Cuộc đời, nhìn từ một góc độ nào đó, cũng chính là một trận chiến. Mà trong trận chiến này, để giữ được “tính mạng”, chúng ta phải biết cách thận trọng trong từng đường đi nước bước. Xã hội ngày nay đều là vàng thau lẫn lộn, cạm bẫy bày bố khắp nơi, cho nên bạn ắt phải cẩn thận đề phòng. Hãy nhớ kĩ: “Không được có bụng hại người nhưng phải có tâm phòng người.”
1
QUAN SÁT KĨ CÀNG, ĐỀ PHÒNG KẺ XẤU
Những kẻ lừa đảo thực sự trong xã hội sẽ không dễ để chúng ta nhận biết, cho nên chúng ta càng phải chú ý quan sát kĩ hơn
Khi bàn về bản tính của con người, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc là Tuân Tử đã nói rằng: “Nhân chi tính ác, kì thiện giả ngụy dã.” Câu này ý muốn nói rằng: Bản tính trời sinh của con người là ác, cái thiện là do con người rèn luyện nên.
Bản chất của con người rốt cuộc là thiện hay là ác, tuyệt đối không phải là chuyện hai câu ba điều là nói rõ được. Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta vẫn nên cẩn trọng và có tâm thế phòng bị khi giao lưu với người khác, tránh để đến lúc biết bản thân bị người ta chơi xấu thì đã muộn.
Trong xã hội có rất nhiều kẻ lừa gạt, dối trá. Mà những việc lừa gạt, dối trá cũng có ở khắp nơi, nhỏ thì là các cá nhân tranh chấp hơn thua, lớn thì là các nước tranh giành lợi ích với nhau.
Vì thế, bên cạnh việc lên án những người đi lừa gạt người khác là xấu xa, mọi người còn chê trách những người bị lừa là quá đỗi nhẹ dạ, cả tin.
Cuộc đời, nhìn từ một góc độ nào đó, cũng chính là một trận chiến. Mà trong trận chiến này, để giữ được tính mạng, chúng ta phải biết cách thận trọng trong từng đường đi nước bước. Xã hội ngày nay như vàng thau lẫn lộn, cạm bẫy bày bố khắp nơi, bạn nên cẩn thận đề phòng. Hãy nhớ kĩ: “Không được có bụng hại người nhưng phải có tâm phòng người.”
Triết gia và tác gia Đạo giáo Trang Tử từng viết: “Dĩ lợi hợp giả, bách cùng họa hoạn hại tương khí dã”, ý muốn nói rằng những người liên kết lại với nhau chỉ vì quan hệ lợi ích thì sẽ dễ dàng bỏ mặc nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Và ngược lại: “Dĩ thiên thuộc giả, bách cùng họa hoạn hại tương thu dã”, nghĩa là những người đối đãi với nhau bằng sự tin tưởng, nương tựa vào nhau thì sẽ sát cánh bên nhau cùng vượt qua gian khó.
Những người đến với nhau vì lợi lộc, sớm muộn cũng rời bỏ nhau. Như trong quan hệ làm ăn, nhiều người chỉ coi bạn là đối tượng hợp tác vì lợi ích, cho nên lúc bạn phát đạt, họ sẽ bám lấy bạn, nhờ vả bạn. Còn một khi bạn thất bại, những người này lập tức lánh xa bạn, tìm chỗ dựa khác. Những câu chuyện như thế đầy rẫy ở chốn quan trường và cả trên thương trường.
Những người bạn trong cuộc sống cũng như vậy. Có những người kết thân với người khác chỉ nhằm mục đích lợi dụng bạn bè, còn bản thân họ lại rất ít nghĩ đến chuyện giúp đỡ những người bạn ấy. Kiểu quan hệ bạn bè này rất khó bền vững. Do đó, khi kết bạn phải hết sức thận trọng, sớm nhận ra những kẻ vụ lợi và cố gắng tránh xa những người như vậy.
Chỉ cần chú ý quan sát và tinh ý một chút, bạn sẽ nhận ra những đặc điểm đáng ngờ và những ý đồ xấu xa của họ.
• Đầu tiên, hãy xác định những người có khả năng gây hại cho bạn nhất. Ví dụ, người có thể nhận được nhiều lợi ích từ bạn, người nhòm ngó tài sản của bạn, người nhất định muốn bạn nghe theo họ... Hãy đề phòng những người này trước tiên;
• Thứ hai, đừng quá tin vào quá khứ của một người. Người trong quá khứ chưa từng lừa bạn không có nghĩa là hiện tại sẽ không lừa gạt bạn;
• Thứ ba, đừng để ngoại hình của đối phương đánh lừa. Ý đồ của một người không thể chỉ dùng mắt mà nhìn ra được;
• Thứ tư, phải tích cực vạch trần những kẻ xấu. Nếu phát hiện một kẻ lừa đảo, bạn không thể chỉ lườm đối phương một cái để cảnh cáo là xong. Vậy thì kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục đi lừa gạt người khác. Bạn phải báo cáo hành vi của người kia với cấp trên, thậm chí là với cơ quan điều tra nếu sự việc nghiêm trọng, và cảnh báo cho những người xung quanh. Có như vậy mới “diệt tận gốc” kẻ xấu;
• Thứ năm, thể hiện rõ bạn là người yêu sự thật, ghét sự giả dối. Hãy cho mọi người biết bạn chỉ tôn trọng những người ăn ngay nói thật;
• Thứ sáu, khi bị phê bình hay góp ý, đừng căng thẳng, tức giận. Trước hết, hãy nhìn nhận lại bản thân, xem xét sự việc, đúng sai phải trái. Nếu những lời phê bình là đúng, hãy thẳng thắn thừa nhận và sửa chữa. Nếu đó chỉ là những lời góp ý tiêu cực, thì đừng để nó ảnh hưởng đến bạn.
Muốn nhận ra thủ đoạn, mánh lới của những kẻ lừa đảo kì thực rất đơn giản. Bạn hãy nhìn thẳng đối phương khi nói chuyện. Một người đang nói dối thường có thói quen liếm môi hoặc nuốt nước bọt liên tục, và nữa là người đó sẽ không dám nhìn thẳng vào bạn. Đây có lẽ là dấu hiệu dễ nhận biết nhất.
Những người nói dối thường hay cảm thấy lo lắng, cho nên thường dùng ngón tay gõ nhẹ trên mặt bàn hoặc đưa tay vuốt tóc, chỉnh áo quần... Họ cũng sẽ thường vô thức chỉnh sửa, phủi bụi trên quần áo, chỉnh cà vạt hay vòng cổ nhằm tránh giao tiếp bằng mắt với người đối diện. Những động tác vô thức này đều chỉ rõ đối phương đang cảm thấy bất an.
Khi ai đó nói dối, chân của họ không ngừng khép vào, mở ra. Việc người đó rung chân hoặc nhịp chân trên đất cũng được nhìn nhận tương tự như vậy. Đây chính là cách để giải tỏa áp lực trong lòng.
Trên đây chỉ là cách để nhận ra mấy kẻ nói dối vặt. Những kẻ lừa đảo thực sự sẽ không dễ để chúng ta nhận biết như vậy, cho nên chúng ta càng phải chú ý quan sát kĩ hơn. Kinh nghiệm để nhận biết những bậc thầy lừa đảo chính là bọn chúng thường thể hiện bản thân như những người: không mưu cầu quyền thế, dũng cảm xông pha, xử thế khéo léo, biết lấy lòng người, yên thân biết phận... mà không phải là những kẻ hám danh hám lợi. Trong lịch sử Trung Quốc không thiếu những kẻ như vậy.
Thời Ngũ đại thập quốc ở Trung Quốc, Nam Đường Nguyên Tông Lý Cảnh – Quốc công thứ hai của Nam Đường – nuôi chí thống nhất Trung Nguyên, khôi phục cơ nghiệp nhà Đường. Sau khi Lý Cảnh hạ được Phúc Kiến thì vô cùng đắc ý, tự cho rằng mình sẽ nhanh chóng bình định thiên hạ, chấm dứt cảnh chư quốc cát cứ. Trên thực tế, so với các nước khác thì Nam Đường là một nước yếu, cho nên việc này là bất khả thi.
Đại thần Ngụy Sầm lúc tiếp rượu trong yến tiệc của Đường Nguyên Tông đã tâu: “Lúc còn nhỏ, vi thần từng đi thăm thành Ngụy Châu, ở đó phong cảnh tuyệt mĩ, con người hiền hậu. Sau khi bệ hạ bình định Trung Nguyên, vi thần xin được tới Ngụy Châu làm quan.” Lý Cảnh nghe vậy thì rất vui, sảng khoái đáp ứng, Ngụy Sầm quỳ sụp xuống lạy tạ ân điển. Những quan lại khác có mặt trong bữa tiệc thấy vậy đều biết Ngụy Sầm là kẻ tiểu nhân thích nịnh nọt quân vương, cho nên từ hôm đó đã tự động tránh xa.
2
NHỮNG KIỂU NGƯỜI CẦN ĐỀ CAO CẢNH GIÁC
Khi gặp những kiểu người này, bạn phải hết sức tỉnh táo, tránh nhìn nhầm tiểu nhân thành quân tử, người xấu thành người tốt
Trong xã hội này, có kiểu người nào mà không có. Nếu không cẩn thận đề phòng, bản thân bạn sẽ phải chịu thua thiệt, vì chẳng phải ai cũng là người tốt như bạn tưởng.
Vậy chúng ta nên đề phòng những loại người nào?
Những người dẻo miệng
Những người này gặp ai cũng chị chị em em, anh anh em em thân thiết dù có thể mới gặp gỡ lần đầu. Họ cũng không tiếc lời nịnh nọt, tâng bốc bạn. Không thể nói rằng kiểu người này đều là người xấu phải đề phòng, nhưng những lời ngon ngọt của họ khiến người khác dễ mê muội tin theo. Nếu như họ có ý đồ xấu với bạn, liệu bạn có thể tránh được không? Bạn cần hết sức tỉnh táo, không để họ lừa phỉnh mà lơ là không để ý đến những hành vi sai trái của họ. Khi ấy, bạn sẽ dễ dàng nhầm tiểu nhân thành quân tử, người xấu thành người tốt.
Ngoài ra, những người này có thể dẻo miệng với bạn thì họ cũng sẽ dễ dàng dẻo miệng với người khác, cho nên với họ, bạn cũng chẳng có gì đặc biệt. Do đó, bạn phải đề cao cảnh giác với kiểu người này, giữ khoảng cách để quan sát hành động của họ một cách cẩn thận. Khi bạn không nhiệt tình đáp lại, nếu đối phương có ý xấu với bạn, họ sẽ không giả vờ được lâu và sớm lộ nguyên hình. Tuy nhiên để tránh “xử oan” người khác, bạn nên thận trọng với mỗi lời nói, hành động của mình.
Những người tỏ ra thần bí
Kiểu người hay tỏ ra thần bí rất thích che giấu bản thân, không để bạn biết được quá khứ, gia đình, bạn học của họ, cũng không để lộ cho bạn biết cách nhìn nhận của họ. Nói cách khác, họ là kiểu người thâm trầm, khó đoán. Những người này không được xem là người xấu, nhưng vì họ rất khó nắm bắt, nên khi giao du khó có thể hiểu thấu được họ, cách tốt nhất là giữ khoảng cách với họ. Nếu những người này cố chấp muốn moi móc mọi điều về cuộc sống của bạn, thì bạn càng phải cẩn thận hơn nữa. Rất khó đoán trước được hành động của họ và nếu để họ tùy ý “lộng hành”, bạn sẽ không thể kiểm soát được hậu quả.
Những người “gió chiều nào che chiều ấy”
Đây chính là điển hình của mẫu người hay thay đổi, thấy theo bên nào có lợi thì nghiêng về bên đó. Kiểu người này chỉ đi theo chữ “lợi”, cũng sẽ vì “lợi” mà làm ra những chuyện trái với lương tâm, sẵn sàng lừa thầy phản bạn, hôm nay đối xử với bạn rất tốt, nhưng ngày mai đã quay lại hại bạn thê thảm. Vì vậy bạn chỉ nên giữ mối quan hệ xã giao với những người này, không cần “thả” cho họ lợi ích. Thậm chí, bạn còn có thể cố ý cho họ thấy bạn chẳng thể mang lại lợi lộc gì cho họ, tránh để họ tìm đến quấy nhiễu bạn. Vậy làm thế nào để nhận biết đó là người gió chiều nào che chiều ấy, thấy lợi quên thân? Thực chất chuyện này không khó, bạn chỉ cần chú ý quan sát cách hành xử của họ một vài lần là sẽ biết. Vốn dĩ ý muốn của kiểu người này rất dễ lộ, họ không thể che giấu lòng hám lợi của bản thân được lâu.
Người chủ động làm thân, có thái độ nhiệt tình với bạn
Khi đang đi trên đường, bỗng có người lạ chủ động đi đến bắt chuyện với bạn một cách nhiệt tình, cứ như thể hai người rất thân thiết, thì bạn phải chú ý cảnh giác.
Lúc này, mặc dù chưa thể khẳng định người này là kẻ xấu, kẻ lừa đảo, nhưng bạn cũng không thể loại trừ trường hợp người này có ý định xấu với bạn. Bởi kẻ lừa đảo nào cũng dùng lời nói và hành động để tiếp cận đối tượng, thiết lập quan hệ, tạo dựng sự tin tưởng cho đối tượng rồi mới có thể thực hiện hành vi lừa đảo.
Lại có những người luôn thể hiện thái độ thân thiện, dễ gần, có khi vừa nói chuyện được mấy câu đã nhiệt tình mời bạn điếu thuốc, lon nước. Thế nhưng có không ít những những câu chuyện trong thực tế đã cảnh báo rằng, những đồ ăn, đồ uống này có thể đã bỏ sẵn thuốc mê. Vì vậy bạn vẫn nên đề cao cảnh giác, tuyệt đối không nhận đồ từ người lạ.
Những người khoe khoang về bản thân trước mặt bạn
Có những người sẽ ở trước mặt bạn mà khoe khoang mọi điều về bản thân, rằng anh ta có thành tựu rực rỡ thế nào, có thân phận cao quý ra sao, có tài sản kếch xù đến đâu, thường xuyên qua lại với những người quyền quý bao nhiêu, thậm chí là khoe cả về tài ăn nói xuất chúng của mình.
Vì sao đối phương lại muốn khoe khoang về bản thân trước mặt bạn như vậy? Đương nhiên là vì muốn dẫn dắt bạn chú ý đến mình. Vậy vì sao đối phương lại muốn bạn chú ý đến anh ta? Đây chính là vấn đề bạn cần suy nghĩ thật kĩ càng để tìm ra mục đích thật sự của anh ta mà ứng xử cho phù hợp.
Những kiểu người chúng tôi đề cập ở trên không đủ để đại diện cho nhóm người mà bạn phải chú ý đề phòng và những cách ứng phó này cũng chỉ mang tính tham khảo, nhưng bạn cũng đừng nên bỏ qua nhé!
3
“GƯƠNG CHIẾU YÊU” VẠCH TRẦN KẺ LỪA GẠT
Có phòng bị, biết cách phân biệt người ngay kẻ gian thì mới có thể tránh cho bản thân phải chịu thiệt, chịu oan
Trong lịch sử Trung Quốc, có nhiều vị quan thanh liêm vận dụng Thuật biện gian3 để đưa kẻ xấu sa lưới pháp luật. Dưới đây là một số ví dụ nói rõ về tầm quan trọng của Thuật biện gian để bạn đọc hiểu rõ hơn về nó:
3 Thuật biện gian: Nghệ thuật phân biệt kẻ gian.
Thắt cổ nhảy giếng
Khi Thượng thư Lý Đoái làm quan ở Đặng Châu, một số nhà giàu ở đây thường đánh đập tôi tớ đến chết rồi buộc dây thừng vào cổ họ và bỏ xuống giếng rồi nói dối là họ thắt cổ tự tử mà chết.
Lý Đoái nói: “Nhảy giếng rồi đương nhiên không thể tự thắt cổ, mà tự thắt cổ rồi há lại có thể nhảy xuống giếng? Đây nhất định là quan lại ăn đút lót rồi cố tình bao biện cho bọn nhà giàu.” Ông cho người điều tra kĩ càng, chân tướng sự việc quả đúng như ông phân tích.
Khóc giếng biết kẻ gian
Thừa tướng Trương Thăng khi còn làm quan ở Nhuận Châu từng gặp một người phụ nữ. Chồng của cô ta đi ra ngoài mấy hôm nhưng chưa quay về. Đột nhiên nghe có người bảo ở cái giếng ngoài ruộng có xác chết, người phụ nữ bèn đến bên giếng mà khóc ầm lên: “Chồng tôi chết rồi!” Người dân thấy vậy vội đi báo quan phủ. Trương Thăng lệnh cho thuộc hạ mời mấy người hàng xóm của người phụ nữ kia đến bên giếng nhận dạng xác chết. Những người này đều nói giếng nước quá sâu, không nhìn thấy gì, xin quan phủ cho người vớt xác lên khám nghiệm tử thi. Trương Thăng bèn nói: “Mọi người đều nói không thể nhận dạng xác chết, tại sao người phụ nữ kia lại khẳng định đó là xác chồng mình?” Ông bèn cho bắt giam người phụ nữ lại để thẩm vấn, quả nhiên tra ra nhân tình của cô ta là hung thủ giết hại người chồng, còn cô ta là đồng mưu.
Dùng khổ nhục kế để đổ vạ cho người
Thừa tướng nước Sở, hiệu là Xuân Thân Quân, có vợ là Tứ Giáp và người thiếp tên Dư. Vì muốn được lên làm chính thê, Dư tự cào vào mặt mình và đổ thừa cho Tứ Giáp. Xuân Thân Quân toan trừng phạt người vợ, nhưng khi suy nghĩ kĩ lại, đã phát hiện ra chân tướng. Cuối cùng ông phạt nặng người thiếp vì đã đổ tội cho người khác.
Lừa trên gạt dưới
Vào thời nhà Đường, Võ Tắc Thiên bị ép thoái vị để phục ngôi Đường Trung Tông cho Lý Hiển. Đường Trung Tông ham mê sắc dục, không màng triều chính, thánh chỉ hạ xuống đều do Thượng quan Uyển Nhi chấp bút và do Trung thư tỉnh4 ban bố. Thế nên Vi Hoàng hậu, Võ Tam Tư, Thượng quan Uyển Như bèn cấu kết với nhau để ngụy tạo một bức mật chỉ, nói là do Đường Trung Tông viết tay, do đó không cần thông qua Trung thư tỉnh để ban hành.
4 Trung thư tỉnh: Sở quan cai quản việc quốc nội.
Vì trước nay Thượng quan Uyển Nhi đều thay Đường Trung Tông soạn chiếu chỉ, cho nên các đại thần cũng không biết đó không phải là chữ của Đường Trung Tông. Ba người Vi Hoàng hậu, Võ Tam Tư, Thượng quan Uyển Nhi đã dùng cách này để dối trên lừa dưới. Đầu tiên là biếm (giáng chức) Tiếu Vương – con vợ lẽ của Đường Trung Tông – xuống làm Thứ sử Vận Châu, sau đó dùng một mật chỉ khác phong hai người thuộc phe phái của mình là Trịnh Phổ Tư và Diệp Tĩnh làm Tế tửu trong triều đình. Việc làm của nhóm Vi Hoàng hậu, trên thì lừa dối Đường Trung Tông, dưới thì lừa dối triều thần, gây ra bao nhiêu chuyện oan sai. Cuối cùng âm mưu bại lộ và ba người đã phải bị nghiêm trị.
Xã hội ngày càng phức tạp và đôi khi mức độ hiểm ác của nó còn vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng. Cho nên có phòng bị, biết cách phân biệt người ngay, kẻ gian thì mới có thể tránh cho bản thân phải chịu thiệt, chịu oan.
4
ỨNG ĐỐI VỚI NHỮNG KẺ TIỂU NHÂN ĐÁNH LÉN
Tiểu nhân luôn hành xử không từ thủ đoạn, chuyện bé xé ra to, thêm mắm dặm muối hoặc ngấm ngầm vu khống bạn. Trong mối quan hệ với họ, bạn phải cẩn thận 200%
Có câu chuyện ngụ ngôn về một con hươu bị mù con mắt trái, nó vừa đi dọc bờ biển vừa ăn cỏ bên đường. Nó dùng con mắt phải còn sáng để nhìn về phía bìa rừng, đề phòng bị thợ săn nhắm bắn, và hướng con mắt hỏng về phía bờ biển vì cho rằng từ biển sẽ không xuất hiện hiểm họa. Không may, lúc đó có mấy người thủy thủ chèo thuyền qua vùng biển này, trông thấy con hươu, liền bắn hạ nó. Trước khi lịm đi, con hươu tự thán: “Mình thật đen đủi. Vốn cho rằng bìa rừng mới là nơi nguy hiểm, chỉ cảnh giác, đề phòng một bên mà không chú ý đến phía biển, nào ngờ chỉ vì thế mà gặp họa diệt thân.” Câu chuyện ngụ ngôn này muốn nhắc nhở chúng ta phải luôn cảnh giác khi giao du với người khác, vì tiểu nhân có thể đánh lén bất cứ lúc nào.
Những kẻ được gọi là tiểu nhân đều có nhân phẩm thấp hèn, thủ đoạn xấu xa. Trong mối quan hệ với họ, bạn phải cẩn thận 200%. Một khi đắc tội hoặc chọc giận tiểu nhân, bạn sẽ không thể lường trước được hậu quả. Họ hành xử không từ thủ đoạn, chuyện bé xé ra to, thêm mắm dặm muối hoặc ngấm ngầm vu khống bạn. Có rất nhiều sự kiện lịch sử là minh chứng cho điều này.
Vào thời Nam Tống, có Tể tướng Tần Cối muốn dồn Đại nguyên soái Nhạc Phi vào chỗ chết với tội danh “mạc tư hữu”5. Lúc đó vị tướng Hàn Thế Trung tranh biện với Tần Cối để bênh vực Nhạc Phi: “Bằng chứng để xử tội Nhạc Phi đâu?” Tần Cối trả lời: “Không có, nhưng cũng không cần có.” Hàn Thế Trung lại nói: “Ba chữ ‘không cần có’ làm sao có thể khiến lòng người trong thiên hạ thấy phục? Đây chính là ‘lấy lòng quân tử đo dạ tiểu nhân’ rồi.” Tần Cối chẳng cần “lòng người trong thiên hạ thấy phục”, hắn chỉ cần có thể ngụy tạo tội danh để giết chết Nhạc Phi.
5 Mạc tư hữu: Nghĩa là “không cần có”.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tống chuẩn bị gây chiến với nước Trịnh. Trước ngày khai chiến, thống soái Hóa Nguyên của quân Tống sai người giết dê khao thưởng ba quân, có lẽ vì sơ suất nên đã quên chia thịt cho người lính đánh xe cho mình là Dương Châm. Đến lúc lâm trận, Dương Châm mới nói: “Chuyện giết dê khao quân ngày trước do ngài làm chủ, việc đánh xe ngựa tác chiến hôm nay do ta làm chủ.” Vì vậy Dương Châm cố ý đánh xe ngựa vào giữa vòng vây của quân Trịnh, khiến Hóa Nguyên bị bắt, quân Tống đại bại.
Cũng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tề có một đại thần tên là Di Xạ. Một ngày nọ, Tề Vương cho mời Di Xạ vào cung dự yến, khi đã ngà ngà say, ông bèn ra ngoài hóng gió cho tỉnh rượu. Lính canh cổng là một người từng bị phạt đánh gãy chân, gặp được Di Xạ liền cầu xin: “Nếu ngài có thừa rượu, xin cho tôi một cốc.”
“Cái gì? Mau cút sang một bên, kẻ tù tội như ngươi cũng đòi xin rượu của ta, thật cũng to gan quá rồi đấy!” Khi người lính gác cổng còn muốn nài xin thêm, Di Xạ đã bỏ vào bên trong. Lúc này trời đổ cơn mưa nhỏ, trước cổng đọng lại một vũng nước mưa.
Sáng sớm hôm sau, Tề Vương xuất cung, đi qua cổng nhìn thấy vũng nước mưa liền tưởng là bãi nước tiểu. Tề Vương rất tức giận, gọi người gác cổng đến hỏi: “Kẻ nào dám tiểu bậy ở đây?” Thời đó tiểu tiện trước cổng nhà người khác là một hành vi vô cùng thất lễ, phỉ báng chủ nhà.
“Dạ bẩm, tội thần cũng không rõ lắm. Nhưng cả đêm qua thần chỉ thấy có đại thần Di Xạ tới đây đứng một lúc chứ không thấy có ai khác qua lại chỗ này.” Người gác cổng “thành thật” báo cáo.
Tề Vương lập tức ban cho Di Xạ một chén rượu độc.
Một bát thịt dê, một cốc rượu trắng vốn chẳng đáng gì, nhưng vì nó mà Hóa Nguyên và Di Xạ lại để kẻ tiểu nhân sinh thù mà tiễn họ vào chỗ chết.
Vậy làm thế nào để đối phó với kẻ tiểu nhân? Tiểu nhân có mặt ở khắp nơi. Loại người này luôn là thành phần gây rối trong tập thể, họ gây chuyện thị phi, li gián các bên, tạo sóng tạo gió.
Cho nên có nhiều người luôn chủ động tránh xa tiểu nhân, thậm chí là tỏ thái độ ghét cay ghét đắng ra mặt.
Không ai mong muốn bản thân bị người khác coi là người xấu, mà bạn lại cố ý dùng tấm lòng chính nghĩa của mình làm “kính chiếu yêu”, soi rõ “nguyên hình” của những kẻ tiểu nhân, chẳng khác nào hành vi cố ý gây chuyện.
Người quân tử không sợ tin đồn, cũng không sợ bị bới móc, bởi họ không làm việc hổ thẹn với lương tâm. Ngược lại, khi bị bóc trần chân tướng, để bảo vệ bản thân, để che đậy lỗi lầm, kẻ tiểu nhân sẽ quay sang tấn công bạn. Có lẽ bạn chẳng ngại gì vài đòn tấn công của kẻ tiểu nhân, hoặc có lẽ đối phương thực chất cũng chẳng làm gì được bạn. Nhưng bạn phải biết rằng, tiểu nhân sở dĩ được gọi là tiểu nhân là bởi họ luôn núp ở chỗ tối, dùng thủ đoạn không chính đáng và cũng không nương tay với những ai mà họ muốn đối phó. Vì vậy, đừng cố gắng công kích những người này.
Hơn nữa, có một điểm mà bạn phải hiểu rõ: ai cũng có cái xấu ác lẫn những điều tốt đẹp, tiểu nhân vẫn có lúc chính nghĩa, không bất chấp thủ đoạn để dồn ép người khác, cũng có lúc hối cải về sai lầm của mình. Đây chính là kiểu người nửa chính nửa tà. Hãy giúp họ vượt lên những cái xấu cái ác, hướng đến sự thiện lành đích thực.
Người ta nói: “Đâm thẳng dễ tránh, đánh lén khó phòng.” Trên võ đài cuộc đời, luôn có kiểu người thích đánh lén người khác. Họ luôn rình rập sơ hở của người khác để bất ngờ tập kích, hành vi này khiến ai cũng phải khinh ghét. Nhưng họ lại hành động vô cùng kín kẽ, chưa tới thời khắc quan trọng, họ tuyệt đối sẽ không để cho bạn biết về ý đồ của mình. Đến cuối cùng, khi bạn nhận ra hành vi của họ, chỉ tiếc là đã muộn, bạn đã chẳng còn kịp trở tay.
Hãy rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng. Người xưa có câu: “Không có mật kiến không bò tới.” Chỉ cần tỉnh táo nhận ra điểm yếu của bản thân, sửa chữa và thay đổi nó, tiểu nhân sẽ không có cơ hội nhằm vào chúng ta, chúng ta cũng không bị “thoái hóa” thành tiểu nhân.
Mùa đông năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng mắc bệnh trên đường tuần hành. Cảm thấy bản thân không còn sống được bao lâu nữa, ông sai Triệu Cao6 thay mình soạn di chúc, lập thái tử Phù Tô đang nghênh địch ngoài biên ải lên ngôi vua.
6 Triệu Cao (258 TCN-207 TCN): Hậu duệ của quý tộc nước Triệu, sau trở thành hoạn quan, là người có tầm ảnh hưởng chính trị rất lớn trong cả giai đoạn hình thành và diệt vong của nhà Tần.
Di chúc đã lập xong, trước khi kịp chuyển đến cho thái tử Phù Tô thì Tần Thủy Hoàng đã mất. Thừa tướng Lý Tư lo rằng nếu việc Tần Thủy Hoàng chết trên đường tuần hành được loan ra, các hoàng tử sẽ làm phản, thiên hạ sẽ đại loạn, vậy nên ông bèn phong tỏa tin tức, cũng không cho phát tang ngay. Chỉ có hoàng tử Hồ Hợi, Triệu Cao và năm, sáu viên hoạn quan được Tần Thủy Hoàng sủng ái là biết việc này.
Lúc Tần Thủy Hoàng còn sống từng vô cùng tôn sùng hai anh em Mông Điềm, Mông Nghị7. Mông Điềm và thái tử Phù Tô rất thân thiết, cùng nhau trấn giữ biên cương, mà Mông Nghị lại một mực trung thành, đã từng chiếu theo phép nước mà xử phạt Triệu Cao. Vì thế Triệu Cao căm hận anh em Mông Điềm, Mông Nghị tới tận xương tủy, luôn chờ cơ hội báo thù.
7 Mông Điềm, Mông Nghị: Tướng nhà Tần, gia đình ba đời lập nhiều công lao giúp nhà Tần đánh chiếm các nước chư hầu.
Tần Thủy Hoàng vừa qua đời, Triệu Cao cho rằng thời cơ đã đến. Hắn liền ngấm ngầm cùng hoàng tử Hồ Hợi bàn tính giả truyền thánh chỉ, giết thái tử Phù Tô, đưa Hồ Hợi lên ngai vàng. Triệu Cao biết đây là việc lớn, không lôi kéo Lý Tư thì khó lòng thành công, nên mới tìm gặp vị Thừa tướng này.
Để bảo vệ chức Thừa tướng, Lý Tư đã đồng ý về phe hoàng tử Hồ Hợi, làm giả di chiếu của Tần Thủy Hoàng, lập Hồ Hợi làm thái tử. Lý Tư cùng hoàng tử Hồ Hợi làm giả bức thư của Tần Thủy Hoàng gửi cho thái tử Phù Tô, trách Phù Tô không làm tròn bổn phận với đất nước, thường xuyên phỉ báng vua cha. Trong thư còn trách cứ Mông Điềm không khuyên can Phù Tô cải tà quy chính, cho nên ban cho hai người cái chết.
Thái tử Phù Tô là người thật thà, nghe chiếu ban như vậy bèn tự sát. Lúc này, Hồ Hợi thỏa nguyện đăng cơ hoàng đế, lấy hiệu là Tần Nhị Thế. Triệu Cao vì có công trong cuộc chính biến nên được thăng làm quan Lang trung lệnh, có toàn quyền cai quản cấm vệ quân trong cung, ngày càng được Tần Nhị Thế sủng ái, dần trở thành người có quyền lực trong ngoài triều đình. Còn Lý Tư tiếp tục ngồi vững trên chiếc ghế Thừa tướng đương triều.
Triệu Cao là điển hình của tiểu nhân, dựa hơi Hồ Hợi làm bao việc ác. Hắn lo rằng Lý Tư sẽ can gián Hồ Hợi, thành ra nhỡ việc của mình, vì vậy cũng muốn trừ bỏ Lý Tư để nhổ cái gai trong mắt. Lý Tư vì không biết cách bảo vệ bản thân nên vô tình cho tiểu nhân thấy được sơ hở. Kết quả là hại người hại mình, bản thân cũng không thoát khỏi số mệnh bị giết chết.
Vậy vì sao Lý Tư lại tham gia vào kế hoạch mưu phản đại nghịch bất đạo của Triệu Cao? Lý Tư có ba nhược điểm đã bị Triệu Cao lợi dụng.
• Đầu tiên, Lý Tư vì cái lợi mong muốn giữ được chức Tể tướng của bản thân;
• Thứ hai, vì thái tử Phù Tô vốn thích Mông Điềm hơn mình mà Lý Tư sinh ra ghen ghét, có ý đối địch với Mông Điềm;
• Thứ ba, Lý Tư là người thiển cận, dễ bị mua chuộc bởi lợi ích, không lường trước hậu họa, rằng bản thân sẽ trở thành “viên đá cản đường” sớm muộn cũng sẽ bị dẹp bỏ.
Với nhiều điểm yếu dễ dàng bị kẻ xấu khai thác như vậy, Lý Tư thất bại cũng là chuyện hiển nhiên.
Có thể thấy rằng điểm yếu của một người sẽ là yếu tố đầu tiên kẻ tiểu nhân nhắm đến nếu muốn lợi dụng người đó. Nếu không có định lực mạnh mẽ, bạn sẽ rất dễ sa ngã hoặc thỏa hiệp. Vì vậy, bạn hãy cải thiện khiếm khuyết, từ bỏ những ham muốn không thiết thực, tránh bị tiểu nhân lôi kéo hoặc lợi dụng.
5
GẦN BÙN MÀ CHẲNG HÔI TANH MÙI BÙN
“Gần mực mà không đen”, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” chính là cách tránh họa tránh ác mà người xưa đã răn dạy con cháu
Ông Hứa vì có thành tích xuất sắc trong công việc nên rất được chủ tịch tỉnh coi trọng. Gần đây ông được thăng chức làm giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, chuyên trách mảng nhân sự. Từ khi nhậm chức mới, ông Hứa bỗng trở thành người nắm trong tay “quyền sinh quyền sát” với sự nghiệp của nhiều người. Người ta liên tục đến biếu quà ông để tạo dựng quan hệ, khiến chính bản thân ông cũng phải choáng váng. Nhưng ông Hứa không bị khuôn mặt tươi cười lấy lòng làm cho mê muội, cho dù họ lấy danh nghĩa bạn cũ, hàng xóm cũ, họ hàng xa, người quen cũ... mà đến.
Ông Hứa là người biết phân biệt phải trái, đương nhiên ông không nhận những món quà này. Ông hiểu rõ, nếu lúc này bản thân mềm lòng vì cái lợi trước mắt thì sau này công việc của ông nhất định sẽ rất hỗn loạn. Nhưng ông cũng không tỏ thái độ tiêu cực với những người biếu quà mà đã có cách xử lí tinh tế để chấm dứt hành vi này.
Vậy nếu rơi vào trường hợp giống như ông Hứa, chúng ta nên làm gì để khéo léo từ chối mà không khiến đối phương ghi thù?
• Cảm ơn tấm lòng nhưng từ chối nhận quà: “Cám ơn anh, thiện tình của anh tôi xin nhận, còn quà này tôi không dám. Xin anh đừng làm khó cho tôi.”
Nếu đối phương hiểu được tấm lòng liêm khiết của bạn, sẽ biết rằng bạn đang từ chối khéo.
• Giả vờ khó hiểu: Hôm nay chưa phải ngày Tết.
Hãy khéo léo biểu thị: Món quà của người đến biếu chứa ý đồ không tốt đẹp, giống như trong truyện Cáo chúc tết gà. Hãy mời đối phương mau thu lại quà biếu, có gì cần nói cứ nói thẳng hết ra.
• Chỉ rõ lợi hại: “Anh bạn, có phải anh muốn chứng kiến trò cười của tôi không? Tôi không muốn bị xử ‘án tử’ vì nhận hối lộ đâu. Tôi còn ham sống sợ chết lắm.”
Xã hội ngày nay có rất nhiều quan chức phải vào tù ra tội vì nhận hối lộ. Bạn có thể nói thẳng điều này với đối phương, cho anh ta biết về sự lo lắng của bạn, hi vọng anh ta hiểu và thông cảm cho nỗi khổ tâm của bạn.
• Nhắc nhở người biếu quà: Trên đời này không có gì có thể giấu được mãi. Muốn người khác không biết, trừ phi bạn đừng làm.
Hãy nói: “Anh không sợ bức vách có tai à?” để từ chối nhận quà của đối phương, đồng thời qua đó cảnh báo đối phương rằng hành vi sai trái của anh ta sẽ không thể giấu được mãi.
6
KHÔNG TIẾT LỘ CHUYỆN QUAN TRỌNG VỚI NGƯỜI KHÁC
Trong những thời điểm quan trọng, không thể không che giấu bí mật, cho dù với tâm phúc hay thân tín. Nếu việc gì cũng đem ra giải thích cặn kẽ, bạn rất khó đạt mục tiêu
Thương trường như chiến trường, cạnh tranh đấu đá trong kinh doanh là điều không thể tránh khỏi. Bạn cần tuyệt đối cẩn thận với bí mật kinh doanh của mình. Một vị thương gia lão luyện người Nhật Bản nhờ cẩn trọng bảo vệ bí mật kinh doanh của mình nên đã luôn giành được phần thắng trong những “canh bạc” kinh doanh lớn.
Kitayama Toshiro muốn mua đủ 25% cổ phiếu của công ty thép nổi tiếng Nhật Bản là Nakayama Steel Works nhằm chắc suất tham gia vào Hội đồng Quản trị của công ty này. Nakayama Steel Works đã phát hành ra thị trường 20 triệu cổ phiếu, lúc ấy gia đình Nakayama và các thân tín của họ đang nắm giữ 75% số cổ phiếu đó. Còn lại 25% cổ phiếu thuộc về các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì thế giá cổ phiếu của công ty này luôn có chiều hướng tăng cao. Nếu người chơi muốn bán khống8 cổ phiếu, họ chỉ có thể bán cho những người thuộc dòng họ Nakayama, sau đó đợi cổ phiếu hạ giá lại mua vào. Nhà Nakayama đã kiếm được bội tiền từ chênh lệch giá cổ phiếu, còn cổ tức trả cho các cổ đông công ty lại đặc biệt thấp.
8 Bán khống (short sale): Một cách kiếm lợi từ sự sụt giảm giá chứng khoán trong ngắn hạn.
Việc này khiến Kitayama Toshiro phải đau đầu suy tính. Sau khi điều tra thông tin, Toshiro biết rằng bản thân có thể nắm được 3% cổ phiếu của công ty Nakayama Steel Works. Ông cho mở đại hội cổ đông bất thường bàn về việc mình muốn chi 550 triệu Yên để mua 600 nghìn cổ phiếu của Nakayama Steel Works. Toshiro vô cùng háo hức chờ đợi ý kiến của các cổ đông, kết quả là họ đã trả lời rằng: “Chỉ mua được 600 nghìn cổ phiếu mà lại muốn phát tài là chuyện hoang đường hết chỗ nói.”
Điều này càng kích thích Kitayama Toshiro, ông càng nhất quyết tham gia vào hoạt động kinh doanh của công ty Nakayama Steel Works. Nhưng muốn làm được điều đó thì Toshiro phải có trong tay 25% cổ phiếu của công ty này. Khi đó giá cổ phiếu tăng lên 2.200 Yên/cổ phiếu, Toshiro đã nhờ đến sự giúp đỡ của người bố và tiêu tốn gần 10 tỷ Yên mới mua được 25% cổ phiếu của Nakayama Steel Works.
Lúc này, Nakayama Steel Works đang bị ngân hàng thu nợ. Kitayama Toshiro đành bí mật bán ra 200 nghìn cổ phiếu mà bản thân phải rất khó khăn mới mua được để bồi khoản, tránh cho dư luận chỉ trích và nguy cơ phá sản. Toshiro giấu cả người vợ và trợ lí thân tín về chiêu “thiên cơ bất khả lộ” này, và cuối cùng ông đã thành công đạt được mục đích của mình. Kitayama Toshiro nói rằng: “Trong những thời điểm quan trọng không thể không che giấu bí mật, cho dù là với tâm phúc hay thân tín. Nếu việc gì cũng đem ra giải thích cặn kẽ thì bạn rất khó đạt được mục tiêu.”