Những người thông minh đều không thích thể hiện. Họ sẽ không bao giờ để lộ hết tài hoa của bản thân trước người khác. Cho nên trông bề ngoài, những người này đều có vẻ bình thường, không có gì nổi bật. Họ biết cách giả hồ đồ, khiến người khác lơ đãng bỏ qua, không phòng bị đối với họ. Vào thời điểm quyết định, họ sẽ dùng hết khả năng để vượt lên đối thủ, giành phần thắng một cách bất ngờ.
1
TRÔNG HỒ ĐỒ MÀ LẠI THÔNG THÁI
Người thực sự thông thái là người biết giấu sự thông minh sau cái vỏ hồ đồ
Vào thời nhà Thanh, có một họa sĩ lừng danh tên là Trịnh Ban Kiều. Trước kia, không ai cho rằng ông có trí tuệ hơn người, nhưng từ khi Trịnh Ban Kiều khắc bức tranh có dòng chữ “Nan đắc hồ đồ” (Khó giả hồ đồ) thì tất cả mọi người đều nhìn ông bằng ánh mắt khác. Bức tranh này vừa bán ra ngoài, mọi người đã ngay lập tức đổ xô đi mua về treo trong nhà, bởi nó chính là phương châm sống mà nhiều người tâm đắc. Cứ như thể thiên cơ của cuộc đời đều gói gọn trong bốn chữ “Nan đắc hồ đồ”, mà đến tận bấy giờ mới có Trịnh Ban Kiều đúc rút ra.
Sống trên đời này, tỏ ra quá ngu ngốc cũng không được, tỏ ra quá khôn ngoan cũng không xong. Người thực sự thông thái là người biết giấu sự thông minh sau cái vỏ hồ đồ.
Những người thông minh đều không thích thể hiện. Họ sẽ không bao giờ để lộ hết tài hoa của bản thân trước người khác. Cho nên trông bề ngoài, những người này đều có vẻ bình thường, không có gì nổi bật. Họ biết cách giả hồ đồ, khiến người khác lơ đãng bỏ qua, không phòng bị đối với họ. Vào chính thời điểm quyết định, họ sẽ dùng hết khả năng để vượt lên đối thủ, giành phần thắng một cách bất ngờ.
Nhà thơ người Trung Quốc là Lữ Khôn, sống vào thời nhà Minh đã viết trong tác phẩm Thân ngâm ngữ: “Người ngu xuẩn sẽ bị người khác chế nhạo, người thông minh sẽ bị người khác hoài nghi. Người thông minh mà thoạt nhìn như ngu dốt kì thực là bậc trí giả.” Trong bộ sách tổng hợp thơ ca vô danh Kinh Thi cũng có câu rằng: “Không có triết gia nào không giả hồ đồ.” Vì vậy có thể thấy người biết giả hồ đồ chính là người thực sự thông minh.
William Henry Harrison – Tổng thống thứ 9 của Mỹ – sinh ra tại một thị trấn nhỏ. Harrison vốn là một cậu bé nhút nhát, ít nói, mọi người xung quanh thường nghĩ Harrison ngốc nghếch và rất thích bày trò trêu chọc cậu. Họ thường đưa ra hai đồng tiền năm xu và một hào rồi hỏi cậu thích lấy đồng nào. Harrison luôn chọn lấy đồng năm xu, khiến mọi người phá lên cười và cho rằng cậu ngốc nghếch, không biết đồng tiền nào có mệnh giá lớn hơn.
Một hôm, có một người bạn tốt bụng muốn “chỉ điểm” cho cậu nên mới dò hỏi: “Harrison, lẽ nào cậu không biết đồng năm xu nhỏ hơn đồng một hào ư?” Harrison trả lời: “Biết chứ! Nhưng nếu tôi chọn đồng một hào, thì sợ là chẳng còn ai muốn đem tiền cho tôi nữa.”
Ở Trung Quốc cũng có câu chuyện như sau: Khi vua Tống Thái Tông tham gia tiệc rượu tại Bắc Bội Viên, có hai quan đại thần là Khổng Thủ Chánh và Vương Vinh Thị cùng tiếp rượu. Được một hồi, hai vị quan vì quá chén nên cãi nhau chí chóe, mất hết quy củ. Thái giám theo hầu Tống Thái Tông xin ông đưa hai người này đến bộ lại xét tội, nhưng Tống Thái Tông lại lệnh cho người đưa họ về nhà.
Ngày hôm sau, Khổng Thủ Chánh và Vương Vinh Thị tỉnh rượu, nhớ đến hôm qua vì say mà làm càn trước mặt Hoàng đế thì vô cùng sợ hãi, kéo nhau đến quỳ trước điện Kim Loan chờ lĩnh phạt. Trông thấy họ, Tống Thái Tông chỉ cười và nói: “Hôm qua trẫm cũng say quá, chẳng còn nhớ chuyện gì.”
Tống Thái Tông đã mượn cớ say rượu để cảnh tỉnh hai vị đại thần, đồng thời thể hiện được tấm lòng khoan dung, độ lượng đã thu phục nhân tâm của ông.
2
VIỆC NHỎ GIẢ NGỐC, VIỆC LỚN CAO MINH
Người thông thái lúc gặp những việc nhỏ nhặt thì giả vờ ngốc nghếch, đến thời khắc quan trọng mới thể hiện mưu trí vô song của bản thân
Trong cuộc sống, hãy nhớ lúc cần hồ đồ thì hồ đồ, lúc phải thông minh thì thông minh. Người thông thái lúc gặp những việc nhỏ nhặt thì giả vờ ngốc nghếch, đến thời khắc quan trọng mới thể hiện mưu trí vô song của bản thân.
Tể tướng Hàn Kỳ của nhà Tống nổi tiếng là người cư xử đúng mực, nhân cách đứng đắn, luôn nhún nhường người khác, trước nay chưa từng bị chê trách về bất cứ điều gì. Nhắc đến ông, người ta nhớ tới hai câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất: Khi vua Tống Anh Tông vừa qua đời, triều thần vội vàng mời thái tử vào cung. Thái tử còn chưa tới nơi, ngón tay của Tống Anh Tông lại khẽ giật lên một hồi. Tể tướng Tằng Công Lượng thấy vậy thì giật thót mình, chạy ngay đến chỗ Tể tướng Hàn Kỳ bàn bạc, muốn khoan hãy mời thái tử vào cung. Nhưng Hàn Kỳ dứt khoát không đồng ý, ông nói: “Nếu Tiên đế có sống lại, thì đã là Thái thượng hoàng rồi.” Hàn Kỳ còn cho người giục thái tử nhanh chóng tiến cung, nhờ thế mà tránh được một cuộc tranh quyền đoạt vị khiến huynh đệ tương tàn.
Câu chuyện thứ hai: Người phụ trách đại nội lúc đó là Nhậm Thủ Trung là một kẻ rất gian tà. Ông ta bí mật nghe ngóng sự tình của Đông Cung và Tây Cung, rồi bày trò li gián Hoàng đế và Thái hậu. Một hôm, Hàn Kỳ mang đến một sắc thư để trống phần mở đầu, Tham chính Âu Dương Tu đã kí tên trên đó. Tham chính Triệu Khái cảm thấy rất khó hiểu, không biết làm sao cho đúng. Binh bộ Thượng thư Âu Dương Tu bèn nói với Triệu Khái: “Một khi đã viết ra thế này, Hàn Kỳ tất đã có cách.” Hàn Kỳ ngồi ở chính đường, trực tiếp gọi Nhậm Thủ Trung tới, bắt ông ta đứng đó nghe định tội: “Ngươi phạm phải tội đáng xử chết, nay biếm quan xuống làm Phó sứ ở Kì Châu, do Thái thú Kì Châu sắp xếp.” Sau đó, Hàn Kỳ điền lên chỗ trống trong sắc thư, rồi phái sứ thần áp giải Nhậm Thủ Trung tới Kì Châu ngay trong ngày hôm đó.
Nếu đổi lại là một người khệnh khạng, lộng quyền ra mặt xử lí việc này, liệu Nhậm Thủ Trung có dễ dàng tuân lệnh? Đương nhiên là không. Nhậm Thủ Trung đã tin tưởng Hàn Kỳ là người trung thực nên mới không nghi ngờ sắc thư kia. Nhờ vậy, Hàn Kỳ dễ dàng loại bỏ một kẻ càn quấy mà vẫn không mất đi lòng trung. Qua đây, có thể thấy rằng người khôn giả ngù ngờ chính là một mưu lược xuất sắc.
Quá tài trí không phải lúc nào cũng tốt. Trong lịch sử, có rất nhiều nhân vật “thông minh lại bị thông minh hại”, tự cho mình hơn người mà rước họa vào thân. Thời Tam Quốc có vị tướng tên Dương Tu. Ông là người tài hoa tài trí, nhưng vì nhiều lần thể hiện tài cán của bản thân, đoán được ý của Tào Tháo cho nên bị Tào Tháo ghi thù, cuối cùng bị giết chết.
Vì vậy, có thể thấy rằng “việc nhỏ giả ngốc, việc lớn cao minh” là cách hành xử khéo léo mà bất cứ ai muốn làm nên việc lớn cũng phải thành thạo. Hãy chú ý quan sát tình huống và tinh ý nhận ra khi nào nên thể hiện năng lực còn khi nào không, tránh để bản thân gặp rắc rối.
3
NHẮM MẮT LÀM NGƠ VỚI SAI LẦM NHỎ
Biết khoan dung, hòa hảo với người khác sẽ giúp bạn xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp
Trên đời này không có ai hoàn hảo. Khi kết giao cùng người khác, hãy giả vờ không thấy những sai sót nhỏ, rộng lượng bỏ qua cho lỗi lầm không đáng có của đối phương. Những người làm nên việc lớn đều có tính cách phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết. Họ biết nhìn xa trông rộng, đề cao lợi ích hợp tác lâu dài chứ không tính toán chi li, không vướng bận những việc vặt vãnh trước mắt.
Có một vị thương nhân nọ muốn mở rộng mạng lưới khách hàng. Mỗi ngày ông ta đều dành thời gian đến các đơn vị trong ngành, gặp gỡ quản lí để bồi dưỡng quan hệ và giới thiệu sản phẩm. Mỗi đơn vị lại có quy mô, cơ cấu tổ chức khác nhau, cho nên người phụ trách đứng ra tiếp đón vị thương nhân này ở mỗi đơn vị lại mỗi khác, có nơi là trưởng phòng, có nơi là giám đốc bộ phận, có nơi lại là tổng giám đốc. Một hôm, vị thương nhân đã đi tới mấy đơn vị, gặp mặt và trao đổi danh thiếp với những người phụ trách công việc hợp tác. Lúc đó, vì bối rối nên ông ta không nhớ ngay được chức vụ của đối phương, vì vậy đã lỡ miệng gọi tất cả là trưởng phòng.
Khi trở về công ty, vị thương nhân này ghi lại thông tin của khách hàng mới vào hồ sơ. Lúc này ông mới phát hiện mình đã gọi nhầm một vị tổng giám đốc thành trưởng phòng. Ông cảm thấy như vậy thật không phải phép, cho nên vội vàng gọi điện đến xin lỗi đối phương. Khi người này nghe được lời xin lỗi đã tỏ thái độ “việc qua rồi, không có gì, tôi không để ý đâu”. Vị tổng giám đốc bị người ta hạ cấp thành trưởng phòng nhưng không nổi giận với đối phương, cũng không tỏ vẻ phật ý, vẫn vui vẻ bàn tiếp chuyện làm ăn. Vị thương nhân đánh giá tổng giám đốc đó là một người đại nhân đại lượng, cho nên càng thêm kính trọng bội phần.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể thường xuyên bắt gặp những chuyện giống như vậy. Trong bất cứ mối quan hệ nào, sai lầm mà mình tự nhận ra sẽ dễ dàng được sửa chữa và tha thứ hơn là sai lầm mà người khác chỉ cho mình. Khi người khác vạch trần cái sai của mình, ai cũng sẽ cảm thấy lòng tự tôn bị tổn thương. Để đối phương tự phát hiện ra lỗi của bản thân chính là nguyên tắc căn bản để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp.
Có thể thấy rằng cách ứng xử của vị tổng giám đốc trong câu chuyện nói trên là vô cùng khéo léo. Nếu ngay lúc đó, tổng giám đốc nhắc nhở vị thương nhân đã gọi sai chức vụ của mình thì đôi bên đã không thể thành công hợp tác với nhau. Đương nhiên tùy thuộc vào tính chất của sự việc, nếu phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng của đối phương thì bắt buộc phải nói ra. Nhưng nếu chỉ là chuyện tổng giám đốc bị gọi nhầm thành trưởng phòng thì tuy có sai nhưng không phải chuyện quá hệ trọng. Vì vậy việc vị tổng giám đốc giả vờ không biết là hoàn toàn hợp tình hợp lí.
Sở dĩ chúng ta không cần để ý đến những sai lầm nhỏ nhặt này là vì chúng không ảnh hưởng đến cuộc giao lưu giữa ta và đối phương. Đặc biệt là đối với người lần đầu tiên gặp gỡ, nếu chúng ta lại ra mặt bắt bẻ những lỗi nhỏ ở người kia, thì không chỉ khiến đối phương mất hứng mà còn phá hỏng mối giao hảo vừa thiết lập.
Người ta thường nói: “Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không ai chơi.” Biết khoan dung, hòa hảo với người khác sẽ giúp bạn xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
4
GIẢ NGỐC ĐỂ BẢO VỆ BẢN THÂN
Sự khôn ngoan của người có thể theo kịp, mà sự ngu si của người thật không thể theo kịp
Khổng Tử từng nói: “Ninh Vũ Tử, bang hữu đạo tắc trí; bang vô đạo tắc ngu. Kì trí khả cập dã, kì ngu bất khả cập dã.” Câu này có nghĩa là: “Như Ninh Vũ Tử, khi nước có đạo thì làm người khôn ngoan, khi nước không có đạo thì làm kẻ ngu si. Sự khôn ngoan của người có thể theo kịp, mà sự ngu si của người thật không thể theo kịp.”
Ninh Vũ Tử là quan đại phu của nước Vệ. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, ông phục vụ cả hai triều vua Vệ Văn Công và Vệ Thành Công.
Dưới triều Vệ Văn Công, quốc gia thái bình, dân chúng an lạc. Đây là khi nước có đạo. Lúc đó Ninh Vũ Tử dốc hết năng lực phò vua giúp nước, là bậc trí giả đức cao vọng trọng. Nhiều người đã học theo và bắt chước sự khôn ngoan của ông.
Đến thời Vệ Thành Công, vua không anh minh, chính sự rối ren, xã hội loạn lạc. Đây là khi nước không có đạo. Ninh Vũ Tử vẫn không ngại gian khổ, tận tụy giúp vua lo chuyện triều chính. Những bậc trí giả lúc bấy giờ cho ông là kẻ ngu dốt, không thức thời. Nhưng sự ngu dốt ấy của ông là thứ nhiều người không thể theo kịp và bắt chước.
Vì vậy Khổng Tử mới cất lời khen ngợi Ninh Vũ Tử. Trên phương diện này, Ninh Vũ Tử chính là ví dụ điển hình về một cao thủ mặt dày tâm đen.
Đối với người Trung Quốc, giả ngốc được coi là một loại mưu lược xử thế. Trong lịch sử, đã có rất nhiều câu chuyện thực tế về việc người thông minh thường bị kẻ khác ghen ghét, đố kị, chỉ trích, hãm hại, thậm chí mất mạng. Tào Tháo vì đố kị tài năng (đương nhiên còn có những nguyên nhân khác) mà cho giết Dương Tu. Tùy Dạng Đế vì đố kị với tài làm thơ của Vương Trụ nên đã sai người giết ông, sau đó còn dương dương tự đắc ngâm lại câu thơ Vương Trụ đã viết: “Đình thảo vô nhân tùy ý lục” (Dịch nghĩa: Cỏ trong đình không người thoải mái xanh) và hỏi rằng: “Ngươi còn có thể viết ra những câu thơ hay như thế này nữa chăng?” Từ thời Lão Tử, người Trung Quốc đặc biệt tâm đắc với đạo lí “Đại trí nhược ngu” (Người khôn giả dạng kẻ ngu), càng là người thông minh thì càng ít thể hiện ra bên ngoài. Ninh Vũ Tử thực chất cũng làm theo cách này.
Lại có một câu chuyện như sau: Khi vua Minh là Minh Vũ Tông đi tuần du ở phía nam, tri phủ Dương Châu là Tưởng Dao phái đến tiếp thánh giá. Là một vị quan thanh liêm, chính trực, Tường Dao không đút lót cho đám quan thân cận bên cạnh nhà vua cho nên đã đắc tội với chúng.
Minh Vũ Tông là vị vua ăn chơi trác táng, có nhiều thú vui kì quái khác người. Lần này khi đi câu, Minh Vũ Tông câu được một con cá rất lớn, muốn tìm người bán đi. Cá nhà vua ngự câu đâu phải ai cũng có thể mua được? Đám quan thân cận thầm mừng vì cơ hội trả thù đã đến, bèn tâu với Minh Vũ Tông rằng con cá này đem bán cho Tưởng Dao là hợp lí nhất. Minh Vũ Tông bèn cho gọi Tưởng Dao tới, muốn ông mua con cá đó.
Tưởng Dao quay về phủ, mang theo vài bộ quần áo còn mới và một ít nữ trang của vợ và con gái, quỳ dưới đất dâng lên cho Minh Vũ Tông mà tâu: “Thưa Hoàng thượng, con cá mà người câu được là vô giá. Thần chỉ có ít đồ dùng của vợ con để đổi lấy. Thần tội đáng muôn chết.”
Lần này, Tưởng Dao bị dồn vào thế bí, vừa không có tiền, mà có tiền cũng không được phép mua bán với nhà vua, lại càng không thể cùng nhà vua đấu trí. Đây chính là dụng ý dồn Tưởng Dao vào chỗ chết của bọn gian thần hầu cận Minh Vũ Tông. Tưởng Dao tiến không được lùi không xong, chỉ đành giả ngốc, coi như đang mua cá của dân chài bình thường, đem trang sức và quần áo của vợ con để đổi lấy cá. Minh Vũ Tông vốn có sở thích ép kẻ dưới đóng giả người bán còn mình là khách hàng, nên hành động của Tưởng Dao đã giúp ông thoát nạn, không bị gán cho tội khi quân.
5
NỬA LÀ BỒ CÂU, NỬA LÀ RẮN
Hình tượng bồ câu là vỏ bọc để giả ngốc tạo thời cơ, còn rắn đại diện cho sự khôn ngoan, sẵn sàng ra “chiêu độc” để đánh bại đối thủ
Muốn đối phó với những kẻ gian tà, bạn phải có sự đơn thuần của loài bồ câu và sự gian trá của loài rắn. Bồ câu là biểu tượng của hòa bình, hiền lành, thiện lương, là vỏ bọc để giả ngốc tạo thời cơ. Ngược lại, rắn là biểu tượng của sự lươn lẹo, khéo léo, ẩn dụ cho tính cách khôn ngoan, sẵn sàng ra “chiêu độc” để đánh bại đối thủ.
Trong lịch sử Trung Quốc có nhân vật Đinh Vị nổi tiếng quỷ quyệt, gian tà, là gian thần người đời căm ghét. Hắn ta đã từng cô lập Tống Nhân Tông27, chỉ để cho quan lại trong triều tiếp xúc với nhà vua trong các buổi chầu chính thức. Một khi tan chầu, vua lập tức phải hồi cung, không ai được phép gặp riêng Tống Nhân Tông. Đinh Vị còn diệt trừ những kẻ đối địch với mình. Nếu đại thần nào dám đối đầu hoặc không đồng thuận với quyết định của Đinh Vị, hắn ta sẽ tìm cách đuổi người đó khỏi triều đình.
27 Tống Nhân Tông (1010-1063): Hoàng đế thứ 4 của nhà Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc.
Lúc bấy giờ, đối với tất cả việc quốc gia đại sự, quan lại trong triều đều làm theo ý Đinh Vị, khiến hắn ta có quyền hành cao hơn cả Hoàng đế.
Những việc này quan tham tri chính sự là Vương Tăng đều biết nhưng ngầm để trong lòng. Dù đang giữ chức Phó tể tướng nhưng Vương Tăng luôn phải đóng giả kẻ nhát gan, ngu ngốc. Trước mặt Tể tướng Đinh Vị, ông luôn tận trung, phục tùng mọi mệnh lệnh. Khi tan chầu, Vương Tăng cũng không bao giờ tìm cách tránh tai mắt của Đinh Vị để gặp riêng Hoàng đế. Sau một thời gian dài, Đinh Vị dần buông lỏng cảnh giác với Vương Tăng, thậm chí không chút đề phòng với ông.
Một ngày kia, Vương Tăng đến gặp Đinh Vị với dáng vẻ rối rắm và tâu rằng: “Tôi có chút việc nhà không biết phải giải quyết thế nào nên rất đau lòng. Tôi vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhờ ơn chị gái vất vả nuôi dạy mới khôn lớn thành người. Tôi luôn coi chị tôi như cha mẹ mà phụng dưỡng. Năm nay chị tôi đã ngoài tám mươi, trong nhà chỉ có một đứa con trai đã đi lính. Đứa cháu này của tôi sức khỏe yếu ớt, không theo kịp người khác, ở trong quân doanh đã thường xuyên bị phạt roi. Chị tôi đã nhiều lần vừa khóc vừa xin tôi giúp nó ra quân...”
Đinh Mặc nghe vậy liền nói: “Chuyện này có gì mà khó. Tan buổi chầu, ông hãy cầu xin Hoàng thượng khai ân, miễn lính cho nó là xong.”
Vương Tăng ra vẻ do dự, không dám làm theo: “Tôi thân là quan tham tri chính sự, sao có thể vì việc riêng mà quấy rầy Hoàng thượng được.”
Đinh Vị cười to: “Ông đúng là hay sĩ diện hão. Chuyện này có gì mà không được.”
Vương Tăng vẫn giả đò do dự một lúc rồi mới đồng ý hôm sau sẽ cầu kiến Hoàng thượng.
Ngày hôm sau, hết buổi chầu sớm, văn võ bá quan lục tục hồi phủ. Lúc bấy giờ Vương Tăng mới xin gặp riêng Hoàng thượng. Tể tướng Đinh Vị phê chuẩn cho Vương Tăng gặp riêng Tống Nhân Tông rồi ra về. Nhưng trong lòng Đinh Vị vẫn có chút nghi ngờ, không thể yên tâm hoàn toàn, vì vậy hắn bèn đứng rình ngoài cửa.
Ngay khi diện kiến Thái hậu và Tống Nhân Tông, Vương Tăng liền tố cáo Đinh Vị, dâng lên bằng chứng về các hành vi sai trái của Đinh Vị.
Đến quá trưa vẫn chưa thấy Vương Tăng rời khỏi nơi gặp mặt Thái hậu và Tống Nhân Tông, Đinh Vị mới ngộ ra Vương Tăng không phải muốn xin cho cháu trai ra quân mà là đang vạch trần hắn. Đinh Vị tức giận gầm lên: “Dám qua mặt ta!”
Nhờ sự cơ trí “nửa là bồ câu nửa là rắn”, Vương Tăng đã lật đổ gian thần Đinh Vị.
6
CHỊU THUA ĐỂ GIÀNH CHIẾN THẮNG
Biết giả yếu, nhún nhường trước đối thủ sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro và tai họa, đồng thời dễ dàng thắng được những kẻ nghênh ngang, cậy sức
Bạn hãy trả lời các câu hỏi sau nhé: Khi đối thủ ngẩng cao đầu và đi về phía bạn, thì bạn sẽ ngẩng đầu nhìn lại hay cúi đầu không dám nhìn lên? Khi có người dùng ánh mắt để uy hiếp bạn, bạn sẽ cụp mắt xuống, rời ánh nhìn đi chỗ khác hay trừng mắt lên với đối phương? Khi đi trên một con đường hẹp và có người không may va phải bạn, bạn sẽ bỏ qua hay chặn đối phương lại để nói chuyện phải trái? Bạn hãy nhớ lại một chút xem, có phải đại đa số tình huống bạn sẽ làm như thế này:
• Khi đối thủ ngẩng cao đầu và đi về phía bạn, bạn sẽ ngẩng đầu nhìn lại anh ta với ánh mắt thách thức;
• Khi có người dùng ánh mắt để uy hiếp bạn, bạn liền trừng mắt lên với đối phương;
• Khi đi trên con đường hẹp và có người không may va phải bạn, bạn sẽ chặn đối phương lại để nói chuyện phải trái cho ra lẽ.
Bạn cho rằng làm như vậy chứng tỏ bạn cũng chẳng thua kém ai, rằng bạn đã chiến thắng đối phương đấy chứ. Kì thực kiểu thắng lợi này là không cần thiết và bạn cũng không thực sự chiến thắng. So bì hơn thua với đối thủ không mang lại cho bạn lợi lộc. Từ xưa người Trung Quốc đã sớm hiểu thấu đạo lí này, rằng không bao giờ nên tấn công hoặc chiếm thế thượng phong trước mà hãy nhún nhường, không vội phản công. Đây cũng là kế sách hiệu quả thường xuyên được sử dụng trong chiến tranh.
“Cúi đầu” là một trong những chiêu thức của sách lược chịu thua để giành chiến thắng. Hành động này thể hiện rằng: Tôi ngưỡng mộ anh, tôi nhường anh. Làm như vậy là bạn đã kích hoạt lòng tự mãn và thói hư vinh của đối phương. Đối phương sẽ cho rằng mình đã trên cơ, đã thắng bạn. Lúc này nếu bạn đột nhiên tấn công, đối phương nhất định sẽ không kịp trở tay.
Tôi có một người bạn tên là Quân. Anh chàng này tuy có thân hình nhỏ con nhưng từng học võ nhiều năm. Lần nọ, có một người cậy mình đô con, tay dài chân khỏe nên muốn tỉ thí với Quân một trận. Khi bị đối phương chặn đường, Quân liền mời anh ta một điếu thuốc, còn có ý muốn giúp anh ta châm lửa. Người kia vênh váo nhận điếu thuốc, đưa lên miệng ngậm và nghiêng người sang chỗ Quân đợi anh châm lửa. Ngay lúc này, Quân giơ tay đấm mạnh vào trán đối phương. Khi đối phương còn đang choáng váng, Quân lại dùng chân đá mạnh vào bụng dưới của anh ta, khiến người này ngã lăn ra đất. Từ đó về sau cứ thấy bóng Quân là người kia lại sợ hãi, tìm cách tránh mặt.
Quân có thể hạ gục đối thủ cao to hơn mình chỉ bằng một cú đấm và đá là nhờ anh đã dùng chiêu “cúi đầu” để lừa đối phương. Nếu Quân không làm tê liệt sức mạnh của đối thủ, để anh ta chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi vào trận thì nhiều khả năng anh đã không thể chiến thắng.
Hoàng đế thích bề tôi phục tùng, lãnh đạo thích cấp dưới biết nghe lời, đồng nghiệp thích được coi trọng và khen ngợi, ngay cả tiểu nhân cũng cần một người công nhận anh ta giỏi. Nếu có thể nhún nhường một chút, bạn muốn làm gì cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất: nhường người khác bước vào và bước ra thang máy trước; không lấn làn khi chạy xe; khi muốn đi bộ vượt lên người khác, nhường đối phương phần đường rộng hơn, còn mình đi vòng sang phần đường hẹp hơn… Những việc tương tự như vậy trong cuộc sống còn có rất nhiều, bạn hãy thường xuyên thực hành để luyện thành thói quen tốt.
Cuộc sống luôn tồn tại sự cạnh tranh, bạn phải thật cẩn thận và thận trọng để bảo vệ chính mình. Hãy nhớ kĩ câu nói của Lão Tử: Đỉnh núi cao nhất dễ bị sét đánh trúng, ngọn cây cao nhất dễ bị gió quật gãy, những chỗ sắc nhọn nhất chính là những chỗ dễ bị mài cụt nhất.
Biết giả yếu, nhún nhường trước đối thủ sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro và tai họa, đồng thời dễ dàng thắng được những kẻ nghênh ngang, cậy sức.
7
IM LẶNG ĐỂ ĐỊCH TỰ LUI
Học cách giữ im lặng, giả vờ không nghe thấy những lời tiêu cực sẽ giúp bạn không đánh mà thắng và tránh trở thành mục tiêu tấn công của người khác
Tại công ty nọ có một nữ nhân viên rất trầm tính, luôn lặng lẽ làm việc, không mấy khi cất lời. Khi đồng nghiệp xung quanh trò chuyện rôm rả, cô cũng chỉ mỉm cười đáp lại. Năm đó, công ty có một nữ nhân viên mới. Cô này có tính cách hiếu thắng, thích gây gổ với người khác. Đối tượng đầu tiên của cô ta chính là nữ nhân viên ít nói.
Nữ nhân viên hiếu chiến thường xuyên xét nét, tìm cớ châm ngòi xích mích, gây khó dễ cho nữ nhân viên ít nói. Đối với những hành vi này, cô gái hiền lành chỉ cười trừ, không phản kháng lại. Nữ nhân viên hiếu chiến giận tím người nhưng cũng không thể làm gì khác, cuối cùng chỉ đành thu binh.
Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ khen ngợi nữ nhân viên ít nói thật tốt tính. Nhưng thực tế là cô ấy bị lãng tai, thường không nghe rõ người khác nói gì, cho nên cũng không thể phản ứng lại. Vì vậy nữ nhân viên hiếu chiến gây sự mãi mà không thấy đối phương phản kháng thì cũng đành rút lui.
Câu chuyện này chứng minh cho chúng ta thấy sức mạnh của im lặng lớn đến thế nào và đối mặt với im lặng thì mọi ngôn từ đều không thể cất lên.
Ở đâu có con người, ở đó có đấu tranh. Bạn luôn phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những cuộc đối đầu bất đắc dĩ. Bạn có thể không cần lao vào tấn công đối phương nhưng nhất định phải dựng lên hàng rào phòng thủ để bảo vệ bản thân. Mà một trong những cách phòng thủ có hiệu quả nhất chính là giữ im lặng.
Tuy nhiên, đây không phải là một việc dễ dàng. Đại đa số chúng ta khi nghe thấy những điều đơm đặt, trái tai liền muốn tranh cãi cho ra lẽ. Và chính giây phút bạn lên tiếng phản bác là bạn đã trúng kế của đối phương rồi. Ngược lại, nếu bạn không có phản ứng, đối phương sẽ tự cảm thấy vô vị. Nếu cố chấp tiếp tục gây sự, đối phương sẽ càng lộ rõ bản chất tiêu cực của mình. Vì vậy, đối mặt với sự im lặng của bạn, kiểu người này sẽ chỉ quát tháo mấy câu rồi rút lui.
Giữ im lặng đã khó, giả vờ không nghe thấy gì còn khó hơn. Muốn làm được điều này, bạn phải luyện thành thói quen “nghe tai trái ra tai phải” đối với những câu châm chọc, gây sự của người khác, để lời nói của đối phương “vào tai chứ không vào lòng”. Nếu không bạn sẽ nhanh chóng trở nên tức giận, sẵn sàng xắn tay áo cãi nhau với đối phương một trận ra trò.
Học cách giữ im lặng, giả vờ không nghe thấy những lời tiêu cực sẽ giúp bạn không đánh mà thắng và tránh trở thành mục tiêu tấn công của người khác. Đồng thời thói quen này cũng ngăn bạn chủ động đi gây sự với người khác, khiến chính mình gặp rắc rối.
8
TẤN CÔNG KHI ĐỐI THỦ MẤT CẢNH GIÁC
Khi đối phương nới lỏng cảnh giác, bạn mới dồn sức đánh trả thì sẽ có thể một đòn tất thắng
Khi bản thân đang ở tình thế bất lợi, thay vì đối đầu trực tiếp với đối thủ, bạn hãy tạm rút lui để tìm biện pháp khác. Hãy đánh lạc hướng đối phương rằng bạn đã mất hết tinh thần và ý chí chiến đấu. Khi đối phương nới lỏng cảnh giác, bạn mới dồn sức đánh trả thì sẽ có thể một đòn tất thắng.
Khang Hi lên ngôi Hoàng đế lúc vẫn còn là một đứa trẻ, vì vậy quyền hành đều nằm trong tay bốn vị đại thần phò tá. Trong số bốn người này, Ngao Bái có chiến công lẫy lừng nhất và dã tâm lớn nhất. Hắn dùng đủ mọi cách để thâu tóm quyền lực, trở thành mối họa ngầm của Khang Hi.
Khi đó Khang Hi mới chỉ 14 tuổi, nhưng trong lòng ông đã hiểu rõ: Thực lực của bản thân còn non kém, thua xa đối phương. Muốn trực tiếp kiềm chế Ngao Bái là việc không thể, vì nếu xảy ra sơ sẩy thì chính sự tất biến. Lúc đó đừng nói là mất ngôi vị, mạng sống cũng khó có thể giữ được.
Khang Hi cẩn thận so quyền đọ thế hai bên, cuối cùng nảy ra một diệu kế. Ông không đối đầu trực diện với Ngao Bái, mặc cho hắn lộng hành. Thậm chí Khang Hi còn phong Ngao Bái làm Nhất đẳng công thần, biểu thị ân sủng đặc biệt của mình với vị đại thần này.
Mặt khác, Khang Hi tự mình lựa chọn ra nhiều hoạn quan trẻ tuổi, khỏe mạnh, ngày ngày ở trong cung cùng nhau chơi trò bố khố, còn mời người có chuyên môn đến làm trọng tài.
Bố khố là một trò chơi dân gian của dân tộc Mãn. Đây thực chất là trò đấu vật, cách chơi tương tự như môn đấu vật ngày nay. Ngao Bái nghe ngóng được chuyện này, nhưng cho đó chỉ là trò trẻ con, dân tộc Mãn lại ưa luyện võ, cho nên cũng không quá đề phòng. Ngược lại, thấy Khang Hi ngày đêm vui chơi, không màng chính sự, Ngao Bái lại càng được thể làm càn.
Cứ như vậy, Khang Hi luyện đấu vật với đám thái giám trẻ trong hơn một năm. Đến năm Khang Hi thứ 8 (tức năm 1669), vào đêm trước tết Đoan Ngọ, thấy thời cơ đã chín muồi, Khang Hi đợi dịp Ngao Bái tiến cung liền hô nhóm thái giám trẻ xông lên bắt sống hắn ta.
Sau đó Khang Hi nhanh chóng triệu các đại thần đến điện Càn Thanh để nghị sự. Ông công bố tội trạng của Ngao Bái, ra lệnh tịch biên gia sản, cách chức quan, chém đầu hơn mười đồng đảng của hắn. Riêng với Ngao Bái, Khang Hi nể tình hắn từng lập nhiều chiến công, miễn cho tội chết nhưng bị giam trong ngục đến hết đời.
Tấn công khi kẻ địch mất cảnh giác chính là bí quyết lấy yếu thắng mạnh của Khang Hi. Trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể áp dụng kế sách này để chiến thắng đối thủ mạnh hơn mình.
Trên đây là những tuyệt chiêu đối nhân tinh tế, xử thế vững vàng, là tinh hoa của tinh thần Mặt dày tâm đen mà chúng ta đều nên thành thạo. Hãy nhớ rằng, làm chủ bản thân, hòa ái với người, chúng ta mới có được sự nghiệp thuận lợi và cuộc đời thong dong.
Thêm một người bạn là thêm một con đường, bớt một người bạn là thêm một bức tường