Thăng tiến là ước vọng của mọi nhân viên công sở. Muốn được vậy, chúng ta không thể chỉ ngồi yên đợi chiếc bánh từ trên trời rơi xuống mà phải chủ động tìm kiếm và nắm bắt thời cơ. Danh ngôn có câu: “Thành công đến khi cơ hội và sự chuẩn bị gặp nhau.” Cạnh tranh thăng tiến giữa đồng nghiệp chính là một mặt trận không khói thuốc súng, bạn phải đợi đúng thời điểm để thể hiện thế mạnh của mình.
1
HIỂU RÕ VỀ THĂNG TIẾN
Những người có lòng cầu tiến sẽ không bằng lòng với hiện trạng, luôn nỗ lực để vươn lên trở thành người ưu tú
Trung Quốc có câu: “Người hướng đến chỗ cao, nước chảy về chỗ thấp.” Một người muốn đóng góp thật nhiều cho xã hội sẽ muốn theo đuổi quyền lực, theo đuổi sự thăng tiến. Trong công việc, nếu bạn có cơ hội thăng tiến, hãy nhanh chóng nắm bắt, đừng để vuột mất nó.
Những người có lòng cầu tiến sẽ không bằng lòng với hiện trạng, luôn nỗ lực để vươn lên trở thành người ưu tú. Không một người có tham vọng nào lại không đạt được sự thăng tiến.
Vậy thế nào là thăng tiến?
Thăng tiến có nghĩa là mở rộng quan hệ cá nhân
Quyền lực lớn hay nhỏ thường tỉ lệ thuận với mạng lưới quan hệ rộng hay hẹp. Ví dụ bạn là một nhân viên bình thường, người mà bạn tiếp xúc trong công việc sẽ có hạn, hơn nữa bạn luôn là người chủ động liên lạc, còn đối phương ở phía tiếp nhận. Nhưng một khi bạn trở thành người có uy quyền ở mức độ nhất định, phạm vi giao tiếp của bạn sẽ lập tức được mở rộng. Khi ấy bạn trở thành người tiếp nhận, còn đối phương là người chủ động tìm đến.
Quyền lực tăng thêm, quan hệ đương nhiên sẽ rộng mở, nhưng việc duy trì và nâng cao tầng cấp quan hệ không tự nhiên diễn ra. Nó phụ thuộc vào nhân cách, phong độ, sức hút, khả năng gắn kết... của người lãnh đạo.
Khi bạn muốn mở rộng mạng lưới quan hệ, việc củng cố sức ảnh hưởng, khả năng gắn kết, khả năng lay động đối với người khác là yêu cầu bắt buộc. Khi bạn hạ bút viết ra mục tiêu thăng tiến của mình, nó sẽ giúp bạn có thêm động lực, điều chỉnh đường đi nước bước, nắm chắc phương pháp.
Nhìn lại cuộc đời các nhân vật quyền lực, chúng ta không khó để nhận ra, từ cổ chí kim, các chính trị gia nổi tiếng đều là người có quan hệ sâu rộng.
Trên bước đường thăng tiến, chúng ta sẽ không ngừng gặp phải những vấn đề mới trên phương diện mở rộng quan hệ. Nói cách khác, đường đi của thăng tiến là đường đi của mở rộng quan hệ. Thúc đẩy giao tiếp gián tiếp thông qua giao tiếp trực tiếp, dùng giao tiếp cá nhân để tăng cường uy quyền, sức ảnh hưởng và hiệu quả công việc vừa là một môn nghệ thuật, cũng vừa là yêu cầu bắt buộc dành cho những người muốn thăng tiến.
Thăng tiến là bước ngoặt của sự phát triển
Đối với một số người, mất đi cơ hội thăng tiến đồng nghĩa với việc có khả năng mãi mãi không thể thăng tiến lần nữa, mà có được một cơ hội thăng tiến chính là có khả năng sẽ không ngừng thăng tiến. Đây chính là nguyên nhân chúng ta nói thăng tiến là bước ngoặt của sự phát triển.
Một người rất khó có thể nổi bật trong cuộc cạnh tranh với những người có cùng năng lực, vị trí công việc như họ. Nhưng một khi được thăng chức, họ sẽ có cơ hội thể hiện bản thân, được người khác dõi theo và tán thưởng. Đồng thời họ cũng có cơ hội rèn giũa, học hỏi ở quy mô lớn hơn và cấp độ cao hơn.
Thăng tiến sở dĩ đáng để phấn đấu là bởi nó có tính liên tục, tính chuyển ngoặt, có thể mang tới cho bạn một tương lai tươi sáng. Thử nghĩ mà xem, nếu bạn biết trước lần thăng tiến này là lần cuối cùng, vậy thì nó có còn hấp dẫn bạn nhiều như vậy nữa không?
Mỗi một lần thăng tiến đồng nghĩa với việc được xã hội thừa nhận và đón nhận. Nó cũng là cơ hội để bạn khẳng định chính mình, do đó nó có tác dụng bồi dưỡng lòng tự tin của bạn.
Đương nhiên, lộ trình của mỗi người mỗi khác. Đường thăng tiến dài hay ngắn phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi cá nhân. Nhưng nhìn nhận từ góc độ khách quan, sau mỗi lần thăng tiến, bạn luôn có được nhiều cơ hội trong công việc hơn. Chỉ cần bạn thể hiện tốt thì lại có thể tiếp tục thăng tiến và lại càng có nhiều “đất diễn” hơn nữa để phô bày tài năng.
Thăng tiến không chỉ đại diện cho quyền lực, địa vị của một người mà còn trực tiếp thể hiện giá trị cuộc đời của người đó. Người có quyền lực và địa vị nhất định thì sẽ có cơ hội và điều kiện để thể hiện giá trị của mình. Khi có địa vị nhất định, bạn sẽ càng thu hút nhiều sự chú ý hơn, và bạn phải đáp ứng ngày càng nhiều kì vọng mà mọi người dành cho bạn. Nói cách khác, vị trí của bạn càng cao, kì vọng mọi người đặt vào bạn càng lớn. Khi bạn có thể đáp ứng được sự kì vọng này thì giá trị cuộc đời bạn chắc chắn sẽ được nâng cao hơn hẳn.
2
NẮM BẮT MẠNG LƯỚI CƠ HỘI THĂNG TIẾN
Cơ hội luôn đến và đi một cách lặng lẽ, bạn phải tinh tường nhận ra và nhanh chóng nắm bắt lấy nó để thành công thăng tiến
Danh ngôn có câu: “Thành công đến khi cơ hội và sự chuẩn bị gặp nhau.” Thụ động, ù lì sẽ không thể tạo ra cơ hội thăng chức, tăng lương cho bản thân. Đừng mong chờ thời cơ tự tìm đến với mình. Bạn chẳng thể nào bỗng nhiên được cấp trên đánh giá cao, rồi cho thăng chức, tăng lương mà phải không ngừng nắm bắt cơ hội mới có thể đạt được những điều này.
Ví dụ công ty bạn đang trống một vị trí nhân sự cấp cao, vậy thì chắc chắn đó là một cơ hội thăng chức tuyệt vời. Trong số các nhân viên, giám đốc đã sàng lọc và chọn ra được ba người nổi bật nhất, trong đó có bạn, vì vậy cơ hội chia đều cho ba người. Có được cơ hội thăng tiến tốt như vậy, đương nhiên bạn sẽ thấy khấp khởi vui mừng, đồng thời cũng thấp thỏm không yên vì nỗi lòng lo được lo mất. Sau khi có kết quả cuối cùng, người được ngồi vào vị trí đó không phải là bạn, chắc chắn kì vọng của bạn đã sụp đổ.
Ngoài việc cảm thấy vô cùng thất vọng, thì điều khiến bạn càng thêm buồn lòng đó chính là bạn biết chắc rằng mình rất khó có được cơ hội tốt như thế này một lần nữa. Kì thực, suy nghĩ như vậy là vô cùng sai lầm. Xã hội hiện đại, nhịp sống hối hả, biến động rất lớn, “thua keo này ta bày keo khác”, thậm chí cơ hội sau càng lớn hơn cơ hội đã mất. Thời cơ luôn đến và đi một cách lặng lẽ, quan trọng là bạn có thể nhận ra để chuẩn bị nắm lấy nó thật chắc hay không mà thôi. Sau khi hiểu được đạo lí này, bắt đầu từ bây giờ, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận cơ hội thuộc về mình. Giống như con nhện chăng tơ để bắt mồi, phải chăng chiếc mạng càng to, càng chắc mới càng bắt được nhiều kẻ đi lạc.
Chuẩn bị đón bắt cơ hội không phải là điều khó, ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Bạn chỉ cần để tâm chú ý đến mấy điểm dưới đây:
Rèn luyện, bảo vệ, duy trì sức khỏe tốt
“Thân thể là vốn liếng của con người”, đương nhiên nó cũng là vốn liếng để bạn thăng quan tiến chức. Cho dù bạn là một nhân viên rất có năng lực nhưng thể chất suy nhược thì cấp trên cũng khó lòng yên tâm mà giao trọng trách cho bạn, vì sếp sẽ lo lắng nếu giữa chừng cơ thể bạn không trụ được, sẽ làm hỏng việc lớn của họ. Ngủ đủ giấc, vận động điều độ, ăn uống lành mạnh, cân bằng là ba yếu tố lớn giúp giữ gìn sức khỏe, không thể thiếu yếu tố nào. Lực bất tòng tâm chính là tình huống bi thảm nhất. Do đó bước chuẩn bị đầu tiên để đón bắt cơ hội thăng tiến chính là bồi dưỡng cho mình một cơ thể khỏe mạnh.
Xây dựng mạng lưới quan hệ chất lượng
Mạng lưới quan hệ được tạo thành từ nhiều mối quan hệ thân thiết. Nếu chỉ có một bên chìa tay kết bạn, bên kia thu tay không màng, thì quan hệ song phương này cũng không thể hình thành. Chúng ta thường nói quảng giao mới tốt, nhưng có một số người chỉ chọn thiết lập quan hệ với những người có chức có quyền mà bỏ qua những người bình thường. Đây chính là hành vi đại kị đối việc việc thăng tiến.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, mọi người đều bình đẳng về mặt nhân cách, nhân phẩm, không phân biệt thân phận cao quý, thấp hèn. Nếu bạn lại “khinh người” như vậy thì chính là tự chuốc thiệt vào thân, vì thế khó mà có được mạng lưới quan hệ rộng khắp. Hãy nhớ rằng những người không được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ, đề bạt sẽ khó có cơ hội thăng tiến. Bí quyết để xây dựng mạng lưới quan hệ sâu rộng, tốt đẹp nằm trong mấy chữ: chủ động, nhiệt thành. Bạn không cần làm đến mức yêu cả đối thủ, nhưng bạn cũng đừng nên vô cớ tấn công họ. Nếu biết nghĩ cho bản thân, bạn cũng đừng nên thể hiện hay khoe khoang về bản thân, khiến những người xung quanh đề phòng.
Biết kiềm chế bản thân
Trên con đường nghề nghiệp, bạn sẽ gặp phải những việc chướng tai gai mắt, đồng thời cũng sẽ gặp không ít những cám dỗ, nếu không cẩn thận sẽ có những hành vi không đúng mực tại công sở.
Xin được lấy một ví dụ như sau: Hành vi tham ô công quỹ, bất kể số tiền lớn hay nhỏ, đều có tính chất nghiêm trọng như nhau. Nhân viên nào có hành vi trên sẽ bị cấp trên liệt vào danh sách đen, không thể tiếp tục trọng dụng.
Các nhân viên trẻ thường nông nổi, thiếu kiềm chế. Nếu được giao cho việc thu chi, hàng ngày nhìn tiền ra tiền vào, khó tránh khỏi nảy sinh lòng tham, dễ phạm vào tội tham ô, chiếm dụng công quỹ. Đến lúc sự việc vỡ lở thì hối hận cũng đã muộn.
Những hành vi như vậy có khả năng ảnh hưởng tới sự nghiệp và tiền đồ của bạn. Do đó, bạn phải thành thục năng lực kiềm chế bản thân, tránh tự mình hại mình.
Thể hiện thái độ cầu tiến
Một công việc lặp lại, không có thách thức, thoạt nhìn thì nhẹ nhàng, ổn định, thuận lợi, nhưng nó lại không cho bạn cơ hội thể hiện tiềm lực của bản thân. Xã hội cạnh tranh ngày nay là thế giới của “tiến công”, những người chỉ biết “thủ thế” sẽ không thể thể “khoe” được bản thân để đạt tới mục tiêu cao xa. Do đó, nếu đang làm một công việc đều đều, bình bình, nhàm chán, bạn phải luôn tìm ra những điểm có thể cải tiến, để cấp trên thấy được tinh thần dám nghĩ dám làm và thái độ cầu tiến của bạn.
Bạn cũng có thể chủ động đề xuất ý tưởng mới với cấp trên và cùng thảo luận xem chúng có khả thi hay không. Tinh thần ham học hỏi và cầu tiến này sẽ khiến cấp trên thấy được bạn là một “kho báu vô tận”. Từ đó sếp sẽ thêm quý trọng, luôn để ý để cất nhắc bạn lên vị trí cao hơn.
3
NẮM CHẮC THỜI KHẮC THAY ĐỔI VẬN MỆNH CỦA BẠN
Vận mệnh của tôi thay đổi chính vào khoảnh khắc tuyệt vời đó
Phần đầu tiên trong cuốn sách bán chạy được xuất bản tại Mỹ có tên 99 khoảnh khắc đời người có viết: “Vận mệnh của tôi thay đổi chính vào khoảnh khắc tuyệt vời đó.” Có lúc, bạn và cấp trên chỉ tiếp xúc với nhau trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi. Nếu có thể tận dụng những cơ hội chớp nhoáng này để thể hiện bản thân, bạn sẽ khiến cấp trên chú ý đến mình một cách tự nhiên. Thời gian không dài, không gian hạn hẹp nên bạn phải chọn lời nói súc tích, hành động nhanh gọn để giao tiếp hiệu quả với cấp trên.
Tình huống 1: Trong thang máy
Nếu bạn vô tình gặp cấp trên trong thang máy, vậy thì hãy nhớ rằng biểu hiện của bạn trong mấy phút tiếp xúc này sẽ quyết định ấn tượng của sếp về bạn. Khi đó, bạn hãy chủ động tiến lên chào hỏi cấp trên, thể hiện bạn là người hiểu phép tắc và biết cách giao tiếp. Như vậy cấp trên sẽ nhớ đến bạn với ấn tượng đó là một nhân viên lịch sự, tự tin. Robert Emmet Sherwood – chủ biên tạp chí Life của Mỹ gọi đó là “Nghệ thuật ngôn ngữ trong thang máy”. Ông nói: “Cái gọi là ‘Nghệ thuật ngôn ngữ trong thang máy’ chính là trong vòng một phút khi đi chung thang máy với cấp trên, bạn có thể biểu đạt bản thân một cách tốt nhất thông qua lời nói, hành động.”
Tình huống 2: Trong các bữa tiệc
Các bữa tiệc cũng là cơ hội để bạn giao lưu với cấp trên. Nếu cấp trên đang nói chuyện với một vị khách, tốt nhất bạn đừng nên quấy rầy. Nếu cấp trên đang ở một mình, bạn có thể tiếp cận đối phương. Hãy tiến đến gần sếp, trò chuyện đôi câu để làm nóng bầu không khí, tốt nhất là nên nói về những chuyện có thể khiến đôi bên vui vẻ. Các bữa tiệc không phải là thời gian làm việc, cho nên bạn phải tạo được bầu không khí thư giãn, thoải mái. Có lẽ cấp trên cũng rất mệt mỏi vì công việc, nếu bạn có thể nói gì, làm gì khiến sếp thả lỏng và vui vẻ, đối phương sẽ nhớ kĩ bạn.
Nếu cấp trên đến tiệc muộn và lúc đó đã hết chỗ ngồi, bạn có thể chủ động đứng lên nhường ghế cho sếp. Đừng sợ người khác chê cười, cấp dưới tôn trọng cấp trên là chuyện đương nhiên.
Ngoài ra, nếu bạn có thể giành được thiện cảm của bạn bè, người thân của cấp trên hoặc khách hàng quan trọng của công ty, có được những tràng pháo tay hoặc lời ngợi khen của họ thì cấp trên tất nhiên sẽ chú ý đến bạn. Khi ấy, bạn hãy nhắc đến cấp trên, ngợi ca tài năng, thành tích của sếp hoặc cảm ơn sếp đã giúp đỡ trong công việc, như vậy đối phương sẽ càng có ấn tượng tốt về bạn.
Tình huống 3: Trên hành lang công ty
Có lúc bạn sẽ tình cờ gặp cấp trên ở hành lang công ty lúc sếp đi từ phòng này sang phòng khác. Bạn phải quý trọng và tận dụng tốt cơ hội này. Một cuốn sách kể câu chuyện như sau: Có một nhân viên cấp dưới vừa đi vừa nói chuyện cùng cấp trên trên khi từ nhà vệ sinh trở về phòng làm việc. Với bầu không khí thoải mái, chỉ trong hai phút đồng hồ, đôi bên đã trao đổi rất nhiều chủ đề thú vị cũng như thông tin hữu ích. Vì vậy, khi nhìn thấy cấp trên đi ngược chiều trên hành lang, bạn phải nhanh chóng tiến đến chào hỏi. Sau đó bạn hãy đi cùng chiều với cấp trên, đi lùi về sau một chút, chú ý không sóng vai ngang hàng với cấp trên, tìm kiếm chủ đề để giao lưu cùng đối phương.
Tình huống 4: Tại địa điểm vui chơi giải trí
Bạn cũng có thể vô tình gặp phải cấp trên tại các địa điểm vui chơi giải trí ngoài công ty. Khi đó, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đến chào hỏi sếp. Bí quyết ở đây là bạn nên thể hiện bản thân cũng có sở thích giống với cấp trên. Ai lại không có ấn tượng tốt với người có cùng sở thích với mình chứ? Sau đó bạn có thể mời cấp trên cùng tham gia một số hoạt động giải trí để có thêm thời gian giao lưu và tạo dựng quan hệ. Đừng lo lắng, không vị sếp nào lại từ chối một cấp dưới nhiệt tình.
4
KHỞI ĐỘNG TRƯỚC LÚC THĂNG CHỨC
Nếu cấp trên của bạn là kiểu người “bị động”, thay vì đợi đối phương ra quyết định thăng chức, bạn hãy chủ động xây dựng cơ hội cho mình
Không phải lãnh đạo nào cũng là người anh minh. Rất nhiều khi, cấp trên phải được cấp dưới “đánh động” bằng lời nói hay hành động mới nhớ ra cần thăng chức hay tăng lương cho nhân viên này. Nếu cấp trên của bạn là kiểu người “bị động” như vậy, thay vì chờ đợi động thái của đối phương, bạn hãy chủ động xây dựng cơ hội cho mình.
Trước khi tạo ra thời cơ thăng tiến, bạn nên làm tốt các bước khởi động sau:
Gây ấn tượng với cấp trên
Hãy hoàn thành tốt những nhiệm vụ được phân công, tích cực nâng cao các kĩ năng cần thiết, tuân thủ nội quy, quy trình làm việc của công ty, đóng góp ý tưởng trong cuộc họp,... Trong công việc, hãy tích cực chủ động làm những việc trong khả năng và thuộc phận sự của mình, đừng chờ đợi cấp trên giao phó.
Ngoài ra, đừng ngại làm những việc nhỏ bé, không tên. Những nhân viên nhanh nhẹn, xốc vác sẽ chiếm được cảm tình của cấp trên. Trương Kiến Quân là sinh viên tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, nhưng khi vào làm tại công ty nọ, anh không hề kênh kiệu mà rất chăm chỉ làm việc. Gặp cấp trên và đồng nghiệp lớn tuổi, anh đều lễ phép chào hỏi. Hàng ngày anh đi làm sớm nửa tiếng, lau dọn bàn làm việc và pha trà. Cấp trên có ấn tượng rất tốt về Trương Kiến Quân, đồng nghiệp cũng khen ngợi anh.
Đối với nhân viên trẻ lần đầu đi làm, tôi có lời khuyên dành cho các bạn: Năng lực công tác và mối quan hệ trong công việc rất quan trọng trong việc hình thành danh tiếng xã hội của một người. Bên cạnh việc thể hiện tài năng của bản thân, bạn cần chủ động xây dựng mối quan hệ với cấp trên. Tất nhiên, đừng mong mỏi cấp trên sẽ coi bạn là bạn bè thực sự. Chỉ cần đối phương cảm nhận được thiện chí của bạn là được. Như vậy là bạn đã đạt được mục đích của mình.
Phát huy năng lực ở các phương diện khác
Đừng chỉ tập trung vào công việc là thế mạnh của bạn. Cho dù chuyên tâm làm việc là điều kiện tiên quyết để cấp trên đánh giá cao về bạn, nhưng ngoài làm tốt bản thân các nhiệm vụ đó ra, bạn cũng cần để cấp trên thấy được mình cũng rất tài năng ở các phương diện khác. Khi đồng nghiệp nghỉ phép, bạn có thể chủ động làm thay công việc của họ. Như vậy, một mặt bạn sẽ học thêm được nghiệp vụ mới, mặt khác điều này cũng chứng minh rằng bạn biết suy nghĩ cho lợi ích của công ty.
Hiểu rõ chế độ đãi ngộ của công ty
Bạn phải hiểu cơ chế thăng chức của công ty mà mình đang làm việc để xây dựng mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Cơ chế thăng chức thường có các hình thức sau:
Loại thứ nhất: Thăng chức dựa trên sự tiến cử. Một nhóm người trong công ty có quyền chọn ra những người sẽ được thăng chức, tăng lương. Kiểu thăng chức này thường có liên quan đến yếu tố “quen biết”.
Loại thứ hai: Thăng chức dựa trên bằng cấp. Cấp trên tin rằng những nhân sự có bằng cấp cao sẽ mang đến nhiều lợi ích cho công ty.
Loại thứ ba: Thăng chức dựa trên sự luân chuyển cán bộ. Đây là tình huống mà người của bộ phận A được thăng chức để chuyển sang làm việc tại bộ phận B.
Loại thứ tư: Thăng chức đột xuất. Đây là tình huống người có đóng góp đột biến được thăng tiến vượt bậc.
Cách phân loại nói trên là cơ chế thăng chức mà các công ty thường dùng nhưng được áp dụng theo cách riêng. Nếu công ty của bạn áp dụng chế độ thăng chức lần lượt, vậy thì thật là không may, cho dù có tài năng nổi trội, bạn cũng phải “xếp hàng” đợi đến lượt cơ cấu, và có thể phải đợi rất lâu. Làm việc ở môi trường như vậy, một nhân viên tài năng sẽ không thể phát huy hết năng lực của mình.
Do đó, những nhân viên tự tin, giàu tham vọng nên chọn làm việc cho những công ty có chế độ thăng chức với các hình thức: qua tiến cử, qua luân chuyển cán bộ và đột xuất. Ở những công ty này, bạn phải đón nhận những thách thức lớn nhưng cơ hội thăng chức tương đối rõ ràng hơn.
Trong một môi trường lí tưởng, khi công ty đang trống một vị trí quản lí mà bản thân mong muốn thì bạn có thể tham khảo các bước tiến hành dưới đây để nắm bắt cơ hội thăng chức:
• Tìm hiểu xem ai là người đủ điều kiện ngồi vào vị trí ấy. Đây gọi là “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Cho dù nắm rõ về đối thủ không nhất định sẽ giúp bạn chiến thắng, nhưng ít nhất bạn cũng biết được mình phải đạt được những tiêu chuẩn nào thì mới có thể thăng chức. Điều này sẽ đặt nền móng cho lần thăng tiến tiếp theo của bạn;
• Hãy cho cấp trên biết đó là vị trí bạn mong muốn, đưa ra kiến nghị cụ thể để chứng minh rằng bạn đủ điều kiện đảm đương trọng trách này. Trên thực tế, không ít cấp trên phải đau đầu vì chuyện tuyển chọn nhân sự và việc bạn tự tiến cử cũng là cách giúp sếp giải quyết vấn đề. Những người quá rụt rè, không dám “xông pha” sẽ khó lòng có được vị trí như ý trong xã hội hiện đại;
• Hãy để cấp trên thấy bạn có đóng góp cho công ty, đừng đợi đến sau khi thăng chức mới nghĩ đến chuyện cống hiến. Điểm này rất quan trọng, vì cấp trên không có cảm tình và sợ nhất những nhân viên vụ lợi, những người như vậy giữ chức vụ càng cao thì công ty càng bất lợi. Do đó, bạn cần chứng minh được mình muốn thăng chức là để cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty;
• Cho dù cuối cùng người được chọn không phải là bạn, bạn cũng không nên vì thế mà nản lòng hay tỏ thái độ tiêu cực, bởi vì mỗi biểu hiện của bạn lúc này đều không thoát khỏi con mắt quan sát của những người khác. Do đó, bạn hãy thể hiện phong độ của một người trưởng thành, chuyên nghiệp, không vì chuyện được mất mà quá vui hay quá buồn. Bạn cần có tầm nhìn xa và tiếp tục chuẩn bị đón lấy cơ hội thăng tiến tiếp theo.
5
CHỌN ĐÚNG CẤP TRÊN ĐỂ PHÒ TÁ
Chọn đúng cấp trên để phò tá là việc vô cùng quan trọng đối với tiền đồ của bạn
Có một số nhân viên trẻ mới đi làm có cùng cương vị công tác, xuất phát điểm tương đối giống nhau, nhưng chỉ sau mấy năm, vị trí công tác của họ đã khác nhau rất xa. Có người thăng tiến rất nhanh, có người lại rất chậm, có những người thậm chí giậm chân tại chỗ, không có bước tiến nào. Chia sẻ của những người thăng tiến nhanh chóng cho thấy sự nâng đỡ của cấp trên đóng vai trò then chốt giúp họ có được vị trí hiện tại. Còn những người thăng tiến chậm lại thường là những người để lộ sự bất mãn của mình với cấp trên.
Cho nên chọn đúng cấp trên để phò tá là việc vô cùng quan trọng đối với tiền đồ của bạn.
Nhân viên không được tự do chọn lựa cấp trên cho mình, nhưng chúng ta có thể tìm cơ hội tiếp cận với những lãnh đạo mà ta muốn học hỏi và chủ động cách xa những vị sếp không lí tưởng.
Khi bạn “lựa chọn” cấp trên, không chỉ phải xem xét hệ tư tưởng, mức độ quan tâm và tương trợ nhân viên của đối phương, mà còn phải xét lại hứng thú, cách nghĩ, và tư tưởng của chính bạn nữa. Cùng là đi làm, nhưng có người theo đuổi địa vị, có người mưu cầu danh tiếng, có người muốn thu nhập cao, có người chỉ cần môi trường làm việc an nhàn... Mục tiêu khác nhau thì yêu cầu với cấp trên cũng khác nhau, dẫn tới tiêu chuẩn “lựa chọn” cũng khác nhau. Tôi đã khái quát một số mẫu cấp trên điển hình để bạn xem xét:
Mẫu thứ nhất: Những cấp trên tuổi trẻ tài cao
Đây là nhóm những cấp trên có tài hoa, tri thức nổi bật hơn người, có tiền đồ rộng mở. Họ đều tích cực cầu tiến, coi trọng danh dự tập thể. Đi theo những cấp trên này, quá trình có thể rất mệt mỏi mà chẳng được lợi lộc gì, nhưng một khi họ được thăng chức thì không những sẽ cho bạn cơ hội đảm nhận chức vụ cũ của mình, mà còn có lợi cho bước đường thăng tiến sau này của bạn. Một mặt, quyền lực ngày càng lớn của những cấp trên này sẽ càng hỗ trợ tốt hơn cho bạn, mặt khác tấm gương thành công của họ sẽ truyền cho bạn cảm hứng và động lực phấn đấu. Thầy giỏi dạy ra được trò hay, những ai muốn thăng tiến thì nên chọn đi theo mẫu cấp trên này.
Mẫu thứ hai: Những cấp trên đức cao vọng trọng, địa vị vững chắc
Những người này đều có thành tích nổi bật, thừa tài năng và kinh nghiệm. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, họ bắt đầu bước sang giai đoạn ổn định trong sự nghiệp. Bất kể công việc gì họ cũng làm tốt chẳng kém ai, nhưng lại không thể thăng tiến thêm nữa. Quyền uy và quan hệ của những cấp trên này sẽ đảm bảo cho nhân viên của họ có thể thực hiện công việc tương đối thuận lợi, có được lợi ích vật chất, đồng thời học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ họ. Tuy nhiên vì những cấp trên này không thể thăng chức thêm, nên nếu bạn muốn thay thế họ, vậy thì bạn phải chờ đến khi họ về hưu.
Mẫu thứ ba: Những cấp trên thích nhàn tản
Những người này có năng lực chuyên môn, nhưng chỉ được giao quản lí những bộ phận không quan trọng, đảm đương trách nhiệm không quá nặng nề. Họ không có nhiều tham vọng thăng tiến, cũng không quá đề cao danh lợi, đối với cấp dưới cũng không đặt ra yêu cầu khắt khe, thậm chí cấp dưới có phạm lỗi nhẹ thì họ cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Đi theo những cấp trên này, điểm tốt duy nhất là bạn không phải chịu áp lực về công việc, nhưng trừ điều đó ra thì bạn không dễ có thêm lợi ích gì khác từ họ.
Mẫu thứ tư: Những cấp trên kém tài, kém đức
Họ được giao quản lí bộ phận này là vì tạm thời chưa có ai thích hợp hơn để thay thế họ. Nếu bạn là người dám chấp nhận mạo hiểm, muốn đánh cược một phen, bạn có thể chọn đi theo cấp trên này. Một khi thời cơ chín muồi, bạn sẽ được thay chân họ.
6
LỰA CHỌN THỜI ĐIỂM TIẾP XÚC VỚI CẤP TRÊN
Nhân viên phải tận dụng tốt cơ hội tiếp xúc với cấp trên để củng cố và phát triển mối quan hệ giữa đôi bên
Chúng tôi cho rằng lựa chọn thời điểm để gặp gỡ cấp trên là việc cần cân nhắc kĩ lưỡng. Hãy chú ý đến các mốc thời gian sau:
Đầu giờ làm buổi sáng hoặc buổi chiều
Vào khoảng thời gian này, cấp trên chưa tiếp xúc với các công việc khác, tinh thần và cảm xúc đang thoải mái, nếu bạn báo cáo nhiệm vụ sẽ dễ được chú ý lắng nghe hơn, xin chỉ thị công việc cũng sẽ được tích cực hồi đáp. Bạn nên hết sức chú ý tránh tìm gặp cấp trên vào thời điểm sắp tan làm hoặc nửa sau của buổi chiều. Đây thường là lúc cấp trên đang quá tải sau gần một ngày dài làm việc, vậy nên tâm trạng sẽ xuống thấp.
Hoặc cấp trên đã có hẹn trước, có việc gấp cần giải quyết, đang đợi tan làm để xuất phát ngay, cho nên sếp sẽ không có thời gian dành cho bạn, cho dù có tiếp bạn cũng sẽ không nhiệt tình và thiếu tập trung. Chọn thời điểm này để xin gặp cấp trên không phải là lựa chọn khôn ngoan vì nó không có lợi cho bạn lẫn công việc của bạn.
Khi cấp trên có thời gian rảnh hoặc có tâm trạng tốt
Một nhân viên đi ngang qua phòng làm việc của cấp trên, nghe thấy trong phòng đang bật một bài hát thịnh hành. Nhân viên này đoán rằng cấp trên đang cao hứng và không có việc gì gấp gáp, cho nên anh ta gõ cửa xin phép, sau đó nhẹ chân bước vào phòng. Quả đúng là khi đó cấp trên có thái độ vô cùng niềm nở, mời anh chàng ngồi uống trà, còn chủ động hỏi: “Cậu có việc gì cần trao đổi với tôi à?” Vậy là anh ta hào hứng trình bày về những kế hoạch đang ấp ủ của mình. Cấp trên nghe xong rất vui vẻ, còn thoải mái khen ngợi: “Mấy ý tưởng này của cậu hay đấy, tôi sẽ xem xét. Cậu thật có lòng nghĩ cho công ty, chúng tôi có được nhiều nhân viên như cậu thì tốt quá rồi.”
Sau đó phần lớn ý tưởng của nhân viên kia được cấp trên đưa vào thực hiện.
Lại có một nhân viên khác, anh ta chọn lúc cấp trên vừa thắng hai ván bóng bàn liên tiếp để đến gặp và trình bày kiến nghị về công việc. Ý kiến của anh ta cũng dễ dàng được cấp trên xem xét, phê chuẩn.
Tham gia một số hoạt động tập thể cùng lãnh đạo cũng là một hình thức giao lưu, tiếp xúc, là cơ hội gia tăng tình cảm với sếp. Có người dành thời gian trong giờ nghỉ, ngày lễ tết, lúc rảnh... để chơi cờ, đánh bóng, chơi bài... với lãnh đạo, nhờ vậy mà ngày càng thân thiết với cấp trên.
Trong cuộc họp
Mỗi cuộc họp có lãnh đạo đứng ra chủ trì đều là một cơ hội để cấp trên tổng kết, kiểm tra công việc và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên cấp dưới. Đối với người đứng đầu, điều lo lắng nhất là không có ai hợp tác, khiến cuộc họp lặng yên như tờ và phải kết thúc sớm. Lúc này, cấp trên rất mong muốn các nhân viên tích cực phát biểu ý kiến, “làm nóng” bầu không khí. Vì vậy, bạn hãy tích cực thảo luận, hăng hái phát biểu ý kiến, điều này sẽ khiến cấp trên có ấn tượng sâu sắc về bạn.
Đương nhiên tất cả những phát ngôn của bạn trong cuộc họp đều phải được ngẫm nghĩ kĩ, phác thảo thành đề cương, có ý tứ rõ ràng, để cấp trên thấy rằng chúng có nội dung hợp lí, hình thức hợp thời, dễ nghe, dễ hiểu và có tính xây dựng. Như vậy, cấp trên sẽ càng tán thưởng bạn.
Trên thực tế, phát biểu ý kiến trong cuộc họp chính là cuộc đối thoại với cấp trên để trao đổi tư tưởng và thảo luận về công việc. Để gia tăng quan hệ với cấp trên, chúng ta không được lãng phí cơ hội này.
Khi cấp trên gặp khó khăn
Công việc của lãnh đạo luôn bề bộn, trong đó sẽ có những nhiệm vụ khó khăn, bế tắc. Lúc này, nếu bạn hiểu được trăn trở của cấp trên, hãy chọn thời gian thích hợp để đến gặp và bày tỏ mong muốn cùng sếp tháo gỡ vấn đề. Nếu bạn có giải pháp khả thi, hãy mạnh dạn trình bày. Lúc này cấp trên đang rất bối rối và rất cần được giúp đỡ, vì vậy sếp sẽ vui vẻ lắng nghe kĩ ý kiến của người khác. Và hơn hết là cấp trên đang rất cần giải pháp, nên anh ta sẽ xem ý kiến của bạn như một lá phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chọn phương án nào. Hành động tương trợ của bạn cũng để lại cho cấp trên ấn tượng rằng trong lúc nước sôi lửa bỏng anh ta vẫn có bạn nhiệt tình hỗ trợ, từ đó sẽ coi bạn là tâm phúc đắc lực.
Đương nhiên, hành động này phải lựa tình hình mà tiến hành. Nếu bạn thấy cấp trên hứng thú với ý kiến của mình, hãy bàn sâu hơn. Nếu cấp trên không mảy may quan tâm, thì có lẽ anh ta vẫn muốn tự mình suy xét, bạn nên lấy cớ rời đi, không cần làm phiền thêm nữa.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp bạn không nên quấy rầy cấp trên. Đó là:
Sau giờ làm, khi cấp trên đã về nhà
Bạn không nên đến tận nhà sếp để bàn chuyện công việc. Trong giới công sở, đây là điều tối kị. Những nhân viên hay lui tới nhà cấp trên thường bị cho là những kẻ nịnh nọt hoặc là người có mưu đồ xấu.
Đương nhiên, vẫn có một số ngoại lệ. Nếu bạn có việc riêng cần trao đổi với cấp trên, lúc ở công ty lại quá bận rộn, không có cơ hội đề cập đến, thì có thể đợi tan làm, đến nhà cấp trên để trình bày. Trong môi trường yên tĩnh, thân tình, có thể khiến cấp trên kiên nhẫn lắng nghe vấn đề của bạn, cũng có lợi cho việc cấp trên đồng tình với bạn.
Khi cấp trên đang thư giãn
Có một số nhân viên cho rằng công việc là trên hết, cho nên trong lúc cấp trên đang tận hưởng khoảng thời gian cá nhân cũng tìm đến xin chỉ thị. Hãy phân định rõ thời gian làm việc và thời gian giải trí của sếp để biết lúc nào nên làm phiền đối phương. Trong giờ làm việc, cấp trên phải xử lí rất nhiều công việc, vậy nên đối với anh ta, những phút giây được thư giãn là rất quý giá. Cấp trên đang chơi dở ván cờ, nước cờ quyết định đang ở ngay trước mắt, bạn lại đi vào báo cáo công việc, làm cấp trên phân tâm, đối thủ thừa cơ kết thúc ván cờ. Khi ấy liệu sếp có thể vui vẻ lắng nghe báo cáo của bạn không? Ngoài ra, nếu cấp trên đang chơi cờ, bạn lại hỏi chuyện công việc, khiến sếp đang mất tập trung, vậy thì cũng không có lợi cho việc xử lí nhiệm vụ mà bạn xin ý kiến. Khi đó đồng nghiệp và cấp trên sẽ ngầm đánh giá bạn rằng: “Người này thật thiếu óc quan sát, không biết tùy cơ ứng biến...”
Khi bản thân bạn gặp khó khăn
Bất kể là việc công hay việc tư, bạn đều phải xác định việc nào có thể làm phiền lãnh đạo, việc nào không. Thời gian trong một ngày của cấp trên là vô cùng quý giá, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đang chờ xử lí. Vì vậy, đối với những khó khăn nhỏ có thể tự mình khắc phục hoặc xoay sở, bạn đừng nên đến kể khổ với sếp. Hành động này sẽ khiến cấp trên có ấn tượng rằng bạn là người không có chủ kiến, thiếu khả năng làm việc độc lập.
Khi có đông người
Có một số nhân viên muốn tiếp cận cấp trên nhưng lại không biết chọn thời điểm thích hợp. Ví dụ, có những người trong cuộc họp nào cũng nhất định ngồi bên cạnh cấp trên, vừa họp vừa thì thầm trò chuyện. Các đồng nghiệp khác đều thấy mất thiện cảm với hành động này, cho rằng người kia có ý làm thân với cấp trên. Mà người trong cuộc là sếp cũng sẽ thấy không thoải mái, cho rằng nhân viên này có mục đích không trong sáng.
Tóm lại, đối với việc giao lưu, tiếp xúc với lãnh đạo, bạn cần hành động cẩn trọng và tinh tế. Hãy khéo léo tạo dựng quan hệ với cấp trên, như vậy mới vừa tận dụng tốt thời cơ, vừa hoàn thành công việc lại vừa có được thiện cảm của sếp.
7
CHO CẤP TRÊN THẤY TÀI NĂNG CỦA BẠN
Làm tốt thôi chưa đủ, còn phải để người khác biết bạn làm tốt nữa mới được
Một nhân viên muốn nhanh chóng thăng tiến thì phải có biểu hiện và kết quả công việc thật xuất sắc. Tuy nhiên việc này cũng đòi hỏi một quá trình. Làm tốt thôi chưa đủ, còn phải để người khác biết bạn làm tốt nữa mới được. Vậy thì, bạn nên làm thế nào để thành tích của mình được cấp trên biết đến?
Nhắc lại mệnh lệnh để cấp trên yên tâm
Sau khi lãnh đạo phân công công việc, hãy nhắc lại yêu cầu của cấp trên một lần nữa. Ví dụ, bạn có thể nói: “Ý của sếp là...” hoặc “Sếp xem em hiểu thế này (...) đã đúng ý sếp chưa ạ?” Mục đích của việc này là giúp cấp trên yên tâm để bạn thực hiện công việc được giao, và từ đó cấp trên sẽ có ấn tượng tốt với bạn. Đồng thời việc này cũng giúp bạn hiểu đúng và đầy đủ, nhớ kĩ nội dung công việc, không bỏ sót hoặc làm sai yêu cầu của sếp.
Chú ý cách thể hiện bản thân
Để đạt được thành tích trong công việc, bạn phải giành được sự coi trọng của cấp trên. Cho nên cách thể hiện bản thân cũng rất quan trọng.
Nếu có thể nhớ được một số thông tin mà người khác đã quên và nói ra trong một dịp công khai nào đó, bạn sẽ gây được ấn tượng với cấp trên rằng mình là một nhân viên có năng lực. Ví dụ, tuy không biết hết các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, nhưng bạn đã đọc các bản tóm tắt, các bài phê bình về chúng. Khi có dịp chia sẻ, cấp trên sẽ tin rằng bạn đã nghiên cứu kĩ và có cái nhìn tích cực về bạn.
Nói năng dõng dạc, mạch lạc sẽ khiến cấp trên cảm thấy bạn tràn đầy tự tin, như vậy sẽ thu hút được đối phương. Ngược lại, nếu bạn căng thẳng, nói năng lắp bắp, mất tự nhiên, vậy thì bạn sẽ đánh mất cơ hội thể hiện năng lực của bản thân trước sếp.
Tư thế đứng, ngồi thẳng, ngay ngắn cũng cho cấp trên cảm nhận bạn là người cương trực, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Người xưa có câu: “Đứng như tùng, ngồi như chuông, đi như gió.” Tư thế đứng thẳng lưng, ngẩng đầu sẽ giúp bạn trông tràn đầy tự tin. Tư thế ngồi vững chãi cũng cho thấy bạn là người điềm tĩnh. Dáng đi nhanh nhẹn, nhẹ nhàng cho cảm giác bạn không phải người lề mề, ì ạch.
Khi nói chuyện cùng cấp trên, bạn hãy nhìn thẳng vào đối phương, biểu thị sự chăm chú, đồng thời chỉ ngồi 1/3 diện tích ghế tính từ mép ngoài của ghế và nghiêng người về phía trước. Như vậy cấp trên sẽ cảm nhận được bạn là người biết lễ nghĩa và đang nghiêm túc lắng nghe mình nói.
Xây dựng hình tượng thông qua trang phục, phụ kiện
Nếu trang phục của bạn nhăn nhúm, rách sờn, cấp trên sẽ cho rằng bạn là người lôi thôi, tùy tiện, thiếu chỉn chu. Những người như vậy thường khiến người ta liên tưởng đến những nhân viên xuề xòa, thiếu cẩn thận trong công việc.
Bạn không cần phải khoác lên mình những bộ đồ hàng hiệu để có được thiện cảm từ cấp trên. Chỉ cần nhớ: vệ sinh sạch sẽ, chải tóc gọn gàng, ăn mặc chỉnh tề và đi một đôi giày sạch. Một nhân viên biết tự chăm sóc bản thân mới có thể khiến sếp yên tâm giao phó công việc cho mình.
Chú ý cách nói chuyện điện thoại
Khi nhận điện thoại, bạn nên mỉm cười nhẹ. Có thể bạn cho rằng đối phương ở đầu dây bên kia không thể nhìn thấy mình, vì vậy không cần làm hành động thừa này. Tâm lí học thực nghiệm đã chứng minh, khi tâm trạng bạn vui vẻ, giọng nói cũng thay đổi theo hướng tích cực. Đối phương sẽ “nghe” được nụ cười của bạn và càng có thiện cảm với bạn hơn.
Khi điện thoại bàn ở văn phòng đổ chuông, nhanh nhẹn đến nhấc máy sẽ khiến người khác có ấn tượng bạn là người năng nổ, tích cực, cấp trên cũng sẽ có thêm thiện cảm với bạn. Khi trả lời điện thoại bàn ở văn phòng, bạn phải nói ngắn gọn, rõ ràng những nội dung cần thiết. Ví dụ Hội sinh viên Đại học X gọi đến công ty bạn để xin tài trợ cho hoạt động Y của họ. Lúc này, bạn nên hỏi đầy đủ những thông tin quan trọng: Nội dung của hoạt động Y là gì? Hoạt động này có liên quan thế nào với công ty bạn? Hình thức, mức độ xin tài trợ ra sao? Như vậy khi báo cáo với cấp trên, sếp sẽ thấy được bạn là người làm việc chu toàn.
Suy nghĩ cho lợi ích của công ty
Vì sao mọi nhân viên đều cần suy nghĩ cho lợi ích của công ty? Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ như sau: Giám đốc Maketing của công ty X trình tổng giám đốc duyệt kinh phí cho hoạt động Y với số tiền 403 triệu. Tổng giám đốc hỏi: “Sao không làm tròn thành 405 triệu?” Giám đốc Maketing trả lời: “403 triệu là đủ rồi ạ.” Tổng giám đốc nhìn ra được tấm lòng suy nghĩ cho công ty của giám đốc Maketing, vì vậy đã nhanh chóng phê duyệt khoản kinh phí này.
Vậy nên bạn cần học cách suy nghĩ cho công ty và cho cấp trên. Hãy giúp công ty kiếm được nhiều lợi nhuận nhất có thể và tiết kiệm các khoản chi không cần thiết trong khả năng của mình. Hãy quảng bá hình ảnh của công ty đến với nhiều đối tượng cũng như thu hút các nhân tài tìm đến để cống hiến. Cấp trên chắc chắn sẽ ghi nhận sự tận tâm của bạn.
8
THAY CẤP TRÊN GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
Nhân viên thay lãnh đạo giải quyết công việc sẽ càng được cấp trên trọng dụng
Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về rất nhiều công việc, nhưng không phải việc nào cấp trên cũng có thể trực tiếp thực hiện. Muốn được trọng dụng, nhân viên cấp dưới cần học cách thay cấp trên giải quyết vấn đề.
Những nhân viên không chú ý lãnh đạo “thích” làm việc gì, “ngại” làm việc gì, thường dễ dàng làm mất lòng cấp trên, gây rắc rối cho bản thân. Có một ví dụ như sau: Nhà máy hóa chất X bị tố cáo bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Khi phóng viên địa phương đến nhà máy để đưa tin đã tìm gặp trưởng phòng sản xuất Lưu. Trưởng phòng Lưu sợ mình nói năng sơ suất sẽ bị vạ lây, liền “chỉ điểm” cho phóng viên: “Giám đốc nhà máy đang ở trong văn phòng, có chuyện gì các anh đến mà hỏi anh ta.” Kết quả là các phóng viên đổ dồn đến vây chặt trước cửa phòng giám đốc nhà máy, vị này muốn tránh cũng không tránh được, đành phải ra mặt trả lời phỏng vấn. Sau đó giám đốc nhà máy biết được trưởng phòng Lưu là người “bán đứng” mình nên đã rất tức giận và cho người này thôi việc.
Khi nhà máy xảy ra sự cố, phóng viên tìm đến phỏng vấn là chuyện không ai mong muốn. Là cấp dưới, ngoài việc ứng phó với phóng viên, trưởng phòng Lưu còn cần phải giữ gìn thể diện và “giải vây” cho giám đốc, không nên đẩy hết mọi trách nhiệm cho cấp trên để bản thân vô can. Trong trường hợp này, trưởng phòng Lưu đã làm hoàn toàn ngược lại.
Muốn thay lãnh đạo giải quyết công việc, các nhân viên cần chú ý đến những việc cấp trên thích làm và tránh làm dưới đây:
Cấp trên thích làm việc lớn, không thích làm việc nhỏ
Về lí thuyết, chức trách chủ yếu của lãnh đạo là “quản lí” chứ không phải “thực hiện”, là bao quát “việc lớn” chứ không phải sa đà vào “việc nhỏ”. Trong thực tế, đại đa số “việc nhỏ” đều do cấp dưới đảm đương.
Lãnh đạo là người có vị trí cao và nắm trong tay quyền quyết định công việc chung, cho nên cảm giác quyền uy và tâm lí giữ thể diện của họ cũng cao hơn những người khác.
Làm những việc “nhỏ” rõ ràng đã “hạ thấp” thân phận và làm tổn hại hình tượng của họ. Ví dụ nghe điện thoại bàn chung của công ty, đi khảo sát thị trường... là những việc cấp trên không làm hoặc không muốn can dự nhiều. Những việc này cấp dưới nên thay cấp trên thực hiện.
Cấp trên muốn vào vai “thiện”, không muốn đóng vai “ác”
Trong công việc, khó tránh khỏi sẽ có lúc giữa lãnh đạo và nhân viên nảy sinh mâu thuẫn, xung đột. Lúc này, cấp trên sẽ thích vào vai “thiện” mà không muốn đóng vai “ác” để làm ảnh hưởng đến hình tượng của bản thân.
Trong cuốn sách Làm thế nào để hòa hợp cùng cấp trên (tạm dịch), tác giả đã đưa ra một ví dụ như sau: Lãnh đạo một tập đoàn lớn ở Hồng Kông được gọi là “Bụt sống” vì ai nhờ cậy chuyện gì, ông cũng đồng ý giúp đỡ. Đương nhiên, người này không phải là ông Bụt cầu gì cho nấy. Nếu là đối tượng mà lãnh đạo này muốn hợp tác hoặc đồng ý giúp đỡ, ông ấy sẽ đích thân ra mặt hỗ trợ bạn. Ngược lại, cấp dưới của ông ấy sẽ khéo léo từ chối bạn, còn ông ấy không bao giờ ra mặt làm việc này.
Thích đóng vai hiền, không muốn vào vai ác là tâm lí phổ biến của lãnh đạo, vì vậy khi cần phải “ác” cấp trên rất muốn cấp dưới thay mình ra mặt. Tất nhiên việc này tương đối khó để giao phó cho cấp dưới một cách rõ ràng, cụ thể, chỉ sau khi nghe thông tin từ tâm phúc của cấp trên, bạn mới có thể xung phong làm thay. Làm tốt việc này, sếp sẽ thầm ghi ơn nhưng sẽ không công khai khen ngợi bạn. Nếu cấp dưới thiếu tinh tế, không hiểu ẩn ý của cấp trên, lại khiến cấp trên mất thể diện hoặc khó xử, thì sẽ khó được trọng dụng.
Cấp trên thích lĩnh thưởng, không thích chịu phạt
Lãnh đạo muốn nghe lời phê bình đương nhiên là rất quý, nhưng những cấp trên có tin thần cầu tiến như vậy lại vô cùng ít ỏi. Phần lớn cấp trên chỉ thích nghe lời ngợi khen, thích nhận phần thưởng. Khi công ty tổ chức bình bầu xét thưởng, rất nhiều cấp trên luôn thích xông lên trước; nhưng khi xảy ra sai phạm, họ lại tránh về phía sau, đẩy trách nhiệm cho cấp dưới.
Bạn không cần đứng ra nhận lỗi thay lãnh đạo, nhưng hãy giúp đối phương giải quyết hậu quả. Như vậy vừa giúp cấp trên giữ thể diện, biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, không ảnh hưởng đến công việc chung; vừa giúp bạn không phải chịu tiếng oan. Qua đó, cấp trên sẽ ghi nhớ công lao và càng thêm tôn trọng bạn, nếu có cơ hội sẽ cất nhắc, trợ giúp bạn trong công việc.
9
ĐỪNG DỄ DÀNG NÓI “KHÔNG”
Hãy cố gắng trở thành một người hạn chế nói “Không”. Khi thành công xây dựng hình tượng “không chối việc”, bạn sẽ được xếp vào nhóm nhân viên tích cực trong văn phòng
Công việc cần giải quyết chất cao như núi khó tránh khỏi sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải và mệt mỏi. Nếu không phát sinh tình huống đặc biệt, cấp trên sẽ cho rằng bạn có thể hoàn thành tốt tất cả những việc đã được giao phó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cấp trên tin tưởng vào năng lực của bạn, vì những người không đủ năng lực sẽ không thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ như vậy.
Do đó, cho dù khối lượng công việc ngày càng tăng, bạn cũng phải tự mình điều chỉnh lại. Nếu luôn lắc đầu từ chối hoặc hết lời than vãn mỗi khi việc nhiều, việc khó, vậy thì bạn khó có thể tiến bộ trong công tác hay được cất nhắc thăng chức, tăng lương.
Hơn nữa, khi bạn đã khước từ nhiệm vụ cấp trên giao phó một lần rồi, vậy thì lần sau bạn cũng sẽ dễ dàng từ chối, sau đó hình thành thói quen xấu, cứ được giao việc lại xua tay không nhận. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn đánh mất cơ hội thăng tiến.
Trong lĩnh vực kinh doanh, nhân viên bán hàng có một “mánh” nhỏ như thế này: Nếu có thể khiến khách hàng nói “Có” ngay từ câu hỏi đầu tiên, sau đó lại tiếp tục trả lời bằng câu khẳng định cho những câu hỏi tiếp theo, thì việc bán hàng sẽ dễ dàng thành công hơn.
Cũng cùng là nguyên lí này, nếu ngay từ đầu bạn đã nói “Tôi không làm” hoặc “Không được đâu”, thì bạn sẽ dễ dàng tự chìm đắm vào cái bẫy phủ định chính mình. Dần dần, bạn sẽ trở thành một người tiêu cực, từ chối cơ hội công việc hết lần này đến lần khác.
Cho nên bạn phải cố gắng trở thành một người hạn chế nói “Không”. Khi người khác hình thành ấn tượng bạn là người không chối việc, bạn sẽ được xếp vào nhóm nhân viên tích cực trong văn phòng.
Tuy nhiên, năng lực của con người là có hạn. Khi thời hạn cấp trên quy định không đủ để bạn hoàn thành công việc được giao, bạn nên làm như thế nào?
Đừng vì không thể nói “Không” mà dễ dàng chấp nhận mọi nhiệm vụ được giao. Bạn phải biết “liệu cơm gắp mắm”, tùy tình hình mà linh hoạt xử lí.
Khi cấp trên yêu cầu: “Cậu hoàn thành việc này trước ngày 10 tháng này cho tôi.”
Bạn tuyệt đối đừng trả lời: “Không thể được đâu ạ!”
Mà bạn có thể hỏi lại cấp trên: “Sếp lui cho em đến ngày 12 được không ạ? Em nhất định sẽ cố gắng làm xong trước ngày này.”
Khi cấp trên hỏi: “Việc này giao cho mình cậu làm thì có vấn đề gì không?”
Bạn có thể trả lời: “Nếu có thêm người hỗ trợ thì em sẽ nhanh chóng hoàn thành nó.”
Biết cách xử lí khéo léo, bạn vừa thể hiện cho cấp trên thấy mình là nhân viên tích cực, vừa từ chối được những nhiệm vụ không đủ khả năng đảm đương.
Vậy dân văn phòng thân mến, bạn đã biết cách trở thành nhân viên không thể thay thế rồi chứ?
Hãy nhớ nhé, những nhân viên công sở đầy tài năng: Thành công sẽ đến khi cơ hội và sự chuẩn bị gặp nhau. Chúc bạn sớm tỏa sáng tại chốn văn phòng.