Trong tự nhiên, một núi không dung hai hổ. Trên tình trường, ta chỉ có thể dành tình yêu cho một người. Trên thương trường và chính trường, cũng chỉ có duy nhất một người bước lên bục vinh quang. Trong bất cứ lĩnh vực nào, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Muốn trở thành kẻ chiến thắng, chúng ta phải áp dụng “tâm đen chiêu độc”. Nếu không chỉ có thể như cá nằm trên thớt, mặc người xử lí.
1
LÒNG NHÂN TỪ CẦN DỤNG ĐÚNG LÚC
Trong cạnh tranh, không phải lúc nào cũng nên thể hiện lòng nhân từ
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Sở Thành Vương phong cho Thành Đắc Thần làm đại tướng, Đấu Bột làm phó tướng, dẫn quân đi đánh nước Tống. Nghe tin, Tống Vương Tống Tương Công và quan tư mã Công Tôn Cố lập tức họp bàn kế sách đối phó. Công Tôn Cố phân tích tình thế, nhận định rằng lần này quân Tống phải được giúp sức mới có thể chiến thắng quân Sở. Tống Tương Công nói: “Nước Tống ta cho dù binh giáp không đủ nhưng nhân nghĩa có thừa. Ngày trước Chu Vũ Vương chỉ có mấy nghìn mãnh sĩ cũng thắng được trăm vạn đại quân của Trụ Vương, đó hoàn toàn là dựa vào nhân nghĩa.”
Tống Tương Công phê vào chiến thư gửi nước Sở, hẹn ngày mùng Một tháng Mười một năm đó hai bên giao chiến ở Hoằng Dương. Ông cũng cho người làm một lá đại kì, ở giữa thêu hai chữ “Nhân Nghĩa” thật to. Công Tôn Cố âm thầm tiếc nuối mãi không thôi, còn nói riêng với Nhạc Phó Y rằng: “Chiến tranh vốn là chuyện sát phạt lẫn nhau mà nay lại chuyển thành làm chuyện nhân nghĩa. Tôi thật không hiểu cái nhân nghĩa mà Chúa công muốn nói đến. Chẳng lẽ trời cao đã thu lại hồn phách của Chúa công rồi? Tôi thấy sự tình đã rất nguy cấp. Chúng ta nhất định phải hành động cẩn trọng, tránh để nước Tống phải đến bước diệt vong.”
Khi đó, quân Sở do Thành Đắc Thần dẫn đầu đang đóng ở bờ bắc sông Hoằng. Đấu Bột tìm đến xin xuất quân sớm: “Quân ta phải vượt sông lúc canh năm, đề phòng quân Tống đánh chặn ở bờ bên kia.” Thành Đắc Thần cười đáp: “Tống Tương Công hành sự hồ đồ, có biết gì về binh pháp đâu. Quân ta qua sông sớm thì đánh sớm, sang sông muộn thì đánh muộn, có gì mà ngươi phải lo.” Vì thế đợi trời sáng hẳn, quân Sở mới lục tục kéo nhau vượt sông.
Lúc này, Công Tôn Cố xin Tống Tương Công hạ lệnh xuất kích, nói: “Quân Sở đợi trời sáng hẳn mới sang sông, thật quá coi khinh quân ta. Nay ta nhân lúc chúng còn đang trên đò mà xông ra chặn đánh, ta lấy toàn quân tấn công từng toán quân Sở. Nếu để chúng sang được bên này sông rồi, quân Sở đông quân ta ít, chỉ sợ là ta không thắng nổi. Chúa công thấy sao?”
Tống Tương Công chỉ vào lá đại kì mà nói: “Ngươi nhìn thấy hai chữ ‘Nhân Nghĩa’ được thêu kia không? Ta cầm quân đường đường chính chính, lẽ đâu lại thừa lúc quân địch nửa đường sang đò mà xông ra đánh giết?” Công Tôn Cố lại âm thầm than khổ. Đợi một lúc sau, quân Sở đã qua sông, lên tới bờ. Thành Đắc Thần đầu đội mũ miện gắn ngọc, thân mặc áo giáp, ngoài khoác trường bào, lưng đeo cung tên, tay cầm roi sắt, chỉ huy binh sĩ xếp hàng dàn trận, khí thế nghênh ngang như giữa chốn không người. Công Tôn Cố lại nói với Tống Tương Công: “Quân Sở còn đang bày trận. Nhân lúc thế trận còn chưa thành hình, xin Chúa công cho quân ta lập tức tấn công. Quân Sở tất sẽ đại loạn.”
Tống Tương Công mắng Công Tôn Cố: “Hừ! Nhà ngươi chỉ biết tham cái lợi nhỏ của một lần đánh thắng mà không sợ làm nhơ nhuốc hai chữ ‘Nhân Nghĩa’ muôn đời hay sao? Ta cầm quân đường đường chính chính, lẽ đâu còn thấy quân địch đang sắp hàng bày trận đã xông lên đánh giết?” Công Tôn Cố lại chỉ đành lần nữa than thầm trong lòng. Bấy giờ, đợi quân Sở chỉnh tề hàng ngũ xong xuôi, chỉ thấy quân nhanh ngựa khỏe, trùng trùng điệp điệp, khí thế ngất trời, khiến quân Tống sợ hãi ra mặt. Tống Tương Công ra lệnh nổi hồi trống trận, quân Sở cũng cho nổi trống trận. Tống Tương Công cầm giáo dài xông lên tuyến đầu, nhóm hộ giá cũng ào theo sau, xông vào giữa quân Sở.
Thành Đắc Thần thấy quân Tống tấn công, bí mật hạ lệnh dụ cỗ xe ngựa của Tống Tương Công tiến vào giữa trận. Sau một hồi đánh giết, quân Tống thua to, lá đại kì thêu chữ “Nhân Nghĩa” cũng bị quân Sở cướp được. Tống Tương Công bị thương khắp người, đùi phải trúng tên, gân đầu gối bị đứt, không thể ngồi dậy, nằm vật trên xe. May mắn lúc đó quân ứng cứu xuất hiện đánh chặn hậu, Công Tôn Cố mới dìu được Tống Tương Công lên xe mình, hết sức xông pha cứu Tống Vương thoát ra. Đến khi thoát khỏi vòng vây của địch, tướng sĩ bên người đã chẳng còn ai. Quân Tống mười phần chết đến tám, chín phần.
Thành Đắc Thần thừa thắng đuổi theo tiêu diệt tàn quân, quân Tống đại bại. Công Tôn Cố hộ tống Tống Tương Công chạy về kinh thành bất kể ngày đêm. Quân Tống chết quá nhiều, cha mẹ, vợ con của binh sĩ đều xông ra đường khóc lóc kể lể, oán hận Tống Tương Công không chịu nghe lời Công Tôn Cố, để đến nỗi toàn quân bị diệt. Tống Tương Công nghe vậy thì thở dài nói: “Quân tử đánh trận, không đánh bồi kẻ đã bị thương, không bắt giữ người già yếu. Ta lấy nhân nghĩa cầm quân, há lại làm ra những chuyện tàn bạo ấy.” Người nước Tống nghe vậy ai cũng đều chê cười.
Trên thương trường hay chính trường, đôi khi quá nhân từ, mềm lòng sẽ là điểm yếu chí mạng dẫn đến thất bại. Khi Hán-Sở tranh hùng, vào thời điểm then chốt, Hạng Vũ đã tha mạng cho Lưu Bang. Kết quả là Hạng Vũ đã tự tay thả hổ về rừng, thả rồng ra biển, cuối cùng phải tự sát.
Trong cạnh tranh, không phải lúc nào cũng nên thể hiện lòng nhân từ. Nhân nhượng không đúng người đúng lúc là bạn đang tự hại chính mình, tự chặt đứt con đường tiến đến đích của bản thân.
2
ĐÀO SẴN HỐ ĐỢI NGƯỜI NHẢY VÀO
Đào sẵn hố đợi người nhảy vào không chỉ đơn giản là dùng mồi nhử để lừa gạt đối phương, mà đó là cách dẫn dắt khéo léo, tài tình để đối phương tâm phục khẩu phục nhận thua
Trong cạnh tranh, muốn giành được chiến thắng, đôi khi bạn phải sử dụng mánh lới để dẫn dắt đối thủ vào tròng. Khi trò chuyện, có thể đào sẵn những “chiếc hố”, khéo léo dẫn dụ đối phương ngã xuống rồi mới phản công. Những chiếc bẫy này phải được ngụy trang khéo léo và có sức cám dỗ lớn mới có thể lừa đối phương bước vào và để bạn tùy ý xử lí.
Một cô gái trẻ trung, xinh đẹp đang dạo bước trên phố thì có một người đàn ông lịch lãm tiếp cận. Cô gái hỏi người đàn ông vì sao đi theo mình, anh ta đáp: “Bởi vì em đẹp quá, anh vừa gặp đã bị em hớp hồn!” Cô gái lại nói: “Bạn tôi đang đi ở phía sau anh, cô ấy còn đẹp hơn tôi nhiều!” Người đàn ông quay đầu nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai cả. Lúc này anh ta vội vàng chạy đuổi theo cô gái, đuổi kịp rồi lại trách móc cô đùa bỡn anh ta.
Cô gái quay lại nhìn thẳng vào người đàn ông và nghiêm giọng nói: “Tôi không lừa anh, là anh tự mình dối mình. Nếu anh thực lòng vừa gặp đã thích tôi, sao còn phải đi tìm người khác? Một người dễ thay lòng đổi dạ như anh còn muốn làm quen với tôi? Mời anh mau tránh ra cho!”
Người đàn ông bị cô gái nói cho xấu hổ đỏ bừng mặt, chẳng dám cãi thêm lời nào, chỉ có thể nhanh chóng rời đi.
Cô gái trong câu chuyện kể trên sở dĩ cắt đuôi được anh chàng họ Sở là vì đã biết lợi dụng tâm lí háo sắc của đối phương để đào hố cho anh ta nhảy xuống. Cô đã dùng mồi nhử là “cô bạn đẹp hơn tôi” để dụ cho anh chàng lộ ra bộ mặt thật, sau đó lột mặt nạ của đối phương, khiến đối phương không còn mặt mũi nào để theo đuôi cô nữa.
Kế sách đào hố chờ người nhảy xuống này có thể giảm thiểu đáng kể đòn đánh trả trực diện của đối thủ. Chìa khóa thành công của kế sách này nằm ở hai chữ “cám dỗ”. Nhưng loại cám dỗ này không chỉ đơn giản là dùng mồi nhử để lừa gạt đối phương mà đó là cách dẫn dắt khéo léo, tài tình để đối phương tâm phục khẩu phục nhận thua.
Câu cá không thể để cá nhìn thấy trong mồi có lưỡi câu, bẫy thú không thể để thú biết dưới đất là bẫy chông. Dẫn dắt đối thủ rơi vào bẫy là phương pháp chơi đòn tâm lí mà không để đối phương nhận ra và sau đó giành chiến thắng.
Có thể chính bản thân bạn cũng từng có trải nghiệm như thế này: Khi bạn đứng trong cửa hàng quần áo và mở ví ra đếm lại số tiền mình mang theo, đó chính là lúc bạn đang băn khoăn không biết có nên mua chiếc áo đó không. Nếu người bán hàng là một nhân viên có kinh nghiệm và tinh ý, cô ấy sẽ nhanh chóng nhìn ra sự bối rối của bạn, sau đó nhiệt tình chăm sóc bạn. Cô ấy sẽ nói những câu như: “Chiếc áo đó còn có nhiều màu khác, chị có muốn thử màu sáng hơn hay trầm hơn không ạ?”
Trên thực tế điều khiến bạn do dự chưa quyết không phải là màu sắc hay kiểu dáng của chiếc áo mà là số tiền bạn có. Nhưng nhân viên bán hàng đã coi việc bạn sẽ mua chiếc áo ấy là tiền đề, từ đó trực tiếp đưa ra câu hỏi “hai chọn một” thuộc giai đoạn hai của quá trình mua bán. Điều này sẽ làm bạn quên mất nguyên nhân thực sự khiến bản thân do dự. Cuối cùng, nhân viên bán hàng sẽ nói thêm một câu: “Với kiểu dáng này, em nghĩ chị lấy màu sáng sẽ đẹp hơn.”
Như vậy, dần dần từng bước, suy nghĩ của bạn đã bị dẫn dắt theo hướng sẽ mua chiếc áo. Bằng cách này, sự phân vân mua hay không mua của bạn đã bị thay thế bằng sự phân vân nên mua màu sáng hay màu tối của nhân viên bán hàng. Nhưng bạn không hề nhận ra điều này, vẫn nghĩ rằng bản thân đang tự do lựa chọn.
Kế sách đào sẵn hố đợi người nhảy vào này vẫn còn một hình thức khác. Ở đây, người đào hố sẽ căn cứ vào tâm lí chú ý đến vế sau hơn là vế trước của câu nói để cố ý sắp xếp phương án, từ đó hướng đối phương lựa chọn vế sau. Như vậy khi đối phương đã chọn vế sau cũng không ý thức được mình vừa bị gài mà còn tự hào rằng mình đã đưa ra một quyết định sáng suốt.
Trong Thế chiến thứ hai, ở Nhật Bản có một cửa hàng bách hóa yêu cầu nhân viên bán hàng hỏi khách hàng rằng: “Số hàng này chúng tôi sẽ giao tận nhà cho anh/chị hay anh/chị tự mang về luôn ạ?” Nhờ câu hỏi này, cửa hàng giảm được 70% yêu cầu giao hàng tận nhà. Bởi vì khi nhân viên bán hàng hỏi như vậy, rất nhiều khách mua hàng đã vô thức lựa chọn vế sau.
Trong tranh luận, có lúc đối phương cũng sẽ tạo sẵn mấy cái bẫy chờ chúng ta cắn câu. Khi nhìn thấu ý đồ của người kia, chúng ta hãy bình tĩnh thiết lập một cái bẫy khác, bao trùm lên cả cái bẫy của đối phương, khiến đối phương trong quá trình thực hiện kế hoạch đã vạch ra sẽ tự mình rơi vào bẫy của chúng ta. Đây chính là kế sách bẫy nằm trong bẫy, bẫy trùm lên bẫy trong nghệ thuật tranh luận.
Ông Chung Thanh Đán, một thẩm phán ở Tân Cương, Trung Quốc từng gặp một thiếu phụ tìm đến tận văn phòng ông. Chào hỏi xong, thiếu phụ đó nói với ông: “Tôi đến gặp ông vì việc li hôn của tôi, nhưng chuyện của tôi có chút khác với các trường hợp khác.”
“Khác như thế nào?” Ông Chung Thanh Đán bình tĩnh hỏi lại.
“Tôi bị chồng cưỡng hiếp rồi mới bất đắc dĩ phải lấy anh ta.” Thái độ của thiếu phụ rất nghiêm túc.
“Tại sao lúc đó cô không tố cáo anh ta tội hiếp dâm?” Chung Thanh Đán tỏ vẻ khó tin.
“Lúc đó tôi là thành phần trí thức về cải tạo nông thôn, anh ta là người mới chuyển đến nhưng lại có chống lưng. Anh họ anh ta là Bí thư Đảng ủy của Công xã Nhân dân, rất có quyền thế.”
Chung Thanh Đán cố tình lái chủ đề câu chuyện sang việc khác. Nói đông nói tây một hồi, mấy phút sau ông mới quay sang chỉ vào Bí thư Tỉnh ủy ở đó và hỏi: “Cô có biết anh ta không?”
“Anh ta không phải Bí thư Tỉnh ủy của chúng ta hay sao? Anh ta rất giỏi đó!” Thiếu phụ thật thà trả lời.
“Thật thế sao?” Chung Thanh Đán vừa cười vừa hỏi.
“Đúng thế! Không tin anh thử hỏi người khác mà xem.”
Chung Thanh Đán lại làm bộ không tin và hỏi: “Nếu anh ta cưỡng hiếp cô, cô sẽ làm thế nào?”
Thiếu phụ ngẩng đầu, thái độ vô cùng quyết liệt, nói: “Tôi sẽ kiện anh ta ra tòa!”
Lúc này, Chung Thanh Đán không cười nữa, nghiêm khắc nói với thiếu phụ: “Một anh nông dân bình thường cưỡng hiếp cô, cô nói cô sợ không dám tố cáo. Một người có quyền có thế là Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm cưỡng hiếp cô, cô lại quyết liệt tố cáo. Chuyện này cô giải thích thế nào đây?” Thiếu phụ không nói nên lời, ngượng ngập rời đi. Về sau Chung Thanh Đán tìm hiểu rõ chân tướng sự tình: Thiếu phụ đó và chồng kết hôn vì lợi ích, nay cô ta muốn li hôn rồi trở về sống ở thành phố.
Trong ví dụ này, người thiếu phụ đã bịa ra một câu chuyện đáng thương để nhanh chóng được xử li hôn. Thẩm phán Chung Thanh Đán sau khi phát hiện mánh khóe của thiếu phụ đã tương kế tựu kế, giăng ra chiếc bẫy để cô ta rơi vào cảnh gậy ông đập lưng ông, câu sau đánh câu trước, lộ rõ hành vi dựng chuyện.
3
GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG
Người thông thái luôn biết nắm bắt logic của đối phương, dùng nó để đáp trả khiến đối phương thua tâm phục khẩu phục
Những người ngạo mạn khi trò chuyện với người khác thường xuyên nói những câu cộc lốc, bất lịch sự, thậm chí là dùng những từ ngữ đầy tính gây gổ, khiêu khích. Người nói ngông nghênh, người nghe không vui. Nếu bạn bị đối phương chọc tức đến mức muốn dùng vũ lực chống trả thì chưa nói đến hậu quả khó lường, cho dù bạn là người chiến thắng, chưa chắc đối phương đã thấy nể phục. Người thông thái luôn biết nắm bắt logic của đối phương, dùng nó để đáp trả khiến đối phương thua tâm phục khẩu phục. Câu chuyện kinh điển dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chiêu gậy ông đập lưng ông trong giao tiếp của người xưa.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Tề Vương phái quan Thượng phu Yến Tử đi sứ nước Sở. Nước Sở ỷ thế, muốn nhân đây làm bẽ mặt Yến Tử, phô trương thanh thế.
Sở Vương biết Yến Tử là một người thấp bé. Khi Yến Tử đến kinh đô nước Sở và gọi người mở cổng thành, lính gác cổng chỉ vào một cái lỗ cao năm thước khoét sẵn ở cửa ngách và bảo ông vào thành từ đường đó. Yến Tử nhìn cái lỗ rồi nói với quan tiếp đón sứ giả của nước Sở: “Đây là lỗ chó chứ đâu phải cửa thành. Chỉ có đến thăm nước chó người ta mới đi qua đó. Ta tạm đứng đợi ở đây, ông trước hãy đi hỏi lại cho rõ xem rốt cuộc nước Sở các ông là nước gì.” Quan đón tiếp sử giả liền nhanh chóng đem câu nói của Yến Tử báo lên Sở Vương. Sở Vương chỉ đành cho quân mở rộng cửa thành chính mời Yến Tử vào.
Yến Tử đến bái kiến Sở Vương. Sở Vương trừng mắt nhìn ông rồi lạnh giọng nói: “Lẽ nào nước Tề hết người rồi hay sao?” Yến Tử nghiêm trang đáp lại: “Thứ lỗi cho tôi không hiểu ý của Sở Vương. Kinh thành Lâm Truy chúng tôi đâu đâu cũng là người. Mọi người cùng phất tay áo cũng đủ làm thành một đám mây, cùng đổ mồ hôi cũng đủ làm thành một trận mưa. Sao Đại vương có thể nói nước Tề chúng tôi không có người?” Vua Sở lại nói: “Nước Tề có nhiều người như vậy, sao còn cử ngươi đến đây?” Lúc này Yến Tử lại làm bộ khó xử: “Đại vương hỏi câu này, tôi thật không dám trả lời. Nói dối thì sợ phạm tội khi quân mà nói thật lại sợ Đại vương tức giận.”
Sở Vương lệnh: “Mau nói thật. Ta sẽ không tức giận.” Yến Tử chắp tay tâu lên: “Nước Tề chúng tôi có một quy định: Đi sứ nước thượng đẳng thì cử người thượng đẳng, đi sứ nước hạ đẳng thì cử người hạ đẳng đi. Tôi chẳng có tài cán gì nên được phái đi sứ tới đây.” Sở Vương nghe xong, dù giận sôi người cũng chỉ đành cười trừ cho qua.
Trong thời gian Yến Tử ở nước Sở, một hôm Sở Vương cho mở tiệc rượu chiêu đãi ông. Tiệc bắt đầu được một lúc thì có hai tên lính áp giải một phạm nhân đi ngang qua. Sở Vương trông thấy, gọi lại hỏi: “Tên đó là người ở đâu? Phạm tội gì?” Lính áp giải đáp: “Dạ bẩm hắn phạm tội ăn cắp, là người nước Tề ạ.” Sở Vương cười ha ha nói với Yến Tử: “Người nước Tề đều quen thói trộm cắp như thế sao?” Các đại thần nước Sở ngồi đó cũng dương dương đắc, nghĩ phen này Yến Tử sẽ mất hết thể diện.
Yến Tử vẫn nghiêm chỉnh ngồi đó, mặt không đổi sắc, hướng về phía Sở Vương và nói: “Lẽ nào Đại vương còn không biết hay sao? Cây quýt đem trồng ở Hoài Nam vừa to vừa ngọt, nhưng cũng là giống quýt ấy đem trồng ở Hoài Bắc lại cho quả vừa nhỏ vừa chua. Đây chẳng phải là vì hai vùng thủy thổ bất đồng hay sao? Cũng giống như vậy, người Tề sống ở nước Tề có thể an cư lạc nghiệp, chịu thương chịu khó tu chí làm ăn, vừa đến nước Sở đã trở thành phường trộm cướp, cũng có lẽ là vì hai nước thủy thổ bất đồng.” Sở Vương nghe vậy chỉ đành cười trừ chữa thẹn mà bảo: “Ta đang định chọc cười Yến đại phu, nào ngờ lại được ngài chọc cho cười.” Từ đó, Sở Vương một lòng kính trọng Yến Tử, không dám bày trò bỡn cợt nữa.
Yến Tử khiến Sở Vương phải thu bớt lại sự kiêu ngạo của mình, thậm chí là kính trọng ông. Có thể thấy, đối với những người kiêu căng, ngạo mạn, chỉ cần bạn dựa vào logic của họ và dùng chính nó để phản bác lại luận điệu của họ, họ sẽ thua tâm phục khẩu phục. Hãy học theo Yến Tử, dùng cách của Yến Tử để xử thế, bạn sẽ thấy việc giao lưu không có gì khó và quá phức tạp cả.
4
RẮN NHỎ NUỐT VOI TO
Nực cười châu chấu đá xe Tưởng rằng chấu ngã, ai ngờ xe nghiêng
Ở Trung Quốc, câu chuyện về cuộc chiến giữa tỉ phú Lý Gia Thành và giới đầu tư nước Anh là một minh chứng thuyết phục về việc rắn nhỏ cũng có thể nuốt được voi to.
Dấu mốc đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của Lý Gia Thành là năm 1977. Lúc bấy giờ, ông đã trải qua hơn 20 năm lăn lộn để dựng nghiệp đầy vất vả và chỉ thực sự có thành tích trong một năm trở lại đây. Việc Lý Gia Thành chiến thắng công ty bất động sản hùng mạnh nhất Hồng Kông khi đó đã mở đường cho trào lưu giới đầu tư người Hoa chiến thắng giới đầu tư người Anh, được mọi người ca ngợi là huyền thoại “rắn nhỏ nuốt voi to”.
Vào tháng 5 năm 1977, Chính phủ Hồng Kông cho tổ chức đấu thầu công khai một dự án xây dựng tàu điện ngầm. Các tập đoàn lớn đều tham gia bỏ thầu, đây trở thành một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.
Đối thủ chính trong cuộc đấu thầu lần này của Lý Gia Thành chính là Công ty Nhà đất Hongkong Land dưới trướng Tập đoàn Jardine Strategic Holdings. Có sự hậu thuẫn của Chính phủ Hồng Kông và Tập đoàn Jardine Strategic Holdings, công ty này được coi là Vua nhà đất tại xứ Hương Cảng. Thật bất ngờ, Lý Gia Thành đã chiến thắng trong cuộc đấu thầu, làm nức lòng giới đầu tư Trung Quốc.
Hóa ra, trước ngày đấu thầu, Lý Gia Thành đã phân tích tình hình đối thủ và lập hồ sơ dự thầu chi tiết. Ông biết rằng dự án này cần nhanh chóng thu hồi vốn để giảm gánh nặng chi phí, cho nên đã đề xuất phương án bán các tòa trung tâm thương mại trong dự án với giá cao đồng thời với việc xây dựng nhà ga tàu điện ngầm. Như vậy khi các trung tâm thương mại hoàn thành, công trình tàu điện ngầm cũng có thể thu hồi vốn. Hongkong Land không tính đến điểm này, chỉ đề xuất phương án cho thuê trung tâm thương mại, do đó hồ sơ thầu của họ không được chọn.
Chiến thắng trong trận đầu ra quân càng làm Lý Gia Thành thêm quyết tâm tiến hành thu mua các công ty có vốn đầu tư của Anh.
Tại Hồng Kông, hoạt động của các công ty đều phụ thuộc vào bốn ngân hàng lớn có lịch sử lâu đời thuộc tập đoàn Jardine Strategic Holdings, Swire Group, HSBC và Hutchison Whampoa. Các ngân hàng này có nguồn vốn hùng hậu và đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người Hồng Kông. Sau khi chiến thắng Hongkong Land, Lý Gia Thành tiếp tục lấn sân sang thị trường ngân hàng của người Anh. Ông muốn mua và sáp nhập một số công ty có vốn đầu tư của Anh, sau đó mới tấn công vào các tập đoàn của quốc gia này.
Xi măng là một loại vật liệu không thể thiếu trong xây dựng. Hầu hết xi măng tại Hồng Kông đều phải nhập khẩu, nên thường xuyên khan hiếm vì cung không đủ cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng xứ Hương Cảng. Ngoài ra, một số đại lí cung ứng xi măng thường lợi dụng lúc khan hiếm hàng để tăng giá bán, càng khiến giới kinh doanh nhà đất chịu thiệt hại nặng nề. Lý Gia Thành nhìn ra thực tế này và lên kế hoạch thu mua một nhà máy sản xuất xi măng. Lúc đó, ông nhìn trúng Công ty Xi măng Thanh Châu (Green Island Cement) có vốn đầu tư của Anh và quyết định thu mua nó.
Công ty xi măng Thanh Châu là đơn vị sản xuất xi măng duy nhất ở Hồng Kông lúc đó, cho nên nó có ưu thế độc quyền. Giám đốc công ty hài lòng với tình hình hiện tại nên không dự trù cho việc thiết bị lạc hậu, sản lượng thấp, chất lượng kém. Lý Gia Thành lên kế hoạch sau khi thu mua công ty này sẽ đầu tư nâng cấp trang thiết bị, sản xuất xi măng chất lượng cao với sản lượng lớn. Thậm chí, ông còn muốn di dời công ty đến nơi khác để kinh doanh địa ốc tại địa điểm cũ.
Công ty Xi măng Thanh Châu tọa lạc tại khu vành đai Hồng Khám của Hồng Kông và có diện tích lên tới hàng trăm nghìn mét vuông. Xi măng là ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở mức độ cao, vì vậy các nhà máy thường xây dựng ở vùng ngoại ô thành phố. Khi khởi công xây dựng Công ty Xi măng Thanh Châu, vành đai Hồng Khám chỉ là vùng đất hoang vu, cỏ lau mọc um tùm. Tuy nhiên, sau gần 30 năm, Hồng Khám đã trở thành khu vực có dân cư đông đúc và trong tương lai sẽ càng sầm uất hơn nữa.
Điều khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bất cập đó là chen giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại, đẹp đẽ lại là những ống khói đen sì ngày đêm xả ra từ nhà máy. Trang thiết bị sản xuất của công ty đã có nhiều năm tuổi đời, hệ thống xả thải đã giảm chất lượng. Mỗi khi nhà máy hoạt động đều làm bụi xi măng bay khắp trời, khiến nhiều gia đình không dám mở cửa sổ. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ Hồng Kông, yêu cầu di dời nhà máy này đến nơi khác. Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu Công ty Xi măng Thanh Châu phải cải tiến dây chuyền sản xuất, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm khí thải. Song bộ máy quản lí của công ty hoạt động lỏng lẻo, yếu kém, nên vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.
Năm 1978, Lý Gia Thành âm thầm thu mua cổ phiếu của Công ty Xi măng Thanh Châu. Nắm trong tay 22% cổ phần, ông trở thành giám đốc mới, đến khi sở hữu 40% cổ phần, ông ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty.
Lúc đó Xi măng Thanh Châu chỉ là một công ty con đang miễn cưỡng duy trì kinh doanh nhờ vốn đầu tư từ một tập đoàn của Anh, nhưng giờ đây nó lại có thể sinh lợi lớn. Ngay khi hoàn thành việc thu mua, Lý Gia Thành đã làm đơn xin Chính phủ Hồng Kông cấp đất để di dời công ty ra vùng ngoại ô, đồng thời chuyển đổi khu đất cũ thành khu dân cư. Chính phủ Hồng Kông nhanh chóng chấp thuận kiến nghị của ông.
Diệu kế của Lý Gia Thành đã giúp ông chiến thắng các tập đoàn lớn của nước ngoài, trở thành hình mẫu “rắn nhỏ nuốt được voi lớn” của Hồng Kông.
5
NHANH CHÓNG THÁO KÍP QUẢ BOM HẸN GIỜ
Hãy biết mềm mỏng và cứng rắn khi cần thiết để đưa ra những quyết định sáng suốt
Nếu là lãnh đạo, khi phát hiện cấp dưới không đủ khả năng đảm đương chức vụ đang phụ trách hoặc có nhân cách không tốt, bạn chắc chắn sẽ không muốn giữ lại một “quả bom hẹn giờ” như vậy bên cạnh mình. Lúc này, bạn cần phải nhanh chóng loại trừ anh ta ra khỏi đội của mình. Vậy làm thế nào để cho một nhân viên nghỉ việc?
Giám đốc một công ty thời trang phát hiện một số nhân viên có biểu hiện không tốt trong công việc và còn hay đưa chuyện gây mâu thuẫn nội bộ. Vị giám đốc này đang suy nghĩ đến việc có nên cho những nhân viên kia nghỉ việc hay không. Ông yêu cầu người quản lí trực tiếp của những nhân viên này nộp lên bảng thành tích, đánh giá công việc và nhận xét của các đồng nghiệp về họ. Dựa trên những thông tin này, ông phân chia nhóm nhân viên trên thành hai nhóm: có năng lực, phẩm chất và không có năng lực, phẩm chất.
Đối với nhóm nhân viên có năng lực và phẩm chất, vị giám đốc cho gọi từng người lên nói chuyện riêng, hỏi xem đâu là nguyên nhân khiến họ xao nhãng công việc. Nếu lí do là vì họ gặp khó khăn, vướng mắc trong khâu nào đó hoặc có xích mích với bất kì ai trong bộ phận, giám đốc để họ nêu lên kiến giải của mình rồi góp ý, động viên và có phương án xử lí cần thiết. Nếu lí do là vì họ cảm thấy công việc hiện tại không phù hợp với bản thân, có thể đề xuất điều chuyển những nhân viên này sang bộ phận khác để họ có thể phát huy hết ưu thế của mình. Vị giám đốc cho rằng điều quan trọng nhất là giữ chân những nhân viên có năng lực, có phẩm cách ở lại với công ty.
Đối với nhóm nhân viên không có năng lực và phẩm chất, vị giám đốc cũng gọi họ lên và nói chuyện thẳng thắn. Ông chỉ ra các sai phạm trong công việc cũng như trong sinh hoạt nơi công sở của những người này. Sau đó, ông để họ tự nộp đơn xin nghỉ và cho họ thời gian sắp xếp, bàn giao công việc. Như vậy vừa có thể cho thôi việc những nhân viên không đủ điều kiện công tác, vừa không làm tổn thương danh dự cũng như lòng tự trọng của họ.
Cách xử lí của vị giám đốc công ty thời trang này rất tinh tế và khéo léo. Nếu bạn là lãnh đạo và đang gặp phải tình huống tương tự, có thể áp dụng phương pháp trên để quản lí, điều chỉnh lại nhân sự. Quan trọng nhất, hãy biết mềm mỏng và cứng rắn khi cần thiết để đưa ra được quyết định sáng suốt.
6
GIỌNG NÓI QUYẾT ĐỊNH THẮNG BẠI
Bạn càng nâng cao tông giọng, càng chứng tỏ bạn đang đuối lí, thiếu tự tin. Chỉ có người đang chột dạ mới vừa dọa dẫm vừa hét lớn
Giọng nói của một người bộc lộ tâm trạng, thái độ của người đó. Khi phấn khích, giọng của chúng ta sẽ cao hơn. Khi tâm tình không vui, giọng của chúng ta sẽ chùng xuống. Khi đám lưu manh, côn đồ dọa nạt nạn nhân, chúng thường cố tình xuống giọng, nhằm biểu thị ý: “Tôi mới là kẻ mạnh, là người có quyền quyết định.”
Nhiều người cho rằng những người ăn to nói lớn trong cuộc họp sẽ chiếm thế thượng phong. Nhưng khi muốn thuyết phục người khác, lớn tiếng lại phản tác dụng. Bạn nói càng to, đối phương càng cảm thấy bản thân đang bị bạn dồn ép. Cho dù biết rõ là bạn có lí, đối phương vẫn mất cảm tình với cách phát biểu của bạn. Do đó, muốn thuyết phục người khác, nói nhỏ nhẹ mới là thượng sách. Như vậy, đối phương mới có thể mở lòng đón nhận ý kiến của bạn. Ngoài ra, khi giọng của bạn nhỏ đi, đối phương cũng sẽ chăm chú lắng nghe, nếu không sẽ dễ dàng nghe sai, nghe sót những gì bạn nói.
Một người đàn ông bị viên cảnh sát giao thông lạm quyền phạt vì lỗi đỗ xe quá thời gian quy định. Thái độ xử phạt của viên cảnh sát có gì đó thiếu dứt khoát, cho nên anh ta quyết định kiểm tra người này. Lúc đó viên cảnh sát đang đứng ở ngã tư đường.
“Anh cảnh sát!”, người đàn ông nhỏ giọng gọi. “Tôi đang muốn khảo sát tình hình đỗ xe ở thị trấn mình. Anh có biết từ đây đến chỗ có biển ‘Đỗ xe trong một giờ’ là bao xa không?”
“Tôi nghĩ là nó cách đây khá xa,” viên cảnh sát nói và lấy lại biên lai phạt gài trên kính chắn gió trên xe của người đàn ông.
Giọng nói nhỏ nhẹ dễ khiến người khác tin phục. Nó cho thấy bạn đang vô cùng chắc chắn về những gì mình nói, chứ không hề bịa chuyện hay “chém gió”.
Khi có người chỉ trích bạn, đừng lớn tiếng nạt nộ lại để thanh minh cho bản thân. Nếu bạn cho rằng đối phương đã trách sai mình, bạn hãy nhẹ nhàng, bình tĩnh trình bày lí do của bản thân. Bạn càng nâng cao tông giọng thì càng chứng tỏ bạn đang đuối lí, thiếu tự tin. Chỉ có người đang chột dạ mới vừa dọa dẫm vừa hét lớn.
Lại có một câu chuyện như sau. Có một nhân viên cục thuế nhận được thư tố cáo về một cửa hàng thuốc lá trốn thuế. Sau đó nhân viên này trực tiếp đi kiểm tra sự việc. Anh ta đến cửa hàng thuốc lá gặp ông chủ và thông báo về thư tố cáo. Ông chủ cửa hàng chưa nghe hết câu chuyện đã làm ầm lên, trách móc nhân viên cục thuế chỉ nghe một bên tai, rồi mắng sang người tố cáo là kẻ ghen ăn tức ở, muốn hãm hại ông ta. Lúc đó ông chủ hùng hùng hổ hổ như thể nhân viên cục thuế đã đắc tội với ông ta, lớn tiếng lên lớp anh một trận.
Nhưng nhân viên cục thuế với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc, xử lí các đơn vị trốn thuế đã sớm nhìn ra: Càng muốn làm ầm như lên thế này lại càng là người có tật giật mình. Vì vậy, anh không tranh cãi với ông chủ cửa hàng, bình thản nói một câu: “Ông hãy bình tĩnh, không cần làm ầm ĩ lên. Mấy hôm nữa tôi sẽ đưa người xuống kiểm tra cụ thể rồi thông báo cho ông biết kết luận.” Ông chủ cửa hàng nghe nhân viên cục thuế nói vậy thì càng hoang mang hơn. Sau đó dù ông ta làm ra vẻ vui vẻ tiễn khách nhưng anh nhân viên đã sớm nhìn ra ông ta rất sợ bị thanh tra thuế hỏi thăm. Anh nhân viên này vừa hay có một người bạn thân sống ở căn nhà đối diện cửa hàng thuốc lá. Anh nhờ người bạn đó ngầm theo dõi giúp động tĩnh của ông chủ cửa hàng, hễ thấy có gì bất thường thì báo ngay cho anh biết.
Tối hôm đó, chủ cửa hàng dùng xe đẩy chuyển hơn 20 thùng thuốc lá ra cửa sau định mang đi tẩu tán thì lập tức bị các nhân viên thuế quan bắt giữ tại trận.
Trước đó, nếu anh nhân viên cục thuế tranh cãi với ông chủ cửa hàng thuốc lá thì cuối cùng sẽ rơi vào bẫy của ông ta, không hoàn thành nhiệm vụ, cũng không thể vạch trần đối phương. Trong cuộc đối đầu này, anh nhân viên không công khai “rút dây động rừng” hay “đánh rắn động cỏ”, mà chỉ nói một câu đã dọa cho đối phương chột dạ mà gấp rút “lòi đuôi cáo”.
Nếu bạn lớn tiếng dọa nạt đối thủ thì đối phương không những không sợ mà còn cho rằng bạn đang có tật giật mình, cố to tiếng để lấp liếm cho lời nói, hành vi của bản thân. Như vậy, bạn đã để lộ sơ hở cho đối phương thấy, đồng nghĩa với việc bạn đã thất bại.
7
NẰM LÒNG NGHỆ THUẬT TỪ CHỐI
Làm thế nào để từ chối đối phương một cách hợp tình hợp lí mà không khiến họ cảm thấy tổn thương hoặc tức giận chính là một môn nghệ thuật đầy trí tuệ
Đừng mềm lòng, nếu không bạn sẽ không học được cách từ chối người khác.
Biết từ chối sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích:
• Có thể tránh việc phải nói dối;
• Có thể tránh việc thất hẹn, trễ hẹn;
• Có thể tránh việc phải mệt mỏi vì đảm đương quá nhiều nhiệm vụ.
Bộ phận bán hàng của một công ty nọ có anh nhân viên cả nể, dễ tính, không dám từ chối ai, chẳng bao giờ dám nói tiếng “Không!” Mỗi khi bộ phận họp bàn tìm người tự nguyện đi đến các công ty khác chào hàng, người này luôn xung phong đầu tiên. Hồ sơ khách hàng của anh ta luôn đầy ắp thông tin của những khách hàng mới. Nhưng tham thì thâm, vì ôm đồm nhiều việc nên anh ta không hoàn thành kịp những nhiệm vụ đã tiếp nhận.
Điều này đối với công ty và đối với cá nhân nhân viên đó đều là tổn thất. Những thành tích anh ta đạt được không đủ bù đắp cho những gì anh ta để mất. Nếu biết cách từ chối, chắc chắn doanh số bán hàng của anh ta có thể cao hơn nhiều. Vì vậy, có thể thấy rằng, từ chối là một kĩ năng đặc biệt quan trọng trong thời đại hiện nay.
Nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ người khác là phẩm chất tốt, nhưng sức lực của con người có hạn. Chúng ta không thể đồng ý với bất cứ yêu cầu nào của người khác, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nguyên tắc. Vì vậy, làm thế nào để từ chối đối phương một cách hợp tình hợp lí mà không khiến họ cảm thấy tổn thương hoặc tức giận chính là một môn nghệ thuật đầy trí tuệ.
Vào thời nhà Tống, vì bất mãn với việc Hoàng đế Tống Cao Tông ban thưởng cho các quan, hai tướng Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn đã dấy quân làm phản, bức Tống Cao Tông phải nhường cho Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Đại thần Chu Thắng Phi đứng ra chiêu hàng hai phản quân, nếu chấp thuận triều đình sẽ phong cho hai chức quan ở vùng Hoài Nam. Nhưng Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn khăng khăng yêu cầu Tống Cao Tông phải cho làm một bản khế ước bằng sắt, cam kết không truy cứu tội cũ. Sau khi tan triều, Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn đi gặp Chu Thắng Phi để thúc giục làm bản khế ước. Trước mặt hai người này, Chu Thắng Phi viết một bản tấu tâu lên Tống Cao Tông nêu rõ sự tình, đồng thời cho người kiểm tra xem đã có tiền lệ dùng khế ước bằng sắt hay chưa.
Hai ngày sau, Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn lại sai người đến phủ Chu Thắng Phi thúc giục, đòi Tống Cao Tông ban khế ước. Chu Thắng Phi không trực tiếp trả lời mà hỏi thuộc hạ của mình: “Ta sai ngươi đi tra tiền lệ, ngươi làm đến đâu rồi?” Tên thuộc hạ đáp: “Dạ bẩm, không tra ra được tiền lệ nào ạ!”
Chu Thắng Phi lại hỏi: “Vậy ngươi có biết cách chế tác khế ước bằng sắt không?”
Thuộc hạ đáp: “Không biết ạ.”
Chu Thắng Phi lại hỏi: “Nói như vậy các ngươi có khế ước bằng sắt để giao cho họ không?” Mọi người đều cười phá lên, ngay cả thuộc hạ của Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn cũng bật cười và nói: “Thuộc hạ hiểu rồi ạ!”, sau đó vội vàng trở về.
Đối với yêu cầu bất hợp lí của Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn, Chu Thắng Phi không ngay lập tức từ chối, càng không ngạo mạn phê phán họ. Ông dùng cách hỏi đáp với thuộc hạ của mình, khiến đối phương tự ý thức bản thân đã đưa ra đòi hỏi quá đáng, từ đó rút lại yêu cầu. Khước từ một cách gián tiếp sẽ làm giảm nguy cơ gặp họa vì từ chối.
8
LOẠI BỎ TÂM LÍ NGẠI NGÙNG
Trong cạnh tranh, bạn phải loại bỏ được tâm lí ngại ngùng, xấu hổ, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình và hành động để đạt được mục tiêu đã đề ra
Động vật có biết ngại hay xấu hổ như con người chúng ta không? Điều này phải hỏi các nhà động vật học mới biết được. Tuy nhiên, thoạt nhìn thì dường như động vật sẽ không biết xấu hổ như con người, bởi vì mọi hành động của chúng đều xuất phát từ bản năng. Dù là kiếm ăn hay tìm bạn đời, chúng đều làm theo ý thích.
Con người và động vật không giống nhau. Con người sẽ biết ngại, biết xấu hổ, ngoại trừ nguyên nhân về tính cách thì lễ giáo và trình độ văn hóa cũng góp phần ảnh hưởng. Có những người thường xuyên nói: “Ôi, thật ngại quá!” Tâm lí biết xấu hổ có lúc rất dễ thương, cũng có ích trong xã giao, nhưng cũng có lúc nó khiến người ta mất đi nhiều cơ hội và quyền lợi. Vì vậy những người hay ngại ngùng, xấu hổ phải điều chỉnh hành vi và cách cư xử của mình.
Trên thực tế, xấu hổ chỉ là cảm giác của chúng ta, giống như có một số việc vốn dĩ hoàn toàn bình thường nhưng có một số người lại không dám làm. Ví dụ, nhiều người rất xấu hổ khi theo đuổi bạn gái, nhưng chỉ có họ nghĩ vậy thôi, người khác không cho là như thế.
Ai cũng muốn được thỏa mãn nhu cầu, ai cũng muốn thể hiện thực lực, chậm một bước liền mất đi cơ hội. Vì vậy, trong cạnh tranh, bạn phải loại bỏ được tâm lí ngại ngùng, xấu hổ, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình và hành động để đạt được mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt là ba việc dưới đây, bạn tuyệt đối không được cảm thấy xấu hổ khi làm chúng:
Những việc liên quan đến lợi ích
Trong công việc và cuộc sống, bạn phải dũng cảm đấu tranh và bảo vệ lợi ích của bản thân. Nếu bạn vì xấu hổ mà không dám lên tiếng, để mất đi phần lợi ích đáng lẽ thuộc về mình thì cũng chẳng có ai cảm kích cho bạn cả.
Những việc muốn từ chối
Có rất nhiều người vì muốn giữ gìn mối quan hệ mà ngại từ chối đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Vì vậy dù không muốn họ vẫn cho người khác mượn tiền, chịu trách nhiệm thay đối phương, thậm chí sẵn sàng hi sinh bản thân vì người khác. Kết quả là vì thế mà từ giúp người thành hại thân.
Những chuyện cần yêu cầu người khác làm
Rất nhiều người vì ngại giao phó công việc cho người khác cho nên thường tự ôm đồm nhiều nhiệm vụ. Kết quả là không thể hoàn thành tốt công việc, khiến cấp trên không hài lòng còn bản thân phải chịu khổ. Đặc biệt là những người làm quản lí, tuyệt đối không thể ngại ngần khi đưa ra yêu cầu với cấp dưới. Nếu không bạn sẽ mất đi quyền uy, bị cấp dưới qua mặt.
Nếu làm được những việc kể trên, bạn sẽ không cảm thấy ngại ngùng và có thể sống tốt giữa cuộc đời đầy khó khăn này.
Không dễ để sửa đổi tính cách ngại ngùng, xấu hổ, chỉ có thể từ từ học tập và cải thiện. Chỉ cần bạn thấu hiểu bản thân và thực sự muốn thay đổi, bạn nhất định sẽ trở nên mạnh dạn và dũng cảm hơn.
9
“MẶT DÀY” THỂ HIỆN BẢN THÂN
Sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ để mở ra con đường thành công cho bản thân chính là điều kiện cần có để làm nên sự nghiệp lớn
Aristotle Onassis được mệnh danh là Vua hàng hải của Hi Lạp. Khi mới 17 tuổi, ông đã rời xa quê nhà. Với một khoản kinh phí rất nhỏ, ông lên tàu, vượt ngàn dặm biển để đến thủ đô Buenos Aires của Argentina, hi vọng đây sẽ là miền đất hứa để khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Lúc mới đến Buenos Aires, Aristotle buôn bán đủ thứ lặt vặt và nhặt nhạnh, tiết kiệm từng đồng tiền lẻ. Khi tích được một số vốn nho nhỏ, ông gửi về cho cha và anh trai ở Hi Lạp, bảo họ dùng tiền đó nhập sợi thuốc lá từ Trung Đông, mang sang Argentina bán.
Khi Aristotle mới buôn thuốc lá, mỗi ngày ông đều chạy đến trụ sở của Công ty Thuốc lá H.G và đứng trước cửa văn phòng tổng giám đốc. Vị tổng giám đốc này cảm thấy thật kì lạ, sáng nào cũng có một anh chàng đứng ở đó như thể muốn tìm mình có việc muốn nói. Nhưng mỗi lần chạm mặt, anh chàng này lại chỉ im lặng ngước đôi mắt buồn bã nhìn ông ta.
Sau ba tuần liền, đến một hôm đó, vị tổng giám đốc không nhịn được nữa mới hỏi Aristotle: “Cậu muốn làm gì vậy?”
Aristotle trả lời: “Cháu muốn bán sợi thuốc lá của cháu ạ.”
“Ồ, vậy thì mời cậu đi tìm người mua mà bán.”
Một thanh niên 17 tuổi tha hương như Aristotle làm gì có mối quan hệ với nhân vật quan trọng nào, cũng chẳng có kĩ năng bán hàng. Vậy mà khi ấy ông lại muốn chào hàng với một công ty lớn của Argentina, đây thật sự là chuyện còn khó hơn lên trời.
Nhưng việc Aristotle kiên nhẫn đứng đợi tổng giám đốc Công ty Thuốc lá H.G mỗi sáng trong ba tuần liền cuối cùng đã có tác dụng. Vị tổng giám đốc thấy cậu trai trẻ này có khát vọng, có lòng kiên trì, cho nên người này nói với Aristotle: “Đợi chút, tôi sẽ gọi một cuộc điện thoại.”
Tổng giám đốc Công ty Thuốc lá H.G gọi nhân viên bộ phận thu mua đến, giới thiệu Aristotle với anh ta.
Nhờ được tổng giám đốc mở lời giới thiệu, Aristotle thuận lợi bán sợi thuốc lá cho công ty H.G. Như vậy, cố gắng của ông đã cho kết quả.
Sau đó, lượng sợi thuốc lá mà Aristotle bán cho công ty H.G càng ngày càng nhiều lên. Mấy năm sau, ông đủ vốn để mở một nhà máy thuốc lá nho nhỏ. Ngoài 20 tuổi, Aristotle đã mua được một con tàu cũ trị giá 500 nghìn đô-la Mỹ từ một công ty hàng hải bị phá sản với giá 50 nghìn đô, sau đó lại mua một con tàu cũ trị giá 200 nghìn đô của một công ty vận tải của Canada. Khối tài sản khổng lồ của Aristotle đã được hình thành từ những quyết định kinh doanh táo bạo và quyết tâm đến cùng của ông.
Từ khi còn trẻ, Aristotle đã giỏi dùng chiêu “mặt dày”, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ để mở ra con đường thành công cho bản thân. Đây chính là điều kiện cần có để làm nên sự nghiệp lớn. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Aristotle Onassis có thể trở thành Vua hàng hải.