Người Trung Quốc có câu: “Cây cao vượt rừng, tất bị gió quật đổ. Đống cao hơn bờ, nước tất bạt phẳng. Người trội hơn người, tất bị làm hại.” Tục ngữ Trung Quốc cũng có câu: “Súng bắn chim đầu đàn.” Do đó những người khôn ngoan phải biết cách giấu mình chờ thời, không lộ bản lĩnh để tự bảo vệ bản thân thật tốt.
1
ƯNG ĐỨNG NHƯ NGỦ, HỔ NẰM NHƯ BỆNH
Người khôn ngoan cần biết co biết duỗi, ứng biến linh hoạt mới gặt hái được thành quả
Người xưa có câu: “Ưng đứng như ngủ, hổ nằm như bệnh” để nói về cách rình bắt con mồi của hai loài động vật này. Đồng thời, nó cũng truyền tải thông điệp người quân tử không để lộ tài trí, không ra vẻ tài hoa mới gặt hái được thành quả. Những người muốn làm việc lớn đặc biệt phải biết ứng biến linh hoạt, giống như câu nói: “Lấy vụng về che giấu thông minh, tưởng u tối mà lại sáng rõ.”
Lý Tích là trọng thần của nhà Đường. Ban đầu ông là bộ hạ của Lý Mật12, về sau lại về dưới trướng của cha con Lý Uyên13. Lúc này thế cục thiên hạ đã tương đối rõ ràng. Lý Tích hiểu rằng chỉ có khiến cha con Lý Uyên tin tưởng thì bản thân mới có tiền đồ. Vì vậy, ông đã đem bản đồ của vùng đất “phía đông tới biển, phía nam tới sông, phía tây đến Nhữ Châu, phía bắc đến Ngụy quận” mà Lý Mật bỏ lại gửi tới Quan Trung. Khi Lý Mật đầu hàng Lý Uyên, Lý Tích đem bản đồ kia dâng lên cho Lý Mật, để Lý Mật tự dâng cho Lý Uyên nhận công. Lý Tích đã không vượt mặt Lý Mật, ông coi đó là hành vi vô đạo đức khi lợi dụng chủ cũ gặp nạn để mưu lợi riêng.
12 Lý Mật (582-619): Thủ lĩnh quân nổi dậy chống lại nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc.
13 Lý Uyên (566-635): Tức Đường Cao Tổ, hoàng đế khai quốc của triều Đường trong lịch sử Trung Quốc.
Lý Uyên biết chuyện đã vô cùng cảm động, cho rằng Lý Tích có thể tận trung như vậy, ắt sẽ là một bậc trung thần. Sau khi Lý Tích quy hàng nhà Đường, ông được Lý Uyên hết sức trọng dụng. Còn Lý Mật đầu hàng quân Đường lại làm phản và bị giết.
Người bình thường chẳng ai muốn dây dưa với tội thần mưu phản, nhưng Lý Tích lại công khai gửi sớ xin khâm liệm cho Lý Mật. Ông mặc áo tang, cùng thuộc hạ cũ đưa thi thể Lý Mật đi chôn cất tại phía nam Lê Sơn. Nhìn bề ngoài, đây là hành động mạo phạm đến uy danh của cha con Đường Cao Tổ Lý Uyên, rõ là một loại ngu trung14. Nhưng thực chất Lý Tích đã sớm dự liệu được hành động này của bản thân sẽ có hiệu quả tích cực, giống như việc dâng bản đồ cho Lý Mật ngày trước. Quả nhiên, trong mắt Lý Uyên, đây là nghĩa cử cao đẹp của người quân tử chí nhân tận nghĩa. Từ đó, Lý Tích được trọng dụng trong suốt ba triều vua nhà Đường.
14 Ngu trung: trung thành ngu ngốc.
Thi tiên Lý Bạch cũng có câu thơ bàn chuyện giấu mình đợi thời rất đáng suy ngẫm, rằng: “Đại hiền hổ biến ngu bất trắc, đương niên pha tự tầm thường nhân.” Nghĩa là: Không ngờ bậc đại hiền lại giả ngu ngơ, năm đó giả như người tầm thường. Ngoài ra, câu này còn một nét nghĩa khác là con người phải biết co biết duỗi, linh hoạt biến hóa. Hãy giống như mãnh hổ phục trong rừng, giao long trầm mình dưới đầm nước, khiến người ngoài không thể nắm bắt, còn bản thân nhân đó mà thong thả hành động.
Sau khi Chu Nguyên Chương chiếm được Nam Kinh, để tránh bị tiêu diệt vì có tài năng xuất chúng, ông nghe theo lời khuyên của kì lão Chu Thăng. Ông thực hiện kế “xây tường cao hào sâu, tích kho đầy lương, từ từ xưng vương” mà giành phần thắng trước các phe cánh đối địch, chọn cách không ai lường tới để thôn tính hết các quần hùng. Cuối cùng Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế, mở ra triều nhà Minh.
2
KIỀM CHẾ CÁ TÍNH CỦA BẢN THÂN
Không phải ai thể hiện cá tính cũng được ăn quả ngọt mà không cần nếm trái đắng
Người mang cá tính luôn có sức hút. Có người có ngoại hình nổi bật (lông mày dài, rậm), có người có thực lực giỏi giang (tài năng về một lĩnh vực nào đó). Thế nhưng, việc thể hiện cá tính của bản thân không đúng lúc, đúng chỗ không hề đem lại lợi ích cho bạn. Đặc biệt là trong xã giao, thậm chí nó còn gây ra tác hại khôn lường.
Trong xã hội ngày nay, quan hệ giữa người với người rất tế nhị, phức tạp, nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng làm nảy sinh xích mích, mà thể hiện cá tính một cách thái quá chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn không được chào đón.
Giữa một tập thể, nếu quá cá tính sẽ không có lợi. Bạn phơi bày suy nghĩ của mình cho tất cả mọi người mà không che đậy gì, thì chẳng khác nào cá nằm trên thớt để mặc người ta chặt chém. Như vậy chẳng phải ngốc nghếch lắm sao?
Nếu biết rằng đó là những người cầm súng đeo kiếm, những kẻ lộng quyền, lòng dạ khó lường, hung tàn, lỗ mãng, phường trộm cắp, đầu đường xó chợ, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Có phải là sởn da gà, lo lắng đứng ngồi không yên? Rất nhiều người không biết đến mặt tiêu cực của việc tự do thể hiện cá tính. Đặc biệt là những người trẻ tuổi thường thích gì nói nấy, luôn tự tin khoe cá tính, muốn trở nên khác biệt. Họ nghĩ rằng làm như vậy có thể thu hút sự chú ý, có thể trở thành ngôi sao thần tượng, người của công chúng. Đáng tiếc là, không phải ai thể hiện cá tính cũng được ăn quả ngọt mà không cần nếm trái đắng. Tài tử Nễ Hành thời Tam Quốc chính là một ví dụ như vậy.
Ở tuổi đôi mươi, Nễ Hành là một trong số những danh sĩ quyền quý. Cậy tuổi trẻ tài cao nên tài tử này rất kiêu ngạo, không coi ai ra gì, cho rằng mình xuất chúng hơn người.
Vào thời kì đầu triều đại vua Hán Hiến Đế, Thượng thư Khổng Dung tiến cử Nễ Hành. Nghe tin, Đại tướng Tào Tháo bèn triệu kiến hắn tới phủ. Nễ Hành không biết trời cao đất dày, nói năng ngông ngạo. Tào Tháo trong lòng không vui, bèn phong cho hắn làm tiểu lại đánh trống. Nễ Hành vì thế mà hận Tào Tháo.
Một lần, Tào Tháo tổ chức đại hội binh khách. Ông bắt Nễ Hành mặc trang phục của tiểu lại và đánh trống mua vui cho quan khách. Nễ Hành không nghe lệnh, trần truồng đánh trống trước mặt mọi người để làm nhục Tào Tháo, khiến quan khách mất hứng. Tào Tháo giận tím mặt và quyết tâm tìm cách trừ khử Nễ Hành. Ông phái hắn sang giúp sức cho Châu mục Kinh Châu là Lưu Biểu. Không được mấy ngày, Nễ Hành đã vô lễ, xúc phạm Lưu Biểu. Nhưng Lưu Biểu cũng là người thông minh, không cho giết Nễ Hành ngay mà sai hắn ta sang chỗ Thái thú Giang Hạ là Hoàng Tổ.
Nễ Hành tới chỗ Hoàng Tổ, tính tình vẫn ngạo mạn. Một lần, hắn ta ngang nhiên xúc phạm Hoàng Tổ trước mặt mọi người. Hoàng Tổ tức giận, sai người phạt roi Nễ Hành. Roi càng đánh xuống, hắn ta chửi càng hăng. Hoàng Tổ không chịu thêm được nữa, sai giết Nễ Hành.
Nễ Hành gặp họa sát thân là do tính cách của hắn gây ra. Người có tài năng luôn rất đáng quý, nhưng Nễ Hành lại ỷ tài mà kiêu ngạo làm càn, cuối cùng chuốc họa vào thân. Thể hiện cá tính thái quá sẽ gặp họa chứ không gặp phúc.
Về cơ bản, cá tính nên được thể hiện ở mức độ vừa phải. Khi giao lưu cùng người khác, nên thu bớt cá tính, không thể thích nói gì thì nói, thích làm gì thì làm. Hãy đứng từ góc độ của người khác để suy nghĩ xem họ sẽ cảm thấy thế nào, sẽ phản ứng thế nào về phát ngôn và hành động của mình. Như vậy mới không khiến người khác ghi thù, tự đẩy mình lên đầu sóng ngọn gió, trở thành mục tiêu công kích của mọi người. Hãy nhớ kĩ, khi người khác đều đứng, bạn cũng không được ngồi xuống một mình.
3
LÀM LÍNH CHO TỐT RỒI MỚI CÓ THỂ LÀM QUAN
Hãy tạm thời đem tham vọng của mình giấu đi, đợi khi thời cơ thích hợp mới bộc lộ ra
Hầu như người làm công ăn lương nào cũng có suy nghĩ: Làm thế nào để được thăng chức, tăng lương một cách nhanh nhất? Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã khác trước. Cạnh tranh gia tăng dẫn tới cơ hội thăng tiến càng ngày càng ít. Trước kia, chỉ cần tốt nghiệp một trường đại học có danh tiếng, bạn có thể nhanh chóng đảm nhiệm một công việc tương đối tốt. Nhưng hiện nay, cho dù bạn tốt nghiệp loại giỏi từ một trường đại học hàng đầu đi chăng nữa, nhiều nhất bạn cũng chỉ có thể làm đến chức trưởng bộ phận. Nếu bạn tốt nghiệp từ các trường hạng hai, hạng ba, đương nhiên việc thăng tiến càng khó khăn hơn nữa. Song, không nên lấy đó làm lí do cho việc bất chấp tất cả để được thăng tiến.
Phong là một nhân viên văn phòng rất có tham vọng. Anh tin rằng: Người lính không muốn trở thành chỉ huy thì không phải người lính tốt. Phong tuyên bố một cách chắc chắn: Một ngày nào đó nhất định mình sẽ ngồi vào chiếc ghế tổng giám đốc.
Cách nghĩ này của Phong là hợp lí. Muốn hoàn thành bất kì nguyện vọng nào thì trước tiên phải có quyết tâm mạnh mẽ. Sau đó cần có lòng tin vào năng lực của bản thân, rồi nhắm tới mục tiêu đã đề ra mà tiến tới.
Phong tìm mọi cách để hiện thực hóa ước mơ. Anh nịnh nọt, lấy lòng cấp trên, cố gắng giành giật cơ hội thăng tiến. Nhưng vì Phong để lộ tham vọng của mình quá sớm, khiến đồng nghiệp đố kị, cho nên anh trở thành đối tượng bị công kích trong công ty.
Có người bạn hỏi Phong: “Anh thật sự tin chắc rằng mình có thể được thăng chức lên tổng giám đốc?”
“Đúng vậy, tôi tin rằng chỉ cần cố gắng, tôi nhất định có thể làm được điều đó,” Phong ưỡn ngực khẳng định.
“Nhưng để được làm tổng giám đốc, anh phải có đủ số phiếu bầu quy định của thành viên Hội đồng Quản trị, cũng phải có vận mệnh giữ chức vụ đó mới được.”
“Phiếu bầu? Vận mệnh?” Phong khó tin hỏi lại.
Người này bèn kể cho Phong nghe câu chuyện của một bà chủ nhà hàng nổi tiếng trong giới làm ăn. Cô ấy nói rằng có năng lực và có duyên chính là điều kiện căn bản để thăng tiến. Nhưng vận mệnh của con người khó lòng đoán trước. Một lần cô ấy chỉ vào cổ chai bia trước mặt mà bảo: “Có rất nhiều người sau khi leo đến đây thì không thể leo lên tiếp được nữa. Lúc này, phải xem những người đó có số mệnh lên được đến đỉnh vinh quang hay không, xem đồng nghiệp có nguyện lòng tiến cử anh ta không, xem cấp trên có muốn đề bạt anh ta hay không.”
“Số phận, đồng nghiệp tiến cử, cấp trên đề bạt?” Phong lại cẩn thận hỏi lại từng chi tiết.
Cuối cùng, người bạn này chân thành nói với Phong rằng: “Khi còn trẻ đừng quá tham lam hay nôn nóng. Dễ dàng thành danh sẽ thu hút sự chú ý của đối thủ, dẫn tới bị người người đố kị, khiến bản thân gặp nhiều bất lợi. Vì vậy, hãy tạm thời đem tham vọng của mình giấu đi, đợi khi thời cơ thích hợp mới bộc lộ ra.”
“Tôi hiểu rồi!”, Phong reo lên. Từ sau lần đó, Phong thay đổi hẳn thái độ, không còn để câu: “Tôi nhất định sẽ trở thành...” treo bên cửa miệng nữa. Kết quả là những đồng nghiệp trước kia từng chướng mắt và xa lánh Phong dần dần có cảm tình với anh ta.
Sau đó người bạn kia lại hỏi Phong câu hỏi cũ: “Anh vẫn quyết tâm trở thành tổng giám đốc chứ?”
Phong chỉ cười mà không đáp. Người bạn nhận ra rằng Phong đã học được cách cư xử khôn khéo.
4
CÂY THẲNG BỊ ĐỐN TRƯỚC, GIẾNG NGỌT BỊ CẠN TRƯỚC
Có những người tài năng nổi bật nên được trọng dụng, tiến cử, nhưng đồng thời cũng dễ dàng bị người ta ghen ghét, hãm hại. Vì vậy người thông minh phải biết cách bảo vệ bản thân
Người xưa có câu: “Cây thẳng bị đốn trước, giếng ngọt bị cạn trước.” Nó nhắc đến chuyện thời xưa khi sửa nhà, nếu cần dùng đến gỗ, người ta sẽ vào rừng chọn những cây gỗ thân thẳng, tròn để trịa đốn trước. Nếu cần nước người ta cũng đến giếng có mạch nước ngọt mát lấy trước.
Cổ ngữ Trung Quốc có câu: “Cây cao vượt rừng, tất bị gió quật đổ. Đống cao hơn bờ, nước tất bạt phẳng. Người trội hơn người, tất bị làm hại.” Tục ngữ Trung Quốc cũng có câu: “Súng bắn chim đầu đàn.”
Có những người vì có tài năng nổi bật, thế mạnh hơn người nên nhanh chóng được trọng dụng, tiến cử. Nhưng đồng thời họ cũng dễ dàng bị người ta ghen ghét, hãm hại. Vì vậy những người thông minh phải biết cách bảo vệ bản thân.
Chu Công vì bị gièm pha, phải cáo quan rời triều, Hàn Tín vì bị vu khống, phải chấp nhận thanh danh hủy hoại. Vì vậy, tránh trở thành mục tiêu công kích là một trong những kĩ năng xử thế để bảo vệ bản thân của những người tài trí.
Trong thiên Quân hình của Binh pháp Tôn Tử có viết: “Thiện thủ giả, tàng ư cửu địa chi hạ.” Nghĩa là người khéo phòng thủ sẽ giấu kín tiềm lực xuống chín tầng đất. Khi giao lưu với người khác, chúng ta cũng phải thận trọng giữ mình như vậy.
Thời Tam Quốc có nhân vật Tuân Du trí tuệ vượt trội, mưu lược hơn người. Ông phò tá Tào Tháo đánh dẹp Trương Tú, chế phục Lã Bố, đánh diệt Viên Thiệu, bình định Ô Hoàn, vì Tào Tháo thống nhất phương Bắc, kiến công lập nghiệp, có đóng góp vô cùng to lớn.
Trong hơn hai mươi năm đi theo Tào Tháo, lăn lộn giữa vòng tranh đấu, ngụp lặn giữa tâm xoáy chính trị, Tuân Du vẫn giữ vững địa vị của mình. Đó là bởi ông giỏi nhẫn nhịn để bảo toàn mạng sống và không khiến bản thân trở thành mục tiêu công kích.
Tào Tháo từng đánh giá cao Tuân Du: “Công Đạt (tên chữ của Tuân Du) ngoài trông ngu ngơ mà trong lại tài trí, ngoài trông hèn nhát mà trong lại dũng mãnh, ngoài yếu mà trong mạnh. Không khoe mình tốt, không nhận công lao, trí tuệ vô cùng, không chút ngu muội, cho dù Nhan Tử, Ninh Vũ cũng khó chắc bằng được Công Đạt.”
Tuân Du rất để ý đến hoàn cảnh xung quanh. Khi bàn việc quân, nhờ trí tuệ hơn người, ông luôn đưa ra được mưu hay kế diệu. Lúc đánh địch, ông dũng mãnh đi đầu, không hèn không nhát. Đối với Tào Tháo, đối với đồng liêu, Tuân Du không tranh cao thấp, luôn thể hiện là người khiêm tốn, trầm lắng.
Một lần, anh họ của Tuân Du là Tân Thao nhắc đến chuyện năm xưa Tuân Du giúp Tào Tháo chiếm lấy Ký Châu của Viên Thiệu. Nhưng Tuân Du một mực phủ nhận, nhắc đi nhắc lại rằng khi đó bản thân không có nhiều đóng góp.
Tuân Du hiến rất nhiều kế sách hay cho Tào Tháo, các nhà sử học Trung Quốc gọi ông là “Trương Lương, Trần Bình15 thứ hai”, nhưng chính bản thân Tuân Du lại chưa từng hé lời nói về công lao của mình.
15 Trương Lương (250 TCN-186 TCN), Trần Bình (mất năm 178 TCN): Hai bậc quân sư nổi tiếng của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Tuân Du phụng sự Tào Tháo hơn hai mươi năm, quan hệ hài hòa, rất được trọng dụng. Cũng chưa từng có người gièm pha Tuân Du trước mặt Tào Tháo.
Năm Kiến An thứ 19, Tuân Du chết trên đường đi nhậm chức. Tào Tháo khóc và ca ngợi ông là bậc quân tử khiêm nhường và bậc hiền tài hoàn mĩ.
Lại có câu chuyện thời Hán Cảnh Đế về một người tên là Chu Văn. Trước đây, ông là ngự y của Hán Văn Đế, về sau trở thành ngự y chăm sóc riêng cho thái tử. Khi thái tử kế vị, trở thành Hán Cảnh Đế, Chu Văn cũng được thơm lây, thăng lên làm Lang trung lệnh.
Chu Văn rất biết “giấu mình”, hành xử và phát ngôn vô cùng cẩn trọng. Khi Hán Cảnh Đế dò hỏi Chu Văn đánh giá thế nào về văn võ trong triều, ông luôn nói: “Xin bệ hạ tự lượng giá!” Trước sau ông đều không nói ra những lời có thể ảnh hưởng tới vận mệnh của các quan lại trong triều.
Chu Văn ăn mặc rất đỗi giản dị. Dù là quan Lang trung lệnh nhưng ông lại thường mặc xuề xòa, người khác thấy thế khó mà tin tưởng.
Về sau, Chu Văn xin rời Trường An về Dương Lăng. Hán Cảnh Đế ban tặng cho ông không ít đồ quý nhưng Chu Văn đều từ chối để tránh người khác ghen tị đỏ mắt. Chư hầu và quần thần tới tặng quà, ông cũng gửi trả lại.
Vì Chu Văn thật thà như vậy nên khi Hán Vũ Đế kế vị vẫn coi ông là bề tôi trung thành của Tiên đế và đối đãi trọng thị. Không lâu sau, Chu Văn bị bệnh nên cáo lão hồi hương, đem theo bổng lộc ẩn cư cho tới lúc chết.
Suốt cuộc đời mình, có thể làm bề tôi được trọng dụng của cả ba triều đại, lại có thể bình yên an hưởng tuổi già như Chu Văn thực sự không được mấy người.
Trong việc đối nhân xử thế, nguy cơ và biến số vừa nhiều vừa khó dự liệu. Vì vậy, cần biết lúc nào phải thu mình, giấu tài thì mới có thể một đường bất bại, làm nên nghiệp lớn.
5
ĐỪNG TRANH LÀM THẦY NGƯỜI KHÁC
Thích lên mặt, thích dạy dỗ người khác không chỉ khiến đối phương chán ghét mà bản thân bạn cũng không được lợi gì từ việc này
Trong mỗi người đều ít nhiều tồn tại bản năng thích thể hiện bản thân, thích khuyên răn người khác. Nhiều người có địa vị, có năng lực lại càng như vậy. Họ luôn muốn đánh giá, chỉ bảo, vạch trần chỗ chưa tốt của người khác để tôn mình lên, để tỏ ra khôn ngoan hơn, giỏi giang hơn. Ngay cả trong tình huống thân phận chênh lệch, ngay cả lúc hoàn cảnh không thích hợp, họ vẫn không nể nang mà lên mặt dạy đời người khác.
Không chỉ những người có địa vị, có tài năng, đôi lúc chúng ta cũng có tật thích làm thầy người khác, thích săm soi, bắt bẻ lời ăn tiếng nói của người khác, thấy đối phương lỡ miệng nói sai điều gì là liền chê cười ngay. Khi đọc sách, nếu phát hiện đôi ba lỗi đánh máy sai, họ cũng phải lên mạng “bóc phốt” ầm ĩ, tỏ rõ bản thân là người có học thức. Những hành vi “cười người chẳng nghĩ đến thân” này thực sự rất thiếu sáng suốt. Nó dễ dàng khiến chúng ta gây thù chuốc oán với người khác, đồng thời triệt tiêu tinh thần học hỏi của bản thân.
Xét từ góc độ tâm lí của con người, ai cũng tự đánh giá cao bản thân, do đó chẳng ai thích bị “dạy đời”. Nếu bạn cứ cứng nhắc muốn làm thầy người khác thì chỉ khiến họ thêm chán ghét bạn mà thôi. Khổng Tử đã sớm nhắc nhở: “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì mình không thích thì đừng làm nó với người khác. Đây là nguyên tắc ứng xử mà chúng ta cần ghi nhớ.
Tóm lại, không ai thích việc bạn “sửa lưng” cho họ. Trong những tình huống dưới đây, bạn càng phải chú ý hơn nữa:
• Năng lực chưa tới nhưng lại tự cho mình là người tài giỏi và đi “dạy dỗ” người khác. Kết quả là trở thành trò cười cho mọi người;
• Hoàn cảnh không phù hợp để chỉ ra điểm chưa hoàn thiện của đối phương. Ví dụ như trong buổi vinh danh một đồng nghiệp, khi bạn được mời đến chơi nhà một người quen hoặc đối phương đang cần gây ấn tượng với ai đó;
• Giữa hai bên có sự cách biệt về thân phận, địa vị nên không thể trực tiếp vạch trần điểm sai sót của người khác. Chẳng hạn bạn là nhân viên, người kia là sếp; bạn là sinh viên, đối phương là giáo sư…
Đối với trường hợp 2 và 3, nếu bạn không cân nhắc mà thẳng thắn bày tỏ ý kiến thì sẽ làm đối phương mất thể diện. Khi đó đối phương chắc chắn sẽ ôm lòng oán hận với bạn. Tệ hơn là nhiều người không ý thức được việc này, thường vô tình hay cố ý làm ra những hành động nói trên. Đến khi bị đối phương trả đũa, bản thân cũng mờ mịt không biết mình sai ở đâu, dẫn tới mối quan hệ rạn nứt và ảnh hưởng tiêu cực đến hai bên.
Kẻ thích làm thầy người khác không những bị mọi người chán ghét mà còn càng dễ dàng gây thù chuốc oán khắp nơi. Rất nhiều người vì thích bới móc mà gây hấn với người khác, từ đó hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.
Đại thi nhân thời Đường là Lưu Vũ Tích chỉ vì sửa hai câu thơ của tài tử Tương Dương là Ngưu Tăng Nhụ mà khiến người này oán hận nhiều năm. Khi trở thành Tể tướng nhà Đường, Ngưu Tăng Nhụ vẫn nhắc mãi chuyện cũ. Việc này làm Lưu Vũ Tích bàng hoàng nhận ra ảnh hưởng của hành động khinh suất thuở bồng bột.
Hành vi tự cho mình tài giỏi mà lên mặt với người khác để lại rất nhiều hậu họa về sau. Vì vậy, mỗi người nên khiêm tốn, biết học hỏi từ người khác. Nếu thấy họ làm gì hay nói gì tốt thì nên khen ngợi, chứ không phải là soi mói nhất cử nhất động của họ để chê bai. Như thế đôi bên vừa vui vẻ, bạn lại vừa thể hiện được sự khéo léo, tinh ý của bản thân.
Thật vậy, thích lên mặt, thích dạy dỗ người khác không chỉ khiến đối phương chán ghét mà bản thân bạn cũng không được lợi gì từ việc này. Hãy nhường người làm thầy, cuộc đời bạn mới được thoải mái.
6
CHE GIẤU SỰ SẮC SẢO CỦA BẢN THÂN
Người thông minh sẽ biết giấu đi sự sắc sảo, tránh cho tự mình hại mình
Người thông minh luôn biết cách duy trì thái độ khiêm tốn, lịch sự, không huênh hoang, phô trương khi giao lưu với mọi người. Ngược lại, vẫn có rất nhiều người thích khoe khoang về bản thân với người khác. Họ tỏ ra mình rất thông minh nhưng lời nói và hành động lại cho thấy đây là những người thiếu hiểu biết. Trong cuộc sống, kiểu người này sẽ rất khó gặt hái được thành công.
Mạnh Tử đã viết trong cuốn sách Tận tâm rằng: Khi Bồn Thành Quát mới đến nước Tề làm quan, Mạnh Tử đã sớm đoán được người này sắp phải mất mạng. Không bao lâu sau, quả nhiên Bồn Thành Quát bị xử tử. Học trò của Mạnh Tử vô cùng kinh ngạc, mới hỏi thầy tại sao lại biết được chuyện này. Mạnh Tử trả lời rằng: “Bồn Thành Quát là người thông minh, nhưng lại không biết khiêm tốn giữ mình, có bao nhiêu sắc sảo đều lộ hết ra ngoài. Đây chính là khôn vặt. Khôn vặt không thể được gọi là khôn ngoan, nhiều nhất chỉ xem như có chút mánh khóe. Mà những mánh khóe này chỉ có thể giúp người ta nhất thời ra vẻ, nhưng cuối cùng sẽ hại đến thân.”
Trung Quốc có câu: “Thông minh phản bị thông minh ngộ”, nghĩa là người thông minh cũng vẫn sẽ bị sự thông minh làm hại. Nhân vật Vương Hy Phương trong Hồng Lâu mộng được cho là có đầu óc thông minh, sắc sảo, giỏi tính toán, xứng đáng là bậc nữ lưu hào kiệt, nam nhân không thể sánh bằng, nhưng cuối cùng vẫn chết trong tay Khanh Khanh. Người thực sự thông minh là người biết co biết duỗi, có như vậy mới sống sót được giữa cuộc đời này.
Chúng ta có rất nhiều cách giao tiếp với nhau. Vì vậy, tùy hoàn cảnh và đối tượng mà nên có lời nói, cử chỉ, hành vi cho phù hợp. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Khi Khổng Tử đi du thuyết ở các nước, có lần không may để ngựa xổng ra ngoài ăn lúa của dân. Chủ ruộng lúa vô cùng tức giận, bèn nhốt con ngựa lại. Học trò của Khổng Tử là Tử Cống vốn nổi tiếng là có tài ăn nói, chủ động đi tìm người chủ để thương thuyết. Nhưng mặc cho Tử Cống thuyết phục, chủ ruộng lúa vẫn khăng khăng phải đền tiền mới trả ngựa. Nghe học trò kể lại, Khổng Tử nói: “Con đem những đạo lí người ta nghe không hiểu đi thuyết phục người ta, thì cũng giống như đem trâu, ngựa, dê là ba loài vật tế thần mà hiến tế cho dã thú, đem thứ nhạc vui tai đi tiêu khiển cho chim chóc. Làm vậy sao có thể được việc.”
Rồi Khổng Tử bảo người đánh xe ngựa tìm gặp chủ ruộng và nói: “Ông không cấy trồng nơi miền đông, tôi không đi chu du nơi miền tây, vậy ngựa của tôi sao có thể không bao giờ ăn lúa ở ruộng nhà ông cho được.” Người chủ ruộng và người đánh xe ngựa nói chuyện một hồi, cuối cùng đồng ý thả ngựa mà không bắt đền.
Tử Cống “đem đàn mà gảy tai trâu” cho nên không đem lại hiệu quả. Khổng Tử thánh minh, dùng người đúng việc, giao cho người đánh xe ngựa làm được việc mà Tử Cống không làm được.
Kế sách “lấy người kém làm khó người khôn” nếu được vận dụng đúng cách cũng có thể mang lại hiệu quả bất ngờ. Câu chuyện Tống Thái Tổ giỏi chọn người hộ tống sứ giả chính là một ví dụ điển hình cho việc này.
Vào thời Nam Đường, Tam Từ (gồm Từ Diên Hưu, Từ Huyễn, Từ Khải) nổi tiếng là những bậc trí tuệ uyên bác của đất Giang Đông. Trong ba người này, Từ Huyễn có danh tiếng lớn nhất, ông được phái tới triều đình nhà Tống để bàn việc triều cống. Vua Tống cử quan sai đến đón Từ Huyễn. Quần thần trong triều cảm thấy lo lắng, sợ quan sai ăn nói không khéo bằng Từ Huyễn, sẽ rất ngượng mặt. Tống Thái Tổ biết chuyện, suy nghĩ một lúc rồi truyền chỉ: “Lập danh sách mười điện thị16 không biết chữ trong cung cho ta.” Quan dưới nghe lệnh, nhanh chóng trình lên danh sách. Tống Thái Tổ khoanh tròn vào tên một người và nói: “Người này đi.” Văn võ bá quan trong triều đều thất kinh, nhưng thấy Tống Thái Tổ kiên quyết như vậy, bèn không dám nhiều lời can gián.
16 Điện thị: người hầu.
Điện thị kia tiếp chỉ, tuy vô cùng lo lắng nhưng vẫn phải đóng vai quan sai, đi Nam Đường đón sứ thần vào triều. Trên đường đi, Từ Huyễn thao thao bất tuyệt. Quan sai không ứng phó nổi, chỉ vâng dạ phụ họa. Từ Huyễn không rõ Tống Thái Tổ định giở chiêu bài gì, vì vậy ông phải nói chuyện vòng vo, cố gắng hỏi dò đoàn người hộ tống, mong ngóng trước chút tin tức. Nhưng ai ngờ, mấy ngày trôi qua, tên quan sai miệng vẫn kín như bưng. Từ Huyễn không biết phải làm sao, cuối cùng đành bỏ cuộc.
Tống Thái Tổ đã dùng kế “không đánh mà thắng” trong Binh pháp Tôn Tử vào việc chính trị. Điều này đã cho thấy Tống Thái Tổ là bậc đại trí, đại dũng trong thiên hạ.
7
RỒNG THẦN THẤY ĐẦU KHÔNG THẤY ĐUÔI
Khi năng lực chưa đủ để đương đầu với đối thủ, khi lực lượng chưa lớn mạnh, khi thời cơ chưa tới, chúng ta phải che giấu ý đồ thực sự của mình để bảo vệ bản thân
Trong quan niệm của người Trung Quốc, rồng là con vật mạnh mẽ nhất. Trong truyền thuyết, rồng có thể biến to biến nhỏ, có thể bay, ẩn thân hay phun mưa, tạo mây. Đây chính là diệu kế giấu mình của loài rồng.
Thời xưa, vì phải lăn lộn trong chốn quan trường hiểm ác, các quan lại có rất nhiều diệu kế giấu mình để bảo toàn tính mạng. Dưới đây là một số ví dụ.
Giả điên giả dại
Thủ hạ của Yên Vương17 bị Minh Huệ Đế18 mua chuộc để lừa ông đến thành Nam Kinh. Minh Huệ Đế muốn giam Yên Vương lại nhưng chưa tìm được cớ, đành thả ông về Yên Kinh. Về đến nơi, Yên Vương lập tức giả điên giả dại. Một lần ông ra ngoài nhưng mấy ngày vẫn không thấy về. Kẻ hầu vội vã đi tìm, thấy Yên Vương đang lăn lộn giữa vũng bùn bẩn thỉu mới chạy đến muốn đỡ ông đứng dậy. Ngờ đâu Yên Vương quát ầm lên: “Ta đang ngủ ngon, sao dám đánh thức ta dậy?” Giữa mùa hè nóng nực, Yên Vương trùm chăn ngồi cạnh lò sưởi vẫn run cầm cập, nói trời sao mà lạnh thế. Những hành động này của ông đã xua tan nghi kị trong lòng Minh Huệ Đế. Nhờ đó Yên Vương được toàn mạng.
17 Yên Vương (1360-1424): Tên thật là Chu Đệ, là hoàng tử nhà Minh. Về sau ông trở thành Minh Thành Tổ – vị hoàng đế thứ 3 của triều Minh trong lịch sử Trung Quốc.
18 Minh Huệ Đế (1377-1402): Tên thật là Chu Doãn Văn, là vị hoàng đế thứ 2 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc.
Tự làm mình bị thương
Khi Trung Quốc Quốc dân Đảng đi bắt lính, một nông dân trẻ khỏe đã tự cắt ngón trỏ trên bàn tay phải của mình. Người phụ trách tuyển binh thấy người này mất ngón trỏ, không thể bóp cò súng, bèn loại anh ta. Nhờ vậy người kia tránh được việc phải đi lính, ra chiến trường.
Ngủ yên giữ mạng
Dưới thời Tống Thần Tông19, Tô Đông Pha bị kẻ xấu hãm hại mà phải ngồi tù. Một đêm, khi sắp chìm vào giấc ngủ, đột nhiên ông thấy một người tiến vào phòng giam. Người này lấy một chiếc hộp làm gối đầu rồi ngủ ngon lành.
Tô Đông Pha nghĩ rằng đó là tù nhân mới đến, vì vậy cũng không quan tâm nữa, quay lưng lại để ngủ. Không ngờ, đến tảng sáng, người kia lay ông dậy và nói khẽ: “Chúc mừng, ngài cứ yên tâm, đừng lo lắng gì.”
19 Tống Thần Tông (1048-1085): Húy là Triệu Húc, là hoàng đế thứ 6 của nhà Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc
Hóa ra đó là một thái giám cải trang, được Hoàng đế Tống Thần Tông phái đến để dò xét Tô Đông Pha. Thái giám trở về báo lại với Hoàng đế: “Tô Đông Pha rất yên phận, đêm ngủ rất say.”
Tống Thần Tông gật đầu nói: “Ta biết hắn không thẹn với lòng.”
Không lâu sau đó, Tô Đông Pha được thả ra. Nếu ông không có gan ngủ ngon trong nhà ngục, kết cục của ông sẽ rất khó đoán.
Khéo ăn khéo nói
Thời xưa ở Trung Quốc có một họa sĩ nổi tiếng vẽ đẹp tên là Chu Huyền Tố. Một hôm, Hoàng đế cao hứng, cho gọi ông vào cung vẽ bức bích họa Giang sơn thiên hạ. Chu Huyền Tố bèn tâu lên: “Thần còn chưa đi hết các vùng trong nước, không dám nhận phần việc này. Dám xin Bệ hạ vẽ trước một bức phác thảo, thần sẽ cố sức tô điểm thêm cho nó.” Hoàng đế đành tự cầm bút lên, vẽ ra một bức phác thảo rất lớn rồi yêu cầu Chu Huyền Tố làm tiếp. Lúc này Chu Huyền Tố lại chỉ vào bức vẽ mà nói: “Giang sơn bệ hạ định rồi, thần sao có thể sửa đổi?” Hoàng đế nghe vậy chỉ đành cười trừ cho qua. Chu Huyền Tố đã khéo léo từ chối nhiệm vụ nguy hiểm để tránh khỏi họa mất mạng.