“Thêm một người bạn là thêm một con đường, bớt một người bạn là thêm một bức tường”, vì vậy trong xử thế, lí tưởng nhất là có thể thêm bạn bớt thù. Cuộc sống thời nay luôn biến động không ngừng, người khác chìa bàn tay nâng bạn dậy hay giơ chân ra ngáng đường bạn, đều có thể khiến cuộc đời bạn rẽ sang ngả khác. Cho nên tốt nhất là hãy giữ quan hệ tốt với mọi người.
1
THÊM MỘT NGƯỜI BẠN LÀ THÊM MỘT CON ĐƯỜNG
“Thêm một người bạn là thêm một con đường.” Bạn bè càng nhiều, đường đời càng thênh thang, khả năng thành công càng lớn hơn nữa
Xã hội hiện đại biến đổi từng giây từng phút, vừa bình yên là thế, tiếp sau xảy ra chuyện kinh thiên động địa gì, thật khó mà nói trước được. Những chuyển biến nghiêng trời lệch đất này không phải chỉ là những vấn đề mang tầm vĩ mô như chính trị, kinh doanh… Nó xảy ra hàng ngày với rất nhiều người trong số chúng ta, trong suốt cuộc đời này.
Một người muốn đột phá hiện trạng, tạo ra thành tựu phải lăn lộn trên trường đời, vượt qua các thử thách. Trên hành trình đi tìm cơ hội phát triển bản thân, kết giao với những người có thể “bọc lót” cho khuyết điểm của mình cũng là một việc làm không thể thiếu.
Ngạn ngữ có câu: “Ở nhà dựa cha mẹ, ra ngoài dựa bạn bè.” Trong thực tế cuộc sống, câu nói này hoàn toàn đúng đắn và chân thực. Mỗi người chúng ta sẽ đến lúc phải rời vòng tay cha mẹ để tự lập và trưởng thành. Sau khi tách khỏi sự bao bọc của cha mẹ, một khi gặp phải khó khăn, ngoài vợ chồng, con cái, không dựa vào bạn bè thì còn biết dựa vào ai?
“Thêm một người bạn là thêm một con đường.” Bạn bè càng nhiều, đường đời càng thênh thang, khả năng thành công càng lớn hơn nữa.
Nếu có ai đó hỏi: “Bạn có người bạn nào không?”, có lẽ có rất nhiều người không thể trả lời. Hoặc cho dù có trả lời, thì đáp án chính là bạn học và đồng nghiệp, mà trong số này quan hệ thân thiết cũng chẳng có mấy người.
Đương nhiên bạn học hay đồng nghiệp đều có thể kết thành bạn tốt. Nhưng trên thực tế, cuộc sống cần đến những mối quan hệ bạn bè mở rộng hơn và sâu sắc hơn.
Tự truyện của các danh nhân nổi tiếng thường cho chúng ta cảm nhận họ thành công là nhờ có “bối cảnh khủng”. Nếu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của một số danh nhân trong giới chính trị, tài chính, chúng ta sẽ thấy gia tộc của họ, từ cụ kị, ông bà hay cha mẹ đều ít nhiều nổi danh, thậm chí còn nắm giữ vận mệnh quốc gia trong tay. Mạng lưới quan hệ hùng hậu của họ luôn khiến chúng ta vừa ghen tị vừa ngưỡng mộ.
Từ quan điểm này, có lẽ kết giao bạn bè bốn phương dường như là việc không dành cho chúng ta. Kì thực không phải như vậy, kết giao bạn bè là nhu cầu tất yếu của mỗi người, nó không phải đặc quyền của giới chính trị hay tài phiệt. Và nếu bạn muốn trở nên quảng giao, luôn có rất nhiều người xung quanh chờ bạn tìm tới làm quen.
Bạn có thể kết thân với những cô chú, anh chị em làm cùng công ty với bạn nhưng ở bộ phận chuyên môn khác và những người bạn khác của họ. Theo cách này, chính những đồng nghiệp này sẽ giúp bạn bắc cầu quan hệ với những người khác nữa. Nói cách khác, bạn bè của bạn có thể được mở rộng từ bạn bè của đồng nghiệp của bạn.
Bây giờ hãy nói tới họ hàng của bạn. Giả sử anh em của bố bạn vẫn còn khỏe mạnh, thì ở độ tuổi của mình, họ đều đã ít nhiều có chỗ đứng và địa vị trong xã hội. Tương tự như vậy, bạn hãy quan sát họ hàng bên ngoại của mình. Anh chị em họ của mẹ bạn cũng có thể trở thành nguồn tài nguyên quan hệ xã hội của bạn. Ngoài ra, người thân của vợ/chồng cũng là đối tượng tốt để bạn kết giao... Bắt đầu từ những người họ hàng, bạn hoàn toàn có thể tạo một mạng lưới quan hệ rộng khắp.
Tiếp đến, hãy quan sát những người đồng hương của bạn. Kết giao với những người bạn cùng nơi chôn rau cắt rốn thường rất dễ dàng.
Về bạn học, bạn có thể nối lại quan hệ với những người bạn từ thời phổ thông. Các bạn đã có thời gian gắn bó với nhau và có nhiều điểm chung, vậy nên đây sẽ là những người “cạ cứng” rất thấu hiểu bạn.
Tại các cơ quan đoàn thể bạn tham gia như câu lạc bộ, đội bóng đá, bóng chuyền, nhóm phượt..., bạn đều có thể tìm được những người bạn tốt từ đó.
Chỉ cần bạn có lòng muốn kết giao với người khác thì luôn có rất nhiều cơ hội. Vậy làm thế nào mới tìm được đúng bạn?
Hãy làm theo những cách đã đề cập ở trên – lọc ra các đối tượng bạn muốn kết giao từ những người xung quanh.
Tất nhiên bạn có thể tìm kiếm đối tượng từ các kênh khác. Tuy nhiên, trước khi đôi bên hiểu nhau, cho dù bạn đã nhận định đó là người có tài, có đức, đáng để kết giao, thì đối phương cũng chưa chắc đã muốn kết bạn với bạn. Để có được một người bạn thực sự, bạn phải phá bỏ tâm lí đề phòng của đối phương. Có như vậy, đôi bên mới có thể bồi dưỡng nên tình bạn.
2
XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ BẠN BÈ BỀN VỮNG
“Nếu muốn có thêm một kẻ thù, bạn chỉ cần đánh bại một người bạn của mình. Nếu muốn có thêm một người bạn, bạn chỉ cần để đối phương giành phần thắng”
Một người có thể không có của cải nhưng tuyệt đối không thể không có bạn bè. Người có nhiều bạn bè thường có nhiều ưu thế hơn, có nhiều cơ hội mà người khác không thể có. Trong giai đoạn khó khăn, bạn bè càng quan trọng hơn nữa. Có nhiều người cho rằng họ là người quảng giao và có rất nhiều bạn bè, nhưng khi thực sự cần người giúp đỡ, họ mới nhận ra mình chẳng có “bạn”, chỉ toàn “bè” thôi. Đó là vì họ chưa biết chọn bạn mà chơi, cũng như chưa biết cách bồi dưỡng tình bạn.
Khi bạn bè tụ tập, ai đó mới vừa lên tiếng khoe về “tuổi thơ dữ dội” của mình thì có người đã nhanh miệng “chặn họng” người kia ngay: “Thế đã ăn thua gì! Tuổi thơ của anh đây còn ‘bão tố’ hơn chú nhiều.”
Hay có câu chuyện về người đàn ông nọ, trong lúc nhàn rỗi đã rủ một người bạn chơi cờ. Ngay nước cờ đầu tiên, người đàn ông này đã lập tức dồn người bạn kia vào thế bí, khiến người bạn bối rối vô cùng. Người đàn ông tự cho rằng mình chơi giỏi hơn, cố ý đi sai một nước. Người bạn phát hiện ra, lập tức phản công, không ngờ người bạn phản công không nương tay, còn vừa đánh cờ vừa reo lên: “Ông thua chắc rồi.” Cứ thế ván cờ kết thúc, người đàn ông thấy người bạn “không biết điều” như vậy thì không vui. Từ đó, mỗi khi người bạn tìm đến rủ người đàn ông này chơi cờ, ông ta đều từ chối thẳng thừng.
Nếu hành xử như vậy, không có gì khó hiểu khi chúng ta dần dần mất hết bạn bè.
Có rất nhiều cách để có được nhiều bạn bè tốt. Bạn có thể thử áp dụng các “bí quyết” dưới đây:
Nhường bạn chiến thắng
Nhà triết học người Pháp nổi tiếng François de La Rochefoucauld từng nói: “Nếu muốn có thêm một kẻ thù, bạn chỉ cần đánh bại một người bạn của mình. Nếu muốn có thêm một người bạn, bạn chỉ cần để đối phương giành phần thắng.”
Những người thích khoe khoang thành tích của mình thì thành tựu sẽ dần ít đi. Chúng ta nên khiêm tốn, bớt khoe mẽ bản thân. Có lúc, chấp nhận làm nền để tôn đối phương lên cũng là cách tốt để thắt chặt quan hệ bạn bè. Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây để hiểu rõ hơn.
Vào thời nhà Tấn ở Trung Quốc, khi Vương Đạo giữ chức Tể tướng, có một tên phản tặc đang làm loạn, nhưng Vương Đạo không dẫn quân đi thảo phạt hắn. Đại thần Đào Khản gửi thư trách Vương Đạo, Vương Đạo hồi âm rằng: “Ta đợi thời cơ, cũng đợi ngài ra tay.” Đào Khản đọc thư xong thì cười khẩy: “Ngài đang đợi giặc thì có.” Vương Đạo lấy cớ “đợi thời” để tạo cơ hội cho Đào Khản ra tay, ông trở thành người “dọn đường” cho Đào Khản lập công.
Thường xuyên quan tâm đến bạn bè
Tình bạn không tự hình thành và phát triển mà cần chúng ta phải vun đắp. Bạn nên thường xuyên lắng nghe tâm sự của bạn bè bởi ai cũng mong muốn bản thân được chia sẻ, được thấu hiểu. Đây chính là cách tốt nhất để thể hiện sự quan tâm rất mực chân thành với bạn bè. Suy nghĩ cho họ nhiều hơn, bỏ qua cho những chỗ chưa chu toàn của họ nhiều hơn, như vậy mọi người xung quanh sẽ yêu mến bạn hơn và bạn sẽ ngày càng có nhiều bạn tốt hơn.
Gặp mặt trò chuyện mấy câu, gửi quà chúc mừng sinh nhật, gọi điện chia buồn chuyện rủi ro... Hãy thường xuyên thể hiện sự quan tâm của bạn tới bạn bè. Đây cũng chính là món quà đáng quý nhất bạn có thể dành cho bạn bè của mình.
Biết kiềm chế vào những thời khắc quan trọng
Những lời nói ra khi tức giận hoặc tâm tình đang kích động chính là thứ hủy hoại tình bạn nhanh nhất và mạnh nhất. Khi ấy, bạn chỉ muốn cãi thắng đối phương, không thể kiểm soát bản thân mà nói ra những lời sâu cay nhất, làm tổn thương đối phương. Lời đã nói ra giống như bát nước đổ đi, dù khi tỉnh táo lại bạn có hối hận đến nhường nào thì cũng khó có thể xóa bỏ được những tổn thương mình đã gây ra.
Vì vậy khi đang giận dữ, tốt nhất bạn nên tránh xa bạn bè. Hãy nhớ rằng không ai thích giao du với những người nóng nảy, lỗ mãng.
Nếu cưỡng cầu người khác phải nương theo tâm trạng đang bức bối, khó chịu của bạn, thì sẽ không còn ai muốn đến gần bạn nữa. Ai cũng thích bầu không khí vui vẻ, cho nên hãy tạo cho nhau những tiếng cười sảng khoái, để họ luôn cảm thấy dễ chịu khi ở gần bạn, chứ đừng đầu độc họ bằng những cảm xúc tiêu cực.
3
ĐẾN VỚI NHAU BẰNG SỰ BAO DUNG
Người có tấm lòng đại nhân đại lượng mới có thể kết giao rộng rãi và bền chặt với người khác
Nhiều người thường viết sai câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc thành: “Vô độc bất trượng phu” và giải thích rằng không độc ác không phải trượng phu. Kì thực câu này nguyên văn là: “Lượng tiểu phi quân tử, vô độ bất trượng phu”, nghĩa là: “Tính toán chuyện nhỏ thì không phải quân tử, không độ lượng thì không phải trượng phu.” “Lượng” và “độ” ở đây đều chỉ tấm lòng đại nhân đại lượng, người có hai đức tính này mới có thể kết giao rộng rãi và bền chặt với người khác.
Quá trình kết bạn đòi hỏi người ta phải nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác. Nghiêm khắc với bản thân chính là tự quản lí chặt chẽ chính mình, cố gắng hành động đúng đắn. Khoan dung với người khác là dùng tấm lòng độ lượng để đối xử với những người xung quanh. Câu chuyện sau đây là một ví dụ.
Lúc trẻ, Tô Đông Pha1 có một người bạn thân là Chương Đôn, về sau Chương Đôn làm đến chức Tể tướng, có quyền cao chức trọng. Vì củng cố địa vị của bản thân, Chương Đôn quyết ép cho Tô Đông Pha tội phỉ báng Tiên đế và đày ông tới Lĩnh Nam, sau lại bắt ông lưu đày tới đảo Hải Nam. Sau một thời gian, Tô Đông Pha được ân xá quay về đất Bắc, lúc này đến lượt Chương Đôn gặp nạn, bị lưu đày đến đảo Lôi Châu ở Lĩnh Nam. Tô Đông Pha hay tin liền viết cho Chương Đôn một bức thư: “Nghe tin này, tôi rất kinh ngạc. Tuổi tác ông đã lớn như vậy còn bị lưu đày đi biệt xứ, chẳng nghĩ cũng biết tâm trạng ông đang thế nào. Còn may là Lôi Châu đó tuy xa xôi, hẻo lánh nhưng xung quanh không có chướng khí.” Tô Đông Pha an ủi mẹ già của Chương Đôn, khuyên bà đừng áy náy chuyện quá khứ mà hướng tới tương lai. Tô Đông Pha độ lượng như vậy, Chương Đôn hẳn sẽ thấy vô cùng xấu hổ, gia đình Chương Đôn cũng rất cảm kích ông.
1 Tô Đông Pha (1037-1101): Tô Thức, tự Tử Chiêm, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
Tô Đông Pha lòng dạ rộng lượng hơn người, đối với một người luôn muốn dồn mình vào chỗ chết như Chương Đôn vẫn có thể bỏ qua quá khứ. Khi Chương Đôn gặp nạn, Tô Đông Pha vẫn làm tròn chức trách của một người bạn.
Bên cạnh tấm lòng khoan dung, trong quá trình giao lưu, chúng ta cũng cần học cách tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Trách cứ người khác là một thói quen có ý thức chịu sự chi phối của tâm tình. Khi có người làm sai chuyện gì và đến xin lỗi chúng ta, hoặc khi ai đó không làm tròn bổn phận, chúng ta lại quay ra trách móc họ. Kết quả là không những không giải quyết được vấn đề mà đôi bên còn trở nên khó chịu với đối phương. Trách cứ nhau chỉ khiến cả hai đều phải chịu tổn thương.
Thứ nhất, sự việc đã xảy ra rồi, không có cách nào thay đổi nữa, tức giận sẽ không cải thiện được vấn đề. Trách cứ, đổ lỗi cho người khác không chỉ khiến đối phương càng thêm khó chịu mà cũng khiến bản thân càng thêm bức bối. Nếu cứ sa vào việc đùn đẩy lỗi lầm cho nhau (vì ai cũng có cái lí của mình) thì sẽ chiếm mất thời gian dành cho những việc cần kíp khác.
Giống như khi con của bạn làm vỡ cái bát (dù chỉ là vô ý), đứa bé cũng rất hoảng hốt và sợ hãi. Lúc này, bạn hoàn toàn không cần trách mắng thêm nữa, đứa bé đã sớm biết lỗi rồi. Nhưng nếu bạn lại tức giận và to tiếng với nó, thậm chí là đánh nó, sẽ khiến nó cảm thấy tủi thân hoặc sinh ra tâm lí phản nghịch. Cái bát đã vỡ rồi, cho dù bạn có đánh con thật đau thì chiếc bát cũng chẳng thể liền lại. Cách làm tốt nhất lúc này là dặn con lần sau phải cẩn thận hơn, mảnh bát vỡ rất dễ cứa vào tay chân con. Như vậy, đứa bé sẽ không sợ hãi quá mức, trong lòng sẽ cảm ơn bạn vì đã không trách phạt. Trẻ nhỏ sẽ không vì bạn bỏ qua lỗi lầm của chúng mà trở nên hư hỏng, khó bảo. Hãy tin rằng những đứa trẻ có đủ khả năng phân biệt đúng sai và hướng thiện chính là bản tính tự nhiên của con người.
Có câu chuyện về Hàn Tín và Lưu Bang thời Hán-Sở tranh hùng. Một lần Lưu Bang bị địch vây, tình thế vô cùng nguy cấp. Hàn Tín lại gặp thời gặp thế, đại thắng trên đất Tề, định tự phong làm Tề Vương. Việc này khiến Lưu Bang nổi giận, chửi mắng Hàn Tín, nhưng có một mưu sĩ thầm ra ám hiệu, Lưu Bang lập tức bình tĩnh lại, phong cho Hàn Tín làm Tề Vương.
Lưu Bang làm vậy vì biết rõ, nổi giận với Hàn Tín không mang lại lợi ích gì, ngược lại sẽ phá vỡ mối quan hệ đôi bên, thậm chí còn mất cả chì lẫn chài (khi Hán-Sở phân tranh, Hàn Tín thống lĩnh hàng vạn binh lính, nếu theo phe Sở thì Sở thắng, mà theo phe Hán thì Hán thắng. Lưu Bang tất nhiên muốn thu phục được Hàn Tín). Bỏ qua cho hành vi của đối phương sẽ làm giảm bớt mâu thuẫn giữa đôi bên, có lợi về lâu về dài.
Thứ hai, người khác không làm tròn bổn phận của mình có thể vì nhiều lí do: năng lực có hạn, gặp chuyện không may, hoặc nguyên nhân nào đó phức tạp hơn mà chúng ta không biết. Nhưng bất kể là lí do gì, khi ai đó làm việc cho bạn, cho dù làm tốt hay làm chưa tốt, thì họ đều vì bạn mà cống hiến. Bạn nên trân trọng công sức và tha thứ cho họ, đừng lấy kết quả làm thước đo duy nhất để đánh giá về họ. Như vậy, lần sau mọi người sẽ càng cố gắng làm việc tốt hơn.
Trách cứ chỉ khiến người khác dễ dàng vứt bỏ trách nhiệm, thậm chí là quay lưng, trở mặt với chúng ta. Như vậy chắc chắn là chúng ta sẽ mất nhiều hơn được, có khi là mất tất cả. Từ đó có thể thấy rằng, hành vi trách cứ người khác nếu không được thực hiện hợp lí sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào. Sự việc đã xảy ra sẽ không vì bạn trách mắng “thủ phạm” mà được cải thiện hay làm lại. Không trách người, nhân tình vẫn còn; trách người, nhân tình sẽ mất, sự việc chẳng thể thay đổi, thậm chí càng tồi tệ hơn. Đây chính là sự tổn thất nhân đôi.
Khi có ai đó làm sai việc gì hoặc có lỗi với bạn, bạn hãy tha thứ cho họ, không trách móc, không truy cứu. Hãy nói với họ rằng trong hoàn cảnh như vậy, nếu đổi lại là bạn có lẽ cũng sẽ làm sai hoặc không làm được, cho nên đây là chuyện có thể thông cảm. Làm như vậy vừa giữ được hòa khí, vừa gián tiếp giúp đối phương nhận thức được sai lầm của mình và ngày càng nỗ lực hơn.
4
LÀM NỀN CHO NHAU TỎA SÁNG
Nhường cho người thể hiện trước, bản thân nguyện lui về sau hậu thuẫn
Sống trên đời ai cũng có lòng tự trọng của riêng mình. Đặc biệt là những người có địa vị xã hội cao, có danh tiếng thì bằng một cách nào đó, họ luôn tỏ rõ ngạo khí của mình. Khi kết giao cùng những người này, chúng ta nên tôn trọng họ, để họ trở thành trung tâm câu chuyện. Một khi tấm lòng của bạn đã làm họ cảm động, họ sẽ dùng nhiều cách khác nhau đền đáp bạn bội phần. Đừng nói là bạn gặp phải phiền phức nhỏ, ngay cả bầu trời sụp xuống đầu bạn, họ cũng sẽ lăn xả cùng bạn chống đỡ.
Nhường cho người thể hiện trước, bản thân nguyện lui về sau hậu thuẫn. Một người lãnh đạo nếu có thể làm như vậy thì cấp dưới của họ sẽ cố gắng làm việc, nguyện cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp chung của tập thể. Nếu không, cho dù cấp dưới có phối hợp cùng thì cũng chỉ làm việc với tâm tư rối loạn, từ đó mà làm hỏng việc.
Trong các buổi xã giao, khi giới thiệu bạn cũ và bạn mới với nhau, là người ở giữa kết nối, nếu bạn có thể khéo léo khen ngợi những ưu thế của đôi bên, thì họ chắc chắn sẽ thầm biết ơn bạn. Khi công việc đạt được thành tích nổi bật, trước hết bạn hãy khen ngợi người đã đề xuất ý tưởng, sau đó lại khen ngợi những người có đóng góp to lớn trong công việc này. Nếu bạn có thể ghi nhớ công lao của mỗi cá nhân và thường xuyên khích lệ họ, họ sẽ cảm thấy bạn là một người bạn đáng tin cậy. Trong cuộc họp, khi tụ tập, khi cộng tác, bạn nên nhường những vị trí thu hút sự chú ý cho người khác. Điều này không chỉ làm hài lòng bản tính muốn được coi trọng của người ta, mà còn giúp bạn xây dựng hình tượng là một người có tấm lòng phóng khoáng.
Sẵn sàng cho những người quen biết thấy được nhược điểm của bản thân, đồng thời mời mọi người xem xét và góp ý cũng là một cách “dìm hàng” bản thân để nâng tầm đối phương lên. Bạn đừng lo lắng rằng làm vậy sẽ khiến bản thân “mất điểm” trong mắt những người xung quanh. Kì thực mỗi người đều có những điều không biết, những chỗ không hiểu. Nếu bạn bộc lộ khiếm khuyết của mình để đề cao đối phương thì không những không làm tổn hại đến hình tượng của bạn mà còn giúp cho đối phương có thêm cơ hội để thể hiện bản thân. Câu chuyện dưới đây là ví dụ.
Năm 202 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang cho tổ chức tiệc rượu tại Nam cung Lạc Dương và mời quần thần đến chung vui. Khi cùng chư thần tướng soái nói chuyện, Lưu Bang mới nói: “Phàm việc mưu tính trong màn trướng mà quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm thì ta không bằng Tử Phòng (tức Trương Lương). Trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực thông suốt thì ta không bằng Tiêu Hà. Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là nhất định thắng, tiến công là nhất định thành thì ta không bằng Hàn Tín.” Lưu Bang đã khéo léo trao công đầu cho ba vị công thần khai quốc, tự nhiên sẽ được lòng chư tướng, khiến họ một mực trung thành, tận tâm cống hiến.
5
TRÁNH ĐẮC TỘI VỚI NGƯỜI KHÁC
Nguyên tắc căn bản để kết giao cùng người khác chính là không nên tạo ra kẻ thù, càng không nên đắc tội với người khác, như vậy bạn bè sẽ tăng lên, kẻ thù sẽ ít đi
Người Trung Quốc xưa đã có lời nhắc nhở: “Thêm một người bạn là thêm một con đường, thêm một kẻ thù là thêm một bức tường.” Từ xưa tới nay những kẻ cậy tài kiêu ngạo thường dễ dàng sa vào sai lầm này, cuối cùng sẽ phải hứng chịu thất bại.
Một tỉ phú Hồng Kông khi kể lại cuộc đời mình đã đưa ra lời khuyên rằng: “Trong phương diện xử thế, có một điểm tôi cảm thấy tương đối quan trọng, đó là tuyệt đối không được đắc tội với người khác. Càng có địa vị cao, càng không được phạm vào điều này.”
Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ là Abraham Lincoln được rất nhiều người ngưỡng mộ bởi nhân cách hoàn mĩ và sự nghiệp rực rỡ. Nhưng đường đời của Lincoln cũng gặp không ít trắc trở vì ông là người thường hay mạo phạm người khác.
Thuở nhỏ Lincoln sống ở một trấn nhỏ thuộc tiểu bang Indiana. Cậu bé Lincoln không những chuyên đi bới móc khuyết điểm của người khác, mà còn thích viết thư nhạo báng rồi cố ý làm rơi chúng bên vệ đường để người ta nhặt được và truyền đi. Điều đó khiến cho những người ghét Lincoln ở đây càng ngày càng nhiều.
Lớn lên, Lincoln chuyển đến sống ở thủ phủ Springfield của tiểu bang Illinois. Ông trở thành luật sư và vẫn thường xuyên viết bài gây hấn với những người phản đối mình rồi đăng trên báo. Có lần Lincoln còn vì làm chuyện quá đáng với người khác mà khiến bản thân gặp rắc rối.
Mùa thu năm 1942, Lincoln chế nhạo James – chính trị gia người Ireland – là rất kiêu ngạo và sĩ diện. Sau khi bài báo châm biếm nặc danh được đăng công khai trên tờ tạp chí Springfield khiến dân chúng được dịp bàn tán xôn xao, James tức điên người. Nghe tin Lincoln là người viết bài báo này, James lập tức phi ngựa đi tìm ông và đòi đấu súng tay đôi. Lincoln đương nhiên từ chối nhưng James vẫn khăng khăng không nhượng bộ. Sau đó người đại diện cho hai bên gặp gỡ giảng hòa, cuộc quyết đấu mới được hủy bỏ.
Sự việc lần này khiến Lincoln nhận ra một bài học sâu sắc. Phê bình, chỉ trích hay đổ lỗi cho người khác là việc ngay cả một kẻ ngốc cũng biết làm, còn phẩm chất làm nên một người ưu tú phải là trân trọng và khen ngợi những người xung quanh. Từ đó Lincoln bắt đầu thay đổi cách đối nhân xử thế của mình, dùng tấm lòng yêu quý người khác để thu phục nhân tâm. Bài học thành công của Lincoln rất đáng để chúng ta suy ngẫm kĩ càng.
6
CHÂN THÀNH VỚI NGƯỜI RỒI NGƯỜI SẼ TỐT VỚI TA
Hãy biến thù thành bạn, bởi vì bạn bè sẽ là những người hỗ trợ, giúp đỡ, tạo động lực cho chúng ta vươn tới thành công
Trong dân gian có một câu chuyện truyền miệng như sau: Có một bác nông dân muốn mua một nông trại. Một hôm, khi đi xem xét nông trại, bác nông dân gặp một người hàng xóm ở nông trại sát bên cạnh.
“Chậm chút, anh đừng đi vội,” người hàng xóm gọi bác nông dân. “Khi anh mua nông trại này, anh cũng mua luôn sự tức giận của tôi. Hàng rào nhà anh đã lấn sang đất nhà tôi mười thước Anh.”
Một câu nói như vậy có thể khơi mào cho cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm và tạo nên mối thù truyền kiếp giữa hai nhà.
Nhưng khi ấy bác nông dân mỉm cười và nói: “Tôi vốn hi vọng sau khi mua nơi này sẽ có thêm một người hàng xóm tốt bụng, và cũng hi vọng tôi sẽ là một người hàng xóm tốt bụng của anh. Anh hãy giúp tôi đưa hàng rào về đúng chỗ của nó, tôi sẽ trả hết mọi chi phí. Như vậy anh cũng vui, tôi cũng vui.” Người hàng xóm nhìn địa giới giữa hai nhà, đi tới đi lui suy tính.
Sau đó hàng rào vẫn được giữ nguyên, hai người suýt chút nữa đã trở thành kẻ thù giờ lại là hàng xóm thân thiết.
Kẻ thù cho dù trông tầm thường thế nào cũng không thể xem thường. Tốt nhất bạn đừng cho người khác có lí do phá hoại công việc của mình. Anh chàng bán báo ven đường dù có chút đáng ghét, nhưng bạn vẫn nên đối xử bình thường với anh ta. Biết đâu để trả đũa bạn, anh ta lại quyết tâm làm lụng, quyết tâm giàu có để mua lấy ngôi nhà của bạn, đuổi bạn ra đường. Đừng mắng mỏ cô nhân viên mà bạn không có cảm tình. Chưa biết chừng một ngày nào đấy, cô ta sẽ kết hôn với ông chủ chỉ để trả đũa lại bạn.
Khi xóa bỏ được thái độ thù địch, hãy tiến thêm bước nữa để biến thù thành bạn.
Abraham Lincoln từng rất tự tin nói rằng: “Bất kể người khác có ý thù ghét tôi như thế nào, chỉ cần họ cho tôi cơ hội nói mấy câu, tôi đều có thể chinh phục họ, biến thù thành bạn.”
Biến thù thành bạn là một trong những bí quyết để bạn có thể thành công và giàu có.
Kĩ sư Whalehe từng khiến một người có thành kiến với anh phải tâm phục khẩu phục, ủng hộ ý kiến của anh.
Người kia là một bác thợ già, rất có uy tín trong nhà máy. Bác thợ cho rằng tuổi tác của mình lớn hơn Whalehe, có kinh nghiệm phong phú hơn Whalehe, nên rất coi thường anh. Bác thợ luôn nghĩ: “Đồ trẻ ranh nhà anh còn dám đứng đây chỉ huy tôi? Lúc tôi đã ra nghề, có khi anh còn chưa biết bò.” Tâm lí coi thường này dần dần biến thành tư tưởng chống đối, chuyện gì bác thợ già cũng cố ý làm khó Whalehe, khiến anh nhiều phen trắc trở.
Có lần, Whalehe đề xuất một bản kế hoạch cải tiến công việc chung cho công nhân cả nhà máy nhằm tăng cao hiệu suất lao động. Bác thợ già nhận bản kế hoạch nhưng không buồn mở ra xem, mà tức tốc đến phòng của tổng giám đốc làm ầm ĩ lên. Lí do bác ta đưa ra là Whalehe có bao nhiêu kinh nghiệm đâu mà được giao làm kế hoạch cải tiến công việc. Đây chẳng qua chỉ là mớ giấy vụn không có giá trị.
Tổng giám đốc cũng khó xử, một bên là bác thợ già đã cống hiến nhiều năm, một bên là chàng trai trẻ Whalehe tràn đầy nhiệt huyết. Tổng giám đốc đành dĩ hòa vi quý, tạm gác lại việc này, đợi có cơ hội thuận lợi thì đưa vào thực hiện.
Whalehe biết chuyện thì cảm thấy rất buồn, tự nhốt mình trong phòng và suy nghĩ rất lâu. Anh quyết tâm tìm hiểu rõ xem rốt cuộc vì sao bác thợ già lại một mực chống lại mình như vậy.
Sau khi suy nghĩ thật kĩ, Whalehe viết ra giấy những vấn đề sau:
Thứ nhất, vì sao bác thợ già lại không thích mình, luôn gây khó dễ cho mình?
Đối với câu hỏi này, Whalehe lại bóc tách thành mấy câu hỏi nhỏ:
A. Có phải mình đã “đắc tội” với bác thợ già?
B. Công việc của mình có xung đột với bác thợ già không?
C. Công việc của mình có làm tổn hại đến lợi ích hay quyền hành của bác thợ già không?
Thứ hai, lợi ích cá nhân của mình có xung đột với lợi ích cá nhân của bác thợ già không?
Dưới đó cũng là ba câu hỏi nhỏ:
A. Nếu bản kế hoạch của mình được đưa vào thực hiện thì có ảnh hưởng đến danh tiếng của bác thợ già không?
B. Thành tích công việc của mình có làm suy giảm lợi ích của bác thợ già không?
C. Thành tích công việc của mình có khiến bác thợ già gặp rắc rối trong công việc không?
Tất cả đáp án đều là: KHÔNG.
Từ những điều kể trên, Whalehe khẳng định rằng việc bác thợ già chống đối anh là vì bác ta đã hiểu lầm anh là người kiêu căng, ngạo mạn, coi thường bác ta, cho nên bác ta muốn làm anh mất mặt. Whalehe cho rằng nếu bản thân có thể thể hiện rõ sự tôn trọng của mình với bác thợ già thì hiểu lầm này sẽ được nhanh chóng hóa giải.
Vậy nên Whalehe quyết định thực hiện một kế hoạch như sau: Đầu tiên, anh sẽ đích thân đi chào hỏi bác thợ già, tìm hiểu thái độ và giọng điệu của bác ta với anh thế nào, xác định lại lần nữa vì sao bác ta có ác cảm với anh. Nếu không phải là bác thợ già vô cùng căm ghét Whalehe, thì anh có thể nhờ bác góp ý về bản kế hoạch công việc, xem bác ta phản ứng như thế nào. Nếu bác thợ già nhất định từ chối, chứng tỏ thành tích công việc của anh đã trực tiếp làm tổn hại đến lợi ích của bác ta. Nếu bác thợ già đồng ý góp ý, chứng tỏ bác ta đang hiểu lầm anh là đồ kiêu ngạo thích lên mặt dạy đời, cho nên mới tỏ thái độ không phục như vậy.
Buổi tối ngày hôm đó, bất chấp thời tiết giá lạnh, Whalehe đến thăm nhà bác thợ già. Lúc đó bác thợ già đang ăn tối cùng vợ, vừa ăn vừa trò chuyện. Thấy Whalehe đến chơi, bác ta vô cùng bất ngờ.
Whalehe mời hai bác tiếp tục bữa tối, tỏ ý xin lỗi vì đến không đúng lúc và sẽ chờ bác thợ già dùng bữa xong rồi nói chuyện. Anh trình bày lí do đến thăm nhà là vì bản thân đang gặp khó khăn trong công việc và muốn xin ý kiến của những người đi trước, giàu kinh nghiệm.
Bác thợ già vội vàng kết thúc bữa ăn để tiếp đón vị khách không mời là Whalehe. Lúc này, anh quan sát thấy thái độ của bác thợ già đối với mình tốt hơn trước rất nhiều.
Hai người ngồi ở phòng khách, khách sáo mời nhau uống trà, Whalehe mở bản kế hoạch công việc ra. Anh nói với bác thợ già rằng khi đề xuất bản kế hoạch này, anh không hiểu rõ công việc của công nhân đứng máy, cho nên muốn lắng nghe ý kiến của bác ta.
Bác thợ già xem hết một lượt bản kế hoạch rồi khuyên Whalehe sớm về nghỉ ngơi kẻo ngoài trời quá lạnh. Bản kế hoạch cứ để lại, bác ta sẽ xem tiếp.
Ngày hôm sau, bác thợ già đưa lại bản kế hoạch cho Whalehe rồi đích thân đi gặp tổng giám đốc. Bác ta khen ngợi Whalehe là thiên tài trẻ tuổi, bản kế hoạch rất tuyệt và có thể đưa vào thử nghiệm từ bộ phận của bác ta trước tiên.
Sự chân thành của Whalehe đã khiến bác thợ già thay đổi thái độ, từ phản đối chuyển sang ủng hộ. Trong cuộc đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người có sở thích, tư duy, lối sống… không hợp với mình và dễ dàng xảy ra mâu thuẫn. Điều quan trọng là nếu muốn xây dựng và duy trì mối quan hệ với những người đó, chúng ta cần biến địch ý thành thiện ý. Và câu chuyện của Whalehe là một trong những bí quyết mà chúng ta có thể học hỏi và áp dụng.
Hi vọng các bạn có thể biến thù thành bạn, bởi vì bạn bè sẽ là những người hỗ trợ, giúp đỡ, tạo động lực cho chúng ta vươn tới thành công.
7
HÒA ĐỒNG VỚI NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH
Chỉ cần học được cách tôn trọng người khác, bạn sẽ nắm trong tay bí quyết chinh phục những người xung quanh
Ngày xửa ngày xưa, Đức vua William vĩ đại của đất nước Scotland sinh hạ được ba hoàng tử. Một hôm, Đức vua lo lắng hỏi các mưu sĩ của mình:
“Ta chợt nghĩ, không biết sau khi ta chết đi, các con ta sẽ phải làm thế nào? Trừ khi chúng thông minh, tài giỏi, nếu không chúng không thể giữ được ngai vàng mà ta truyền lại. Mà ta cũng không có cách nào quyết định, trong số ba hoàng tử, ta nên truyền ngôi cho ai.”
“Thưa Bệ hạ,” các mưu sĩ lên tiếng, “xin người cho phép chúng thần hỏi các hoàng tử vài câu. Chúng thần có thể dự đoán được khi lớn lên các hoàng tử sẽ trở thành người như thế nào và ai sẽ xứng đáng nối ngôi Bệ hạ nhất.”
“Cách này rất đáng thử,” nhà vua nói. “Để ta cho gọi các hoàng tử tới đây, các ngươi cứ việc hỏi chúng thoải mái.”
Các mưu sĩ thảo luận một hồi rồi xin nhà vua cho gọi các hoàng tử đến. Mỗi lần họ sẽ nói chuyện với một hoàng tử, dùng các câu hỏi giống nhau để hỏi từng người.
“Thưa hoàng tử,” một mưu sĩ lên tiếng, “xin hãy trả lời câu hỏi này của thần: Nếu Thượng đế biến hoàng tử thành một loài chim, người sẽ chọn biến thành loài chim nào?”
Hoàng tử cả Robert trả lời: “Ta sẽ xin làm loài chim cắt, bởi vì nó mạnh mẽ, tuấn tú như một hiệp sĩ.”
Hoàng tử thứ hai Will trả lời: “Ta muốn làm một con chim ưng, bởi vì nó là vua của loài chim, các con chim khác đều sợ nó.”
Hoàng tử út Henry trả lời: “Ta sẽ xin làm loài sáo đen, bởi vì nó lịch lãm, đáng yêu, ai nhìn thấy nó cũng vui vẻ. Nó cũng không bao giờ gây hấn hay bắt nạt đồng loại của mình.”
Các mưu sĩ nghe xong câu trả lời của cả ba vị hoàng tử bèn hội ý với nhau và thống nhất ý kiến để tâu lên nhà vua.
Các mưu sĩ đã tâu với nhà vua: “Thưa Bệ hạ, chúng thần thấy rằng hoàng tử cả Robert là người dũng cảm và anh tuấn, tương lai sẽ làm nên đại nghiệp, rạng danh thế gian. Nhưng cuối cùng hoàng tử rất có thể sẽ bị kẻ thù phản kích mà phải chết trong kiếp tù binh. Hoàng tử thứ hai Will dũng cảm và mạnh mẽ như chim ưng, nhưng lại sẵn sàng làm ra những việc hung tàn nên dễ gây mất lòng người. Hoàng tử có thể là một bạo quân, phải kết thúc cuộc đời trong đau thương. Hoàng tử út Henry là người thông minh, nhân hậu và hiểu biết. Hoàng tử sẽ không chủ động tấn công nước khác, chỉ chiến đấu chống trả khi bờ cõi bị xâm phạm. Đối nội được dân chúng tin theo, đối ngoại được các nước láng giềng kính nể, hoàng tử Henry sẽ làm dân giàu nước mạnh và kết thúc cuộc đời trong bình yên, hạnh phúc.”
Kết cục cuối cùng đúng như các mưu sĩ đã từng dự đoán. Hoàng tử cả Robert táo bạo mà hung hãn, đi gây chiến khắp nơi, cuối cùng bị kẻ thù đánh bại, phải chết trong ngục.
Hoàng tử thứ hai Will hách dịch, tàn bạo, hành xử ngang ngược. Khi đi săn trong rừng, hoàng tử đã bị thuộc hạ làm phản giết chết.
Hoàng tử út Henry trở thành vua của đất nước Scotland tươi đẹp, cai trị toàn bộ lãnh thổ mà vua cha để lại.
Có một vĩ nhân từng nói, một người muốn thành công thì 25% phụ thuộc vào năng lực, còn 75% phụ thuộc vào cách đối nhân xử thế. Tuy nhiên, hòa hợp với những người xung quanh là một việc không dễ dàng. Hay nói cách khác, nghệ thuật đối nhân xử thế là điều khó học thành nhất. Chỉ cần bạn học được cách tôn trọng người khác, bạn sẽ nắm trong tay bí quyết chinh phục những người xung quanh.
Để trở thành người biết đối nhân xử thế, bạn hãy chú ý các điểm dưới đây:
(1) Nhiệt tình, nhiệt tâm với mọi người trong mọi việc;
(2) Luôn có thái độ vui vẻ, thân thiện;
(3) Sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác;
(4) Không lợi dụng người khác;
(5) Chỉ hứa những điều bản thân có thể làm được;
(6) Làm cho người khác thấy họ quan trọng và được tôn trọng;
(7) Không nói xấu người khác;
(8) Không chỉ trích tôn giáo, tín ngưỡng của người khác;
(9) Không gây hiềm khích với người khác.
Tất nhiên những điều kể trên đều là những việc không dễ dàng.
Mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của bạn sẽ tạo dựng nên con người bạn. Do đó, đối xử tốt với người khác từ trong suy nghĩ, lời nói, hành động cũng sẽ tốt cho chính bản thân bạn. Ngược lại, nếu bạn cố tình làm tổn thương người khác thì chính bạn cũng không được vui vẻ.
Bạn thành công là bởi người khác yêu thích bạn, người khác yêu thích bạn là bởi bạn có những phẩm chất mà họ ngưỡng mộ. Những phẩm chất này là mục tiêu mà bạn có thể vạch ra từ trước và sau đó phấn đấu để đạt được.
8
BÁN ANH EM XA, MUA LÁNG GIỀNG GẦN
Không nên để những việc không quan trọng gây mất hòa khí giữa những người hàng xóm
Hàng xóm là những người mà chúng ta thường xuyên chạm mặt. Để giữ quan hệ tốt đẹp với hàng xóm, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
Đừng chỉ quan tâm đến bản thân mình
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc thịnh lúc suy. Khi gặp khó khăn, bạn sẽ có lúc phải nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ, trong đó có hàng xóm. Mối quan hệ giữa người với người là anh giúp tôi, tôi giúp lại anh, mọi người giúp đỡ lẫn nhau, như vậy mọi việc sẽ dễ dàng được giải quyết. Sống mà chỉ biết mỗi bản thân mình, chẳng qua lại hay quan tâm đến ai, bạn sẽ không thể có một cuộc đời như ý.
Đã có rất nhiều bài báo đưa tin về những người giúp hàng xóm đuổi cướp, dập lửa bốc lên từ bếp, cứu trẻ con bò ra lan can chơi… Trong những trường hợp này, nếu không có những người láng giềng tốt bụng, có lẽ đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, đừng đóng chặt cửa với hàng xóm. Hãy làm quen với họ bằng lời chào, câu hỏi thăm, dần dần đôi bên sẽ hiểu và trở nên thân thiết với nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần.
Không nên quá đa nghi
Giữa hàng xóm láng giềng nếu xảy ra cãi vã, bất hòa thường là do hiểu lầm hoặc có người mang lòng dạ hẹp hòi mà ứng xử với nhau. Kết quả đều là khiến bản thân không vui còn người khác thì khó xử, giống như câu chuyện dân gian có tên Mất rìu.
Một người đàn ông làm mất chiếc rìu quý và nghi ngờ đứa con trai nhà hàng xóm lấy trộm. Anh ta quan sát đứa trẻ, thấy dáng đi giống kẻ ăn trộm, thấy vẻ mặt giống kẻ ăn trộm, thấy lời nói cũng giống kẻ ăn trộm. Mọi động tác, thái độ của nó đều giống với kẻ ăn trộm rìu.
Ít lâu sau anh ta tìm thấy cây rìu của mình. Lúc này, khi nhìn đứa trẻ hàng xóm, anh ta thấy động tác hay thái độ của nó không hề giống kẻ ăn trộm rìu.
Đứa trẻ hàng xóm chẳng thay đổi gì, mà chính bản thân anh ta đã thay đổi.
Đương nhiên, câu chuyện này vẫn kết thúc có hậu bởi vì mối ngờ của nhân vật chính cuối cùng cũng được hóa giải. Nhưng trong đời thực, có không ít người chỉ vì đa nghi mà phá hỏng mối quan hệ với những người hàng xóm. Hãy mở lòng với mọi người. Không nên vì chút nghi ngờ nhỏ mà khiến bản thân ngấm ngầm tức giận hay làm người khác khó xử và đánh mất những người hàng xóm tốt bụng.
Không nên bao che cho khuyết điểm của con cái
Có rất nhiều bậc phụ huynh có hành động không nên này. Nhất là hiện nay các cặp vợ chồng thường sinh ít, chỉ có một đến hai con, cho nên hết sức yêu chiều, luôn sợ con chịu khổ, thấy con khóc là không đành lòng. Nếu con mình và con nhà hàng xóm xảy ra gây gổ, xích mích, nhiều cha mẹ thường không phân biệt phải trái, cứ nhất nhất bênh con mình. Điều này rất dễ làm xấu đi mối quan hệ giữa các gia đình.
Hai đứa trẻ đang chơi cùng nhau, bỗng nhiên A khóc ầm lên. Mẹ A cho rằng B bắt nạt A, liền đi tìm mẹ B để phàn nàn. Mà mẹ B cũng khăng khăng con mình là đứa trẻ ngoan, sẽ không bắt nạt bạn. Hai bà mẹ đều vì bênh con mình mà dẫn đến to tiếng, cãi vã nhau, khiến quan hệ hai nhà căng thẳng, chẳng ai muốn qua lại với ai. Mấy hôm sau, B bất ngờ thừa nhận là hôm đó đã đấm A. Sau khi sự việc sáng tỏ, mẹ B chủ động xin lỗi mẹ A, hóa giải mâu thuẫn giữa hai nhà.
Từ đây có thể thấy, muốn xử lí tốt mối quan hệ với hàng xóm, cha mẹ không nên bao che khuyết điểm của con mình. Ngay cả khi con bạn không sai, thì cũng nên rộng lượng một chút, đừng nên để chuyện trẻ con làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của người lớn.
Đừng quá chi li
Muốn có mối quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng, bạn không thể đối với chuyện gì cũng tính toán chi li.
Trong những khu tập thể, khu chung cư, không thiếu những người sẽ đỏ mặt tía tai cãi nhau vì chuyện tiền điện thắp sáng hành lang nên chia theo hộ hay chia theo nhân khẩu, thậm chí còn sẵn sàng xông vào đánh nhau. Kì thực chuyện chia chi phí chung rất khó có phương án vẹn toàn, chỉ cần mỗi người nhường nhịn nhau một chút, đừng quá so đo thiệt hơn, thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Không nên để những việc không quan trọng gây mất hòa khí giữa những người hàng xóm.
Chớ làm phiền, gây bất tiện cho người khác
Khi ở cùng một môi trường sống, chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau, nếu không sẽ dễ dàng xảy ra mâu thuẫn, ảnh hưởng đến quan hệ với hàng xóm.
Giữa hàng xóm có sự khác biệt về tuổi tác, công việc, thói quen. Người già cần nghỉ ngơi sớm; học sinh, sinh viên cần ôn bài đến khuya; thanh niên muốn tụ tập với bạn bè. Vì thế các gia đình hãy chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt cho phù hợp, tránh làm phiền người khác. Không nên bật nhạc sàn nhảy nhót khi hàng xóm đi ngủ; tổng vệ sinh khi hàng xóm ăn cơm, khiến bụi bẩn, mùi hôi thối bốc vào nhà hàng xóm; tưới cây ở ban công tầng trên khi hàng xóm đi dạo ở tầng dưới... Cố ý làm phiền người khác là hành vi vô cùng bất lịch sự, phải đặc biệt chú ý tránh.
9
QUAN TÂM ĐẾN CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI KHÁC
Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, hãy tôn trọng cảm nhận của đối phương cả trong lời nói và hành động của bạn, không nói hay làm gì khiến đối phương tổn thương
Trong các cuộc trò chuyện, giao lưu, chúng ta phải luôn có tâm thái khiêm tốn, muốn học hỏi. Nói cách khác, bạn đừng cố gắng hạ thấp đối phương.
Con gái của một nữ doanh nhân thành đạt người Hồng Kông theo học tại Đại học Cambridge. Sau khi tốt nghiệp, cô về nước làm việc cho một tổ chức tài chính nước ngoài nổi tiếng có chi nhánh tại đây, thu nhập mỗi tháng lên tới hàng vạn đô-la Hồng Kông. Người mẹ rất tự hào về con gái, cho nên khi nói chuyện với người khác sẽ khoe khoang vài câu về cô, nào là con gái mình xinh đẹp ra sao, tài giỏi thế nào, lương cao bao nhiêu... Về sau cô con gái vô tình biết được chuyện này, ra sức khuyên can mẹ, nhắc mẹ rằng nếu bà cứ luôn khoe khoang về cô như vậy sẽ khiến người khác thấy khó chịu trong lòng. Vậy nên tốt nhất mẹ hãy hạn chế nói chuyện về cô.
Cô gái nói rất đúng. Khi nói về bản thân mình, chúng ta phải tránh khoe khoang quá mức, khiến người khác mất hứng và khó chịu, dẫn tới phá hỏng mối quan hệ của đôi bên.
Xin phép được kể cho các bạn một câu chuyện thế này.
Có hai cô gái là bạn tốt của nhau, A rất nổi bật, B thì rất bình thường. Hôm ấy, hai cô cùng tham gia vũ hội, có rất nhiều chàng trai đến mời A cùng khiêu vũ, nhưng lại không có ai chú ý đến B. A cảm thấy như thế thật không ổn, cho nên lấy cớ bản thân hơi mệt và gợi ý các chàng trai mời B khiêu vũ cùng. Cánh đàn ông tôn trọng ý kiến của A, và B được mời khiêu vũ thì rất vui vẻ.
A coi trọng tình bạn với B, cô không muốn B bị phớt lờ, cho nên đã nhanh trí xử lí tình huống để B không cảm thấy mình bị thua kém, giúp tình bạn giữa hai người càng thêm thân thiết.
Ingrid Bergman đã từng nhận được hai giải Oscar dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Vào năm 1974, cô lại giành giải Oscar thứ ba dành cho Nữ phụ xuất sắc nhất với vai Greta Ohlsson trong bộ phim Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông (Murder on the Orient Express) của đạo diễn Sidney Lumet. Trong phát biểu khi nhận giải, Ingrid Bergman đã dành rất nhiều lời khen cho diễn xuất của Talia Shire, một trong số những nữ diễn viên cùng được đề cử cho hạng mục giải thưởng này. Cô nói: “Xin lỗi Talia Shire, tôi không nghĩ tôi sẽ giành được giải thưởng này, có vẻ tôi quá may mắn rồi!”
Ingrid Bergman không thao thao bất tuyệt về sự vượt trội của bản thân và còn rất tôn trọng đối thủ của mình, thậm chí còn xin lỗi người cô cho là xứng đáng nhất. Vì thế những diễn viên khác đều quý mến Ingrid Bergman, coi cô như một người bạn. Thời khắc một người được tôn vinh vì thành tích xuất sắc, nếu có thể lịch sự đề cao những người hợp tác cùng mình thì đó là một người rất có phong độ và văn minh.
Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy rằng, để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người thì bạn phải tôn trọng cảm nhận của đối phương trong cả lời nói và hành động, không nói hay làm gì khiến đối phương tổn thương. Như vậy, bản thân bạn cũng được vui vẻ vì đã không biến mình thành một kẻ hợm hĩnh, không ai yêu mến.
Chúng ta thường thấy rất nhiều người khoe khoang về bản thân một cách quá lố, đây là hành vi không hề được khuyến khích. Nếu bạn hành xử như vậy, đối phương không những không thừa nhận “sự tuyệt vời” của bạn mà thậm chí còn coi bạn là “trẻ trâu”, ngựa non háu đá hoặc những người đã hết thời, “ăn mày dĩ vãng”. Cho nên dù có thành công, dù từng đứng trên bục vinh quang, bạn cũng đừng lấy làm đắc ý mà khoe khoang khắp nơi.
Tất nhiên, ai cũng mong muốn bản thân được người khác khen ngợi, ngưỡng mộ, đánh giá cao. Nhiều người biết rõ là không nên khoe khoang về bản thân, nhưng lại không thể ngừng khoe ra cái hay, cái tốt của mình. Đây chính là điểm mâu thuẫn trong tính cách con người. Chúng ta nên học cách thể hiện bản thân một cách khéo léo, để người khác vui vẻ chúc mừng chúng ta chứ không chê cười hay bóc mẽ.
Bạn cần lưu ý rằng trước khi người khác gợi ý thì bạn không nên khoe khoang về mình. Nói cách khác, tự ý khoe khoang về bản thân trước là thiếu lịch sự, cho nên hãy nhường đối phương lên tiếng trước, như vậy sẽ giảm bớt ấn tượng xấu về bạn trong lòng đối phương. Những người thông minh thường chủ động khen ngợi người khác trước, ví dụ như: “Kiến thức của anh thật rộng!”, sau đó đợi đối phương thể hiện thêm thì mới tình cờ nói: “Ồ, chuyện này trước đây tôi cũng có tìm hiểu.” Dành cho nhau những lời khen chân thành vừa thừa nhận năng lực của nhau, vừa khích lệ đôi bên cùng cố gắng hơn nữa.
10
GIỮ THỂ DIỆN CHO NGƯỜI KHÁC
Khi giao lưu, chúng ta không chỉ phải học cách tránh dồn đối phương vào đường cùng, mà còn phải học cách khéo léo giúp đối phương giữ thể diện
Khi muốn tăng cường tiếp xúc, thắt chặt mối quan hệ, nhiều người thường lựa chọn một số hoạt động giao lưu có tính cạnh tranh, phân tranh như cờ vua, cờ tướng, bóng bàn, cầu lông... Mặc dù đây chỉ là các hoạt động giải trí, nhưng mọi người đều muốn giành chiến thắng. Đối với những người có kinh nghiệm xã giao, ngay cả khi bản thân có “thực lực hùng hậu”, có thể giành chiến thắng áp đảo, họ cũng sẽ không khiến đối thủ thua trắng một cách thảm hại. Họ sẽ cố ý thăm dò đối thủ qua một, hai ván, sau đó mới giành chiến thắng một cách “nhọc nhằn”, “đầy may rủi”. Làm như vậy sẽ không khiến đối phương mất mặt, đồng thời bạn cũng không phải chịu thiệt. Câu chuyện dưới đây là ví dụ.
Có cao thủ cờ tướng nọ, sau khi thắng liên tiếp mấy ván, thường cố ý sơ hở để đối thủ thắng lại một, hai ván. Xử sự với người khác cũng giống như chơi cờ vậy, những người trẻ tuổi thường hiếu thắng, dốc hết sức đánh thắng liền bảy, tám ván. Khi đối thủ cảm thấy mất hứng, nhăn mặt cúi đầu khó chịu, anh ta vẫn sung sướng hét lên: “Lại thắng nữa rồi!”
Đây chỉ là những hoạt động xã giao, những trận thi đấu không chính thức, cho nên bạn không cần quá để ý đến chuyện thắng thua. Mục đích chính của những hoạt động này là giao lưu tình cảm, bồi dưỡng quan hệ bạn bè và giải trí. Nếu bạn cứ chăm chăm muốn thắng áp đảo sẽ khiến đối phương có cảm giác đang bị bạn “dằn mặt”, gây căng thẳng cho đôi bên.
Người ta đồn rằng một trong những lãnh đạo của Quốc dân Đảng Trung Quốc là Hồ Hán Dân rất thích chơi cờ tướng, còn rất coi trọng thắng thua. Một lần ông có dịp chơi cờ cùng cao thủ cờ tướng thời đó là Trần Cảnh Di. Họ chơi hai ván, mỗi bên thắng một, thua một. Kết quả đã là vừa đẹp, nhưng Hồ Hán Dân hiếu thắng, muốn chơi tiếp ván thứ ba để phân rõ thắng thua. Đến nước cờ cuối, Hồ Hán Dân bất ngờ bị đối thủ ăn mất quân xe, thế là thua ván quyết định. Hồ Hán Dân vô cùng tức giận, mặt mũi trắng bệch, mồ hôi mồ kê đầm đìa, ngất ngay tại chỗ.
Chúng ta không chỉ phải học cách tránh dồn đối phương vào đường cùng, mà còn phải học cách khéo léo giữ thể diện cho đối phương. Nếu không sẽ rất dễ rơi vào tình huống chủ ý thì tốt mà cách làm thì dở, vốn muốn giúp đối phương lại thành ra làm họ thêm khó xử. Việc này có mấy điểm cần lưu ý như sau:
Không để lộ chủ ý
Muốn “mách nước” để đương sự biết được đường hướng hành sự thì không thể không quan sát tình huống và hành động thật kín đáo, khiến những người có mặt ở đó không hay biết gì. Có một ví dụ kinh điển như thế này: Một lần nọ, một người nước ngoài mời khách dùng bữa tại khách sạn Thiên Tân. Người này mời mười khách và gọi ba chai rượu. Nhân viên phục vụ bàn biết rằng, nếu mời mười khách và gọi năm món ăn, thì ít nhất phải dùng năm chai rượu mới hợp lí. Đây rõ là một người không được hào phóng cho lắm. Nhưng nhân viên phục vụ bàn không tỏ thái độ khác lạ, tự mình rót rượu cho khách. Sau khi dùng xong năm món ăn, rượu trong ly của khách đều còn. Người mời khách cảm thấy rất hãnh diện, tỏ ý cám ơn nhân viên phục vụ và hứa lần sau sẽ quay lại. Mặc dù nhân viên phục vụ có thể dễ dàng “tư vấn” cho người kia gọi năm chai rượu, nhưng như vậy khách sạn sẽ mất đi một “vị khách sẽ quay lại”. Những người giỏi xã giao sẽ lặng lẽ giúp người khác thoát khỏi tình huống khó xử chứ không trực tiếp lên tiếng.
Dùng sự hài hước để “gỡ rối” cho người khác
Hài hước chính là chất bôi trơn trong mọi cuộc giao lưu. Một câu pha trò khiến đôi bên bật cười có thể hóa giải những tình huống ngượng ngùng, khó xử. Khi nhà văn nổi tiếng Trung Quốc là Phùng Ký Tài đến thăm nước Mỹ, một người bạn bản xứ đã dẫn theo con trai đến thăm ông. Khi hai người nói chuyện thì cậu bé nô đùa rất hiếu động, trèo lên giường của Phùng Ký Tài và bật nhảy ầm ầm. Nếu Phùng Ký Tài yêu cầu cậu bé đứng xuống đất sẽ khiến bố cậu bé xấu hổ, đồng thời cũng thể hiện ông không nhiệt tình đón tiếp họ.
Vì vậy Phùng Ký Tài đã nói đùa một câu thế này: “Xin nhờ anh mời con anh trở về Trái Đất với chúng ta nào!” Người bạn kia đáp: “Vâng, đợi tôi bàn với cháu xem sao!” Kết quả Phùng Ký Tài vẫn đạt được mục đích mà đôi bên cùng vui vẻ.
Tôn trọng người thua cuộc
Những người vĩ đại đều rất giỏi giữ thể diện cho người khác và cũng tuyệt không lãng phí thời gian để tranh giành hơn thua cá nhân.
Năm 1922, sau mấy thế kỉ đối địch, Thổ Nhĩ Kì hạ quyết tâm quét sạch quân Hi Lạp khỏi lãnh thổ và cuối cùng quân Thổ Nhĩ Kì đã thắng. Khi hai tướng Hi Lạp là Tricoupis và Dionis đi tới tổng hành dinh của Kémal – chỉ huy của quân Thổ Nhĩ Kì để đầu hàng, binh sĩ đã lớn tiếng chửi bới, sỉ nhục họ. Kémal lại không hề tỏ vẻ vênh vang của bên thắng cuộc. Ông dùng phong thái quân nhân tiếp quân nhân để nói chuyện cùng Tricoupis và Dionis. Ông nói: “Hai vị, xin mời ngồi! Hai vị hẳn cũng đều mệt rồi. Trên chiến trường chẳng ai tự tin rằng mình là mạnh nhất, có khi người ưu tú lại là kẻ chiến bại.”
Tương tự như vậy, nếu bạn bất chấp tình nghĩa mà chỉ trích ai đó, làm tổn hại đến lòng tự tôn của đối phương, làm đối phương mất hết thể diện thì rất dễ phá hỏng mối quan hệ từng có giữa đôi bên, cũng khiến bạn mất đi nhiều thứ.
Trước khen sau chê
Khi được khen trước sau đó mới bị phê bình thì tâm trạng của người nghe sẽ không quá khó chịu, sẽ cảm thấy lời góp ý này cũng có phần có lí và dễ dàng tiếp thu hơn.
Tổng thống thứ 30 của nước Mỹ là John Calvin Coolidge từng có một lần phê bình một nữ thư kí của mình như sau: “Chiếc váy hôm nay rất hợp với cô đấy, nó khiến cô thật xinh đẹp. Nhưng tôi hi vọng về sau cô sẽ chú ý đánh số và ghi chú cẩn thận lên tài liệu. Như vậy, bản tài liệu cô chuẩn bị cũng sẽ đẹp như bộ váy của cô vậy.”
Nhắc nhở gián tiếp về sai lầm của người khác
Một lần Charles Robert Schwab2 đến thăm nhà máy thép vào buổi trưa và bắt gặp một số công nhân của mình hút thuốc ngay bên cạnh tấm biển “Cấm hút thuốc”. Schwab không hỏi họ: “Lẽ nào các anh đều không biết đọc chữ?”, vì làm làm như vậy chỉ gây thêm ức chế cho họ. Schwab đã có một hành động tràn đầy thấu hiểu, đó là đi tới đưa cho nhóm công nhân mỗi người một điếu xì gà và nói: “Các vị, nếu có thể ra ngoài và hút nó, tôi sẽ rất biết ơn.” Nhóm công nhân này thấy thế thì rất ngại ngùng, biết bản thân đã vi phạm quy định và tự giác đi thu dọn “hiện trường”. Từ sự việc này, họ càng thêm nể trọng Schwab. Người thấu tình đạt lí và khéo ứng xử như Charles Robert Schwab chính là kiểu người mà ai cũng muốn cùng cộng tác.
2 Charles Robert Schwab (1937): Nhà đầu tư người Mỹ, người sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn Charles Schwab, một trong những công ty chuyên về môi giới chứng khoán và ngân hàng lớn nhất tại Mỹ.
Có thể thấy việc giữ thể diện cho người khác là một cách xử thế đúng đắn. Đây chính là một phương pháp thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.