Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Một tay vỗ chẳng nên tiếng, một cây làm chẳng nên rừng.” Một người muốn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp thì không thể thiếu sự giúp sức của những người khác. Hãy biết đứng trên vai người khổng lồ để có thể tiến nhanh hơn trên con đường bản thân đã chọn lựa.
1
MƯỢN UY DANH NGƯỜI ĐỂ THUẬN VIỆC MÌNH
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, khi cần thiết, hãy khéo léo mượn sức mạnh và uy danh của người khác để đạt được mục đích của mình. Như vậy, con đường mà bạn phải đi sẽ ngắn hơn rất nhiều
Salomon August Andrée là nhà thám hiểm người Thụy Điển nổi tiếng vào khoảng cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Ông muốn vẽ bản đồ Bắc Cực nên tổ chức một chuyến đi thám hiểm tới nơi này.
Năm 1895, Andrée chính thức đệ trình kế hoạch thám hiểm Bắc Cực bằng khinh khí cầu lên Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển. Song, chuyến thám hiểm của ông phải tạm hoãn vì vấn đề kinh phí. Các mạnh thường quân không tin tưởng và không hứng thú với kế hoạch của ông, vì vậy chỉ có một số người đồng ý tài trợ.
Andrée đi từ nơi này đến nơi khác để vận động kinh phí. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng Andrée cũng gặp được một đại gia tốt bụng ủng hộ kế hoạch của ông và tỏ ý sẽ tài trợ toàn bộ cho chuyến thám hiểm. Đồng thời vị đại gia nọ còn đưa ra một đề nghị rất quan trọng: Hãy khiến cho chuyến đi thu hút sự chú ý của mọi người. Nếu chỉ thực hiện một cách âm thầm, chẳng phải là làm giảm đi tầm quan trọng của chuyến đi hay sao?
Andrée cảm thấy lời đề nghị này rất có lí. Hai người bàn bạc với nhau, quyết định tiếp tục tiến hành hoạt động quyên góp, gây quỹ cho chuyến đi nhằm lan rộng tin tức. Thế nhưng, dù Andrée tích cực truyền thông đến mấy, người dân Thụy Điển vẫn thờ ơ với nó. Trong cái khó ló cái khôn, ông nghĩ ra một biện pháp táo bạo. Ông viết kế hoạch của mình thành một bản luận văn, sau đó nhờ vị đại gia tìm cách trình nó lên Quốc vương Thụy Điển.
Qua nhiều lần thất bại, cuốn luận văn cũng đến được tay Quốc vương Thụy Điển. Sau khi đọc xong, Quốc vương thấy rất hiếu kì về chuyến thám hiểm này, bèn cho gọi Andrée tới hỏi chuyện. Cả hai hào hứng bàn luận và dự đoán một số kịch bản cho chuyến thám hiểm. Cuối cùng, Andrée mời Quốc vương tài trợ một khoản nhỏ tượng trưng để ủng hộ cho chuyến đi. Quốc vương vui vẻ đồng ý.
Tin tức Quốc vương Thụy Điển tài trợ cho chuyến thám hiểm của Andrée lan truyền nhanh chóng, báo giới cũng đưa tin, nhờ vậy nhiều người khác đã quan tâm và tài trợ cho chuyến đi. Người dân theo dõi thông tin ngày càng nhiều thêm. Andrée đã thành công thu hút sự chú ý của cộng đồng đến công việc của mình và quyên góp đủ kinh phí để thực hiện chuyến đi trong mơ.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, khi cần thiết, hãy khéo léo mượn sức mạnh và uy danh của người khác để đạt được mục đích của mình. Như vậy, con đường bạn phải đi sẽ ngắn hơn rất nhiều.
Lại có câu chuyện về các quan lại “đi cửa sau”, nhờ người nâng đỡ, tiến cử để thăng quan tiến chức. Đại thần quân cơ Tả Tông Đường là một trong số ít người chưa từng tiến cử ai. Ông nói: “Nếu một người thực sự có năng lực, tất sẽ có người trọng dụng anh ta.” Bạn tri kỉ của Tả Tông Đường có người con trai tên là Hoàng Lan Giai. Người này luôn mong được bổ nhiệm chức tri huyện ở Phúc Kiến suốt nhiều năm nay. Thấy những người khác được quan trên tiến cử, anh ta nhớ ra cha mình lúc còn sống cũng rất thân thiết với Tả Tông Đường. Anh ta liền đến Bắc Kinh cầu kiến vị đại thần họ Tả. Gặp lại con trai của bạn cũ, Tả Tông Đường nhiệt tình đón tiếp. Nhưng khi Hoàng Lan Giai ngỏ ý muốn Tả Tông Đường viết thư tiến cử mình với Tổng đốc Phúc Kiến, sắc mặt ông liền trầm xuống, nói vài câu đuổi khéo anh ta về.
Hoàng Lan Giai tức giận, ra khỏi tướng phủ của đại thần họ Tả, anh ta đi bộ đến quảng trường Lưu Ly để xem tranh và giải tỏa tâm trạng. Đột nhiên, Hoàng Lan Giai trông thấy một ông chủ cửa hàng nhỏ đang học viết chữ của Tả Tông Đường, liền nghĩ ra một kế hay. Anh ta đặt chủ quán làm cho một cái quạt có đề mấy chữ rồi dương dương tự đắc trở về Phúc Châu.
Đến ngày xin gặp Tổng đốc Phúc Kiến, Hoàng Lan Giai cầm theo chiếc quạt giấy đề chữ. Tổng đốc Phúc Kiến trông thấy, lấy làm lạ bèn hỏi: “Bên ngoài nóng lắm sao? Trời đã lập thu rồi, sao anh vẫn còn phải quạt luôn tay như vậy?”
Hoàng Lan Giai khẽ phẩy chiếc quạt rồi mới trả lời: “Không giấu gì ngài, bên ngoài thời tiết quả là không nóng. Chỉ là lần trước vào kinh, Tả đại nhân đã thân tặng tôi chiếc quạt này, cho nên tôi luôn cầm không rời tay.”
Tổng đốc Phúc Kiến nghe vậy cả kinh, mượn chiếc quạt của Hoàng Lan Giai, ngắm nghía thật kĩ, xác thực là bút tích của Tả Tông Đường. Ông ta trả lại chiếc quạt cho Hoàng Lan Giai, trầm mặc đi vào bên trong gặp sư gia bàn tính chuyện này. Hôm sau, ông ta quyết định bổ nhiệm Hoàng Lan Giai làm tri huyện.
Rất nhanh, Hoàng Lan Giai lại được thăng lên làm quan tứ phẩm. Về sau có một lần Tổng đốc Phúc Kiến gặp Tả Tông Đường, liền khen lấy lòng: “Hoàng Lan Giai, con trai bạn cũ của ngài, giờ cũng đã là tri phủ của tỉnh tôi rồi.”
Tả Tông Đường cười nói: “Vậy sao? Lần trước nó đến gặp tôi, tôi đã bảo nó: “Cứ có tài, tự có người dùng.” Ngài cũng rất biết trọng dụng nhân tài đấy.”
Hoàng Lan Giai có thể thăng lên chức tri phủ là vì đã biết khéo léo mượn uy của Tả Tông Đường để Tổng đốc Phúc Kiến nâng đỡ anh ta.
Trong câu chuyện thành công của Tưởng Giới Thạch cũng không thể không nhắc đến kế sách đứng trên vai người khổng lồ.
Ngày 18 tháng 5 năm 1916, Đô đốc Hỗ quân là Trần Mỹ Kỳ bị ám sát. Lúc đó Tưởng Giới Thạch mới chỉ là một đoàn trưởng dưới trướng Trần Mỹ Kỳ. Sau sự kiện này, quân lính tan rã, Tưởng Giới Thạch cũng phải cởi bỏ quân trang và đến Tô Giới lăn lộn kiếm sống.
Một hôm, đang đi lang thang trên đường, Tưởng Giới Thạch bất ngờ gặp lại người bạn nhậu khi còn làm việc cho Trần Mỹ Kỳ. Người này tên là Trần Quả Phu, anh ta kể rằng mình có quen biết với Ngu Hiệp Khanh – Hội trưởng Thương hội Thượng Hải, thành viên của Ban quản trị Cục Công bộ Tô giới Thượng Hải. Nghe vậy, mắt Tưởng Giới Thạch thoáng sáng lên: “Đây chẳng phải người mình đang tìm kiếm hay sao?”
Trần Quả Phu nhận lời giúp Tưởng Giới Thạch gặp gỡ Ngu Hiệp Khanh. Tuy nhiên trước đó ông chỉ là một đoàn trưởng dưới trướng Trần Mỹ Kỳ, không có địa vị lớn, cho nên không được Ngu Hiệp Khanh coi trọng. Khi ấy ông chỉ được sắp xếp cho đảm đương một chức vị nhỏ.
Dù Tưởng Giới Thạch hết sức lấy lòng Ngu Hiệp Khanh, nhưng vì ông không có danh tiếng nên vẫn không được trọng dụng. Tưởng Giới Thạch biết rằng mình phải nhanh chóng “tỏa sáng” mới có thể gia nhập Thanh Bang20. Vì thế ông đặc biệt chuẩn bị một phần quà hậu hĩnh đưa tới chỗ Ngu Hiệp Khanh, hi vọng người này sẽ tiến cử mình.
20 Thanh Bang: Một tổ chức xã hội đen khét tiếng vào thời Dân quốc ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Ngu Hiệp Khanh bị lời ngon tiếng ngọt và quà biếu của Tưởng Giới Thạch làm cho xiêu lòng. Cuối cùng người này đồng ý giới thiệu Tưởng Giới Thạch với đại ca Thanh Bang lúc đó là Hoàng Kim Vinh.
Được Ngu Hiệp Khanh viết thư và gọi điện tiến cử, Hoàng Kim Vinh không dám bỏ lơ Tưởng Giới Thạch. Không lâu sau, Hoàng Kim Vinh nhận ông làm đệ tử. Sự nghiệp của Tưởng Giới Thạch bắt đầu đi lên từ đây.
Có lẽ ngay cả Ngu Hiệp Khanh và Hoàng Kim Vinh cũng không thể ngờ tới, chỉ mười năm sau, từ một kẻ bất đắc chí, Tưởng Giới Thạch đã trở thành Tổng tư lệnh uy phong lẫy lừng của quân cách mạng. Năm 1927, khi Tưởng Giới Thạch tiến hành chính biến Thượng Hải, hai người Ngu, Hoàng trở thành trợ thủ đắc lực cho ông.
Tưởng Giới Thạch đã biết dựa vào thế lực của Thanh Bang để mở ra tiền đồ vô lượng cho bản thân. Trong sử sách và trong cuộc sống đời thường cũng có rất nhiều người có tầm nhìn xa và sự kiên trì như vậy, giỏi tận dụng sức mạnh của người khác để leo lên đỉnh vinh quang.
2
PHÙ SA KHÔNG CHẢY RUỘNG NGOÀI
Củng cố và thắt chặt mối quan hệ đồng hương là điều vô cùng cần thiết
Quan hệ đồng hương của người Trung Quốc tương đối đặc thù, cũng là một trong những mối quan hệ quan trọng hàng đầu giữa các cá nhân. Người xưa có câu: “Phù sa không chảy ruộng ngoài.” Đó là quan niệm chỉ có những người “trong vòng quen biết”, mà ở đây là những người đồng hương, mới có thể được “hưởng sái” lợi ích.
Xét từ góc độ này, làm thế nào để củng cố và thắt chặt mối quan hệ đồng hương là điều vô cùng cần thiết. Đây không những là chuyện có thêm vài người bạn mà điều quan trọng nhất là bạn có thể nhận được nhiều nguồn lực quý giá từ những mối quan hệ này, thậm chí là những món lợi bạn sẽ hưởng suốt đời.
Tiêu chuẩn nhận diện đồng hương là khu vực địa lí. Khi ở trong nước, người cùng làng, cùng xã, cùng huyện, cùng tỉnh có thể coi là đồng hương. Khi đi ra nước ngoài, gặp người có cùng quốc tịch với mình, đó chính là đồng hương.
Vì là đồng hương, nên đôi bên sẽ có vài đặc điểm tương đồng. Một trong những đặc điểm dễ nhận ra nhất đó là phương ngữ.
Mỗi vùng miền tại một quốc gia lại có khẩu âm và có lớp từ địa phương riêng. Chính những đặc trưng này là tín hiệu để đồng hương nhanh chóng nhận ra, trở nên thân thiết và giúp đỡ lẫn nhau. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Vào thời cuối nhà Thanh, có một thái giám mới nhập cung tên là Lý Liên Anh. Ông nhanh chóng được thăng lên làm Đại tổng quản là nhờ biết tận dụng mối quan hệ đồng hương.
Dưới chế độ phong kiến Trung Quốc, có rất nhiều gia đình nông dân nghèo khổ. Vì cuộc sống bức bách, họ đành cho con cái trong nhà vào cung làm thái giám. Nhưng Lý Liên Anh lại khác. Ông ta tịnh thân vào cung không phải vì hoàn cảnh khó khăn mà vì muốn theo đuổi vinh hoa phú quý, có địa vị dưới một người trên muôn vạn người. Bởi lẽ trong lịch sử Trung Quốc, đã có những thái giám giàu ngang quốc khố, quyền vượt thiên hạ.
Người có ý định và tham vọng giống như vậy đâu chỉ có một mình Lý Liên Anh. Nếu không có người nâng đỡ, ý định của ông ta khó có thể thành hiện thực.
Lý Liên Anh xuất thân nghèo khó, thân hình lại nhỏ con, gầy còm. Nếu áp theo tiêu chuẩn tuyển thái giám của triều Thanh khi ấy, ông ta thậm chí còn không đủ điều kiện dự tuyển. Một lần, Lý Liên Anh tình cờ nghe ngóng được rằng trong cung hiện đang có một thái giám là đồng hương của mình, hơn nữa còn là người cùng làng. Ông ta đã đánh bạo đi tìm gặp người này.
Lý Liên Anh rất nghèo, không có tiền mua quà biếu, nhưng ông ta sớm thăm dò được rằng thái giám kia là một người rất trọng tình nghĩa. Vậy nên, cái khó nhất là làm thế nào thu hút được sự chú ý của vị đồng hương này.
Cuối cùng, Lý Liên Anh cũng nghĩ ra một cách hay. Ông ta căn chuẩn thời gian, đợi đến phiên phụ trách của thái giám đồng hương mới đến báo danh xin ứng tuyển, còn cố ý dùng phương ngữ để nói tên tuổi, quê quán. Nghe thấy giọng quê mình, thái giám nọ khẽ giật mình, ngước lên nhìn chàng thiếu niên Lý Liên Anh đang đứng trước mặt, thầm nhớ kĩ người này.
Về sau, nhờ sự giúp đỡ của người thái giám đồng hương, Lý Liên Anh không chỉ được vào cung làm thái giám mà còn được phụ trách làm tóc cho Từ Hy Thái hậu. Vì biết làm những kiểu đầu đẹp nhất nên Từ Hy Thái hậu rất sủng ái, dần dần ông ta trở thành nhân vật hô mưa gọi gió sau lưng Thái hậu.
Dùng phương ngữ để gây thiện cảm cũng có thể nói là một cách “thấy người sang bắt quàng làm họ” hữu hiệu. Điểm cần chú ý ở đây chính là trường hợp nên áp dụng cách làm này. Tốt nhất là hãy nói giọng địa phương ở một nơi khác, cách xa quê hương. Bởi vì khi đi xa mới thấy quý đồng hương, mới có thể yêu quê nên thích người quê. Người rời quê càng lâu, cách quê càng xa, thì phần cảm tình với nơi chôn rau cắt rốn và đồng hương càng sâu đậm. Do đó, trong trường hợp này, bạn nói chuyện bằng giọng địa phương sẽ có thể giành được thiện cảm của đối phương, nhờ đó dễ dàng được nâng đỡ, ưu ái.
Tuy nhiên, việc tạo dựng quan hệ đồng hương vẫn có vài điểm mà chúng ta cần chú ý. Đó là trong những sự kiện xã giao chính thức và trang trọng, bạn không nên lạm dụng giọng địa phương để tìm đồng hương. Bởi nếu làm vậy, những người không phải là đồng hương sẽ thấy bạn thiếu chuyên nghiệp và không muốn giao lưu với bạn. Đồng thời những người là đồng hương cũng sẽ cảm thấy bạn không biết lựa hoàn cảnh để cư xử. Vậy thì còn mong gì họ sẽ vui vẻ đến kết thân với bạn, đối xử ưu ái với bạn.
Tóm lại, trong mối quan hệ đồng hương, dùng giọng địa phương có thể giúp bạn giành được cảm tình của đối phương. Nhưng bạn vẫn phải chú ý tới từng trường hợp giao tiếp, tránh thể hiện thái quá mà mất nhiều hơn được.
3
NÚP BÓNG CÂY CAO ĐỂ NUÔI DƯỠNG SỨC MẠNH
Khi bản thân chỉ là một hạt mầm mới mọc thì cần phải dựa vào cây đại thụ để được chắn gió che mưa, hút dinh dưỡng mà lớn lên thuận lợi
Nếu bạn muốn làm nên nghiệp lớn, chỉ dựa vào năng lực của bản thân thôi là chưa đủ. Khi tài năng và danh tiếng của bạn còn chưa đủ lớn mạnh thì bạn phải giỏi mượn lực từ những người khác để khuếch trương sức mạnh, sớm trở thành nhân vật có tiềm năng. Nhờ bóng quan lớn, tìm núi để dựa, mượn người chống lưng... là một loại mưu lược, một kinh nghiệm thành công mà chúng ta cần học tập.
Tháng 5 năm 617 TCN, dưới triều nhà Tùy, có nhân vật Lý Uyên – về sau trở thành Đường Cao Tổ, hoàng đế khai quốc của nhà Đường. Ông trấn thủ Thái Nguyên, đợi tới khi thời cơ chín muồi mới quyết đoán khởi binh phản Tùy.
Lúc đó, quân Đông Đột Quyết và Tây Đột Quyết có khí thế lớn mạnh, còn Thái Nguyên là nơi kị binh Đột Quyết thường xuyên quấy nhiễu. Nhằm giải quyết mối lo về kẻ địch, Lý Uyên đã viết thư cầu hòa, đồng thời tặng đối phương lễ vật vô cùng hậu hĩnh, hi vọng ngày sau hai bên hỗ trợ lẫn nhau. Không ngờ thủ lĩnh quân Đột Quyết là Thủy Tất Khả Hãn lại viết thư trả lời rằng: Lý Uyên phải tự đứng lên xưng hùng, trở thành thiên tử, Đột Quyết mới phái binh tương trợ.
Thấy quân Đột Quyết vô cùng chờ mong Lý Uyên xưng vương, tướng sĩ dưới quyền ông, bao gồm cả văn thần mưu sĩ và võ tướng đánh trận đều không ngớt vui sướng, thúc giục ông nhanh chóng đăng cơ. Lý Uyên đương nhiên cũng muốn xưng vương, nhưng lúc này ông lại vô cùng điềm tĩnh, cân nhắc sâu xa.
Lúc bấy giờ, các cuộc khởi nghĩa của nông dân đang nổ ra khắp nơi dưới khẩu hiệu lật đổ nhà Tùy, giải thoát dân chúng đói khổ khỏi ách áp bức, bóc lột của Tùy Dạng Đế21. Lý Uyên muốn cướp ngôi vua, nhưng ông phân vân mình đang dựa vào giới quý tộc mới nổi, quan lại và các lực lượng giàu có khác, không phải là nông dân và rất khác với nông dân. Những người này có tinh thần trung quân rất mạnh mẽ, cho nên họ chỉ muốn phản đối hôn quân Tùy Dạng Đế, chỉ muốn có một minh quân khác lên thay thế. Họ sẽ tuyệt đối không cho phép có người lật đổ hoàn toàn chế độ chính trị của nhà Tùy. Mắt thấy cơ ngơi nhà Tùy sụp đổ đến nơi, chính quyền nhà Tùy chỉ còn là hữu danh vô thực, quý tộc, quan lại địa phương vốn khôn ngoan mưu trí, thực lực hùng hậu, đã sớm chuẩn bị đầy đủ lực lượng vũ trang giúp họ cát cứ một phương. Lực lượng của họ, bất luận xét về vũ khí, trang bị, tư duy chiến thuật hay năng lực chiến đấu, đều không hề thua kém quân đội chính quy của triều đình. Còn các đội quân nông dân khởi nghĩa tự phát, dùng gậy gộc, cuốc, xẻng làm vũ khí tuyệt đối không thể sánh bằng lực lượng này.
21 Tùy Dạng Đế (569 - 618): Tên thật là Dương Quảng hay Dương Anh, hiệu là Tùy Thế Tổ, là hoàng đế thứ 2 của triều đại nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc.
Hơn nữa, không lâu trước đây Tùy Dạng Đế từng trấn áp nhanh chóng cuộc nổi dậy của Dương Huyền Cảm22 bằng thủ đoạn quả quyết và tàn nhẫn. Có thể thấy, Tùy Dạng Đế vẫn còn rất căm hận giới quý tộc đến tận xương tủy. Nhà Tùy cho dù mục ruỗng nhưng vẫn là chính quyền của một quốc gia, nếu Tùy Dạng Đế lên tiếng tập hợp binh lính chống lại Lý Uyên thì dù lực lượng của ông có lớn mạnh đến mấy cũng không thể đương đầu nổi.
22 Dương Huyền Cảm (mất năm 613): Tướng nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã nổi dậy chống triều đình Tùy Dạng Đế nhưng thất bại trước khi nhà Tùy sụp đổ.
Sau khi suy tính kĩ càng, Lý Uyên kiên quyết bác bỏ đề xuất của thuộc hạ. Ông không những không tự xưng vương mà còn giương cao ngọn cờ Tôn Tùy (phụng sự nhà Tùy). Ông tôn Tùy Dạng Đế lên làm Thái thượng hoàng, đề xuất lập Dương Hựu là cháu của Tùy Dạng Đế đang đóng quân ở Quan Trung lên làm Tân đế, lấy hiệu là Tùy Cung Đế. Đồng thời, ông gợi ý vua sáp nhập lại quận huyện, thay mới cờ xí. Thủ lĩnh Thủy Tất Khả Hãn của Đột Quyết thấy vậy liền ý thức được thanh thế của Lý Uyên đang lên như diều gặp gió, rất nhanh có thể xưng đế. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc Lý Uyên đã ngầm tiếp thu kiến nghị Thủy Tất Khả Hãn, cho nên quân Đột Quyết không còn quấy nhiễu Lý Uyên mà sẽ hỗ trợ ông trên cơ sở trao đổi lợi ích với nhau. Còn phía hoàng thất nhà Tùy đương nhiên có ý nghi ngờ Lý Uyên có âm mưu khác. Nhưng vì ông đang giương cao ngọn cờ “Tôn Tùy” cho nên không thể bắt bẻ. Vấn đề nổi cộm trước mắt của triều đình nhà Tùy chính là trấn áp khởi nghĩa của nông dân. Việc này vốn đã đủ căng thẳng, còn hơi sức đâu mà đối phó với Lý Uyên? Vì thế, ngoại trừ bố trí binh lính phòng ngự vòng ngoài, quân triều đình tạm thời chưa đánh vào địa bàn của Lý Uyên. Lý Uyên tận dụng thời cơ này, từng bước mở rộng lực lượng của mình.
Ngọn cờ Tôn Tùy của Lý Uyên rất phù hợp với tinh thần trung quân của tầng lớp nhân sĩ quý tộc. Hơn nữa, Lý Uyên còn lập Dương Hựu lên làm Tùy Cung Đế, đồng nghĩa với việc sẽ sắp xếp lại bộ máy quan lại trong triều. Đây là một cơ hội thăng quan phát tài không thể bỏ qua đối với đám nhân sĩ quý tộc mới nổi muốn mưu cầu danh lợi. Tình thế lúc này cho thấy ai gia nhập phe của Lý Uyên trước thì người đó càng có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Vì thế, rất nhiều nhân sĩ quý tộc đầu quân cho Lý Uyên, giúp lực lượng của ông ngày càng lớn mạnh.
Tôn Tùy là một kế sách vô cùng thông minh của Lý Uyên. Ông coi triều đình nhà Tùy như một cái cây đại thụ đã bị mục ruỗng, sẽ nhanh chóng chết đi. Nhưng bản thân Lý Uyên chỉ là một hạt mầm mới mọc, cần phải dựa vào cây đại thụ để được chắn gió che mưa, hút dinh dưỡng cho cây con lớn lên thuận lợi. Đợi thời cơ chín muồi, Lý Uyên lật đổ nhà Tùy và lập ra nhà Đường.
Lý Uyên chính là một ví dụ điển hình về việc vận dụng linh hoạt sách lược “núp bóng cây lớn” để lập nên sự nghiệp lẫy lừng.
4
GIÚP NGƯỜI ĐƯỢC NGƯỜI TRẢ ƠN
Muốn được người khác giúp sức, thì trước tiên bản thân mình phải có lòng giúp đỡ đối phương. Tấm lòng của bạn sẽ báo đáp lại chính bạn
Hồ Tuyết Nham là thương nhân nổi tiếng vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc, nhờ giúp người mà được phát tài. Người này xuất thân nghèo khó, nhờ giỏi buôn bán nên phất lên nhanh chóng. Vì có giao thiệp với quan đại thần Tả Tông Đương nên ông cũng được ra làm quan. Hồ Tuyết Nham nhiều lần lập công cho triều đình nên được Hoàng đế ngự ban mũ áo. Tuy vậy, ông vẫn không từ bỏ công việc buôn bán, vừa làm quan vừa làm thương nhân. Mọi người gọi ông là “thương nhân mũ đỏ” hay “quan thương”.
Có nhiều lời đồn đại về câu chuyện phát tài của Hồ Tuyết Nham. Nhưng được biết đến rộng rãi nhất là chuyện Hồ Tuyết Nham từng giúp đỡ một người rơi vào cảnh cùng cực, sau đó người này trả ơn rất hậu hĩnh. Từ đó, sự nghiệp của Hồ Tuyết Nham lên như diều gặp gió. Người ta đồn rằng nhân vật được giúp đỡ chính là Vương Hữu Linh – Tuần phủ Chiết Giang. Khi xưa, người này vì cha chết, gia cảnh bần cùng, khốn khó nên phải lưu lạc tới Hàng Châu. Một hôm, khi lang thang trên đường, Vương Hữu Linh gặp Hồ Tuyết Nham lúc này đang làm việc tại tiền trang23 Phụ Khang ở Hàng Châu. Thấy người này bộ dạng nhếch nhác nhưng phong thái bất phàm, không giống những kẻ bất tài vô dụng, Hồ Tuyết Nham bèn dừng lại hỏi chuyện. Vương Hữu Linh kể hết hoàn cảnh của bản thân và được Hồ Hữu Nham ngỏ ý giúp đỡ vào kinh cầu quan. Hồ Tuyết Nham đưa số tiền 500 lạng bạc mới thu nợ cho Vương Hữu Linh làm kinh phí. Vương Hữu Linh từ chối không nhận, sợ Hồ Tuyết Nham bị ông chủ tiền trang phạt. Hồ Tuyết Nham trấn an Vương Hữu Linh, cam đoan nếu có chuyện gì sẽ một mình gánh chịu, quyết không để lộ.
23 Tiền trang: Một dạng ngân hàng tư nhân ở thời xưa.
Vương Hữu Linh vô cùng biết ơn mà cầm tiền vào kinh, sau đó được bổ nhiệm làm Tổng biện phụ trách lương thực ở Chiết Giang. Về sau Vương Hữu Linh đi tìm Hồ Tuyết Nham, cảm tạ và trả lại ông số tiền lớn hơn gấp bội. Không chỉ trả tiền, Vương Hữu Linh còn giúp Hồ Tuyết Nham tự mở một tiền trang. Mấy năm sau, Vương Hữu Linh lại được thăng chức làm Tuần phủ Chiết Giang, rồi tiến cử Hồ Tuyết Nham nhậm chức Tổng biện phụ trách lương thực, giúp ông trở thành viên quan trông coi lương thực quyền thế nhất ở Chiết Giang. Hồ Tuyết Nham vốn có đầu óc kinh doanh, đã kiếm được bội tiền nhờ mở tiền trang. Nay ông lại kiêm thêm chức quan coi lương, sự nghiệp càng phát đạt. Hồ Tuyết Nham tiếp tục mở rộng kinh doanh, hợp tác với nhà buôn nước ngoài, của cải nhiều không đếm xuể và ông trở thành thương nhân giàu có bậc nhất Hàng Châu.
Lại có một dị bản khác kể rằng có một quan binh của Tương quân24 đến tiền trang nơi Hồ Tuyết Nham làm việc để vay 2.000 lượng bạc. Khi đó ông chủ tiền trang đi vắng, Hồ Tuyết Nham tự quyết định cho quan binh đó vay tiền. Khi ông chủ trở về biết chuyện liền nổi trận lôi đình, đòi Hồ Tuyết Nham phải bồi thường và đuổi việc ông. Không lâu sau quan binh đem tiền đến trả, giữa đường gặp Hồ Tuyết Nham đang lang thang, vạ vật bèn hỏi nguyên do. Biết Hồ Tuyết Nham vì mình mà bị liên lụy, người này vô cùng áy náy, bèn mời ông về quân doanh. Tại đây, ông được khoản đãi rất hậu, được biếu 100 nghìn lạng bạc để tự mở tiền trang. Về sau vị quan binh này còn tiến cử Hồ Tuyết Nham với Tổng đốc Chiết Giang là Vương Hữu Linh. Nhờ sự nâng đỡ của Vương Hữu Linh, Hồ Tuyết Nham ngày càng trở nên giàu có.
24 Tương quân: Đội quân được phát triển từ lực lượng dân quân ở nông thôn do Tăng Quốc Phiên – giữ chức Nội các Học sĩ trong triều đình nhà Thanh – chỉ huy nhằm chống lại quân Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864).
Nhưng dù là dị bản nào thì chúng ta đều có thể thấy rằng thành công của Hồ Tuyết Nham có liên quan mật thiết đến Vương Hữu Linh. Chính nhờ có Vương Hữu Linh ra mặt ủng hộ, Hồ Tuyết Nham mới có chỗ dựa, mới có thể làm gì cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Đương nhiên, Vương Hữu Linh cũng rất coi trọng và tin tưởng phẩm chất và tài năng kinh doanh của Hồ Tuyết Nham nên mới nâng đỡ ông như vậy.
Câu chuyện của nhà văn Tiền Chung Thư cũng rất đáng nói. Khi ông ở Thượng Hải viết cuốn tiểu thuyết châm biếm Vi thành (tên tiếng Anh là Fortress Besieged) nổi tiếng, hoàn cảnh của ông rất khó khăn. Không có ai mua các bài tham luận học thuật của Tiền Chung Thư, vì vậy ông càng dốc sức viết tiểu thuyết để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi ngày Tiền Chung Thư viết 500 chữ, đây không phải là tốc độ lí tưởng của người làm nghề bán chữ kiếm tiền. May thay, lúc đó đạo diễn Hoàng Tá Lâm đã dựng xong hai bộ phim hài ngắn có tên Vừa lòng hợp ý và Làm giả thành thật chuyển thể từ tác phẩm của vợ Tiền Chung Thư là bà Dương Giáng. Gia đình ông được trả nhuận bút kịp thời, nhờ vậy cuộc sống đã có phần khấm khá hơn.
Nhiều năm về sau, con gái của Hoàng Tá Lâm là Hoàng Thục Tượng cũng trở thành đạo diễn. Nhờ có bức thư của người bố, cô được Tiền Chung Thư cho phép độc quyền thực hiện bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Vi thành của ông. Tiền Chung Thư không quên ân tình cũ. Khi xưa Hoàng Tá Lâm giúp đỡ gia đình ông, nay Tiền Chung Thư đã báo đáp lại.
Muốn được người khác giúp sức, thì trước tiên bản thân mình phải có lòng giúp đỡ đối phương. Tấm lòng của bạn sẽ báo đáp lại chính bạn.
5
MƯỢN SỨC QUÝ NHÂN ĐỂ THÀNH CÔNG
Bờ giậu hình thành nhờ hàng cọc, con người thành công nhờ được giúp đỡ
Từ xưa đến nay, người muốn làm nên nghiệp lớn hoặc đạt được thành tích vang dội đều cần hợp tác với nhau. Không ai có thể độc hành leo lên đỉnh vinh quang. Người xưa có câu: “Bờ giậu hình thành nhờ hàng cọc, con người thành công nhờ được giúp đỡ” chính là như vậy.
Xét từ mọi góc độ, việc mượn sức quý nhân cần xem xét và thực hiện một cách cẩn thận. Chúng tôi xin đưa ra bốn đề xuất cụ thể dưới đây để độc giả tham khảo:
Tìm kiếm quý nhân
Đây là việc không hề dễ dàng. Có thể bạn phải tốn rất nhiều tâm tư mới có thể tìm kiếm được người này. Nhiều người cho rằng cơ hội thăng tiến của bản thân phụ thuộc vào đánh giá của cấp trên trực tiếp. Quan điểm này có lẽ cũng đúng. Nhưng lãnh đạo cấp cao nhất có thể cho rằng cấp trên trực tiếp của bạn không đủ uy tín, do đó sẽ không chú trọng đến đề xuất thăng tiến cho bạn. Bạn hãy chú ý quan sát kĩ mọi người xung quanh, đặc biệt quan tâm tới vòng tròn quan hệ và mức độ tín nhiệm của những người này. Như vậy bạn mới có thể tìm đúng quý nhân có thể giúp mình thăng tiến trong tương lai.
Đánh động quý nhân
Không biết cách đánh động quý nhân giúp mình thì chẳng khác nào bạn không có quý nhân. Khi đề nghị quý nhân giúp đỡ, hãy phân tích cho họ thấy lợi ích của việc hỗ trợ bạn thăng tiến. Lợi ích đó có thể là bạn sẽ trở thành cánh tay phải đắc lực giúp họ giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, bạn sẽ là cầu nối để họ tạo dựng mối quan hệ với đồng nghiệp hoặc cấp dưới… Bạn phải khiến quý nhân hiểu rằng đây là tình huống đôi bên cùng có lợi, từ đó thúc đẩy họ quyết tâm hành động và bạn sẽ dễ đạt được mục đích hơn.
Chờ cơ hội
Hãy thử tưởng tượng, bạn đang xếp hàng chờ thanh toán trong siêu thị thì có một người phụ nữ tay xách nách mang một đống đồ chen lên đứng trước bạn. Bạn nhẹ nhàng góp ý với chị ta rằng người đến sau phải xếp sau. Nhưng chị ta chỉ cười giả lả, nói rằng mình đang rất gấp và đồ của mình rất ít, sẽ thanh toán nhanh thôi. Lúc này bạn đã rất bực mình rồi nhưng không thể tiếp tục tranh cãi hay tiến lên đứng trước chị ta.
Trong một công ty hay một tổ chức, tình huống như vậy thường xuyên xảy ra. Nếu vị trí mà bạn đang nhắm đến đã có người đảm nhiệm, thì dù bản thân bỏ ra bao nhiêu công sức hoặc quý nhân dốc lòng đề bạt đến đâu cũng chỉ là chuyện phí công vô ích.
Trong ví dụ nêu trên, để được thanh toán, bạn phải rời khỏi hàng đang đứng, sang xếp hàng tại dãy có ít người hơn. Tương tự như vậy, bạn hãy từ bỏ chiếc ghế đã có người ngồi xuống, chuyển sang một con đường khác để thăng tiến. Nếu bạn vẫn mong muốn ngồi vào vị trí này, vậy thì hãy kiên nhẫn chờ đợi. Nếu người kia đủ điều kiện được thăng chức, vậy thì vị trí này sẽ lại bỏ trống. Khi đó quý nhân có thể lập tức đề bạt bạn đảm đương công việc đó một cách thuận lợi.
Tranh thủ sự đề bạt của nhiều quý nhân
Được nhiều quý nhân cùng đề bạt có thể giúp hiệu quả thăng tiến tăng theo cấp số nhân. Đây là hiệu ứng cộng hưởng từ các nhân vật quan trọng. Hiệu ứng này hình thành khi trong cuộc trò chuyện giữa những người có thế lực, có uy tín, nhiều người cùng nhắc đến bạn, không ngừng tán dương các ưu điểm của bạn. Điều đó càng thúc đẩy họ quyết tâm nâng đỡ bạn. Nhờ đó, cơ hội thăng tiến của bạn sẽ càng rõ ràng và có thể cao hơn cả kì vọng. Hãy gây ấn tượng và thuyết phục nhiều người có tiếng nói ủng hộ bạn, như vậy bạn sẽ nhanh tiến đến đích hơn.
Vậy chúng ta nên nhờ quý nhân hỗ trợ trong những khía cạnh nào? Nhìn lại những kinh nghiệm trong lịch sử, người Trung Quốc đã chia chúng thành: mượn thế, mượn thời, mượn đức và mượn trí.
Mượn thế
Đây là việc một người mượn hoặc dựa vào quyền lực của người khác để tạo danh tiếng, quyền hành cho bản thân. Điều này giống như việc các công ty thường cố gắng quảng cáo sản phẩm của mình trên các tờ báo hoặc trên truyền hình. Những sản phẩm thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng lớn sẽ thu hút và khiến người tiêu dùng tin tưởng, từ đó dễ dàng tăng nhanh doanh số.
Mượn thời
Đây là việc nắm bắt thời cơ có lợi cho sự phát triển của mình, hoặc mượn thời cơ do người khác tạo ra để đạt được mục đích của bản thân. Cơ hội chia đều cho tất cả mọi người, nhưng chỉ có những người có chuẩn bị sẵn sàng mới có thể nắm bắt được nó. Hãy quan sát những tình huống, môi trường xung quanh bạn. Rất có thể trưởng phòng của bạn sắp được cử sang chi nhánh nước ngoài. Nếu có đủ năng lực và thâm niên, hãy tận dụng cơ hội để được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại của đối phương.
Mượn đức
Đây là việc mượn uy tín của người khác để bản thân được thơm lây, có danh tiếng tốt. Trên thương trường, danh tiếng quyết định rất nhiều đến thành công của một người. Lãnh đạo cấp cao có thể trọng dụng bạn nếu sếp trực tiếp của bạn là người có uy tín. Hoặc bạn có thể trúng thầu một dự án vì doanh nghiệp bạn đang làm việc đã có kinh nghiệm thực hiện những dự án tương tự. Vì vậy, nếu quý nhân của bạn có danh tiếng tốt, trong một số trường hợp, đừng ngại khoe khéo về nó.
Mượn trí
Đây là việc tập trung ưu thế trí lực của những người tài để giúp sức cho bản thân. Trong công việc, nếu có khúc mắc hoặc vấn đề khó giải quyết, bạn có thể hỏi xin ý kiến, nhận xét hay giải pháp từ sếp hoặc đồng nghiệp có thâm niên trong nghề. Những người này chính là “thư viện sống” với nguồn kiến thức và kinh nghiệm hết sức phong phú mà bạn nên học hỏi.
Như vậy, có thể thấy rằng từ xưa đến nay, một người muốn làm nên nghiệp lớn thì luôn cần đến sự trợ giúp của quý nhân. Hãy biết tạo dựng quan hệ và tận dụng hết sức nguồn lực của quý nhân để con đường thăng tiến được rộng mở.
6
NHỜ CẬY BẠN BÈ GIÚP ĐỠ
Người biết mượn trợ lực từ bạn bè là người sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Một tay vỗ chẳng nên tiếng, một cây làm chẳng nên rừng.” Một người muốn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp thì không thể thiếu sự giúp sức của những người khác. Hãy biết đứng trên vai người khổng lồ để có thể tiến nhanh hơn trên con đường bản thân đã chọn lựa.
Trong số những “người khác” có một kiểu người có thể nhiệt tình giúp đỡ bạn, chính là bạn bè – những người luôn sát cánh bên bạn, sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc, mọi nơi. Bạn bè là một vòng tròn đặc biệt. Vòng tròn này cho dù nhỏ nhưng có sức mạnh không gì đong đếm được. Ý nghĩa của mối quan hệ bạn bè là trao đi nhận lại, có qua có lại với nhau. Sở trường, sở đoản, tài nguyên mỗi người mỗi khác, cho nên phải dựa vào nhau thì mới có thể tiến lên được. Người biết mượn trợ lực từ bạn bè là người sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng.
Trong thế giới tự nhiên, các con vật cộng tác với đồng loại cùng săn mồi, sưởi ấm và sinh sản. Những con mạnh nhất càng biết tận dụng quan hệ qua lại này để duy trì trật tự nhằm chiếm được ưu thế lớn nhất: được ăn trước tiên và nhiều nhất, có được giống cái đẹp nhất, trẻ nhất... Những con vật sống đơn độc sẽ bị loại bỏ rất nhanh, cho dù đó là những loài thú lớn, dữ tợn như sói, sư tử, hổ, báo... Động vật quần cư mới là những loài dễ dàng sinh tồn, ví dụ kiến, ong, chim...
Trong cả xã hội lẫn tự nhiên, cá thể đơn độc không thể chống lại bầy đàn. Một người không thể làm nên nghiệp lớn nếu không được giúp đỡ. Người bình thường là vậy mà người thành đạt càng là như vậy. Mượn sức bạn bè để vượt lên trên những người khác là việc cần làm để tiến tới thành công. Nếu khuyết thiếu năng lực nào đó, bạn cần “mượn” nó từ người khác để nâng cao tài nguyên cho bản thân.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi may mắn gặp nhau và nhanh chóng trở nên thân thiết. Họ cùng nhau kết nghĩa vườn đào, đặt nền móng cho nhà Tây Thục, về sau chia ba thiên hạ, lập nên nhà Thục. Khi đó, cả ba đều là tầng lớp bình dân thấp kém nhất xã hội. Lưu Bị vốn có dòng dõi hoàng thất nhà Hán, nhưng sa sút đến độ phải ra chợ buôn chiếu cói kiếm sống. Trương Phi chỉ là một anh đồ tể, tính tình thô lỗ, cục cằn. Quan Vũ là kẻ giết người bỏ trốn, không chốn dung thân. Sau khi kết nghĩa, ba người nương tựa, giúp đỡ nhau làm nên việc lớn.
Lúc xảy ra loạn Đổng Trác25, Lã Bố tuy hung hãn nhưng lại kiêu căng, ngạo mạn, một mình một phách, không ai hỗ trợ, cuối cùng bị Tào Tháo tiêu diệt. Mà Lưu, Quan, Trương sát cánh chiến đấu cùng nhau, từng bước tiến lên, cuối cùng thành danh thành nghiệp. Đây chính là ví dụ điển hình cho đạo lí mượn sức bạn bè để làm nên nghiệp lớn.
25 Loạn Đổng Trác: Đổng Trác là tướng quân phiệt và quyền thần nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời Hán Thiếu Đế, hắn phế truất và giết chết vua, cướp bóc và sát hại nhiều dân thường, khiến nhiều người bất bình.
Thời Tây Hán, Lưu Bang cũng là một người giỏi mượn sức bạn bè để thành công. Ông có xuất thân thấp kém, văn không hay, võ không giỏi. Nhưng Lưu Bang trời sinh hào sảng, rất giỏi kết giao, lại can đảm vô song. Khi dựng cờ khởi nghĩa chống lại nhà Tần, ông tụ họp hào kiệt bốn phương, bất kể thân thế, chí hướng thế nào cũng đều thu dụng. Trước đây, ba vị tướng Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố dưới trướng Lưu Bang là thuộc hạ của Hạng Vũ – đối thủ sống còn của Lưu Bang. Những mưu thần võ tướng thân cận bên cạnh Lưu Bang như Tiêu Hà, Tào Tham, Phàn Khoái, Trương Lương cũng là những người bạn ông kết giao khi còn trẻ. Họ luôn sát cánh cùng ông trong thời kì Hán-Sở tranh hùng, đóng góp công lao giúp ông lập nên nhà Tây Hán. Nhờ sự tận trung của tướng lĩnh dưới trướng, Lưu Bang đã gây dựng được sự nghiệp lẫy lừng cho bản thân.
Không chỉ có đế vương, tướng soái mới cần mượn sức người khác mà người bình thường như chúng ta cũng không thể không có bạn bè giúp đỡ. Tuy nhiên đây không phải là chuyện hễ muốn là làm được. Mối quan hệ này cần có sự vun đắp từ hai phía. Muốn bạn bè trợ giúp, bạn cũng cần đối đãi thật lòng và sẵn sàng hỗ trợ đối phương khi cần. Đừng chỉ biết nhận lấy lợi ích, bạn cũng cần phải cho đi. Nếu chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân, thì bạn bè sẽ dễ biến thành thù địch, mối quan hệ tốt đẹp ban đầu giữa đôi bên sẽ bị phá hủy. Hãy giúp đỡ nhau cùng phát triển và đạt được thành công.
7
NGỢI KHEN NGƯỜI ĐỂ ĐƯỢC THƠM LÂY
Hãy học cách ngợi khen ưu điểm của những người xung quanh, bạn cũng sẽ được thơm lây
Einstein từng khiêm tốn nói rằng ông có thể khám phá ra Thuyết tương đối là vì ông được “đứng trên vai những người khổng lồ”. Trong thuyết Mặt dày tâm đen, câu nói này có nghĩa là biết mượn thành công của người khác để tạo dựng thành công của bản thân.
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tề vốn là nước lớn nhất. Về sau, do Tề Mẫn Vương có lối sống ngang tàn vô đạo nên bị vua nước Yên đem quân đánh bại. Khi đó cả nước Tề chỉ còn hai thành nhỏ, bản thân Tề Mẫn Vương bị giết chết. Nước Tề phải nhờ Điền Đan26 chống giữ thành Tức Mặc, chờ ngày phản công nước Yên, giành lại đất đai bị mất. Đồng thời lúc bấy giờ thái tử Pháp Chương đang ở nước Cử được đón về nước, lập làm Tề Tương Vương. Đến khi nước Tề được khôi phục, Điền Đan trở thành Tướng quốc.
26 Điền Đan: Danh tướng nước Tề thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công đánh đuổi quân Yên, khôi phục nước Tề vào đầu thế kỷ III TCN.
Có lần, Tề Tương Vương cùng Điền Đan ra ngoài vi hành. Hai người trông thấy một ông cụ già run rẩy lội qua con sông mùa cạn. Lúc đó đang là mùa đông rét mướt, ông lão ngồi lại trên bờ, không đi tiếp nổi vì lạnh. Điền Đan thương tình, cởi áo choàng của mình khoác lên người ông cụ. Tề Tương Vương thấy thế trong lòng vô cùng khó chịu, nghĩ rằng Điền Đan cố ý mua chuộc lòng người, ngày sau sẽ tranh ngôi đoạt vị với mình. Đúng khi Tề Tương Vương đang lẩm bẩm thở than thì có người mò ngọc đi ngang qua nghe thấy. Người này bèn hiến kế cho Tề Tương Vương, giúp ông biến việc tốt của Điền Đan thành tiếng thơm cho mình. Sau khi hồi cung, Tề Tương Vương cho viết cáo thị bố cáo cho toàn thiên hạ về việc này, đồng thời khen ngợi Điền Đan có tấm lòng nhân hậu, tương thân tương ái, góp phần phò trợ nhà vua.
Mấy ngày sau, người mò ngọc lại tìm đến cung xin gặp Tề Tương Vương. Người này khuyên Tề Tương Vương cho triệu kiến Điền Đan và trực tiếp khen ngợi công lao của vị tướng quân này. Tề Tương Vương còn phát cáo thị hỗ trợ những người dân lưu lạc vì chiến tranh trở về quê cũ làm ăn. Không lâu sau, dân chúng bàn tán với nhau rằng Điền Đan lo cho dân đều là nhờ Tề Tương Vương dạy bảo.
Tề Tương Vương không phải người tài nhưng lại là người chịu nghe ý kiến của người khác. Vì vậy cho dù lực lượng không quá mạnh nhưng lại biết cải thiện quan hệ quân thần theo hướng tích cực, cũng được coi như một vị vua khôn ngoan.
Người thực sự thông thái ở đây chính là người mò ngọc kia. Ông ta không chỉ giúp Tề Tương Vương dẹp bỏ tâm lí nghi kị công thần, mà còn thúc đẩy vua tôi cùng hợp tác trong việc thu phục lòng dân. Đối với quốc gia và người dân, đây chính là việc tốt, trăm lợi không hại.
Một người muốn vạch trần những việc làm xấu xa của người khác thì chưa chắc đã là người khôn ngoan. Nhưng người ca ngợi điều tốt đẹp của người khác thì chắc chắn là người sáng suốt. Hãy học cách ngợi khen ưu điểm của những người xung quanh, bạn cũng sẽ được thơm lây.