Trong cuộc sống, khi tức giận vì một chuyện hoặc một người nào đó, bạn tuyệt đối đừng tùy tiện bộc phát cảm xúc. Bất cứ ai dễ dàng bị cơn giận chi phối sẽ có thể buông xả những lời nói và làm ra những hành động khiến bản thân phải hối hận về sau. Hãy nhớ rằng khi cơn giận bốc lên thì kiềm chế nó mới là việc quan trọng nhất.
1
ĐỪNG ĐỂ CƠN GIẬN NHƯ NGỰA HOANG ĐỨT CƯƠNG
Cảm xúc tức giận giống như con ngựa hoang bị đứt dây cương. Một khi bạn để thoát nó, hậu quả sẽ không thể kiểm soát nổi
Khi bạn và người khác xảy ra mâu thuẫn, khi bạn bị người khác xúc phạm, cơn giận sẽ bốc lên và lan nhanh trong bạn. Cảm xúc tức giận lúc này giống như con ngựa hoang bị đứt dây cương. Một khi bạn để thoát nó, hậu quả sẽ không thể kiểm soát nổi.
Các nhà khoa học tại Đại học Texas của Mỹ đã chứng minh rằng não người và khả năng miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Điều này giải thích vì sao khi một người căng thẳng, buồn bã hoặc mất cân bằng tâm lí lại dễ đổ bệnh hơn lúc bình thường. Bởi vì lực lượng chính trong tấm chắn miễn dịch của con người là tế bào bạch cầu có chứa một chất có thể tiếp nhận hormone ACTH11. Khi cơ thể căng thẳng và lo lắng, nó sẽ tiết ra lượng lớn hormone ACTH làm bạch cầu yếu đi, khiến khả năng miễn dịch của cơ thể suy yếu theo. Lúc này, nếu các mầm bệnh xâm nhập và tấn công cơ thể, tế bào bạch cầu sẽ không đủ sức chống lại chúng. Vì vậy người hay nổi giận sẽ dễ mắc bệnh hơn những người khác.
11 ACTH (adrenocorticotropic hormone) là hormone kích thích vỏ thượng thận, gồm 39 acid amin do thùy trước tuyến yên tiết ra, có tác dụng kích thích vỏ thượng thận bài tiết ra các glucocorticoid. Sự thay đổi của ACTH giúp đánh giá bệnh lí tuyến yên và thượng thận.
Có người từng so sánh cơn giận của con người với con mãnh hổ bị nhốt trong chuồng. Một khi nó xổng chuồng, hậu quả sẽ khôn lường. Một người muốn thành công thì phải có bản lĩnh làm chủ cảm xúc của bản thân, khiến con mãnh hổ ngoan ngoãn thuần phục.
Một số người cho rằng khi giận thì phải trút hết những bức bối trong lòng ra ngoài, như vậy mới có thể thoải mái, vui vẻ trở lại. Trên thực tế, cách này chỉ giúp bạn cảm thấy sảng khoái nhất thời. Nó cho phép bạn lấy lại thế chủ động và có cảm giác công lí được thực thi, công bằng được lấy lại, nhưng nó chẳng thể thực sự xóa tan cơn giận. Trút giận là cách tệ nhất để giải tỏa sự bất mãn. Nhiều khi đây chính là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, kết quả là càng trút càng giận, càng giận càng dai, không thể nào nguôi ngoai được.
Có người từng hỏi cao tăng Tây Tạng rằng nên làm thế nào với cơn giận. Ngài ấy trả lời rằng: “Đừng kìm nén, cũng đừng kích động.” Vì vậy, để xử lí dứt điểm cơn giận, trước tiên hãy dành thời gian cho cơn giận lắng xuống. Sau đó, hãy nói chuyện ôn hòa với người khiến bạn giận để cùng tìm cách giải quyết ổn thỏa. Hãy nói cho anh ta hiểu vì sao bạn lại có cảm xúc như vậy, đồng thời lắng nghe suy nghĩ của đối phương. Chỉ khi bình tĩnh cùng đối thoại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho cơn giận, bạn mới chiến thắng được nó.
Học cách kiểm soát cơn giận là điều rất quan trọng. Nếu bị người khác hiểu lầm, bạn đừng nên đùng đùng nổi giận. Hãy bình tĩnh ngẫm nghĩ lại đầu đuôi sự tình, tìm ra lí do khiến người khác có ấn tượng sai về bạn, sau đó mới làm sáng tỏ hiểu lầm này. Điều cần chú ý ở đây là tuy chuyện này thực sự khiến bạn khó chịu, nhưng bạn cần phải cố gắng làm chủ cảm xúc. Bởi vì khi tức giận, bạn sẽ không thể nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn, dễ dàng làm ra những chuyện sẽ phải hối hận về sau.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, vì chủ quan, Quan Vân Trường đã làm mất Kinh Châu, khiến binh bại thân vong. Lưu Bị và Trương Phi vô cùng tức giận, liền đem đại binh đến Đông Ngô hỏi tội. Ai ngờ, còn chưa xuất trận, Trương Phi vì gấp rút muốn ra trận mà trách phạt bộ hạ, khiến hai kẻ Phạm Cương và Trương Đạt sinh lòng hận, bày mưu chặt đầu Trương Phi đem sang hàng Ngô. Mất thêm Trương Phi, Lưu Bị càng giận dữ hơn, bất chấp can ngăn của Gia Cát Lượng, thân chinh xuất quân chinh phạt Đông Ngô, báo thù cho hai người em kết nghĩa. Nhưng vì nóng lòng báo thù mà Lưu Bị đã không lên kế hoạch chu đáo, sớm bị đại tướng Lục Tốn của Đông Ngô dùng hỏa công đánh cho tan tác. Lưu Bị bi hận ốm liệt giường, cuối cùng chỉ đành trao gửi con côi cho Gia Cát Lượng ở thành Bạch Đế và qua đời.
Tam Quốc diễn nghĩa còn có nhân vật Tư Mã có tính cách trái ngược hoàn toàn với Lưu Bị. Ông là người gặp biến không kinh, bị nhục không giận. Tại trận Ngũ Trượng Nguyên, khi hai quân Ngụy-Thục dàn binh bố trận, Gia Cát Lượng gấp gáp muốn đánh nhưng Tư Mã Ý lại thấy quân Thục đi xa nên sức đã mệt, lương thảo thiếu thốn, không nên vội tốc chiến. Vì thế, mặc cho Gia Cát Lượng bày kế khích tướng, gửi sang quần áo, trang sức của phụ nữ nhằm sỉ nhục Tư Mã Ý không đáng mặt đàn ông, ông vẫn nhắm mắt làm ngơ, không vì thế mà tham chiến. Vì vậy, kế khích tướng của Gia Cát Lượng đã không thành công.
Kiềm chế lửa giận cho phép chúng ta bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách giải quyết hiệu quả để hóa giải hận thù.
2
BIẾT NUỐT GIẬN VÀO TRONG
Khi người khác nổi giận, chúng ta phải bình tĩnh. Khi người khác dùng những lời lẽ khó nghe để chế giễu hay khích bác, chúng ta hãy vờ như không nghe thấy, không bận tâm đến
Con người ai cũng biết tức giận, ai cũng có lúc phát giận. Khi bị lửa giận nhấn chìm, chúng ta có thể biến thành một người khác hẳn lúc bình thường.
Tức giận là một cách biểu hiện cảm xúc mãnh liệt, là một điều vừa tốt lại vừa không tốt. Vấn đề là chúng ta sử dụng nó như thế nào, điều khiển nó ra sao để có lợi với bản thân và mọi người.
Ở đây, tôi đặc biệt muốn nhắc nhở các bạn trẻ nhất định phải biết kiểm soát tốt cơn giận của mình. Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây để hiểu thêm.
Tại một phòng giao dịch chứng khoán có anh nhân viên tên là James. Một lần, James phân tích và thấy rằng cổ phiếu của nhà máy dệt X nhất định sẽ tăng lên nhanh chóng. Vì vậy anh ta dự định sẽ mua một số lượng lớn cổ phiếu của nhà máy này.
Không ngờ anh ta lại có đối thủ. Henry cũng là người có tầm nhìn xa trông rộng, có chung suy nghĩ như James, muốn “ôm” số cổ phiếu này. Từ đó giữa hai người hình thành mối quan hệ cạnh tranh khốc liệt.
Giá cổ phiếu của nhà máy dệt X tăng từ 20 đô-la/cổ phiếu lên 35 đô-la/cổ phiếu. Với lượng mua lớn của cả James và Henry, mức giá này vẫn có xu hướng tiếp tục tăng thêm.
Khi mức giá chạm đến 37 đô-la/cổ phiếu, James bất ngờ bán ra 30.000 cổ phiếu. Henry không hiểu vì sao đối thủ đột ngột bán tháo cổ phiếu đi như vậy, nhưng anh quyết định chờ thêm xem sao. Sau đó, tình hình thay đổi chóng mặt, giá cổ phiếu của công ty dệt X nhanh chóng giảm xuống, bằng giá mua ban đầu. Lúc này, James lại mua liền 200 nghìn cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu vừa giảm mạnh lại nhanh chóng tăng lên.
Henry vô cùng tức giận vì đã thua, còn James chỉ cười ngạo mạn và nói: “Tôi thích nhất là nhìn thấy cảnh đối thủ tức điên lên. Khi ấy, họ sẽ mất bình tĩnh, tự làm rối mình, tự đẩy mình đến thất bại.”
Vì vậy trong bất kì trường hợp nào, bạn phải nhớ nằm lòng nguyên tắc: “Không để người khác dễ dàng chọc giận mình.” Có một cách hay để người khác không thể gây sự với mình, đó cũng là cách mà Tổng thống thứ 25 của Mỹ là William McKinley đã áp dụng. Hãy cùng khám phá khả năng giữ bình tĩnh thiên tài của ông.
Một lần, William McKinley muốn bổ nhiệm một nhân vật làm Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, không ngờ quyết định này lại bị nhiều nghị sĩ phản đối. Họ công khai chất vấn lí do McKinley muốn bổ nhiệm người này. Trong nhóm phản đối có một nghị sĩ tính nóng như lửa, trước mặt McKinley đã nói những lời rất khó nghe.
Đối thủ chính trị của William McKinley đều cho rằng ông sẽ không thể chịu được những lời này và sẽ nổi trận lôi đình. Họ đều ngồi chờ xem kịch hay.
Nhưng, ngoài dự liệu của họ, Tổng thống William McKinley chỉ mỉm cười nhã nhặn mà không nói năng gì. Tình huống biến đổi như vậy khiến nghĩ sĩ nóng tính kia càng bối rối, cảm thấy bản thân quá lỗ mãng.
Đợi cả hội trường yên lặng trở lại, Tổng thống William McKinley mới giải thích lí do vì sao ông chọn bổ nhiệm nhân vật kia làm Bộ trưởng Ngân khố Mỹ. Sau đó, không ngờ người đầu tiên ủng hộ lại là vị nghị sĩ nóng tính, ông ta còn thừa nhận rằng quyết định của McKinley là hoàn toàn đúng đắn.
Tổng thống William McKinley đã lợi dụng cơn giận của vị nghị sĩ và khiến ông ta thua một cách tâm phục khẩu phục. Đó chính là bản lĩnh của một nhà chính trị kì tài.
Hãy áp dụng cách mà Tổng thống William McKinley đã làm: Khi người khác nổi giận, chúng ta phải bình tĩnh. Khi người khác dùng những lời lẽ khó nghe để chế giễu hay khích bác, chúng ta hãy vờ như không nghe thấy, không bận tâm đến.
Có lẽ bạn sẽ cho rằng phương pháp “nuốt giận vào trong” này sẽ biến chúng ta thành người nhút nhát, nhịn nhục và sẽ bị những người khác coi thường. Nhưng nếu bạn hiểu bản chất của nó, bạn sẽ giữ được bình tĩnh trong mọi trường hợp.
Otto Eduard Leopold von Bismarck là Thủ tướng và chính khách nổi tiếng của nước Phổ. Thời tiểu học, thành tích của ông luôn rất kém, còn vì thế mà bị đuổi học. Nhưng Bismarck đã nhẫn nhịn chịu đựng, nuốt giận vào trong. Cũng từ đó ông thay tâm đổi tính, phấn đấu rèn luyện và trở thành thiên tài quân sự, không có đối thủ trên chiến trường.
Chỉ có những người thông thái mới lĩnh ngộ được sức mạnh của việc nuốt giận vào trong. Chỉ cần bạn biết lợi dụng cơn giận của người khác, bản thân lại biết nuốt giận vào trong, lúc nào bạn cũng có thể đến với thành công không dám mơ tới.
3
KIỂM SOÁT VÀ GIẢI TỎA CƠN GIẬN
Có thể làm chủ cảm xúc của bản thân hay không sẽ thể hiện khí chất, phẩm cách và quyết định thành công của bạn
Nghị sĩ Conon đến từ bang Illinois, Mỹ khi mới nhậm chức đã bị một vị đại biểu giễu cợt: “Người đến từ bang Illinois chỉ sợ trong túi quần vẫn còn lúa mạch.”
Câu nói này có ý chê Nghị sĩ Conon vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh nông dân, rất quê mùa so với những người ở đây. Mặc dù lời chế giễu này vô cùng cay độc, tiếc thay nó lại đúng. Tuy vậy, Conon không hề tức giận, ông còn ung dung đáp lại: “Tôi không những có lúa mạch trong túi mà trên tóc còn có hạt cỏ. Tôi là người miền Tây, khó tránh khỏi sẽ có chút quê kệch. Nhưng hạt giống tôi mang đến có thể trở thành những cây giống tốt nhất.”
Conon không thẹn quá hóa giận, mà còn kiểm soát rất tốt tâm trạng của bản thân. Ông đã dựa vào lời nói và thuận theo logic của đối phương để đưa ra lời đáp trả tuyệt vời. Cách làm này không những khiến bản thân không bị tổn hại, mà còn giúp Conon nổi danh trên chính trường nước Mỹ. Ông được mọi người kính trọng gọi là Nghị sĩ hạt giống tốt nhất của bang Illinois.
Có những người không thích những lời chê trách, chỉ cần nghe người khác góp ý thì sẽ ngay lập tức nổi trận lôi đình. Kì thực, hành động này không hề khôn ngoan. Làm như vậy không những không được người khác tôn trọng mà còn khiến người ta mất cảm tình, từ chối giao lưu với bạn. Thái độ cởi mở, dễ gần, rộng lượng, biết tiếp thu sẽ giúp bạn và mọi người dễ dàng hợp tác vui vẻ với nhau.
Khi cơn giận đang có chiều hướng tăng lên, để tránh khiến bản thân mất kiểm soát, chúng ta cần giải tỏa nó bằng những phương pháp tích cực, lành mạnh. Bạn đọc có thể tham khảo các cách dưới đây:
Viết thư trút giận
Khi bạn cảm thấy vô cùng bực bội, bất mãn vì một chuyện hay một người nào đó, nếu không nhanh chóng trút hết những cảm xúc này ra ngoài thì bản thân sẽ phát điên lên mất, vậy thì bạn có thể viết một lá thư gửi cho chính mình. Hãy đem hết tất cả tâm tư, nỗi niềm khó chịu ấy viết ra giấy, không giữ lại điều gì cả.
Sau khi trút hết những cảm xúc tiêu cực ra giấy rồi, bạn hãy đốt lá thư đó đi. Viết thư cho chính mình chỉ là cách để bạn trút bỏ giận hờn, để trong lòng bạn cảm thấy nhẹ nhõm, vui vẻ. Càng quan trọng hơn là, tự “xả” hết nỗi lòng lên trang giấy sẽ giúp bạn không cần phải tâm sự với người khác. Có lúc, để làm dịu cơn giận trong lòng, bạn không chỉ phải viết nó ra một lần, mà có thể phải viết tới hai lần, thậm chí ba lần thì tâm tình mới được giải tỏa. Nhưng sau khi “trút bầu tâm sự”, bạn sẽ thấy bản thân không còn lấn cấn trong lòng về những chuyện khó chịu ấy nữa. Bạn cũng càng không có nhu cầu phải tâm sự chuyện này với ai khác để được họ an ủi, đồng tình.
Chuyển hướng sự chú ý
Trước tiên, bạn cần nhớ kĩ, khi nổi giận hoặc hoàn toàn mất đi lí trí, bạn tuyệt đối không được đưa ra bất cứ quyết định nào. Nhiều người khi thấy bản thân sắp nổi giận sẽ nhanh chóng thoát li hoàn cảnh. Có người sẽ nghĩ về những thứ tươi đẹp trong cuộc sống, hoặc yên lặng nhắm mắt dưỡng thần, lặng lẽ đợi cơn giận nguôi ngoai, lửa giận nhỏ xuống. Có người sẽ tập trung làm việc hay sinh hoạt để chuyển hướng sự chú ý. Hoặc có người sẽ nói vài câu chuyện vui, dùng tiếng cười xua đi cơn giận, giảm bớt tâm trạng căng thẳng. Hoặc họ sẽ làm thơ, vẽ tranh, biến cơn giận thành đề tài cho các môn nghệ thuật, khởi nguồn cho các tác phẩm nghệ thuật...
Dùng lí trí chiến thắng cơn giận
Lâm Tắc Từ là đại thần nhà Thanh. Ông là người vô cùng nóng nảy, có mấy lần thiếu chút nữa vì nổi giận mà làm hỏng việc lớn. Trong thời kì Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ nhất, ông được cử đến trấn Hổ Môn giám sát việc cấm buôn bán và hút thuốc phiện. Để tránh giận lên mà gây ra rắc rối, Lâm Tắc Từ cố ý cho treo hai bức phướn có ghi “Kiềm chế cơn giận” tại nơi ở và nơi làm việc của mình. Mỗi lần cơn giận nổi lên, ông lại nhìn lên hai bức phướn để cảnh tỉnh bản thân, nhờ vậy tâm trạng dần bình ổn, sau đó suy nghĩ kĩ rồi mới ra quyết định. Tự cảnh tỉnh chính mình như vậy cũng là một cách hay để kiềm chế lửa giận.
Khi giao thiệp với người khác, không thể chuyện gì cũng xuôi chèo mát mái, cũng không thể đòi hỏi ai ai cũng sẽ đối đãi niềm nở với chúng ta. Có lúc, chúng ta sẽ bị người khác hiểu lầm, đổ oan, thậm chí là chế giễu và khinh thường. Lúc này, nếu chúng ta không thể làm chủ cảm xúc của mình thì sẽ khiến đôi bên bất hòa, gây ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống. Vì vậy, khi gặp phải tình huống ngoài dự kiến trong giao tiếp, chúng ta phải học cách kiểm soát tâm trạng, tránh bốc đồng mà làm hỏng việc lớn.
Những người mạnh mẽ sẽ không để tâm tình trở nên mất kiểm soát. Nếu những gì đối phương chê trách bạn là sự thật, vậy hãy dũng cảm thừa nhận thiếu sót của mình. Việc này chẳng khiến bạn mất gì mà còn cho bạn được lợi lớn. Nếu đối phương bịa chuyện nhằm khiến bạn mất thể diện, thì điều đó càng không ảnh hưởng gì đến bạn. Hãy bỏ qua chúng, như vậy càng thể hiện nhân cách cao thượng của bạn.
4
ĐỐI PHÓ VỚI NGƯỜI NÓNG NẢY
Nếu thấy đối phương đã mất bình tĩnh, hãy tạm thời tránh mặt, đợi đôi bên bình tâm trở lại mới nói chuyện
Đặc điểm lớn nhất của những người nóng nảy chính là dễ dàng hưng phấn, dễ dàng tức giận, khả năng kiềm chế kém, động một tí là nóng mắt, thậm chí không ngại ngần xông vào “chiến đấu” với người khác. Làm thế nào để hòa hợp với kiểu người này, mời các bạn theo dõi câu chuyện dưới đây.
Jacobus Henricus van’t Hoff là người giành được giải Nobel Hóa học đầu tiên trên thế giới. Khi ông đề xuất lí thuyết mới về nguyên tử Carbon đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhà hóa học hữu cơ người Đức là Adolph Wilhelm Hermann Kolbe. Hoff phát biểu trước công chúng rằng: “Lí thuyết của Adolph Wilhelm Hermann Kolbe từ đầu đến cuối đều không thể bác bỏ được những điều tôi đã tìm ra.” Kolbe nghe được chuyện này đã vô cùng giận dữ. Ông không quản đường sá xa xôi, tức tốc bay đến Hà Lan và tìm Hoff để quyết tranh luận cho ra nhẽ. Kolbe xông vào phòng làm việc của Hoff với khí thế như đi hỏi tội,
Hoff vẫn nhiệt tình tiếp đón Kolbe. Nhà hóa học người Hà Lan bình tĩnh và khiêm tốn trình bày quan điểm của mình, kết quả là Kolbe đã hiểu ra và xóa bỏ hiềm khích. Hai người từ thù thành bạn, sau này vẫn thường xuyên trao đổi với nhau.
Câu chuyện này đã gợi ý cho chúng ta cách ứng xử với những người có tính khí nóng nảy.
Giữ cái đầu lạnh
Khi bị một người nóng nảy xúc phạm, bạn phải giữ cho mình cái đầu lạnh, hoặc phớt lờ hoặc mỉm cười, tốt nhất là hãy nở nụ cười thản nhiên. Nó không những giúp bạn thoát khỏi cục diện khó xử mà còn có thể tạt cho đối phương một gáo nước lạnh, khiến đối phương không thể khiêu khích, tránh sự việc đi xa thêm.
Tạm thời nhẫn nhịn, tránh chuyện bé xé ra to
Khi có người nóng nảy xúc phạm bạn, nếu bạn cũng là một người nóng tính, thì hai cái nóng gặp nhau rất dễ khiến chuyện bé xé ra to. Lúc này, bạn nên áp chế cơn giận, tạm thời nhịn xuống, tránh giương vây giơ vuốt. Hãy đợi đối phương bình tâm lại rồi phân tích phải trái cho anh ta hiểu, xóa bỏ hiểu lầm giữa đôi bên.
Không để bụng, không chấp nhặt
Chỉ cần có thể rộng lòng tha thứ, bạn sẽ không chấp nhặt thái độ của người khác, không vội vàng ăn miếng trả miếng với họ. Họ chọc tức bạn, bạn không đáp trả. Họ gây gổ với bạn, bạn không phản ứng. Thậm chí họ chỉ trích bạn thậm tệ, bạn cũng không mắng lại. Như vậy, giữa hai bên sẽ không xảy ra xô xát.
Chỉ cần bạn đủ khoan dung, độ lượng, bạn sẽ làm cơn giận của đối phương xẹp xuống, khiến đối phương tự động thu kiếm dọn cung mà tránh đi.
Quan sát sự tình, phòng họa từ xa
Khi những người nóng nảy nổi giận, họ sẵn sàng trút cảm xúc lên tất cả những người xung quanh. Lúc này bạn phải để ý kĩ tình hình. Nếu tiến lên cãi lí với họ, vậy thì bạn sẽ trở thành “bao cát” để họ thỏa sức đánh đấm. Vì vậy bạn phải chú ý quan sát lời nói, cử chỉ, hành động của họ. Nếu thấy đối phương đã mất đi bình tĩnh, hãy tạm thời tránh mặt, đợi đối phương bình tâm trở lại mới nói chuyện.
5
ĐẠI NHÂN KHÔNG NỔI GIẬN VỚI TIỂU NHÂN
Nếu bạn muốn trở thành đại nhân, vậy thì đừng tức giận với tiểu nhân, cũng đừng so cao thấp, hơn thua với họ
Nhiều người cho rằng chỉ cần bản thân không gây hấn với người khác thì người ta cũng sẽ không trêu chọc mình. Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Bạn đối tốt với người khác không đồng nghĩa với việc đối phương sẽ không vì lí do này hay lí do nọ mà trêu tức bạn. Nếu không cẩn thận, bạn rất dễ rơi vào cái bẫy cảm xúc mà người khác bày sẵn.
Có hai cách mà người khác có thể dùng để trêu tức chúng ta:
• Đầu tiên, dùng lời nói để gây sự, chẳng hạn như châm chọc, cười giễu, chỉ trích, khiêu khích, nói bóng nói gió...;
• Thứ hai, dùng hành động để chọc tức, ví dụ như cố ý làm khó, làm bẽ mặt, phá rối, chơi khăm...
Hầu hết những người thích gây sự đều không có phẩm cách tốt. Nếu bạn muốn “sống mái” với những người này, thì vô hình trung cũng là đang tự hạ thấp chính mình. Người xưa có câu: “Đại nhân không chấp tiểu nhân” chính là như vậy. Nếu bạn muốn trở thành đại nhân, vậy thì đừng tức giận với tiểu nhân, cũng đừng so cao thấp, hơn thua với họ. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn đối phó với tiểu nhân mà không cần nổi giận với họ:
Nhẫn nhịn
Người xưa có câu: “Lùi một bước trời cao biển rộng, nhường ba phần gió lặng sóng yên.” Nhịn ba phần có thể bớt được rất nhiều phiền phức. Hãy nhớ rằng trong cuộc đời này có rất nhiều việc quan trọng cần bạn quan tâm thực hiện. Vì vậy bạn đừng nên phung phí thời gian và tinh lực vào việc tranh hơn thua với tiểu nhân.
Nhận lỗi
Khi có người nổi giận với bạn, rất có thể là vì bạn đã lỡ làm phật ý đối phương. Nếu anh ta vì thế mà nói những lời khó nghe với bạn, bạn sẽ làm thế nào? Đầu tiên, hãy xin lỗi vì sơ suất của mình, chân thành mong đối phương tha thứ, đồng thời tìm sự đồng tình của những người xung quanh. Nếu đối phương vẫn không chịu hòa giải, bạn cũng không cần căng thẳng với anh ta. Hãy nhường nhịn để cho đối phương “xả giận” vài phần rồi rời đi.
Phân tích
Trong một số trường hợp, đối phương vì hiểu lầm chuyện gì đó nên mới gây sự hoặc nói lời thô tục với bạn. Đối với tình huống này, bạn nên thuyết phục đối phương cùng ngồi xuống nói chuyện. Hãy xem xét lại sự việc để hiểu rõ nguyên nhân, dùng lí lẽ, dẫn chứng xác thực để đối phương hiểu được tâm ý của bạn. Khi hiểu lầm được xóa bỏ, nhất định đối phương sẽ xin lỗi bạn vì những hành vi không đẹp của mình.
Cảnh cáo
Nếu bạn quá khoan dung, độ lượng, tiểu nhân sẽ cảm thấy bạn dễ bị bắt nạt. Đối với một số người, bạn giữ thể diện cho họ, họ lại muốn trèo lên đầu lên cổ bạn ngồi. Khi đó, bạn phải đưa ra cảnh cáo nghiêm khắc với họ. Cần phải làm cho đối phương hiểu rằng đừng được nước lấn tới, đừng cư xử phách lối nếu không muốn gặp rắc rối. Như vậy tiểu nhân sẽ biết khó mà lui.
Răn đe
Đây là chiêu cuối cùng có thể áp dụng trong trường hợp bạn không thể chịu đựng được những lời gây sự của đối phương. Ai cũng có giới hạn nhẫn nhịn nhất định. Nếu đối phương khinh nhường quá đáng, nói những câu xúc phạm nặng nề, làm tổn hại đến tôn nghiêm của bạn và kéo theo những ảnh hưởng xấu trên phương diện xã hội, bạn cũng phải có biện pháp trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, cần nhớ câu: “Quân tử động khẩu không động thủ” (Nghĩa là: Người đàng hoàng dùng lời nói chứ không dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn). Bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của lãnh đạo, tổ chức hoặc pháp luật để có biện pháp xử phạt đối phương.
6
BIẾN GIẬN DỮ THÀNH SỨC MẠNH
Hãy biến cơn giận thành sức mạnh để giúp bạn gặt hái thành công
“Về kinh nghiệm để có được thành công của tôi, nói ra thì rất kì quái. Đó là sau khi nổi giận một hồi, tôi liền hạ quyết tâm nén giận vào tim, biến nó thành động lực giúp bản thân không ngừng nỗ lực tiến lên, vượt qua khó khăn, đấu tranh đến cùng, còn chưa thành công thì chưa dừng bước. Ai cũng sẽ như vậy. Có thể nói, tức giận là động lực của con người, nó không ngừng thôi thúc chúng ta tiến về phía trước. Vì vậy nhất định phải tận dụng cơn giận của bản thân, biến nó thành sức mạnh giúp bạn gặt hái thành công.”
Đó là những chia sẻ của Roger V Smith – người sáng lập Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank). Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện về thành công của Smith, bạn sẽ hiểu rõ hơn những lời chia sẻ này.
Trước đây, Roger V Smith chuẩn bị mở một ngân hàng ở Long Island. Vì muốn học hỏi kinh nghiệm và thu hút sự ủng hộ, ông đã rất khiêm tốn đến tìm một vị tinh anh trong giới ngân hàng để xin lời khuyên. Nhưng không ngờ vị chuyên gia này lại dùng giọng điệu châm chọc, lạnh lùng nói với Smith rằng: “Anh muốn mở một ngân hàng sao? Cũng được thôi. Chỉ cần anh sống đủ lâu, có lẽ đến một ngày nào đó anh cũng có thể sở hữu một ngân hàng trên đất Long Island này.” Rồi ông ta ngoảnh đầu bỏ đi.
Smith đứng đơ ra ở đó một lúc. Ông giận run người, tưởng chừng phát điên lên được. Nhưng khi cơn giận dịu xuống, Smith âm thầm hạ quyết tâm sắt đá, phải nhanh chóng mở một ngân hàng. Hơn nữa, trong vòng bốn năm, ngân hàng phải vươn lên trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Người có chí việc tất thành. Bốn năm sau, Smith hiện thực hóa thành công ước mơ của mình. Doanh thu từ ngân hàng của ông không chỉ vượt xa mà còn trở thành ông lớn của giới ngân hàng lúc đó.
Sức mạnh chuyển hóa từ cơn giận thực sự có thể tạo ra động lực vô cùng to lớn.
Chúng ta nhất định phải biết tận dụng tốt sức mạnh từ những cơn giận của bản thân. Nếu không, sự giận dữ sẽ trở thành kẻ phá hoại. Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây của James để cùng hiểu rõ hơn về điều này.
James là nhân viên làm việc trong Bộ Ngoại giao. Chức vụ của anh cũng không phải là thấp, chỉ cần cố gắng, anh sẽ có cơ hội thăng chức. Nhưng James lại là người có tính khí thất thường, dễ dàng tức giận gay gắt như Mặt trời hay u ám như bầu không khí ngày mưa, làm người khác không có cảm tình.
Thái độ và tính cách của James khiến cho cấp trên vô cùng băn khoăn, không biết có nên cất nhắc anh không. Khi ấy có một nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao thuyên chuyển công tác, xét theo trình độ và thành tích, James có khả năng đảm nhiệm vị trí này. Nhưng khi tiến hành bỏ phiếu kín, rất nhiều người đã phản đối anh. Lí do là vì: Tính khí của James thất thường, không làm chủ được cảm xúc, rất dễ gây ảnh hưởng đến công việc chung. Thế là hi vọng thăng chức của James đã tiêu tan.
Khi James nhận được kết quả, anh vô cùng tức giận và cảm thấy không phục. Daisy là đồng nghiệp làm việc cùng James đã nhiều năm, thấy anh bực bội liền rủ anh đi ăn trưa và nói chuyện cho thư giãn. Daisy nghĩ rằng James cần được trút giận, chỉ có điều việc này phải diễn ra khi anh ở một mình. Cô giải thích cho James rằng nguyên nhân dẫn đến thất bại của anh xuất phát từ tính cách và thái độ. Nếu không muốn tiếp tục bỏ lỡ cơ hội thăng tiến, James phải học cách kiểm soát cảm xúc của mình.
Đêm đó, James trằn trọc không ngủ được. Anh suy xét một cách lí trí, kĩ càng về những điều Daisy nói và quyết tâm thay đổi để không còn tự ngáng chân mình nữa.
Ngày hôm sau, tâm trạng của James đã bình ổn hơn nhiều. Cũng từ đó, tính tình anh dần dần thay đổi, trở nên ôn hòa hơn, điềm tĩnh hơn. Các lãnh đạo và đồng nghiệp đều nhận ra điểm tích cực này ở anh. Nhờ vậy, một thời gian sau, James được cất nhắc lên chức vụ cao hơn.
James chân thành khuyên những người có tính tình nóng nảy rằng: “Khi nổi giận, tôi cảm thấy không thể nào kiểm soát được cảm xúc của mình. Tôi cứ để tâm trạng dẫn dắt bản thân, nó bảo gì tôi làm nấy, dường như không có cách nào thoát ra khỏi sự sai khiến của nó. Tôi quyết tâm cố gắng hết sức để khắc phục điểm yếu chí mạng này. Khi tình hình bắt đầu biến chuyển, tôi nhận ra lí trí của mình có thể kiểm soát cơn giận dữ. Lúc này, tôi từ một con rối biến thành con người biết làm chủ chính mình. Bất luận là tôi có được thăng chức hay không, chỉ cần tôi có thể trở lại làm một con người có lí trí, có chủ kiến, thì đó cũng đã là chuyện vui lớn nhất của tôi rồi.”
Thật vậy, các bạn nhất định phải làm chủ cảm xúc của bản thân, tuyệt đối không thể để cơn giận quét sạch lí trí, nhất định phải biết tận dụng tốt sức mạnh từ sự giận dữ.
Vậy làm thế nào mới có thể biến cơn giận thành sức mạnh tích cực? Dưới đây là một vài phương pháp thiết thực mà bạn có thể thực hành:
• Thứ nhất, hãy tận dụng cơn giận để hiểu rõ hơn về chính mình. Hãy quan sát xem bản thân thường tức giận về chuyện gì cũng như các dấu hiệu cho thấy cảm xúc đang trở nên mất kiểm soát. Như vậy, chúng ta sẽ nhận ra khi nào cơn giận tới và nhanh chóng kiểm soát nó;
• Thứ hai, biến cơn giận thành động lực để giải quyết vấn đề. Sự tức giận thường đến khi có việc xảy ra không như ý muốn, có người không làm đúng yêu cầu của chúng ta. Thay vì để cho cảm xúc bùng nổ, hãy dùng năng lượng của cơn giận để tập trung tìm ra nguyên nhân và kiến tạo giải pháp cho vấn đề trước mắt;
• Thứ ba, sử dụng cơn giận để tạo dựng sức mạnh tập thể. Sự bức xúc đã kết nối và cho chúng ta một mục tiêu chung, tạo điều kiện cho chúng ta tìm đến và hợp tác cùng nhau. Nhiều người bao giờ cũng có lợi hơn một người, nguồn lực tập thể tạo nên từ sự tức giận giúp giải quyết vấn đề nhanh hơn bao giờ hết.
Nhưng điều cần chú ý ở đây là, nếu chúng ta không biết cách tận dụng tốt sức mạnh từ những cơn giận thì nó sẽ sinh ra những hậu họa khôn lường:
• Tức giận sẽ khiến con người rơi vào tuyệt vọng, hoàn toàn mất đi lí trí, biến thành một kẻ không làm chủ được chính mình;
• Tức giận khiến người khác mất thiện cảm với chúng ta, đồng thời ta cũng mất đi nhiều cơ hội quý báu trong cuộc sống và công việc;
• Tức giận tạo cơ hội cho đối thủ dễ dàng đánh bại chúng ta;
Vì vậy, chúng ta phải học cách phát huy mặt tích cực của cơn giận, triệt tiêu mặt tiêu cực của nó. Có như vậy, chúng ta mới có thể biến cơn giận thành sức mạnh để gặt hái thành công.
7
LẤY ĐỨC BÁO OÁN, KHÔNG THẸN VỚI ĐỜI
Lấy đức báo oán chính là người khác có lỗi với tôi, mưu hại tôi, tôi sẽ không tức giận, cũng không trả đũa
Trong xã hội, không thể đòi hỏi rằng ai cũng yêu mến bạn. Thậm chí sẽ có những người hại bạn rồi quay lại xin lỗi lấy lệ. Khi ấy, hoặc là bạn bừng bừng tức giận, nhất định ăn miếng trả miếng đúng kiểu “tâm đen”. Hoặc là bạn lấy đức báo oán theo cách “mặt dày”.
Cái gọi là lấy đức báo oán chính là người khác có lỗi với tôi, mưu hại tôi, tôi sẽ không tức giận, cũng không trả đũa. Ngược lại, tôi sẽ đối xử tốt và giúp đỡ người ta khi cần. Ý nghĩa của lấy đức báo oán chính là để chúng ta không mắc vào cảnh oan oan tương báo, dùng lòng nhân từ, khoan dung, độ lượng đối đãi với đối thủ, chấm dứt oán hận.
Theo thuyết Hậu Hắc học, hiệu quả tích cực của lối xử thế lấy đức báo oán rất rõ ràng, dễ thấy. Đây là một loại sách lược giúp thu phục lòng người. Hãy nhớ rằng, bên trong mỗi người luôn tồn tại một tòa án lương tâm. Khi làm việc gì có lỗi với người khác, bản thân sẽ khó tránh khỏi mặc cảm tội lỗi, áy náy không yên. Nếu đối phương tha thứ cho mình, thậm chí còn giúp đỡ mình, thì sẽ càng thêm xấu hổ, đồng thời nể phục sự độ lượng của đối phương.
Câu chuyện Tiệc dứt dải mũ của Sở Trang Vương là một ví dụ kinh điển được nhiều người trích dẫn nhằm minh họa cho đạo lí lấy đức báo oán.
Sở Trang Vương mở tiệc thiết đãi quần thần, cho gọi ca vũ đến góp vui. Giữa tiệc, đột nhiên gió to nổi lên, thổi tắt ngọn nến. Có kẻ say rượu muốn đùa bỡn Vương phi nên đã lợi dụng lúc này mà kéo tay nàng. Vương phi nhanh trí dựt đứt dải mũ đội đầu của hắn. Nghe nàng bẩm báo, nhân lúc nến chưa được thắp lên, Sở Trang Vương đã tìm cớ bảo quần thần dứt hết dải mũ, nhờ thế cứu được kẻ xấu kia. Về sau, trong lần đem quân đánh nước Trịnh, Sở Trang Vương thấy có một viên tướng liều lĩnh xông pha trước trận tiền, tìm hiểu mới biết đó chính là viên quan say rượu chòng ghẹo Vương phi năm xưa. Sở Trang Vương lấy đức báo oán, viên tướng lấy đức báo đức, để lại cho hậu thế chúng ta giai thoại này.
Trong lịch sử Trung Quốc, chuyện như vậy không hiếm. Mạnh Thường Quân cũng từng tha thứ cho một môn khách lén lút bắt chuyện cùng với vợ mình, còn tiến cử và giúp người này làm quan lớn ở nước Vệ. Về sau, chính người đó đã liều mạng can ngăn vua nước Vệ không đem quân đi đánh nước Tề để báo đáp.
Hán Quang Vũ Đế thu được hàng ngàn thư từ liên lạc của một tên mưu phản với đại thần trong triều, nhưng không hề mở ra đọc mà lập tức cho đốt sạch. Tào Tháo sau khi chiến thắng Viên Thiệu cũng có hành động giống như vậy để trấn an lòng quân tướng.
Vào thời Bắc Tống, Chung Thế Hoành là đại tướng trấn giữ biên cương. Ông là người túc trí đa mưu, thành thạo trận mạc. Khi đó, ở biên giới, thủ lĩnh bộ lạc người Hồ là Tô Mộ Ân. Một hôm, Chung Thế Hoành mời Tô Mộ Ân tới phủ uống rượu, còn sắp xếp một nàng hầu xinh đẹp tiếp rượu. Nửa chừng, Chung Thế Hoành có việc vào thư phòng một lúc. Tô Mộ Ân rượu say chếnh choáng, thừa cơ chòng ghẹo nàng hầu. Chung Thế Hoành nửa đường đột nhiên quay lại, bắt sống tại trận. Tô Mộ Ân ngượng chín mặt, xin Chung Thế Hoành tha lỗi. Chung Thế Hoành lại mỉm cười và nói: “Ngài thích nàng ấy? Vậy ta tặng nàng ấy cho ngài.” Từ đó, hễ có người Hồ muốn chống lại quân triều đình, Chung Thế Hoành liền nhờ Tô Mộ Ân dẹp giúp, lần nào cũng đại thắng trở về.
Đừng ghi thù, cũng đừng ăn miếng trả miếng với những người có xích mích hoặc gây ra lỗi lầm với bạn. Hãy bao dung, lấy đức báo oán, bạn sẽ không rơi vào cảnh thù hằn liên miên.
8
NGƯỜI GIẬN MÌNH, MÌNH KHÔNG GIẬN LẠI
Hãy rộng lượng, đừng so đo, tính toán với đối phương. Bạn nên quý trọng mối quan hệ đã mất công vun đắp thay vì cố chấp, khăng khăng rằng mình đúng, mình không có lỗi
Người khác nổi giận với bạn thường xuất phát từ một trong các nguyên nhân sau: Có thể là do bạn đã nói gì, làm gì đó khiến đối phương phật ý, hoặc cũng có thể là do đối phương hiểu lầm bạn đã nói gì, làm gì đó không phải với họ. Có khi lại là vì đối phương có xích mích với người khác mà giận cá chém thớt nên mới trút cảm xúc lên bạn.
Bất luận nguyên do của cơn giận là gì, bất luận đối phương là ai, bạn đều cần nhanh chóng tìm ra vấn đề và giải quyết nó để quan hệ giữa đôi bên trở lại tốt đẹp. Điều này kì thực không hề khó. Có lẽ bạn chỉ cần trực tiếp hỏi đối phương là có thể nhìn thấy ngay lí do. Sau đó, bạn cần phân tích xem bản thân mình có liên quan đến việc này hay không. Nếu câu trả lời là không, hãy hiểu cho hoàn cảnh của đối phương và bỏ qua mọi chuyện.
Nếu thực sự bạn là người sai, vậy thì hãy lập tức nhận lỗi và thành thật xin lỗi đối phương. Trong phương diện này, Jim chính là một điển hình rất đáng để bạn học theo. Hãy cùng theo dõi câu chuyện của anh.
Trước đây, Jim từng viết một bức thư gửi cho một vị luật sư mà anh bức xúc. Jim cho rằng mình bị thu phí quá cao, và anh đã viết thẳng trong thư như vậy. Sau đó, Jim cảm thấy bản thân quá kích động, khi viết thư cũng viết quá lên, kì thực anh cũng không nghĩ vị luật sư kia tệ đến thế. Vì vậy Jim đã gọi điện trực tiếp cho luật sư để nói lại chính xác suy nghĩ của mình. Vị luật sư vô cùng tức giận với bức thư của Jim, khi nhận điện thoại đã mắng anh tới tấp. Jim cố gắng chen vào: “Tôi xin lỗi vì đã hấp tấp gửi bức thư đó. Anh có quyền nổi giận, nhưng xin hãy thứ lỗi cho tôi.”
Vị luật sư im lặng một lát, sau đó nói: “Tôi sẽ bỏ qua cho anh lần này, Jim. Tôi tôn trọng anh vì dám nhận sai và xin lỗi như vậy. Có lẽ đúng là tôi đã thu phí hơi cao, tôi cũng phải xin lỗi anh một tiếng. Tôi sẽ gửi hóa đơn mới cho anh. Chúng ta làm bạn lại lần nữa, anh thấy được không?”
Bạn thấy không, nhận sai và xin lỗi kịp thời có thể lập tức xoa dịu cơn giận của người bị bạn làm tổn thương và hàn gắn mối quan hệ giữa đôi bên. Hãy nhớ rằng bạn càng chân thành, kết quả càng tốt.
Cho dù không phải là người sai, bạn vẫn có thể nói câu xin lỗi để giảm bớt sự căng thẳng giữa đôi bên. Hãy rộng lượng, đừng so đo, tính toán với đối phương. Bạn nên quý trọng mối quan hệ đã mất công vun đắp thay vì cố chấp, khăng khăng rằng mình đúng, mình không có lỗi.
Đối với những người tức giận vì cho rằng bản thân bị coi khinh, bạn hãy cố gắng làm tiêu tan cơn giận của họ. Họ luôn hi vọng bản thân được chú ý đến, không tiếc công thu hút sự quan tâm của người khác. Việc bị phớt lờ sẽ làm tổn thương đến cái tôi của họ, khiến họ cảm thấy mình không được coi trọng, chỉ là người thừa trong mắt mọi người. Cách tốt nhất là thường xuyên hỏi han, quan tâm đến họ, ngợi khen thành tích của họ, khiến họ cảm thấy được đánh giá cao. Sau đó, bạn có thể nhờ họ làm giúp việc gì đó, hỏi ý kiến họ về công việc chung và làm theo ý kiến đó. Như vậy, cơn giận của họ sẽ nhanh chóng biến mất.
Có rất nhiều phương pháp để xoa dịu con giận của một người. Bạn hãy tùy đối tượng và hoàn cảnh mà áp dụng cho phù hợp.