Lãnh đạo là những người giàu năng lực, giàu kinh nghiệm, nhưng không phải lúc nào họ cũng sáng suốt. Cấp trên cũng sẽ có thời điểm thiếu tỉnh táo mà đưa ra quyết sách sai lầm. Khi ấy, vì lợi ích chung của công ty, nhân viên cần nhanh chóng khuyên can, góp ý, đóng góp ý tưởng của mình với cấp trên để công việc được tiến hành thuận lợi.
1
GÓP Ý CHO CẤP TRÊN LÀ NHIỆM VỤ CỦA MỌI NHÂN VIÊN
Hãy khéo léo nói cho cấp trên biết suy nghĩ của mình nhưng vẫn phải tôn trọng thể diện của đối phương
Lãnh đạo là người quản lí nhân viên. Nhân viên đương nhiên phải chấp hành mệnh lệnh của anh ta. Cấp trên cũng là con người, anh ta cũng có những khi suy nghĩ chưa thấu đáo, xử lí công việc chưa chu toàn. Lúc này cấp dưới không nên cứ thế vâng theo, mà phải có chủ kiến của mình. Nếu việc gì cũng theo lệnh cấp trên sẽ ảnh hưởng đến công việc chung.
Trong công việc, khi thấy cấp trên mắc sai lầm nghiêm trọng hoặc để xảy ra sai phạm rõ ràng, thì nghiêm túc đưa ra góp ý, can ngăn, cảnh báo cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của cấp dưới. Đồng thời việc này cũng chứng tỏ tài năng của bạn và là một cách hiệu quả để giành được thiện cảm của cấp trên. Có người nói, kiểu nhân viên không thể trọng dụng nhất chính là những người bàng quan với công việc, chẳng quan tâm cũng chẳng hứng thú với bất cứ chuyện gì. Phải là người chú tâm, có hứng thú với công việc mới có thể làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm, mới có thể tạo ra sự khác biệt.
Để là một cấp dưới tiêu chuẩn, bạn phải đưa ra ý kiến đóng góp cho công việc chung, ví dụ như: “Theo tôi, việc này nên làm như thế này/ Điểm này nên thay đổi/ Cách này không ổn...” Trong thực tế, rất nhiều cấp trên thích kiểu cấp dưới nhiệt tình đóng góp chủ ý như vậy.
Đương nhiên, việc gì cũng phải có mức độ. Khi góp ý bất cứ việc gì với cấp trên, bạn cũng đều phải có thái độ tích cực mang tính xây dựng, tránh phá ngang, bàn lùi. Ngoài ra, khi đưa ra ý kiến phải chú ý không làm tổn hại lòng tự tôn của cấp trên, không dồn sếp vào thế không có đường lui, hoặc thể hiện bạn thông thái hơn đối phương. Đồng thời, không nên quá tính toán lợi ích, khiến cấp trên có ấn tượng xấu về bạn.
Chỉ cần làm tốt ba điều nói trên thì nhiều khả năng ý kiến của bạn sẽ được cấp trên vui vẻ tiếp nhận. Có những nhân viên cho rằng đóng góp chủ kiến của mình sẽ không tạo ra tác động gì, nếu sếp không chấp nhận, chẳng phải tự chuốc phiền vào thân? Nhưng nhiều lãnh đạo lại cho rằng không dám lên tiếng chỉ chứng minh người đó không có dũng khí. Những người thiếu chủ kiến, thiếu dũng cảm như vậy rất khó lòng được cấp trên tin tưởng hoặc có thiện cảm, và cũng rất khó có thể gặt hái thành tựu trong sự nghiệp.
Một số cấp trên là người kiêu căng, tự phụ, đối xử với cấp dưới rất đỗi trịnh thượng, khiến cấp dưới cảm thấy vô cùng khó xử. Nếu nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh của cấp trên thì cảm thấy lòng tự tôn của bản thân bị tổn thương, đồng thời càng khiến vị sếp kiêu ngạo thêm phách lối. Nếu ra mặt chống lại chỉ thị của cấp trên thì chẳng khác nào gạt bỏ uy nghiêm của anh ta, như vậy chắc chắn bạn sẽ bị “ghi thù”. Lúc này, bạn phải vô cùng khéo léo, nói cho cấp trên biết suy nghĩ của mình nhưng vẫn phải tôn trọng thể diện của đối phương, giúp cấp trên nhận ra sai lầm của anh ta.
Có một lần, Napoléon nói với thư kí của ông ta rằng: “Bourrienne, sau này anh cũng sẽ là một nhân vật truyền kì.” Bourrienne không hiểu điều đó. Napoléon bước lên một bước, lại gần Bourrienne và nói: “Anh không phải là thư kí của tôi hay sao?”, ý muốn nói Bourrienne sẽ được thơm lây vì là thư kí của mình. Bourrienne là một người có lòng tự trọng rất cao, anh ta không sẵn lòng tiếp nhận ân huệ này nhưng lại cũng không thể từ chối thẳng thừng. Vì thế Bourrienne hỏi lại Napoléon: “Xin hỏi ngài, thư kí của Alexandros Đại đế là ai?” Napoléon không trả lời được nhưng cũng không trách cứ Bourrienne, ngược lại còn khen: “Hỏi rất hay.” Trong tình huống này, Bourrienne đã khéo léo nhắc Napoléon: Alexandros Đại đế lưu danh sử sách nhưng chẳng ai biết thư kí của ông là ai. Cho nên dù Napoléon tên tuổi vang danh vạn thế thì cũng không thể khiến Bourrienne được đời đời biết đến. Cách nhắc nhớ khéo léo này khiến Napoléon hiểu rằng mình đã nói sai, mà vẫn bảo vệ được tự tôn của đôi bên.
Cấp dưới cơ trí như Bourrienne chắc chắn sẽ được cấp trên tin tưởng và trọng dụng.
Do đó có thể thấy, khi góp ý với lãnh đạo nhất định phải chú ý cách thức và kĩ xảo. Hãy nhớ hết sức tránh làm tổn hại uy nghiêm của cấp trên.
2
NÔN NÓNG SẼ KHÔNG THỂ THUYẾT PHỤC CẤP TRÊN
Nhân viên tâm huyết với công việc sẽ nhiệt tình đưa ra kiến nghị của mình với cấp trên, nhưng dân công sở phải nhớ một điều: Không được nôn nóng trong vấn đề này
Nhân viên nào cũng có một hoặc nhiều ý tưởng về công việc và đều tự tin rằng nếu những ý tưởng của mình được thực hiện, chắc chắn chúng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty. Những cấp dưới tâm huyết với công việc sẽ nhiệt tình đưa ra kiến nghị với cấp trên, nhưng dân công sở cũng phải nhớ một điều: Không được nôn nóng trong vấn đề này.
Đầu tiên, nhìn từ góc độ của lãnh đạo, ý tưởng mà bạn tự cho là tuyệt vời đó có thể không gây ấn tượng gì hoặc còn rất nhiều điểm bất khả thi. Hơn nữa, bạn phải nhớ rằng, cách nghĩ của cấp trên và bạn hoàn toàn khác nhau. Kiến nghị của bạn có thể sẽ làm rối loạn kế hoạch khác của sếp hoặc xung đột với những phương án mà sếp đang thực thi. Đề xuất của bạn cũng có thể khiến cấp trên và những thành viên khác trong đơn vị, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao, phát sinh xung đột nội bộ. Hoặc ít nhất, việc thực hiện ý kiến của bạn có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian của cấp trên. Cho dù bạn cho rằng đây là phương án lâu dài, về sau sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thì bạn cũng cần phải nhớ thêm, lãnh đạo nào cũng ưu tiên kế hoạch ngắn hạn trước.
Còn có một nhân tố khác cần suy ngẫm: Đề xuất một biện pháp cải tiến cũng đồng nghĩa với việc bạn cho rằng phương pháp thực hiện công việc hiện tại là thiếu lí tưởng và có vấn đề. Nói cách khác, hành động này ngầm chứa ý phê phán quy trình hoạt động hiện tại của công ty. Chấp nhận kiến nghị của bạn đòi hỏi cấp trên phải thừa nhận có những thiếu sót nhất định trong cách anh ta vận hành công việc. Lãnh đạo là những người có tự tôn lớn và khó có thể thừa nhận rằng có mắt xích nào đó không ổn trong công việc của mình. Đặc biệt là trước nhân viên, lãnh đạo lại càng khó thừa nhận điều đó.
Tôi đưa ra những khuyến cáo này không phải vì muốn can ngăn bạn đừng đóng góp ý kiến với cấp trên. Mà là khi bạn thực sự có điều muốn kiến nghị với sếp, bạn phải thực hiện nó một cách thận trọng và cẩn trọng.
Tiếp theo, bạn cần phải chú ý đến thời gian và địa điểm đưa ra đề xuất với cấp trên. Nếu kiến nghị của bạn có thể giúp giải quyết vấn đề mà sếp đang đau đầu tìm giải pháp, vậy thì đương nhiên đối phương sẽ lưu tâm hoặc nhiệt tình đón nhận. Hơn nữa, khi cấp trên đang có tâm trạng tốt, cũng dễ dàng tiếp nhận kiến nghị của bạn hơn. Ngoài ra, tốt nhất bạn nên chọn lúc không có mặt người khác để đề xuất ý kiến với cấp trên. Trừ khi bạn tự tin rằng những đồng nghiệp khác cũng sẽ ủng hộ kiến nghị đó và việc được ủng hộ sẽ càng tốt cho việc cấp trên xem xét, phê chuẩn đề xuất của bạn.
Cuối cùng, cách bạn đưa ra kiến nghị phải không làm ảnh hưởng đến công việc thường ngày của cấp trên. Cách thực hiện thông thường là làm tốt các công việc có liên quan đến việc thực hiện ý tưởng của bạn trước khi trình bày kiến nghị với cấp trên.
Ví dụ: Bạn cho rằng cấp trên cần phải nhắc nhở bộ phận sản xuất chú ý rà soát từng ý kiến góp ý cũng như khiếu nại của khách hàng về chất lượng sản phẩm và đưa ra tổng kết. Vậy thì trước tiên bạn nên soạn sẵn một văn bản với nội dung yêu cầu bộ phận sản xuất báo cáo nội bộ về việc kiểm tra và kết luận đối với nội dung ý kiến của khách hàng về chất lượng sản phẩm cho cấp trên. Và khi đề xuất kiến nghị với sếp, bạn có thể đưa kèm văn bản này để sếp có hình dung cụ thể hơn. Làm như vậy sẽ càng khiến cấp trên dễ dàng chấp thuận kiến nghị của bạn hơn là để đối phương phải mất thời gian tự mình soạn văn bản.
Ngoài ra, trước khi suy nghĩ thấu đáo vấn đề, đừng cố đưa ra bất kì chủ trương nào với cấp trên. Thúc đẩy việc cải tổ công ty cũng giống như chơi bi-a. Trước khi thúc gậy, bạn không chỉ phải suy nghĩ về việc sẽ điều khiển quả bóng đi theo đường nào, mà còn phải nghĩ xem nó có thể va phải những quả bóng nào và hướng đi của nó sẽ bị thay đổi ra sao. Mỗi công ty ngày nay đều có kết cấu phức tạp, do nhiều bộ phận hợp thành. Lãnh đạo đứng ở vị trí có thể quan sát và đánh giá sự tương tác giữa các bộ phận toàn diện hơn bạn. Nhưng chỉ cần bạn chú ý quan sát hoàn cảnh thực tế, liên hệ với những người trong nghề, nghiêm túc tìm tòi, nghiên cứu tư liệu báo cáo nội bộ, báo cáo định kì, tạp chí ngành, ý kiến chuyên gia và những trào lưu mà cấp trên chịu ảnh hưởng rõ rệt, bạn có thể đưa ra kiến nghị vừa có lợi cho bản thân vừa mang lại lợi ích cho cấp trên và công ty.
3
KHÔNG KHAI CHIẾN KHI CHƯA CHUẨN BỊ
Muốn giành phần thắng khi đấu tranh với cấp trên, việc hiểu được mục tiêu công việc và những vất vả của sếp là rất quan trọng
Nhân viên Cook mới vào làm việc cho một trung tâm nghiên cứu ở Massachusetts chưa được bao lâu đã yêu cầu tăng lương: “Cấp trên không đồng ý tăng lương cho tôi nhưng tôi đã kiên quyết đấu tranh đến cùng.” Cook nhớ lại tình huống ngày đó: “Cuối cùng tôi và cấp trên còn vì thế mà tranh cãi nảy lửa. Trong lúc tranh cãi, chúng tôi so sánh thu nhập của tôi và những người khác, tranh luận về cống hiến của tôi và mức đãi ngộ. Cả đời này tôi khó mà quên được trận tranh cãi mãnh liệt ấy. Sau đó không lâu thì tôi nghỉ việc.”
Trong câu chuyện này, nhân viên Cook vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất trong hành xử với cấp trên, đó là: Khi chưa chuẩn bị sẵn sàng thì tuyệt đối không được khai chiến. Vậy thì điều này có nghĩa là bạn phải hết sức tránh tranh biện với cấp trên? Đương nhiên không phải, nếu bạn có thể trình bày rõ ràng điểm khác biệt giữa suy nghĩ của mình và sếp, điều này sẽ tốt cho công việc và tiền đồ của bạn. Nếu bạn muốn tranh biện với cấp trên, xin hãy nhớ kĩ các nguyên tắc sau:
Chọn đúng thời điểm
Trước khi tranh biện về bất cứ điều gì với lãnh đạo, hãy nghe ngóng qua thư kí xem tâm tình của sếp hiện tại như thế nào. Nếu cấp trên đang không vui (vì chuyện gì đó khác) thì tốt nhất bạn hãy tránh tìm gặp đối phương. Nếu không hỏi thăm qua thư kí, bạn cũng có thể thông qua tin “tình báo” của phòng ban khác để nắm được tình hình, chọn đúng thời điểm. Ví dụ: Khi cấp trên bận việc gấp, không nên đến tìm anh ta tranh luận. Vào giờ ăn trưa, đừng đến tìm cấp trên trình bày ý kiến của mình. Vào đêm trước kì nghỉ và ngày đi làm lại sau kì nghỉ, tốt nhất bạn cũng không nên đến tìm cấp trên.
Giữ bình tĩnh
Một chuyên gia tâm lí từng nói: “Nếu bạn đến tìm cấp trên tranh luận với khí thế bừng bừng sẽ chỉ khiến sếp nổi giận. Vì vậy đầu tiên bạn phải điều tiết cảm xúc, giữ tâm trạng thật bình tĩnh. Đừng để cảm xúc che mờ lí trí của bạn.”
Chủ tịch công ty văn phòng phẩm 3M cũng nói: “Nếu một nhân viên tỏ ra bất mãn với mọi phương diện của công ty, vậy thì cấp trên của người này sẽ cảm thấy rằng muốn thỏa mãn anh ta là chuyện khó như lên trời, thậm chí cho rằng anh ta nên từ chức để tự đi tìm thiên đường của mình.”
Trình bày rõ vấn đề
Tranh chấp xảy ra là bởi cấp trên và cấp dưới không thấu hiểu suy nghĩ của nhau. Một chuyên gia cho biết: “Có những trường hợp, sau khi làm sáng tỏ vấn đề thì tranh chấp cũng tự động tiêu tan. Cho nên cấp dưới phải diễn đạt quan điểm của mình một cách đơn giản, dễ hiểu, để cấp trên nghe hiểu đúng ngay vấn đề.”
Claire là trợ lí cho giám đốc Sở Tài chính thành phố New York đã nhiều năm, cô gần như không bao giờ phát sinh tranh chấp với cấp trên. Cô chia sẻ, khi vấn đề quan trọng mà bản thân muốn thương lượng bị giám đốc bác bỏ, cô sẽ viết ra quan điểm của mình lên giấy nhớ, đưa cho giám đốc xem và đợi ông suy nghĩ lại. Cô nói: “Làm như vậy có thể giải thích vấn đề một cách rõ ràng, nhờ vậy tỉ lệ đàm phán thành công với cấp trên cũng cao hơn.”
Đưa ra kiến nghị
Norman – phó giáo sư ngành Tâm thần học của NYU Langone Medical Center nói: “Cấp trên của bạn đã có quá đủ việc phải suy nghĩ rồi. Do đó nếu bạn không thể đưa ra một giải pháp toàn diện thì tối thiểu cũng phải có một kiến nghị về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề đó.” Norman cũng cảnh báo: “Những người nêu ra vấn đề trước cấp trên mà không kèm theo giải pháp, thì rất nhanh thôi họ sẽ nhận ra bản thân đã bị thư kí của cấp trên cản lại trước cửa phòng sếp.” Ông cũng giải thích: “Cho dù cấp trên không cho rằng bạn làm vậy là sai, nhưng anh ta cũng dần nhận ra mỗi lần bạn tìm đến đều khiến anh ta mất hứng. Lâu dần, cấp trên sẽ chẳng muốn gặp bạn thêm nữa.”
Suy nghĩ cho cấp trên
Muốn giành phần thắng khi đấu tranh với lãnh đạo, việc hiểu được mục tiêu công việc và những vất vả của cấp trên là rất quan trọng. Hãy đặt mình vào vị trí của sếp để suy nghĩ, vậy thì một cách tự nhiên sếp cũng sẽ làm như vậy với bạn. Một giáo sư đã dẫn ra một trường hợp tranh cãi giữa nhân viên thiết kế đồ họa và ông chủ hãng phim. Lúc đó hai người tranh luận về giá của một phần mềm đồ họa, ai cũng khăng khăng ý kiến của mình đúng, khiến cục diện rơi vào bế tắc. Giáo sư nọ kể lại: “Tôi bảo hai người họ đổi vai cho nhau, dùng lập trường của đối phương tiếp tục tranh luận. Sau 5 phút, cả hai đều phát hiện ra hành vi của mình thật ấu trĩ, vì vậy cùng cười phá lên, sau đó rất nhanh họ đã thống nhất được giải pháp chung.”
Bạn phải nhớ kĩ một điều: Mọi thứ bạn nghĩ đến đều nằm trong suy nghĩ của lãnh đạo. Nếu bạn tranh cãi một cách tiêu cực, đến mức bất chấp mọi thứ thì càng phản tác dụng. Cho nên khi tranh biện cùng cấp trên, bạn cần nhớ: Khi chưa chuẩn bị tốt thì đừng nên khai chiến.
4
NHỮNG LƯU Ý KHI ĐƯA RA KIẾN NGHỊ VỚI CẤP TRÊN
Đưa ra kiến nghị với cấp trên cũng là một môn nghệ thuật mà nhân viên cần đầu tư học hỏi
Khi đề xuất kiến nghị với cấp trên, nếu bạn dùng từ ngữ phù hợp sẽ khiến sếp dễ dàng tiếp nhận hơn. Nếu câu từ của bạn không đúng mực sẽ rất khó thu được hiệu quả như mong muốn. Do đó đưa ra kiến nghị với cấp trên cũng là một môn nghệ thuật mà nhân viên cần đầu tư học hỏi.
Nếu đề xuất của bạn có lợi cho công ty thì có thể trình bày nó ở cuộc họp công khai, nhưng kị nhất là bạn phát biểu ý kiến kèm theo chỉ trích cấp trên. Nếu bạn muốn đưa ra kiến nghị khác với ý kiến của cấp trên, có thể tìm gặp riêng sếp để trình bày. Nếu quan điểm của cấp trên có điểm chưa đúng, bạn hãy góp ý với đối phương bằng thái độ chân thành chứ đừng đi kể lể với bên thứ ba. Như vậy, chắc chắn cấp trên sẽ suy nghĩ cẩn thận về ý kiến của bạn.
Hàn Phi – học giả nổi tiếng theo trường phái Pháp gia của Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc cho rằng thuộc hạ không nên tùy tiện nói chuyện với tướng lĩnh. Tuy cách nghĩ của Hàn Phi còn thiếu chính xác nhưng nó vẫn đề cao việc phải cẩn trọng khi kiến nghị về bất kì vấn đề gì với lãnh đạo. Dưới đây là những điều cần lưu ý tránh khi đề xuất ý kiến với cấp trên mà bạn nên ghi nhớ:
• Nhắc đến việc nằm trong kế hoạch bí mật của cấp trên;
• Nhắc đến việc cấp trên không kiên định với phát ngôn của mình;
• Tiết lộ cho người khác về việc cấp trên tiếp nhận kiến nghị của bạn;
• Nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được cấp trên tin tưởng lại khoe khoang tài năng, thành tích của bản thân;
• Vạch trần và chỉ trích sai phạm của cấp trên;
• Tiết lộ bí mật kinh doanh của cấp trên;
• Yêu cầu cấp trên phải làm những việc vượt quá khả năng của anh ta;
• “Tham mưu” cho cấp trên về việc nhận xét, đánh giá các nhân viên khác;
• Khen ngợi người được cấp trên ưu ái hay báo cáo về những người nói xấu cấp trên;
• Trình bày sơ lược hoặc dài dòng, vòng vo về kiến nghị của mình với cấp trên.
Thực tế đã chứng minh, một đơn vị chỉ dựa vào sự chèo chống của một mình lãnh đạo mà không có nhân viên đứng ở phía đối lập để phản biện đường lối quản lí, thậm chí là giám sát, đốc thúc hoạt động của cấp trên, thì công ty sẽ rất khó vươn lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt ngày nay.
Dân công sở có thể áp dụng các cách sau đây khi đưa ra kiến nghị hoặc yêu cầu với cấp trên vì lợi ích chung của công ty hoặc vì bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân:
• Khéo léo sắp xếp thông tin: phân tích, đề xuất thông tin liên quan và kế hoạch thực hiện một công việc nào đó;
• Giao lưu, xã giao: tổ chức tiệc rượu, mời cơm đối tác, tặng quà…;
• Tiến hành thận trọng: cung cấp ví dụ trước, nói rõ cách nghĩ của đôi bên đa phần là giống nhau;
• Che giấu mục đích: chưa vội tiết lộ sự thật, nhấn mạnh rằng chỉ có cấp trên mới có khả năng giải quyết vấn đề, đề ra những yêu cầu rất cao sau đó dần thỏa hiệp;
• Lấy lòng hợp lí: tôn trọng, ca ngợi cấp trên trước mặt mọi người;
• Uyển chuyển dẫn dắt: khi trò chuyện trong tiệc rượu hoặc khi tâm tình cấp trên vui vẻ, hãy tư vấn cho đối phương về vấn đề đang cần được sửa đổi;
• Dẫn chứng quy chế: dẫn ra các nội quy, quy định của công ty và xin ý kiến chuyên gia của bộ phận khác;
• Tạo quan hệ: giúp đỡ cấp trên trước để ý kiến đóng góp có ảnh hưởng;
• Kiên trì thuyết phục: thường xuyên tìm gặp cấp trên, không ngừng lặp lại yêu cầu hoặc liên tục nhấn mạnh kiến nghị của bạn;
Trong những phương pháp nói trên, khi muốn tạo ảnh hưởng lên cấp trên, dân công sở thường dùng các cách “Khéo léo sắp xếp thông tin” và “Tiến hành thận trọng” là chính. Ngoài ra, các cách “Lấy lòng hợp lí”, “Uyển chuyển dẫn dắt” và “Dẫn chứng quy chế” cũng được dùng khá nhiều.
Khi lựa chọn phương án áp dụng, bạn cần tính toán đến các nhân tố thời gian, địa điểm, nhân vật... để vận dụng linh hoạt nhằm đạt hiệu quả cao.
5
GỠ BỎ TÂM LÍ ĐỀ PHÒNG CỦA CẤP TRÊN
Muốn đột phá phòng tuyến tâm lí của cấp trên, đầu tiên phải học cách đứng trên lập trường của đối phương để suy nghĩ, sau đó mới có thể tìm đúng mục tiêu để “công phá”
Đối với những nhân vật cấp cao như CEO của công ty, sĩ quan chỉ huy quân đội, chính trị gia... hình tượng tốt đẹp là điều rất quan trọng. Do đó, “hệ thống tự vệ” của họ sẽ ngày càng kiên cố và bất khả xâm phạm, họ chỉ để lọt tai những lời nhận xét tích cực.
Nếu lãnh đạo đã cố tình bịt tai không nghe những lời can gián của nhân viên, thì nhân viên có nói nhiều cũng vô dụng. Lúc này, cấp dưới nên tìm cách khác để cấp trên chịu lắng nghe lời mình nói. Để gỡ bỏ tâm lí đề phòng của cấp trên, trước khi khuyên can đối phương, chúng ta phải biểu thị lòng tôn trọng và tâm thái thành thật của mình, ví dụ như:
“Em luôn nể phục sếp, cho nên em mong sếp sẽ không phiền khi nghe em nói mấy lời...”
“Em đã hiểu ý của sếp, em cũng biết sếp luôn thích nghe những lời nói thẳng, vậy em xin phép trình bày...”
Nếu chúng ta biết được động cơ và mục tiêu của lãnh đạo, từ đó khéo léo cài cắm ý khuyên can của mình vào những lời khen thì sếp sẽ có thể dễ dàng tiếp nhận. Mối quan tâm của cấp trên là thăng tiến? Hay là thu nhập? Hay là danh tiếng? Hay là uy tín để được tái bổ nhiệm? Chỉ cần chịu khó quan sát, tìm hiểu và lồng ghép ý muốn của cấp trên vào lời khuyên can, bạn sẽ khơi dậy được hứng thú lắng nghe của cấp trên và gạt bỏ tâm lí lo nghĩ về thể diện của đối phương.
“Em nghĩ cách làm trước mắt của sếp sẽ ảnh hưởng đến XXX (việc cấp trên coi trọng), em có thể nói ra ý kiến của mình không?”
“Em muốn nói với sếp chuyện này, cũng liên quan đến việc sếp đang tiến hành ạ.”
Một cách khác để phá vỡ tuyến phòng vệ của cấp trên đó là chủ động chia sẻ kinh nghiệm của bạn, đồng thời chỉ ra điểm giống và khác nhau của nó với tình huống mà sếp đang gặp phải. Làm như vậy sẽ có thể “đánh động” cấp trên, khiến việc khuyên can được tiến hành thuận lợi.
“Ôi, chuyện của sếp làm em nghĩ đến chuyện XXX (kinh nghiệm tương tự) của em hồi đó...”
“Sếp ‘cao tay’ thật đấy, chẳng bù cho em, hồi đó em cũng gặp chuyện XXX (chuyện có liên quan muốn dẫn ra)...”
Nhìn chung, khuyên can chính sách của cấp trên dễ hơn so với khuyên can hành vi của đối phương. Nhưng nếu gặp phải cấp trên bảo thủ, cố chấp, họ sẽ khăng khăng ý mình, không muốn nghe ai góp ý. Trong hoàn cảnh này, bạn hãy thử chuyển sang thực hiện theo các bước dưới đây:
• Mở lời khéo léo: “Em có điều muốn nói với sếp. Có thể sếp không muốn nghe, nhưng cũng vì có mấy lí do thế này mà em nghĩ là sếp nên thử nghe em trình bày một lần”;
• Trình bày lí do, bao gồm những điều ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân của cấp trên và mục tiêu chung của đơn vị;
• Sau khi cấp trên đồng ý lắng nghe, bạn hãy đưa ra lời khuyên của mình;
• Chuẩn bị để lời khuyên can của bạn có thể phát huy hết tác dụng.
Khi trình bày kiến nghị của mình, bạn cũng phải làm tốt công tác chuẩn bị và dự trù trước về cảm nhận của đối phương. Nếu không cấp trên có thể cho rằng bạn đang công kích chứ không phải là lo lắng cho anh ta, từ đó sinh ra phản ứng phòng vệ mà phản công lại khiến bạn không thể nói ra lời khuyên của mình.
Đặc biệt, khi lời khuyên của bạn có khuynh hướng “chỉnh đốn” cấp trên, tuyệt đối phải tùy người tùy việc mới nói ra.
Ví dụ, phải nói: “Sếp làm mặt nghiêm quá, làm bọn em căng thẳng ghê!”, chứ đừng nói: “Mọi người sợ sếp hết cả rồi!” Cấp trên không thể biến mình thành người khác, nhưng có thể thay đổi thái độ của bản thân để tình huống “dễ thở” hơn. Ví dụ bạn có thể kiến nghị cấp trên vẫn giữ sự nghiêm túc, nhưng đôi khi có thể mỉm cười để cấp dưới không phải nơm nớp lo sợ khi tiếp xúc với mình.
Để giảm bớt tâm lí đề phòng của cấp trên, khi đưa ra lời khuyên, bạn nên nói dựa trên ý kiến hoặc cảm nhận cá nhân của mình thay vì miêu tả hành vi của đối phương để đặt vấn đề. Ví dụ như:
Thay vì nói: “Chính sách này của anh sẽ mang đến hiệu quả tiêu cực”, hãy nói: “Theo nghiên cứu của em, chính sách này của sếp có khả năng sẽ có một số phản ứng phụ...”
Thay vì nói: “Việc anh không công bố thông tin là việc làm thiếu minh bạch”, hãy nói: “Em nghĩ chơi bài ngửa lúc này là thượng sách, vậy nên sếp công bố thông tin đi ạ.”
Đương nhiên đối với các vấn đề nhạy cảm, bạn nên góp ý riêng tư với cấp trên. Nếu bạn là lãnh đạo, tự nhiên cũng sẽ muốn người khác làm thế với mình. Nếu bên cạnh cấp trên lúc nào cũng có trợ thủ đắc lực vây quanh, bạn cũng vẫn phải tìm cơ hội gặp riêng sếp, hoặc xem xét tình hình xem nên nói ra hay không.
Người xưa có câu: “Thái quá bất cập”, nghĩa là nhiều quá không tốt, nên nếu cấp dưới khuyên can cấp trên quá nhiều cũng sẽ khiến sếp trở thành người tự phản tỉnh bản thân quá mức, vì thế mà đánh mất tầm nhìn xa trông rộng cần có của một lãnh đạo. Có một số ý kiến cho rằng, để duy trì sự tương tác lành mạnh giữa cấp trên và cấp dưới thì mỗi câu phê bình nên đi kèm năm câu khen ngợi. Tất nhiên số lượng “năm câu khen ngợi” này cũng không có cơ sở khoa học nhưng nó vẫn là một gợi ý mà chúng ta có thể cân nhắc.
Khi khuyên can cấp trên, cũng đừng hi vọng sếp sẽ lập tức tiếp thu. Đây là một suy nghĩ sai lầm và thiếu thực tế, bởi vì: Một là lời khuyên của chúng ta chưa chắc đã hoàn toàn đúng; hai là thời điểm đưa ra lời khuyên can chưa chắc đã chín muồi. Trên thực tế, có một số thời điểm, cấp trên nhất định sẽ kiên trì với lập trường của họ. Nếu mỗi khi có người góp ý mà cấp trên lại thay đổi lập trường ngay lập tức, vậy chẳng hóa ra sếp là người ba phải hay sao? Dân công sở phải hiểu rằng, muốn đột phá phòng tuyến tâm lí của cấp trên, đầu tiên phải học cách đứng ở lập trường của đối phương để suy nghĩ, sau đó mới có thể tìm đúng mục tiêu để “công phá”.
6
“TIẾP THỊ” Ý TƯỞNG CỦA BẠN VỚI CẤP TRÊN
Muốn cấp trên chấp thuận ý tưởng của mình, bạn cần kiên nhẫn đi đường vòng, làm từng bước một, như vậy chắc chắn sẽ thành công
Đóng góp kế hoạch, kiến nghị hay của bản thân cho lãnh đạo là nhiệm vụ của nhân viên công sở. Tuy nhiên, có những trường hợp cấp trên không chấp thuận ý tưởng của bạn. Đặc biệt nếu đó là những ý kiến đáng giá, hợp lí mà bạn phải đào sâu suy nghĩ, khổ công tìm tòi mới có thể đưa ra, nhưng khi đề xuất với cấp trên lại bị phũ phàng bác bỏ, thì bạn lại càng muốn thở dài.
Đối với tình huống “hiến kế nhưng kế không được dùng đến” này, bạn cần có cách xử lí khéo léo. Muốn cấp trên chấp thuận ý tưởng của mình, bạn cần kiên nhẫn đi đường vòng, làm từng bước một, như vậy chắc chắn sẽ thành công.
Trong thời kì Thế chiến thứ hai, nhà lãnh đạo tối cao của Liên bang Xô viết là Iosif Vissarionovich Stalin rất coi trọng hai cấp dưới: một là thiên tài quân sự Georgi Konstantinovich Zhukov, người còn lại là Tổng tham mưu trưởng Aleksandr Mikhaylovich Vasilevskiy.
Những năm cuối đời, Stalin dần trở thành lãnh đạo độc tài. Tâm tính “duy ngã độc tôn” (chỉ có mình ta) khiến Stalin không chấp nhận ai tài giỏi hơn mình, càng không muốn tiếp nhận ý kiến khác với suy nghĩ của mình từ cấp dưới. Việc Stalin quá mức để ý đến tôn nghiêm của bản thân đã khiến Hồng quân chịu tổn thất nặng nề.
Có một lần, Zhukov đưa ra một ý kiến hết sức đúng đắn nhưng đã bị Stalin nổi giận và đuổi ra khỏi đại bản doanh. Thế nhưng Vasilevskiy lại là ngoại lệ, ông đã khiến cho Stalin làm theo kế hoạch tác chiến của mình.
Một trong những tuyệt chiêu Vasilevskiy đã dùng là tận dụng thời gian nghỉ ngơi của Stalin để khéo léo “truyền bá tư tưởng” của mình tới vị lãnh đạo. Trong văn phòng của Stalin, những lúc rảnh rỗi, Vasilevskiy thường hay cùng Stalin nói chuyện phiếm, rồi thường “vô tình” nhắc đến các vấn đề quân sự. Tất nhiên ông không đề cập đến các vấn đề quan trọng hay tranh luận nghiêm túc, nội dung cuộc nói chuyện cũng rất có chừng mực. Nhưng điều kì diệu là sau khi Vasilevskiy rời đi, Stalin lại thường nghĩ ngay ra một kế sách mới và không lâu sau Stalin sẽ đích thân công bố kế hoạch này trong cuộc họp. Mọi người đều ca ngợi Stalin mưu sâu nghĩ xa, chỉ có trong lòng Stalin và Vasilevskiy ngầm hiểu ai mới thực sự là người khởi xướng ý tưởng này.
Chính trong những cuộc nói chuyện phiếm này, Vasilevskiy đã dùng tư tưởng của mình để khơi mở ý tưởng cho Stalin, khiến Stalin tin rằng những chủ ý sáng tạo này là do mình tự nghĩ ra. Cho dù là vậy, xét về tính hiệu quả, Vasilevskiy đã đạt được mục đích của mình, khiến cho ý tưởng của ông được Stalin chấp nhận còn bản thân trở thành trợ thủ đắc lực của vị lãnh đạo.
Để tránh bị từ chối khi “tiếp thị” ý tưởng với cấp trên, nhân viên công sở cần lưu ý những điều dưới đây:
Phân tích lí do cấp trên bác bỏ ý tưởng của bạn
Khi kiến nghị mà mình đưa ra bị cấp trên bác bỏ, hẳn bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, sau khi nỗi buồn qua đi, bạn phải lấy lại tinh thần, phân tích cẩn thận để tìm ra nguyên nhân cấp trên không chấp thuận ý tưởng của bạn.
Trước tiên, hãy tin tưởng vào năng lực của lãnh đạo. Đương nhiên, cấp trên của bạn có khả năng là một trọng tài thích “bẻ còi”, nhưng trước hết bạn phải đặt giả thiết anh ta là một trọng tài công bằng.
Hãy nhớ kĩ những nhận xét của cấp trên về ý tưởng của bạn và phân tích kĩ càng. Cần nhớ rằng: Bạn càng mổ xẻ kĩ nhận xét của cấp trên bao nhiêu thì càng phát hiện triệt để những thiếu sót trong suy nghĩ của bản thân, từ đó khả năng ý tưởng của bạn được chấp thuận ở lần đề xuất sau càng cao bấy nhiêu.
Không để các yếu tố khác khiến ý tưởng của bạn bị từ chối
Bạn có một ý tưởng xuất sắc, nhưng khi trình bày về nó với lãnh đạo, bạn lại sơ suất có lời nói hay hành động không phù hợp nên bị cấp trên bác bỏ toàn bộ. Sau đó bạn đã đến gặp cấp trên để nhận lỗi và giải thích lại về ý tưởng, vì thế nó đã được thông qua.
Có rất nhiều ý tưởng hay bị bác bỏ vì những yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy, hãy chuẩn bị kĩ càng trước khi trình bày kiến nghị với cấp trên. Nếu có cơ hội, bạn hãy nhờ lãnh đạo góp ý cho đề xuất của mình: “Ngoại trừ bản thân ý tưởng, tôi còn cần củng cố những mặt nào khác nữa?”
Nhờ cậy sự ủng hộ của đa số
Hãy nói ra ý tưởng của bạn với những người có khả năng sẽ ủng hộ nó tại phòng ban bạn làm việc, sau đó thông qua họ để đệ trình ý tưởng lên cấp trên. Bởi vì đa số mọi người đều ủng hộ đề xuất của bạn, cấp trên có thể xem xét thay đổi ý kiến bác bỏ ban đầu.
Cần đặc biệt chú ý: Khi làm việc này, bạn phải hành động thận trọng. Đừng khiến các đồng nghiệp cho rằng bạn đang “vận động hành lang” sau lưng lãnh đạo, muốn làm hại cấp trên.
“Chào bán” ý tưởng cho người khác
Nếu cấp trên vẫn không chấp nhận ý tưởng của bạn thì có thể sẽ có người khác hứng thú với nó. Hãy phân tích xem đề xuất của bạn có thể mang lại lợi ích cho bộ phận khác trong công ty không. Nếu có, vậy thì bạn hãy mạnh dạn tìm đến người phụ trách bộ phận đó để đề xuất ý tưởng này với họ.
Đương nhiên, nếu lo lắng hành động này sẽ dẫn đến các hệ lụy khác, đặc biệt là làm mất lòng cấp trên hiện tại, bạn có thể cân nhắc các phương án khác. Nhưng nếu cấp trên của bạn là người luôn hướng đến lợi ích của công ty, vậy thì đây sẽ là một gợi ý khả thi dành cho bạn.
Cân nhắc việc từ bỏ
Trong một vài trường hợp, dù ý tưởng của bạn rất xuất sắc nhưng vẫn không có “đất diễn”. Nếu bạn đã cố gắng hết sức áp dụng các phương án nói trên mà cấp trên vẫn tỏ ra hờ hững, vậy thì bạn hãy dồn sức cho công việc khác, nghĩ ra một ý tưởng khác.
Nếu bạn không thể “chào hàng” kiến nghị của bản thân thì có lẽ vấn đề không nằm ở ý tưởng mà là bạn và cấp trên có tư duy mâu thuẫn với nhau. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là hãy suy nghĩ đến việc chuyển công tác.
Tóm lại, đừng vội nản chí khi cấp trên từ chối ý tưởng của bạn. Hãy tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng phương án xử lí thích hợp cho từng tình huống cụ thể. Hãy kiên nhẫn đi đường vòng để đề xuất của bản thân có thể chạm tới trái tim của lãnh đạo.
7
KHUYÊN CAN CẤP TRÊN KHÓ TÍNH
Chỉ cần có cách thức phù hợp, cho dù cấp trên có khó tính cũng sẽ tiếp thu góp ý của bạn
Trong một bộ phận, lãnh đạo và nhân viên cần sát cánh bên nhau, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung, vì vậy việc khuyên can càng đặc biệt cần thiết. Chỉ cần có cách thức phù hợp, cho dù cấp trên có khó tính cũng sẽ tiếp thu góp ý của bạn.
Nếu sếp không tiếp thu lời khuyên của bạn, lí do thường xuất phát từ các vấn đề dưới đây:
Cấp trên không thích nghe lời phê bình
Có một số cấp trên rất có năng lực, là những nhân vật vừa ưu tú vừa quyền lực. Họ thường không chấp nhận lời phê bình của người khác đối với những sai lầm của bản thân. Mặc dù vậy, nếu có thể chọn đúng thời điểm, khéo léo khuyên can thì góp ý của bạn vẫn được tiếp thu và có tác dụng điều chỉnh những sai phạm của cấp trên.
Bạn cần hiểu rằng một lãnh đạo ưu tú sẽ không dễ dàng tiếp nhận lời góp ý từ nhân viên, nhưng nếu ý kiến của cấp dưới hợp lí, họ sẽ sẵn sàng lắng nghe. Đây cũng chính là một trong những lí do tạo nên sự ưu tú của họ.
Khi cấp dưới có điều muốn khuyên can cấp trên, phải chú ý đến cách làm. Trước hết, phải có thái độ tôn trọng cấp trên. Sau đó hãy trình bày lí do bạn đưa ra kiến nghị này và nhấn mạnh rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân của bạn. Cần đặc biệt chú ý phải kịp thời dừng lại khi thấy thái độ của cấp trên chuyển sang tiêu cực. Lòng tự tôn của lãnh đạo thường rất cao, bạn càng tranh luận, cấp trên càng không chịu thừa nhận sai lầm. Hãy cho cấp trên thời gian để suy ngẫm, sửa đổi quyết định của anh ta và làm theo lời khuyên của bạn.
Ngoài ra bạn còn cần chú ý, khi cấp trên tiếp thu ý kiến của bạn và thay đổi quyết định sai lầm ban đầu, bạn không được cậy công mà kiêu ngạo. Tốt nhất là không để lộ chuyện này với ai, như vậy sẽ giữ thể diện cho cấp trên, về sau đối phương sẽ dễ chấp thuận lời khuyên của bạn hơn.
Cấp trên không thích bị góp ý không có nghĩa là không thể tiếp thu kiến nghị của cấp dưới. Chỉ cần bạn biết cách khuyên can, ý kiến của bạn sẽ thành lời thức tỉnh có giá trị. Cấp dưới nên áp dụng chiến lược ôn hòa khi góp ý cho các lãnh đạo bảo thủ.
Cấp trên không coi trọng lời khuyên can
Khi nghe lời kiến nghị của nhân viên, một số lãnh đạo có lúc sẽ thể hiện phản ứng, có lúc lại chẳng có phản ứng gì. Trong tình huống này, liệu bạn có nên tiếp tục góp ý cho cấp trên? Đối với mọi nhân viên, kết quả của công việc chung, lợi ích của công ty là điều quan trọng nhất. Để bảo toàn hai phương diện này, bạn tuyệt đối không nên vì thấy cấp trên không thích nghe ai khuyên bảo mà từ bỏ đưa ra ý kiến.
Đối với kiểu cấp trên không coi trọng ý kiến của cấp dưới, trước khi góp ý, bạn cần xem xét toàn diện và suy nghĩ kĩ càng xem việc này có cần thiết không. Hãy chắc chắn lời khuyên của bạn có giá trị với sếp. Đối với tình huống trước mặt bạn cấp trên đã tiếp nhận góp ý, sau đó lại lờ đi không làm theo, thì bạn phải kiểm tra lại xem cách kiến nghị của mình có thích hợp hay không, liệu khi đưa ra ý kiến bạn có nghiêm trọng hóa vấn đề hoặc vô tình thiếu tôn trọng cấp trên hay không.
Một người góp ý thông thái khi đối diện với cấp trên không thích nghe lời khuyên can sẽ đợi thời điểm thích hợp mới đưa ra lời khuyên. Ví dụ, bạn có thể áp dụng nguyên lí đám đông, rủ đồng nghiệp khác cùng khuyên can cấp trên. Khi có rất nhiều cấp dưới cùng kiến nghị, cấp trên sẽ không thể thoái thác, tỏ ra “tôi không nghe thấy” nữa. Cách làm này tuy có ý cưỡng ép, nhưng đối với cấp trên “cứng đầu” thì đây là phương pháp bất đắc dĩ phải thực hiện.
Cấp trên không lập tức phản hồi
Có một số cấp trên không lập tức đưa ra kết luận với những lời khuyên can của cấp dưới. Những cấp trên này đa số là quản lí cấp trung, bởi vì trên họ còn có các lãnh đạo cấp cao, cho nên họ thường phải suy nghĩ cặn kẽ vấn đề trước khi đưa ra quyết định.
Thông thường, họ sẽ trả lời rằng: “Tôi cần tham khảo ý kiến của các lãnh đạo về việc này” đối với lời khuyên can của bạn. Khi ấy, tốt nhất là bạn đợi thêm một thời gian rồi hãy nhắc lại chuyện này. Cấp trên nào cũng hi vọng công việc quản lí của mình ngày một tiến bộ hơn, cho nên họ nhất định sẽ quan tâm đúng mực đến những ý kiến góp ý của cấp dưới.
Muốn cấp trên dễ dàng tiếp nhận lời khuyên can, bạn cần lưu ý những điểm dưới đây:
Tư vấn một cách chân thành
Hãy để cấp trên hiểu rằng vì bạn quan tâm đến đối phương cho nên mới nói với anh ta những lời này. Đừng để cấp trên cho rằng bạn khuyên can anh ta vì mục đích cá nhân, nếu không sếp sẽ nghĩ rằng bạn đang cố tình soi xét sai phạm của anh ta. Thái độ chân thành chính là tiền đề để người khác ngồi xuống nghe bạn phê bình họ.
Nắm rõ tình hình trước khi góp ý
Biết rõ sự thực sẽ giúp bạn càng thuận lợi nói chuyện và khuyên nhủ cấp trên. Nếu thiếu tỉnh táo mà tin theo những tin đồn truyền miệng, thì ý kiến bạn đưa ra sẽ không chính xác, không những đồng nghiệp không công nhận mà cấp trên cũng không thể chấp thuận.
Vì vậy trước khi đến gặp cấp trên, hãy tìm hiểu rõ tình hình thông qua những người có thể tin cậy. Nếu bạn có mối quan hệ thân thiết với sếp, có thể khéo léo hỏi đối phương để biết rõ toàn bộ câu chuyện. Khi ấy, bạn mới có thể đưa ra lời khuyên chính xác, có giá trị.
Khuyên can bằng giọng điệu thấu hiểu
Có thể cấp trên đã chịu quá nhiều sức ép cho nên mới phải bất đắc dĩ đưa ra quyết định sai lầm. Lúc này, có lẽ đối phương cũng đang tự trách bản thân rất nhiều. Nếu bạn lại nói những câu như: “Sao người sáng suốt như sếp lại mắc lỗi này?” hoặc “Sao lúc đó sếp không nghĩ đến...” thì lại một lần nữa làm tổn thương lòng tự tôn của cấp trên. Vậy nên lời khuyên của bạn phải thể hiện được sự đồng cảm và thấu hiểu, đồng thời hết sức để ý đến cảm nhận của cấp trên.
Bạn có thể nói những câu như: “Em đoán lúc đó sếp nhất định có điều khó xử, cho nên mới...” hoặc “Em biết phải chèo lái cả công ty là việc không hề dễ dàng...” Những lời mềm mỏng như vậy có thể xoa dịu tâm tình đối phương. Nếu bạn đóng tròn vai “người an ủi”, có lẽ cấp trên sẽ không ngại ngần thổ lộ với bạn cảm xúc của anh ta, thậm chí là chia sẻ với bạn lí do khiến anh ta phải lựa chọn cách làm sai lầm đó. Lúc này, bạn hãy tỏ ra bất ngờ trước sự thật ấy và bình tĩnh nghe cấp trên chia sẻ hết đầu đuôi câu chuyện. Đừng vội phản bác, bạn sẽ thấy cấp trên dần cởi bỏ nghi ngại với bạn và coi bạn như một tri kỉ có thể dốc bầu tâm sự và dựa dẫm.
Mượn chuyện khác để khuyên can cấp trên
Trong sử sách Trung Quốc còn ghi lại giai thoại “Trâu Kị can gián Tề Uy Vương” như sau:
Một ngày nọ, Tướng quốc Trâu Kị kể cho Tề Uy Vương nghe một chuyện: Buổi sáng sớm hôm nay, khi soi gương để thay triều phục, Trâu Kị cảm thấy bản thân cũng rất khôi ngô, anh tuấn nên đã hỏi thê thiếp trong nhà và một người khách tới chơi: “Ta và Từ Công (người đàn ông nổi tiếng đẹp trai nhất thời ấy) ai đẹp hơn?” Tất cả đều trả lời rằng Trâu Kị đẹp hơn Từ Công.
Trâu Kị nghe vậy thì rất vui sướng. Lại qua mấy ngày sau, Từ Công tới chơi nhà Trâu Kị. Tận mắt nhìn thấy dung nhan của Từ Công, ông tự thấy mình còn xa mới đẹp bằng người này. Trâu Kỵ kể chuyện này cho Tề Uy Vương và nói: “Thần biết mình không bằng Từ Công, nhưng thê tử yêu thần, tiểu thiếp sợ thần, còn khách muốn nhờ việc ở thần, nên đều đồng thanh khen thần anh tuấn hơn Từ Công. Cũng giống như vậy, Bệ hạ là bậc thiên tử, những người xung quanh đều là người yêu Bệ hạ, người sợ Bệ hạ, người muốn cầu cạnh Bệ hạ. Như vậy, Bệ hạ cũng không nghe được lời nói thật.” Tề Uy Vương nghe xong rất cảm động, bèn ra lệnh soạn chiếu thư công bố tuyên thưởng cho những người dám đứng ra can gián mình.
Tục ngữ có câu: “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng.” Tuy nhiên thuốc đắng cần được bọc đường để nó không những có thể trị bệnh mà còn dễ uống. Vì vậy bạn hãy lựa lời để khuyên can cấp trên, giúp sếp nhận ra và sửa đổi sai sót của bản thân.