Trong cuộc sống, nếu không tiến lên tất sẽ bị đẩy lùi. Trên đời này, những người công thành danh toại luôn là những cá nhân kiên định với ước mơ vươn tới tầm cao, và chỉ có hướng lên cao thì mới có dũng khí để tiến về phía trước. Nếu bạn muốn thành công, hãy mạnh dạn tiến lên và biến mục tiêu thành hiện thực. Đừng đứng yên tại chỗ, ước mơ không chờ bạn đâu.
1
LÀM NGƯỜI PHẢI BIẾT VƯƠN CAO VƯƠN XA
Một người thích suy nghĩ, tìm tòi, có năng lực, nỗ lực phấn đấu thì đến đâu cũng có thể thành danh, đi đâu cũng đều có tương lai
Trong xã hội tồn tại hai kiểu người: Một là những người thỏa mãn với thực trạng. Hai là những người luôn nghĩ đến tương lai, sẵn sàng nắm bắt cơ hội cải thiện hiện trạng. Tới đây, tôi lại nhớ tới hai câu nói của người xưa: “An cư tư nguy” (Trong lúc an nhàn lo nghĩ chuyện nguy cấp) và “Chẳng tiến thì lùi”.
Kiểu người trong lúc an nhàn lo nghĩ chuyện nguy nan chính là những người thông thái. Họ luôn quan tâm cập nhật những tin tức quan trọng của xã hội, cố gắng tiếp thu những kiến thức mới để ngày một tiến bộ. Trong thời đại luôn không ngừng đổi mới, họ nhanh chóng thích ứng hoàn cảnh, tìm được vị trí thích hợp cho mình trong xã hội. Người thích suy nghĩ, tìm tòi, có năng lực, nỗ lực phấn đấu thì đến đâu cũng có thể thành danh, đi đâu cũng đều có tương lai. Những người tự tin vào khả năng của bản thân không than ngắn thở dài trước mặt người khác. Họ hiểu rằng chăm chỉ mới là con đường duy nhất để tiến lên và gặt hái thành công.
Kiểu người chẳng tiến thì lùi, mặc cho sự đời đưa đẩy không có chí tiến thủ và tinh thần sáng tạo. Họ không có dũng khí và năng lực vượt qua thử thách, chỉ muốn duy trì lợi ích trước mắt. Họ rất hay phàn nàn về mặt xấu của xã hội và kêu than về khuyết điểm của bản thân nhưng lại không muốn thay đổi. Những người này rất khó thích nghi với hoàn cảnh mới, không hoàn thành được mục tiêu đã đề ra và khó có thể khẳng định bản thân.
Trong mắt của những người thụ động, lười biếng, đến đâu hay đến đấy, dường như tất cả những chức vụ tiềm năng, những công việc tốt đều đã bị những người khác chiếm trước hết rồi. Thực tế đã chứng minh, không ai, cũng không nơi nào đánh giá cao những người như vậy. Tất cả các ngành nghề trong xã hội đều cần những người có trách nhiệm, có chí tiến thủ, có chủ kiến và tinh thần sáng tạo. Những người suốt ngày phàn nàn rằng cơ hội quá ít, than thở rằng bản thân là nhân tài không gặp thời, thì suốt cuộc đời cũng chẳng thể tiến bộ.
Có một bộ tiểu thuyết có tên Nhân trùng (Người giun) miêu tả sâu rộng và đặc sắc về những nhân vật tinh anh trong các ngành nghề. Trong đó có một chương viết về một tinh anh trong nghề buôn bán, gọi là Giun buôn bán. Nhân vật này vì bênh vợ mà đánh nhau với người khác và phải đi tù. Sau khi ra tù, anh ta mới biết vợ đã tái hôn cùng người khác, mẹ anh ta vì quá uất hận mà qua đời. Đọc đến đây, hẳn là nhiều bạn đọc cảm thấy trên đời này chắc chẳng còn có ai bi đát hơn anh ta.
Chính vào lúc Giun buôn bán đang không biết phải làm gì với cuộc đời, một người quen cho anh ta mượn chút tiền để buôn bán vặt kiếm sống. Giun buôn bán vốn là người chăm chỉ, còn biết tính toán làm ăn, cho nên cuộc sống của anh ta cũng dần đi vào ổn định. Nhưng là người không bằng lòng với những gì hiện có, anh ta nghĩ ra mọi cách để tiền đẻ ra tiền. Anh ta bán xe lấy vốn buôn kẹo hồ lô, bán kẹo hồ lô có tiền rồi thì mở cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tạp hóa có lãi thì mở xưởng, xưởng làm ăn được thì thành lập nhà máy, nhà máy sản xuất tốt thì tiến lên tập đoàn, có tài sản đến triệu đô thì kinh doanh xuyên quốc gia. Trong phòng làm việc của anh ta treo một bức tranh rất lớn với dòng chữ: “Nhân vãng cao xứ tẩu”, có nghĩa là: Con người luôn phải vươn lên cao.
Chúng ta theo đuổi những mục tiêu khác nhau, vì vậy tầm nhìn của mỗi người cũng không giống nhau. Trước đây chúng ta hay nói người nông dân suy nghĩ không vượt khỏi lũy tre làng, họ chỉ quan tâm đến vợ, đến con, đến mảnh ruộng. Họ ngưỡng mộ những người sống trong thành phố, nhưng không bao giờ có suy nghĩ một ngày nào đó mình phải được sống cuộc sống như vậy. Họ cảm thấy cuộc sống được ăn uống thỏa thích là đủ giàu sang phú quý rồi. Nhưng người nông dân ngày nay đã khác. Tầm nhìn và năng lực cá nhân của họ đều đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Trong cuộc sống, nếu không tiến lên tất sẽ bị đẩy lùi. Trên thế giới này, những người công thành danh toại đều là những cá nhân kiên định vươn tới tầm cao, và chỉ có hướng lên cao thì mới có dũng cảm để tiến về phía trước. Nếu bạn muốn thành công, hãy mạnh dạn tiến lên và biến mục tiêu thành hiện thực. Đừng đứng yên tại chỗ, ước mơ không chờ bạn đâu. Đặc biệt là những bạn trẻ, nếu không có lòng cầu tiến, chịu bằng lòng với thực tại thì cuộc sống này chẳng còn gì đáng sống.
Có một số bạn trẻ thường nghĩ thầm trong lòng: “Tôi không cần trở thành người giỏi nhất, chỉ cần làm người giỏi thứ hai là thỏa mãn rồi. Tôi cũng chẳng dám mơ hão rằng mình sẽ được làm lãnh đạo cao nhất, chỉ cần lên được phó tổng cũng đã sung sướng lắm rồi.” Chúng ta cần phải biết rằng, xã hội ngày nay cạnh tranh rất khốc liệt, sẽ không có chỗ cho những người kém cỏi. Mà đa số những người không có ý chí phấn đấu sẽ không thể tiến vào hàng ngũ tinh anh ưu tú nhất.
Người giỏi thứ hai cũng giống như hàng hóa hạng hai. Trừ phi không thể tìm được người giỏi nhất, mới đành trọng dụng đến người giỏi thứ hai. Các ông chủ cũng vẫn luôn mong ngóng tuyển dụng được những nhân tài số một.
Những người không có chí tiến thủ có một số đặc điểm chung. Họ thường xuyên lãng phí thời gian, phung phí tinh lực vào những việc kém quan trọng, thậm chí sa đà vào việc hưởng lạc, tự hủy hoại sức khỏe của bản thân. Năng lực chuyên môn, tư duy, khả năng xử lí vấn đề, khả năng giao tiếp của họ rất kém. Kiểu người này dường như có rất ít tiềm năng phát triển.
Những người không có chí tiến thủ tự nhiên sẽ trở thành những phần tử lạc hậu trong cuộc cạnh tranh của xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Có những người sinh ra và lớn lên trong môi trường không tốt, bị nhiễm thói hư tật xấu của những người xung quanh và khó có thể thay đổi. Có một số người không được hưởng nền giáo dục tốt, chưa từng được đào tạo hoặc hướng dẫn những kiến thức, kĩ năng để am hiểu, thành thạo một lĩnh vực nào đó.
Chí tiến thủ không hoàn toàn là phẩm chất bẩm sinh mà có thể thông qua học hỏi, luyện tập để hình thành. Hãy tìm ra niềm đam mê, sở thích, ưu điểm của bản thân dù là nhỏ nhất, đơn giản nhất, đó chính là bệ đỡ cho chí tiến thủ của bạn. Có những điều ấy, bạn sẽ không sợ hãi khi đối mặt với khó khăn, gian khổ mà dũng cảm vượt qua chúng để tiến về phía trước.
Tuy nhiên, chỉ có chí tiến thủ thôi là chưa đủ. Nó phải được kết hợp với hành động để dẫn lối bạn đi đến thành công. Chỉ có dựa vào sự phấn đấu của bản thân, không ngừng nâng cao trí tuệ, năng lực, vượt qua vô số chướng ngại thì một người mới có thể đạt được vinh quang thực sự, mới có thể được người khác tin tưởng và tôn trọng. Tóm lại, bất kể mục tiêu của bạn là gì, bạn phải bắt tay vào thực hiện thì mới có thể biến nó thành hiện thực.
2
KHÁT VỌNG LÀ BỆ ĐỠ CỦA THÀNH CÔNG
Khát vọng là động lực để tạo ra nỗ lực. Khát vọng mãnh liệt sẽ dẫn tới kết quả khiến người ta kinh ngạc
Thành công là tên gọi khác của nỗ lực. Mà nỗ lực là thứ gắn liền với khát vọng. Khát vọng là khởi nguồn của nỗ lực. Khát vọng mãnh liệt sẽ dẫn tới kết quả khiến người ta kinh ngạc.
Câu chuyện về Eileen Cecile Ford là một ví dụ. Eileen cùng chồng là Gerard “Jerry” Ford đã đồng sáng lập ra Ford Model – một trong những công ty người mẫu quốc tế hàng đầu trên thế giới. Khi còn trẻ, vì đam mê luôn cháy bỏng trong tim nên ngay cả khi mắc bệnh và phải đến bệnh viện chữa trị, Eileen vẫn miệt mài làm việc một cách đầy kiên trì và nhiệt huyết. Lúc đó, ngành công nghiệp thời trang mới chỉ bắt đầu manh nha hoạt động “môi giới” người mẫu được chừng một năm. Những sự kiện xảy ra trong một năm này đã khiến Eileen nhận ra rằng chỉ có làm việc chăm chỉ không ngừng nghỉ mới có thể gặt hái được thành công cuối cùng.
Mang theo chí lớn cùng với lòng tin và tinh thần mạo hiểm, Eileen quyết định khởi nghiệp khi vừa bước sang tuổi 24. Khi đó bà đã mở một trung tâm môi giới dịch vụ. Tại đây, tính cả bà chủ và nhân viên chỉ có duy nhất một người, đó chính là Eileen. Tình cờ lúc ấy có vài người bạn gái nhờ Eileen làm đại diện giúp họ kí hợp đồng làm người mẫu tại các sự kiện. Không lâu sau, Eileen thấy công việc này rất có tương lai phát triển nên đã đứng ra thành lập công ty người mẫu. Sự tự tin vào bản thân và sự khốc liệt trong ngành thời trang đã kích thích tinh thần cạnh tranh của Eileen. Kể từ khi đặt bước trên con đường này, ngày nào bà cũng làm việc 13, 14 tiếng đồng hồ. Sự đam mê từ trong tiềm thức đã khiến Eileen cảm thấy bản thân có nguồn sức lực vô tận.
Những nỗ lực của Eileen đã không uổng phí. Chỉ sau hơn một năm, công ty của bà đã đại diện cho 75 người mẫu hàng đầu, mỗi ngày ước tính nhận được hơn 300 cuộc gọi đề nghị cung cấp người mẫu. Chồng của Eileen – Gerard “Jerry” Ford – chính là nhân chứng chứng kiến sự phát triển thần kì của công ty.
Có lẽ bạn đọc sẽ cho rằng những người cuồng công việc như Eileen hẳn là không có thời gian rảnh rỗi để thư giãn hay giải trí. Trên thực tế, lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, vợ chồng bà rất bận rộn. Phải đến khi công ty đã hoạt động ổn định, sự nghiệp đã định hình, họ mới có thời gian để xả hơi sau một chặng đường căng mình cố gắng. Vợ chồng Eileen Ford đã tận dụng khoảng thời gian này để tới các lớp học buổi tối và bồi dưỡng thêm những kiến thức cần thiết cho công việc. Có lẽ bạn đọc lại sẽ hỏi, như vậy cũng có khác gì chẳng có thời gian vui chơi giải trí? Nếu đổi lại là những người bình thường như chúng ta, cuộc sống của những người như vợ chồng Eileen Ford có lẽ thật nhàm chán, nhưng hai người họ lại cảm thấy vô cùng hài lòng với điều đó. Eileen vừa tự tay nuôi dạy con cái lại vừa có thể quán xuyến công việc chăm sóc khách hàng cũ và mở rộng khách hàng mới. Người ta nhận xét bà giống như một nữ siêu nhân, bận rộn luôn tay luôn chân trên khắp các mặt trận.
Khi gặt hái được thành công, vợ chồng Eileen Ford còn chưa tới 40 tuổi. Có nhiều người sẽ thỏa mãn với sự nghiệp như vậy, nhưng vợ chồng bà lại cho rằng đây chỉ là bước chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.
“Tôi vẫn muốn làm thêm một số công việc khác, ví dụ như sản xuất sản phẩm làm đẹp. Tôi có lòng tin mình sẽ làm tốt,” Eileen chia sẻ.
Cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh hóa mĩ phẩm vô cùng khốc liệt. Rất nhiều người khuyên Eileen đừng nên dấn thân, bởi một công ty mới rất dễ bị các ông lớn trong ngành lấn át. Nhưng Eileen vẫn đáp lại bằng thái độ kiên định: “Thôi nào, thị trường luôn như vậy từ trước. Miễn là tôi chuẩn bị kĩ càng, tôi luôn có thể làm đến cùng.”
Thực tế đã chứng minh, muốn là làm chính là con đường nhanh nhất để đi đến thành công. Giống như vợ chồng Eileen và Gerard, họ có thể kiểm soát tốt đam mê của bản thân để sớm đạt tới mục tiêu mong muốn. Trước nhiệt huyết và quyết tâm của họ, mọi trở ngại đều bị dẹp bỏ.
3
KẺ THỨC THỜI LÀ TRANG TUẤN KIỆT
Vì tiền đồ của bản thân, mỗi người đều có thể tìm được con đường của riêng mình
Người Trung Quốc xưa có câu: “Trung thần không thờ hai vua.” Trong thời đại ngày nay, câu nói này vẫn còn nguyên giá trị, tuy nhiên trong một số trường hợp lại không được chính xác. Giả sử bạn đi làm và chẳng may gặp phải một vị sếp không trọng dụng nhân viên. Cho dù bạn vắt kiệt sức lực và cố gắng chứng minh năng lực của bản thân cũng chẳng được ai đoái hoài đến. Trong trường hợp này, bạn bỏ tối tìm sáng, chuyển sang làm việc cho một ông chủ khác là việc tất yếu, chẳng có gì phải xấu hổ. “Nam sợ đi sai đường, nữ sợ gả sai chồng”, thế gian rộng lớn như vậy, chắc chắn bạn sẽ tìm được nơi phù hợp với mình.
Người Trung Quốc cũng có câu: “Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt” và “Người vươn lên cao, nước chảy xuống thấp”. Từ đây suy rộng ra, chúng ta có thể đi đến kết luận như sau: Vì tiền đồ của bản thân, mỗi người đều có thể tìm được con đường của riêng mình.
Lã Thượng, hay Khương Tử Nha – chiến lược gia, nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng vào thời cổ đại của Trung Quốc, chính là ví dụ điển hình cho kẻ thức thời. Ông sống vào cuối thời nhà Thương, lúc này việc Trụ Vương vô đạo, hoang dâm vô độ, cai trị hà khắc khiến mâu thuẫn xã hội bị đẩy lên đến cao trào. Đồng thời khi đó các chư hầu nhà Thương đua nhau nổi dậy, Tây Bá Hầu Cơ Xương (sau là Chu Văn Vương) một lòng muốn an dân trị quốc, tăng cường thế lực của đất nước. Khương Tử Nha sinh ra ở thời loạn thế, cho dù bản thân có tài kinh bang tế thế, nhưng lại chẳng có cách nào báo quốc yên dân, cho nên đã lãng phí tài năng suốt nửa đời người. Ông từng giữ một chức quan trong cung của vua Trụ nhà Thương. Tuy chỉ là chức quan nhỏ, nhưng Khương Tử Nha rất chịu khó để ý quan sát công việc trong cung. Ông nhanh chóng nhận thấy Trụ Vương ham mê tửu sắc, bỏ bê triều chính, có mấy lần muốn liều chết khuyên can. Ông muốn cứu dân khỏi tình cảnh nước sôi lửa bỏng, lại muốn qua đó có thể được Trụ Vương biết đến, được thăng quan tiến chức. Nhưng không lâu sau, Khương Tử Nha đã chứng kiến cảnh những đại thần như Bỉ Can chỉ vì thẳng thắn can gián Trụ Vương mà bị xử tội chết, vì vậy ông chỉ đành đem những lời định nói nuốt xuống bụng. Khương Tử Nha cho rằng Trụ Vương đã đến đường cùng, triều nhà Thương sắp đến ngày diệt vong, bản thân chẳng có lí do gì ở lại để chết cùng một chỗ. Ông quyết định tìm một người chủ mới.
Lúc đó Tây Bá Hầu Cơ Xương nuôi chí khôi phục lại nhà Chu, diệt trừ Trụ Vương nên cầu hiền tài khắp nơi. Vì muốn thu hút sự chú ý của Cơ Xương, Khương Tử Nha đã ra ngồi bên bờ sông Vị Thủy để câu cá. Một ngày nọ, ông nghe ngóng được tin Cơ Xương chuẩn bị đến ngọn núi gần đó săn thú, liền đem cần đến đấy ngồi câu. Lúc này, Khương Tử Nha vẫn chưa có danh tiếng, vì vậy Cơ Xương không biết ông. Nhưng Khương Tử Nha lại từng gặp mặt Cơ Xương lúc còn làm quan cho nhà Thương. Để khiến Cơ Xương chú ý đến mình, Khương Tử Nha cố ý nhấc lưỡi câu lên khỏi mặt nước một đoạn và không móc mồi vào đó. Quả nhiên cách câu cá khác thường của Khương Tử Nha khiến Cơ Xương rất lấy làm lạ, phải tiến đến hỏi thăm: “Người khác dùng mồi để câu, lưỡi câu ngập sâu trong nước. Ngài lại không làm như vậy, thật sẽ câu được cá chăng?”
Khương Tử Nha thấy Cơ Xương địa vị cao nhưng biết ứng xử phải phép, quả nhiên là nhân vật không tầm thường, liền tiến đến nói thầm bên tai Cơ Xương: “Kiểu câu phải khác thường mới câu được người giúp tôi đổi mệnh. Trụ Vương tự cho là giỏi, không chịu nghe lời khuyên can, còn Tây Bá Hầu lại biết nghe lời phải trái. Vì vậy nên tôi muốn đi theo Tây Bá Hầu.”
Cơ Xương nghe xong mà cả kinh, nghĩ thầm trong bụng: “Người này sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, sao lại có thể rành rọt chuyện lớn trong thiên hạ như vậy? Càng không thể hiểu được tại sao ông ta có thể nhìn thấu suy nghĩ của Cơ Xương ta? Chắc chắn ông ta không phải người thường.” Cơ Xương vội vàng cúi người hành lễ và hỏi: “Xin hỏi quý danh của ngài đây?”
“Già đây cũng không phải kẻ tài gì, ngài cứ gọi già là Lã Thượng là được,” Khương Tử Nha đáp.
“Vừa rồi đã được tai nghe mắt thấy tài trí của ngài. Thật không dám giấu gì ngài, tôi đây chính là Tây Bá Hầu Cơ Xương mà ngài mới nhắc tới.”
Khương Tử Nha giả vờ kinh ngạc, hốt hoảng chữa lời: “Già đây thật không biết ngài là Tây Bá Hầu nên đã ăn nói bậy bạ, xin ngài chớ trách.”
Cơ Xương vội vã giải thích: “Ngài đã nói ngày nay Trụ Vương vô đạo, thiên hạ phẫn nộ. Nếu ngài không chê, xin cùng tôi xuống núi, dựng lại nhà Chu diệt trừ nhà Thương, cứu độ lê dân bách tính.”
Khương Tử Nha làm bộ khách khí chối từ, nhưng cuối cùng vẫn đồng ý theo Cơ Xương hồi cung. Trên đường, hai người say sưa cùng nhau bàn định thế cục thiên hạ, nói mãi không dứt. Cơ Xương gặp được Khương Tử Nha mà vui mừng như cá gặp nước, chỉ hận biết nhau quá muộn. Về đến cung nhà Chu, Cơ Xương liền bái Khương Tử Nha làm Thái sư, coi ông như tâm phúc bên người. Kể từ ngày đó, Khương Tử Nha quan lộ hanh thông, thỏa sức thể hiện tài năng.
Khương Tử Nha đã sớm biết bỏ tối tìm sáng mà phụng sự Cơ Xương, trở thành Thái sư của nhà Chu. Nếu Khương Tử Nha bị trói buộc bởi quan niệm “Trung thần không thờ hai vua” thì chỉ e đến lúc từ giã cõi đời, ông vẫn chỉ là viên quan nhỏ không ai biết tới trong cung Trụ Vương, vĩnh viễn chẳng có cơ hội vươn lên. Thật đúng là kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt.
4
XUẤT PHÁT ĐIỂM KHÔNG TẠO NÊN ANH HÙNG
Trong quá trình thực hiện mục tiêu của bản thân, điều quyết định một người có đi được đến đích hay không là năng lực, nhân cách và sự cố gắng
Vào những năm 50 của thế kỉ XX, thị trường mĩ phẩm dành cho người da đen ở Mỹ đã bị công ty mĩ phẩm Revlon độc chiếm. Khi đó, George Johnson – vốn là nhân viên tiếp thị của hãng Revlon – đứng ra thành lập một công ty chuyên sản xuất mĩ phẩm dành cho người da đen. Ban đầu công ty chỉ có số vốn 500 đô-la và có tổng cộng ba nhân viên. Mục tiêu của Johnson lúc này là sản xuất ra một loại phấn má dạng nén, sau đó quảng bá cho sản phẩm này thông qua thương hiệu của Revlon. Thông điệp truyền thông của công ty Johnson có câu: “Sau khi dùng các sản phẩm của Revlon, hãy phủ thêm một lớp phấn Johnson và bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả bất ngờ mà nó mang lại.” Bằng cách quảng cáo như vậy, người tiêu dùng đã dễ dàng tiếp nhận sản phẩm của Johnson. Chỉ sau vài năm, công ty của anh đã nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị phần. Mĩ phẩm Johnson đã thay thế mĩ phẩm Revlon trong tủ đồ trang điểm của người da đen ở Mỹ.
Trung Quốc cũng có một câu chuyện như sau: Một vị tướng trong Tương quân muốn trở thành ông chủ lớn nhưng anh ta lại không có tiền vốn để khởi nghiệp. Một ngày nọ, vị tướng này đi đến một nơi thuộc vùng Chiết Giang. Nhận thấy có cơ hội làm ăn ở đây, anh ta liền đi gặp lãnh đạo nơi đó và đưa ra đề nghị: Anh ta sẽ bỏ tiền sửa lại cây cầu qua sông đã xuống cấp nặng tại địa phương này và chính quyền sẽ để anh thu phí qua cầu trong vòng 15 năm. Chính quyền nơi đây không đồng ý. Cuối cùng hai bên đi đến thỏa thuận, vị tướng kia sẽ sửa cầu, đổi lại chính quyền sẽ cho anh ta thuê khu đất ở vùng trung tâm. Sau đó, vị tướng đã làm thủ tục sang tên người sử dụng mảnh đất trung tâm kia cho một thương nhân người Hồng Kông. Nhờ đó anh ta không những đủ tiền sửa cầu mà còn thu được một khoản lớn tiền chuyển nhượng.
Tại Nhật Bản lại có một người tên là Nishi Sato. Anh này vốn là một tài xế. Sau khi làm việc cho Tập đoàn Musashino mấy năm, một ngày nọ anh ta cầm đơn từ chức đi gặp chủ tịch tập đoàn. Dưới đây là cuộc đối thoại giữa hai người.
“Chủ tịch, xin ngài cho phép tôi nghỉ việc.”
“Vì sao thế? Hãy nói cho tôi nghe lí do anh xin nghỉ.”
“Thông tin trong bản sơ yếu lí lịch mà tôi nộp lúc mới vào công ty là giả. Tôi luôn cảm thấy tội lỗi và bất an về nó.”
“Anh khai sai những gì?”
“Thực ra tôi mới tốt nghiệp cấp hai, nhưng trong lí lịch tôi lại khai là đã học hết cấp ba.”
“Thật khó để anh thừa nhận điều này. Nhưng tôi đã sớm biết anh chưa tốt nghiệp cấp ba, bởi vì có nhiều chữ anh không biết viết, cũng không giỏi tính toán. Nhưng anh đừng bận tâm, cái tôi quan tâm không phải là học lực mà là năng lực của anh. Anh không cần xin từ chức vì việc này.”
Về sau, người nhân viên này đã phấn đấu làm việc và trở thành giám đốc kinh doanh của tập đoàn.
Một vài ví dụ kể trên đã thể hiện rõ đạo lí mà người xưa vẫn luôn đề cao, đó là: Anh hùng không hỏi xuất thân. Cho đến ngày nay, đạo lí này vẫn còn nguyên giá trị.
Trong xã hội, có rất nhiều người sinh ra trong gia đình giàu sang và có cuộc đời sung túc. Ngược lại, không ít người có thời niên thiếu khó khăn, nhưng sau khi trưởng thành đã tự gây dựng được sự nghiệp thành công và cuộc sống hạnh phúc. Vì vậy, có thể thấy rằng xuất phát điểm của một người ở đâu không quan trọng. Trong quá trình thực hiện mục tiêu của bản thân, điều quyết định người đó có đi được đến đích hay không là năng lực, nhân cách và sự cố gắng. Chính những điều này mới quyết định bạn là ai, bạn có thể làm được gì. Cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người, hãy gạt bỏ quá khứ và chủ động nắm bắt thời cơ của mình.
5
ĐẶT ĐÚNG MỤC TIÊU LÀ ĐÃ THÀNH CÔNG MỘT NỬA
Những cá nhân thành công đều đặt ra cho mình một mục tiêu nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp
Những người thành công đều đề ra cho mình mục tiêu đúng đắn và chuyên tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đó. Những nhân vật dưới đây là ví dụ.
Mục tiêu lớn nhất của Stanley Edward Chatterton là thành lập chuỗi cửa hàng bán lẻ với thương hiệu Woolworths Group trên khắp nước Úc. Chatterton đã dồn hết tinh lực vào việc thực hiện mục tiêu này, cuối cùng ông đã đạt được thành công vĩ đại cho bản thân.
William Wrigley Jr. – người sáng lập công ty kẹo cao su Wm. Wrigley Jr. nổi tiếng tại Mỹ – một lòng chuyên tâm muốn sản xuất loại kẹo cao su có giá 5 xu mỗi gói. Kết quả là ông kiếm được số tiền gấp hàng triệu lần con số đó.
Nhà bác học Thomas Edison chuyên tâm nghiên cứu các quy luật tự nhiên và ứng dụng nó vào các phát minh. Ông đã cống hiến cho thế giới nhiều phát minh có giá trị hơn bất cứ ai khác.
James Buchanan Duke – nhà tư bản công nghiệp người Mỹ kinh doanh điện và thuốc lá – nhờ kiên trì với sự nghiệp của mình mà sớm trở thành triệu phú đô-la.
Edwin C. Barnes có mong muốn mãnh liệt là được hợp tác kinh doanh với Thomas Edison. Ông nhìn thấy cơ hội ở những chiếc Máy đọc Edison và đề nghị nhà phát minh tài ba cho phép mình bán nó. Nhờ đó Barners đã kiếm được bội tiền và tuyên bố nghỉ hưu khi vẫn còn rất trẻ.
Woodrow Wilson chuyên tâm làm chính trị trong suốt hai mươi mấy năm. Cuối cùng, vào năm 1913, ông đã trở thành chủ nhân thứ 28 của Nhà Trắng.
Abraham Lincoln cống hiến cuộc đời mình cho nỗ lực giải phóng nô lệ da đen và ông đã trở thành một trong những tổng thống Mỹ vĩ đại nhất lịch sử.
Martin W. Littleton sau một lần đi nghe diễn thuyết đã quyết tâm trở thành một luật sư vĩ đại. Ông dồn hết tinh lực để chuyên tâm thực hiện mục tiêu này của mình. Về sau, ông quả thực đã trở thành luật sư nổi tiếng và thành công nhất nước Mỹ trong thế kỉ XIX-XX.
John D. Rockefeller nhờ phát hiện ra tiềm năng của dầu mỏ mà sau này đã trở thành Vua dầu mỏ, đồng thời cũng là người giàu có nhất nước Mỹ thời bấy giờ.
Henry Ford thành lập công ty chuyên sản xuất ô tô giá rẻ. Nhờ có các chiến lược đúng đắn và sản phẩm chất lượng, Ford Motor đã trở thành doanh nghiệp ô tô hàng đầu và bản thân ông cũng trở thành một trong những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới.
Andrew Carnegie thành lập công ty thép và trở thành Vua thép nước của Mỹ. Tên của ông được khắc ở nhiều nơi trang trọng trên khắp xứ cờ hoa.
King C. Gillette đã thiết kế và sản xuất phiên bản dao cạo râu an toàn, đưa tên tuổi của mình gắn liền với thương hiệu dao cạo râu số một thế giới.
George Eastman là người sáng lập ra công ty Kodak chuyên sản xuất các thiết bị nhiếp ảnh, đồng thời cũng là người sáng chế ra phim nhựa cảm quang. Ông đã thúc đẩy xu thế phát triển của nền nhiếp ảnh thế giới.
Russell H.Conwell là tác giả của cuốn sách truyền cảm hứng Những cánh đồng kim cương18 (Acres of Diamonds). Tác phẩm này đã giúp Conwell thu về sáu triệu đô-la tiền bán bản quyền.
18 NXB Kinh tế TPHCM, 2018.
William Randolph Hearst là người khai sinh ra thể loại báo chí giật gân và sau này đã trở thành ông trùm báo chí Mỹ.
Helen Keller bị mù và điếc từ khi còn nhỏ. Quyết tâm vượt lên số phận, bà học chữ nổi, thi đỗ Trường Đại học Radcliffe College và sau đó trở thành người mù-điếc đầu tiên trên thế giới tốt nghiệp đại học.
John H. Patterson phát minh ra máy thu ngân (cash register) giúp cải tiến hoạt động mua bán, tiết kiệm thời gian và sức lao động cho con người.
Anh em nhà Wright có niềm đam mê mãnh liệt với máy móc. Nhờ vậy, họ đã chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới, giúp con người thành công chinh phục bầu trời.
George Mortimer Pullman đã thiết kế và phát triển xe ngủ Pullman19, cung cấp cho hành khách quãng thời gian nghỉ ngơi thoải mái khi sử dụng dịch vụ của hãng.
19 Xe ngủ Pullman: Xe chở khách chạy trên đường sắt được bố trí giường nằm của hãng xe Pullman với mục đích giúp hành khách thoải mái khi di chuyển vào ban đêm.
...
Từ những ví dụ về các nhân vật trên, có thể thấy rằng những cá nhân thành công đều đặt ra cho mình một mục tiêu nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp. Có được mục tiêu đúng đắn là đã thành công được một nửa. Nếu muốn đứng trên đỉnh vinh quang, hãy nhìn lại bản thân xem bạn đã xây dựng cho mình một mục tiêu rõ ràng để hành động chưa? Cùng suy nghĩ sau những ví dụ trên nhé!
6
CỐ GẮNG SẼ BIẾN THẤT BẠI THÀNH THÀNH CÔNG
Tôi muốn thắng lợi, tôi nhất định phải cố gắng. Kết quả là tôi thắng lợi rồi
Có một nhân viên bán hàng trẻ tuổi tên là David. Cậu đang là sinh viên đại học, tranh thủ thời gian nghỉ hè xin vào làm nhân viên bán bảo hiểm để kiếm thêm chút tiền. Trong hai tuần đào tạo nghiệp vụ, David đã học được rất nhiều kiến thức và kĩ năng, bao gồm những điều chính sau:
• Những thói quen cần có của một nhân viên bán hàng cần được tiếp tục rèn luyện sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng và sẽ phải giữ nguyên trong suốt sự nghiệp của bạn;
• Khi đã có mục tiêu bán hàng, bạn phải không ngừng cố gắng cho đến khi đạt được nó;
• Luôn giữ tinh thần phấn đấu tiến lên, không vì ngoại lực mà trở nên lười biếng hay mất niềm tin;
• Những khi tinh thần đi xuống, hãy tự động viên bản thân để có thể đi tiếp.
Sau khi học được những kinh nghiệm nói trên, cậu thanh niên David liền đặt ra cho mình một mục tiêu phấn đấu, đó là: Giành được giải thưởng nhân viên bán bảo hiểm xuất sắc. Muốn đạt được mục tiêu này, trong vòng một tuần làm việc, David phải bán được ít nhất 100 gói bảo hiểm.
Đến buổi tối thứ Sáu của tuần đó, David đã bán được 80 gói bảo hiểm, chỉ còn kém mục tiêu đề ra là 20 gói bảo hiểm nữa. Cậu âm thầm hạ quyết tâm trong lòng: Nhất định phải đạt mục tiêu. Không có gì có thể ngăn cản cậu làm được điều đó. David tin vào những bài học bán hàng đã được dạy trong khóa đào tạo: Nếu một người muốn làm một việc, anh ta sẽ tìm ra cách thực hiện nó. Vì vậy dù đồng nghiệp cùng nhóm đã đạt đủ chỉ tiêu và nghỉ ở nhà, David vẫn tiếp tục đi làm vào thứ Bảy.
Đến ba giờ chiều thứ Bảy, David vẫn chưa bán được thêm gói bảo hiểm nào. Cậu tự động viên bản thân bằng điều mình mới được học: Giao dịch thành công là nhờ vào thái độ chứ không phải hi vọng của nhân viên bán hàng. David cũng nhớ tới câu danh ngôn của Dale Carnegie20 mà cậu tâm đắc và thầm lặp lại nó năm lần trong đầu: “Tôi cảm thấy rất khỏe, tôi cảm thấy rất vui, tôi nhất định hoàn thành được nó.”
20 Dale Carnegie (1888-1955): Nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ và là người phát triển các lớp tự giáo dục, nghệ thuật bán hàng, diễn thuyết và các kĩ năng giao tiếp. Ông là tác giả của cuốn sách Đắc nhân tâm nổi tiếng.
Đến năm giờ chiều hôm đó, David kí thêm được được 3 hợp đồng bảo hiểm. Vậy là cậu vẫn còn cách mục tiêu đề ra 17 gói bảo hiểm nữa. David lại nhớ tới một câu đã đọc được: Thành công luôn ở bên cạnh những người biết cố gắng và không bỏ cuộc. Cậu lại nhiệt tình lặp lại câu nói của Dale Carnegie thêm vài lần: “Tôi cảm thấy rất khỏe, tôi cảm thấy rất vui, tôi nhất định hoàn thành được nó.” Tới mười giờ tối, David đã bán hết 17 gói bảo hiểm còn lại. Dù mệt nhoài nhưng cậu rất vui vì đã đạt được mục tiêu đề ra. David đã giành được giải thưởng nhân viên bán bảo hiểm xuất sắc nhất, đồng thời cũng học được một đạo lí: Không ngừng cố gắng có thể biến thất bại thành thành công.
Tâm thái tích cực chính là lời tổng động viên: “Tôi muốn thắng lợi, tôi nhất định phải cố gắng. Kết quả là tôi thắng lợi rồi.” Chúng ta có thể phát huy sức mạnh của tâm thái này để đạt được bất cứ mục tiêu nào mà mình mong muốn.
7
ĐỐI XỬ VỚI THÀNH CÔNG BẰNG THÁI ĐỘ TÍCH CỰC
Hãy ý thức được sự nỗ lực của mình sẽ mang lại kết quả gì và trân trọng, tự hào về sự cố gắng ấy
Sự khác biệt lớn nhất giữa văn hóa phương Đông và phương Tây chính là thái độ đối với thành công.
Thời cắp sách tới trường, một số học sinh có thành tích học tập không tốt thường tìm đến những bạn học giỏi và nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm học tập. Những học sinh có thành tích học tập tốt lại nói rằng sau khi tan học họ thường xuyên đi chơi, đi xem phim, tham gia các hoạt động giải trí cùng gia đình, thậm chí là cày game cả đêm..., chẳng thấy nhắc đến việc ngồi vào bàn học.
Nghe xong những chia sẻ này, có thể chính bạn cũng cảm thấy không thể tin nổi. Làm sao thành tích của một học sinh thức trắng đêm ôn thi lại kém xa thành tích của một học sinh suốt ngày vui chơi được?
Sự thật chỉ có thể là do học sinh có thành tích tốt đó không muốn chia sẻ bí quyết học tập của mình với bạn học, sợ thành tích của mình bị bạn học vượt qua mà thôi. Câu trả lời phía trên hoàn toàn không phải sự thật, chỉ là một chiêu “qua mặt”.
Người Trung Quốc hiểu rất sâu sắc về chữ “trá” (lừa) này. Khi bạn gặp những người Trung Quốc thành công và hỏi về bí quyết của họ, trăm người như một sẽ đều trả lời rằng đó là nhờ may mắn. Họ chỉ làm đúng việc cần làm vào đúng thời điểm, hoàn toàn không phải trải qua khó khăn hay thử thách nào. Dường như những người này cho rằng nói ra sự thật sẽ khiến thành công của họ chuyển thành thất bại.
Khi tháp Eiffel ở Paris được khởi công, có một nhà báo tìm đến công trường thi công để phỏng vấn các công nhân xây dựng, muốn biết quan điểm của họ về công trình này.
Người công nhân thứ nhất trả lời: “Làm hòa thượng một ngày thì đánh chuông một ngày. Đây là công việc thôi, làm ngày nào biết ngày ấy. Mỗi khi nghỉ ngơi chúng tôi có thêm một cốc rượu để uống, tôi thấy vậy là thỏa mãn rồi.”
Người công nhân thứ hai nói: “Một nhà năm miệng ăn nhà tôi đều phải dựa vào tiền công của tôi, cho nên tôi phải chăm chỉ làm việc. Và tôi cũng biết rằng, nếu tôi làm tốt thì sẽ được cấp trên đánh giá cao. Tôi hi vọng sắp tới sẽ được tăng lương.”
Người công nhân thứ ba chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng một tòa tháp bằng sắt cao nhất thế giới. Sau khi công trình hoàn thành, du khách từ khắp mọi nơi sẽ đến đây thăm quan. Được tham gia đóng góp công sức cho công trình vĩ đại này, bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự, và người nhà tôi cũng tự hào với vinh dự này của tôi.”
Sau đó người phóng viên đã khái quát các câu trả lời này thành: Người công nhân thứ nhất “làm việc vì mưu sinh”, người công nhân thứ hai “làm việc vì công việc”, người công nhân thứ ba “làm việc vì lí tưởng”. Mục tiêu của mỗi người đều không sai và tiêu chuẩn thành công của mỗi người cũng khác nhau, nhưng người công nhân thứ ba đã đặt cho mình mục tiêu đóng góp cho xã hội. Đây là thái độ nên có mỗi khi chúng ta bắt tay vào làm bất cứ việc gì và chính nó sẽ giúp chúng ta có thêm động lực và hoàn thành mục tiêu đã đề ra một cách tốt nhất.
8
DŨNG CẢM QUYẾT ĐỊNH CUỘC ĐỜI MÌNH
Quá chán ghét môi trường cũ nhưng lại không dám ném mình vào một hoàn cảnh mới càng khiến chúng ta lãng phí tinh lực và thời gian của bản thân
Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống khiến chúng ta cảm thấy khó xử, tiến thoái lưỡng nan. Chúng ta không cam lòng chấp nhận hoàn cảnh sống và làm việc hiện tại, nhưng bản thân lại lo sợ rằng sau khi từ bỏ, chúng ta sẽ rơi vào một hoàn cảnh càng tệ hại hơn, cho nên cứ dùng dằng không quyết được. Mặt khác, vì không có cách nào toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc hiện tại cho nên càng khiến tình cảnh thêm phần khó khăn hơn nữa.
Tiếc là, trong đời thực, kiểu người đã quá chán ghét môi trường cũ nhưng lại không dám ném mình vào một hoàn cảnh mới lại có rất nhiều. Và càng mắc kẹt giữa hai quyết định thì họ càng lãng phí tinh lực và thời gian của bản thân.
Vậy khi thấy công việc không còn phù hợp với bản thân, chúng ta nên làm thế nào?
Nhóm người đã có công việc ổn định thường khó thay đổi nhất. Đối với những công ty có tiếng tăm, người ta phải cạnh tranh rất dữ dội mới có được một vị trí ổn định. Từ sau năm 2000, nhiều doanh nghiệp kiểu này chỉ có thể phát triển cầm chừng trong quy mô vừa. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, rất nhiều người sẽ phân vân nên rời đi hay ở lại.
Khi một người tiến cũng không được lùi cũng không xong thì tâm lí của người đó sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực. Trong cùng một công ty, người này có thể không thích người kia, phòng này có thể đấu đá với phòng kia. A kêu ca với B, B khích bác C, C nói cho D... cứ như vậy lan truyền. Kết quả là tâm lí của những người này trở nên tệ dần theo thời gian, nhìn ai trong công ty cũng thấy khó chịu. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, cuộc sống của bạn sẽ vô cùng mệt mỏi.
Vậy có cách nào khắc phục tâm bệnh tiến thoái lưỡng nan này hay không?
Kiên quyết tiến lên
Kiên quyết tiến lên chính là quyết tâm làm bằng được điều mình muốn trong công việc hiện tại. Một lần chưa được thì hai lần, hai lần chưa được thì ba lần, ba lần chưa được thì bốn lần, đi đến cùng mới thôi, quyết không bỏ cuộc giữa chừng.
Hãy đọc câu chuyện dưới đây để hiểu hơn về điều này.
Vào thời nhà Tống, có một lần đại thần Triệu Phổ tiến cử một người với Tống Thái Tổ, nhưng bị Tống Thái Tổ làm lơ, coi như không nghe thấy. Triệu Phổ cũng không lấy thế làm ngượng, ngày hôm sau khi vào triều lại lần nữa đem chuyện này tâu lại. Khi đó Tống Thái Tổ vẫn không phê chuẩn. Triệu Phổ vẫn không từ bỏ, lần thứ ba dâng tấu về chuyện này, thậm chí còn liên tục tâu lại trong ba ngày liên tiếp sau đó, đến nỗi các quan trong triều cũng cảm thấy sao ông có thể mặt dày mày dạn như vậy. Hành vi của Triệu Phổ khiến Tống Thái Tổ nổi giận, cầm ngay bản tấu của ông xé tan rồi ném xuống đất.
Nhưng Triệu Phổ vẫn giữ ý định cũ, nhặt lại bản tấu chương, mang về nhà dán lại cẩn thận. Ngày hôm sau vào triều, ông không tâu trình nữa, chỉ đem tấu chương đã dán lại đội lên đầu. Tống Thái Tổ vì thế mà mềm lòng, chỉ đành thở dài chuẩn tấu.
Kiên quyết rút lui
Kiên quyết rút lui nghĩa là hoàn toàn buông bỏ để tìm kiếm cơ hội mới, hướng đi mới. Giống như câu nói của người xưa: “Lùi một bước trời cao biển rộng.” Câu chuyện dưới đây là ví dụ.
Ông Quách là nhân viên phụ trách kĩ thuật cho một nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở Bắc Kinh. Ông đã nhiều lần giành được giải thưởng cải tiến kĩ thuật, có đóng góp lớn cho nhà máy và được tặng thưởng một ngôi nhà khang trang. Về sau, lãnh đạo nhà máy nghi ngờ ông Quách còn làm việc cho đơn vị khác, vậy nên đã bãi miễn chức vụ và điều chuyển ông sang vị trí công tác không liên quan đến chuyên môn kĩ thuật.
Từ khi bị điều chuyển công tác, ông Quách không còn cơ hội phát huy sở trường của bản thân, đương nhiên cũng không có cách nào phát triển tiếp sự nghiệp của mình. Vì vậy ông muốn nghỉ việc ở đây để làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên lãnh đạo nhà máy không đồng ý cho ông Quách nghỉ việc vì lúc này nhà máy đang gặp nhiều khó khăn, công nhân viên đã có tâm lí bất an. Nếu lãnh đạo phê chuẩn đơn xin thôi việc của ông Quách, sợ rằng sẽ tạo nên làn sóng các nhân viên kĩ thuật đua nhau xin nghỉ, như vậy nhiều khả năng sẽ khiến nhà máy phá sản. Hơn nữa việc điều chuyển công tác của ông Quách chỉ là tạm thời trong lúc chờ xác minh rõ chuyện ông có làm việc cho nơi khác hay không, sau này nhà máy vẫn sẽ tiếp tục trọng dụng ông Quách. Tuy nhiên, ông Quách vẫn kiên quyết xin thôi việc. Một mặt ông đệ đơn từ chức lên cấp có thẩm quyền và gửi đơn kêu cứu tới công đoàn lao động, mặt khác ông vẫn liên hệ với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài để chuyển công tác. Lãnh đạo nhà máy thấy vậy, chỉ đành cho ông Quách nghỉ việc.
Vừa tiến vừa thoái
Đây là cách vừa giữ thể diện cho người khác, khiến đối phương có thể “rút lui” êm đẹp, mặt khác vẫn giúp bạn giữ vững nguyên tắc của bản thân để “tiến lên”. Lựa chọn này tương đối phù hợp với những người có năng lực và các tình huống vẫn còn khả năng biến chuyển.
Trong tác phẩm Sử ký của Tư Mã Thiên có ghi lại: Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tề Uy Vương hoang dâm vô độ, không màng chính sự. Khi ấy tình hình đất nước vô cùng bi đát, trung thần mắt thấy vương triều sắp diệt vong nhưng không dám hé lời can gián. Cuối cùng chỉ có một viên quan “thân cao không đầy bốn thước” là Thuần Vu Khôn dám đứng ra khuyên can Tề Uy Vương. Nhưng Thuần Vu Khôn cũng rất thức thời, không hùng hùng hổ hổ, đơn độc đến diện kiến Tề Uy Vương, mà trước tiên tiến lên xin kể chuyện mua vui cho Hoàng đế. Thuần Vu Khôn tâu với Tề Uy Vương: “Ở nước Tề chúng ta có một loài chim lớn, sống trên nóc cung điện của Bệ hạ ròng rã đã ba năm. Nhưng nó không tung cánh bay lượn, cũng chẳng cất tiếng hót kêu, Bệ hạ có biết là vì sao không ạ?”
Tề Uy Vương tuy có ăn chơi hoang đàng nhưng chưa đến mức không thể cứu vãn. Vì vậy khi nghe những lời đầy ẩn ý này của Thuần Vu Khôn, Hoàng đế đã giật mình tỉnh ngộ, suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Ta biết, loài chim này nếu bay thì sẽ lên tới trời cao, nếu kêu thì sẽ chấn động mọi người. Nhà ngươi hãy cứ chờ đấy.” Từ đó Tề Uy Vương đã không còn sa đà vào hưởng thụ rượu ngon gái đẹp mà dốc hết sức chăm lo việc triều chính. Hoàng đế đã thân chinh cầm quân đánh lui giặc ngoại xâm, giành lại những vùng đất bị chiếm đóng. Nước Tề lại trở nên hùng mạnh như xưa.
9
NẮM BẮT THỜI CƠ TRONG CHỚP MẮT
Một khi thời cơ xuất hiện, một khi “kẽ hở” lộ ra, bạn không được phép chậm trễ, chờ đợi hay do dự mà ắt phải quyết đoán nắm lấy nó. Nếu không, rất có thể cơ hội sẽ một đi không trở lại
Napoleon Hill – cha đẻ của bộ môn Thành công học – cho rằng nắm bắt thời cơ chính là việc “thấy hở liền khâu”. Nếu coi “kẽ hở” là ẩn dụ của cơ hội thì “thấy hở” chính là giỏi phát hiện cơ hội, còn “khâu” chính là không bỏ lỡ thời cơ hành động.
“Thấy hở liền khâu” là triết lí kinh doanh của những thương nhân lão luyện. “Cứu một sọt đất”21 nghĩa là có khả năng nhìn ra nguyên nhân thành công hay thất bại, tìm ra đâu là “một sọt đất” còn thiếu vào lúc này để hành động hợp lí, giành lấy thành quả. Núi cao chín nhận22 chỉ vì thiếu một sọt đất nữa mà không thể đắp nên sẽ khiến người ta cảm thấy tiếc nuối khôn nguôi.
21 Cứu một sọt đất: Lấy ý từ câu sau trong tác phẩm Luận ngữ do Khổng Tử và các đệ tử biên soạn: Ví như đắp núi, chỉ còn một sọt nữa là xong mà lại ngừng, đó là tại ta muốn bỏ dở vậy.
22 Núi cao chín nhận: Một nhận bằng tám thước, câu này ý chỉ một ngọn núi rất cao.
Con đường thành công của Armand Hammer – doanh nhân nổi tiếng thế giới – là minh chứng cho những điều này.
Armand Hammer sinh ngày 21 tháng 5 năm 1898 tại quận Bronx, thành phố New York của Mỹ. Tổ tiên của Hammer là người Do Thái sống ở Nga, từng mưu sinh bằng nghề đóng tàu, sau đó vì kinh tế khó khăn mới di cư sang Mỹ vào khoảng năm 1875. Cha đẻ của Hammer là bác sĩ đồng thời mở đại lí bán thuốc chữa bệnh. Gia đình ông có ba người con, và Hammer là đứa trẻ bướng bỉnh nhất nhưng giàu óc sáng tạo nhất. Năm 16 tuổi, ông trông thấy và rất thích một chiếc xe hơi mui trần hai chỗ đã cũ đang được bán đấu giá. Nhưng mức giá 185 đô-la cho chiếc xe vào lúc ấy là số tiền quá lớn đối với Hammer.
Nhưng Hammer vẫn không từ bỏ cơ hội. Ông vay tiền của anh trai đang làm việc ở quầy thuốc của gia đình để mua chiếc xe kia. Sau đó, ông dùng nó để chở hàng thuê cho một cửa hàng bánh kẹo. Hai tuần sau, Hammer đã trả hết số tiền vay anh trai. Đương nhiên, “thương vụ” đầu tiên của Hammer chẳng thấm vào đâu so với các thương vụ sau này của ông, nhưng vào thời điểm 16 tuổi, đây vẫn là “vụ làm ăn khổng lồ” đối với Hammer. Nhờ đó, ông đã nhận ra thiên phú kinh doanh của mình.
Trong thời kì Thế chiến thứ hai, mức sống của người dân nước Mỹ được nâng cao đáng kể. Những người có tiền mua thịt bò ở Mỹ ngày càng nhiều lên, khiến cho thịt bò loại ngon trên thị trường trở nên khan hiếm. Hammer lúc này đã là chủ một doanh nghiệp lớn. Nhận thấy tình hình này, ông đã nhanh chóng cho xây dựng một trang trại nuôi bò trong khu đất riêng của mình. Đồng thời ông đã bỏ ra 100 nghìn đô-la để mua con bò đực có tên Hoàng tử Eric được coi là con bò giống tốt nhất thời đó. Hoàng tử Eric đã trở thành “cây tiền” của Hammer. Nó giúp ông kiếm lại hàng triệu đô-la và đưa ông từ kẻ ngoại đạo trở thành ông trùm chăn nuôi được kính nể.
Năm 1956, Hammer mua lại một công ty dầu mỏ làm ăn thua lỗ do quản lí kém ở phía Tây California và dần dấn thân vào lĩnh vực này. Lúc đó, có công ty dầu mỏ Texaco từng tiến hành hoạt động khoan tìm khí tự nhiên ở thung lũng phía Đông San Francisco. Mũi khoan đã khoan sâu tới 5.600 feet (khoảng 1.707m) nhưng vẫn không thấy dấu hiệu của khí tự nhiên.
Chủ công ty dầu mỏ Texaco cho rằng hoạt động này quá tốn kém, cho nên quyết định dừng lại. Nhận thấy việc khoan dò khí tự nhiên của công ty Texaco có tỉ lệ rủi ro là 30% nhưng tỉ lệ thành công lên đến 70%, Hammer đã cùng nhân viên đến khảo sát địa thế. Ông cho dựng một dàn khoan ngay trên miệng giếng dầu đã bị phán “án tử” kia và tiếp tục khoan sâu hơn. Khi mũi khoan đâm sâu thêm 3.000 feet (khoảng 914m), khí tự nhiên phun trào mạnh mẽ. Đây chính là sức mạnh của việc “thấy hở liền khâu” và “cứu một sọt đất”.
Về sau, Hammer còn nhiều lần áp dụng thành công nguyên tắc này. Khi nghe nói ở đất nước Libya thuộc châu Phi có rất nhiều giếng dầu bỏ hoang của các công ty dầu mỏ nổi tiếng bỏ lại, Hammer đã đến tận nơi xem xét. Ông dùng điều kiện “chi 50% lợi nhuận từ việc khai thác dầu cho phát triển nông nghiệp Libya và tìm nguồn nước trên sa mạc là cố hương của nhà vua Libya” để thuê lại hai mảnh đất có giếng dầu bị các công ty kia bỏ hoang và nhanh chóng tìm ra chín giếng dầu tự phun ở đó.
Điểm mấu chốt của phương pháp “thấy hở liền khâu” nằm ở chỗ “hở”, cũng chính là nói tới cơ hội. Cơ hội luôn luôn giấu mình đằng sau những sự kiện khác, bị chúng che khuất và khó có thể nhận ra. Chỉ có những bậc tinh anh mới có thể nhìn thấu và nắm bắt những cơ hội tiềm năng bị người khác bỏ qua, đồng thời “khâu” đúng chỗ “hở” mà người ta coi thường.
Một trong những đặc điểm nổi bật của thời cơ là tính ngắn ngủi. Một khi thời cơ xuất hiện, một khi “kẽ hở” lộ ra thì bạn không được phép chậm trễ, chờ đợi hay do dự mà ắt phải quyết đoán nắm lấy nó. Nếu không, rất có thể cơ hội sẽ một đi không trở lại.
10
CÀNG GẦN THÀNH CÔNG, CÀNG CẦN CẨN TRỌNG
Mười phần cẩn trọng sẽ có thành công trọn vẹn, một phần bất cẩn dễ dẫn đến thất bại hoàn toàn
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã truyền nhau câu nói: “Mọi sự trên đời đều liên quan tới nhau. Do đó, một phần cẩn trọng sẽ có một phần thu hoạch, một phần bất cẩn sẽ có nhiều phần mất mát. Mười phần cẩn trọng sẽ có thành công trọn vẹn, một phần bất cẩn dễ dẫn đến thất bại hoàn toàn.” Vì vậy có thể thấy rằng phải luôn có tâm thái thận trọng trong mọi việc.
Trong công việc, có rất nhiều người lúc mới bắt tay vào làm thì rất cẩn trọng, nhưng khi tiến hành chưa được bao lâu đã bắt đầu buông lỏng cảnh giác. Có một số người đối với việc lớn, việc khó thì khá cẩn thận nhưng đối với việc nhỏ, việc dễ thì lại vô cùng cẩu thả. Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp mắc họa to chỉ vì bất cẩn trong chuyện nhỏ. Những trường hợp rơi vào khó khăn cùng cực cũng là vì đã coi thường những rắc rối nhỏ, vặt vãnh. Vì vậy, nếu không muốn thất bại, bạn phải luôn luôn cẩn thận.
Khi một việc càng tiến gần đến dấu mốc hoàn thành thì chúng ta càng phải cẩn thận, chú ý, không được chủ quan, khinh thường, tránh cho tất cả công lao trước đó đổ xuống sông xuống bể. Có rất nhiều câu chuyện trong lịch sử Trung Quốc đã chứng minh cho đạo lí này.
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tần là quốc gia giàu mạnh, khí thế bậc nhất. Tần Vũ Vương cho rằng từ nay bản thân có thể kê cao gối ngủ, tha hồ đắc ý, khinh mạn kẻ khác. Một mưu sĩ của vua Tần không cho như vậy là ổn, liền tâu với Tần Vũ Vương: “Thơ xưa có câu ‘Hành bách lý giả bán cửu thập’ (Dịch nghĩa: Với người đi trăm dặm, chín mươi dặm tính là nửa đường) là muốn nói đến sự khó khăn của việc kiên trì đến cùng. Nghiệp bá của chúa công có thành hay không còn phải nhìn xem thực lực của chư hầu các phương thế nào. Mà nay chúa công dương dương tự đắc, lên mặt khinh người, không màng chuẩn bị cho việc tranh bá. Nếu để các nước khác biết được thì chỉ sợ mục tiêu tấn công của họ không còn là nước Sở mà là nước Tần ta.”
Tần Vũ Vương cho dù am hiểu chính sự nhưng chỉ ngồi trên ngai vàng được bốn năm là bởi ông đã không nghe lời can gián của trung thần, mưu sĩ.
Trong lịch sử Trung Quốc, một trong những vị vua có cách cai trị anh minh, trong yên bình lo nghĩ cho lúc lâm nguy là Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Đường Thái Tông thường nói với quan lại trong triều rằng: “Trị nước cũng như trị bệnh. Người bệnh luôn hi vọng nhanh được chữa khỏi, một lòng cầu thầy cầu thuốc. Nếu người bệnh nghe lời thầy lang, phối hợp trị liệu, bệnh tình đương nhiên sẽ nhanh chóng tốt lên. Ngược lại, bệnh tình sẽ chuyển biển xấu, thậm chí là mất mạng. Trị nước cũng giống như vậy, muốn thiên hạ thái bình thịnh trị thì làm gì cũng phải cẩn thận. Nếu vào thời khắc quan trọng mà lại bất cẩn, ắt sẽ lâm vào cảnh nước mất nhà tan.
Hiện tại sự an nguy của thiên hạ đặt trên đôi vai ta, vì vậy ta phải tự nhắc nhở bản thân luôn cẩn trọng. Cho dù được người người khen ngợi, ta vẫn phải nghiêm túc kiểm điểm lại việc làm của bản thân, cố gắng làm tốt hơn nữa. Nhưng nếu chỉ dựa vào một mình ta thì rất khó. Hi vọng các ngươi có thể trở thành đôi mắt của ta, giúp ta nhìn ra chỗ ta còn thiếu sót. Hãy thẳng thắn, nếu các ngươi thấy ta chưa tốt mà lại không nói ra, đối với việc trị nước là vô cùng nguy hại.”
Đường Thái Tông luôn cẩn trọng trong việc trị nước và sẵn sàng lắng nghe góp ý, vì thế triều đại của ông được gọi là Trinh Quán chi trị, là triều đại mẫu mực cho muôn đời sau.
Nếu muốn vạn sự thuận lợi, bạn phải luôn có thái độ cẩn trọng đối với bất cứ sự việc và vào bất cứ thời điểm nào. Dù đạt được thành công nhất định cũng không được chủ quan, coi nhẹ mà càng phải chú ý hơn nữa.
11
THỪA NHẬN VÀ KHÉO TẬN DỤNG KHUYẾT ĐIỂM
Bão là thiên tai, là thảm họa với con người, nhưng nước mưa mà bão mang đến lại được giữ trong các hồ, đập thủy điện và góp phần làm ra điện
Tác giả người Nhật Bản Toranosuke Kawaguchi đã viết trong cuốn sách Phát minh học của mình rằng: “Hãy giỏi tận dụng khuyết điểm.”
Bão là thiên tai, là thảm họa với con người, nhưng nước mưa mà bão mang đến lại được giữ trong các hồ, đập thủy điện và góp phần làm ra điện. Vì vậy Kawaguchi đã nhấn mạnh: “Những thành tựu to lớn của nhân loại đều có liên quan đến việc khéo léo tận dụng khuyết điểm.”
Bà Portman, một nữ chuyên gia nhân sự người Mỹ đã từng mời tới một chuyên gia xã hội học và một chuyên gia tâm lí học để giúp kiểm tra phẩm chất và năng lực của cấp dưới.
Chuyên gia xã hội học chỉ ra rằng: Văn phòng của Portman có hai kiểu nhân viên: những người tư duy tuyến tính và những người tư duy hệ thống. Kiểu người thứ nhất luôn thật thà, thẳng thắn, lãnh đạo bảo gì thì làm nấy. Kiểu người thứ hai có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, nhanh chóng nắm bắt được điểm mấu chốt và tự đưa ra phương án hành động.
Chuyên gia tâm lí học lại chỉ ra: Cấp dưới của Portman có hai kiểu: một là những người nhiệt tình, hai là những người bới lông tìm vết.
Bà Portman đã tổng hợp kết quả của hai chuyên gia để đưa ra phương án sắp xếp nhân sự như sau: Những người có tư duy tuyến tính và nhiệt tình sẽ làm giáo viên kĩ thuật vì họ có khả năng hướng dẫn, chỉ dạy người khác. Những người có tư duy tuyến tính nhưng lại thích bới lông tìm vết sẽ làm cảnh sát vì họ thích quan tâm đến chuyện của người khác. Những người có tư duy hệ thống và nhiệt tình có thể trở thành lãnh đạo, cố vấn vì họ biết nhìn xa trông rộng và chăm chỉ cống hiến. Những người có tư duy hệ thống nhưng lại thích bới lông tìm vết sẽ làm đốc công vì khả năng quan sát của họ rất tốt. Cách sắp xếp như vậy tương đối phù hợp. Bảo gì làm nấy và bới lông tìm vết đều là khuyết điểm nhưng bà Portman đã “khéo dùng”, “giỏi dùng” những khuyết điểm này, từ đó khoa học hóa, hệ thống hóa công tác quản lí của bản thân.
Đương nhiên, tiền đề của việc giỏi dùng khuyết điểm là phải dũng cảm thừa nhận khiếm khuyết của mình. Như vậy một người mới có thể khắc phục tính nhút nhát, nâng cao dũng khí, từ đó giúp bản thân bình tĩnh đối mặt với tất cả khó khăn.
Đối với khuyết điểm của người khác, dù họ là lãnh đạo, người thân hay bạn bè, chúng ta cũng nên dang tay đón nhận và khích lệ họ, để ngay cả những người còn mù mờ cũng có thể nhận thức và phát huy tiềm năng của bản thân. Xét trên phương diện này, Shigenobu Nagamori – nhà sáng lập công ty Nidec Corporation Nhật Bản – chính là người sáng tạo ra “Bí quyết phê bình sinh ra nhân tài”. Ông phê bình nhân viên 100 lần thì mới khen ngợi họ một lần.
Nidec Corporation được bình chọn là một trong những doanh nghiệp xuất sắc hàng đầu của Nhật Bản, mà bí quyết thành công của công ty này chính là thu hút nhân tài. Tuy nhiên nhân tài mà Nidec Corporation tuyển dụng lại không phải những “người giỏi nhất” giống như thông thường mà là “nhân tài hạng ba”, “nhân tài hạng tư”.
Thực chất, năng lực giữa các nhân viên này không có khác biệt quá lớn. Tuy nhiên, những người được gọi là “hạng nhất” luôn có tinh thần phấn đấu không bỏ cuộc, không chịu bị bỏ lại phía sau, nhờ vậy đã phát huy được hết tài năng của mình. Còn “nhân tài hạng ba”, “nhân tài hạng tư” lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đánh mất tinh thần phấn đấu vươn lên, mất luôn cơ hội khẳng định chính mình. Mục đích chính của việc phê bình nhóm những “nhân tài hạng ba”, “nhân tài hạng tư” này là để khơi dậy nhiệt tình và đánh thức ý chí phấn đấu đã ngủ say trong họ, giúp họ xây dựng lại đam mê, khát vọng trong công việc và cuộc sống.
Thực tế chứng minh “Bí quyết phê bình sinh ra nhân tài” của Shigenobu Nagamori đã đạt được mục đích của nó. Nagamori chủ trương, trong nội bộ công ty phải hình thành được lối suy nghĩ những người bị phê bình là những cá nhân xuất sắc nhất và có hi vọng phát triển nhất. Nói cách khác, đó là những nhân viên đáng tin nhất trong công ty. Cũng theo cách nhìn nhận của Nagamori, những “nhân tài hạng ba”, “nhân tài hạng tư” chỉ cần được tin tưởng, được thể nghiệm cảm giác có được thành tựu thì sẽ học được cách để vươn lên giành chiến thắng. Họ có tiềm năng trở thành “nhân tài hạng nhất”, thậm chí là “nhân tài siêu hạng”.
Đương nhiên, bí quyết phê bình sinh ra nhân tài của Shigenobu Nagamori cũng có nguyên tắc riêng. Dưới đây là hai điểm cần chú ý:
• Đầu tiên, người phê bình phải nắm được đặc điểm tính cách của người sẽ bị phê bình. Có nghĩa là trước khi phê bình người khác, chúng ta phải hiểu đúng, hiểu rõ về họ. Shigenobu Nagamori từng nói rằng: “Tôi không bao giờ phê bình một nhân viên mới. Nên quan sát tỉ mỉ và tìm hiểu sâu về năng lực, tư duy, nhận thức và thái độ ứng xử của nhân viên đó trong khoảng một năm hoặc lâu hơn, sau đó mới cân nhắc xem cách phê bình nào thì phù hợp nhất với đối phương rồi mới tiến hành từng bước.”
• Thứ hai, phải xem xem người bị phê bình có đáng được phê bình hay không. Shigenobu Nagamori chia nhân viên dưới quyền thành hai nhóm: những người đáng được phê bình và những người không đáng được phê bình. Nhóm thứ nhất là những nhân viên tiến bộ sau khi được nhận xét, góp ý. Nhóm thứ hai là những nhân viên cho dù được phê bình cũng không có tiến bộ. Theo Shigenobu Nagamori, những người không đáng được phê bình là những cá nhân dù có đào tạo thế nào cũng không hiệu quả. Đây là những nhân viên sẽ sớm bị đào thải.
12
CHUYÊN TÂM LÀM TỐT MỘT VIỆC ĐỂ PHÁT HUY SỞ TRƯỜNG
Tập trung làm tốt một việc không những có thể phát huy sở trường, hình thành thế mạnh cho bạn mà còn có thể khắc phục nhược điểm, giúp bạn biến yếu thành mạnh
Trước đây, có hai vị cung thủ nổi danh là thần cung thi đấu với nhau. Cả hai người đều có thể bắn bách phát bách trúng từ khoảng cách hơn trăm bước chân, cho nên họ rất tự hào về năng lực của mình. Nhưng ông lão bán dầu đứng xem hai người thi đấu lại không phục họ, vì vậy hai cung thủ mời ông thể hiện tài năng. Ông lão liền đặt gánh dầu trên vai xuống, lấy ra một cái chai, đặt một đồng tiền xu lên miệng chai. Tiếp đó, ông lấy cái gáo múc dầu trong thùng, đổ vào chai qua lỗ trên đồng tiền xu mà không làm dây một giọt dầu nào ra đồng tiền. Rồi ông lão bán dầu nói với hai cung thủ, việc này chẳng tính là khó, làm mãi sẽ thành quen.
Bản lĩnh của ông lão bán dầu và bản lĩnh của hai cung thủ là tương tự như nhau. Cả hai bên đều phải luyện tập trong một thời gian dài mới đạt đến trình độ thành thục như vậy.
Bàn về câu chuyện nói trên, người xưa cảm thán: “Nếu ai cũng chuyên tâm dồn chí thì còn có việc gì mà không thể làm nổi?” Có người hỏi con trai của nhạc trưởng nổi tiếng người Ý Arturo Toscanini: “Bố cháu cho rằng thành tựu lớn nhất trong đời ông ấy là gì?” Cậu con trai đã trả lời: “Trong cách nghĩ của bố cháu, không có cái gọi là thành tựu lớn nhất. Chỉ có trước mắt phải làm gì mới là việc quan trọng nhất, bất kể đó là việc chỉ huy dàn nhạc, hay là bóc một quả quýt.” Sở dĩ nhạc trưởng Arturo Toscanini có thể đạt được những thành tựu vĩ đại như vậy là bởi ông luôn tập trung cao độ làm tốt việc phải làm.
Những đóng góp của Thomas Edison cho nhân loại là vô cùng quý giá. Tuy nhiên, bản thân ông không được tiếp cận nhiều với nền giáo dục chính thống, ông đã phải tự học để tích lũy vốn kiến thức khổng lồ. Có một nhân vật từng đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của Edison.
Thuở nhỏ, Edison thường tới đọc sách tại thư viện lớn nhất của vùng Port Huron. Một lần, một người trông có vẻ là giáo sư cũng ngồi đọc sách gần nơi Edison đang ngồi. Người đó thỉnh thoảng lại quay sang quan sát Edison, một lúc sau thì đi đến ngồi kế bên ông và thân tình hỏi thăm: “Ta thường gặp cháu ở đây. Ta nghĩ cháu đã đọc được không ít sách.”
Edison trả lời: “Đúng vậy, chồng sách cháu đã đọc cao khoảng hai gang tay.”
“Vậy cháu đọc những sách gì?”, người kia lại hỏi.
Edison thành thật trả lời: “Cháu đọc theo thứ tự trên giá sách vì cháu muốn đọc hết tất cả sách có ở đây.”
Người lạ nghe xong liền nói với Edison: “Cháu chăm chỉ đọc sách như vậy thật khiến người ta nể phục. Nhưng sách vở vô biên, kiến thức vô bờ, cháu có thể đọc và nắm được hết tri thức trên đời này không? Kể cả cháu có ngày ngày đọc sách, chỉ sợ cả đời này cháu cũng không đọc hết được số sách có trên thế giới này. Cháu hãy chọn ra một, hai loại sách cần đọc, còn thời gian và sức lực thì mới đọc sang loại khác. Đọc kĩ và chuyên sâu một loại như vậy, cháu nhất định sẽ thành công.”
Nghe xong điều này, Edison như bừng tỉnh ngộ. Từ đó về sau ông đã làm theo lời khuyên người nọ, chuyên tâm đọc sách về vật lí và máy móc, cuối cùng trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Edison cũng chưa từng quên người lạ kia, ông gọi ông ấy là “người thầy của đời mình”. Cuộc đời của con người là hữu hạn, chúng ta không thể giống như siêu nhân biết hết mọi thứ, làm hết mọi việc. Vì vậy, chúng ta phải tập trung thời gian và tinh lực để đột phá một lĩnh vực, như vậy mới có thể gặt hái được những thành tựu nhất định.
Tập trung làm tốt một việc không những có thể phát huy sở trường, hình thành thế mạnh cho bạn mà còn có thể khắc phục nhược điểm, giúp bạn biến yếu thành mạnh.