Nhân viên nào cũng muốn thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình trong công việc. Tuy nhiên, những cấp dưới công cao át chủ sẽ dễ gặp rắc rối vì chính điều này. Những người thông minh biết cách che dấu thực lực của bản thân trong một số trường hợp để nhường cho cấp trên tỏa sáng. Tại chốn công sở nhiều cạm bẫy, đây là hành vi sáng suốt để bảo vệ chính mình.
1
KIÊU CĂNG RƯỚC HỌA, KHIÊM TỐN THU LỢI
Một người tạo ra thành tích lớn lại vô cùng khiêm tốn thì giá trị của anh ta sẽ tăng gấp bội
Một nhân viên kiêu ngạo, tự mãn chắc chắn sẽ không được lãnh đạo yêu thích. Do đó, dân công sở phải luôn ghi nhớ khiêm tốn là một trong những nhân tố quan trọng để cấp dưới tạo thiện cảm với cấp trên.
Chính trị gia Peter M. Christian5 nổi tiếng là một người khiêm tốn. Vào năm cuối cùng theo học tại Đại học Hawaii, Peter được nhận huy chương vàng do Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ trao tặng. Đây là niềm vinh dự đối với bất cứ người dân Mỹ nào, nhưng Peter không hề khoe nó với ai, ngay cả với bố mẹ ông. Sau khi ông tốt nghiệp và đi làm, thẩm phán Volt, cấp trên đầu tiên của Peter đọc được tin này trên tờ báo phát hành từ 6 tuần trước. Điều này khiến thẩm phán Volt càng đánh giá cao Peter và sắp xếp cho ông một chức vụ tương đối quan trọng.
5 Peter M. Christian (1947): Chính trị gia người Micronesia, từng là Tổng thống thứ 8 của Liên bang Micronesia. Đây là một đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương, phía đông bắc của Papua New Guinea và có chủ quyền liên kết tự do với Mỹ.
Cả sự nghiệp, từ lúc là nhân viên công vụ nhỏ bé cho đến khi trở thành tổng thống nổi tiếng, Peter M. Christian đều giữ tác phong khiêm tốn, và càng khiêm tốn, kín tiếng thì danh tiếng của ông càng tăng cao.
Trong lịch sử nước Mỹ cũng có một nhân vật nổi tiếng với đức tính khiêm tốn. Đó là Thomas Jackson – Thiếu tướng Liên minh miền Nam thời Nội chiến Mỹ. Trong trận chiến ở Mexico, Tổng tư lệnh Winfield Scott đánh giá rất cao khả năng cầm quân của Thomas Jackson, nhưng ông chưa bao giờ nhắc đến chuyện này.
Có thể thấy rằng Thomas Jackson cũng giống như Peter M. Christian. Những gì họ không khoe khoang đều là những việc đã có người biết đến. Và khi thành tích quan trọng của họ bị lãng quên, họ sẽ có hành động thiết thực để gợi mọi người nhớ đến nó.
Cho nên, chỉ có những người không ôm chí lớn mới mới tự ngợi ca thành tựu của bản thân, đồng thời tìm cách che giấu lỗi lầm của mình trước cấp trên và đồng nghiệp. Những nhân vật vĩ đại như Thomas Jackson hay Peter M. Christian lại không làm thế bởi họ có thể bỏ qua những hư vinh phù phiếm. Họ nhận thức sâu sắc rằng, người được mọi người vui vẻ đón nhận và tôn trọng chính là những người khiêm tốn.
Một người tạo ra thành tích lớn lại vô cùng khiêm tốn thì giá trị của anh ta sẽ tăng gấp bội.
Nếu cấp trên coi bạn là người có khả năng uy hiếp địa vị của họ, bạn sẽ cảm nhận rõ bản thân đang bị đẩy vào tình thế bất lợi. Trừ khi có thể xoay chuyển tình hình, nếu không bạn chỉ đành chịu bị dồn ép, gây khó dễ. Một trong những biểu hiện không thể xem nhẹ đó là kết quả công việc của bạn rất tốt nhưng cấp trên lại thờ ơ với những thành tích ấy. Nếu trong công ty không còn chức vụ giúp bạn được đánh giá cao hơn vị trí hiện tại, vậy thì phương án tốt nhất dành cho bạn chính là tìm một công việc khác, chuyển sang một công ty có thể giúp bạn thăng tiến mà không bị cấp trên chèn ép.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn làm việc tại vị trí hiện tại, thì hãy cân nhắc rằng điều bạn cần thay đổi không phải là công việc mà là suy nghĩ cho rằng bạn là mối uy hiếp của cấp trên. Nếu bạn tin rằng bản thân đã nắm chắc vấn đề cốt lõi, đầu tiên hãy thử xem việc bạn “thu mình” trong công việc có thể hóa giải hay xóa bỏ loại cảm giác uy hiếp đến cấp trên hay không. Trong bất cứ tổ chức nào, việc bạn thể hiện mình giỏi hơn cấp trên đều là hành vi thiếu khôn ngoan, trừ khi bạn đã sẵn sàng và mong muốn thực hiện một cuộc “đảo chính” để tranh giành quyền lực. Trong đại đa số trường hợp, giữ gìn hình tượng đáng tôn kính của lãnh đạo trong mắt mọi người sẽ tốt cho thành công của bạn. Nếu bỏ qua thể diện của sếp để thể hiện bản thân, bạn có thể thu được vinh quang nhất thời nhưng lại mất đi tiền đồ dài rộng. Đây là một lựa chọn thiếu sáng suốt.
Nếu bạn chắc chắn rằng vì bản thân có biểu hiện gây chú ý hơn lãnh đạo mà đen đủi chuốc lấy phiền phức, thì tất cả những gì bạn cần làm là tìm cách san sẻ vinh quang này với cấp trên. Trong hầu hết các cơ quan đoàn thể đều tồn tại một quy tắc bất thành văn thế này: Thành công của một thành viên không chỉ là kết quả từ sự cố gắng của họ mà còn đến từ sự chỉ đạo của cấp trên. Vi phạm quy tắc này sẽ sếp mất thiện cảm với bạn.
Nếu rơi vào tình huống này, bạn phải nhanh nghĩ cách bù đắp lỗi lầm, chẳng hạn như công khai tuyên bố bạn có được thành công là nhờ cấp trên đã giúp đỡ rất nhiều; hoặc cố tình để cấp trên ra mặt trợ giúp bạn. Điều này có thể giảm bớt nguy cơ cấp trên vì giận bạn “vượt mặt” mà chặn đường thăng tiến của bạn.
Bàn về đức tính khiêm tốn, chúng ta còn phải làm rõ một điểm: Trên thế giới này, người vừa có tài năng vừa có đạo đức nhưng lại không được ai biết đến thì thật phí hoài. Vậy nên khiêm tốn quá mức cũng không phải là một đức tính tốt hoặc một cách làm hay. Khiêm nhường phải đi kèm với thể hiện công lao của mình đúng lúc, đúng mực, như vậy bản thân mới gặt hái được thành công.
Điều những người khiêm tốn theo đuổi là xây dựng mối quan hệ cân bằng, không để người khác cảm thấy thua kém, lạc lõng khi giao lưu với họ. Không những vậy, họ còn giúp người khác có cảm giác cao quý, mạnh mẽ. Đó chính là sự ưu việt mà ai cũng mong muốn có được.
Cho nên, nhân tài khiêm tốn mới luôn được xã hội và tập thể đón nhận. Là dân công sở, khi xử lí công việc, bạn phải nhớ giữ thái độ khiêm nhường, dùng đức thu phục nhân tâm.
2
NHƯỜNG CẤP TRÊN ĐƯỢC VINH DANH
Kiểu hành xử có công nhưng nhường cho cấp trên được vinh danh này chính là một cách lấy lùi làm tiến
Có một tình huống như thế này: Bạn có một ý tưởng mới rất hay ho trong công việc, và bạn rất tự tin trình bày với cấp trên. Nhưng cấp trên chẳng hề hào hứng đón nhận nó như bạn nghĩ mà còn tỏ thái độ mất hứng.
Nếu bạn đã từng trải qua hoàn cảnh này, vậy thì chứng tỏ bạn chưa hiểu thấu câu nói: “Khi ai đó được mời chào nhiệt tình, họ sẽ từ chối theo bản năng.”
Tự tôn là bản tính trời sinh của con người, đặc biệt là các lãnh đạo. Từ trong tiềm thức họ đã cho rằng bản thân ưu việt hơn người khác, muốn họ tiếp nhận ý tưởng của cấp dưới không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vì chấp nhận ý tưởng của người khác đồng nghĩa với việc phải từ bỏ quan điểm của bản thân và thừa nhận đối phương tài giỏi hơn mình.
Vậy nên nếu bạn vội vàng “chào hàng” ý tưởng của mình với cấp trên, thì cho dù sáng kiến ấy có tốt đến đâu, rất có thể nó sẽ bị bỏ xó.
Hầu hết mọi người chỉ chấp nhận tư duy của chính mình, vì thế tốt hơn là bạn hãy dùng cách “chào hàng” gián tiếp. Nó giống như việc bạn ngầm cài cắm các ý tưởng của bản thân vào trong các nội dung trò chuyện với cấp trên, để đối phương cho rằng đó là ý tưởng của anh ta, sau đó mọi thứ sẽ dễ dàng được thực hiện.
Tôi từng nghe qua một câu chuyện như sau: Có một quan chức Liên Hợp Quốc nọ từng là Thư ký thường trực của Bộ trưởng Bộ Giáo dục New Zealand. Trong cơ cấu chính phủ, Thư ký thường trực có quyền quản lí bộ phận mình trực thuộc, nhưng không có quyền đưa ra quyết sách. Chỉ có lãnh đạo cấp cao nhất – Bộ trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm – mới được quyền đưa ra quyết sách. Thế nhưng vị Thư ký thường trực này lại chẳng quan ngại chuyện đó, ông luôn hi vọng những giải pháp mình nghĩ ra có thể được hiện thực hóa. Cho nên ông đã viết những giải pháp của mình thành một cuốn sách, đặt tên là Tương lai của giáo dục New Zealand. Ông đã trình cuốn sách lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục New Zealand, đề nghị xuất bản nó dưới danh nghĩa của ngài Bộ trưởng và được đồng ý.
Về sau khi vị Thư ký thường trực thực hiện những chính sách xuất phát từ ý tưởng của mình đều nói rằng bản thân đang thực hiện quyết sách của Bộ trưởng Bộ Giáo dục New Zealand. Trên thực tế, nói như vậy đồng nghĩa với việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã công khai bảo đảm sẽ thực thi những chính sách này, trở thành người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc hiện thực hóa các ý tưởng của Thư ký thường trực.
Có nhiều người nghi ngờ rằng cách làm nói trên tuy có thể khiến cấp trên dễ dàng chấp nhận ý tưởng của bạn, nhưng vậy thì bản thân bạn được lợi gì? Bởi có thể cấp trên sẽ tự cho rằng ý tưởng tuyệt vời này là do anh ta tự nghĩ ra, chẳng liên quan gì tới bạn. Như vậy chẳng phải bạn đã phí công vô ích ư?
Trên thực tế, bạn đã lo lắng thừa rồi. Vì cho dù vô tình tiếp nhận ý tưởng của bạn, thì tối thiểu cấp trên cũng đã là người đầu tiên tán thưởng nó. Sau này nếu có kế hoạch thăng chức cho cấp dưới, chắc chắn bạn sẽ là nhân viên được ưu tiên.
Có một số người sẽ vì bản thân cực khổ cống hiến cho công ty nhưng lại bị cấp trên chiếm hết công trạng mà cảm thấy bất mãn. Phản ứng như vậy thực chất không mang lại lợi ích gì.
Hãy bình tĩnh phân tích những điểm sau: Trong công ty, vai trò của nhân viên chính là giúp đỡ sếp hoàn thành công việc chung. Trong con mắt của lãnh đạo cấp cao, thành tích của bộ phận cũng chính là thành quả của cấp trên. Dốc sức hoàn thành công việc cấp trên giao phó là bổn phận của cấp dưới, nếu bạn muốn tranh công trạng thì chỉ khiến người khác cho rằng bạn là người ham lợi ích cá nhân, không nghĩ cho tập thể. Mặt khác, bạn cũng đã tự biến bản thân thành “mối đe dọa” trong lòng cấp trên. Đương nhiên không lãnh đạo nào muốn địa vị của mình bị uy hiếp, cho nên họ sẽ tìm mọi cách để loại trừ bạn.
Bạn giỏi giang, tài cán, bạn có công lao, bạn kiếm nhiều tiền về cho công ty, vậy mà chỉ khiến tiền ào ào chảy vào túi của cấp trên, nhưng bạn cũng đừng vì thế mà chán nản, bất mãn. Nếu như cấp trên nhờ nghe theo ý kiến của bạn mà đạt được thành công, bạn lại tự nguyện nhường hết công lao cho đối phương, sẽ khiến anh ta cảm thấy chủ ý này là do bản thân tự nghĩ ra, mà không phải nhờ bạn chỉ dẫn. Dẫu vậy bạn là người đầu tiên chứng kiến sự thông tuệ của anh ta, vậy thì cơ hội bạn lọt vào mắt xanh của cấp trên sẽ càng cao. Nếu quan hệ giữa bạn và cấp trên đã bền chặt, bạn sẽ thấy cách làm này tốt cho mục tiêu tranh đấu và lợi ích lâu dài của mình. Giống như một nhà thông thái người Anh từng nói: “Một người có thể đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp, chỉ cần anh ta chịu để người khác được khen thay mình.”
Cho nên bạn phải ghi nhớ nguyên tắc: Hãy giúp cấp trên được vinh danh. Những gì bạn nhận lại không chỉ là việc những ý tưởng của bạn được thực hiện hay sự cảm kích của cấp trên, mà còn có nhiều lợi ích khác, cho dù không trực tiếp nhưng lại thực sự thiết thực.
Khi cấp trên được rạng danh thì bạn cũng được nở mày nở mặt theo, cấp trên thăng tiến, bạn cũng có thêm cơ hội thăng tiến.
3
CHÚ Ý TỚI NHỮNG CHI TIẾT NGOÀI CÔNG VIỆC
Một trong những quy tắc ứng xử dành cho cấp dưới đó là: Không ăn mặc nổi bật hơn cấp trên
Trong công ty, bạn là nhân viên luôn cống hiến hết mình, nhưng mãi chưa được thăng chức hay tăng lương. Tại sao lại như vậy? Rất có thể vấn đề không phải là năng lực chuyên môn của bạn, mà nằm ở những chi tiết bên ngoài công việc. Bạn hãy kiểm tra xem bản thân có mắc phải những điểm trừ này không nhé.
Mặc trang phục đắt tiền
Một trong những quy tắc ứng xử dành cho cấp dưới đó là: Không ăn mặc nổi bật hơn cấp trên.
Trong điển tích Trung Quốc có câu: Người dân thường vốn không có tội, bởi vì họ giữ ngọc quý nên mới thành có tội. Ngay cả khi bạn hành xử thận trọng, vẫn có khả năng bạn phải chịu sự ghen ghét không đáng có vì trang phục quá mức hoa lệ của bản thân.
Đặc biệt là với người cùng giới, điều này lại càng tối kị. Khi nhân viên và sếp xuất hiện cùng nhau, nếu trang phục, phụ kiện của cấp dưới sang trọng và đắt giá hơn hẳn cấp trên, thì nhiều khả năng cấp trên sẽ thấy mất cảm tình với cấp dưới. Khi nhân viên và sếp cùng gặp gỡ khách hàng, nếu như khách hàng lại “trông mặt mà bắt hình dong”, coi cấp dưới là cấp trên, coi cấp trên là nhân viên tháp tùng, thì càng dễ khiến cấp trên cảm thấy mất thể diện, chắc chắn trong lòng sẽ vô cùng oán hận cấp dưới. Một khi để xảy ra tình huống này, dù bạn có một trăm cái miệng cũng không thể thanh minh, đừng nói đến việc có thể làm dịu nỗi oán giận không tên của sếp. Nữ giới lại càng coi trọng ngoại hình hơn nam giới. Chỉ một câu bình luận hay một ánh mắt vô ý của người khác đối với họ cũng có thể dẫn tới những cảm xúc rất khó lường.
Cấp dưới ăn mặc, trang điểm sành điệu hơn cấp trên sẽ ít nhiều khiến cấp trên thấy phản cảm. Cho dù đó là một nhân viên xuất sắc đến mấy, nhưng nếu mắc phải lỗi này thì sẽ khó có được thiện cảm của cấp trên. Các bạn hãy lưu ý nhé.
Không nghiêm túc làm việc
Có một số cấp trên có tác phong bình dị, gần gũi, thường thích dùng “kế sách thân dân”. Khi những cấp trên này có mặt ở văn phòng, họ thường thoải mái pha trò, thăm hỏi cấp dưới. Trong suy nghĩ của sếp, họ cho rằng bản thân có thể làm như vậy, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cấp dưới có thể bắt chước theo và thoải mái trêu đùa nhau khi làm việc. Đây hoàn toàn không phải là hành động “bật đèn xanh” của cấp trên.
Trong mắt cấp trên, hành vi ở lì trong khu giải lao, vừa uống trà vừa “tám” chuyện với đồng nghiệp của cấp dưới là điều vượt quá giới hạn cho phép. Vì vậy, nhân viên công sở tuyệt đối đừng tỏ ra rảnh rỗi không có việc gì làm, càng không được đùa cợt, trêu chọc nhau trong giờ làm việc.
Nói quá nhiều
Có một số nhân viên mỗi khi có cuộc họp lại đứng lên “cướp diễn đàn”, thao thao bất tuyệt phát biểu ý kiến của mình. Họ dường như không muốn dừng lời và cho rằng bản thân đương nhiên có quyền làm vậy, mà không biết rằng chính họ đang tự chuốc lấy rắc rối.
Người xưa có câu câu: “Nói dài nói dai thành ra nói dại.” Tại chốn công sở, điều kị nhất là cấp trên nói một câu, cấp dưới đáp lại mười câu, mà lại là nói năng vòng vo tam quốc, không mang lại thông tin có giá trị. Cho nên trước mặt cấp trên, nhân viên càng nên cẩn trọng, tránh nhiều lời, chỉ phát biểu khi được cho phép và nói thật ngắn gọn, trọng tâm.
Có người công khai khen bạn tài hoa hơn cấp trên
Đây tưởng như chỉ là một câu khen ngợi đơn thuần, trên thực tế lại là tình huống nhạy cảm, đáng lưu ý. Khi nghe được điều này, cấp trên không những cảm thấy lòng tự tôn bị tổn thương, mà còn lo lắng có thể năng lực của bạn sẽ vượt lên đối phương, hoặc bạn sẽ đột ngột chuyển việc sang nơi có đãi ngộ tốt hơn, khiến công ty rối loạn.
Người muốn tốt cho bạn sẽ không công khai khen bạn tài hoa hơn sếp. Cho nên đối với trường hợp này, bạn cần tuyệt đối tỉnh táo, không nên vì được khen mà cảm kích đối phương hoặc lấy đó mà dương dương đắc ý. Ngược lại, bạn phải tìm cách thích hợp để loại trừ ảnh hưởng xấu của việc này đến bản thân.
4
GIỮ MỐI QUAN HỆ ĐÚNG MỰC VỚI CẤP TRÊN
Trong quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới luôn có một số điều cấm kị nhất định mà bạn nên tránh phạm vào
Người xưa thường nói khoảng cách sinh ra ấn tượng tốt đẹp. Trong mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới phải chú ý duy trì khoảng cách giữa đôi bên, không nên vì quá thân cận mà tự mình hại mình.
Tránh có quan hệ tình cảm với cấp trên
Ở đây, tôi không phủ định tình yêu chính đáng giữa cấp trên và cấp dưới, nhất là những mối quan hệ tình cảm hợp pháp. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp yêu đương giữa cấp trên với cấp dưới đều không có lợi cho cả đôi bên. Nếu mối quan hệ này phát sinh khi ít nhất một trong hai người đã có gia đình thì ảnh hưởng tiêu cực còn lớn hơn nữa. Nếu bạn và cấp trên nảy sinh tình cảm, thì rất chắc chắn rằng bạn phải kết thúc sự nghiệp của bản thân tại đây.
Không chỉ bất lợi cho bạn, mối quan hệ yêu đương này còn gây rắc rối cho cấp trên của bạn. Khi lãnh đạo cấp cao phát hiện mối quan hệ của các bạn làm ảnh hưởng tới công việc, cũng là lúc cấp trên của bạn sẽ bị sa thải. Đừng vì những cảm xúc nhất thời mà hại mình hại người. Là nhân viên công sở, bạn phải lưu tâm đến chuyện này.
Đừng nên quá thân cận với cấp trên
Có những cấp trên thường xuyên lắng nghe ý kiến của cấp dưới trong công việc, pha trò với cấp dưới khi giải lao, không ngại cùng nhân viên tụ tập giải trí sau giờ làm, đưa nhân viên cùng tham gia tiệc xã giao... Nếu đây đúng là cấp trên của bạn, vậy thì xin chúc mừng. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được vì sếp thân tình mà có thái độ suồng sã. Giữ khoảng cách phù hợp với cấp trên luôn là việc cần thiết. Khi nhận ra mối quan hệ giữa bạn và sếp đang dần chuyển từ cấp trên - cấp dưới sang bạn bè chí thân hoặc anh em chí cốt, bạn cần tự điều chỉnh thái độ của mình.
Nếu trước mặt những người khác, bạn lại có lời nói hay hành động thể hiện mối quan hệ thân thiết của mình và sếp, thì thật thiếu sáng suốt và nguy hiểm. Điều này sẽ hạ thấp uy tín của cấp trên, khiến các đồng nghiệp khác cũng dần dần thiếu tôn trọng sếp. Khi cấp trên phát hiện ra công việc càng ngày càng không thuận lợi, mà nguyên nhân lại là vì bạn làm anh ta mất uy nghiêm, vậy thì rất có thể bạn sẽ gặp rắc rối. Hoặc có lẽ cấp trên không tỏ thái độ ngay lập tức nhưng đến một ngày, bạn sẽ nhận được thông báo phải điều chuyển công tác.
Cấp trên và cấp dưới có thể làm bạn với nhau, nhưng việc quá mức thân thiết, đến mức biết được nhiều bí mật của cấp trên lại vô cùng nguy hiểm cho bạn. Bạn bè là mối quan hệ bình đẳng, khác với quan hệ phân biệt trên dưới thông thường giữa cấp trên và cấp dưới. Quá thân thiết với cấp trên sẽ khiến bạn mang tiếng xấu, đồng nghiệp khác sẽ ghen ghét hoặc nghị kị, thậm chí tìm cách làm hại bạn.
Tốt nhất bạn chỉ nên là bạn bè trong nghề, đồng đội trong công việc của sếp. Nếu có thể giúp sức cho thành công trong sự nghiệp của cấp trên, bạn sẽ trở thành người bạn tốt nhất của đối phương. Hãy nhớ kĩ rằng, cấp trên nhận bạn vào công ty không phải để kết bạn mà là để làm việc cho anh ta.
Không làm cái bóng của cấp trên
Trong các mối quan hệ có tính chất cá nhân với cấp trên, nghiêm trọng nhất chính là thực sự biến bản thân thành cái bóng của đối phương. Những người giỏi nịnh bợ thường hi vọng có thể làm hài lòng sếp để nhanh chóng thăng tiến.
Những nhân viên này đã làm thế nào để lấy lòng lãnh đạo? Họ nghe lệnh cấp trên một cách vô điều kiện. Ví dụ, họ sẵn sàng pha trà, bưng nước, quét sàn, lau dọn bàn làm việc cho sếp. Tất nhiên, cấp trên chẳng bảo giờ tỏ ý cảm ơn với kiểu cấp dưới xu nịnh này. Nếu cấp trên hay dẫn theo họ tham gia các hoạt động xã giao thì cũng là vì họ biết cách khuấy động không khí, giúp công việc được tiến hành thuận lợi. Trong đa số trường hợp, kiểu cấp dưới này giống như cái đuôi của cấp trên. Họ vất vả lấy lòng sếp vì ôm hi vọng đến một ngày nào đó cấp trên sẽ cảm động, gọi họ đến và bảo: “Cậu đã thể hiện rất tốt. Cậu có muốn một chân quản lí không?” Nhưng ngày ấy mãi không tới, bởi cấp trên đã sớm coi họ là cái bóng của mình một cách tự nhiên. Kiểu người như vậy mãi mãi chỉ phù hợp làm cấp dưới. Nếu bạn muốn dùng những hành động phục vụ, chăm sóc này nhằm lấy lòng cấp trên để mưu cầu thăng tiến, vậy thì bạn đã đi sai đường rồi.
Tóm lại, trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới luôn có một số cấm kị nhất định mà bạn đừng nên phạm vào. Cho dù cấp trên chủ động lôi kéo, bạn cũng phải giữ đầu óc tỉnh táo, nếu muốn trở thành bạn bè với cấp trên thì cũng phải làm bạn bè trong công việc. Đương nhiên, nếu bạn có thể trở thành bạn bè trong cuộc sống với cấp trên, cũng không phải là không được. Nhưng bạn luôn phải tự vấn bản thân: “Mình có đang nhắm tới lợi ích trong công việc từ mối quan hệ này không?”
Vậy trong mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới nên ứng xử như thế nào?
Cư xử đúng mực
Một thực tế không thể phủ nhận đó là cấp trên luôn muốn được cấp dưới tôn trọng. “Cư xử đúng mực” là phương châm hành xử mà cấp trên thích nhất, thường yêu cầu nhiều nhất ở nhân viên. Mỗi cấp trên lại muốn cấp dưới tôn trọng mình theo những cách khác nhau. Có một số lãnh đạo ưa nịnh, cũng có một số người thích cấp dưới chấp hành mọi mệnh lệnh của mình.
Chẳng có gì sai khi cấp dưới cố gắng chiều ý cấp trên. Nhưng khi thấy nhân viên nịnh bợ quá mức, trong lòng họ sẽ sinh ra hai loại phản ứng dưới đây, và nó sẽ khiến cấp trên nảy sinh phản cảm.
Một là, sự nịnh bợ khiến thói kiêu ngạo của cấp trên dâng cao quá mức và dẫn đến mọi chuyện trở nên mất kiểm soát. Mối quan hệ giữa người với người muốn dài lâu và hài hòa phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Sự tôn trọng này không nhất định phải bằng nhau, có thể phân thành bên nhiều bên ít, ví dụ cấp dưới tôn trọng cấp trên nhiều hơn một chút, như vậy là hợp lí. Tuy nhiên sự tôn trong này không thể tồn tại dưới hình thức nhất bên trọng nhất bên khinh, chỉ có một bên tôn trọng bên kia. Một khi cấp dưới việc gì cũng đều chiều ý cấp trên, họ sẽ không được sếp coi trọng. Nếu cấp trên đã hình thành tâm lí này, cấp dưới rất khó có thể trở thành tâm phúc của anh ta.
Hai là, cấp trên sợ nhất là bị cấp dưới lợi dụng để mưu cầu lợi ích. Nếu nhân viên sẵn sàng thực thi mọi quyết định của mình dù phải chịu thiệt hay chịu ấm ức, lãnh đạo thường sẽ sinh lòng nghi ngờ, cho rằng cấp dưới có ý đồ xấu, muốn tranh giành lợi ích với mình. Tâm lí này cũng cản trở cấp trên và cấp dưới phát triển mối quan hệ bình thường.
Tăng cường giao tiếp
Muốn trở thành tâm phúc của cấp trên, tiền đề là bạn phải không sợ giao tiếp trực tiếp với họ.
Khi nhân viên A bắt đầu gia nhập giới tài chính, một số bạn bè của anh đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cao trong lĩnh vực này. Nói cách khác, những bạn học này của A đều đã trở thành tâm phúc của lãnh đạo. Họ đã chỉ cho A một bí quyết vô cùng quan trọng: “Luôn sẵn sàng nói chuyện với cấp trên.”
Trong thực tế, có một số cấp dưới luôn sợ phải tiếp xúc với cấp trên. Đừng nói đến chuyện cùng cấp trên nói chuyện phiếm, ngay cả báo cáo công việc của mình, họ cũng tìm cách trốn tránh, hoặc là nhờ đồng nghiệp làm thay, hoặc là báo cáo bằng văn bản. Thực chất đây là một tâm lí phổ biến tại chốn công sở. Lí do là vì cấp trên quá đỗi uy nghi, tạo ra rào cản tiếp xúc giữa sếp và nhân viên. Đương nhiên nguyên nhân cũng có thể là do tâm lí tự ti của cấp dưới, không dám vượt qua nỗi sợ để mạnh dạn tiếp xúc với cấp trên.
Tuy nhiên, thiện cảm giữa người với người phải được bồi dưỡng thông qua giao tiếp. Nếu không phá bỏ rào cản, nhân viên sẽ không có cơ hội được cấp trên biết đến. Cho nên muốn trở thành tâm phúc của cấp trên, đầu tiên bạn phải dám tiếp xúc với họ.
Đặt nghĩa khí lên hàng đầu
Đặt nghĩa khí lên hàng đầu nghĩa là vào những thời điểm khó khăn có thể hi sinh “cái tôi” nhỏ bé để hoàn thành “cái ta” lớn lao. Cấp trên chắc chắn luôn ưa thích những nhân viên có nghĩa khí.
Thương trường giống như chiến trường, khi làm ăn khó tránh khỏi sẽ gặp rủi ro. Trong “thời bình”, ít đi một cấp dưới, thiếu đi một đôi tay, bớt đi một khối óc, công việc vẫn có thể vận hành trôi chảy, không phát sinh sai lầm nghiêm trọng. Nhưng khi khó khăn kéo đến, cần sự hỗ trợ từ các phía, lại có một số cấp dưới trở mặt, nhân cơ hội bỏ đá xuống giếng, công ty sẽ rơi vào khủng hoảng. Đây chính là điều cấp trên lo sợ nhất.
Nếu trong lúc cấp trên lâm nguy, lại có một cấp dưới đứng ra giúp đỡ, không từ gian khổ, không cầu khen thưởng, vậy thì sau sự việc này, người đó sẽ trở thành tâm phúc của cấp trên.
Lãnh đạo luôn muốn xây dựng một mạng lưới cấp dưới trung thành. Khi gặp khó khăn, nguy hiểm, biết rằng những người bên cạnh sẽ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng mình là cảm giác an toàn vô cùng đáng giá, cần hết sức giữ gìn. Do đó, chú ý nắm bắt cơ hội thể hiện tinh thần nghĩa khí trước cấp trên chính là lối tắt để trở thành tâm phúc của họ.
5
HỌC CÁCH HỢP TÁC VỚI CẤP TRÊN
Trong cùng công ty, đấu đá lẫn nhau chỉ khiến đôi bên cùng tổn thất. Chẳng bằng cố gắng hợp tác vui vẻ để cùng nhau xây dựng nền tảng vững chắc cho tiền đồ tươi sáng trong tương lai
Có rất nhiều nhân viên thường chê bai lãnh đạo như thế này: “Anh ta may mắn hơn tôi, nhưng năng lực công tác còn lâu mới sánh bằng tôi. Thế mà anh ta còn ngạo mạn, ra vẻ chẳng ai bằng mình. Anh ta chỉ biết trách mắng cấp dưới làm việc không tốt, một khi công việc xảy ra vấn đề, liền đổ hết trách nhiệm cho cấp dưới. Không một nhân viên nào được anh ta chỉ bảo đến nơi đến chốn, không ai coi anh ta là một người sếp tốt.”
Tại chốn công sở, nhân viên có nghĩa vụ phải chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo. Dù cảm thấy không nể phục cấp trên, bạn cũng phải nhớ kĩ một điều: Trong cùng công ty, đấu đá lẫn nhau chỉ khiến đôi bên cùng tổn thất. Chẳng bằng cố gắng hợp tác vui vẻ để cùng nhau xây dựng nền tảng vững chắc cho tiền đồ tươi sáng trong tương lai. Bạn phải nghiêm túc xem xét lại thái độ của mình và học cách hợp tác với cấp trên và đồng nghiệp trong công ty.
Bạn cũng đừng nên vọng tưởng rằng chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, mình có thể nhanh chóng thay đổi hoàn toàn tính cách của cấp trên. Mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người cần có thời gian để xây dựng. Bạn có thể cải thiện bằng cách chủ động báo cáo chi tiết công việc cho cấp trên dù không được yêu cầu, để đối phương nắm được năng lực làm việc, lòng trung thành của bạn. Như vậy sếp sẽ càng có thiện cảm với bạn, không còn can thiệp một cách thái quá vào công việc của bạn nữa.
Trong điều kiện cho phép, hãy tìm hiểu và hỗ trợ công việc của cấp trên. Hãy thử đứng trên lập trường của lãnh đạo để suy nghĩ, bạn sẽ thấy thực ra sếp cũng có nhiều nỗi khổ tâm, có nhiều việc bất đắc dĩ. Bất kể trong công việc gặp phải khó khăn đến đâu, bạn cũng không thể quá trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên, tránh cùng đối phương xảy ra xung đột trực diện. Tôn trọng cấp trên, bạn sẽ phát hiện đối phương cũng dần tiếp thu ý kiến của bạn.
Được cấp trên coi trọng đương nhiên không phải là việc có thể thành công trong một sớm một chiều. Có người cho rằng muốn vậy tốt nhất hãy “thể hiện bản thân làm nhiều việc hơn người khác”, ví dụ như tăng ca hay làm thêm giờ. Thực tế cách làm đó chưa chắc đã có hiệu quả. Lãnh đạo thế hệ mới có lẽ có suy nghĩ khác về việc bạn làm thêm giờ hay tăng ca, đó là: Phải dùng nhiều thời gian như vậy mới hoàn thành công việc được giao, chứng tỏ năng lực công tác của nhân viên này không tốt!
Do đó, muốn cấp trên có thiện cảm với mình, ngoài làm tốt công việc được phân phó, bạn còn phải hiểu rõ nội quy, quy tắc, lập trường của công ty. Bạn phải để ý xem cấp trên phối hợp với người khác trong công việc như thế nào, giao tiếp với nhân viên ra sao và vai trò với các bộ phận khác là gì. Khi bạn đã trở thành chuyên gia trong nghề, sếp nhất định sẽ coi trọng bạn.
Bạn cần tìm hiểu phong cách làm việc của cấp trên. Ví dụ, khi nhận báo cáo công việc từ nhân viên, có người thích được báo cáo bằng văn bản giấy trắng mực đen rõ ràng, diễn giải đầy đủ; có người lại thích nghe trình bày trực tiếp một cách ngắn gọn. Một số lãnh đạo muốn cấp dưới tự giác làm việc, tự quyết định trong phạm vi quyền hạn của mình; nhưng có những người lại muốn cấp dưới làm gì cũng phải xin phép, nghe theo ý kiến chỉ đạo của sếp. Nếu bạn có thể khiến cấp trên hài lòng với mọi biểu hiện của bản thân, vậy thì con đường thăng tiến của bạn sẽ rất rộng mở.
Tiếp theo, nếu bạn có thể giúp cấp trên làm việc ngày càng thêm chuyên nghiệp hơn thì cũng rất tốt cho công việc của bạn. Ví dụ, cấp trên thường tìm không ra tài liệu quan trọng mỗi khi cần dùng đến. Bạn có thể giúp sếp hệ thống, phân loại, sắp xếp lại tài liệu một cách khoa học. Nếu cấp trên chăm sóc một vị khách hàng chưa chu đáo, bạn có thể giúp anh ta “chữa cháy”. Nếu cấp trên ngán ngẩm việc phải viết báo cáo tiêu thụ hàng tháng, bạn có thể hỗ trợ tổng hợp số liệu. Như vậy, cấp trên sẽ có ấn tượng rằng bạn là một trợ thủ đắc lực, sẽ ngày càng trọng dụng bạn.
Nếu hàng ngày, trước giờ làm việc, cấp trên sẽ gặp bạn để trực tiếp giao phó công việc, vậy thì bạn nên đi làm sớm 5, 10 phút để phối hợp với họ. Nếu cấp trên có thói quen vào làm muộn hơn mọi người, bạn cũng nên tránh đến gặp sếp để hỏi chuyện công việc quá sớm.
Nếu hàng ngày, cấp trên vừa ăn trưa vừa đọc tài liệu, vậy thì bạn cũng nên rút ngắn thời gian ăn trưa của mình lại. Bạn có thể khéo léo tận dụng thời gian cấp trên đi họp để tranh thủ nghỉ ngơi, và chỉ nên gọi điện trao đổi việc riêng khi sếp không có mặt ở văn phòng.
Có không ít dân công sở gặp phải vấn đề khó xử như sau: Bạn cực khổ suốt một tuần mới hoàn thành xong bản báo cáo. Khi bạn trình báo cáo lên, lập tức bị cấp trên chê trách, yêu cầu đem về sửa lại. Nhưng sau khi kiểm tra một lượt, bạn lại phát hiện, thực chất báo cáo của mình không có vấn đề, là cấp trên đã nhìn nhầm. Trong tình huống này, bạn phải làm thế nào?
Nếu bạn là nhân viên mới, bản báo cáo này là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của bạn, vậy thì bạn vẫn nên rà soát nó thật kĩ, xem xét và cố gắng sửa lại theo ý kiến của sếp, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc cố chứng minh bản thân làm đúng. Nếu cố chỉ ra việc này với cấp trên, cũng chẳng thể giúp bạn thể hiện được năng lực của mình, cho nên đừng tranh cãi với sếp về một bản báo cáo.
Lãnh đạo là người có kinh nghiệm làm việc phong phú, nếu đối phương nói rằng bản báo cáo của bạn có vấn đề thì hẳn là phải có lí do. Nếu bạn kiên trì hỏi kĩ cấp trên xem mình đã làm sai ở đâu, có lẽ bạn sẽ phát hiện ra hoặc là số liệu thu thập chưa phong phú, hoặc là bạn đã sơ suất bỏ qua một vấn đề nào đó. Lúc này bạn nên tận dụng cơ hội được cấp trên chỉ bảo này để thu hoạch thêm nhiều kiến thức hữu dụng.
Đương nhiên, cũng có khả năng kết quả cuối cùng của cuộc trao đổi là bạn đúng, lãnh đạo sai. Nếu bạn là người đã có kinh nghiệm trong nghề, lại làm việc cho cấp trên hơn nửa năm, vậy thì bạn có thể trao đổi lại với sếp. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thực hiện từng bước một, đừng cứng nhắc hoặc nôn nóng. Tóm lại, trong bất kể trường hợp nào, bạn cũng nên tôn trọng ý kiến của cấp trên.
6
LỢI ÍCH CỦA CẤP TRÊN CŨNG LÀ LỢI ÍCH CỦA BẠN
Để đạt được mục đích thăng chức và tăng lương, lời nói và hành vi của bạn phải phù hợp với lợi ích của cấp trên
Lãnh đạo là người nắm giữ tiền đồ của bạn tại công ty. Họ vô cùng nhạy cảm đối với thái độ và biểu hiện của nhân viên. Cấp dưới cần tôn trọng cấp trên nhưng cũng không nên quá đề cao anh ta. Nếu không giữ lễ nghĩa với sếp, bạn sẽ gặp khó khăn trong công việc, mất cơ hội được thăng chức, tăng lương. Mà quá đề cao cấp trên có khả năng sẽ khiến bạn cảm thấy thất vọng với những điều từng kì vọng về đối phương.
Sau khi điều chỉnh thái độ của bản thân, để đạt được mục đích thăng chức và tăng lương, lời nói và hành vi của bạn phải phù hợp với lợi ích của cấp trên. Vậy cấp dưới phải làm thế nào để tránh gây hại cho lợi ích của cấp trên? Dưới đây là những điểm cần lưu ý:
Không tự cao khoe khoang bản thân
Hành động vô tình hay hữu ý khoe khoang về bản thân trước lãnh đạo, không những chẳng thể khiến cấp trên đánh giá cao mà ngược lại còn khiến đối phương đề phòng bạn. Vậy nên tuyệt đối không nên kể lể về thành tích hay năng lực của bản thân khi có mặt cấp trên, ngược lại hãy thể hiện mình là một người khiêm tốn, thận trọng, để sếp tự quan sát và đánh giá khả năng làm việc và phẩm chất của bạn. Tự “quảng bá” bản thân một cách thích hợp là cần thiết, nhưng mấu chốt nằm ở hai chữ “thích hợp”. Nếu bạn không căn chuẩn được mức độ thì hành động này sẽ phản tác dụng.
Linh hoạt xử lí vấn đề lương thưởng
Trước lãnh đạo, bạn không nên thể hiện rằng mình không quan tâm đến chuyện lương thưởng. Điều này sẽ khiến cấp trên cảm thấy bạn là người không thật lòng, từ đó sẽ không muốn trọng dụng bạn. Nhưng bạn lại cũng không thể quan tâm quá mức đến vấn đề lương thưởng, điều này sẽ khiến cấp trên cho rằng bạn làm việc chỉ vì tiền mà không có sự tận tâm với công việc. Bạn cần nhớ kĩ những điểm sau để xây dựng thái độ đúng đắn về lương thưởng:
• Đừng khiến mọi người có ấn tượng rằng bạn kiếm tiền để hưởng thụ xa xỉ. Bạn có thể tự nấu đồ ăn trưa và đem đến công ty, rủ đồng nghiệp tham gia các chương trình khuyến mại để mua đồ với giá rẻ hơn, gợi ý liên hoan sau giờ làm tại các nhà hàng bình dân...;
• Chọn thời điểm thích hợp để đề nghị cấp trên tăng lương. Nếu sếp hỏi bạn muốn tăng lương thêm bao nhiêu, điều này chứng tỏ bạn là nhân viên có vai trò nhất định trong công ty, và sếp đang xem trọng bạn. Lúc này, bạn nên trả lời bằng một phương án sẽ được đánh giá cao trong thực tế: “Dựa vào mức lương tăng, tôi có thể biết được mức độ hài lòng của công ty với kết quả công việc của tôi. Cho nên bản thân tôi cũng rất muốn biết có thể được tăng bao nhiêu”;
• Không thăm dò lương thưởng của các đồng nghiệp khác, đặc biệt là lương thưởng của lãnh đạo.
Thể hiện lòng trung thành với cấp trên
Bất kể trong công việc hay trong cuộc sống, bạn cũng nên nhường hào quang cho cấp trên, để sếp trở thành tâm điểm của sự chú ý và duy trì hình tượng một người có quyền uy. Hãy nhớ kĩ, lúc nào và ở đâu bạn cũng phải tỏ rõ lòng trung thành với cấp trên, ngay cả lúc đắc chí cũng đừng buông lỏng, phải luôn ứng xử với cấp trên bằng thái độ tôn trọng.
Luôn khiêm tốn, nhã nhặn trước cấp trên sẽ khiến sự nghiệp của bạn thông suốt, thuận lợi. Bạn luôn phải để sếp cảm nhận được sự có mặt của mình, cảm thấy được bạn hỗ trợ, từ đó cấp trên sẽ biết lòng trung thành và hiểu rõ giá trị của bạn. Có thể làm được như vậy, bạn đã bước được bước đầu tiên trên con đường thăng chức và tăng lương.
7
UỐN LƯỠI BẢY LẦN TRƯỚC KHI NÓI
Hãy trở thành người chuyện không được nói tuyệt đối sẽ không hé miệng nửa lời, có như vậy mới có thể được cấp trên thực sự tin tưởng
Khi lãnh đạo và nhân viên cùng làm việc, điều quan trọng nhất là có thể chia sẻ tất cả thông tin với nhau. Nếu cấp trên không cho cấp dưới biết những điều cần thiết thì cấp dưới sẽ khó có thể xử lí công việc. Vì thế, từ góc độ này, lãnh đạo nên chủ động và tích cực cung cấp thông tin cho nhân viên.
Nếu có một số thông tin không tiện để cho bộ phận khác biết, thì khi trao đổi với cấp dưới, lãnh đạo cần lưu ý họ chú ý bảo mật. Có nhiều người không ý thức được tác động to lớn của những lời mình nói ra. Những điều họ vô ý tiết lộ có thể làm liên lụy đến những người xung quanh, khiến cấp trên gặp rắc rối, cuối cùng là chính họ phải trả giá cho sơ suất của bản thân. Nếu sếp cho rằng bạn là “người không thể biết chuyện quan trọng”, thì chẳng khác nào họ đã liệt bạn vào danh sách “những người không thể tin tưởng”.
Tuy nhiên, ở đa số doanh nghiệp, thường xảy ra một hiện tượng như sau: Thông tin bạn muốn truyền đi bị tắc lại ở đâu đó, còn thông tin bạn muốn giữ kín lại được phát tán khắp nơi. Nói cách khác, tin tức chính thống thường không được chú ý đến, còn tin tức phi chính thống lại lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Một số người có kiểu tâm lí như thế này: Một khi nghe được tin tức quan trọng, chẳng quản đó là tin thật hay giả, đều sẽ muốn nói ngay cho người khác biết, để nhằm thỏa mãn lòng hư vinh rằng tôi biết tin quan trọng này sớm hơn anh. Bởi vì ai ai cũng có tâm lí hư vinh này cho nên tin tức luôn đi theo con đường A truyền B, B truyền C, rất nhanh đã lan đi khắp các ngõ ngách.
Một cấp dưới thông minh phải hiểu rõ tình huống này. Hãy trở thành người chuyện không được nói tuyệt đối sẽ không hé miệng nửa lời, như vậy mới có thể được cấp trên thực sự tin tưởng.
Nếu cấp trên vì tin tưởng mà coi bạn là tâm phúc, thì bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với càng nhiều thông tin quan trọng hơn. Điều này sẽ có lợi vô cùng cho sự thăng tiến nghề nghiệp của bạn.
Ngay cả khi đã giành được sự tin tưởng của cấp trên, bạn cũng tuyệt đối không được buông lỏng nguyên tắc, nếu không sẽ rất dễ mất đi sự ưu ái này. Dân công sở muốn bảo mật thông tin quan trọng cho cấp trên cần đặc biệt lưu ý những điều sau:
Phải giữ kín những thông tin ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của cấp trên
Khi cả giận mất khôn, chúng ta thường nói ra những câu lúc bình thường không bao giờ nói, ví dụ khi lãnh đạo nóng giận sẽ nói ra những lời ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với người khác. Ở địa vị là cấp dưới tâm phúc của sếp, bạn nhất định phải giúp họ giữ kín những chuyện này.
Có một câu chuyện như sau: Một hôm, trong quân đội xảy ra sự cố, chính ủy lập tức cho mở cuộc họp ủy ban thường vụ bất thường. Khi thư kí thông báo việc này cho tư lệnh viên, người này bực dọc phàn nàn: “Lúc này rồi còn họp hành cái gì nữa, thật phiền phức!” Đương nhiên câu nói này có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, một khi truyền đến tai chính ủy, nhất định sẽ gây ra chuyện thị phi. Sau đó, chính ủy hỏi thư kí đã báo tin cho tư lệnh viên chưa và anh ta có ý kiến gì không. Thư kí chỉ trả lời chung chung: “Xảy ra sự cố như vậy, tâm tình tư lệnh viên cũng rất nặng nề, cho nên không nói gì ạ.” Thư kí đã khéo léo chuyển tải lời của tư lệnh viên, giúp anh ta tránh được những rắc rối không đáng có.
Giữ kín bí mật riêng tư của cấp trên
Những cấp dưới là thân tín của lãnh đạo thường sẽ hiểu rõ thói quen, sở thích, tác phong và cả một số chuyện riêng tư, thậm chí cũng biết cả khiếm khuyết của cấp trên. Để bảo vệ thể diện cho sếp, bạn phải giữ kín những thông tin này. Đặc biệt là những tin tức liên quan đến đời sống cá nhân của cấp trên, bạn càng không được để lộ cho người khác.
Giữ kín sai lầm của cấp trên
Người xưa có câu: “Không ai là không phạm sai lầm.” Dù có giỏi giang đến mấy, cũng không thể nào từng câu, từng chữ nói ra đều đúng. Nói nhầm, nói sai, trong lúc giận dữ vô tình nói ra những lời làm tổn thương người khác... đều là chuyện có thể xảy ra. Vậy nên, với tư cách là cấp dưới, dù vô tình hay cố ý, bạn cũng không được để lộ ra những câu nói hay hành vi sai lầm của cấp trên. Những chuyện cấp trên và cấp dưới nói với nhau trong các trường hợp không chính thức, tốt nhất đều không nên để lộ ra ngoài, tránh gây ra hiểu lầm, thị phi không đáng có.
Tránh rượu vào lời ra
Có những người bình thường ít nói, nhưng khi say rượu lại có thể liên tục kể lể, phàn nàn hết chuyện này đến chuyện khác. Nếu chỉ là những câu chuyện lặt vặt, không mấy quan trọng thì không sao, nhưng có một số người “rượu vào lời ra”, quay sang nói xấu cấp trên. Nếu những lời này truyền đến tai sếp, hậu quả như thế nào hẳn bạn đã đoán được.
Lại có một số người lúc say rượu sẽ nổi lên bản tính muốn khoe khoang, liên tục kể lể thành tích công việc, thậm chí tiết lộ cả bí mật kinh doanh của công ty. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm. Nếu trong số những người nghe chuyện có kẻ muốn hại bạn, rất có thể anh ta sẽ báo cáo với cấp trên của bạn về việc này, hoặc thậm chí bán bí mật ấy cho đối thủ cạnh tranh của công ty bạn. Dù là trường hợp nào thì hậu quả cũng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả cấp trên của bạn.
Vì vậy, hãy giữ mình tỉnh táo trong những cuộc liên hoan, tránh rượu vào lời ra.