NGUỒN THU NHẬP LỚN TỪ XẾP HẠNG ĐẤU THẦU
Ngoài cổng thông tin điện tử, công cụ tìm kiếm (truy vấn dữ liệu) là một mảnh đất màu mỡ khác được không ít các gã khổng lồ trong ngành Internet nhắm đến. Mọi người ngập tràn niềm tin về công cụ tìm kiếm, cho rằng đây là trận địa tốt nhất có thể đào vàng.
Mỗi dịch vụ của từng lĩnh vực đều có điểm thu lợi nhuận cố định của nó, đối với công cụ tìm kiếm, xếp hạng đấu thầu chính là nguồn thu nhập chính và cũng là một trong những hình thức chủ yếu quảng cáo từ khóa công cụ. Thông thường, doanh nghiệp sẽ quyết định thứ tự xếp hạng trước sau theo mức độ trả phí nhiều ít, đây là một cách xếp hạng được áp dụng cho các trang mạng mua cùng một từ khóa.
Ở Trung Quốc, doanh nghiệp đầu tiên cho ra đời dịch vụ xếp hạng đấu thầu là Baidu. Kiểu quảng cáo trang mạng trả phí căn cứ theo hiệu quả quảng cáo có thể khiến doanh nghiệp có được lượng lớn người dùng tiềm năng chỉ với một khoản đầu tư tương đối nhỏ, từ đó tăng doanh thu tiêu thụ của doanh nghiệp một cách hiệu quả, đồng thời mang đến lợi nhuận khổng lồ cho công ty khai thác công cụ tìm kiếm.
Tháng 11 năm 2008, chương trình “Thời sự 30 phút” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin như sau: “Baidu cho ra đời dịch vụ xếp hạng đấu thầu, nhưng vì thẩm duyệt không nghiêm, để cho một số công ty lừa đảo cũng được quảng cáo trên Baidu, mọi người vì thế mà bị mắc lừa.” Một vài phương tiện truyền thông khác cũng liên tiếp đăng lại bài này với quan điểm dịch vụ xếp hạng đấu thầu của Baidu dẫn đến “cạnh tranh không lành mạnh”.
Sự việc liên quan đến xếp hạng đấu thầu của Baidu vừa bị đưa ra ánh sáng, lập tức có khoảng 1 tỷ người đã biết tin. Sau đó, cổ phiếu của Baidu lao dốc thảm hại, chỉ sau ba ngày, giao dịch đã giảm 38%, mỗi cổ phiếu mất giá 67 đô la Mỹ. Vì thế, giá trị vốn hóa thị trường của Baidu giảm 1/3. Không chỉ thiệt hại về tiền, quan trọng nhất là đánh mất hình ảnh thương hiệu Baidu, một giá trị vô hình.
Vụ việc làm dấy lên hàng loạt thảo luận về vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đồng thời, tiết lộ thêm về giá trị vô cùng lớn ẩn giấu trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm, thu hút các gã khổng lồ trong ngành Internet tiến vào trận địa này.
KHÔNG PHÁ RỐI CÓ LỖI VỚI BẢNG XẾP HẠNG NÀY
Năm 2005, dịch vụ tìm kiếm trở nên phát triển trong thị trường mạng Internet Trung Quốc, tất nhiên, thu hút sự chú ý của Mã Hóa Đằng. Ông nhạy bén nhận ra, giả sử một cổng thông tin chỉ biết cung cấp tin tức, biến người dùng thành người tiếp nhận bị động đơn thuần, mà không biết tận dụng công cụ tìm kiếm thực hiện tương tác giữa thu thập chủ động và tiếp nhận bị động, thì cổng thông tin điện tử đó rất khó tồn tại, vì nó là một cổng thông tin không toàn vẹn.
Ngày 4 tháng 2 năm 2005, Mã Hóa Đằng và Google Mỹ đạt đến thống nhất về kế hoạch hợp tác chiến lược. Lần hợp tác này sở dĩ được hình thành là để giúp đỡ Tencent tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm, bởi dù sao sở trường của Tencent trong lĩnh vực tin nhắn trực tuyến khó phát huy tác dụng trong lĩnh vực tìm kiếm. Cùng ngày xác định mối quan hệ hợp tác với Google, Tencent bắt đầu cung cấp dịch vụ tìm kiếm trang mạng của Google cho đối tác chiến lược mới của mình. Ngoài ra, Tencent còn giúp Google kết hợp quảng cáo mạng Internet với công nghệ công cụ tìm kiếm.
Sau khi hợp tác với Google, Mã Hóa Đằng bắt tay hoạch định kế hoạch tiếp theo là giúp người dùng xây dựng mô hình cuộc sống online có thể đáp ứng nhu cầu của chính mình. Còn về công cụ tìm kiếm, Mã Hóa Đằng xác định mục tiêu là “truyền đi thông tin và nhận về tri thức” để thỏa mãn nhu cầu cơ bản nhất của người dùng, trên chuỗi gắn kết các nhu cầu này, “tìm kiếm” là khâu quan trọng nhất, có vai trò trọng yếu là liên kết.
Sau khi tất cả đã sẵn sàng, Mã Hóa Đằng bắt đầu tiến nhanh vào lĩnh vực tìm kiếm. Ngày 2 tháng 3 năm 2006, Tencent chính thức ra mắt trang tìm kiếm là Soso, bắt đầu tiếp nhận dịch vụ tìm kiếm một cách độc lập, chuyên tâm cung cấp cho người dùng dịch vụ ứng dụng mạng Internet tiện ích và phong phú. Tencent đã giới thiệu về Soso là: So với các công cụ tìm kiếm nổi tiếng hiện tại, trang Soso tập trung đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng, đặc biệt là cư dân mạng trẻ tuổi.
Soso là một trang web tìm kiếm không gì không có, bao gồm không chỉ hình ảnh, tin tức thời sự, diễn đàn, âm nhạc, mà còn liên kết cả QQ Group (qun.qq.com) và QQ Zone để người dùng có thể tìm kiếm chỉ bằng một lần đăng nhập. Ngoài ra, Soso còn có một tính năng rất đặc biệt là có thể thực hiện “tìm kiếm tổng hợp”: Dựa vào năng lực tổng hợp tin tức của trang Soso, một lần “nhấp chuột” có thể tìm ra tất cả thông tin về trang web, hình ảnh và âm nhạc liên quan đến từ khóa mà người dùng nhập vào, khiến người dùng tìm được nội dung mình muốn trong thời gian ngắn. Nhìn từ góc độ này, Soso ra đời mang đến một sự thay đổi hoàn toàn mới cho thị trường tìm kiếm.
Mã Hóa Đằng cho rằng phương hướng phát triển của Baidu có lẽ sẽ tương tự như Google, chắc chắn sẽ ra mắt tin nhắn trực tuyến của chính mình. Mã Hóa Đằng có thể cảm nhận rõ nét Baidu đã “nai nịt gọn gàng” chờ ngày tiến vào lĩnh vực phần mềm IM.
Ban đầu, Baidu và Tencent không có tranh chấp. Nhưng cùng với quá trình phát triển của mạng Internet, cạnh tranh cũng được đẩy lên thành một nội dung. Cho dù Baidu không tiến vào lĩnh vực tin nhắn trực tuyến, Tencent cũng sẽ tiến vào lĩnh vực tìm kiếm để tổng hợp tài nguyên cộng đồng xã hội. Mã Hóa Đằng từng cho biết: “QQ giúp nhiều người kết nối với nhau, cùng với sự tăng trưởng của dịch vụ gia tăng QQ, cần một cách hữu hiệu để tổng hợp, chính là tìm kiếm.”
Baidu dần mở rộng sức mạnh của mình nhờ công cụ tìm kiếm, từng bước thâm nhập đến các lĩnh vực. Còn Tencent cũng có thể nhảy từ một cộng đồng xã hội này sang một cộng đồng xã hội khác với sự ủng hộ của QQ. Va chạm giữa Baidu và Tencent là thực tế khó tránh. Nhưng trên thị trường công cụ tìm kiếm này vẫn còn một nhóm người đang âm thầm chờ đợi.
Một trận hỗn chiến sắp bắt đầu.
PHÁ VÒNG VÂY CUỘC HỖN CHIẾN
Tháng 6 năm 2005, Sina nhắm thẳng vào thị trường công cụ tìm kiếm Trung Quốc, cho ra mắt sản phẩm mở đường của mình là Iask và mở họp báo với chủ đề “hỏi tất chuyện thiên hạ, tìm kiếm tọa độ mới”, tạo được tiếng vang rất lớn.
Sina đã hình thành liên kết mạnh mẽ với Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Công ty TNHH Đầu tư Tứ Thông, Công ty TNHH Khoa học Đồ Minh và Công ty TNHH Trung Sưu Online, thực hiện “không gì không có” cả về nội dung và tài nguyên. Bên cạnh đó, Iask tập hợp trí tuệ của đông đảo người dùng mạng. Sina làm như vậy là để người dùng mạng trao đổi trải nghiệm tâm đắc với nhau.
Nhưng sau hai năm ra đời, Iask không tạo được nhiều làn sóng lớn trên thị trường công cụ tìm kiếm, cũng không lập nên nhiều thành tích tốt, thị trường công cụ tìm kiếm vẫn bị Baidu và Google chiếm lĩnh.
Năm 2007, chính sách “nội địa hóa” của Google Trung Quốc thực hiện không mấy thành công nên đã thiệt hại không ít trong cuộc chiến với Baidu. Công cụ tìm kiếm Iask của Sina cũng không giành được thành tựu nào đáng kể, bị Baidu đánh đến mức tan tác. Trong tình hình này, hợp tác giữa Google và Sina trở thành tất yếu.
Ngay trong năm ấy, Sina tuyên bố chính thức hợp tác với Google, cùng xây dựng kỷ nguyên mới của công cụ tìm kiếm mạng Internet.
Một lý do khiến Google bất lợi trong cuộc cạnh tranh với Baidu là Baidu sở hữu “giấy phép kinh doanh”, còn Google thì không. Hợp tác giữa Google và Sina vừa hay có thể bù đắp thiếu sót này.
Sau khi Google và Sina tuyên bố hợp tác, Iask của Sina bị bỏ rơi, Sina sử dụng công cụ tìm kiếm của Google. Lúc này xuất hiện một người là Trương Triều Dương, nhân vật đứng đầu Sohu. Tiền thân của Sohu là Công ty Ái Đặc Tín. Năm 1998, Ái Đặc Tín ra mắt sản phẩm “Sohoo”, sau đó, được đổi theo tên công ty thành Sohu. Trương Triều Dương từng lãnh đạo Sohu tiến hành bốn lần huy động vốn. Cuối cùng, năm 2000, Sohu được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ Mỹ.
Trong mắt Trương Triều Dương, công nghệ rất quan trọng, ông coi công nghệ là cơ sở tồn tại của công ty mạng Internet. Do vậy, tháng 8 năm 2004, Trương Triều Dương dẫn dắt Sohu nghiên cứu, khai thác một trang tìm kiếm mới tên là Sogou. Từ “Sogou” (tiếng Trung có nghĩa là tìm chó) bắt nguồn từ lời thoại trong bộ phim hài “Đại Uyển” (tên tiếng Anh là “Big Shot’s Funeral”) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương: “Họ đi tìm cáo, chúng ta đi tìm chó, ai tìm thứ của người đó.” Trương Triều Dương nói, trang Sogou là công cụ tìm kiếm tiếng Trung kiểu tương tác đời thứ ba đầu tiên trên thế giới. Trương Triều Dương công bố Sogou rõ ràng là để khai chiến với Baidu.
Hai năm sau, Baidu vẫn là Baidu, Sogou vẫn là Sogou, Baidu vừa không bị Sogou cướp thị phần, cũng không mất đi danh hiệu “ngón cái khổng lồ” trên thị trường công cụ tìm kiếm bằng tiếng Trung.
Tương tự như thế, Mã Hóa Đằng, người đưa Soso vào thị trường này, cũng chưa tìm ra cách hiệu quả để cạnh tranh với Baidu. Nhưng ông vẫn coi số lượng người dùng khổng lồ là nguồn cội tạo dựng niềm tin chủ yếu, cẩn thận tìm kiếm các cơ hội tiến sâu vào vùng nội địa của công cụ tìm kiếm.
Cùng với quá trình cạnh tranh giữa Tencent và Baidu trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm, ưu thế của Baidu dần hiện rõ, Baidu Tieba trở thành một trong những yếu tố then chốt quyết định thành bại.
Tính đến năm 2014, Baidu Tieba có số lượng người dùng đăng ký vượt mốc 1 tỷ, có 8,2 triệu Tieba (diễn đàn), lượng chủ đề bình quân mỗi ngày lên tới hơn 100 triệu, lượng truy cập bình quân hằng ngày vượt hơn 2,7 tỷ. Có thể nói, chính sự trung thành của tập thể người dùng trẻ tuổi đã giúp Baidu xây dựng nên một môi trường sinh thái mạng Internet bền vững.
Bản chất của Tieba là quần thể xã hội được tập hợp trên cơ sở cùng chủ đề bàn luận, đáp ứng một cách đầy đủ tính cách mâu thuẫn tồn tại trong con người: Vừa muốn theo đuổi cá tính riêng vừa muốn kiếm tìm bạn tri âm.
Có thể nói, “văn hóa người hâm mộ” của mạng Internet Trung Quốc bắt nguồn từ Baidu Tieba, Tieba với các đặc điểm như tính xã hội, tính đề tài khiến người dùng mạng đến từ khắp nơi tìm thấy điểm chung. Trên cơ sở đó, Baidu lại thông qua tác dụng ngược lại của điểm nóng và chủ đề tìm kiếm đối với Tieba để tiếp tục nâng cao tầm ảnh hưởng với xã hội.
Baidu Tieba thông qua việc thúc đẩy phổ biến sản phẩm Baidu, tiếp tục tăng cường hệ thống tài khoản, thực hiện thành công khâu “loại bỏ quá trình công cụ hóa” công cụ tìm kiếm, giúp đỡ cho Baidu rất nhiều trong kiến tạo hệ thống sinh thái Internet rộng lớn, cũng chính điều này đã đặt nền móng vị trí vững chắc cho công cụ tìm kiếm Baidu.
Baidu Tieba có ưu thế hơn so với QQ Group, bởi cảm giác về cộng đồng xã hội và cảm giác được thuộc về cộng đồng mà nó tạo ra rõ ràng hơn. QQ Group chỉ được coi là công cụ IM mang tính hỗ trợ, phải phối hợp với sự tồn tại của Baidu Tieba, bởi vì mỗi quần thể xã hội đều coi Tieba là trung tâm.
Sau khi mạng Soso chính thức ra mắt, Mã Hóa Đằng thực hiện tổng hợp giữa tìm kiếm người dùng với các sản phẩm hiện có của Tencent, mục đích là làm ra một sản phẩm rõ cá tính, rõ tính cộng đồng xã hội, thông minh và di động.
Sau đó, Google rút khỏi Trung Quốc đại lục, Soso lại có cơ hội phát triển cực tốt: Một là bớt đi một đối thủ cạnh tranh; hai là số lượng không ít nhân viên vốn làm việc cho Google được Tencent thu nạp, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực công nghệ của Soso.
Cho dù như vậy, con đường phát triển của Soso không hề thuận lợi, ngay cả khi đã tiếp nhận một số công nghệ tiên tiến cũng như những nhân viên giàu kinh nghiệm của Google, bởi muốn họ hòa nhập vào công cụ tìm kiếm mới Soso cần có thời gian. Dù sao công cụ tìm kiếm chỉ là một phần, một kế hoạch trong tổng thể chiến lược của Tencent, còn đối với Google từng một thời không ai sánh được, công cụ tìm kiếm lại là toàn bộ hạt nhân của họ.
Vì thế, nếu so sánh thực lực của Soso và Baidu sẽ thấy, việc Mã Hóa Đằng tiến vào lĩnh vực công cụ tìm kiếm chỉ có thể coi là một chuyến du lịch. Muốn thật sự vượt qua Baidu, Tencent phải đi con đường rất dài.