1. Xây dựng nền tảng truyền thông
1.1 Bộ nhận diện thương hiệu
Bộ nhận diện thương hiệu sẽ nói lên những thông tin về cơ bản của công ty, doanh nghiệp của bạn cũng như giúp mọi người xung quanh nhận ra đó là bạn. Bộ nhận diện thương hiệu này chính là nền tảng của việc truyền thông các chiến dịch liên quan đến thương hiệu của bạn. Các đề xuất liên quan trong kế hoạch truyền thông của nền tảng thương hiệu sẽ bao gồm: logo, màu, chữ, giọng văn, hình mẫu, tính cách thương hiệu.
Nó như một guideline giúp bạn hoàn thiện tốt trong việc thực thi một chiến dịch marketing có liên quan đến truyền thông thương hiệu.
Logo
Logo yêu cầu tính thống nhất trong việc nhận dạng. Logo là biểu trưng của sản phẩm, dịch vụ, thông qua đó để xây dựng nhận biết của khách hàng. Đó có thể là:
- Biểu tượng trơn
- Biểu tượng đi kèm với chữ như tên thương hiệu, slogan
- Chữ và các biểu tượng nằm trong chữ
- Chỉ mình chữ là tên thương hiệu
Màu sắc
Màu sắc là yếu tố quan trọng của thương hiệu, đó là khía cạnh quan trọng nhất giúp khách hàng dễ dàng nhận ra bạn. Bộ nhận diện thương hiệu phác thảo màu và cách sử dụng mỗi màu như thế nào bao gồm màu sắc trong logo, màu sắc trong nền, số lượng màu sử dụng, màu của mỗi text.
Màu sắc ảnh hưởng đến ấn tượng ban đầu và suy nghĩ, cảm xúc của khách hàng sau này. Mỗi màu sắc sẽ có những ý nghĩa biểu trưng và mang những sắc thái khác nhau. Cùng xem, nó biểu hiện cho những sắc thái gì nhé!
Đó là màu trắng – trong sạch, hòa bình và thiện chí. Vì tạo cảm giác dễ chịu khi nhìn màn hình nên màu trắng thường được chọn làm nền trong logo hay các logo âm bản.
Vàng được sử dụng trong thiết kế logo nhằm gây sự chú ý và tạo cảm giác hạnh phúc, ấm áp.
Sôi động, vui tươi, say mê là những gì sắc cam mang lại. Những logo mang màu cam này thường được ứng dụng trong lĩnh vực sách, thực phẩm, thể thao. Một số ngành công nghiệp sáng tạo sử dụng màu cam để giúp họ nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh.
Sắc đỏ với niềm đam mê, tự hào biểu thị cho tình yêu và cuộc sống. Trong logo, màu đỏ được ứng dụng nhiều trong ngành thực phẩm và vui chơi bởi nó là màu kích thích mạnh đến thị giác.
Xanh dương là một màu phổ biến mang trong mình tính trung thực, niềm tin, mạnh mẽ và sự tĩnh lặng. Nó là màu mạnh, khá nổi bật trong thiết kế logo nhưng vẫn có thể mang đến cảm giác thoải mái, thư thái khi nhìn vào.
Biểu thị cho sự phát triển, thiên nhiên và tươi mát là những gì màu xanh lá cây đang mang lại.
Đen mang trong mình sự tao nhã, quý phái, xa xỉ và có chút bí hiểm. Nó thường được sử dụng trong các thiết kế hướng đến đối tượng cao cấp.
Phối màu trong thiết kế logo
Với ba màu cơ bản đỏ, vàng, xanh dương, khi phối màu có thể cho ra nhiều màu sắc khác nhau và chúng ta sẽ có một vòng tròn khép kín như sau:
Phối màu tương phản – Complementary
Phối màu tương đồng – Analogous
Phối màu kiểu đối xứng bổ sung – Split complementary
Phối màu đơn sắc – Monotone
Phối màu bộ ba – Triadic
Phối màu bộ bốn - Tetradic
Lưu ý:
- Số lượng màu sắc nên được giữ ở mức tối thiểu và có thể bao gồm những màu cơ bản.
- Cần chỉ rõ mỗi màu theo tên và giá trị quy định màu sắc như màu chính, màu phụ, màu thay thế.
- Xác định màu có giá trị cho việc in ấn (hệ CMYK) và các dự án kỹ thuật số (RGB, HEX).
Chữ
Chữ được sử dụng trong bộ nhận diện yêu cầu về phong cách cho từng loại khi sử dụng bao gồm trong in ấn và cả trong truyền thông online.
Hình mẫu thương hiệu
Hình mẫu thương hiệu là một dạng hình tượng được hình thành qua quá trình phát triển của xã hội và được xã hội mặc định thừa nhận trong tâm thức.
Các dạng hình mẫu thường được áp dụng để xây dựng hình mẫu thương hiệu cho công ty, brand như: người lãnh đạo, chiến binh, người tình, người mẹ, nhà thông thái, người khai phá, anh hùng, người đời thường, người sáng tạo, người chăm sóc, người bạn…
Những thương hiệu với hình mẫu người quyến rũ, nhà thông thái, người mẹ, nhà vua thường có giá trị thương hiệu mạnh hơn những hình mẫu khác. Tuy nhiên, vẫn có một vài ngoại lệ như cái tên có giá trị thương hiệu rất mạnh như Bạch Thái Bưởi với hình mẫu người phá cách, hay cái tên Bia Hà Nội với hình mẫu người đời thường.
Tính cách thương hiệu
Ở mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa khác nhau thì hình ảnh biểu trưng, tính cách và các thuộc tính cũng như giá trị mà hình mẫu truyền tải cũng khác nhau. Do vậy, để có thể truyền tải được hình mẫu thương hiệu chính xác thì phải lựa chọn được tính cách thương hiệu phù hợp với tính cách con người, phù hợp với triết lý văn hóa, phù hợp với cả đặc tính ngành nghề, khác biệt với đối thủ cạnh tranh và quan trọng nhất là phải được khách hàng yêu thích.
Mỗi hình mẫu thương hiệu sẽ đi kèm cùng với từ hai đến ba nét tính cách khác nhau. Các nét tính cách này phải tạo được khác biệt giữa thương hiệu của bạn và thương hiệu của đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, nó phải có khả năng biểu đạt, đặc biệt qua ngôn ngữ hay hình ảnh để có thể truyền tải tốt đến đối tượng người dùng. Các nét tính cách này phải có sự tương hỗ lẫn nhau và liên hệ được với hình mẫu thương hiệu. Đó là người mẹ tràn đầy “yêu thương” và “chăm sóc”. Đó là người đời thường “bình dị” và “dễ gần”. Hay thậm chí là người bạn với sự “vui vẻ” và “chân thành”.
Slogan và Tagline
Nếu Slogan thường được sử dụng cho một chiến dịch quảng cáo có tuổi thọ ngắn thì Tagline lại được sử dụng cho một thương hiệu và thường đi cùng thương hiệu suốt đời.
Nếu Slogan thay đổi theo từng chiến dịch quảng cáo thì Tagline chỉ thay đổi nếu định hướng của thương hiệu thay đổi.
Nếu Slogan luôn có thể truyền tải được chiến lược của cả công ty, định vị được cả một sản phẩm hay dịch vụ thì Tagline chỉ là định hướng cho doanh nghiệp phát triển.
Nếu Slogan thể hiện đặc điểm nổi bật của sản phẩm dịch vụ thì Tagline lại thể hiện bản sắc và dấu ấn riêng của doanh nghiệp.
Slogan không chỉ dừng lại ở sản phẩm dịch vụ mà còn hướng đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tôn giáo trong khi Tagline chỉ dừng lại ở việc hướng tới thương hiệu, doanh nghiệp.
1.2 Kênh truyền thông nền tảng
Kênh truyền thông được xác định là các kênh truyền thông được lựa chọn để sử dụng cho một chiến dịch. Tùy vào mục đích mà có cách sử dụng phối hợp khác nhau. Các kênh này đã được liệt kê và chỉ rõ trong chương 6, phần II của cuốn sách này.
1.3 Nội dung và hình ảnh
Phong cách viết và giọng văn
Để phù hợp với thương hiệu, yêu cầu văn phong phải có giọng điệu phù hợp và tương đồng với nhận diện của nó. Điều này áp dụng cho tất cả mọi thứ có liên quan từ tiêu đề, thông cáo báo chí đến blog, quảng cáo. Việc phác thảo ra các yêu cầu nhằm mục tiêu hướng người đọc đến một điểm nhận diện. Bài viết nên dài hay nên ngắn, giọng văn nên trang trọng hay không, đối tượng mục tiêu của bạn là ai? Hàng loạt câu hỏi được đưa ra để đi đến câu trả lời cuối cùng: Đâu sẽ là nhận diện trong thương hiệu của bạn về phong cách và giọng văn.
Concept Design
Cũng giống như giọng văn, bạn phải xác định được concept design của riêng mình trong các thiết kế được công bố ra ngoài dưới mọi hình thức.
Nội dung nền tảng
- Giới thiệu thương hiệu
Đây là các nội dung nhằm mục đích giới thiệu thương hiệu như kể lại câu chuyện thương hiệu, về đội ngũ nhân sự, về văn hóa công ty, hay truyền thông liên quan đến các dịp kỷ niệm của công ty.
- Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ
Đây là các nội dung liên quan đến thông tin sản phẩm – dịch vụ, bộ ảnh, các thông tin chi tiết liên quan đến chức năng, lợi ích, cách thức sử dụng, giá cả, hình thức vận chuyển, hình thức thanh toán…
- Bằng chứng về sự hiệu quả
Nội dung được cung cấp cho phần này là các cảm nhận của khách hàng, các trải nghiệm trong quá trình sử dụng, sự hiệu quả của việc trước và sau khi sử dụng.
2. Các hoạt động trong chiến dịch được đề xuất
Chủ yếu là các chiến dịch liên quan như Brand Campaign, Performance Campaign, Communication Daily.