Trong các nhân vật chính trị thời gian gần đây, Tưởng Trung Chính dù ba lần mất chức, song vẫn xác lập vị trí của mình trong lịch sử; Đặng Tiểu Bình cũng phải trải qua ba lần rớt chức, ba lần lên chức trong sự nghiệp chính trị, cuối cùng kiến lập nên một xã hội cải cách mở cửa cho Trung Quốc. Đó đều là minh chứng cho việc “nhấc lên được thì buông xuống được” mà có được thành công.
“Nhấc lên được thì buông xuống được”, giống như chiếc gàu dùng để múc nước giếng, có thể nhấc lên được, cũng có thể thả xuống được. Chúng ta thấy rất nhiều nhân vật chính trị, nghệ sĩ biểu diễn, một khi sự nghiệp không được như ý, họ liền không thể buông bỏ. Ngay cả những người bình thường khi vấp ngã trong tình yêu hoặc thất bại trong kinh doanh buôn bán, cho đến học sinh thi rớt, v.v. họ đều không tài nào buông bỏ nổi những tâm lý hụt hẫng đó. Buông không được, tự nhiên nhấc cũng không lên, do đó sẽ cảm thấy đường đời phía trước thật gian nan, có người nghiêm trọng thậm chí đã khởi lên ý định tự tử.
Một vị ngoại đạo Bà la môn mang hai bình hoa đi gặp Đức Phật. Vừa gặp mặt, Đức Phật liền bảo ông ta: “Buông xuống!” Vị Bà la môn nghe lời, buông một bình hoa trong tay. Đức Phật lại bảo: “Buông xuống”, ông ta lại buông tiếp bình hoa còn lại. Đức Phật lại nói: “Buông xuống!” Vị Bà la môn không hiểu: “Mọi thứ tôi đều đã buông xuống rồi, Ngài còn bảo tôi buông gì nữa?” Phật nói: “Ta bảo ông buông xuống, không phải kêu ông thả bình hoa xuống. Ta muốn ông buông bỏ tâm niệm ngạo mạn, kiêu căng, sân hận, tật đố, oán giận và những cảm xúc không tốt khác; hết thảy đều phải nên buông bỏ”.
Thông thường đối với mọi người, bạn bảo họ buông bỏ công danh phú quý vốn đã là chuyện rất khó; bảo họ bỏ đi những sự ưa thích, giận hờn, buồn sầu, vui vẻ trong tâm thì lại càng không dễ dàng! Hiện nay, trong những buổi lễ tốt nghiệp của các trường ở một số quốc gia trên thế giới, ta thấy hình ảnh thầy hiệu trưởng đích thân rửa chân cho các học sinh. Điều này thể hiện bản thân người hiệu trưởng có thể “nhấc lên được thì buông xuống được”, đồng thời cũng khuyến khích học sinh nuôi dưỡng đức tính khiêm nhường.
Ở Trung Quốc đại lục, những người phải vào trại cải tạo sau cuộc cách mạng văn hóa, nếu như không thể “buông xuống được”, thì hôm nay làm sao có thể “nhấc lên được”? Trầm Khánh Kinh một đời từng trải qua giàu sang, phá sản, ngồi tù; sau khi ra tù lại có thể “dựng lại cơ nghiệp”. Đó cũng là minh chứng cho việc buông xuống được mới có thể nhấc lên lại.
Trong xã hội hiện nay lan truyền một câu nói rất nổi tiếng: Hạ thấp cái tôi của mình! Bởi vì rốt cuộc trên thế gian “không hoa nào tươi trăm ngày, không người nào đẹp ngàn ngày”; có thể hạ thấp cái tôi, mới có thể “nhấc lên được, buông xuống được”. Giống như vua Tuyên Thống1 của triều đại nhà Thanh, vốn là thiên tử tôn quý, nhưng đến cuối cùng lại trở thành một người dọn vệ sinh tại công viên Trung Sơn ở Bắc Kinh. Nếu như ông không thể buông bỏ thân phận trước đây của mình thì làm sao có thể sinh tồn trên đời này cơ chứ?
1 Hay Ái Tân Giác La Phổ Nghi (1906 - 1967), là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ chuyên chế trong lịch sử Trung Quốc nói chung.
Làm người xử thế nên giống như chiếc vali, khi cần dùng thì nhấc lên, khi không cần dùng thì đặt xuống. Công danh phú quý ở đời vốn là thứ mà ai ai cũng mong cầu, nếu những thứ đó có thể được dùng để phục vụ xã hội loài người, thì điều đó cũng không phải là không tốt; nhưng nếu gặp phải lúc nhân duyên không đủ, khiến ta đánh mất đi công danh phú quý, thì khi ấy cũng cần phải biết buông bỏ.
Đời người phải nên tùy duyên, lúc lớn lúc nhỏ, lúc cong lúc thẳng, lúc có lúc không, lúc cao lúc thấp, như vậy mới xây dựng được một cuộc đời vạn năng. Con người thời nay thường chỉ vì một câu nói mà không thể bỏ qua, một sự việc mà không thể buông được, thậm chí vì một người mà cứ khắc khoải ghi nhớ mãi. Nguyên nhân của những điều này đều là vì tâm không đủ sức dung chứa. Nếu như tâm của ta rộng rãi, có khả năng “nhấc lên được, buông xuống được” thì còn lo gì sự nghiệp không thành?