Những mối quan hệ giữa người với người của xã hội ngày xưa so với thời đại văn minh hiện nay xem ra vẫn hòa nhã hơn nhiều. Bởi vì khi đó người ta thường xuyên sử dụng một lối ngôn ngữ nhã nhặn, khiêm tốn để ứng đối nên hai bên ít khi xảy ra việc đấu khẩu, cãi cọ.
Ví như, khi gặp mặt nhau, người ta lần lượt sẽ hỏi thăm họ tên, tuổi tác, quê quán, cha mẹ, nghề nghiệp; hay nói với nhau những câu như: xin phiền ghé thăm, xin được dạy bảo, xin được chỉ dạy, v.v. Bởi vì mọi người đều cư xử với nhau bằng lễ, cho nên dù có muốn gây tranh chấp, đấu khẩu, cũng không phải chuyện dễ dàng gì!
Ngày nay ở trong tùng lâm tự viện, những khách tăng từ xa đến cũng có một quy cách dùng từ của tùng lâm, có thể khiến cho mọi người “khẩu hòa vô tránh”1 mà ứng xử với nhau một cách hòa nhã. Ví dụ: chúng con xin đảnh lễ ngài, xin hỏi pháp hiệu của ngài, cảm phiền ngài từ bi khai thị cho đệ tử, v.v.
1 Lời nói hòa hợp, không có tranh cãi.
Có thể thấy, mặc dù mọi người đến từ các nơi khác nhau, mỗi người lại có tính cách khác nhau, nhưng vì sử dụng chung một lối ngôn ngữ mang tính lễ độ, nên hai bên cũng không dễ sinh so bì, tranh chấp.
Trong xã hội thời nay, lớp thanh thiếu niên thường chỉ bởi vì một lời không vừa ý thì liền xảy ra tranh chấp, thậm chí ra tay đánh nhau; vấn đề chính vì họ không có một lối ngôn ngữ “khiêm tốn đón nhận dạy bảo”. Ví như ngày nay khi gặp nhau, hai bên đều nói những câu như: Mày tên gì? Ở đâu? Con thứ mấy? Làm nghề gì? Đứng yên đấy! Sao mày nói như vậy? v.v. Bởi vì vừa mở đầu câu chuyện đã dùng những câu chất vấn, những lời lẽ sắc nhọn đối đầu với nhau, như vậy thì sự tình sau cuộc nói chuyện sẽ thế nào, chắc hẳn bạn cũng biết được rồi.
Lời nói của người biết “khiêm tốn đón nhận dạy bảo” chính là những lời hay ý đẹp, có nội dung khẩu hòa vô tránh, là sự mở đầu hài hòa cho cuộc trò chuyện. Ở gia đình, thường xuyên nói với cha mẹ rằng: Vâng, con xin nghe lời cha mẹ dạy; ở trường học thì nói: Vâng, em xin được thầy cô giáo dạy bảo; ra ngoài xã hội thì nói: Vâng, con xin nghe lời ông, lời chú, lời bác, lời lãnh đạo, bạn bè, người thân, xóm giềng, v.v. khuyên nhủ dạy bảo. Đôi khi mặc dù bạn đáng bị khiển trách, nhưng chính nhờ sự khiêm hạ và lễ phép của bạn sẽ khiến đối phương không những không trách mắng mà ngược lại còn phải khen ngợi, tán dương bạn.
Một người khi học cách nói chuyện, trước tiên cần học nói những lời nhã nhặn, ví dụ: xin mời, ngại quá, cảm ơn bạn, thật là xin lỗi, thật là hổ thẹn, làm phiền bạn rồi, cảm ơn đã nâng đỡ, cảm ơn đã cho tôi cơ hội học tập, tôi có thể giúp bạn điều gì không, v.v. Cho tới những lời trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, như khi khách đến: rất hân hạnh được đón tiếp; khi khách đi: lần sau xin được mời ghé thăm; khi dùng cơm: mời thưởng thức; khi uống trà: mời dùng; cho đến lần đầu gặp nhau: thật là hân hạnh khi được quen biết, xin quan tâm chiếu cố, xin được giúp đỡ, đâu dám đâu dám, xin chớ ngại dạy bảo, v.v. Nếu như mọi người có thể thường xuyên nói những lời này, ắt hẳn sẽ giảm đi rất nhiều so đo vô nghĩa giữa ta và người, và tất nhiên sẽ làm tiêu tan hết mọi rắc rối phiền lòng.
Người xưa có câu: “Một lời nói có thể làm cho đất nước thêm mạnh, một lời nói cũng có thể làm cho nước mất nhà tan”. Một câu nói hay có thể rút ngắn khoảng cách giữa ta và người, một câu nói hay có thể giải quyết xung đột giữa ta và người, vậy thì tại sao bạn lại không muốn nói cơ chứ?