Khổng Tử nhịn khát, Nhan Tử nhịn đói, Mẫn Tử nhịn rét, Hoài Âm nhịn nhục, Trương Công nhịn chửi, Lâu Công nhịn đánh cho nên đều thành bậc thánh nhân quân tử. Kiến công lập nghiệp, lập thân xử thế, không có việc gì không cần đến nhẫn nhịn. Khi gặp hoàn cảnh bất lợi, nhẫn nhịn đợi thời chính là thượng sách.
1
THẾ NÀO LÀ NGƯỜI BIẾT NHẪN NHỊN?
Nhẫn nhịn những mong muốn không khả thi và làm chủ cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn gặt hái được thành công
Bình thản, ung dung là một trong những thái độ xử thế của người biết nhẫn nhịn. Người xưa dạy rằng: “Người nhẫn nhịn được việc không ai nhẫn nhịn được thì không gì là không thể làm.”
Người xưa coi nhẫn nhịn là thước đo cho việc làm người. Thi nhân Bạch Cư Dị từng nói: “Khổng Tử nhịn khát, Nhan Tử nhịn đói, Mẫn Tử nhịn rét, Hoài Âm nhịn nhục, Trương Công nhịn chửi, Lâu Công nhịn đánh, cho nên đều trở thành bậc thánh nhân quân tử. Kiến công lập nghiệp, lập thân xử thế, không có việc gì không cần đến nhẫn nhịn. Khi gặp hoàn cảnh bất lợi, nhẫn nhịn đợi thời chính là thượng sách.”
Vậy nên việc học cách nhẫn nhịn là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu nhẫn nhịn kết hợp với nhu nhược thì nó sẽ biến thành thái độ không màng sự đời, đi ngược lại với bản chất ban đầu.
Nếu sự nhẫn nhịn kết hợp với tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, an phận thủ thường, dễ thỏa mãn, thiếu cầu tiến, trì trệ, mặc cảm, nó sẽ dễ dàng biến tướng, khiến con người cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, đau đớn...
Vậy, như thế nào mới gọi là “biết nhẫn nhịn”?
Người xưa đã dạy: “Không nhịn được việc nhỏ, tất làm hỏng việc lớn”, “Một lần nhịn tránh trăm lần nhục”, “Một điều nhịn là chín điều lành”... Đây chính là chỉ hiệu quả của chữ “nhẫn”. Lão Tử đã sớm nhắc đến quy luật họa và phúc đi liền với nhau. Cho đến nay đạo lí của ông vẫn được người đời ghi nhớ: “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục”, có nghĩa là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa đang rình rập. Do đó, khi gặp nghịch cảnh, khi mắc hiểm họa, chúng ta phải biết học cách nhẫn nhịn. “Trăm nhẫn thành thép”, có thể kiên trì khi gặp khó khăn mới làm nên việc lớn. Người có thể nhẫn nhịn trước trắc trở sẽ biết cách vượt lên chính mình.
Mạnh Tử từng nói: “Thiên tương giáng đại nhiệm vu thị nhân dã. Tất tiên khổ kì tâm chí, lao kì cân cốt, ngạ kì thể phu, không phạp kì thân, hoành phất loạn kì sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kì sở bất năng.” Câu này có nghĩa là trời định trao trách nhiệm lớn lao cho người nào, ắt trước tiên sẽ khiến họ khốn khó tâm trí, nhọc nhằn gân cốt, thân xác đói khát, chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để rèn giũa tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy. Sau khi chịu đủ nỗi khổ, nhẫn nhịn mọi nỗi ấm ức và vượt qua chúng, bạn mới có thể tiếp nhận nhiệm vụ cao cả được giao phó. Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn mà vẫn có thể nhẫn nại và kiên trì, thì phẩm chất này đã trở thành phương tiện giúp bạn mưu cầu việc lớn. Chịu khó, chịu khổ, chịu nhục, chẳng có cái chịu nào là vô ích cả.
Nhẫn nhịn một cách tích cực không có nghĩa là đánh mất bản ngã, nó chỉ là tạm thời giấu đi cái tôi quý giá và độc lập. Chúng ta vẫn làm những việc bản thân muốn làm (một cách lặng lẽ), vẫn là chính bản thân mình (một cách âm thầm). Kiểu nhẫn nhịn này chính là trong mềm có cứng, trong nhu có cương, không đem nhân cách độc lập của bản thân ra đánh đổi, không nhút nhát, không tạm bợ, cũng không cảm thấy bất đắc chí.
Nhẫn nhịn cũng là một biện pháp quan trọng để bảo toàn năng lực. Khi tương quan lực lượng giữa bạn và đối thủ quá chênh lệch, thì nhẫn nhịn chính là cách rút lui khôn ngoan nhất. Đừng quyết liệt chống trả một cách vô ích, hãy tạm lánh để giữ gìn sức lực, từ từ tích lũy lực lượng lớn mạnh. Vì vậy đây không phải là hành động thỏa hiệp hay đầu hàng, mà là nhẫn nại chờ thời cơ. Một khi thời cơ chín muồi, việc hành sự chắc chắn sẽ hanh thông.
Trong cuốn sách Thái Căn Đàm - Tinh hoa xử thế phương Đông của tác giả Hồng Ứng Minh có viết: “Trong xử thế hãy biết nhẫn nhịn, lùi bước chính là nền tảng của tiến bước. Trong đối đãi với người khác, rộng lượng chính là phúc, làm lợi cho người cũng là làm lợi cho mình.” Nhẫn nhịn những mong muốn không khả thi và làm chủ cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn gặt hái được thành công.
2
NHẪN NHỊN NHỮNG VIỆC CÓ THỂ BỎ QUA
Chúng ta phải hết sức khống chế bản thân, đối với những chuyện có thể nhẫn nhịn thì đều nên bỏ qua
Xã hội ngày càng hiện đại và văn minh, con người ngày càng tự do, nên nhiều người cho rằng mình có thể thẳng thắn thể hiện bản thân, bộc lộ ra mặt sự tức giận, chán ghét, căm hờn, bất mãn, đố kị... của mình với người khác.
“Cả giận mất khôn” khiến người ta dễ dàng trút cảm xúc tiêu cực của mình lên những người xung quanh. Hành động này không những cho thấy bạn là người thiếu chín chắn, không biết làm chủ cảm xúc của bản thân, mà tệ hơn, nó còn có thể phá hỏng những mối quan hệ tốt đẹp của bạn.
Người có tính tình nóng nảy, tâm trạng thất thường, hay mất kiểm soát thường khiến những người xung quanh mất cảm tình. Khi họ gặp chuyện chướng tai gai mắt, tâm trạng vui vẻ lúc trước sẽ bị quét sạch trong chớp mắt và cơn giận sẽ bùng phát dữ dội. Hành vi này sẽ làm tổn thương người khác và cũng làm tổn thương chính mình.
Trong một mối quan hệ, nếu chúng ta đối xử chân thành với người khác, họ cũng sẽ chân thành với ta, mà tâm tình đối phương như thế nào, chúng ta đều có thể cảm nhận được. Nhưng chúng ta cũng cần biết khi nào nên tránh để sự chân thành của mình vô tình chọc giận đối phương.
Một người phụ nữ nọ tính tình nóng nảy, bộc trực. Bình thường, chị là một người rất biết cư xử, nhưng chỉ cần nghe thấy những lời khó nghe, nhìn thấy những việc không vừa mắt thì sẽ bất chấp hoàn cảnh mà lớn tiếng chửi bới, đập phá đồ đạc, thậm chí là múa dao dọa nạt. Mỗi khi chị nổi nóng mà có người đến khuyên can, thì chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, rước thêm phiền vào thân, chị sẽ chửi mắng cho vuốt mặt không kịp. Vì thế, những người có mặt đều nhanh chóng rời đi để không phải trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong cơn giận của người phụ nữ kia.
Sẽ có lúc chúng ta xảy ra mâu thuẫn hay tranh cãi với người khác, nhưng hãy nghĩ xem, nếu đôi bên cùng nổi giận vì những lí do cỏn con, không đáng có thì chẳng phải thật ấu trĩ hay sao? Cho nên, chúng ta phải hết sức làm chủ bản thân, đối với những chuyện có thể nhẫn nhịn thì đều nên bỏ qua.
Chữ Nhẫn trong tiếng Trung được ghép từ hai chữ “đao” (dao) ở trên và “tâm” (trái tim) ở dưới. Hình ảnh con dao đặt trên đầu quả tim có ý nghĩa là nếu không thể nhẫn nhịn thì tai họa sẽ ập đến với bạn. Trong cuộc sống, mỗi người sẽ gặp phải nhiều chuyện không như ý, không theo mong muốn, thậm chí là những chuyện oan khuất. Lúc này, bạn chịu nhịn xuống hay nổi điên lên sẽ quyết định điều tiếp theo đến với bạn là phúc hay họa.
Có những người vì tranh giành chút lợi ích nhỏ hoặc chấp nhặt mấy chuyện lông gà vỏ tỏi mà lời qua tiếng lại, không ai nhường ai dẫn đến tranh cãi gay gắt, xô xát với nhau. Kết quả là lưỡng bại câu thương, đôi bên cùng chịu thiệt. Chúng ta có thể thấy, chữ Nhẫn quan trọng đến mức nào. Người xưa từng nói: “Nhịn một lúc gió yên sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.”
Nhẫn nhịn chính là để thời gian, để sự thật chứng tỏ sự đúng đắn của chúng ta. Nó giúp chúng ta tránh khỏi những rắc rối không đáng có và những tranh cãi không cần thiết.
Người biết nhẫn nhịn sẽ biết khiêm tốn và kiên trì. Vốn dĩ mọi vấn đề xảy ra đều là “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”. Với tư cách là người trong cuộc, nếu chúng ta có thể nhường nhịn ba phần, cùng nhau nhận phần sai của mình thì đôi bên sẽ hóa giải mâu thuẫn và trở nên hòa hợp hơn.
Thời nhà Thanh có câu chuyện “Ngõ sáu thước” kể về Tể tướng đương triều Trương Anh cùng một vị Thị lang họ Diệp đều là người Đồng Thành, An Huy. Ở quê nhà, họ Diệp và họ Trương sống cạnh nhau, hai gia tộc cùng lúc sửa sang lại nhà cửa và xảy ra tranh chấp về đất đai. Mẹ Trương Anh gửi thư tới kinh thành, muốn Trương Anh ra mặt làm chủ việc này. Trương Anh làm Tể tướng, đương nhiên tầm nhìn xa trông rộng, đọc hết bức thư liền viết một bài thơ gửi về cho mẹ. Thơ rằng:
Gửi thư ngàn dặm vì chuyện một bức tường
Nhường người ta ba thước đất thì có làm sao
Vạn lí trường thành đến nay còn đó
Nhưng Tần Thủy Hoàng thì có thấy đâu
Mẹ Trương Anh nhận được thư, mở ra đọc liền hiểu được ý tứ của con, lập tức chủ động xây nhà lui vào trong ranh giới ba thước. Nhà họ Diệp sau khi biết chuyện cũng cảm thấy xấu hổ, bắt chước theo xây nhà lùi vào trong ba thước. Vì thế tường của hai nhà Trương, Diệp cách nhau sáu thước, tạo thành một lối đi và trở thành ngõ sáu thước nổi tiếng.
Ở Trung Quốc còn có một người tên là Dương Chứ cũng nổi tiếng vì lòng nhẫn nhịn. Có một lần, hàng xóm của Dương Chứ bị mất một con gà, liền chửi mắng cả nhà họ Dương. Người nhà Dương Chứ tức giận bừng bừng, muốn cãi nhau đến cùng với nhà hàng xóm. Dương Chứ lại vô cùng bình tĩnh nói: “Trên đời này chẳng phải có mỗi mình nhà ta họ Dương. Cứ kệ họ đi!” Lại một lần khác, trời đổ mưa tầm tã như trút nước, hàng xóm liền quét hết nước đọng trong sân nhà mình sang nhà Dương Chứ, khiến quanh nhà anh nước ngập nhớp nháp, sinh hoạt vô cùng bất tiện. Dương Chứ vẫn điềm nhiên nói với người nhà: “Không có gì phải làm ầm ĩ lên, ngày nắng luôn nhiều hơn ngày mưa, qua ngày nắng nhà lại khô thôi.” Cứ như vậy, lâu dần mọi người xung quanh đều bị sự nhẫn nhịn của Dương Chứ làm cho cảm động. Về sau, có một đám cướp ủ mưu đến nhà Dương Chứ cướp của, cũng chính nhờ những người hàng xóm này phát giác mà gia đình anh mới thoát được kẻ gian.
Nhẫn nhịn là một đức tính tốt. Khi bạn bè hiểu nhầm, người thân trách oan, người ngoài đồn đại chuyện thị phi... cơn giận không phải cơn mưa xuân mang lại sự sống mà giống như sương mù giá lạnh. Chỉ có bình tĩnh, kiềm chế sự tức giận mới giúp bạn có cái nhìn khách quan, đánh giá công bằng, lấy lại hình tượng vốn có, nhận được sự khâm phục của mọi người.
Nhẫn nhịn không phải là nhu nhược, ngược lại nó đòi hỏi người nhẫn nhịn phải tự tin và kiên cường. Chữ Nhẫn có hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất là bền bỉ và ngoan cường. Vào thời nhà Tống, Chu Tứ9 viết trong Tấn thư, Chu Tứ truyện rằng: “Khi đôi bên đối địch, bên nhẫn được sẽ chiến thắng.” Tầng nghĩa thứ hai của chữ Nhẫn là kiềm chế chờ thời cơ. Nhà thơ yêu nước đời Tống là Lục Du luôn ôm hùng tâm tráng chí “lên ngựa đánh giặc dữ, xuống ngựa thảo chiến thư” cũng từng viết rằng: “Nhẫn nhịn cũng là một phương án tác chiến.”
9 Chu Tứ: Tự Trọng Văn, người huyện An Lạc, tướng đốc nhà Tấn, đã tham gia trấn áp hầu hết các cuộc nổi dậy lớn cuối đời Tây Tấn, đầu đời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc.
Vì vậy, hãy giữ bình tĩnh và làm chủ bản thân khi cảm xúc tiêu cực nào đó trong bạn đang sục sôi. Bỏ qua những điều có thể bỏ qua, hoặc đợi khi đôi bên đã bình tĩnh rồi mới cùng nhau nhìn nhận vấn đề. Một phút giây bốc đồng có thể kéo về cho bạn những rắc rối không tưởng, hãy nhớ lấy điều đó.
3
NHẪN NHỊN CŨNG LÀ PHẢN KHÁNG
Nhẫn nhịn không những giúp bạn kéo dài thời gian nhằm nghĩ cách ứng phó, mà còn là cách để bạn gia tăng tính “uy hiếp” của mình với đối phương
Nhẫn nhịn cũng chính là một hình thức phản kháng hiệu quả. Hãy đọc câu chuyện dưới đây và cùng phân tích.
Sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách, người dân bắt đầu tấp nập tụ họp buôn bán. Ở một khu chợ nọ, có một kẻ vô lại có thói xin đểu. Mỗi ngày hắn đều lượn mấy vòng quanh chợ, tiện tay sẽ lấy con gà, miếng thịt, bó rau, chai rượu... mà chẳng bao giờ trả tiền. Nếu có người nào đòi tiền hắn, hắn đều nói cứ ghi sổ, sau sẽ trả. Nhưng nếu có ai đòi tiền ráo riết, hắn sẽ hoặc là đánh lại, hoặc là phá hoại sạp hàng, khiến người đó không thể tiếp tục kinh doanh. Tiểu thương trong chợ đều vô cùng căm ghét hắn nhưng không ai dám nói ra.
Một ngày nọ, tên vô lại này lại mò tới chợ. Hắn đi đến một quầy bán thịt lợn, chỉ vào một miếng thịt và đòi chủ quầy cắt ra đưa cho hắn. Chủ quầy làm như không nghe thấy lời tên vô lại, điềm nhiên cầm con dao thái thịt lên mài xoèn xoẹt vào viên đá mài. Tên vô lại thấy thế, chỉ đành đứng đó đợi. Lúc này, người trong chợ đã bu lại chỗ quầy thịt lợn để xem kịch hay, không biết tên vô lại kia có thể làm gì.
Chủ quầy thịt lợn mài dao mấy phút không ngơi tay. Lúc này, tên vô lại đã mất hết kiên nhẫn, hắn lớn tiếng chửi mắng chủ quầy mau mau cắt thịt cho hắn. Chủ quầy không nhanh không chậm “vâng” một tiếng, giơ con dao thái thịt đã được mài sáng loáng lên nhìn một cái, ánh mắt xẹt qua tên vô lại. Tên này đứng ngây ra, bất giác run cả người, lại giục chủ quầy, nhưng giọng điệu đã mềm mỏng đi nhiều. Chủ quầy thịt lợn cầm con dao sắc lẹm đặt lên miếng thịt mà hắn chỉ, “roẹt” một tiếng, miếng thịt đã được cắt ra. Điều khiến người ta trầm trồ chính là, chỉ một đường cắt này mà miếng thịt đã được lọc sạch, không dính một chút vụn xương nào. Chứng kiến tài dao thớt của chủ quầy thịt lợn, tên vô lại trong lòng thầm run sợ.
Sự việc đến đây vẫn chưa kết thúc. Cắt xong miếng thịt, thay vì đặt con dao xuống thớt, chủ quầy bất ngờ phi con dao cắm lên tấm gỗ dựng cách đó mấy mét. Chỉ nghe “phập” một tiếng, con dao thái thịt đã cắm ngập trong tấm gỗ. Mọi người cùng trố mắt ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nữa là lần này tên vô lại không nghênh ngang cầm miếng thịt đi như trước mà đã trả tiền đầy đủ cho chủ quầy thịt.
Khi bị khiêu khích, đầu tiên bạn nên nhẫn nhịn, tránh xung đột trực tiếp, tận dụng khoảng thời gian hòa hoãn này để nhanh chóng nghĩ cách ứng phó, khiến đối thủ khuất phục. Cách làm của chủ quầy thịt lợn ở ví dụ kể trên cũng là một giải pháp thông minh. Anh ta đã tận dụng công cụ làm việc là con dao thái thịt để ứng phó với kẻ vô lại kia. Kĩ năng tốt nhất của anh ta là cắt thịt lợn, vậy nên anh ta đã khoe nó ra. Hành động dằn mặt này được chủ quầy thịt lợn thực hiện rất tự nhiên và trơn tru. Anh ta vẫn thực hiện yêu cầu của tên vô lại, lại vừa khoe sự sắc bén của con dao, ngầm biểu thị sức mạnh của mình, cũng là thể hiện lập trường không khoan nhượng. Một loạt hành động cắt thịt, phi dao sau đó đều củng cố cho sự không cam chịu bị bắt nạt của chủ quầy thịt.
Nhẫn nhịn không những giúp bạn kéo dài thời gian nhằm nghĩ cách ứng phó, mà còn là cách để bạn gia tăng tính “uy hiếp” của mình với người khác, khiến đối phương hành động bớt càn rỡ hơn, thậm chí là sửa đổi hành vi sai trái để cầu hòa. Như vậy nhẫn nhịn đã trở thành kế sách không đánh mà thắng.
Nhờ khoan dung và nhẫn nhịn, chúng ta có thể nắm bắt cơ hội, dùng trí tuệ sắc bén của bản thân để phản kích đối phương một cách bất ngờ.
Socrates là triết gia Hi Lạp nổi tiếng thời cổ đại. Một lần, ông vô tình gặp một nhà phê bình bị hói đầu. Người kia vừa gặp mặt đã không ngừng chỉ trích Socrates. Nhưng từ đầu đến cuối ông vẫn im lặng, không phản bác lại. Nhà phê bình càng tức giận, lớn tiếng với Socrates: “Ông có gì để nói không?” Socrates lạnh nhạt đáp: “Không có, không có, tôi chỉ là đang ghen tị với ông thôi.” Nhà phê bình thấy lạ bèn hỏi: “Ông ghen tị với tôi về cái gì?” Socrates đáp: “Tôi ghen tị với tóc của ông. Chúng quá thông minh, đã sớm rời khỏi đầu ông rồi.” Socrates có ý muốn nói trong đầu nhà phê bình toàn chứa mấy thứ linh tinh, vô bổ, cho nên những lời người này nói ra miệng cũng chẳng có gì đáng nghe.
Nhẫn nhịn là để bạn tranh thủ thời gian phân tích đối thủ và vạch ra đối sách. Do đó, nếu có người gây khó dễ với bạn, thì bạn càng phải nhịn xuống ý muốn phản bác ngay lập tức để bình tĩnh suy nghĩ sách lược phản công. Nhẫn nhịn không phải là chịu thua, mà là để chờ thời giành chiến thắng.
4
LÙI MỘT BƯỚC, TIẾN BA BƯỚC
Nhẫn nhịn được những điều uất ức mới có thể vượt qua khó khăn, biết chuyện oan khuất mới có thể làm việc ngay thẳng
Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết rằng: “Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, hóa tắc doanh, tệ tắc tân, thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc… Cổ chi sở vị khúc tắc toàn giả, khởi hư ngôn tai. Thành toàn nhi quy chi.” Câu này có nghĩa là: Nhẫn nhịn được những điều uất ức mới có thể vượt qua khó khăn, biết chuyện oan khuất mới có thể làm việc ngay thẳng. Mất mát rồi mới có thể lại tràn đầy, khô héo rồi sẽ lại xanh tươi, giữ ít mà lại là được nhiều, ngược lại tham nhiều sẽ chỉ dẫn tới u mê. Những người có thể giữ mình an toàn trong hiểm nguy đều hiểu thấu đạo lí này. Lấy lùi làm tiến, lấy nhẫn nhịn để chống trả, đây chính là cách làm thỏa đáng nhất.
Thời nhà Tống có văn nhân Tô Tuân từng nói rằng: “Nhất nhẫn dĩ chế bách nhục, nhất tĩnh dĩ chế bách động”, nghĩa là: Một lần nhẫn nhịn có thể tránh được trăm lần sỉ nhục, một lần lặng yên có thể tránh được trăm chuyện gây gổ.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng có một nhân vật nổi tiếng vì đã nhẫn nhịn mà mưu được việc lớn. Cuộc đời ông trải qua muôn vàn đắng cay, đau khổ, vì từng phải chịu hình phạt “tẫn hình”10 cho nên sử sách ghi danh ông là Tôn Tẫn.
Ngay từ khi còn trẻ tuổi, Tôn Tẫn đã quyết tâm học tập binh pháp để mưu đại nghiệp. Đến lúc trưởng thành, ông đi khắp thiên hạ tìm thầy học binh pháp. Nghe danh ẩn sĩ Quỷ Cốc Tử là bậc thầy tinh thông binh pháp và pháp thuật, ông bèn tìm đến xin học. Được thầy Quỷ Cốc Tử thu nhận làm đồ đệ, Tôn Tẫn luôn siêng năng học hỏi. Một lần, Quỷ Cốc Tử dạy binh pháp Tôn Tử cho Tôn Tẫn, không ngờ chưa tới ba ngày, ông đã có thể nhớ hết, còn đưa ra nhiều kiến giải sâu sắc dựa trên hiểu biết của bản thân. Quỷ Cốc Tử rất đỗi kinh ngạc trước tài năng quân sự thiên bẩm của học trò, đến nỗi phải thốt lên lời khen: “Lần này, cuối cùng cũng có người kế tục ta rồi.”
Tôn Tẫn có một bạn học tên là Bàng Quyên, người nước Ngụy. Hắn ta tuy trong lòng hết sức đố kị với tài năng của Tôn Tẫn nhưng bề ngoài lại tỏ ra vô cùng quý trọng ông, còn hẹn rằng sau này thành danh sẽ không quên nhau. Bàng Quyên vì ham công danh phú quý nên xin xuất môn xuống núi trước, đến nước Ngụy thi thố tài năng và trở thành Tướng quân. Sau đó, hắn cho người đến mời Tôn Tẫn xuống núi và tới nước Ngụy. Tại đây, Bàng Quyên vu cáo cho Tôn Tẫn khiến ông bị thích lên mặt và chặt xương đầu gối, khiến ông phải giấu mình, không thể ra làm tướng.
Lúc đầu Tôn Tẫn không hề hay biết tai họa rơi xuống đầu mình là do một tay Bàng Quyên sắp xếp. Đến khi biết rõ chân tướng, Tôn Tẫn nung nấu quyết tâm trả thù. Ông che mắt tay chân của Bàng Quyên, bí mật nghiên cứu binh pháp, chuẩn bị sẵn sàng để một ngày thoát khỏi miệng hổ. Tôn Tẫn giả điên, vì muốn Bàng Quyên tin mình điên thật, ông còn sống cùng súc vật và ăn cả phân.
Không lâu sau, nước Tề cử sứ giả đến đất Lương thuộc nước Ngụy. Tôn Tẫn lén tới thuyết phục sứ giả, người này lén đưa ông lên xe, ra khỏi nước Ngụy. Trở về nước Tề, Tôn Tẫn trở thành thượng khách của Đại tướng Điền Kỵ. Điền Kỵ vì phục tài năng của Tôn Tẫn nên đã tiến cử ông với Tề Uy Vương. Hai bên cùng nhau bàn chuyện quân sự, Tề Uy Vương ra sức tán thưởng kiến giải của Tôn Tẫn, lập tức phong ông làm Quân sư nước Tề.
Năm 354 TCN, nước Ngụy cử Bàng Quyên thống lĩnh đại quân đi vây đánh thành Hàm Đan, mưu đồ một trận diệt gọn nước Triệu. Vua Triệu phải cầu cứu nước Tề. Tôn Tẫn và Điền Kỵ bàn nhau, thống nhất phương án tác chiến là vây Ngụy cứu Triệu. Điền Kỵ thay vì cứu Triệu lại dẫn quân tức tốc tiến thẳng đến kinh đô Đại Lương của nước Ngụy, buộc Bàng Quyên phải quay về cứu nước. Kế này không chỉ giải nguy cho nước Triệu mà còn giúp quân Tề lấy sức nhàn thắng sức mỏi, đại phá quân Ngụy ở trận Quế Lăng vào năm sau đó. Quân Ngụy thua tan tác, Bàng Quyên dẫn theo vài binh sĩ bỏ chạy thoát thân.
Mười hai năm sau trận Quế Lăng, Ngụy Vương lại cử Bàng Quyên thống lĩnh đại quân đi đánh nước Hàn. Nước Hàn cầu cứu nước Tề. Lúc bấy giờ Tề Uy Vương đã chết, con trai là Tuyên Vương lên nối ngôi. Tề Tuyên Vương đồng ý ứng cứu, phong Điền Kỵ làm Đại tướng quân, Tôn Tẫn làm Quân sư cầm quân đánh Ngụy cứu Hàn. Tôn Tẫn bình tĩnh phân tích tình hình địch và ta, lợi dụng tâm lí hiếu thắng và cậy mạnh khinh địch của quân Ngụy, đề xuất phương án tác chiến lui quân để dụ địch tiến sâu. Quân Tề giả bộ hoảng sợ trước quân địch, vừa đánh vừa lui. Tiếp theo, Tôn Tẫn áp dụng kế rút bếp, hôm sau cho làm ít bếp ở doanh trại hơn so với hôm trước, ngày đầu mười vạn cái, hôm sau còn năm vạn và đến hôm sau nữa còn ba vạn. Bàng Quyên trúng kế, tưởng rằng quân Tề vì sợ hãi đã bỏ trốn quá nửa, liền gấp gáp đuổi theo. Quân Tề lại rút lui càng nhanh hơn, cuối cùng lui đến phục kích ở hẻm núi Mã Lăng có địa hình hiểm trở. Tôn Tẫn sai người lột vỏ cây ở hai bên đường, khắc lên phần thân trắng dòng chữ: “Bàng Quyên chết dưới cây này!” và lệnh cho quân sĩ đến nửa đêm hễ thấy lửa cháy thì phải đồng loạt bắn tên.
Bàng Quyên dẫn quân đuổi theo quân Tề đến hẻm Mã Lăng vừa kịp lúc trời tối. Thấy hai bên đường cây cối đổ gục ngổn ngang, Bàng Quyên lệnh cho binh sĩ xuống ngựa dọn đường để tiếp tục truy kích. Khi lờ mờ nhìn thấy hàng cây bên đường bị lột vỏ khắc chữ, Bàng Quyên vốn tính đa nghi, bèn sai lính đốt đuốc lên để đọc cho rõ chữ. Nhưng còn chưa đợi Bàng Quyên đọc xong, quân Tề theo lệnh nhất loạt bắn tên. Quân Ngụy nhanh chóng rối loạn, bị bao vây tứ phía, chịu tên bắn như mưa nhưng không có cách kháng cự, cũng không có đường rút chạy. Bàng Quyên bị tên bắn trọng thương, thấy quân Ngụy thua to, trước mắt không còn đường thoát, bèn dùng kiếm tự sát. Quân Tề thừa thắng, truy kích quân Ngụy tan tác, lớp chết, lớp đầu hàng, không ai có thể chạy thoát. Nhờ trận thắng Mã Lăng, Tôn Tẫn trở nên nổi danh thiên hạ.
Tôn Tẫn là một nhà quân sự kiệt xuất, đồng thời cũng là người hiểu thấu sức mạnh của chữ Nhẫn. Đối mặt với sự bất công, với việc bị hãm hại, Tôn Tẫn đều cắn răng nhẫn nhịn, yên lặng chờ đợi thời cơ của mình. Một người không chỉ cần có sự nhẫn nhục mà còn cần có tầm nhìn xa trông rộng mới làm nên việc lớn.
5
ĐÓN NHẬN NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH
“Nhịn họ, nhường họ, tránh họ, mặc kệ họ, làm ngơ họ. Yên lặng mà nhìn họ, xem họ làm thế nào để kết thúc chuyện này!”
Thời nhà Đường, tại chùa Hàn Sơn ở Tô Châu có hai vị trụ trì nổi tiếng là Hàn Sơn và Thập Đắc. Một ngày kia, Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: “Hôm nay, có người hận tôi, cười mỉa tôi, khinh khi tôi, chế nhạo tôi, làm tổn thương tôi. Vậy tôi nên làm thế nào?” Thập Đắc trả lời: “Nhịn họ, nhường họ, tránh họ, mặc kệ họ, làm ngơ họ. Yên lặng mà nhìn họ, xem họ làm thế nào để kết thúc chuyện này!”
Đây chính là tinh hoa của nghệ thuật nhẫn nhịn. Thái độ “yên lặng mà nhìn họ, xem họ làm thế nào để kết thúc chuyện này” thể hiện phong thái ung dung, bình thản, tin tưởng chính mình và không màng thế sự.
Sách Cựu Đường thư, Lâu Sư Đức truyện có ghi lại: Thừa tướng Lâu Sư Đức là người có tài học và khí độ khoan dung, đã có công tiến cử thần thám Địch Nhân Kiệt. Nhưng khi Địch Nhân Kiệt nhậm chức cũng không hề hay biết chuyện này, còn vì không hợp với Lâu Sư Đức mà bài xích giao du với ông. Về sau, Lâu Sư Đức bị điều từ kinh thành đến biên cảnh làm quan, Địch Nhân Kiệt cũng không lên tiếng bênh vực.
Võ Tắc Thiên biết chuyện, bèn đem tấu chương ngày trước Lâu Sư Đức tiến cử Địch Nhân Kiệt đến cho ông xem, còn chê trách ông đã cư xử không phải với ân nhân. Địch Nhân Kiệt xem xong, vô cùng xấu hổ mà nói: “Từ trước đến nay ông ấy chưa bao giờ nói ra chuyện tiến cử này với tôi. Tôi nhận ân to của ông ấy mà không biết, cách tôi cư xử thật kém xa ông ấy rồi!”
Nhẫn nhịn là một biện pháp tốt để tự bảo vệ chính mình, cũng là cách mà bậc trí giả thể hiện phong thái của mình. Khi em trai Lâu Sư Đức được phong làm Thứ sử Đại Châu, ông đã căn dặn người em trước khi lên đường rằng: “Ta đã là Thừa tướng, giờ đệ lại quản lí một châu. Gia tộc chúng ta nhận được quá nhiều ân sủng của Hoàng thượng, đây chính là điều khiến người khác ghen tị. Đệ sẽ đối mặt ra sao với đám người ghen ghét, đố kị này?” Người em trai trả lời: “Từ nay về sau, cho dù người ta có mắng đệ đến nước bọt phun đầy mặt, đệ cũng sẽ tự lau đi.” Lâu Sư Đức lại nói: “Đây chính là điều khiến ta lo lắng. Người khác mắng đệ đến nước bọt phun đầy mặt là vì tức giận với đệ. Khi ấy, đệ phải có thái độ hòa hoãn, hối lỗi để không khiến sự tình thêm trầm trọng.”
Kết giao cùng người khác, nếu giữa hai bên có khúc mắc hoặc xung đột thì có khả năng sẽ dẫn tới gây gổ, tranh cãi. Khi có ai đó chỉ trích bạn bằng thái độ không phù hợp, cách đáp lại tốt nhất chính là là im lặng thể hiện sự bất bình.
Trong một hội nghị nọ, vì chút hiểu lầm nhỏ nên một người trong bộ phận tổ chức và một vị đại biểu đã xảy ra tranh cãi. Khi đến lượt vị đại biểu phát biểu, thay vì đọc bản tham luận của mình, vị này đã lớn tiếng mắng người trong ban tổ chức trước mặt những đại biểu khác có mặt ở hội trường, còn dùng những lời lẽ vô cùng gay gắt khiến chuyện bé xé ra to. Mọi người ngồi đó đều thấp thỏm không yên, sợ rằng sự việc sẽ trở nên mất kiểm soát, nhưng người thuộc bộ phận tổ chức đang bị công khai chỉ trích thậm tệ lại không có phản ứng gì, không có bất cứ lời qua tiếng lại nào. Kết quả là vị đại biểu kia cũng cảm thấy một mình độc thoại thật chẳng khác nào đấm vào bị bông, vì vậy cũng ngừng mắng chửi, đọc bản tham luận xong rồi về chỗ.
Câu chuyện kể trên khiến chúng ta không khỏi bội phục tinh thần của người trong ban tổ chức nọ. Nếu đổi lại là người khác bị mắng, rất có thể giữa đôi bên đã xảy ra xô xát. Để cho người ta mắng chán thì thôi chính là cách tốt nhất để chúng ta đối mặt với chỉ trích của người khác.
Lí do là vì:
• Khi bị lớn tiếng chỉ trích, nếu bạn không đối đáp lại, khí thế của đối phương sẽ càng lúc càng yếu đi. Một là anh ta vội vã kết thúc vì không có đối thủ. Hai là anh ta cảm thấy mất thể diện, vẫn đỏ mặt tía tai chửi đổng, cuối cùng giận dữ đùng đùng đánh trống thu binh. Hoặc để duy trì khí thế, đối phương sẽ bới móc vài lí do để tiếp tục chỉ trích bạn, có thể nói ra những lời trước sau bất nhất, tự vạch trần bản thân, càng nói càng lộ bộ mặt thật, tự đánh mất thể diện;
• Bất kể là bạn có lí hay vô lí, nếu bị mắng mà không mắng lại, bạn sẽ dễ dàng nhận được sự đồng cảm, bênh vực của những người đang chứng kiến sự việc.
Vì thế, bị chỉ trích không phản kháng lại có thể giúp bạn có được lợi thế, đương nhiên “nhịn” không tranh cãi ngược lại là việc không hề dễ làm. Khi bị người khác phê bình, bản năng tự vệ trong người bạn sẽ tự động trỗi dậy, nếu bạn không giỏi nói lí mà cố cãi lại, vậy thì sẽ biến khéo thành vụng, tự đưa bản thân vào thế bí. Cho dù bạn ăn nói khéo léo, nhưng khi lời qua tiếng lại, chưa chắc bạn đã cãi thắng được đối phương. Kể cả khi bạn có thể “mắng” cho đối phương vuốt mặt không kịp, tẽn tò tại trận, nhưng nếu vì thế mà anh ta rắp tâm trả thù bạn, vậy thì bạn đã tự mình hại mình. Chẳng bằng bạn im lặng không cãi lại, khiến đối phương thấy khó mà lui. Sự tức giận trong lòng đối phương sẽ không bị kích thích, hiềm khích với bạn sẽ nguôi ngoai dần đi.
Có một chính trị gia nổi tiếng nọ, mỗi khi có người chỉ trích mình, trước hết ông ta sẽ im lặng lắng nghe. Khi đối phương đã “xả” xong, ông ta mới mỉm cười và nói: “Xin lỗi. Vừa rồi tôi chưa nghe kịp hết những gì anh nói. Có thể phiền anh nhắc lại lần nữa được không?”
Liệu lúc này đối phương sẽ phê bình ông ta lại từ đầu chăng? Đương nhiên là không rồi! Sau khi đối phương buông lời chỉ trích, cơn giận của anh ta đã được trút hết ra, khí thế giảm đi rất nhiều, không còn đủ để hăng say để lớn tiếng thêm lần nữa. Hơn nữa, khi đối phương đơn phương có thái độ tiêu cực với vị chính trị gia thì lập trường của anh ta đã có phần bất lợi trong mắt người khác. Cuối cùng anh ta không còn hơi sức đâu mà phê bình lại lần nữa.
Khi sự bất mãn lên đến cực điểm, cơn giận dâng cao quá đầu, bạn hãy để đối phương được thoải mái “xả” hết những cảm xúc tiêu cực. Đây chính là cách làm để đối phương tự giải tỏa, tự thu dọn hậu quả, là phương pháp không đánh mà thắng.
6
KHÔNG CÓ VIỆC GÌ KHÓ, CHỈ SỢ LÒNG KHÔNG BỀN
Khi người khác đã dừng lại, bạn vẫn tiếp tục tiến lên phía trước, khi người khác vì thất vọng mà từ bỏ, bạn vẫn kiên định với mục tiêu của mình
Trời mùa hạ oi nóng, cơn gió hiu hiu khiến người ta buồn ngủ. Các tín đồ ngồi trong lễ đường vừa nghe bài giảng của mục sư vừa gà gật. Một số người thậm chí không nhịn nổi đã nằm bò ra bàn mà ngủ, cuối cùng người trong lễ đường ngủ gật gần hết. Chỉ còn lại một người đàn ông vẫn thẳng lưng lắng nghe chăm chú, khác hẳn những người xung quanh.
Người đàn ông đó không phải ai khác mà chính là Thủ tướng Anh nổi tiếng đương thời – William Ewart Gladstone.
Sau đó có người tò mò hỏi Gladstone: “Thưa ngài, vì sao mọi người đều ngủ gà ngủ gật mà ngài vẫn có thể lắng nghe chăm chú như thế?”
Gladstone trả lời kèm với một nụ cười: “Chuyện là như thế này. Nghe bài giảng đạo dài dòng như vậy, nói thật tôi cũng thấy buồn ngủ. Nhưng đột nhiên tôi lại nghĩ, tại sao không dùng chính việc này để kiểm tra mức độ kiên nhẫn của bản thân? Cho nên tôi tập trung tinh thần, lắng nghe trọn vẹn bài giảng từ đầu đến cuối. Tôi tự nhủ rằng: ‘Mình có thể kiên nhẫn nghe hết bài giảng, vậy thì mình có thể đối mặt và giải quyết nhiều việc khác trên chính trường.’ Buổi giảng đạo ngày hôm đó đã giúp tôi nhận ra rất nhiều điều bổ ích, có sức cổ vũ rất lớn đối với tôi.”
Khi người khác đã dừng lại, bạn vẫn tiếp tục tiến lên phía trước, khi người khác vì thất vọng mà từ bỏ, bạn vẫn kiên định với mục tiêu của mình. Muốn kiên trì, chúng ta cần rất nhiều dũng khí, nhưng sự kiên trì, nhẫn nại, không gục ngã trước khó khăn sẽ giúp chúng ta đạt được thành công lớn hơn.
Trong giới kinh doanh, những người có thể trụ lại lâu nhất, làm được nhiều nhất, thành công nhất đều là những người không nản lòng hay thoái chí, có thể nhẫn nhịn và kiên trì. Chữ “Không” không có trong từ điển của họ. Tinh thần nhẫn nại và khiêm tốn ở họ khiến người khác cảm động và nể trọng.
Một người chỉ chịu kích động nhỏ đã không thể nhẫn nại thì sẽ không thể nào đạt được thành tựu to lớn. Hãy đặt ra một mục tiêu, sau đó tập trung toàn bộ tinh lực để thực hiện nó. Tinh thần đã nói là làm, nói được làm được này sẽ khiến người khác nể phục và tôn trọng bạn.
Một khi bạn tạo dựng được danh tiếng là người kiên trì, có quyết tâm, có lòng nhẫn nại thì không phải sợ không có danh gì với núi sông. Nhưng nếu bạn không có ý chí kiên định và không có thái độ nhẫn nại, mọi người sẽ biết ngay bạn chỉ là kẻ hữu danh vô thực. Những người xung quanh sẽ không còn tin tưởng ở bạn, không muốn giúp đỡ và ủng hộ bạn. Hãy nhớ rằng, chỉ có sự kiên trì và thái độ cầu tiến mới giúp bạn mở ra cánh cửa thành công.
7
NHẪN NẠI – BÍ QUYẾT LÀM GIÀU
Bí quyết thành công nằm gọn trong hai chữ: nhẫn nại
Furukawa Ichibei là người sáng lập Tập đoàn Furukawa – một trong mười tập đoàn công nghiệp lớn nhất Nhật Bản, chuyên về hàng điện, hóa chất và kim loại. Ông chia sẻ bí quyết thành công của mình nằm gọn trong hai chữ: nhẫn nại.
Khi còn nhỏ Furukawa học nghề làm đậu phụ, sau đó được nhóm người cho vay nặng lãi thuê làm người thu nợ. Đây thực sự là một công việc khổ sai, nhưng Furukawa đã dùng sự nhẫn nại để trải qua nó.
Một buổi tối nọ, Furukawa đến nhà một người vay tiền để thu nợ. Đối phương coi Furukawa như vô hình, để mặc ông ngồi ở phòng khách, điềm nhiên tắt đèn đi ngủ. Furukawa cũng không nổi giận, lặng lẽ ngồi đó, nhịn đói nhịn khát đợi cả đêm cho đến khi trời sáng. Sáng sớm hôm sau, người nợ tiền thấy Furukawa vẫn ngồi đợi, môi mỉm cười, không chút giận dữ. Người này bị Furukama làm cho cảm động, thay đổi thái độ một trăm tám mươi độ, cung kính mang tiền ra trả cho ông.
Thái độ làm việc chăm chỉ và nhẫn nại của Furukawa cũng rất được ông chủ khen ngợi. Không lâu sau, ông chủ giới thiệu ông đến làm con nuôi của gia đình Furukawa giàu có. Ông chuyển sang làm việc tại hãng buôn tơ lụa Ono. Được đánh giá là có tinh thần trách nhiệm cao, chỉ mấy năm sau Furukawa đã lên làm quản lí. Thời đầu chính quyền Mạc phủ Tokugawa chuyển giao về tay Hoàng đế Minh Trị, vật giá sụt giảm, hàng hóa ế ẩm, hãng buôn tơ lụa Ono thua lỗ nặng, phải đóng cửa và nợ một khoản lớn. Trước tình cảnh này, Furukawa không ngần ngại dùng tiền riêng để giúp giám đốc trả nợ. Hành động của ông đã gây chấn động trong giới kinh doanh lúc đó.
Lòng tốt ắt được báo đáp. Hai năm sau, Furukawa mua một mỏ đồng tên là Ashion nhưng gặp khó khăn, không có đủ tiền để khai thác nó. Thời bấy giờ, tại Nhật Bản có một nhà tư bản lỗi lạc là Shibusawa Eiichi, ông là người đặt nền móng xây dựng cho hầu hết ngành nghề kinh doanh hiện đại tại đất nước Mặt trời mọc, đặc biệt là hệ thống ngân hàng. Vì cảm động trước nghĩa cử thay chủ trả nợ trước kia của Furukawa, Shibusawa Eiichi đã chủ động cho ông vay một số tiền lớn mà không cần thế chấp.
Mỏ đồng Ashio đã sớm bị bỏ hoang, người ta đều nghĩ rằng nơi đó chẳng còn gì để khai thác nữa. Vậy nên khi Furukawa tiến hành khai thác nơi này, nhiều người không ngừng cười nhạo, cho rằng ông đang làm việc vô nghĩa. Furukawa không vì những lời đàm tiếu mà nản lòng. Bằng ý chí và lòng nhẫn nại, ông đốc thúc công nhân đào bới suốt ngày đêm, nhưng không mang lại kết quả khả quan.
Furukawa không vì thế mà nản chí. Ông cho nhập máy móc tân tiến từ châu Âu và áp dụng kĩ thuật mới của phương Tây để tiếp tục khai thác. Furukawa đã bị thương trong lúc khai thác quặng nhưng ông vẫn tiếp tục đến công trường và chăm chỉ làm việc. Hai năm trôi qua, mỏ đồng mỗi lúc một thêm rộng, nhưng chẳng thấy bóng dáng đồng đâu. Tuy vậy, Furukawa vẫn kiên trì, đồng cam cộng khổ cùng những người thợ mỏ, ngày ngày đều đặn đào sâu xuống đất. Sau bốn năm lao động cật lực, khi số tiền đi vay cũng đã cạn, cuối cùng Furukawa mới khai thác được những mẻ đồng đầu tiên từ mỏ Ashio.
Sau này, có rất nhiều người hỏi Furukawa về bí quyết thành công của ông. Các câu trả lời của ông là: “Tôi tiếp tục đào sâu xuống nơi người khác đã đào hết rồi”, “Tôi cho rằng bí quyết của việc làm giàu nằm ở hai chữ ‘nhẫn nại’”, “Người nhẫn nại sẽ làm được điều mà anh ta mong muốn”, “Không có gì cản được bước chân tiến lên của người biết kiên nhẫn”.
Có nhẫn nại, có kiên trì mới có được thành công.
8
KIÊN TRÌ ĐỦ LÂU SẼ BẮT ĐƯỢC CƠ HỘI
Dù điều kiện của bản thân không thuận lợi bằng người khác nhưng nếu có thể chịu thiệt lúc đầu thì sau này nhất định sẽ có được thành công
Ngài Shimamura Yoshio là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Shimamura Tokyo, chủ sở hữu của tòa nhà chọc trời Shimamura nổi tiếng ở Yokoyamacho, Tokyo. Ông sớm rời quê hương từ khi còn trẻ và tới thủ đô làm nhân viên bán hàng cho một nhà máy nguyên liệu bao bì. Khi ấy, lương một tháng của ông chỉ có 18 nghìn Yên, còn phải nuôi mẹ và ba người em, cho nên Shimamura luôn ở trong tình trạng chật vật, thiếu thốn.
Ngài Shimamura nhớ lại quãng thời gian ấy: “Những khi túi tiền rỗng không, thú vui duy nhất của tôi sau khi tan làm là đi quanh ngoài phố, ngắm nhìn trang phục của những người đi đường.”
Tuy hoàn cảnh rất đỗi khó khăn nhưng chàng thanh niên Shimamura chưa từng phàn nàn, cũng không đánh mất đi niềm lạc quan và nhiệt huyết sống.
Một hôm, khi đang đi lang thang, Shimamura chợt nhận thấy những phụ nữ đi ngoài đường, dù là những cô gái trẻ trang điểm điệu đà hay những phụ nữ trung niên điềm đạm, đều mang theo một chiếc túi xách và một chiếc túi giấy. Chiếc túi giấy này đựng hàng hóa đã mua mà các cửa hàng chuẩn bị cho họ.
Khi ấy Shimamura nghĩ rằng: “Chà! Gần đây những người xách túi giấy đựng đồ càng ngày càng nhiều nhỉ!”
Cả ngày hôm đó, mọi suy nghĩ trong ông đều bị chiếc túi giấy chiếm giữ. Hai ngày sau, Shimamura đến một nhà máy sản xuất túi giấy cung cấp cho cửa hàng đồ may mặc để quan sát người ta làm sản phẩm này. Không ngoài dự liệu của ông, không khí sản xuất ở nhà máy luôn khẩn trương và bận rộn. Trở về nhà, Shimamura quyết tâm phải làm công việc gì đó liên quan đến những chiếc túi giấy. Ông nhận định: “Sau này túi giấy nhất định sẽ rất phổ biến. Kinh doanh mặt hàng này chắc chắn sẽ không thua lỗ.”
Nhưng trong tay không một cắc bạc thì dù có hùng tâm tráng chí đến đâu cũng chẳng thể bắt đầu sự nghiệp. Vấn đề đau đầu nhất đối với Shimamura lúc này là làm sao để có kinh phí khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm: “Nếu để cơ hội này trôi qua mất thì nó sẽ không quay lại nữa. Mình nhất định phải nắm lấy thời cơ!”
Lại mấy ngày nữa trôi qua, chuyện kiếm đâu ra vốn vẫn khiến Shimamura phải đau đầu. Cuối cùng ông quyết định đến ngân hàng thử vận may.
Khi gặp giám đốc ngân hàng, Shimamura ra sức thuyết minh về viễn cảnh tương lai của túi giấy cùng Thuật bán nguyên giá của Shimamura Yoshio mà ông dự định triển khai. Nhưng vị giám đốc này chỉ lạnh lùng nhìn Shimamura không chút thiện cảm, thậm chí còn nổi giận với ông.
“Mình sẽ không bỏ cuộc, mình sẽ ghé đến đây mỗi ngày. Chỉ cần mình kiên trì đủ lâu, họ nhất định sẽ đổi ý.” Shimamura nghĩ vậy và chọn ngân hàng Sumitomo Mitsui làm mục tiêu, liên tục ghé thăm và thuyết phục không ngừng nghỉ.
Nhiệt huyết sục sôi của Shimamura chẳng thể lay chuyển suy nghĩ của giám đốc và nhân viên ngân hàng Sumitomo Mitsui. Mấy ngày đầu, nhân viên tín dụng dù lạnh nhạt nhưng vẫn lịch sự với Shimamura, nhưng qua vài ngày, họ thể hiện thái độ khó chịu ra mặt hoặc nổi cáu với ông. Khi Shimamura bước vào ngân hàng, toàn bộ nhân viên cùng cười to chế nhạo nhằm gây áp lực cho ông, có lúc Shimamura vừa bước qua cửa đã bị bảo vệ mời ra ngoài.
Trời không phụ người có tâm. Sau ba tháng lui tới, đến lần ghé thăm thứ 69, nhân viên ngân hàng Sumitomo Mitsui đã động lòng trước sự kiên trì của Shimamura. Giám đốc ngân hàng đã đồng ý cho Shimamura vay một triệu Yên.
Bạn bè, người thân biết tin ngân hàng Sumitomo Mitsui đã cho Shimamura vay tiền thì cũng tin tưởng góp thêm vốn cho ông. Người cho vay 100 nghìn Yên, người cho vay 200 nghìn Yên..., gom góp lại cuối cùng Shimamura có trong tay hai triệu Yên làm vốn. Sau đó, Shimamura xin nghỉ công việc cũ và mở cửa hàng Maruyoshi để buôn bán dây thừng.
Shimamura luôn tin rằng dù điều kiện của mình không thuận lợi bằng những người khác, nhưng nếu kiên trì cùng Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio, chắc chắn sẽ tìm được chỗ đứng trong ngành này.
Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio rất đơn giản. Đầu tiên, ông đến nhà máy sản xuất dây thừng ở Okayama và đặt mua loại dây có sợi dài 45cm với giá 0,5 Yên/sợi. Sau đó ông bán lại cho các nhà máy sản xuất túi giấy trong vùng Tokyo đúng bằng giá đã mua. Đương nhiên bán như vậy thì ông không lãi được đồng nào, Shimamura vẫn duy trì công việc này trong một năm liền. Nhờ vậy ngành sản xuất túi giấy đã biết đến danh tiếng dây thừng của Shimamura thật sự rẻ, đơn đặt hàng từ khắp nơi lũ lượt đổ về tay ông như hoa tuyết mùa đông.
Đến lúc này, Shimamura mới thực hiện bước tiếp theo. Ông cầm biên lai giao hàng của mình đến nói chuyện với từng khách hàng: “Cho đến hôm nay, tôi chưa từng lấy một đồng lãi nào từ các vị. Nhưng, nếu cứ tiếp tục kinh doanh như vậy, tôi chỉ còn nước phá sản.”
Khách hàng của Shimamura nghe vậy đều rất cảm động trước tinh thần phục vụ nhiệt tình của ông, đã tình nguyện nâng giá mua hàng từ 0,5 Yên lên 0,55 Yên/sợi dây thừng.
Sau đó, Shimamura lại đi đến nhà máy sản xuất dây thừng ở Okayama và nói: “Các ngài bán cho tôi mỗi sợi dây thừng với giá 0,5 Yên, tôi vẫn luôn bán lại cho khách hàng của tôi đúng giá này, cho nên tôi mới có thể có được nhiều đơn hàng. Nhưng nếu tôi cứ buôn bán nguyên giá như vậy thì chỉ có nước phá sản.”
Sau khi xem biên lai giao hàng của Shimamura, giám đốc các nhà máy sản xuất dây thừng cũng rất đỗi ngạc nhiên. Lần đầu tiên trong đời họ thấy một người buôn bán không thu lợi như vậy, cho nên không cần nghĩ nhiều, các giám đốc này đã đồng ý hạ giá từ 0,5 Yên/sợi xuống 0,45 Yên/sợi cho Shimamura.
Vào thời điểm đó, mỗi ngày Shimamura bán được mười triệu sợi thừng, thu lãi được một triệu Yên, còn cao hơn cả thu nhập năm năm của một nhân viên bán hàng.
Sau hai năm kinh doanh dây thừng, Shimamura đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng tại Nhật Bản, đồng thời số lượng cửa hàng của ông cũng tăng lên nhanh chóng.
Shimamura nhớ lại: “Một lần nọ, tôi gặp lại một nhân viên của ngân hàng Sumitomo Mitsui từng đuổi tôi ra ngoài. Lúc này anh ta biết tôi đã thành công rồi, nên vừa nhìn thấy tôi, anh ta liền đỏ mặt dừng bước, sau đó lẳng lặng bước đi thật nhanh.”
Mười ba năm sau ngày khởi nghiệp, mỗi ngày Shimamura có thể bán được năm triệu sợi dây quai túi. Hiện nay, công ty của ông đã tự sản xuất nhiều loại quai túi cao cấp hơn, có giá bán cao hơn, lợi nhuận nhân lên nhiều lần.
Shimamura có thể bước đến thành công một phần là nhờ khả năng dự đoán tiềm năng phát triển ngành sản xuất túi giấy. Bên cạnh đó, Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio đã tạo dựng được niềm tin của khách hàng. Chỉ trong hơn mười năm, Shimamura từ hai bàn tay trắng trở thành Vua dây túi của Nhật Bản. Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio là cách làm “chịu thiệt để kiếm lợi”, là phương pháp tuyệt vời để kiếm tiền và phát tài.
9
DỤC TỐC BẤT ĐẠT
Xây dựng mục tiêu dài hạn và không ngừng theo đuổi đam mê là con đường tiến đến thành công
Gấp gáp muốn có được kết quả ngắn hạn mà không quan tâm đến ảnh hưởng lâu dài, ham vật chất trước mắt mà không tính toán đến thành quả trong tương lai, đều là vì sốt sắng cầu lợi.
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Dục tốc bất đạt” (Nóng vội sẽ không làm nên chuyện). Sốt sắng cầu lợi chính là tảng đá chắn đường bạn tiến đến thành công.
Những người nôn nóng muốn có thành quả là người chỉ thấy được cái lợi trước mắt, giàu nghèo, suy thịnh nhất thời. “Đau đầu khám đầu, đau chân chữa chân” là hành vi thường thấy của những người này. Vì thoát khỏi khó khăn trước mắt mà không quan tâm đến kết quả tương lai, vì ham chút sung sướng nhất thời mà lại phải đau khổ lâu dài, kì thực đây chính là cách làm được chẳng bõ mất.
Người sốt sắng cầu lợi không có chí lớn, luôn chạy theo người khác. Người ta nói quân nhân thật oách, liền muốn làm quân nhân. Người khác nói bằng cấp rất quan trọng, lập tức lăn lộn đi học nâng cao. Người khác lao ra biển kiếm tiền, cũng gấp gáp như kiến bò chảo nóng, vội vã lao ra biển.
Người càng sốt sắng cầu lợi lại khó lòng có được lợi ích lớn. Không có ai ăn xổi ở thì mà có được cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ thực sự.
Người dục tốc bất đạt sẽ dùng đôi mắt tham lam mà nhìn chằm chằm vào hai chữ danh lợi. Danh lợi trước mắt họ thật chẳng khác nào miếng thịt treo trước mặt người lái xe. Người lái xe muốn lấy miếng thịt, nhưng dù anh ta lái xe nhanh đến đâu, miếng thịt vẫn luôn ở phía trước, không bao giờ anh ta với tay lấy được nó. Bạn có vắt óc suy nghĩ cả ngày, toan tính thủ đoạn bất chính để đoạt danh lợi, vội vội vàng vàng, đổ mồ hôi sôi nước mắt tranh giành, cuối cùng sẽ vẫn trắng tay, công không thành, danh không toại, lợi không đắc.
Người nôn nóng muốn có thành quả sẽ không thể làm nên nghiệp lớn vì họ vốn không theo đuổi thứ gì lâu dài và cũng không có chí hướng. Toàn bộ tinh lực, thời gian, cuộc sống của họ đều tiêu hao cho những việc ngắn hạn, hời hợt. Họ có thể được lợi nhất thời, nhưng thứ họ mất đi lại quá nhiều. Suốt ngày bon chen giành lợi lộc, luôn vô cùng mệt mỏi, họ chẳng còn biết đến niềm vui và hạnh phúc thực thụ.
Vậy mới thấm thía giá trị của câu “Dục tốc bất đạt”. Chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn, mục tiêu dài hạn trong cuộc đời này và theo đuổi những điều thiết thực. Đừng bị mê hoặc bởi những cám dỗ tầm thường xung quanh để rồi đánh mất chính mình.
10
KHÔNG MÀI KHÔNG THÀNH NGỌC, KHÔNG KHỔ KHÔNG NÊN NGƯỜI
Khó khăn giúp chúng ta dũng cảm. Thách thức giúp chúng ta mạnh mẽ
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc gặp khó khăn, trở ngại. Người có thể vượt lên khó khăn, trở ngại sẽ trở thành anh hùng, kẻ thất bại thì trở thành người phàm phu. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Không mài không thành ngọc, không khổ không nên người.” Khi đối mặt với khó khăn, đừng nản chí mà đầu hàng, khuất phục nó. Hãy dũng cảm vượt qua nó, bạn sẽ là người chiến thắng, người thành công.
Nếu không thể đánh bại khó khăn, vậy thì bạn rất khó tìm được cảm giác vui vẻ, an nhàn và hạnh phúc. Trên sân khấu cuộc đời, cho dù đóng vai gì, việc bạn có thể diễn tròn vai được hay không phụ thuộc vào kĩ năng diễn xuất của bạn. Bạn càng có thể kiên trì phấn đấu, cơ hội thành công của bạn càng lớn.
Mạnh Tử từng khuyên không nên giao du, hợp tác với những người không có chí tiến thủ, luôn sẵn sàng bỏ cuộc. Trong lịch sử thế giới, tất cả các vĩ nhân như Napoléon, Geogre Washington, Mahatma Gandhi… đều từng lăn lộn trong khó khăn, nguy hiểm để lập nên nghiệp lớn. Ở Trung Quốc có Hán Cao Tổ Lưu Bang từng chỉ là một viên đình trưởng nhỏ bé, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương chỉ là một tiểu hòa thượng trong ngôi miếu nhỏ, vua Thuấn từng là một nông dân, Quản Trọng từng là binh sĩ, Tôn Thúc Ngao từng là ngư dân, Bách Lý Hề từng là người Tần Mục Công bỏ ra năm bộ da cừu mua về...
Chúng ta không nên đánh giá thấp năng lực của bản thân, cũng không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chỉ cần giữ vững tinh thần tất thắng tất thành, chưa chết chưa buông bỏ, dũng cảm chiến đấu trước nghịch cảnh, chúng ta nhất định sẽ thành công.
Khó khăn có thể giúp chúng ta mạnh mẽ, hiểm nguy có thể giúp chúng ta dũng cảm. Đó là cách để chúng ta đạt tới vinh quang của cuộc đời. Khó khăn càng nhiều, nguy hiểm càng lớn thì thành công và vinh quang càng rực rỡ.
Thành công của cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc vào năm 1911 chính là kết quả đến từ tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của Tôn Trung Sơn. Cách mạng Pháp diễn ra trong hơn 80 năm, thiệt hại về người và tài sản là không kể xiết, mới đến được ngày thành công. Cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ cũng phải trải qua tám năm chiến đấu gian khổ mới đi đến thắng lợi.
Trong lịch sử Quốc dân Cách mệnh quân, Hoàng Hưng là vị tướng thành công nhất. Ngoài việc trời sinh đã là người dũng mãnh thì yếu tố quan trọng nhất giúp Hoàng Hưng liên tục giành chiến thắng là ông luôn giữ được tinh thần không ngừng chiến đấu. Chỉ cần có cơ hội, tuyệt đối không bỏ cuộc, bất chấp tất cả một mực tiến lên, quyết không lùi bước. Trong đa số trận chiến, Hoàng Hưng đều phải liều chết chiến đấu mới có thể có được thắng lợi. Ông từng nói: “Trên đời vốn không có việc gì khó, hai chữ ‘kiên cường’ sẽ mở ra cánh cửa thành công.”