KHÔNG ĐƯỢC COI TRỌNG VÌ KHÔNG XINH
Trước nay, cổng thông tin điện tử là lĩnh vực yêu thích của không ít người khởi nghiệp từ mạng Internet, bởi vì nội dung của cổng thông tin điện tử phong phú, đa dạng nên cực kỳ cuốn hút người dùng. Sau một thời gian, cổng thông tin điện tử Trung Quốc dần phát triển từ lộn xộn thành thống nhất, trong đó, vững mạnh nhất là ba trang mạng gồm: Sina, Sohu và NetEase.
Cục diện kiềng ba chân này khiến phần lớn đối thủ tự biết khó khăn mà rút lui, không dám tranh giành cao thấp với các ông lớn. Nhưng đối với Mã Hóa Đằng, cổng thông tin điện tử ông nhất định phải làm, hơn nữa còn phải giành được thị phần từ tay ba gã khổng lồ kia.
Tại sao Mã Hóa Đằng muốn làm bằng được cổng thông tin điện tử? Cổng thông tin điện tử là nơi duy nhất có thể cung cấp nhiều cách kiếm tiền đa dạng trên thị trường Internet. Nó có thể tích hợp rất nhiều nội dung như: trò chơi trực tuyến, tin tức thời sự và quảng cáo, những nội dung này đều đem lại doanh thu dồi dào và ổn định cho trang mạng. Một người sở hữu hàng trăm triệu người dùng như Mã Hóa Đằng đương nhiên sẽ không bỏ qua con đường kiếm tiền này. Do vậy, Mã Hóa Đằng xây dựng “Kế hoạch 10 năm” lấy QQ làm trọng tâm, mục tiêu là xây dựng một cổng thông tin điện tử có nội dung phong phú như trang tin, giải trí kết bạn, mạng quy mô lớn, thương mại điện tử cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng khác.
Với ý tưởng của Mã Hóa Đằng, cổng thông tin điện tử sẽ khiến kết cấu của Tencent đan xen ngang, dọc; trong đó, “dọc” chính là trang tin. Cổng thông tin điện tử tập hợp lực hướng tâm của QQ ở mức lớn nhất, tạo nên một không gian tổng hợp với nguồn tài nguyên khổng lồ, từ đó khiến các dịch vụ phái sinh của QQ được phát huy một cách đầy đủ.
Ngày 20 tháng 11 năm 2003, Mã Hóa Đằng chính thức giới thiệu “mạng Tencent” với người dùng, nó xuất hiện với tư cách là một trang mạng giải trí, được chia làm nhiều mục như: thời sự, thời trang, giải trí, du lịch, thể thao, trò chuyện. Ngày 21 tháng 11, Tencent công bố: Mạng Tencent (qq.com) đã gia nhập thị trường cổng thông tin mạng phát triển nhanh chóng gồm các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ.
Thật ra, cổng thông tin điện tử mà Mã Hóa Đằng tạo ra có một số khác biệt so với những trang tin truyền thống, bởi vì mục tiêu của nó là giải trí, nên không tránh khỏi một số hoạt động tương tác và giao lưu, không giống với đặc điểm của các cổng thông tin tìm kiếm phổ biến thường bị động hơn.
Trong thời đại thiếu cổng thông tin, mạng Internet tồn tại một “luật rừng” vô cùng khắc nghiệt: chỉ có thứ nhất, không có thứ hai. Trong lĩnh vực cổng thông tin, không thể xuất hiện khung cảnh trăm hoa cùng đua nở, có người đứng vững thì ắt có người phải hậm hực rời đi. Với tác động của “thắng làm vua” và “hiệu ứng Matthew”3, cuộc cạnh tranh trong thị trường cổng thông tin điện tử càng cam go vô cùng. Lúc đó, có chuyên gia trong ngành chỉ rõ: Con đường cổng thổng tin điện tử của Tencent chắc chắn sẽ gập ghềnh. Giải thích về điều này, chuyên gia đưa ra lý do là: Ba trang mạng Sina, Sohu và NetEase chiếm giữ tốp 3 dài kỳ, qua con đường phát triển của các trang này có thể thấy, ưu thế đi trước và ưu thế đang có vô cùng quan trọng, người đi trước có thể cản đường người đến sau, trong khi người đến sau không thể tìm ra cách tốt hơn, nên khó lòng cướp được tài nguyên trong tay người đi trước.
3. Hiệu ứng Matthew: Nội dung chính của hiệu ứng này là: Những người giàu càng ngày càng giàu hơn còn những người nghèo lại ngày càng nghèo đi.
Những suy nghĩ của chuyên gia Mã Hóa Đằng đều hiểu rõ, nhưng ông bắt buộc phải đi hết con đường này, bởi Tencent không thể không có cổng thông tin của chính mình, nếu không, thế giới mạng mở của Mã Hóa Đằng sẽ trở thành một trò cười. Mã Hóa Đằng còn bày tỏ thái độ vô cùng tự tin: “Dựa vào nền tảng là tập thể người dùng khổng lồ của QQ, Tencent có lòng tin sẽ đưa qq.com vào nhóm ba trang tin hàng đầu trong thời gian ba năm.”
Mặc dù không ít người hoài nghi về phát biểu của Mã Hóa Đằng, nhưng quan sát kỹ hành trình phát triển của mạng Internet Trung Quốc, sẽ thấy đổi mới trên mạng không do một mình yếu tố công nghệ quyết định, còn có sự chi phối của các điều kiện khách quan khác. Vì thế, mong muốn này của Mã Hóa Đằng không hề viển vông, cùng với thời gian, thách thức mà Tencent tạo ra với ba gã khổng lồ cũng ngày một lớn.
THIÊN THẦN CỔNG THÔNG TIN MÀN HÌNH
Mạng Tencent rốt cuộc có thể đi được bao xa? Mã Hóa Đằng xác định mục tiêu cho mạng Tencent là cổng thông tin điện tử giải trí của thanh niên, thời thượng số 1 của Trung Quốc. Đồng thời, Mã Hóa Đằng muốn bắt kịp xu thế phát triển nên thiết kế để tính năng sản phẩm của Mạng Tencent vươn tới lĩnh vực dịch vụ không dây, từ đó quảng bá dòng phim mạng trên trang tin điện tử, phát huy tác dụng của nó trong các mặt như: phát thanh thời sự, âm nhạc theo yêu cầu và thương mại điện tử, làm sao đáp ứng tối đa nhu cầu thực tế của người dùng.
Ưu thế của Mạng Tencent là có được sự ủng hộ của lượng người dùng QQ khổng lồ, hơn nữa, thanh niên chiếm tỷ lệ người dùng lớn nên Mã Hóa Đằng mới đặt mục tiêu xây dựng Mạng Tencent thành trang mạng của giới trẻ.
Từ trước đến nay, chính sách kinh doanh chiến lược của Mã Hóa Đằng là: “học tập + tạo ra khác biệt”. Ông quả thật đã học hỏi không ít ở đồng nghiệp hoặc những người đi trước, nhưng sản phẩm của Mã Hóa Đằng đều có sự khác biệt, bao gồm phần mềm QQ phát triển từ OICQ, và cả QQ player, QQ Show sau này. Chính sự khác biệt khiến Mã Hóa Đằng mặc dù không thể vượt lên tốp sáng tạo hàng đầu, nhưng luôn ở đỉnh cao xét về thành tích, đây là điều khiến rất nhiều người trong giới khâm phục.
Để tăng thêm danh tiếng cho trang mạng, Mã Hóa Đằng tiến hành hàng loạt hoạt động gây dựng, như cuộc thi tuyển chọn nhân tài quy mô toàn quốc mang tên “Nắm tay QQ viết nên câu chuyện cổ tích cuộc sống - Ngôi sao QQ năm 2003”. Tiếp đó, Mã Hóa Đằng và Motorola hợp tác triển khai hoạt động “Chiếc xe đến thẳng giấc mơ trở thành ngôi sao”, thúc đẩy tinh thần của không ít người dùng QQ.
Song song với các hoạt động quảng bá được triển khai đầy khí thế, Mã Hóa Đằng lại cho ra đời một sản phẩm mới là trang chủ Tencent mini. Trang chủ Tencent mini là phiên bản “thời sự tinh túy”, sau khi thông tin được sàng lọc, người dùng có thể tự do lựa chọn tin nóng mà họ quan tâm qua một cửa sổ nhỏ. Sau mỗi lần đăng nhập sẽ chuyển đến trang mạng Tencent. Đương nhiên trang chủ Tencent mini và QQ liên kết với nhau, mỗi khi người dùng đăng nhập QQ, trang chủ mini này sẽ xuất hiện.
Ngoài ra, Mã Hóa Đằng còn thiết kế một cửa sổ tin tức, truyền tải những tin tức hấp dẫn vừa xảy ra để người dùng có thể nắm bắt tình hình vào bất kỳ lúc nào và bất kỳ đâu. Cùng với đó, Mã Hóa Đằng còn cho ra đời dịch vụ “kết nối toàn cầu” trên Mạng Tencent. Nếu có một sự kiện lớn xảy ra, một mã tài khoản QQ đặc biệt sẽ xuất hiện trên chuyên đề của Mạng Tencent, người dùng có thể kết nối với tài khoản này thông qua mã tài khoản QQ của mình, theo dõi tình hình sự việc tại thời gian thực.
Những sách lược sáng tạo này khiến không ít người dùng phải nhìn mạng Tencent bằng ánh mắt khác. Mã Hóa Đằng đã tìm ra một “thị trường đại dương xanh” cho mạng Tencent, vừa tránh va chạm với ba gã khổng lồ, vừa có thể thu hút người dùng bằng một loạt ý tưởng sáng tạo, một mũi tên trúng hai đích.
Đứng trước ngôi sao xuất sắc mới nổi là Tencent, ba gã khổng lồ về cổng thông tin điện tử của Trung Quốc đã phản ứng bằng cách liên tiếp cho ra đời phần mềm dành cho khách hàng của chính mình. Tuy vậy, những biện pháp đối phó này không gây được sức ép đối với chú chim cánh cụt nhỏ, bởi vì lúc này lượng người dùng đăng ký QQ đã gần 600 triệu người!
Kể từ khi ra đời hồi cuối năm 2003, Mã Hóa Đằng chỉ mất khoảng ba tháng để đưa Mạng Tencent vào tốp 10 cổng thông tin điện tử tiếng Trung Quốc. Tháng 3 năm 2006, lượng phủ sóng của Mạng Tencent đã đứng vị trí thứ hai chỉ sau Sina, lượng truy cập cũng đứng thứ ba ngay sát sau Sina và Sohu. Tháng 4 năm 2006, bảng xếp hạng Alexa nổi tiếng công bố một kết quả khiến mọi người sửng sốt: Mạng Tencent đã vượt qua các cổng thông tin điện tử truyền thống với đại diện là Sina và Sohu. Tháng 6 năm 2006, xét từ tiêu chí lưu lượng, Mạng Tencent đứng vững trong tốp 3 cổng thông tin điện tử hàng đầu trong suốt một quý, hơn nữa còn vượt lên “người anh cả” là trang Sina trong năm tuần liên tiếp, trở thành trang mạng tiếng Trung Quốc lớn thứ hai chỉ sau Baidu. Ngoài ra, với lượng truy cập hằng ngày khi đó lên tới 400 triệu lượt, Mạng Tencent đã vụt sáng thành ngôi sao mới trong thế giới cổng thông tin điện tử.
Mục tiêu lọt vào “tốp 3 cổng thông tin điện tử hàng đầu” của Mã Hóa Đằng từng bước thành hiện thực.
Mặc dù chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng, nhưng đối với Mã Hóa Đằng, muốn đánh bại ba gã khổng lồ vẫn cần thời gian, dù sao họ cũng đã có vị trí khó lay chuyển trong lòng đại đa số cư dân mạng Trung Quốc. Rất nhiều người đăng nhập vào những trang mạng này từ khi mới tiếp xúc với mạng Internet, “tâm lý hoài cổ” và “hiệu ứng người đi trước” ấy không dễ phá vỡ.
Trong sự kiện “Lễ trao giải thời trang Trung Quốc năm 2005” tổ chức ở Thượng Hải, Mạng Tencent đã thế chân Sina và TOM, trở thành đối tác duy nhất của lễ trao giải. Ngoài ra, báo cáo Alexa năm đó cho thấy, Mạng Tencent đã xếp thứ tám trên thế giới, điều này có nghĩa là Mã Hóa Đằng đã đưa cổng thông tin điện tử của ông bước vào giai đoạn phát triển mới: giai đoạn cổng thông tin màn hình - desktop portal. “Desktop portal” chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Mạng Tencent và ba gã khổng lồ ngành cổng thông tin điện tử của Trung Quốc. Nó có thể thông qua QQ “tung” trang chủ Tencent mini ra màn hình máy tính của người dùng, cách quảng bá nhanh chóng này là điều mà các trang thông tin điện tử khác không có. Sina và Sohu áp dụng cách truyền bá thông tin thời sự kiểu tập quyền, trong khi Tencent chọn một cách truyền bá thời sự điển hình kiểu Web 2.0. Đặc điểm của phương thức truyền bá này là lan truyền thông tin thời sự có tương tác theo kiểu giao tiếp xã hội, hình thức tập hợp và truyền thông cá nhân hóa, khá giống với NetEase. Cần phải khẳng định rằng Mạng Tencent rõ ràng đã dẫn đầu một cuộc cách mạng, điều này được thể hiện qua một vài phương diện sau:
Đầu tiên là hình thức mới, “người dùng theo một cộng đồng và bố cục toàn diện”. Lấy trang chủ Tencent mini làm ví dụ, nó là một bước đột phá và thử nghiệm mạnh dạn đối với phương thức truyền bá, thông qua tăng cường lưu lượng và lợi ích của cổng thông tin điện tử, hình thành nên một mô hình “cổng thông tin điện tử + IM + quảng cáo trực tuyến”. Cùng với quá trình nổi tiếng của trang chủ Tencent mini, rất nhiều công ty mạng Internet đầu tư sang lĩnh vực này bắt đầu cuộc cạnh tranh lớn, như IE, MSN và IG của Microsoft. Những đối thủ cạnh tranh trên không có được ưu thế lớn nên đã thất bại và phải rút lui sau quá trình đối chọi với Tencent.
Tiếp theo là tính giải trí “bình dân”. Ngành báo chí đã phát triển từ báo cơ quan trong quá khứ sang giai đoạn báo đô thị, cũng có nghĩa là đi từ văn hóa tinh anh sang văn hóa “bình dân”. Đây là một kiểu đổi thay của thời đại, cũng đại diện cho xu thế phát triển của xã hội. Do đó, Mạng Tencent đã đổi hướng nhìn thời sự từ nhìn xuống thành nhìn thẳng để đưa tin về các vấn đề dân sinh mà quần chúng, xã hội quan tâm. Từ góc độ này, Mạng Tencent và Sina, Sohu chọn hướng đi không giống nhau, bởi vì Sina và Sohu rõ ràng đi theo hướng chọn lọc, không nhiều ưu thế như hướng đến đại chúng hóa cổng thông tin điện tử của Tencent.
Tiếp nữa là sự thay đổi về nhu cầu đọc. Trong thời đại Web 2.0, nhu cầu của người đọc theo cộng đồng đã phát triển cùng với phương tiện truyền thông mới, mượn lời Mã Hóa Đằng là “Mạng Tencent là kiểu điển hình tập hợp người dùng theo cộng đồng, đáp ứng người dùng bằng nội dung và ngược lại, hình thành cộng đồng nhờ người dùng.” Thực ra, điều Mã Hóa Đằng nói tới chính là một kiểu 3C của “Cuộc sống online”: Xoay quanh cộng đồng đã hình thành để tiến hành bố trí nghiệp vụ toàn diện, cung cấp thông tin nhất định cho người dùng trong cộng đồng, từ đó mang lại tác dụng trao đổi, giải trí và thương mại.
Cuối cùng là có thể kiến tạo phát triển. Trong thời đại Web 2.0, tính tương tác của báo chí truyền thông khiến đông đảo người dùng có cảm giác được tham gia, và cũng khiến sản phẩm càng thêm hấp dẫn. Mạng Tencent không chỉ là tin tức mà còn có cả sự sáng tạo khi liên tục cho ra đời nhiều nội dung như: thời sự đặt trước QQ, kết nối thời sự QQ và thi đua thời sự. Những chương trình này giúp Mạng Tencent xây dựng nên một không gian có giá trị trên phương diện tập hợp tài nguyên thông tin, đồng thời cũng cho phép cư dân mạng được tham gia.
Có thể nói, Mã Hóa Đằng đã xây dựng Mạng Tencent trở thành một không gian vận hành tin tức khác hoàn toàn với truyền thống, tập hợp nhiều yếu tố trong văn hóa mạng Internet thời hiện đại, thúc đẩy quá trình giao lưu và tương tác rộng rãi giữa người với người, đẩy việc đưa tin thời sự lên một tầm cao mới, tạo bước đệm hoàn hảo cho thời đại “mạng mở” của chính ông.
MỞ RA CHIẾN TRƯỜNG THỨ HAI
Một mặt, Mã Hóa Đằng đi ngược hướng với cổng thông tin điện tử truyền thống; mặt khác, ông cũng tích cực tìm kiếm thị trường mới, giảm tải áp lực khi Tencent phải đối mặt với ba gã khổng lồ trong làng cổng thông tin điện tử. Tìm đi tìm lại, cuối cùng, Mã Hóa Đằng hướng ánh mắt sang người dùng khu vực.
Tháng 3 năm 2006, Tencent và “Trùng Khánh thương báo” cùng thành lập Mạng Đại Du (cc.qq.com). Tính đến cuối tháng 6 năm 2006, tức là chỉ sau thời gian ba tháng, Mạng Đại Du có lượt truy cập hằng ngày lên tới hơn 1 triệu, lượt truy cập của IP đơn nhất là hơn 250 nghìn, trở thành cổng thông tin điện tử hàng đầu ở Trùng Khánh.
Tại sao Mã Hóa Đằng hướng tầm mắt tới người dùng khu vực? Đó là vì ông nhìn ra người dùng khu vực đã trở thành hướng phát triển mới của mạng Internet. Trong thời đại cư dân mạng Trung Quốc tăng lên không ngừng, các loại nhu cầu về mạng cũng ngày một cụ thể, vì thế mỗi địa phương đều cần có mạng mang tính khu vực hỗ trợ. Mã Hóa Đằng coi Mạng Đại Du là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên của Tencent trong quá trình tiến công sang trang thông tin điện tử.
Điều quan trọng là Mã Hóa Đằng có thể thông qua phương tiện truyền thông địa phương thu nhận càng nhiều tài nguyên, bởi vì cổng thông tin khu vực luôn bị các cổng thông tin điện tử tổng hợp bỏ qua, là một vùng đất chưa thực sự được khai thác, còn nhiều cơ hội kinh doanh, trong khi mức độ cạnh tranh cũng không gay gắt như cổng thông tin lớn. Thông qua hợp tác với địa phương, Mã Hóa Đằng tạo dựng nên mô hình người dùng và truyền thông tác động lẫn nhau, tạo thách thức đối với chiến lược tập trung hợp nhất của ba gã khổng lồ trong làng cổng thông tin Trung Quốc, từ đó tránh được những tổn thất do cạnh tranh cùng lĩnh vực. Hơn nữa, kiểu phương thức “ngắn, nhiều, nhanh” này có thể đem tài nguyên thông tin nhanh chóng truyền đến đông đảo người dùng, đáp ứng nhu cầu của cư dân mạng.
Mặt khác, cổng thông tin khu vực cũng cần sự ủng hộ của những gã khổng lồ ngành Internet như Tencent. Sự hợp tác giữa hai bên tạo ra sức mạnh trong thị trường đại dương xanh của ngành Internet dựa trên nguyên tắc “hai bên cùng có lợi”. Cổng thông tin khu vực cung cấp cho Tencent tài nguyên thông tin chân thực nhất, còn Tencent có thể đưa tới cho cổng thông tin khu vực những bản tin trong và ngoài nước giàu sức ảnh hưởng nhất. Đặc biệt, sau khi độ phổ biến của cổng thông tin khu vực được tích lũy đến một độ nhất định, các nguồn thu mà trước đây khó kiếm được từ quảng cáo trực tuyến hay dịch vụ giá trị gia tăng không dây đều sẽ tự chảy vào túi.
Ngày nay, việc không ngừng được tiếp vốn cũng đem đến cơ hội trưởng thành nhanh chóng cho cổng thông tin khu vực. Cổng thông tin khu vực trở thành “miếng bánh” được dòm ngó. Mã Hóa Đằng đã nhanh chân đi trước một bước khi nhiều địa phương trong cả nước tích cực kiếm tìm trang mạng hợp tác. Một khi Mã Hóa Đằng chiếm được ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực cổng thông tin điện tử khu vực thì đối với các cổng thông tin điện tử truyền thống như Sina, Sohu và NetEase, nguồn tài nguyên của cổng thông tin tổng hợp và truyền thông mạng địa phương mà họ vất vả chiếm giữ sẽ bị Mã Hóa Đằng “chia lại”, thậm chí có thể gây nên hiệu ứng domino trong ngành phát hành.
Đến năm 2014, trang tin điện tử khu vực của Tencent đã vận hành được tám năm. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Mã Hóa Đằng đã mở rộng cổng thông tin điện tử khu vực của mình ra mười hai tỉnh thành kinh tế chính của Trung Quốc, tạo dựng nên trận địa truyền thông mạng “quần tụ cổng thông tin tổng hợp + cổng thông tin đời sống thành phố” của Tencent.
Hiện nay, thị phần quảng cáo của cổng thông tin điện tử khu vực của Tencent đứng thứ nhất, điều này đem đến nguồn lợi nhuận dồi dào cho Mã Hóa Đằng. Thông qua việc chạm đến các khu vực trọng điểm có nhu cầu mạnh về kinh tế và văn hóa, Mã Hóa Đằng đã giành được quyền chủ động trong thị trường mới mẻ này.
Trang tin khu vực của Tencent chủ yếu gồm: mạng Đại Du, mạng Đại Thân, mạng Đại Chiết, mạng Đại Tô, mạng Đại Thành, mạng Đại Tần, mạng Đại Sở, Tencent cung cấp dài kỳ tin tức mạng cho tổng cộng hơn 360 triệu người dùng địa phương. Ngoài ra, những dịch vụ trên cũng bao gồm một vài dịch vụ sản phẩm của Tencent.
Chính vì đã tiến hành so sánh giữa cổng thông tin khu vực và cổng thông tin tổng hợp, Mã Hóa Đằng mới triển khai sách lược phù hợp nhắm thẳng vào những người dùng này, tận dụng ưu thế tài nguyên như trang chủ mạng Tencent trên máy tính cá nhân cũng như đưa đẩy tin tức Tips để đưa tin đến người dùng một cách hợp lý. Thông tin do những tài nguyên này mang đến cơ bản đã bao trùm đời sống hằng ngày của tất cả người dùng trong khu vực, tạo thành một mô hình mới là “truyền thông khu vực tương tác, nhiều hệ thống tổng hợp đưa tin”.
Chính nhờ sức ảnh hưởng của truyền thông, Mã Hóa Đằng trở thành người thắng cuộc trên thị trường của lĩnh vực cổng thông tin khu vực.