuyến được giới thương nghiệp và giới trí thức Trung Quốc thường xuyên sử dùng. Song hành với công cuộc tiếp xúc trực tiếp khách hàng Trung Quốc, Microsoft còn không ngừng hoàn thiện MSN và cho ra đời phiên bản chính thức của MSN Messenger 7.0 vào ngày 7 tháng 4 năm 2005. Như vậy, mũi nhọn của MSN chĩa thẳng vào chú chim cánh cụt bé nhỏ của Mã Hóa Đằng.
So với QQ, MSN Messenger 7.0 có một điểm nổi bật mà Microsoft từng nhấn mạnh nhiều lần trước đây, đó là “thể hiện cá tính” và “triển lãm chính mình”. Đối với những người dùng thích thay đổi tên trên mạng, MSN Messenger 7.0 đem tính năng “hiển thị tên gọi” chia làm hai phần, một phần là tên gọi, một phần là “thông tin cá nhân”. Phần “tên gọi” hiển thị thông tin thực sự của người dùng, còn “thông tin cá nhân” lại thể hiện muôn kiểu cảm xúc của người sử dụng.
Điều khiến Mã Hóa Đằng cảm thấy bất lực là MSN Messenger cũng cho ra đời dịch vụ MSN Space tương tự như QQ Zone. Người dùng có thể thông qua MSN Messenger tạo ra một không gian cùng chia sẻ trên mạng thuộc về chính mình, triển lãm chính mình qua các cách thịnh hành như: nhật ký mạng, ảnh chụp, âm nhạc…, và qua đó, mở rộng trải nghiệm, tận hưởng cảm giác “tồn tại” mới mẻ và cả niềm tự hào về chính bản thân mình. Có thể nói, thế giới mà MSN xây dựng cho người dùng ngập tràn niềm vui. Ngoài những tính năng mới kể trên, MSN lập trình cho dịch vụ thư điện tử hotmail ngày càng ổn định và mượt mà hơn với thông điệp mang tính tiên phong “tin nhắn trực tuyến xuyên không gian, cả ngày chờ liên lạc trên mạng”, trở thành một phần mềm tin nhắn trực tuyến có nhiều điểm tương đồng với QQ.
Mã Hóa Đằng nhìn thấy rõ tình hình và dần nhận ra sự bất cẩn của bản thân. Mặc dù ông đã lường trước việc MSN được lưu trữ trong máy tính, nhưng lúc đó lại không cảm thấy MSN sẽ trở thành mối đe dọa với Tencent. Không ngờ, khi ông và Đinh Lỗi, Trần Thiên Kiều cạnh tranh trên thị trường tin nhắn trực tuyến thì MSN đáp cánh xuống Trung Quốc, dần phát triển từ một hạt mầm rồi nảy nở thành cây cao bóng lớn. Đến khi nhận ra, Mã Hóa Đằng phát hiện bản thân đã đứng dưới “bóng cây lớn” này.
Khi chưa tuyên bố MSN tiến vào thị trường Trung Quốc, ý định đầu tiên của Microsoft là tìm đối tác hợp tác. Suy nghĩ này giống hệt của eBay khi mới vào Trung Quốc. Chỉ khác là, eBay chính thức đặt trụ sở ở Trung Quốc thông qua con đường rót vốn đầu tư vào Eachnet, cuối cùng mua lại toàn bộ Eachnet. Microsoft không làm như vậy, mà đơn thuần tìm kiếm đối tác để cùng chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Trải qua một lượt khảo sát, cuối cùng, Microsoft lựa chọn Công ty TNHH Đầu tư liên hợp Thượng Hải. Nội dung hợp tác cụ thể là Microsoft và Đầu tư liên hợp Thượng Hải cùng thành lập một công ty liên doanh để đưa MSN vào Trung Quốc.
Có thể thấy, MSN đã có sự chuẩn bị đầy đủ trên tất cả mọi phương diện cho lần tiến quân vào Trung Quốc này, thậm chí còn xác định rõ đối thủ cạnh tranh là QQ. Hơn nữa, mỗi chi tiết mà Microsoft cải tiến MSN đều xuất phát từ sự theo dõi lâu dài đối với QQ, họ biết chắc sẽ gặp QQ trên con đường hẹp là sự kết hợp thương mại và giải trí, mở ra cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ trên thị trường tin nhắn trực tuyến.
“CUỘC THẬP TỰ CHINH” VỀ PHƯƠNG ĐÔNG CỦA MICROSOFT
Ngày 11 tháng 5 năm 2005, Bộ phận Internet của Microsoft chính thức tuyên bố, họ đã cùng Công ty TNHH Đầu tư liên hợp Thượng Hải thành lập công ty liên doanh đưa MSN tiến vào Trung Quốc.
Mã Hóa Đằng từ lâu đã đoán được sẽ có ngày MSN chính thức tranh giành miếng bánh thị trường với Tencent. Suy luận đó không chỉ căn cứ vào những mong muốn thi thoảng được Microsoft để lộ, mà còn là kết quả của quá trình quan sát và phân tích tình hình thị trường cùng những “động thái” của đối thủ. Chỉ có điều, thông tin này khi được chính thức công khai vẫn khiến Mã Hóa Đằng cảm thấy một chút áp lực. Cho dù QQ có ưu thế bản địa nhất định so với MSN, nhưng Microsoft sở hữu thực lực hùng mạnh trong thế giới mạng Internet, một khi họ quyết định đọ sức thật sự với chú chim cánh cụt bé nhỏ, ai thắng ai thua thật khó nói. Lúc này, việc duy nhất Mã Hóa Đằng có thể làm là tùy cơ ứng biến.
Ngày 2 tháng 6 năm 2005, một thông tin đáng kinh ngạc xuất hiện trên mạng: Chín đối tác hợp tác của MSN là Công ty TNHH truyền bá băng thông rộng Đông Phương thuộc Tập đoàn Truyền thông Tin tức Văn Quảng, Thượng Hải, trang mạng ccidnet, trang mạng MOP, trang mạng taobao, trang mạng ynet thuộc Tập đoàn Bắc Thanh, Englishtown, Thế giới Liên Chúng (ourgame), Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Chỉ Vân Thời Đại và trang mạng didibaba thuộc Tập đoàn Ô tô Thượng Hải SAIC cùng lộ diên. Cho đến giờ phút này, mọi người mới biết, từ lâu, họ đã trở thành cánh tay đắc lực giúp Microsoft tiến quân vào Trung Quốc.
Những đối tác mà Microsoft lựa chọn hầu hết đều là những trang mạng kiếm tiền tốt nhất trong ngành Internet Trung Quốc lúc bấy giờ, họ có dịch vụ thịnh hành nhất và đà phát triển mạnh mẽ nhất. Có thể thấy, Microsoft thực sự muốn tiến sâu vào Trung Quốc.
Thông báo thời sự phát đi cho thấy, chiến lược tiến công sang phương Đông lần này của MSN là để chuẩn bị cho ván cờ rất lớn tiếp theo.
Thách thức đến từ MSN khiến Mã Hóa Đằng lo lắng không yên, nhưng ông không hề hoảng loạn, bởi vì trong quá trình đối chọi với MSN, ông đã học được chiêu mới của đối phương. Trước đó, chính sách người dùng của Mã Hóa Đằng nhắm vào nhóm tuổi dưới hai mươi, bây giờ MSN đã đến, ông cũng phải giành từ tay đối phương nhóm người dùng là dân văn phòng cao cấp, như vậy mới có thể xây dựng cộng đồng người dùng hùng mạnh, từ đó triển khai cuộc chiến không nhượng bộ với MSN.
Trong một cuộc đối thoại trên truyền hình, Mã Hóa Đằng đã có đoạn phát biểu: “Nhìn từ thị trường thông tin, đối thủ cạnh tranh lớn nhất hiện nay của chúng tôi đúng là MSN. Thị trường tin nhắn trực tuyến là thị trường ứng dụng Internet cạnh tranh khốc liệt nhất mà tôi thấy hiện nay với hơn bốn mươi công ty lớn nhỏ khác nhau. Ngành này không có yêu cầu công nghệ quá cao, dễ học nhưng lại khó tinh thông. Giá trị của tin nhắn trực tuyến nằm ở cộng đồng người dùng, cộng đồng người dùng lớn, giá trị doanh nghiệp mới lớn. Vì thế nhất định phải ưu tiên phát huy ưu thế này.”
Mã Hóa Đằng thẳng thắn bày tỏ, bản thân ông cũng cảm thấy áp lực khi đứng trước thế tiến công của MSN. Từ đó, một câu hỏi được đặt ra cho Mã Hóa Đằng: Khi quyết đấu với MSN, rốt cuộc lợi thế cạnh tranh của QQ được thể hiện ở điểm nào?
Mã Hóa Đằng cho rằng người dùng mục tiêu của QQ nghiêng về giới trẻ Trung Quốc, nhóm người này có nhu cầu được kết bạn với người lạ. Trên phương diện này có thể thấy sản phẩm của MSN có những khác biệt: Nó kết hợp MSN và email, cách kết hợp đó cho thấy MSN chủ yếu phục vụ những người đã quen biết nhau, tính liên lạc được đặt cao hơn tính giao tiếp xã hội. Nhìn từ một góc độ khác, QQ thâm nhập “lên trên”, còn MSN phát triển “xuống dưới”. Một cái “lên trên” một cái “xuống dưới”, nhìn bề ngoài có vẻ không mấy liên quan đến nhau, nhưng nếu phân tích sẽ thấy, chiều “xuống dưới” của MSN và chiều “lên trên” của QQ là hướng về nhau trên cùng một làn đường, hai bên khó tránh khỏi cú va chạm khốc liệt, thực lực của ai mạnh hơn, người đó có cơ hội sống sót.
Đối mặt với tiếng còi cảnh báo của MSN, chú chim cánh cụt đã sẵn sàng chưa?
ĐỪNG NGHĨ TM KHÔNG PHẢI LÀ ĐẠN PHÁO
Trước khi MSN khiêu chiến, Mã Hóa Đằng cũng đã tiến hành khai thác sản phẩm phái sinh từ QQ, thiết kế một phần mềm gọi là BQQ, tức là QQ dành cho người dùng là doanh nghiệp.
Trải qua một thời gian tìm hiểu, Mã Hóa Đằng cho rằng sức cạnh tranh của phần mềm tin nhắn trực tuyến thể hiện ở việc kinh doanh khu vực người dùng và cộng đồng xã hội của tin nhắn trực tuyến chứ không phải lượng người dùng. Thị phần không ngừng mở rộng, BQQ hoàn toàn có thể từ lượng người dùng vốn có xâm nhập vào cộng đồng người dùng của phần mềm IM khác. Vì thế, nhìn từ góc độ này, cuộc cạnh tranh với MSN chưa chắc đã là việc xấu, chỉ cần Tencent có sách lược kinh doanh đúng đắn, vẫn có thể biến người dùng vốn thuộc về MSN thành người dùng của QQ.
Thật ra, kết luận này của Mã Hóa Đằng cũng đến từ sự phân tích người dùng QQ lúc bấy giờ. Trước khi trò chơi trực tuyến phổ biến rộng rãi, QQ là hoạt động chính của rất nhiều người dùng khi lên mạng, và cũng chính sự phổ cập của QQ mới kéo theo sự phát triển của các quán net Trung Quốc, và các quán net phát triển với tốc độ nhanh chóng cũng là đòn tấn công không nhẹ vào các đối thủ cạnh tranh của QQ, bởi không ít người dùng mạng do trải nghiệm chưa đủ nhiều chỉ biết đến QQ, không có khả năng phân biệt nó với các phần mềm khác. Tuy nhiên, mặt khác, do phần lớn người đến quán net đều là thanh niên chứ không phải người làm kinh doanh, nên QQ vô tình bị gắn mác “phần mềm IM bình dân”. Thậm chí ở một số công ty lớn, cổng QQ bị khóa, nhân viên không thể sử dụng.
Do vậy, QQ dường như trở thành dải ngăn cách giữa dân công sở và giới thanh thiếu niên. Chính vì nguyên nhân này, MSN mới có cơ hội tiến vào thị trường Trung Quốc, tác động không ít đến dân công sở nhờ đặc tính của sản phẩm là liên quan đến môi trường thương mại. Chỉ cần được một bộ phận người làm kinh doanh lựa chọn, MSN liền lan nhanh trong cộng đồng kinh doanh giống như một loại virus. Đặc điểm về nguồn tài nguyên của nó khiến rất nhiều người lựa chọn sử dụng công cụ này, nếu không, sẽ bị đẩy ra ngoài vòng cộng đồng xã hội của chính mình.
Nhưng hai phạm vi cộng đồng này không hề mâu thuẫn, đối lập với nhau, mà là đang trong quá trình không ngừng thay đổi. Sau khi học sinh trưởng thành, trở thành dân công sở, người làm kinh doanh, vẫn sẽ tiếp tục sử dụng QQ, đồng thời cũng lựa chọn MSN, từ đó khiến cho hai nhóm người vốn không liên quan với nhau lại đan xen và giao thoa. Đương nhiên, sử dụng QQ là một thói quen, còn lựa chọn MSN là do nhu cầu. Dù vậy, MSN vẫn sở hữu một vài ưu thế mà QQ không có.
Giao diện ứng dụng của MSN vô cùng ngắn gọn, đơn giản, lại không bị làm phiền bởi bất kỳ quảng cáo nào. Chỉ với hai đặc điểm này cũng đủ để khiến một số người dùng QQ chuyển sang MSN. Mã Hóa Đằng biết rằng những ưu thế mà MSN đang sở hữu Tencent khó đạt đến trong thời gian ngắn, bởi ông không thể xóa sạch toàn bộ quảng cáo. Hơn nữa, bản thân QQ mang trong mình tính giải trí nên cửa sổ rất khó ngắn gọn, đơn giản như MSN. Chính vì những yếu tố “bẩm sinh” này, chú chim cánh cụt nhỏ bé phải đứng trước nguy cơ chưa từng có. Đương nhiên, điều quan trọng hơn nữa là MSN có sự ủng hộ mạnh mẽ của Microsoft, cho dù đi sai một hai bước, vẫn có thể xoay chuyển cục diện. Còn Tencent không có bất kỳ bệ đỡ nào thì hoàn toàn khác, một khi mắc phải lỗi sai chí mạng sẽ thua thảm hại. Nhìn từ góc độ này, QQ buộc phải tiến quân vào nhóm người dùng cao cấp với tiền đề là duy trì đặc trưng mang tính bản địa và trẻ trung, nếu không sẽ chỉ còn đường rút lui, thất bại hoàn toàn trước Microsoft.
Lao vào một chiến trường cam go, dùng những tính năng sáng tạo của sản phẩm để thu hút người dùng mới, rồi thuận lợi giành quyền chủ động trên thị trường. Đó là viễn cảnh mà Mã Hóa Đằng và những người quan tâm đến sự phát triển của QQ hy vọng nhìn thấy. Vì thế, Mã Hóa Đằng đã “nổ súng” bắt đầu trận phản công kịch tính với tâm thái ung dung, tự tại.
Năm 2004, Mã Hóa Đằng cho ra đời phần mềm Tencent Messenger, gọi tắt là TM. Sản phẩm TM này, từ mục tiêu đến đặc trưng đều sinh ra từ nhu cầu cạnh tranh với MSN. Nếu QQ nhắm vào người dùng cá nhân thì TM là một phần mềm tin nhắn trực tuyến hướng đến doanh nghiệp. TM không hề thua kém MSN về mức độ phù hợp với môi trường văn phòng thương mại, điều này cũng thể hiện rõ chiến lược mới của Mã Hóa Đằng là chi tiết hóa từng sản phẩm.
Giống như QQ, TM cũng là phần mềm miễn phí, người dùng có thể đăng ký qua tài khoản QQ hoặc số điện thoại, nếu dùng số điện thoại thì sau khi đăng ký thành công sẽ tự động gắn liền với số điện thoại, mục đích của việc làm này là để tăng cường tính chân thực của “bạn bè”. Đồng thời, TM không có quảng cáo như trên QQ, giao diện cũng được thiết kế theo tông phóng khoáng, giản đơn. Không chỉ thế, TM còn có thêm tính năng văn phòng như “Thư ký thông minh”, “Trang vàng ngành nghề”, “Danh thiếp”…
Ngày 11 tháng 3 năm 2005, Tencent tuyên bố: Thu mua Foxmail và đưa toàn bộ đội ngũ của Foxmail về với Tencent, bao gồm cả người sáng lập Foxmail là Trương Tiểu Long. Trương Tiểu Long tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên Hoa Trung năm 1994, là thạc sỹ, đã làm công tác khai thác phần mềm và tổ chức quản lý trong thời gian dài. Trương Tiểu Long gia nhập Tencent, lập tức trở thành lãnh đạo cốt cán bên cạnh Mã Hóa Đằng, Wechat nổi trội sau này chính là tác phẩm tâm đắc của ông.
Về Foxmail, dường như cư dân mạng không ai không biết đến, bởi trên mạng Internet, nó là phần mềm xử lý thư điện tử duy nhất có thể cạnh tranh với Outlook của Microsoft.
Còn về nguyên nhân tại sao thu mua Foxmail, Mã Hóa Đằng đưa ra giải thích: “Chúng tôi thích công nghệ và khách hàng của Foxmail.” Người trong giới cho rằng việc Mã Hóa Đằng thu mua Foxmail có thể xem như việc MSN thu mua Hotmail năm nào, đều là sự kiện lớn để phát triển doanh nghiệp bằng cách tăng cường năng lực nghiệp vụ của bản thân.
Bấy giờ, cuộc chiến giữa Tencent và Microsoft ngày càng căng thẳng, hai bên không chỉ tăng cường sức mạnh bản thân, mà còn dè dặt, cẩn thận phòng ngừa đối phương “xuất chiêu”, kịp thời cải thiện nhược điểm. Không lâu sau đó, Tencent cho ra mắt phiên bản mùa Xuân năm 2006 của Tencent Messenger, hỗ trợ việc mở và đăng nhập các tài khoản email khác. So sánh với phiên bản cũ, mọi người sẽ thấy, phiên bản trước chỉ có thể mở và đăng nhập bằng tài khoản QQ, số điện thoại di động và địa chỉ hòm thư QQ. Đây rõ ràng là bước cải tiến quan trọng của TM Tencent về tính mở của phần mềm.
Sự ra đời của Tencent Messenger phiên bản mùa Xuân một lần nữa đẩy cuộc chiến giữa Tencent và Microsoft lên một cao trào mới. Mã Hóa Đằng hiển nhiên cũng muốn thông qua cải tiến về tính mở này để lôi kéo người dùng vốn yêu thích MSN sang vòng tay của TM.
Chính vì trước đây, Mã Hóa Đằng không quá coi trọng lĩnh vực thương mại nên mới cho MSN cơ hội tiến vào Trung Quốc. Nhưng mặt khác, đối với Mã Hóa Đằng, cục diện mới của chiến lược này cũng năm ăn năm thua. Điều có lợi là tập thể người dùng TM được nhận sự mở rộng mới; điều bất lợi là lượng đăng ký QQ giảm so với trước đây. Xét một cách tổng thể, chiêu này của Mã Hóa Đằng vẫn thuận lợi nhiều hơn bất cập, vì ông nhận thức rõ một sự thật: MSN đã thu hút được nhiều người dùng là nhờ phương thức dịch vụ không có rào cản đăng ký, hơn nữa sản phẩm được định vị là không dễ bị người khác làm phiền khiến giới văn phòng rất yêu thích. Do đó, nếu Tencent không hành động thực tế, QQ sẽ chỉ là đồ chơi của giới trẻ, từ đó mất đi người dùng thuộc tầng lớp cao hơn.
Nửa cuối năm 2005, cuộc chiến trên lĩnh vực tin nhắn trực tuyến giữa Tencent và Microsoft càng trở nên gay gắt và phức tạp. Lúc này, Tencent đã được niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Hồng Kông, có nền tảng vốn vững chắc. Nhìn sang MSN, mặc dù trang chủ của nó phát triển khá tốt ở Trung Quốc, nhưng so với một số trang thông tin điện tử bản địa, nội dung của MSN nghèo nàn hơn nhiều, khó lòng hấp dẫn nhiều người dùng. Vì thế, bất luận là thị trường tin nhắn trực tuyến hay trang thông tin mạng, ưu thế của Tencent vẫn vượt trội hơn Microsoft. Về điều này, Mã Hóa Đằng chỉ nói một câu: “Trước mắt, cạnh tranh trong ngành tin nhắn trực tuyến đã không còn chỉ là cạnh tranh giữa các phần mềm tin nhắn trực tuyến, mà là cuộc so tài về thực lực tổng thể.”
Tuy nhiên, dù Microsoft không chiếm thế thượng phong nhưng nó vẫn còn những “người anh em” có thực lực không vừa, điều này cũng trở thành mối lo trong lòng Mã Hóa Đằng. Để đối phó với chính sách chiến lược của Microsoft là liên kết rộng rãi, Mã Hóa Đằng triển khai kế hoạch mới nhằm đánh chặn MSN: Một mặt, điều chỉnh hình thức của trang chủ Tencent; mặt khác, kiếm tìm đồng minh chiến lược trong lĩnh vực chuyên môn.
Rất nhanh sau đó, Mã Hóa Đằng nhắm vào trang mạng có tên IT World Network, hai bên lập tức xác định quan hệ hợp tác ngay sau khi tiếp xúc. Ngày 18 tháng 8 năm 2005, trang IT World Network và Tencent tổ chức họp báo về hợp tác chiến lược ở Bắc Kinh, tuyên bố sẽ triển khai hợp tác sâu rộng với các nội dung như: bình luận tin tức, hướng dẫn mua sắm và thị trường, nỗ lực xây dựng một hệ thống đánh giá IT có sự tham gia sâu của cư dân mạng Trung Quốc.
Đương nhiên, hợp tác giữa Tencent và IT World Network chỉ là khúc dạo đầu trong cuộc chiến với MSN. Sau khi Mã Hóa Đằng dày công hoạch định, Tencent còn mở ra chiến tuyến khác trong lĩnh vực mới, dường như không cho MSN bất kỳ thời gian và cơ hội nào để tiếp tục phát triển, khiến nó chịu thua dưới đôi chân chim cánh cụt nhỏ bé ngay từ khi còn chưa đứng vững.
“KẾT NỐI”, TÔI KHÔNG HỨNG THÚ
Tencent và Microsoft đều có chiến lược cho riêng mình, công việc tiếp theo là làm thế nào đánh gục hoàn toàn đối phương. Dĩ nhiên, trước khi phát động cuộc “tiến công” quy môv lớn, hai bên đều áp dụng một vài bước mang tính thăm dò.
Microsoft là bên đầu tiên phát động cuộc tiến công thăm dò. Ngày 12 tháng 10 năm 2005, Microsoft và Yahoo đồng thời tuyên bố một thông tin mang ý nghĩa cột mốc: Cho phép người dùng MSN Messenger và Yahoo! được kết nối với nhau từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2006. Căn cứ thỏa thuận hợp tác đạt được giữa Microsoft và Yahoo, MSN và Yahoo! sẽ thực hiện kết nối với nhau trên phạm vi toàn cầu trong quý II năm 2006, cho phép tổng cộng khoảng 275 triệu người dùng của hai bên thực hiện trao đổi toàn diện.
Hành động hợp tác gây chấn động thị trường này chắc chắn đã gia tăng áp lực cho Mã Hóa Đằng. Nếu mười mấy nhà khai thác phần mềm tin nhắn trực tuyến của Trung Quốc kết nối với nhau, Tencent đứng ngoài vòng sẽ bị coi là bức rèm chắn duy nhất cản trở hàng vạn, hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ kết nối. Đến lúc đó, cuộc sống của Mã Hóa Đằng nhất định sẽ vắng bóng những ngày bình yên.
Tuy nhiên, hợp tác giữa Microsoft và Yahoo không dừng lại ở đó. Ngày 13 tháng 7 năm 2006, Microsoft và Yahoo một lần nữa đưa ra tuyên bố: Họ sẽ tận dụng thời gian mấy tháng để hoàn thành thử nghiệm giữa các công cụ tin nhắn trực tuyến ở nhiều thị trường, hơn nữa lần thử nghiệm này còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực như: clip, âm thanh và mạng không dây. Như thế có nghĩa là Yahoo và Microsoft sẽ cùng xây dựng cộng đồng xã hội tin nhắn trực tuyến cá nhân lớn nhất thế giới có số lượng người dùng lên tới hơn 350 triệu.
Tuy nhiên, hợp tác giữa Microsoft và Yahoo không làm lung lay vị thế của Tencent trên thị trường IM nội địa. Đó là vì Yahoo! không chiếm thị phần lớn ở Trung Quốc, nên cho dù nó hợp tác với MSN, tổng lượng người dùng của hai bên vẫn không đạt đến con số đủ để uy hiếp chú chim cánh cụt nhỏ. Đương nhiên, điều này không có nghĩa là Mã Hóa Đằng có thể “Kê cao gối ngủ kỹ”, vì nếu Microsoft và Yahoo làm cho “miếng bánh” này to hơn nữa, rất có khả năng QQ với tính năng chính là giải trí sẽ bị MSN với lợi thế trong môi trường văn phòng vượt mặt. Dù sao đi nữa, trong cộng đồng người dùng là dân văn phòng này, phần mềm IM có không gian rất lớn.
Nhưng nhìn từ một góc độ khác, Mã Hóa Đằng từ chối gia nhập hệ thống kết nối này là có lý? Dù gì Tencent đã phải trải qua mấy năm phát triển mới thu hút được nguồn tài nguyên người dùng quý báu, nếu dễ dàng hợp tác với nhà khai thác IM khác, đồng nghĩa với việc chia sẻ danh tiếng mà công ty khó khăn lắm mới tích lũy được. Đây là điều mà những người đã vất vả sáng lập Tencent khó lòng chấp nhận. Thêm nữa, tham gia kết nối sẽ làm đảo lộn kế hoạch xúc tiến TM của Mã Hóa Đằng. Vì thế, Mã Hóa Đằng nói: “Chúng tôi ủng hộ sự kết nối hợp lý, nhưng đòi hỏi QQ mở cửa vô điều kiện, để tất cả phần mềm tin nhắn trực tuyến có thể tận dụng người dùng của QQ để kiếm lời thì thật vô lý.”
Nhưng Microsoft đã xuất chiêu lớn, Mã Hóa Đằng buộc phải tiếp chiêu thôi. Ngày 27 tháng 10 năm 2005, nhân dịp Tencent thành lập tròn bảy năm, Mã Hóa Đằng công bố sản phẩm mới nhất của Tencent, QQ 2005 phiên bản chính thức. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Tencent tổ chức một cuộc họp báo để công bố sản phẩm phần mềm IM mới. Trong buổi họp báo, Mã Hóa Đằng đã nói: “Hiện nay, ngành tin nhắn trực tuyến của đất nước chúng ta đã bước vào thời đại tiêu chuẩn.”
Thông thường, “tiêu chuẩn” có hai tầng ý nghĩa, một là quy định cứng được ban hành bởi tổ chức hoặc người có uy tín, hai là quy định do con người cùng nhau ấn định mà thành. Suy từ câu nói của Mã Hóa Đằng, “tiêu chuẩn” mà ông nói ở đây thuộc tầng nghĩa thứ hai. Ẩn ý sau những câu chữ này thật không khó nhận ra: Mã Hóa Đằng hy vọng QQ trở thành tiêu chuẩn của thị trường phần mềm IM Trung Quốc.
Để tăng thêm sức thuyết phục, Mã Hóa Đằng còn viện dẫn quan điểm của một số chuyên gia: “Nhiều năm nay, ngành tin nhắn trực tuyến luôn phát triển mà thiếu tiêu chuẩn của ngành nghề. Với sự thúc đẩy của Tencent, không lâu sau, ngành tin nhắn trực tuyến của đất nước chúng ta sẽ bước vào thời đại mới với tiêu chuẩn ngành nghề được định nghĩa rõ ràng, công nghệ thực hiện một cách tự chủ và sản phẩm sáng tạo.” Tóm lại, ai có thể nắm được tiêu chuẩn của phần mềm IM, người đó sẽ giành được tương lai trong thị trường này.
Qua cuộc thảo luận về định nghĩa tiêu chuẩn có thể thấy, Mã Hóa Đằng cảm thấy Microsoft và Yahoo kết nối chính là một kiểu thăm dò đối với phần mềm IM, dù gì cũng chỉ là “thăm dò” chứ không phải “quy định”. Nói về điều này, Mã Hóa Đằng cho biết: “Tiêu chuẩn được quyết định bởi sản phẩm, sản phẩm được người dùng công nhận và có thể định hướng xu thế của cả ngành nghề, về mặt khách quan, nó đã trở thành tiêu chuẩn. Vì thế, nhìn từ điểm này, trước tiên, Tencent phải đi trước tất cả đối thủ cạnh tranh, chứng minh bằng sản phẩm của mình.” Câu nói “tiêu chuẩn được quyết định bởi sản phẩm” một lần nữa đã chứng minh Mã Hóa Đằng quyết tâm đứng bên ngoài hệ thống kết nối.
PHÁ HOẠI CƠ SỞ
Ngày 31 tháng 12 năm 2005, ngày cuối cùng của năm 2005, Mã Hóa Đằng bỗng nhiên có “động tác nhỏ” là thay đổi logo của trang mạng Tencent, logo với ba vệt màu xanh lục, vàng, đỏ bao quanh chú chim cánh cụt nhỏ thay thế cho hình ảnh chú chim cánh cụt QQ trước đây.
Việc đổi logo thực ra là để bày tỏ tâm nguyện của Mã Hóa Đằng: Ông hy vọng người dùng có thể thay đổi quan niệm lâu nay là “trang mạng Tencent = QQ”, để mọi người phân biệt rõ ràng trang thông tin điện tử với phần mềm tin nhắn trực tuyến. Mặc dù trong năm 2005, “Cuộc sống online” do Mã Hóa Đằng đề ra không thể hiện một lối đi rõ ràng, nhưng những nỗ lực mà Tencent bỏ ra khi tiến công sang lĩnh vực cổng thông tin điện tử thì rất rõ nét, điều đó đã cho mọi người thấy, Tencent không chỉ là phần mềm IM, mà các dịch vụ như thương mại điện tử, thư điện tử và công cụ tìm kiếm đều đã được đưa lên mạng.
Ý tưởng của Mã Hóa Đằng là kiến tạo một đế quốc mạng “to lớn mà toàn diện” và gọi mô hình này là “Cuộc sống online”, khiến đông đảo người dùng có thể thông qua Tencent giải quyết toàn bộ nhu cầu khi lên mạng. Mã Hóa Đằng đã nói về điều này như sau: “Cổng thông tin điện tử và tin nhắn trực tuyến nương tựa lẫn nhau, hoàn toàn có thể thay đổi phương thức truyền bá của trang thông tin điện tử truyền thống.” Câu nói này đã thể hiện rõ ràng quan điểm về cuộc sống trên mạng mà Mã Hóa Đằng luôn đề xướng.
Quan sát sự phát triển của ngành Internet hiện nay sẽ thấy, ngành Internet tương lai sẽ phát triển theo hai hướng: Một là kiểu truyền thông “to lớn mà toàn diện” tập hợp đủ các loại dịch vụ; hai là kiểu “nhỏ mà chất” có tính chuyên môn, tính mũi nhọn cao. Sau khi phân tích, so sánh, Mã Hóa Đằng kiên định dẫn dắt Tencent phát triển theo hướng đi thứ nhất.
Mã Hóa Đằng nói: “Để người dùng ở bất kỳ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào, với bất kỳ phương thức tiếp nhận nào đều có thể thỏa mãn nhu cầu của họ, Tencent cung cấp cho họ mọi thứ, bằng cách hoặc là tự sáng tạo, hoặc là nhanh chóng học hỏi cái đã có.”
Trên con đường Mã Hóa Đằng xây dựng thế giới mạng “to lớn mà toàn diện”, MSN giống như bức tường bỗng nhiên xuất hiện, chặn trước mặt Mã Hóa Đằng, ông không thể đi vòng qua bức tường ấy, mà chỉ trực tiếp đối đầu mới có thể thực hiện kế hoạch của mình.
Ngày 22 tháng 12 năm 2005, trang mạng khoa học công nghệ của Sina đăng một tin có tiêu đề: “Tencent lôi kéo Giám đốc dự án cao cấp của MSN là Hùng Minh Hoa về làm CTO”. Tin vừa đăng, lập tức thu hút sự quan tâm chú ý của người trong giới, nhưng một số người lại cho rằng đây là chiêu trò của Tencent, không cần phải để tâm. Cho dù là thật hay không, thông tin này đã tiết lộ một điều vô cùng quan trọng: Mã Hóa Đằng quyết tâm đấu với MSN đến cùng.
Hùng Minh Hoa gia nhập Microsoft năm 1996, từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc lập trình, tham gia công tác nghiên cứu khai thác rất nhiều dự án như: Windows2000, WindowsME, MSN, còn có thâm niên làm việc ở các công ty lớn như IBM và KTInternational. Trong thời gian làm việc ở Mỹ, Hùng Minh Hoa vẫn giữ liên hệ mật thiết với giới phần mềm Trung Quốc, thường xuyên truyền tải tư tưởng quản lý phần mềm tiên tiến nhất trên thế giới tới các đồng nghiệp trong nước thông qua hoạt động diễn thuyết hoặc tư vấn.
Xét về tương lai phát triển của Tencent ở trong nước, lựa chọn bắt tay với chú chim cánh cụt nhỏ của Hùng Minh Hoa là một hành động sáng suốt. Xét ở một góc độ khác, đội ngũ nghiên cứu khai thác công nghệ của Tencent ngày càng lớn mạnh, vì thế quy trình nghiên cứu khai thác cần phải được quản lý khoa học, hợp lý, đây cũng là nguyên nhân khiến Mã Hóa Đằng không ngừng gọi mời nhân tài ở khắp nơi. Được biết, giám đốc dự án chiếm 20% tổng số nhân viên sản xuất của Microsoft. Với kinh nghiệm từng có ở vai trò giám đốc dự án, chắc chắn Hùng Minh Hoa sẽ giúp Tencent nâng tầm quản lý quy trình của doanh nghiệp lên một bậc cao hơn.
MSN NÓI LỜI TẠM BIỆT
Ngày 28 tháng 8 năm 2014, người dùng MSN của Trung Quốc nhận được một bức thư điện tử được gửi tới từ Skype của Microsoft: “Dịch vụ Messenger ở khu vực Trung Quốc sẽ đóng cửa vào ngày 31 tháng 10. Nhưng không cần lo lắng, danh bạ liên lạc của bạn sẽ không bị mất. Tất cả dịch vụ tin nhắn trên mạng trong hệ thống đều chuyển hết sang Skype.”
Đoạn văn ngắn ngủi đã tuyên bố MSN, phần mềm từng được Microsoft gửi gắm nhiều hy vọng, chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc. Mất tổng thời gian hơn chín năm kể từ khi chính thức tiến vào Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2005 đến khi quyết định rút lui vào năm 2014, nhưng cuối cùng, MSN vẫn không thể vượt qua QQ của Tencent.
Khi mới vào Trung Quốc, MSN nhanh chóng thu hút hàng trăm triệu người dùng, trở thành phần mềm tin nhắn trực tuyến ngang ngửa với QQ. Nhưng trải qua gần mười năm phát triển sóng gió của mạng Internet, Microsoft lại vẫn vững tin vào quy định “công ty lớn, người thắng cuộc có được tất cả” trong ngành phần mềm, mà không tiến hành nội địa hóa và cải tiến MSN từ khâu cơ bản, cuối cùng, bị quy luật “công ty nhỏ - một điểm đột phá” của ngành mạng Internet Trung Quốc đánh bại hoàn toàn.
Tóm lại, ba nguyên nhân dẫn đến thất bại của MSN là:
Thứ nhất, MSN thiếu quan tâm tới nhóm người dùng mới nổi. Microsoft cho rằng MSN là một sản phẩm bên lề, không nằm trong dòng chảy chính. Quan niệm này khiến toàn bộ đội ngũ thiết kế, khai thác của MSN rất khó giành được nguồn tài nguyên ưu việt nhất trong nội bộ Microsoft nên đã lãng phí “mười năm vàng” trong phát triển Internet. Do MSN thiếu ý thức nội địa hóa, dẫn đến phiên bản tiếng Trung Quốc chỉ là được dịch từ bản gốc tiếng Anh, rất nhiều ứng dụng của phần mềm không phù hợp với nhu cầu của cư dân mạng Trung Quốc, nên không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu trao đổi trực tuyến và giao tiếp xã hội của họ. Đặc biệt là khi nhóm người dùng đầu tiên của MSN dần già đi, thế hệ mới lớn như 8X, 9X hay 2000 lại không hứng thú với MSN. MSN cũng thờ ơ và không tuyên truyền tới nhóm người mới này khiến số lượng người dùng luôn trong trạng thái “chỉ giảm không tăng” suốt thời gian dài, thất bại chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thứ hai, MSN đã lựa chọn phương thức kinh doanh sai lầm. Sau khi tiến vào Trung Quốc, MSN từng thử đổi mới phương thức kiếm tiền bằng cách tạo kênh truyền hình, tung quảng cáo có gắn nhãn mác, nhưng hiệu quả không như mong muốn, vừa không đáp ứng nhu cầu của đơn vị quảng cáo, vừa không hấp dẫn được người dùng, cuối cùng dẫn đến cục diện “chẳng vừa lòng ai”. So với đó, các chính sách kinh doanh của QQ như chế độ đẳng cấp, tích điểm Q Coin, QQ Zone lại phù hợp với nhu cầu của người dùng trẻ tuổi, nên số lượng người dùng không ngừng tăng.
Thứ ba, tính năng của sản phẩm không hấp dẫn. Mặc dù MSN và QQ không khác nhau về tính năng tổng thể, nhưng MSN luôn phản ứng khá chậm chạp với xu hướng ngành nghề như mạng xã hội và mạng Internet di động, hơn nữa, tính năng trò chuyện đơn nhất của nó cũng ngày càng khiến người dùng cảm thấy nhàm chán. Điều này khiến người dùng thường xuyên ngày một ít, số lượng quảng cáo có thể ký kết cũng liên tục giảm, dẫn tới thiếu hụt nguồn vốn thúc đẩy nghiên cứu, khai thác sản phẩm suốt thời gian dài. Hơn nữa, khi các doanh nghiệp cùng ngành phần mềm IM cho ra đời tính năng gửi tài liệu ngay trong lúc không lên mạng, trò chuyện video thì MSN vẫn giậm chân tại chỗ, xem nhẹ các tính năng truyền gửi tài liệu và âm thanh.
Từ sau năm 2006, MSN bắt đầu thêm vào các công cụ như: hòm thư điện tử, ổ lưu trữ trực tuyến, blog trong chương trình cài đặt, đóng gói thành gói phần mềm tên là “Windows Live”, khiến người dùng phải cài đặt những phần mềm không cần đến. Cộng thêm tình huống ngoài ý muốn như thường xuyên rớt mạng, cài đặt thất bại khiến hình ảnh sản phẩm của MSN tuột dốc không phanh. Sự kiện “ảnh MSN” virus Worm năm 2007 khiến nó trở thành đối tượng mà người dùng muốn vứt bỏ.
Thất bại của MSN cho chúng ta bài học gì?
Một, sáng tạo mới là con đường để tồn tại. Trong thời đại mà sản phẩm mạng Internet cập nhật liên tục, một phần mềm chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của người dùng khi không ngừng sáng tạo, tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm. So với đó, sản phẩm thay thế MSN là Skype có thể đứng đầu thị trường phần mềm IM toàn cầu trong thời gian dài với bí quyết thành công là thực hiện cuộc gọi từ máy tính tới máy tính, giảm thiểu các hành vi khiến người dùng thấy phản cảm như phần mềm mặc định, quảng cáo mặc định.
Hai, xác định rõ chính sách kinh doanh chiến lược mới là lối ra. Đối với phần mềm IM, thị phần là yếu tố quyết định thành bại và phương thức kinh doanh là mạch sống. Thị phần của MSN luôn không thể vượt qua QQ bởi vì Microsoft chưa bao giờ coi trọng sản phẩm miễn phí.
Mặc dù MSN từng xác định người dùng mục tiêu là cộng đồng người làm trong doanh nghiệp, nhưng do chưa nghiêm túc nhìn nhận các quy tắc của thị trường mạng Internet như “không tăng chỉ có giảm”, “chỉ có thứ nhất không có thứ hai” nên đã bị QQ của Tencent “nuốt” từng chút một thị phần trong quãng thời gian gần mười năm. Nhất là khi bước vào thời đại mạng Internet di động, xu hướng tích hợp phần mềm IM và thiết bị đầu cuối không dây càng khiến không gian của MSN bị thu hẹp. Thế nên, đối thủ cạnh tranh từng muốn đánh gục QQ đã trở thành dĩ vãng như vậy.