C2C4, TÔI ĐẾN RỒI
Ngày 10 tháng 5 năm 2003, công ty con thuộc Tập đoàn Alibaba là Taobao ra đời. Khác với mô hình kinh doanh B2B5, Taobao là một sàn thương mại điện tử vắt ngang từ hình thức B2C6 sang C2C.
4. C2C: (viết tắt của Consumer-to-Consumer) là mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó, giao dịch xảy ra giữa những người tiêu dùng với nhau.
5. B2B: (viết tắt của Business-to-Business) là mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó, giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp.
6. B2C: (viết tắt của Business-to-Consumer) là mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó, giao dịch xảy giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, hay còn gọi là dịch vụ bán lẻ trực tuyến.
Nếu nói Ailibaba đã kiến tạo một sàn giao dịch cho các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì mạng Taobao đã xây dựng một không gian giao dịch từ doanh nghiệp đến cá nhân, từ cá nhân đến cá nhân. Thời đại “toàn dân là thương gia” bắt đầu từ đây, thị trường này cũng trở thành một miếng mồi ngon mà rất nhiều công ty mạng Internet nhắm đến.
Ngày 12 tháng 6 năm 2004, diễn ra một sự kiện vô cùng quan trọng đối với ngành Internet Trung Quốc, đó là “Đại hội Thương mại điện tử Tây Hồ”. Hơn 1.000 người kinh doanh trên mạng của Trung Quốc tề tựu ở Hàng Châu. Đại hội thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc do Hiệp hội Thương mại Điện tử Trung Quốc và Công ty Alibaba phối hợp tổ chức đã diễn ra bên bờ Tây Hồ.
Các tập đoàn lớn quy mô quốc tế như: Walmart, Ingersoll Rand, Lenovo và Mitsubishi đều tham gia đại hội. Các doanh nghiệp như: LG, Samsung của Hàn Quốc, Itochu, NEC của Nhật, Metro của Đức, Sears, Công nghệ Agilent của Mỹ, Dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh bắt đầu tiến hành mua hàng từ Trung Quốc thông qua kênh Alibaba.
Rõ ràng, thương mại điện tử đã trở thành một trong những nghiệp vụ sôi động nhất trên mạng Internet lúc bấy giờ, Tập đoàn Alibaba của Mã Vân (Jack Ma) bắt đầu “hành trình đào vàng”. Mã Hóa Đằng với mục tiêu đã định là “to lớn và toàn diện” cũng sẽ không bỏ phí cơ hội nghìn năm có một này, ông muốn đưa chú chim cánh cụt nhỏ của mình tiến nhanh vào thị trường mới.
Qua nghiên cứu, Mã Hóa Đằng phát hiện, rất nhiều người dùng Trung Quốc có thói quen đến cửa hàng để trực tiếp mua hàng, nên khi kinh doanh trên mạng, nếu sản phẩm chỉ được miêu tả đơn giản thì người mua không thấy rõ đặc trưng của sản phẩm, và như thế, khó có thể tin tưởng. Do vậy, Mã Hóa Đằng quyết định bắt tay vào lĩnh vực sở trường của Tencent là tăng cường trao đổi trên mạng.
Mã Hóa Đằng nói: “Trao đổi là một khâu rất quan trọng trong thương mại điện tử, có trao đổi mới có thể hiểu nhau, có hiểu nhau mới có thể tin tưởng lẫn nhau. Trong khi đối với ngành dịch vụ kiểu C2C, trao đổi thuận lợi càng quan trọng hơn nữa. Điểm tốt của QQ, công cụ tin nhắn trực tuyến của chúng tôi, là có thể bù đắp sự thiếu hụt về trao đổi trong quá trình giao dịch C2C.”
Tiếp theo, Mã Hóa Đằng kết hợp QQ với thương mại điện tử và đăng ký bản quyền sáng chế: Hai bên mua bán không chỉ trao đổi qua tin nhắn trực tuyến, mà còn có thể nhìn thấy sản phẩm ở bên phải cửa sổ đối thoại.
Dĩ nhiên, ý tưởng “tăng cường trao đổi” không phải do Mã Hóa Đằng nghĩ ra, rất nhiều trang web thương mại điện tử cũng sở hữu phần mềm tin nhắn trực tuyến của riêng mình. Chỉ có điều, so với những phần mềm IM này, QQ nổi trội hơn hẳn.
Chính phán đoán nhanh nhạy về trao đổi trong mô hình C2C đã khiến Mã Hóa Đằng kiên trì với quyết định tiến vào lĩnh vực thương mại điện tử. Bước tiếp theo mà ông cần suy nghĩ là làm thế nào để tập hợp người mua lại với nhau. Vấn đề này rất dễ trả lời: Tập thể người dùng đăng ký QQ khổng lồ chính là thị trường tốt nhất.
Mặc dù số lượng người dùng đăng ký QQ lúc đó chỉ có hơn 400 triệu, người dùng thường xuyên chỉ hơn 170 triệu nhưng điều này không cản trở sàn C2C ra đời, bởi Mã Hóa Đằng biết rõ với ngành thương mại điện tử đầy tiềm năng, số lượng người dùng chỉ là vấn đề thời gian. Tuy vậy, cũng chính bởi thương mại điện tử vẫn ở giai đoạn đầu, khả năng giành phần thắng khi bước vào chiến trường này mới lớn hơn một chút.
Ngày 12 tháng 9 năm 2005, Mã Hóa Đằng cho ra mắt sàn C2C mang tên mạng Paipai. Nền tảng thanh toán điện tử Tenpay cũng ra đời cùng lúc với tính năng tương tự như Alipay của Taobao, đều đảm bảo an toàn giao dịch.
So với Mã Vân, một người khởi nghiệp từ phần mềm tin nhắn trực tuyến như Mã Hóa Đằng, tiến vào C2C sẽ có rủi ro nhất định, bởi dù gì lúc này Taobao cũng đã vận hành khá ổn định, cộng thêm trang Eachnet xếp thứ 2 sừng sững ở đó, nên mạng Paipai phải gánh trên vai một áp lực khá lớn.
Lần này là lần vận hành thử mạng Paipai với mục đích kiểm tra cảm nhận của người dùng về trang mạng C2C mới ra đời, nếu các chỉ số đều khiến người dùng hài lòng thì mạng Paipai sẽ chuyển sang vận hành chính thức. Để tăng thiện cảm của người dùng, Mã Hóa Đằng còn gửi một lá thư đến tất cả bạn bè dùng mạng trên Paipai với nội dung gần gũi, giúp rút ngắn khoảng cách giữa đông đảo người dùng mạng với Paipai.
Kể từ sau cơn phong ba thu phí đăng ký xảy ra vào năm 2002, Mã Hóa Đằng trở nên vô cùng cẩn trọng đối với vấn đề trải nghiệm của người dùng. Do đó, về việc vận hành Mạng Paipai, Mã Hóa Đằng dốc hết sức lực để đông đảo người dùng mạng hài lòng. Ông phải nỗ lực để cạnh tranh với rất nhiều đối thủ trên chiến trường C2C!
PAIPAI CHÍNH THỨC LÊN MẠNG
Ngày 13 tháng 3 năm 2006, Mạng Paipai bước vào giai đoạn vận hành chính thức. Nhờ sự ủng hộ của 170 triệu người dùng thường xuyên, ngay sau khi công bố, mạng Paipai đã có 9 triệu người dùng đăng ký. Vừa ra đời, Mạng Paipai đã giành được thành tích tốt như vậy khiến Mã Hóa Đằng càng có lý do tin tưởng bản thân có thể đọ sức cùng Mã Vân, bởi vì số liệu điều tra cho thấy 94% cư dân mạng hy vọng người bán có thể trao đổi nhiều hơn với người mua, trong khi “trò chuyện” lại chính là “báu vật gia truyền” của Tencent. Tencent thậm chí còn thiết kế tính năng dành riêng cho chú chim cánh cụt nhỏ là vừa nói chuyện vừa bán hàng. Mạng Paipai khiến số đông người dùng phải ngạc nhiên.
Số liệu cũng cho thấy trang web hàng đầu thị trường C2C Trung Quốc khi đó đã chiếm hơn 70% thị phần, dường như không còn không gian cho người đến sau. Nhưng Mã Hóa Đằng lại không nghĩ như vậy, ông cảm thấy ngành này vẫn còn rất nhiều giá trị người dùng chưa được khai thác.
Mạng Paipai có kết cấu khung rất tiên tiến, với mạng Paipai 2.0, mức độ thích ứng của khách hàng QQ gần như không bị ràng buộc bởi trình duyệt: Đưa sản phẩm lên giới thiệu ở trong phần thông tin hình ảnh đại diện của danh sách bạn bè. Nếu người mua có hứng thú, chỉ cần nhấp chuột là lập tức có thể đi vào cửa hàng và thảo luận về việc mua bán thông qua QQ. Sau khi giao dịch hoàn tất, người mua đưa ra đánh giá mức độ tin cậy cho người bán và cũng có thể lập tức phản ánh lên thông tin người dùng của QQ; Người bán còn có thể đưa người mua vào danh sách khách hàng VIP, thực hiện chiết khấu ưu đãi vào lần mua sau.
Đối mặt với sự phát triển của Tencent, Mã Vân cũng cảm thấy vài phần áp lực. Mặc dù thị trường C2C đã sôi động từ lâu nhưng vẫn trong giai đoạn tranh giành thị phần, chưa ai có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ lĩnh vực này, mà chỉ liên tiếp đốt tiền. Vì thế, sự xuất hiện của mạng Paipai sẽ khiến rất nhiều trang web thương mại điện tử/nhà kinh doanh trên mạng gặp khó khăn.
Ngày 10 tháng 5 năm 2006, Taobao, trang mạng chiếm ưu thế trong cuộc đối kháng với Eachnet, bắt đầu thử thu phí người bán bằng cách cho ra đời dịch vụ xếp hạng đấu thầu mang tên “chiêu tài tiến bảo”. “Chiêu tài tiến bảo” dùng để chỉ những sản phẩm phù hợp quy phạm phát hành của Taobao. Nếu tham gia dịch vụ này, người bán có thể trưng bày sản phẩm ở những vị trí bắt mắt trên trang Taobao, được phân tách với các sản phẩm bình thường. Sau khi miễn phí ba năm, dịch vụ giá trị gia tăng kiếm tiền này đương nhiên sẽ bị coi là cách “thu phí biến tướng” và cũng là lần cải cách lớn nhất của Taobao kể từ khi thành lập.
Hình thức này vừa được đưa ra, nhiều người bán bày tỏ phẫn nộ. Phần lớn cho rằng loại dịch vụ tích hợp xếp hạng đấu thầu của Baidu sẽ làm cho sản phẩm của những người bán bình thường bị đẩy ra sau vài trăm sản phẩm, dẫn đến khả năng giao dịch thành công chỉ bằng không.
Đứng trước phản ứng của người bán, Giám đốc đương thời của Taobao là Tôn Đồng Vũ nói: “Dịch vụ ‘chiêu tài tiến bảo’ do Taobao đưa ra là một mô hình C2C hoàn toàn mới, sau một thời gian, người dùng sẽ thích nghi và hiểu được ưu điểm của nó.” Tiếp đó, ông còn đưa ra hàng loạt số liệu chứng minh “chiêu tài tiến bảo” vẫn được mọi người đón nhận, sau hai mươi ngày ra mắt đã có 100 nghìn người bán tham gia hoạt động này.
Những lời này không có chút ý nghĩa gì với người bán, những người không tham gia đấu giá liền lên tiếng “vạch mặt”: Mới qua mười mấy ngày ngắn ngủi, công việc kinh doanh của họ tuột dốc không phanh, không tham gia đấu thầu, rất khó buôn bán. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người bán đồng loạt bày tỏ bức xúc, lên án hành vi của Taobao.
Tính đến 9 giờ tối ngày 30 tháng 5 năm 2006 đã có 39.326 chủ cửa hàng ký tên phản đối “chiêu tài tiến bảo”. Họ cho biết nếu Taobao không có bất kỳ động thái nào, họ sẽ đình công tập thể vào ngày 1 tháng 6, đồng thời gỡ bỏ tất cả sản phẩm trong cửa hàng và rút hết vốn trong Alipay.
Mã Hóa Đằng thấy được, “chiêu tài tiến bảo” không chỉ làm tổn thương người bán, mà còn khiến người mua chịu cú sốc không nhỏ. Ông quyết định tận dụng cơ hội này để “nuôi lớn” thật nhanh mạng Paipai của mình.
Không lâu sau, Mạng Paipai triển khai một hoạt động tên là “con kiến chuyển nhà” với lời quảng cáo: “Mưa bão ập đến, con kiến chuyển nhà.” Linh vật khi đó của Taobao là con kiến (ngày nay đổi thành Đào Công Tử). Rõ ràng, Tencent muốn dùng dịch vụ miễn phí làm mồi nhử, lôi kéo người bán trên Taobao gia nhập Paipai. Lộ liễu hơn nữa là Paipai còn thiết kế “Khu đăng ký chuyển nhà của chủ cửa hàng Taobao” ở vị trí dễ thấy trên trang chủ. Để mở rộng tuyên truyền, dường như toàn bộ hoạt động “con kiến chuyển nhà” của mạng Paipai đều được giới thiệu thông qua QQ, thậm chí còn cam kết những người bán từ các sàn giao dịch C2C khác chuyển tới được trực tiếp đưa lên mạng Paipai nhờ độ tin cậy của bên thứ ba kèm lời hứa: “Chuyển nhà tặng vị trí đề cử, mở hàng tặng lì xì trĩu tay.” Đây rõ ràng là thách thức Taobao.
Để thu hút càng nhiều người bán về với mạng Paipai, Mã Hóa Đằng còn đề ra chính sách thưởng đặc biệt đối với những người dùng: Người bán đáng tin cậy trên trang giao dịch khác chuyển tới Paipai, chỉ cần sử dụng Tenpay hoàn thành lần giao dịch đầu tiên là có thể nhận được phiếu mua hàng trị giá 3 Nhân dân tệ. Ngoài ra, người mua cũng có thể nhận được ưu đãi là phiếu mua hàng trị giá 5 Nhân dân tệ. Người mua có xếp hạng cao còn có thể nhận được “giải thưởng tín đồ mua sắm” có giá trị lớn nhất lên tới 600 Nhân dân tệ.
Rạng sáng ngày 29 tháng 5, Mã Vân với ID là “Phong Thanh Dương” đã đăng một bài viết dài gần 2.000 chữ trên Diễn đàn Taobao nhằm giải thích và đính chính về sự kiện đình công mới xảy ra ấy. Bài viết đại ý có nội dung: Không ngờ sự việc bị thổi phồng lớn đến như vậy, cảm thấy bản thân chưa làm tốt ở nhiều mặt, bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc đến tất cả người dùng.
Mã Vân là người thông minh, ông biết một khi lượng lớn người dùng rời khỏi Taobao, có nghĩa là toàn bộ nỗ lực vất vả điều hành trước đây của mình đều tan thành mây khói. Do đó, vào ngày 31 tháng 5, Taobao tuyên bố tiến hành bỏ phiếu biểu quyết từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 6 để người dùng mạng quyết định xem có tiếp tục duy trì hoạt động “chiêu tài tiến bảo” hay không.
Sau khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, chỉ chưa đầy nửa ngày đã có hơn 90 nghìn người vào bỏ phiếu, trong đó số người lựa chọn “không ngừng hoàn thiện ‘chiêu tài tiến bảo’, giữ lại ‘chiêu tài tiến bảo’” chiếm 38%, số người lựa chọn “hiện nay không hoàn toàn thích hợp với Taobao, xóa bỏ ‘chiêu tài tiến bảo’” chiếm 62%. Cuối cùng, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, kết quả là 127.872 phiếu tán thành xóa bỏ, chiếm 61% tổng số phiếu.
Chiều ngày 10 tháng 6, Taobao tuyên bố sẽ ngừng dịch vụ “chiêu tài tiến bảo” vào lúc 12 giờ ngày 12 tháng 6 năm 2006, phí dịch vụ mà người bán đã thanh toán trước đó đều được hoàn trả 100%.
Trận sóng to gió lớn đã kết thúc bởi sự nhượng bộ của Taobao.
“Anh hùng thời loạn” chính là đây, khi thế giới mạng Internet còn hỗn tạp và bất định, cho dù không thể trở thành độc nhất, chí ít cũng phải thành lập nên đế chế riêng, Mã Hóa Đằng đã xây dựng phong cách của mình chính ở lúc này.
HAI CHÚ NGỰA ĐẤU ĐỀU BỊ THƯƠNG NHẸ
Ngày 6 tháng 6 năm 2006, mạng Paipai chính thức tuyên bố cho phép người dùng sử dụng miễn phí ba năm. Nhìn từ chính sách thương mại này, có thể thấy Mã Hóa Đằng cũng không muốn “đua” với Mã Vân về thời gian miễn phí, bởi ông biết ba năm “tặng không” đó, Tencent cũng phải đầu tư một số vốn không nhỏ. Do miễn phí không phải là chiêu bài mới đối với nhiều người dùng nên mạng Paipai còn ban hành đồng thời các chính sách ưu đãi khác: Ngày 6 tháng 6 đến ngày 7 tháng 6, chỉ cần người dùng có cửa hàng sở hữu từ năm mươi mặt hàng trở lên sẽ được mạng Paipai tặng ký hiệu huy chương vàng miễn phí phiên bản giới hạn, có thể được hưởng thêm nhiều dịch vụ ưu đãi, còn được nhận vị trí đề cử miễn phí. Vị trí đề cử vô cùng quan trọng đối với người bán, bởi vì cùng với quá trình phát triển của C2C, có nhiều người mở cửa hàng trên mạng muốn sản phẩm của mình trở nên nổi tiếng, nhanh chóng hoàn tất giao dịch; thế nên, việc chiếm giữ một vị trí cửa sổ đẹp cực kỳ quan trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiêu bài “vị trí đề cử” được Mã Hóa Đằng tung ra sau chiêu bài “miễn phí” là để mạng Paipai thu hút được nhiều sự chú ý của người dùng, đẩy mức độ nổi tiếng lên cao hơn.
Căn cứ báo cáo giám sát về thị trường C2C Trung Quốc do Analysis International công bố năm 2006, thị trường C2C trong quý II năm 2006 của nước này có quy mô lên tới 5,71 tỷ Nhân dân tệ với đà phát triển mạnh mẽ. Những sàn giao dịch đứng đầu là Taobao, eBay và Paipai, nhưng xét về thị phần, Taobao vượt trội hơn hẳn.
Từ ngày 12 tháng 9 năm 2005 đến tháng 8 năm 2006 là một năm phát triển nhanh chóng của Paipai, lượng người dùng đăng ký đã vượt mốc 2 triệu, lượng sản phẩm vượt mốc 4,5 triệu. Paipai nhanh chóng chen chân được vào chiến trường thương mại điện tử nhờ hậu phương vững chắc, trở thành nhân tố đáng gờm trên thị trường C2C.
Đối mặt với từng bước bám sát của Paipai cũng như hành động “giậu đổ bìm leo” của nó trong sự kiện “chiêu tài tiến bảo”, dĩ nhiên Mã Vân cảm thấy không vui trong lòng. Nhưng đúng lúc này, trên mạng lại lan truyền một “thông tin vỉa hè”: Phản đối của người dùng Taobao đợt trước đều do một tay Paipai lên kế hoạch.
Ngày 30 tháng 5 năm 2006, trang web của Công ty Phát triển Khoa học mạng Thiên Tượng Bắc Kinh xuất hiện một bài viết có tựa đề là “Thì ra tiếng nói chỉ trích Taobao đã được Mã Hóa Đằng thiết kế như thế này”, không có bút danh cũng không tìm ra được tác giả. Trong bài viết, tác giả nói Tencent và một công ty PR (quan hệ công chúng) tên là Đức Thịnh Gia đã ký một bản thỏa thuận. Tencent ủy thác cho công ty này dùng ngòi bút lên án Taobao. Sau đó, trên trang web đó lại xuất hiện một bài viết mang tên “Điều tra: Bạn có tin Mã Hóa Đằng bỏ tiền thuê ‘kẻ đánh thuê trên mạng’ tấn công Taobao không?”
Đương nhiên, kiểu bài viết tung tin như vậy chắc chắn khiến Tencent khó chịu, Mã Hóa Đằng đã gửi thư pháp lý đến Công ty Thiên Tượng yêu cầu lập tức xóa bỏ hai bài viết nặc danh kia. Ai ngờ, sau khi nhận được thư, Công ty Thiên Tượng chỉ bỏ chế độ tin trang đầu của hai bài viết chứ không xóa bỏ. Ngày 6 tháng 6, trang web này lại xuất hiện một bài viết có tựa đề: “Điểm lại 10 tội lớn của Tencent, ngũ mã phanh thây Mã Hóa Đằng”, trong đó, toàn những lời chửi mắng và tấn công nhân phẩm, nó không còn là bài viết tung tin đơn thuần. Sau khi đọc được, Mã Hóa Đằng nổi trận lôi đình, khởi kiện Công ty Thiên Tượng Bắc Kinh lên tòa án vì tội “xúc phạm danh dự”, yêu cầu công ty này xin lỗi và bồi thường 5 triệu Nhân dân tệ.
Ngày 21 tháng 6, cuộc chiến của hai đại gia họ Mã bước vào giai đoạn cao trào. Mã Vân có bài phát biểu chỉ trích Tencent: “Bản thân tôi cho rằng việc đục khoét nền tảng nhân lực của người khác rất mệt, những đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành Internet nên tuân thủ luật chơi nhất định, chỉ dựa vào việc đục khoét nền tảng nhân lực của người khác thì khó lòng làm nên sự sáng tạo. Trong khi vấn đề lớn nhất của mạng Paipai Tencent hiện nay là thiếu sáng tạo, mọi thứ đều là sao chép.” Ngay lập tức, Mã Hóa Đằng đáp trả: “Một, dịch chuyển nguồn nhân lực là hiện tượng bình thường; Hai, số người chuyển sang từ Taobao cũng chỉ đôi ba cá nhân, không thể gọi là đục khoét nền tảng nhân tài.” Ngoài ra, Mã Hóa Đằng cũng phủ nhận điều mà Mã Vân gọi là “sao chép”: “Tất cả sàn thương mại điện tử đều làm như thế, mô hình của mọi người đều giống nhau, đâu thể nói ai sao chép ai.”
Loại trừ yếu tố mâu thuẫn nội bộ của hai doanh nghiệp, xét từ phương hướng lớn, Taobao là “người xây dựng quy tắc”, còn Mạng Paipai là “người tuân theo quy tắc”. Nếu Taobao đăng ký quyền sáng chế đối với “mô hình” của mình thì việc làm của Mã Hóa Đằng là hành vi “xâm phạm” không thể chối cãi. Nhưng trong thời đại phát triển vũ bão của mạng Internet, mô hình không chịu sự hạn chế, ràng buộc của bất kỳ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào, với tình hình đặc thù này, chỉ có thể dùng thực lực chứng minh.
Cuộc chiến “nhị Mã” vẫn chưa dừng lại ở đó.
Tháng 12 năm 2006, Tencent kiện Taobao ra tòa. Tencent tố cáo Taobao vì phát hiện thấy lượng lớn mã tài khoản QQ và QQ Coin trên Taobao, hơn nữa giá bán lại rất rẻ. Tencent cho rằng Taobao đã thực hiện giao dịch mã tài khoản QQ và Q Coin trên sàn C2C mà không qua hợp tác hoặc thương lượng là hành động cực kỳ thiếu tôn trọng Tencent.
Trước khi nộp đơn kiện lên tòa, Tencent từng nhiều lần nhắc nhở, nhưng Taobao vẫn không thay đổi, Tencent không thể nhẫn nhịn thêm nữa mới quyết định dùng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trên thực tế, ngòi nổ dẫn đến việc Tencent khởi kiện Taobao là việc một người kinh doanh mở cửa hàng trên Taobao, rồi lấy một số Q Coin và mã tài khoản QQ về rao bán. Phát hiện ra chuyện, Tencent đã trao đổi với Taobao, hy vọng Taobao có biện pháp khiến người kinh doanh này chấm dứt việc làm trên, hoặc tốt nhất là đóng cửa hàng. Nhưng Taobao không hề quan tâm đến lời “cảnh cáo” của Tencent. Thấy vậy, Tencent dứt khoát kiện Taobao ra tòa vì tội xâm phạm quyền tài sản và quyền tác giả, hy vọng rằng Taobao có thể xóa bỏ vĩnh viễn trang web bán sản phẩm của Tencent.
Về phần Taobao, họ rất thông minh, ra tay vô cùng mau lẹ. Trước khi bị Tencent kiện, họ đã đâm đơn kiện Tencent, hy vọng tòa án xác nhận việc làm của mình là hợp pháp. Taobao cho rằng việc mua bán QQ Coin và mã tài khoản QQ xuất hiện trên Taobao là thị trường được hình thành một cách tự phát của người kinh doanh, giá tiền đều là do họ tự ấn định, nên không phải là Taobao cướp việc làm ăn của Tencent bằng thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh. Nói cách khác, Taobao chỉ cung cấp cho người kinh doanh địa điểm, người kinh doanh bán gì trên đó không liên quan đến Taobao.
Trước thái độ của Taobao, Tencent bày tỏ: Nếu làm theo cách của Taobao, sàn giao dịch thương mại sẽ xuất hiện đủ loại tình huống khó kiểm soát.
Trong thời gian Tencent và Taobao gây hấn với nhau, cảnh sát thành phố Thâm Quyến phá thành công một băng nhóm tội phạm chuyên ăn trộm tài khoản QQ, Q Coin và tài khoản trò chơi. Tội phạm khai nhận rằng chúng “phi tang vật chứng” qua mạng Taobao và kiếm được hơn 700 nghìn Nhân dân tệ.
Cuối cùng, vụ kiện này chìm xuống. Theo một nghĩa nào đó, Taobao cho thuê một “căn nhà”, nhưng lẽ nào chỉ vì người sống trong nhà không giữ gìn vệ sinh mà đuổi họ đi? Đó là điều hoàn toàn không thể.
Thêm nữa, Taobao cũng không tài nào “sàng lọc” hết. Theo cách nói của Tencent, Taobao nên thiết lập một “cơ quan sàng lọc”, kiểm tra những người kinh doanh trên Taobao, xem sản phẩm của họ có đạt yêu cầu hay không. Nếu làm như vậy, một là Taobao phải tốn quá nhiều sức lực và chi phí; hai là điều này không phù hợp với đặc điểm thuận tiện, nhanh chóng, đa dạng của mạng Internet, Taobao chắc chắn sẽ không làm.
Nhìn từ góc độ của Tencent, sàn giao dịch cá nhân càng lớn càng dễ rơi vào thế “bị động”, mọi người không thể “tuân thủ pháp luật”, tuân theo một luật chơi nhất định. Như thế, sàn giao dịch sẽ ngập tràn “các nhóm người đủ màu sắc”, họ sẽ lựa chọn buôn bán căn cứ theo lợi ích của mình, tức là cái gì kiếm được tiền thì bán cái đó, hoàn toàn không nghĩ đến cảm nhận của “nhà tổ chức”. Nói cách khác, cách nhìn nhận của Tencent về vấn đề này phần nhiều đều xuất phát từ góc nhìn của một công ty giống mình nhằm bảo vệ “lợi ích lớn”.
CÁCH ĐẤU SNS
Năm 2006, khi khái niệm “thời đại Web 2.0” được nhiều người biết đến, càng nhiều doanh nghiệp mạng Internet coi trọng SNS7. Trang SNS nổi tiếng của Mỹ là Facebook ra đời, làm cho các doanh nghiệp mạng Internet của Trung Quốc nhìn thấy hy vọng và đường hướng. Taobao do Mã Vân lãnh đạo đã sớm nhận ra tiềm lực của thị trường này và âm thầm tích cực triển khai các công việc cụ thể.
7. SNS (viết tắt của Social networking service): dịch vụ mạng xã hội.
Tham gia vào lĩnh vực này, người được lợi không chỉ riêng Taobao, Alibaba cũng sẽ tìm thấy thông tin thị trường từ trong “tương tác”, từ đó tiến lên đẳng cấp cao hơn. Do đó, Taobao tích cực thu hút nhân tài SNS từ khắp nơi để dự trù cho lúc cần thiết.
Nếu Mã Vân có thể bắc cầu giữa thương mại điện từ và dịch vụ mạng xã hội SNS, thì Alibaba sẽ có thể “bách hô nhất ứng”. Đây chính là mục tiêu mà Mã Vân muốn đạt đến, và cũng là phương hướng phấn đấu của Alibaba.
Những người có uy tín trong ngành cho rằng Trung Quốc khi đó chỉ có hai công ty có thể tạo ra hiệu ứng tương tự Facebook là Alibaba và Tencent.
Mã Vân nhắm đến SNS, Mã Hóa Đằng đương nhiên cũng bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này. Khi Mã Vân dốc toàn bộ sức lực cho sản phẩm tương tác mạng xã hội, Mã Hóa Đằng đã viết trên tiểu blog (Weibo) của mình là: Tencent sẽ mở cửa không gian. Hành động này của Mã Hóa Đằng lại “vô ý” chĩa mũi nhọn sang Mã Vân. Mã Vân có cảm nghĩ gì về việc này? Dường như công cụ Zhitongche (直通车/ Tàu đến thẳng) của Taobao “bóp chết” quảng cáo qua mã tài khoản QQ chính là sự thể hiện tuyệt vời nhất phong cách mọi việc đều phải vào thực tế của Mã Vân.
Công cụ Zhitongche của Taobao là một mô hình đấu thầu tìm kiếm hoàn toàn mới do Yahoo Trung Quốc và Taobao, những công ty dưới quyền của Tập đoàn Alibaba, đưa ra sau khi tập hợp tài nguyên. Nó không giống với “chiêu tài tiến bảo” trước đây. Kết quả đấu thầu ra đời bởi Zhitongche, ngoài hiển thị trên công cụ tìm kiếm Yahoo, còn được thể hiện bằng hình ảnh và chữ viết hoàn toàn mới trên Taobao. Ngoài ra, mỗi sản phẩm có thể thiết kế 200 chữ quan trọng, người bán có thể tự do định giá đối với mỗi từ tham gia đấu thầu và có thể cùng lúc nhìn thấy vị trí xếp hạng của sản phẩm trên Yahoo và Taobao. Còn về việc trả lệ phí, Zhitongche công bằng hơn so với “chiêu tài tiến bảo”, người bán chi trả lệ phí theo số lần được nhấp chuột thực tế của sản phẩm, mỗi từ quan trọng có giá thấp nhất là 0,5 Nhân dân tệ, cao nhất là 100 Nhân dân tệ, mỗi lần tăng giá ít nhất là 0,01 Nhân dân tệ.
Ngày 1 tháng 9 năm 2010, ngọn lửa giữa Tencent và Taobao lại bùng lên một lần nữa. Tencent cấm hoàn toàn việc sử dụng Zhitongche của Taobao kể từ ngày 31 tháng 8 năm 2010. Phản ứng lại hành động này của Tencent, Taobao lập tức đưa ra biện pháp đối kháng, tuyên bố cấm sử dụng mã tài khoản QQ để tiến hành quảng cáo. Việc làm đó của Taobao nhằm quảng bá phần mềm tin nhắn trực tuyến của mình là Taobaowangwang, đồng thời gây áp lực cho đối thủ cạnh tranh.
Trước đấy, Taobao đã ra thông báo hy vọng người dùng Zhitongche kiểm tra lại sản phẩm và thông tin quảng cáo tham gia Zhitongche của Taobao, nếu sản phẩm có thông tin quảng cáo mã tài khoản QQ của Tencent, phải kịp thời xử lý bằng cách gỡ xuống. Ngoài ra, Taobao cũng quy định, “các sản phẩm quảng cáo” tồn tại trên Taobao không được quảng bá mã tài khoản QQ của Tencent dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không được cho, tặng mã tài khoản QQ, càng không được phép có chữ viết, hình ảnh và đường link liên kết liên quan tới mã tài khoản QQ trong phần miêu tả.
Con đường của Mã Vân và Mã Hóa Đằng hoàn toàn khác nhau, nhưng đều tạo nên lịch sử huy hoàng, khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Mã Hóa Đằng “đập” Taobao, không thể nói là thành công, cũng không thể nói là thất bại, nhìn từ phía ông, Tencent đã có ưu thế nhất định về chỗ đứng. Ít nhất là Eachnet không còn ngang hàng với Taobao nữa, Dangdangbao cũng bặt vô âm tín từ lâu, một mình mạng Paipai tồn tại được, đây đã là một thắng lợi. Nhìn từ góc độ của Mã Vân, Taobao không còn thế độc tôn chính là thất bại, đây là một bài học sau khi ông “coi nhẹ” mạng Paipai.
Mạng Paipai chỉ chiếm 20% thị phần C2C ở Trung Quốc, nhờ tài điều hành của Mã Hóa Đằng, luôn duy trì đà tăng trưởng. Điều này liệu có đồng nghĩa với việc Taobao của Mã Vân phải chấp nhận giảm lượng người dùng để bù đắp cho mức lợi nhuận hằng ngày của mạng Paipai? Hiển nhiên là không, hai bên đều dùng cách thay đổi từng ngày để thu hút người dùng gia nhập thị trường của mình, từ đó lập nên từng kỷ lục mới trên đường cong tăng trưởng. Quan sát tổng thể sự phát triển của hai sàn giao dịch, có thể thấy, với tư cách là người am hiểu tình hình đất nước, Mã Vân giữ chặt địa hạt nội địa. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp ông đánh bại eBay, và cũng là bí quyết để ngăn chặn đòn tấn công của mạng Paipai.
So với Alibaba, Tencent có quá nhiều sản phẩm, điều này khiến Mã Hóa Đằng khó tập trung sức lực cho lĩnh vực thương mại điện tử. Có lẽ vì thế nên đã ảnh hưởng đến “đời sống” của mạng Paipai sau này.
BẤT LỰC NGẮM HOA RƠI
Theo thời gian, cuối cùng, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai sàn giao dịch là Paipai và Taobao cũng tiến tới cục diện “một mất một còn”: Taobao dần chiếm thế thượng phong, còn Paipai bắt đầu suy giảm. Nguyên nhân, có lẽ bởi sản phẩm của Tencent quá nhiều, cũng có thể vì Mã Vân quá xuất sắc trong lĩnh vực thương mại điện tử nên trong giai đoạn cạnh tranh sau này, Paipai không tìm được cơ hội vượt lên Taobao. Đến năm 2007, Taobao không còn là một trang mạng bán hàng đơn thuần, mà phát triển thành sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất châu Á.
So với Mã Vân thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử, Mã Hóa Đằng không thể lập nên kỳ tích. Cuối cùng, Mã Hóa Đằng đẩy Paipai cho Tập đoàn Kinh Đông (viết tắt là JD), đơn vị hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực B2C.
Kinh Đông và Tencent đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, Tencent cung cấp cho Kinh Đông nguồn khách hàng của Wechat và Mobile QQ cũng như hỗ trợ về không gian, giúp Kinh Đông mở rộng thị trường mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, hai bên còn triển khai hợp tác về nền tảng thanh toán trực tuyến, từ đó nâng cao trải nghiệm mua sắm của người dùng.
Kể từ đó, mạng Paipai chuyển từ Tencent sang Kinh Đông, cuộc đối chọi trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa “nhị Mã” kết thúc. Mặc dù nhìn bên ngoài, có vẻ như Mã Hóa Đằng thua Mã Vân, nhưng thực ra, do Tencent vẫn giữ 15% cổ phần của Kinh Đông nên cũng có nghĩa là hai doanh nghiệp sẽ triển khai hợp tác sâu sắc. Cuộc bắt tay giữa những kẻ mạnh này sẽ mang đến một lợi thế vô cùng to lớn.
Đương nhiên, Kinh Đông lựa chọn hợp tác với Tencent cũng là vì tìm được nguồn tài nguyên cực chất, là lượng người dùng khổng lồ và mạng Internet di động của Tencent. Mấy năm gần đây, ngành di động triển khai nhiều hoạt động, gây chấn động lớn đối với người tham gia thương mại điện tử trên PC. Sau khi Tencent và Kinh Đông bắt tay hợp tác, hai bên sẽ hình thành tổ hợp “dịch vụ hậu cần logistics Kinh Đông + dịch vụ Internet di động Tencent”. Sau khi mua lại Paipai, Kinh Đông cũng tận dụng đầy đủ nguồn khách hàng là người dùng Wechat của Tencent, đi sâu khai thác lĩnh vực C2C, tiếp tục triển khai cạnh tranh với Taobao.
Cuối cùng, mạng Paipai từng một thời gây ra áp lực cạnh tranh không nhỏ cho Taobao, từng một thời được rất nhiều người đánh giá cao đã kết thúc, đặt dấu chấm cho những mơ ước trong thời đại của Tencent. Tại sao Paipai không đạt được hiệu quả như cổng thông tin điện tử? Nguyên nhân chắc chắn không chỉ có một, nhưng có ba nguyên nhân rõ ràng nhất và cũng dễ hiểu nhất là:
Một, lượng người dùng khổng lồ không có mối liên hệ tất yếu với sự bùng phát của C2C. Cho dù Mã Hóa Đằng đánh giá vô cùng lạc quan về lượng người dùng lên tới hàng trăm triệu của chú chim cánh cụt nhỏ, và cũng coi nó là hạt nhân trong phát triển thương mại điện tử, nhưng ưu thế này rất khó có tác dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hai, ưu thế về cộng đồng xã hội của QQ khó có thể chuyển hóa thành ưu thế trong khu vực thương mại. Là một phần mềm IM, không thể phủ nhận, QQ đã thành công, xây dựng nên một cộng đồng xã hội rộng lớn, thu hút gần như toàn bộ cư dân mạng Trung Quốc tham gia. Nhưng nó chủ yếu thỏa mãn nhu cầu giao tiếp xã hội, ít người nảy sinh nhu cầu mua sắm trong một không gian như thế. Tencent từng hoạch định một kế hoạch chiến lược mang tên “thương hiệu lớn, ảnh hưởng lớn” với mục tiêu là nâng cao tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp thông qua tăng cường xây dựng cộng đồng xã hội. Mặc dù để đạt được điều ấy không khó đối với Mã Hóa Đằng, nhưng do Paipai và Taobao không có khác biệt về mô hình thương mại, nên cuộc cạnh tranh đồng chất này khiến cộng đồng xã hội của Tencent khó bề hình thành lực hấp dẫn, kết quả cuối cùng sẽ là người bán ngày càng ít, người mua cũng không tăng thêm. So với đó, ưu thế của Taobao lại rất lớn, do Mã Vân đã đề ra phương thức điều hành thành công nên Taobao ngày càng tập hợp được nhiều người kinh doanh, và cũng thu hút nhiều người mua.
Ba, Tencent quan tâm chưa đủ nhiều đến nhu cầu của người dùng. QQ đáp ứng nhu cầu trao đổi trực tuyến của con người, vậy Paipai đã đáp ứng được nhu cầu gì của người dùng? Sau khi một người sở hữu tài khoản Aliwangwang, đã sưu tập được n cửa hàng của Taobao, bỗng nhiên một trang Paipai tương tự xuất hiện, lại không có gì đặc biệt, chắc chắn người dùng sẽ có thái độ thờ ơ với nó.
Mặc dù Paipai không đạt được hiệu quả như mong đợi trong thời đại của Tencent, nhưng sau khi Tencent và Kinh Đông bắt tay liên kết, Paipai có thể viết lại lịch sử hay không là điều khó nói trước. Dù sao thị trường mạng Internet cũng thay đổi từng ngày, chỉ có điều, đối với Mã Hóa Đằng, ông không tự tay xây dựng Paipai trở thành sàn giao dịch C2C ngang hàng với Taobao thì có phần đáng tiếc!
KHI “KUAIDI” GẶP PHẢI “DIDI”
Năm 2014, một cuộc chiến liên quan đến taxi đã diễn ra vô cùng sôi động, hai phần mềm là “Gọi xe Kuaidi” và “Gọi xe Didi” nhanh chóng trở thành từ khóa “nóng” của năm. Trong khi người đứng sau thúc đẩy hai phần mềm này đối chọi với nhau lại chính là hai doanh nghiệp mạng Internet: Đứng sau “Kuaidi” là Alibaba, còn đứng sau “Didi” là Tencent.
Phần lớn người trong giới cho rằng cuộc chiến giữa hai phần mềm gọi xe này là “chiến dịch đầu tiên trong cuộc ‘chiến tranh thế giới’ của mạng Internet”. Hai bên tham chiến đều là những doanh nghiệp mạng Internet hùng mạnh. Lý do Tencent tham gia rất rõ ràng, là để giành lấy vị trí có lợi, chuẩn bị cho thời đại Internet di động đang đến, nên cần tăng cường khâu quá độ từ phần mềm IM sang các lĩnh vực như trang mạng đánh giá nhà hàng. Dịch vụ giao thông cũng nằm trên chuỗi sản phẩm này, đương nhiên Tencent không thể bỏ qua.
Phát súng đầu tiên của cuộc chiến chính thức vang lên vào ngày 10 tháng 1 năm 2014. Hôm đó, “Gọi xe Didi” đi tiên phong với hoạt động giảm giá cước đi xe, khởi động “mô hình chính sách hỗ trợ”. Sau khi thông tin lan rộng, vô số tài xế lái xe taxi đã tải ứng dụng này, vô số người dùng cũng cài đặt phần mềm này trong điện thoại di động để phòng lúc cần dùng.
Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2014, “Gọi xe Didi” chiếm lĩnh 45,6% thị phần, phủ sóng khắp 178 thành phố trong cả nước; còn “Gọi xe Kuaidi” chiếm 53,6% thị phần, phủ sóng 306 thành phố trong cả nước. Đến đầu tháng 8, hai phần mềm ứng dụng này vẫn tặng cho tài xế lái xe taxi phần thưởng mang tính tượng trưng, nhưng đã ít hơn nhiều so với nửa đầu năm. Cuối cùng, Didi và Kuaidi đều chấm dứt hỗ trợ 2 Nhân dân tệ cho lái xe taxi, trận chiến đốt tiền tạm thời dừng lại.
Kuaidi, Didi đều thông qua chiến dịch này để xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Kuaidi có Alibaba hậu thuẫn, có thể nhanh chóng tìm được đối tác phù hợp trong lĩnh vực thương mại điện tử, rất dễ dàng xây dựng được đội ngũ khách hàng trung thành với thương hiệu. Trong khi Didi có Tencent làm bệ đỡ, có thể hình thành mạng lưới quảng cáo lan truyền như virus nhờ vào ưu thế của không gian giao tiếp xã hội rộng lớn.
Sau khi phần mềm gọi xe ra đời, “dịch vụ xe chuyên dụng” trở thành mục tiêu tiếp theo của Alibaba và Tencent. Tháng 7 năm 2014, Kuaidi ra mắt dịch vụ “Xe chuyên dụng số 1”; một tháng sau, “Gọi xe Didi” trình làng dịch vụ “Xe chuyên dụng Didi”. Dịch vụ “xe chuyên dụng” này mở rộng nhanh chóng từ Bắc Kinh đến rất nhiều thành phố trên toàn quốc, nhưng một số nơi lại vấp phải tiếng còi “bắt dừng lại” của cơ quan giao thông thuộc chính quyền địa phương và bị xem là “xe đen/xe dù”.
Lúc đó, chính sách quản lý taxi ở Trung Quốc lạc hậu hơn nhiều so với môi trường công nghệ thời đại mạng Internet, mang đậm màu sắc kinh tế bao cấp, nên mới xuất hiện cuộc chiến đốt tiền giữa hai phần mềm gọi xe của hai vị giám đốc họ Mã, bởi ai chẳng muốn dẫn đầu một trào lưu trong nền kinh tế thị trường, thậm chí tiến hành cải cách cả ngành taxi.
Cuộc chiến phần mềm gọi xe không chỉ là cơn lốc mạng Internet cuốn theo người ở trên mạng lẫn người bên ngoài, mà còn là trận chiến thử nghiệm đầu tiên để xây dựng “mạng xe ô tô” do hai gã khổng lồ khơi mào. Ngày nay, mạng Internet khiến cho xe ô tô trở nên thông minh hơn, xe ô tô đã trở thành lối vào của thị trường đầu cuối (terminal market) thông minh, các gã khổng lồ ngành Internet có tâm lý muốn chiếm ngay lấy thị trường này cũng là điều dễ hiểu.