Cuộc sống không phải là trận đánh mấy hồi mà là cuộc chiến trường kì không ngừng không nghỉ giây phút nào. Nếu bạn không sợ thất bại, càng bại càng tiến lên, vĩnh viễn không từ bỏ thì cho dù khó khăn đến mấy, bạn nhất định sẽ giành được chiến thắng. Hãy biết ơn thất bại, nó giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Thành công luôn thuộc về những người có thể kiên cường đến cuối cùng.
1
KHÔNG ĐỂ THẤT BẠI CẢN BƯỚC THÀNH CÔNG
Đừng nghĩ đến việc bỏ cuộc hay ngừng cố gắng. Có thể dừng lại nhưng đừng lùi bước
Nỗi sợ thất bại luôn khiến chúng ta lo lắng rằng: “Mình có nên làm việc này hay không? Ngộ nhỡ không thành công thì phải làm sao?” Lối suy nghĩ này sẽ khiến bạn vứt bỏ cố gắng. Có một người đã chiến thắng thất bại và câu chuyện của ông sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta.
Vào năm 1832, một người đàn ông phải nhượng lại cổ phần cửa hàng của mình và trở nên thất nghiệp. Ông rất buồn, nhưng ông quyết tâm phải trở thành chính trị gia, trở thành nghị sĩ tại bang mình đang sống. Tuy nhiên, ông đã phải nếm trải thất bại đầu tiên trong sự nghiệp chính trị khi tham gia tranh cử vào Nghị viện bang.
Sau đó người này quyết định kinh doanh lại, nhưng chưa đầy một năm, doanh nghiệp của ông đã thua lỗ và phải đóng cửa.
Trong suốt 17 năm tiếp theo, ông phải chạy vạy khắp nơi để trả khoản nợ này, cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm 1835, ông quyết định ra tranh cử lần nữa, lần này ông đã trúng cử vào Viện Lập pháp tiểu bang. Trong lòng ông bắt đầu manh nha hi vọng, cho rằng cuộc sống của mình đã có cơ biến chuyển: “Có lẽ mình có thể thành công rồi!” Năm sau, ông đính hôn với cô gái ông yêu say đắm. Nhưng cách ngày kết hôn không bao lâu, vị hôn thê của ông không may qua đời. Sự việc này giáng một đòn mạnh vào tinh thần, khiến ông suy sụp, phải nằm viện suốt nhiều tháng.
Năm 1838, khi sức khỏe đã tốt lên, ông quyết định tranh cử vào cơ quan lập pháp bang lần nữa. Nhưng lần này ông vẫn thất bại. Năm 1839, ông tranh cử Thống đốc bang và lại thất bại. Năm 1841, ông lại ra tranh cử Thống đốc bang và tiếp tục thất bại. Năm 1843, ông tranh cử vào Quốc hội Mỹ và lại không thành công. Nếu ở vào hoàn cảnh này, hẳn nhiều người sẽ lựa chọn bỏ cuộc. Nhưng người đàn ông này không buông tay, cũng không lo lắng: “Nếu lại thất bại thì phải làm sao?” Đến năm 1846, ông lại tranh cử vào Quốc hội Mỹ và lần này ông đã thành công.
Nhiệm kì hai năm nhanh chóng trôi qua, người này quyết định tranh cử lần nữa. Ông cho rằng những đóng góp của bản thân đối với Quốc hội Mỹ sẽ giành được tín nhiệm cao của cử tri. Đáng tiếc là ông đã thất bại khi tranh cử vào Thượng viện, và khi nộp đơn xin được bổ nhiệm làm cán bộ địa chính của bang, ông cũng bị chính quyền bang từ chối với lí do không đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc. Nếu là bạn, sau hai thất bại liên tiếp, liệu bạn còn có thể tiếp tục cố gắng được nữa hay không? Liệu bạn có buồn bã, kêu than không?
Thế nhưng, người đàn ông này vẫn không đầu hàng, bỏ cuộc. Năm 1854, ông thất bại trong cuộc tranh cử Phó Tổng thống. Hai năm sau, ông lại tranh cử lần nữa, kết quả là bị đối thủ đánh bại. Hai năm sau, ông tranh cử vào Thượng viện và tiếp tục thất bại. Tổng cộng ông đã tranh cử mười một lần và chỉ thành công có hai lần. Người đàn ông thành công dựa trên chín lần thất bại mà chúng ta nhắc đến trong câu chuyện này chính là Abraham Lincoln. Lincoln chưa bao giờ từ bỏ theo đuổi sự nghiệp mình đã chọn, đến năm 1860, ông đã trở thành Tổng thống thứ 16 của Mỹ.
Bạn đọc đã từng nghe qua câu chuyện của vận động viên điền kinh nước Mỹ là Robert Hayes chưa? Ông chính là nhân vật làm mưa làm gió trên đường chạy năm 1960 tại nước Mỹ. Ông đã chiến thắng hết giải này đến giải khác, phá vỡ vô số kỉ lục. Vì vậy không có gì lạ khi Hayes được chọn đi dự Thế vận hội Mùa hè được tổ chức tại Rome vào năm đó và cả thế giới đều tin rằng huy chương Vàng nội dung chạy 110 mét đã nằm chắc trong tay ông.
Thật bất ngờ, năm đó Robert Hayes chỉ về đích ở vị trí thứ tư và không giành được huy chương Vàng. Đây đương nhiên là một thất bại không thể tin nổi. Lúc đó Hayes đã nghĩ rằng: “Tôi phải làm gì đây? Tôi có nên giải nghệ không?”
Nhưng cuối cùng Hayes đã không chọn con đường này. Ông vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp vận động viên điền kinh, vẫn hăng say luyện tập mỗi ngày ba tiếng, mỗi tuần bảy ngày. Trong những năm sau, Hayes tiếp tục lập nên những kỉ lục mới tại các cự li khác nhau.
Vào ngày 22 tháng 2 năm 1964, tại nhà thi đấu Madison Square Garden ở thành phố New York (Mỹ), Robert Hayes đã tham gia một cuộc thi chạy. Trước khi bước vào thi đấu, ông tuyên bố đây là lần cuối cùng mình tham gia tranh tài tại giải này. Khán giả gắt gao theo dõi từng bước chạy của Hayes. Kết quả, ông giành thắng lợi và phá vỡ kỉ lục của chính mình. Khi Hayes đứng trên đường chạy cúi đầu cảm ơn khán giả, 17.000 người có mặt tại đó cũng đứng lên vẫy tay với ông. Khi Robert Hayes xúc động rơi nước mắt, nhiều khán giả cũng xúc động khóc theo ông. Mọi người đều khâm phục ông vì đã trải qua thất bại nhưng vẫn có thể tiếp tục kiên trì đứng lên, không chịu bỏ cuộc.
Năm 1964, Robert Hayes tham gia Thế vận hội Tokyo và về đích đầu tiên, giành huy chương Vàng Olympic đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Lại có câu chuyện như sau: Vào thế kỷ XIX, tại Thụy Điển, có một người đàn ông nọ có bố là một nhà hóa học nổi tiếng chuyên nghiên cứu chất nổ. Đây là một công việc vô cùng nguy hiểm, mỗi lần tiến hành thử nghiệm đều có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Em trai của ông đã mất mạng trong một lần thử nghiệm như vậy và bố của ông cũng vì thử nghiệm chất nổ mà bị liệt nửa người. Nhưng tất cả những điều này đều không thể cản bước người đàn ông nọ làm công việc giống như người bố. Ông kiên trì tiến hành thử nghiệm tại một phòng thí nghiệm đặt trên con tàu bí mật đậu ở hồ Malaren. Cho đến một ngày, “BÙM”, một tiếng nổ chói tai vang lên, phòng thí nghiệm ngập trong khói bụi dày đặc. Mọi người đều nghĩ rằng người đàn ông kia đã chết trong biển lửa. Nhưng thật bất ngờ, một người thương tích đầy mình đã chạy ào ra khỏi phòng thí nghiệm và hét lên: “Tôi thành công rồi! Thành công rồi!”
Đó chính là Alfred Nobel – người phát minh ra thuốc nổ, người đã đem mạng sống ra đặt cược, khiêu chiến với thất bại để có được thành công. Mỗi một phát minh đều bao gồm giá trị vật chất – họ đóng góp cho nhân loại một phát hiện mới, và giá trị tinh thần – tài năng, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của họ khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Thất bại là điều mà cả Abraham Lincoln, Robert Hayes, Alfred Nobel và chúng ta đều từng gặp qua. Khi đối mặt với khó khăn, họ không lùi bước, không trốn tránh mà kiên trì đấu tranh. Họ chưa từng nghĩ đến việc bỏ cuộc, ngừng cố gắng. Họ có quyền lựa chọn từ bỏ, nhưng họ chỉ dừng lại chứ không lùi bước. Chúng ta đều nên học theo những nhân vật thành công này, kiên trì cố gắng, khắc phục trở ngại để đi đến đích.
2
THẤT BẠI LÀ MỘT KHOẢN HỌC PHÍ
Công thức tạo ra người thành công vĩ đại trên thế giới chính là: Thất bại đủ nhiều để thành công
Trên hành trình cuộc đời dài đằng đẵng, có thể bạn sẽ trải nghiệm điều này nhiều lần: Thành công nhảy múa ngay trước mắt bạn. Nhưng mỗi khi bạn muốn lại gần nó, nó liền lùi lại phía sau. Mà bản thân bạn thì sao? Bạn bị mất đà và trượt ngã trong phút chốc, ngay trước ngưỡng cửa thành công.
Vì sao lại như vậy? Là vì thế giới này quá đỗi bất công? Là số phận đang trêu đùa bạn? Không phải, ít nhất cũng không hoàn toàn như vậy. Công thức tạo ra người thành công vĩ đại trên thế giới chính là: Thất bại đủ nhiều để thành công.
Điểm mấu chốt của công thức này là: Hãy thử làm bất cứ việc gì. Chỉ cần dám mạo hiểm, dám thất bại và biết rút ra bài học từ thất bại, chính những kinh nghiệm này sẽ là nấc thang đưa bạn đến thành công.
Nếu chưa từng trải qua thất bại, bạn có thể sẽ quen sống lười biếng, trì trệ, mặc kệ cuộc đời xô đẩy. Bạn không muốn và không dám mạo hiểm nắm bắt cơ hội, tránh cho bản thân phải nếm nỗi đau thất bại. Cứ như vậy bạn sẽ đánh mất chí tiến thủ.
Một giáo sư bộ môn Xã hội học tại Đại học Washington đã nói: “Hầu như mọi người đều có cơ hội giống như nhau. Không ai sinh ra đã được định sẵn là phải sống đời thất bại, cũng không ai sinh ra đã chắc chắn sẽ sống đời suôn sẻ. Cơ hội phải do chúng ta tự tìm ra, nắm bắt và tận dụng nó hết sức.”
Thất bại rất dễ nhận biết. Một trong những tác giả của cuốn sách Thất bại thông minh đã chia thất bại thành ba loại: một là tổn thất tiền bạc, hai là tổn thương lòng tự trọng, ba là đánh mất địa vị. Nhưng định nghĩa đơn giản nhất và căn bản nhất của thất bại chính là: Bạn không đạt được điều mình muốn.
Cassina – tác giả của cuốn sách Khi tai họa bao trùm bạn cũng viết rằng: “Tai họa cho phép bạn nhận biết năng lực và hạn chế của bản thân. Đây là một trong những dấu hiệu chính cho thấy sự trưởng thành của một người.” Thất bại là một người thầy tốt. Nó có thể giúp ta học được rất nhiều bài học quý giá và nhớ mãi không quên.
Các ông trùm kinh doanh rất thích và thường xuyên tìm kiếm những cấp dưới biết vươn lên từ thất bại. Tỉ phú Parrot từng nói: “Thành công liên tiếp chắc chắn sẽ sinh ra tự kiêu và tự mãn”, “Tôi cần những nhân viên như thế này, nhiệt tình xông pha trong công việc và sẵn sàng đối mặt với khó khăn, trở ngại”, “Làm việc chưa từng làm sẽ giúp bạn học được nhiều điều có ích hơn là làm lại những việc đã từng làm”.
Thất bại, suy cho cùng chính là một khoản học phí ta bỏ ra để đón chờ thành công.
Giáo sư Matheson của Đại học Houston (Mỹ) đã tạo ra một tiết học mà các sinh viên gọi đùa là giờ “Thất bại thứ 101”. Matheson yêu cầu sinh viên thiết kế một mô hình sản phẩm có màu trắng đục, bồn tắm nước nóng của chuột bạch hoặc diều giấy có thể bay trong bão...
Những đề bài này nghe có vẻ vô lí. Các sinh viên liên tiếp gặp thất bại. Tuy nhiên họ cảm thấy rằng bất luận là thất bại hay thành công, họ đã dám thử sức với bất cứ việc gì. Hầu hết các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ phải trải qua ít nhất năm lần thất bại trước khi tìm được công việc thích hợp. Nhưng họ không coi thất bại là viên đạn cuối cùng. Giáo sư Matheson nói: “Sinh viên của tôi đều biết nạp đạn và sẵn sàng khai hỏa một lần nữa.”
Nếu có người trải qua thất bại đủ để chôn vùi sự nghiệp mà vẫn có thể đứng lên làm lại, vậy thì đó chính là Sergio Zyman.
Năm 1984, công ty Coca-Cola ủy quyền cho Sergio Zyman đảo ngược tình hình sụt giảm doanh số của hãng do sự cạnh tranh quyết liệt của công ty Pepsi. Chiến lược của Sergio Zyman là thay đổi công thức của Coca-Cola, cho ra đời dòng sản phẩm mới thay thế Classic Coke gọi là New Coke. Tuy nhiên, New Coke bị coi là “sai lầm marketing lớn nhất mọi thời đại” và ở một mức độ nào đó, sai lầm này thuộc về cá nhân Sergio Zyman.
New Coke là sản phẩm mới lỗ nặng nhất tại thị trường Mỹ từ sau “hiện tượng thất bại” của dòng xe mới Ford Edsel trước đó. Chỉ sau 79 ngày ra mắt, New Coke đã bị khai tử để Classic Coke trở lại thị trường. Một năm sau, Sergio Zyman rời khỏi công ty Coca-Cola.
Thất bại cùng với những cảm xúc tổn thương, xấu hổ và vỡ mộng mà nó gây ra kì thực cũng không quá tệ như bạn tưởng. Chỉ bảy năm sau, Sergio Zyman đã trở lại làm việc tại Coca-Cola.
Sergio Zyman là người đàn ông có đủ can đảm để đối mặt với việc bị sa thải, giáng chức và cuối cùng đã có thể đứng dậy sau thất bại.
Thị trường ngày nay biến hóa không ngừng, thất bại là việc khó tránh, vì vậy chúng ta phải dũng cảm đương đầu với nó. Giáo sư John của Trường Kinh doanh Harvard đã nói rằng: “Tôi có thể tưởng tượng ra khung cảnh 20 năm trước, khi hội đồng quản trị thảo luận về ứng viên cho các vị trí lãnh đạo cấp cao, sẽ có người nói: ‘Người này mới 32 tuổi mà đã trải qua thất bại nặng nề rồi’, và những người khác sẽ đế theo: ‘Đúng thế, đây không phải một lựa chọn tốt.’ Còn ngày nay, các thành viên của hội đồng quản trị sẽ nói: ‘Điều đáng lo ngại là người này chưa từng nếm trải thất bại.’”
Bill Gates cũng đã nhiều lần thất bại với Microsoft và ông thích thuê những nhân viên đã từng phạm sai lầm. “Thất bại cho thấy họ dám mạo hiểm,” Bill Gates nói. “Cách một người đối mặt với sai lầm sẽ cho thấy năng lực và khả năng ứng biến của họ.”
3
PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI KHÔNG GỤC NGÃ TRƯỚC THẤT BẠI
“Chúng tôi không tha thứ cho sai lầm, vì vậy chúng tôi đã mất đi khả năng cạnh tranh. Một người chỉ có thể vấp ngã trong khi anh ta đang bước đi”
Người Trung Quốc có câu: “Tướng quân thua trận sao còn dám nói mạnh.” Thực tế không phải như vậy, xung quanh chúng ta có rất nhiều người thành công là nhờ vươn lên từ thất bại. Có thể nhắc đến Walt Disney bị sa thải trong công việc đầu tiên, hay Henry Ford từng phá sản trước khi khởi nghiệp thành công.
Nhưng tại sao có những người không thể gượng dậy sau khi vấp ngã, trong khi một số khác lại có thể đứng dậy và đi tiếp đến đích? Các chuyên gia đã phân tích và chỉ ra rằng, những người thuộc nhóm thứ hai thường có những phẩm chất sau:
Lạc quan về thất bại
Khi gặp thất bại, người bình thường sẽ mất hết tự tin, còn người có khả năng thích ứng cao, ngoan cường, có chí vẫn tràn đầy niềm tin vào bản thân. Martin Elias Pete Seligman – giáo sư tâm lí học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã từng nghiên cứu hiệu suất của nhân viên làm việc trong 30 ngành nghề khác nhau và nhận thấy: Những người có thể đứng lên sau khi vấp ngã đều là những người lạc quan. Họ luôn cho rằng: “Đây chẳng qua chỉ là thất bại nhất thời.” Còn những người bi quan lại không thể vươn lên sau thất bại. Họ nghĩ rằng bản thân đã thua đến không còn manh giáp.
Dám làm lại
Sau thất bại của chiến dịch truyền thông cho sản phẩm New Coke, Sergio Zyman phải rời khỏi Coca-Cola. Trong 14 tháng sau đó, ông đã không liên lạc với bất cứ ai đang làm việc cho Coca-Cola. “Lúc đó tôi rất cô độc,” Sergio Zyman chia sẻ, nhưng ông không bỏ cuộc. Ông cùng với một người khác đã mở một công ty và đặt trụ sở tại tầng hầm nhà mình ở Atlanta. Văn phòng của ông bài trí rất sơ sài, chỉ có một chiếc máy tính, một chiếc điện thoại và một chiếc máy fax. Phương châm của hoạt động Sergio Zyman là: Phá vỡ truyền thống, chấp nhận rủi ro.
Sau đó, chính Coca-Cola đã tìm đến công ty của Sergio Zyman để xin tư vấn. Zyman chia sẻ: “Ngay cả trong mơ tôi cũng không dám nghĩ đến có ngày Coca-Cola lại tìm đến tôi.” Quản lí cấp cao của Coca-Cola nói rằng họ muốn tìm một người có thể chỉnh đốn lại công việc kinh doanh của công ty. Ông Roberto Gossett, Chủ tịch của Coca-Cola nói với Sergio Zyman: “Chúng tôi không tha thứ cho sai lầm, vì vậy chúng tôi đã mất đi khả năng cạnh tranh. Một người chỉ có thể vấp ngã trong khi anh ta đang bước đi.”
Đề ra mục tiêu cụ thể
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Jan Leschly được xem là một trong 10 tay vợt nam nghiệp dư hàng đầu thế giới. “Mục tiêu của tôi không phải là chức vô địch quần vợt thế giới, mà chỉ là được thi đấu trên sân Centre Court của Giải Vô địch Wimbledon,” tay vợt, doanh nhân nổi tiếng người Đan Mạch đã nói như vậy. “Mỗi lần luyện tập, tôi đều tưởng tượng mình đang thi đấu tại Wimbledon, ngửi mùi cỏ, nghe tiếng khán giả hò reo.” Cuối cùng, đến năm 1960, Jan Leschly đã có cơ hội tranh tài trên sân Centre Court trong khuôn khổ Giải Vô địch Wimbledon.
Chấp nhận và học hỏi từ thất bại
Richard G. Lindner là người rất nổi tiếng trong ngành tài chính, được xem là nhân vật có thể đẩy lùi sự suy thoái của mọi công ty. Ông được mời về để cứu Wang Laboratories khỏi nguy cơ phá sản. Nhưng vấn đề của công ty này nan giải hơn Lindner nghĩ rất nhiều và ông không thể đưa ra giải pháp nào khả thi. Để vực dậy Wang Laboratories, Lindner kiến nghị tái cấu trúc công ty, bán đi một số mảng hoạt động, sau đó ông đã xin từ chức.
Một thời gian sau, Wang Laboratories tuy không thể trở lại vị thế như trước đây nhưng vẫn có thể tạo ra lợi nhuận và Lindner cũng không có gì phải hối tiếc.
Sau này, Lindner trở thành Giám đốc Tài chính của AT&T Corporation. Và chính kinh nghiệm thất bại ở Wang Laboratories đã giúp sức rất nhiều cho ông trong công việc mới. Tại đây, Lindner thường nói với các nhân viên trẻ sợ thất bại rằng: Hãy nhìn vào gương và nói: “Tôi đã làm hết sức mình. Bất kể kết quả ra sao, đó cũng là một thành công.”
4
TRỞ NGẠI KHÔNG PHẢI KẺ THÙ MÀ LÀ ÂN NHÂN CỦA TA
Một người nếu không gặp lớp lớp trở ngại thì không thể rèn nên bản lĩnh. Tất cả khó khăn, gian khổ, đau thương đều có thể giúp chúng ta trưởng thành
Trong chiến dịch Mùa xuân Crimea23, một quả đại bác đã rơi trúng một khu vườn xinh đẹp, làm vỡ mạch nước ngầm và một dòng suối đã tuôn trào róc rách từ đó. Bất hạnh và đau buồn có thể phá nát trái tim chúng ta, nhưng từ trong vết nứt ấy sẽ có những kinh nghiệm và niềm vui chảy ra.
23 Mùa xuân Crimea: Sự kiện Liên bang Nga sáp nhập bán đảo Crimea diễn ra vào tháng 2-3 năm 2014.
Luôn có những người khi chưa bị dồn đến đường cùng thì không thể phát hiện ra sức mạnh nội tại của bản thân. Một nhà khoa học nổi tiếng đã từng nói: “Khi gặp phải một vấn đề khó, tưởng như không thể vượt qua, tôi liền biết bản thân sắp có phát hiện mới.”
Những người trải qua hoàn cảnh không thuận lợi, bị chèn ép, bị từ chối hết lần này đến lần khác, về sau thường có được sự nghiệp vững chắc hơn người khác. Cuộc sống mang đến cho chúng ta khó khăn, đồng thời cũng dạy cho chúng ta về sự khôn ngoan. Đá lửa không đánh vào nhau thì làm sao có tia lửa phát ra. Con người không gặp kích thích, nhiệt huyết cuộc đời sao có thể bùng lên?
Khi Miguel de Cervantes Saavedra sáng tác Don Quixote, ông đang ngồi tù tại Crown of Seville. Khi ấy ông thậm chí còn không có đủ giấy để viết bản thảo. Khi Martin Luther lẩn trốn tại lâu đài Wartburg, ông bắt tay dịch bản Kinh Thánh Tân Ước nổi tiếng sang tiếng Đức. Khi Dante Alighieri bị kết án tử hình và buộc phải trốn chạy, ông đã dùng 20 năm lưu vong của đời mình để viết ra tác phẩm Thần khúc bất hủ.
Ludwig van Beethoven đã sáng tác bản nhạc vĩ đại nhất cuộc đời mình vào lúc ông hoàn toàn mất thính lực và rơi vào tình cảnh bi kịch nhất. Friedrich Schiller ốm bệnh suốt 15 năm nhưng những tác phẩm có giá trị nhất của ông đều được viết trong khoảng thời gian này. John Milton cũng viết ra những kiệt tác để đời trong lúc hai mắt đã mất đi ánh sáng và cơ thể đang bị bệnh tật hành hạ.
Trở ngại không phải là kẻ thù mà là ân nhân của chúng ta. Khi khó khăn kéo đến, chúng sẽ giúp chúng ta rèn luyện khả năng vượt qua chông gai. Cây sồi trong rừng nhờ trải qua hàng trăm cơn bão nên thân cây mới có thể vững chãi được như thế. Tương tự như vậy, một người nếu không gặp lớp lớp trở ngại thì không thể rèn nên bản lĩnh. Tất cả khó khăn, gian khổ, đau thương đều có thể giúp chúng ta trưởng thành.
Một người kiên cường càng bị hoàn cảnh cản trở, càng dám vượt lên nghịch cảnh. Số phận không thể ngăn cản những người như vậy. Khó khăn không đủ khiến họ gục ngã, ngược lại còn giúp họ có thêm sức mạnh.
5
KIÊN ĐỊNH VỚI MỤC TIÊU ĐÃ ĐỀ RA
Những người làm nên nghiệp lớn không phụ thuộc vào số phận, luôn có niềm tin vào con đường mình đã chọn và sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội để thực hiện nó
Bí quyết thành công của Tướng George S. Patton – nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của Lục quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai đó là: Kiên định mục tiêu, không nản chí khi thất bại.
George S. Patton sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc có truyền thống văn võ song toàn. Từ nhỏ, ông đã thích đi theo người lớn trong nhà để học hỏi kiến thức về quân sự. Mỗi khi người lớn nói đến chuyện đánh trận, Patton đều chăm chú lắng nghe như muốn nuốt từng lời. Ông đặc biệt thích nghe truyện về vua Arthur và các hiệp sĩ bàn tròn; truyện kể về các cuộc chinh phạt của Friedrich Đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon Bonaparte cùng truyện về những vị tướng vĩ đại trong lịch sử thế giới lúc bấy giờ.
Khi đó, trong dinh thự của gia tộc Patton có một thư viện nhỏ chứa rất nhiều sách, không chỉ có những bộ tiểu thuyết thám hiểm nổi tiếng đương thời mà còn có rất nhiều tuyển tập thơ và sách lịch sử. Từ khi biết chữ, Patton đã thường xuyên đến thư viện đọc sách lịch sử và thi ca, vì vậy ông đã sớm hình thành trí tưởng tượng phong phú và tinh thần hiệp sĩ trượng nghĩa. Tinh thần nghĩa hiệp này đã trở thành nét tính cách theo Patton suốt cuộc đời.
Tháng 6 năm 1908, trong số tân binh nhập học tại Học viện Quân sự West Point (Mỹ) có một chàng trai có thân hình cao lớn, tác phong trang nghiêm, cử chỉ dứt khoát, toàn thân toát ra phong thái chững chạc và tinh thần quả quyết. Chàng trai đó chính là George S. Patton. Cậu bé Patton ngày nào cuối cùng đã thực hiện được mơ ước từ thuở nhỏ, trở thành học viên của Học viện Quân sự West Point khi vừa đủ tuổi. Patton cảm thấy thật vinh dự khi được học tại đây, ông quyết trí trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng phi thường.
Trong suốt những năm tháng theo học tại Học viện Quân sự West Point, Patton luôn biểu hiện rất xuất sắc. Ông luôn phấn đấu để có thành tích đứng đầu trong các môn học. Ngoài ra, Patton còn chú ý rèn luyện tác phong quân sự, uy nghi của sĩ quan quân đội. Quân phục của ông luôn được giặt sạch sẽ, giữ phẳng phiu. Ông bước đi hay làm gì đều toát lên khí chất của quân nhân. Ông cũng yêu thích các hoạt động rèn luyện thể lực và thường xuyên tham gia tranh tài trong các môn thể thao. Cho dù làm gì, chơi gì, Patton cũng không cam tâm khi bị đánh bại. Trên phương diện chỉ huy, ông lại càng mong muốn thành công hơn nữa.
Trong năm học đầu tiên, Patton dốc hết sức để học Đội hình đội ngũ, khổ luyện kĩ càng từ động tác nhỏ, cuối cùng đã đạt đến trình độ hoàn hảo. Lúc đó, môn Đội hình đội ngũ chỉ chiếm 15 điểm trong bảng điểm cuối năm, còn môn Toán lại chiếm 200 điểm. Tuy nhiên, Patton cho rằng, cố gắng giành thành tích ưu tú trong môn Đội hình đội ngũ là bước đầu tiên trở thành quân nhân ưu tú. Vì vậy ông dành hết thời gian để luyện tập bộ môn này, bất chấp thành tích môn Toán đã rơi vào nhóm “đội sổ”. Kết quả là khi kết thúc năm học đầu tiên, thành tích môn Đội hình đội ngũ của Patton đứng thứ hai, còn thành tích môn Toán đứng cuối bảng. Điều này khiến ông phải học lại một năm. Cú sốc này đã kích thích, khơi dậy ý chí phấn đấu của ông.
Trong một năm ở lại lớp, Patton không còn dồn toàn bộ thời gian để học Đội hình đội ngũ. Ngoài việc vùi đầu vào học Toán, ông còn đọc rất nhiều sách về lịch sử, quân sự, chiến lược, chiến thuật... Trải qua va vấp ở năm học đầu tiên, Patton đã nhận thức được một cách sâu sắc rằng: Đối với một người, ngoại trừ phẩm cách thì tri thức là điều vô cùng cần thiết. Lòng tin và sự quyết tâm phải được xây dựng trên nền tảng kiến thức. Chỉ có một chuyên gia quân sự có học vấn uyên bác mới có thể trở thành một vị tướng tài ba xuất chúng. Nếu không có tri thức thì người đó chỉ có thể là một kẻ vũ phu hữu dũng vô mưu.
Trong một năm học lại này, Patton đã cố gắng không ngừng nghỉ và được đền đáp xứng đáng: Tất cả các môn học của ông đều đạt thành tích cao, và ông vẫn đứng đầu trong môn Đội hình đội ngũ. Patton trở thành học viên được khen ngợi trong trường.
Đối với phần lớn học viên trong học viện, họ quan niệm chỉ cần thi qua môn, học qua lớp, rồi tốt nghiệp ra trường suôn sẻ mà không suy tính cho tương lai. Nhưng Patton không nghĩ như vậy, ngay cả khi gặp khó khăn trong quá trình học, ông vẫn quyết tâm trở thành một quân nhân ưu tú, muốn sau này được làm tướng chỉ huy trong quân đội. Patton là người rất kiên định, một khi đã đặt mục tiêu thì ông sẽ nỗ lực hết mình để đạt được nó. Sau khi trải qua bài học thất bại trong thi cử, Patton lại phải đối mặt với một lựa chọn mới.
Lúc đó, Patton mới được trao thừa kế một khối tài sản hàng triệu đô-la, vì vậy thu nhập của ông nhiều hơn đại đa số quân nhân khác rất nhiều. Nếu người khác nhận được khoản thừa kế kếch xù như vậy, chắc chắn người đó sẽ thôi học ngay lập tức, từ bỏ sự nghiệp quân sự kỉ luật, khô khan để tận hưởng cuộc sống sung sướng của tầng lớp nhà giàu. Nhưng đối với Patton, trở thành quân nhân là sự nghiệp cao quý và vĩ đại, có thể cống hiến sức lực và trí tuệ cho quân đội là điều vinh quang. Cho nên Patton vẫn kiên trì việc học, kiên quyết chọn trở thành quân nhân. Ông không những không nghỉ học, mà còn không tiết lộ thân thế của mình trong lúc học ở trường, duy trì sinh hoạt như bao học viên bình thường khác.
Patton cũng có lần chia sẻ với bạn thân về ba mục tiêu ông muốn đạt được khi theo học tại Học viện Quân sự West Point, đó là: đứng đầu môn Đội hình đội ngũ, được thăng hàm Trung úy vào năm thứ tư, phá kỉ lục của học viện trong các môn vận động để đạt tiêu chuẩn Học viên hạng A. Thực tế chứng minh Patton nói được làm được: Vào năm thứ hai, ông được thăng hàm Hạ sĩ; năm thứ ba được thăng hàm Trung sĩ. Đây là những cấp bậc cao nhất dành cho học viên năm hai, năm ba. Đến năm thứ tư, Patton được thăng hàm Trung úy. Khi tốt nghiệp, ông đứng đầu môn Đội hình đội ngũ, trở thành người phá vỡ kỉ lục nhiều môn vận động trong Học viện Quân sự West Point.
Tính cách và quyết tâm của Patton gây ấn tượng sâu sắc với các bạn học. Họ luôn nhớ về ông với hình ảnh “quân nhân hạng nhất”, “làm gì cũng đến nơi đến chốn”. Patton luôn giữ kỉ luật, trọng danh dự, dám chịu trách nhiệm. Xem hồ sơ của ông ở Học viện Quân sự West Point, chúng ta sẽ thấy ông không gây ra rắc rối nghiêm trọng, ông còn tự báo cáo vi phạm của bản thân với nhà trường. Không ít học viên trong trường đều công nhận Patton là tấm gương về việc cống hiến hết mình cho sự nghiệp quân sự.
Những người làm nên nghiệp lớn không phụ thuộc vào số phận, luôn có niềm tin vào con đường mình đã chọn và sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội để thực hiện nó. Kiên định mục tiêu và không nản chí khi thất bại là lối đi duy nhất dẫn đến thành công đối với bất cứ ai.
6
KIÊN ĐỊNH VỚI LÍ TƯỞNG CỦA MÌNH
Thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về những người kiên định, theo đuổi đến cùng lí tưởng của bản thân
Những người từng trải, có kinh nghiệm đều biết rằng nhân tố làm nên thành công chính là kiên trì không bỏ cuộc. Khi công việc vận hành trơn tru, mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bạn có sẵn đà để hăng say làm việc. Nhưng khi điều kiện xấu đi, giống như căn nhà lúc dột nóc, thì vẫn tiếp tục hăng say làm việc lại là chuyện chẳng dễ dàng gì. Khi tình huống này xảy ra, những người chưa đủ trưởng thành, chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Còn những người từng trải lại có thể kiên trì đến cùng.
Kiên trì là tiếp tục nỗ lực, không bị hoàn cảnh lung lạc, không từ bỏ giữa chừng. Nó đại diện cho khả năng chịu đựng gian khổ, áp lực, mệt mỏi và thất vọng. Không thể kiên trì sẽ không có hi vọng thành công. Kiên trì cũng là đặc điểm chung của những người đứng trên đỉnh vinh quang.
Câu chuyện dưới đây là ví dụ.
Vào thời đầu nhà Thanh, có viên Sử quan tên Đàm Thiên đã dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để viết bộ sách Quốc các rất đồ sộ. Sử sách còn ghi lại, bộ biên niên sử triều Minh này của Đàm Thiên viết về các sự kiện từ ngày đầu lập ra nhà Minh cho đến khi tộc Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên và thống nhất thiên hạ. Vào năm thứ hai niên hiệu Thuận Trị của nhà Thanh, Đàm Thiên lại bổ sung thêm một số trang viết về thời kì cuối thời nhà Minh. Bằng sự cần mẫn hơn người, ông đã dành hơn 20 năm để viết ra bộ sử về triều Minh với tổng cộng 104 tập. Nhưng vô cùng đáng tiếc là hai năm sau, toàn bộ số bản thảo này đã bị đánh cắp, đến nay vẫn chưa tìm lại được. Chuyện này khiến Đàm Thiên lâm vào đau khổ cùng cực, tinh thần và sức lực suy kiệt. Nhưng điều đáng kinh ngạc là sau khi bình tĩnh lại, ông đã vực dậy tinh thần và quyết tâm viết lại bản thảo một lần nữa. Qua gần 10 năm sau, cuối cùng Đàm Thanh đã viết xong bộ sách Quốc các. Tính cả hai lần, Đàm Thanh đã dành hơn 30 năm ròng để viết nên bộ biên niên sử đồ sộ này. Nói cách khác, ông đã áp dụng tinh thần ngoan cường, kiên trì “ngồi trên ghế lạnh” trong suốt ba thập kỉ.
Muốn có được thành công trong sự nghiệp, trước tiên chúng ta phải có tinh thần kiên cường bất khuất, kiên trì không bỏ cuộc, kiên định đạt đến mục tiêu.
Sự nghiệp không đạt được thành công giữa lúc khó khăn, vậy thì thành tựu sẽ chẳng thể lâu dài. Vì vậy người xưa có câu: Khó khăn hơn thánh hiền, trở ngại hơn anh hùng, thất bại hơn thành công. Mà ý chí và tinh thần chính là những nhân tố chính tạo nên thành công trong sự nghiệp của thánh hiền và anh hùng.
Vua Vũ vì trị thủy mà chín năm bôn ba ở bên ngoài, ba lần đi ngang qua nhà nhưng không kịp vào. Tôn Trung Sơn lật đổ được nhà Thanh sau 40 năm làm cách mạng. Alexander Đại đế không có đội kị binh 50.000 quân vẫn có thể đánh tan đế quốc Ba Tư có hàng triệu quân. Thành Cát Tư Hãn chỉ dựa vào binh lực của gia tộc Mông Cổ mà chinh phạt khắp châu Á, châu Âu. Nếu không nhờ có ý chí hơn người, những nhân vật này đã không thể thành công.
Bá Di, Thúc Tề thà chết đói chứ không chịu quy phục nhà Chu. Phương Hiếu Nhụ thà bị phanh thây cũng không chịu soạn chiếu lên ngôi cho Minh Thành Tổ. Những người này phải có ý chí kiên cường bậc nào mới có thể làm được như vậy. Nhà chính trị, quân sự kiệt xuất người Pháp Napoléon Bonaparte đã nói rằng trong từ điển của mình không có chữ “khó”, cho thấy ông là người có ý chí ngoan cường. Thực tế đã chứng minh: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền.”
Thiên Huyền Tử nói: “Trời có thể với, biển có thể lội, Thái Sơn có thể san bằng, người xuống địa ngục rồi vẫn có thể cứu được. Nhưng chỉ những người ý chí kiên cường, bất khuất mới có thể thành công.”
Tóm lại, trong bất kì lĩnh vực nào, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về những người kiên định, theo đuổi đến cùng lí tưởng của bản thân.
7
TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRƯỚC MẮT
Cách duy nhất để có được thành công chính là ngừng thoái thác và ngay lập tức giải quyết vấn đề đang tồn tại
Ở Hồng Kông có một nhà buôn rất chăm chỉ làm lụng, ngày nào cũng tất bật từ sáng đến tối nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Anh ta nhờ mấy người bạn thân phân tích giúp tình cảnh này nhưng không ai tìm ra được nguyên nhân. Cho đến một ngày kia, nhà buôn Hồng Kông này nói với bạn bè rằng anh ta muốn mở một cửa hàng ở Ma Cao, họ mới nhận ra lí do vì sao anh ta thất bại.
Hóa ra cửa hàng của nhà buôn này ở Hồng Kông đang ế khách. Anh ta cảm thấy lo lắng nên nảy ra suy nghĩ đến Ma Cao mở cửa hàng thì việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn.
Thực chất, nếu tình hình kinh doanh ở Hồng Kông khó khăn thì ở Ma Cao chắc chắn cũng chẳng dễ dàng hơn. Cho dù thực sự có thể buôn bán được ở đây thì lại xuất hiện một vấn đề, đó là việc di chuyển giữa Hồng Kông và Ma Cao. Nhà buôn này cần gấp đôi thời gian để đi về giữa hai nơi để chăm sóc cửa hàng và khách hàng, nghe thôi cũng thấy là chuyện được chả bõ mất.
Mở rộng hệ thống kinh doanh tại thị trường mới nếu không xuất phát từ việc thị trường bản địa đã bão hòa, mà là do bản thân sợ hãi khó khăn tại đây, thì nỗi sợ này cũng vẫn sẽ đi theo bạn đến cùng. Rũ bỏ hiện thực không giúp giải quyết trở ngại mà chỉ là một cách lẩn tránh khó khăn.
Khi những người bạn hiểu ra rằng nhà buôn Hồng Kông này muốn mở cửa hàng tại Ma Cao là vì muốn trốn tránh khó khăn mà đáng ra anh ta nên đối mặt, họ đã chân thành khuyên bạn mình hãy kiên nhẫn. Thay vì tốn thời gian và tâm sức gấp đôi để gây dựng cửa hàng tại Ma Cao, anh ta nên tập trung khắc phục trở ngại trước mắt này.
Cách duy nhất để có được thành công chính là vứt bỏ ảo tưởng và ngay lập tức giải quyết vấn đề đang tồn tại. Những người đứng núi này trông núi nọ rất khó đạt được mục tiêu của mình. Vì vậy, muốn thành công, bạn nhất định phải dẹp bỏ tâm lí muốn đi đường vòng. Khi đứng trước khó khăn, phải cố sức vượt qua nó, đừng vội quay đầu chuyển hướng, tham bát bỏ mâm.
Đối với khó khăn trước mắt, tiêu diệt nó mới có thể giúp chúng ta vượt lên chính mình. Nếu có thể tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm từ những thử thách này và vận dụng nó vào những tình huống trong tương lai, sự nghiệp của chúng ta chắc chắn sẽ thêm phần rực rỡ.
8
ĐÓN NHẬN TÌNH HUỐNG XẤU NHẤT
Dám đón nhận tình huống xấu nhất, sẵn sàng ứng phó với nó thay vì trốn tránh, tự huyễn hoặc bản thân mới có thể hóa giải nguy cơ, thay đổi kết quả
Bạn đọc thân mến, có phải bạn đang nóng lòng muốn biết đâu là cách đối diện với tình huống xấu nhất? Được rồi, tôi sẽ giới thiệu tới bạn một phương pháp rất hay. Hãy thử áp dụng, bạn sẽ thấy nó có tác dụng tức thì.
Đây là phương pháp do nhà sáng chế nổi tiếng người Mỹ là Willis Carrier đưa ra.
Có một lần, khi các thành viên của câu lạc bộ Kĩ sư New York ăn trưa cùng nhau, Carrier đã tự mình chia sẻ câu chuyện này: “Khi làm việc cho Buffalo Forge Company ở tiểu bang New York, tôi được giao nhiệm vụ lắp máy lọc không khí mới cho một nhà máy sản xuất kính ở thành phố Pittsburgh, bang Missouri. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tôi đã phải khắc phục không biết bao nhiêu khó khăn ngoài dự kiến. Khi chiếc máy được lắp xong, nó không đạt tiêu chuẩn ban đầu đề ra, kết quả là nhiệm vụ này hoàn toàn thất bại. Điều này như một đòn giáng mạnh vào tôi, khiến tôi quay mòng mòng. Tôi cảm thấy tim đau thắt lại, đầu nhức từng cơn. Thực sự là vô cùng đau, suốt một thời gian dài tôi không tài nào ngủ nổi.
Sau đó lí trí thức tỉnh tôi rằng những lo nghĩ này là không cần thiết. Tôi bắt đầu lấy lại bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết vấn đề. Thủ thuật tâm lí thả lỏng tâm trí, giữ bình tĩnh này thực sự rất hiệu quả. Hơn 30 năm qua tôi luôn áp dụng cách này. Dù gặp phải chuyện tồi tệ đến đâu, tôi cũng đều nói với bản thân: “Không được kích động.” Phương pháp này vô cùng đơn giản, ai cũng có thể làm được. Nó được chia làm ba bước:
• Bước thứ nhất: Phân tích tình hình, đặt giả thiết về kết cục xấu nhất có thể xảy đến. Với sự việc lắp đặt máy lọc không khí không đạt tiêu chuẩn, tôi nghĩ rằng trong tình huống xấu nhất mình cũng chưa đến nỗi phải vào tù, nhiều nhất cũng chỉ mất đi “bát cơm”;
• Bước thứ hai: Sau khi đã tính tới tình huống xấu nhất, thì phải chuẩn bị tâm lí để tiếp nhận nó. Trong trường hợp của mình, tôi tự nói với bản thân rằng, thất bại này sẽ ghi dấu một trang không mấy vẻ vang trong cuộc đời, nó sẽ ảnh hưởng đến bước đường thăng tiến của tôi, thậm chí nó cũng có thể khiến tôi mất việc. Nhưng cho dù như vậy, tôi vẫn có thể tìm được công việc ở nơi khác, cho nên nó cũng không phải việc gì quá ghê gớm. Nghĩ được như vậy, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hẳn đi;
• Bước thứ ba: Khi bạn đã thực sự bình tĩnh, hãy lập tức dồn toàn bộ tâm sức vào công việc, cố gắng nghĩ cách cứu vớt cục diện, tránh cho nó phải đi đến tình huống xấu nhất.
Nếu tôi cứ tiếp tục chìm trong đau khổ, thì cuối cùng chắc chắn tôi không thể đạt được kết quả tốt đẹp. Lo lắng, đau khổ sẽ triệt tiêu khả năng tập trung suy nghĩ, vì thế mà chúng ta đánh mất năng lực hành động quyết đoán. Nhưng nếu chúng ta buộc bản thân phải nhìn thẳng vào thực tế, chuẩn bị tâm lí sẵn sàng chịu trách nhiệm cho tình huống xấu nhất, thì chúng ta có thể xua tan nỗi sợ mơ hồ và giải quyết được vấn đề.”
Carrier nói thêm: “Khi sẵn sàng đón nhận kết quả xấu nhất, tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi. Tôi tìm lại được sự bình tĩnh mà nhiều ngày nay đã biến mất và suy nghĩ thông suốt trở lại.”
Tuy vậy, thực hiện các bước theo phương pháp này không đơn giản. Vẫn có rất nhiều người không đủ dũng cảm đối mặt với hiện thực phũ phàng, cho nên không thể thay đổi nó một cách triệt để. Họ từ chối cách làm còn nước còn tát, để mặc bản thân chìm trong buồn bực. Như vậy là họ đã tự tay chặt đứt mọi cơ hội học hỏi từ sai lầm và vượt lên chính mình.
Dám đón nhận tình huống xấu nhất, sẵn sàng ứng phó với nó thay vì trốn tránh, tự huyễn hoặc bản thân mới có thể hóa giải nguy cơ, thay đổi kết quả.
9
TRƯỞNG THÀNH TỪ THẤT BẠI
Chỉ có dám đón nhận sự thật phũ phàng mới có thể phân tích sự việc, tìm ra căn nguyên của thất bại, nắm bắt cơ hội sửa sai và tiến tới thành công
Thất bại, sai lầm là chuyện khó tránh khỏi trên con đường tiến tới thành công. Khi khó khăn, trở ngại xuất hiện, việc chúng ta cần làm không phải là sợ hãi hay trốn tránh, mà là nâng cao dũng khí lên thêm 100 lần để chiến đấu với chúng. Càng quan trọng hơn, chúng ta phải truy tìm căn nguyên của thất bại và sai lầm: Là do chúng ta chưa chăm chỉ làm việc? Công tác chuẩn bị còn nhiều thiếu sót? Điều kiện khách quan chưa đủ chín muồi?... Bằng cách tìm hiểu và làm rõ những vấn đề này, chúng ta mới có thể bốc thuốc đúng bệnh, điều chỉnh con đường tiếp theo trong tương lai, tránh lặp lại sai lầm. Cái gọi là “Ngã một keo, leo một tấc”, “Một lần ngã là một lần bớt dại” chính là như vậy.
Khi thất bại cũng chính là lúc dễ dàng nhìn ra thời cơ đột phá thành công nhất. Đây chính là cơ hội tuyệt vời để bạn nhận ra thiếu sót và hạn chế của bản thân. Những người thành công luôn biết biến thất bại và sai lầm thành một loại tài sản đặc biệt.
Ông vua phát minh Thomas Edison đã từng nói: “Thất bại 1.000 lần cũng chẳng có gì đáng sợ. Ít nhất nhờ nó mà tôi biết rằng việc này cố gắng 1.000 lần thôi là chưa đủ, vì vậy tôi phải cố gắng thêm lần thứ 1.001...”
Trong những chương trình truyền hình, truyền thanh trực tiếp, khó khăn lớn nhất mà người dẫn chương trình gặp phải đó là có rất nhiều tình huống bất ngờ phát sinh mà không thể đoán trước, khiến họ không thể xử lí kịp thời. Tình cảnh xấu hổ, ngượng ngập đó luôn là nỗi ám ảnh với những người dẫn chương trình trực tiếp.
Năm 1993, trong một chương trình lên sóng trực tiếp của đài CCTV, người dẫn chương trình là MC nổi tiếng Nghê Bình, khách mời là các nhà khoa học tài ba của Trung Quốc. Một trong số đó là nhà khí tượng học thuộc thế hệ đầu tiên của Trung Quốc, từng nhiều lần được Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai thiết đãi.
Trong lúc chương trình đang diễn ra, khi MC Nghê Bình chuyển hướng micro tới chỗ vị khách mời này, anh ta đã thuận tay cầm luôn lấy nó. Đối với người dẫn chương trình trực tiếp, nếu bạn đưa micro cho khách mời tức là bạn đã thất bại, vì không còn micro trong tay, bạn sẽ không thể làm chủ được tình huống. Càng nghiêm trọng hơn là, nếu đối phương nói gì không ổn, bạn càng bị động, không thể chữa cháy. Nhưng vào lúc này, mọi con mắt đều đổ dồn vào hai người, Nghê Bình không thể lấy lại micro.
“Trước hết, tôi xin cảm ơn các bạn vì hôm nay đã mời tôi đến trạm khí tượng này,” khách mời đã nói sai từ ngay câu chào đầu tiên. Dưới hội trường đã có người cười ra tiếng. Nghê Bình muốn đưa tay mượn lại micro nhưng khách mời lại vô thức tránh đi. Về sau Nghê Bình còn đưa tay ra thêm hai lần nữa, nhưng khách mời vẫn không hiểu ý và trả micro lại cho cô. Khi thấy tình huống như vậy xuất hiện trên sân khấu, đạo diễn trường quay ra hiệu với Nghê Bình, cô càng hoảng đến toát mồ hôi.
Sau khi chương trình kết thúc, rất nhiều khán giả đã gửi thư và tin nhắn đến đài truyền hình để chê trách Nghê Bình, nói rằng cô cư xử thô lỗ, cứ muốn tranh micro với khách mời... Nghê Bình cũng nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân. Khán giả không thể hiểu rằng kịch bản chương trình đã được lên chặt chẽ từng phần, nếu một khách mời “chiếm sóng” quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến các nội dung khác. Nhưng là người dẫn chương trình lên sóng trực tiếp với hàng triệu người xem, cô không nên đưa đi lấy lại micro, cũng không nên vô ý ngắt lời khách mời, nhất là khi vị khách mời đó lớn tuổi hơn và có địa vị cao hơn cô.
Sau nhiều lần suy ngẫm, Nghê Bình rút ra rằng bài học rằng: Nếu hôm đó, trước khi ghi hình, cô có thể giao lưu nhiều hơn với khách mời, hiểu được tính cách của anh ta kĩ hơn và làm chủ phản ứng khi lên sóng, thì có lẽ chương trình hôm đó sẽ không phải gặp sự cố này.
Cách Nghê Bình phản tỉnh bản thân sau sai lầm là rất đúng đắn. Cô hiểu rằng chỉ có tiếp nhận phê bình, chịu trách nhiệm, sau đó rèn luyện kĩ năng, dũng cảm vượt lên chính mình thì sự nghiệp của cô mới ngày càng phát triển. Ngược lại, sợ bị phê bình, không dám thử lại, không dám đứng lên từ nơi ngã xuống, vậy thì cô sẽ thành một người dẫn chương trình bị khán giả quay lưng, đánh mất sự nghiệp đã vất vả xây dựng.
Thông qua “sự cố micro” lần này, Nghê Bình bắt đầu hình thành một thói quen mới. Đó là bất kể khách mời là ai, trước khi ghi hình tiết mục, cô đều cố gắng đến chào hỏi làm quen trước, để đôi bên quen thuộc nhau hơn, tương tác với nhau ăn ý hơn. Từ đó, trong sự nghiệp dẫn chương trình của mình, Nghê Bình không còn mắc lỗi tương tự.
Nếu lúc đó Nghê Bình một mực thoái thác trách nhiệm, không có dũng khí đối mặt với thất bại, không chủ động tìm ra nguyên nhân thất bại, vậy thì cô không thể càng ngày càng thành công trong sự nghiệp làm người dẫn chương trình như ngày hôm nay.
Trong cuộc sống, chẳng có ai không phạm sai lầm và chưa bao giờ gặp phải thất bại. Nếu bạn làm sai, vậy thì hãy ngẩng cao đầu để chiến đấu với thất bại, coi nó là cơ hội rèn luyện ý chí và bồi dưỡng năng lực cho bản thân. Chỉ có dám đón nhận sự thật phũ phàng mới có thể phân tích sự việc, tìm ra căn nguyên của thất bại, nắm bắt cơ hội sửa sai và tiến tới thành công
“Bước chậm từng bước, rồi sẽ đến ngày bạn phát hiện mình là người đi được xa nhất.”
Danh nhân Nhật Bản Tokugawa Ieyasu