Đời người có hai loại, một loại là đời người có hạn, chỉ kéo dài được mấy chục mùa nóng lạnh; một loại là đời người vô hạn, không sinh không diệt. Đức Phật có ứng thân, có pháp thân. Ứng thân tức là thân có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, và cũng có sinh diệt; còn pháp thân là thể tính chân thực của Phật, có chiều dọc xuyên suốt cả ba đời, chiều ngang thì rộng khắp cả mười phương, là “thường, lạc, ngã, tịnh”, là không sinh không diệt.
Hiện nay, mặc dù chưa chứng ngộ được pháp thân không sinh không diệt, nhưng chúng ta có thể dùng ý nghĩa của pháp thân để áp dụng linh hoạt vào trong đời sống. Ví dụ, chúng ta có thể mở rộng cuộc sống, chỉ cần bốn phương tám hướng đều thoáng đạt hanh thông, thì đời người có thể rộng khắp mười phương; chỉ cần chúng ta gieo kết thiện duyên khắp nơi, lập tức nhân sinh có thể dọc suốt ba đời.
Ở trong thế giới mười phương ba đời này, những kiến thức thiên văn địa lý, những trí tuệ liên quan đến khoa học và triết học, thậm chí một hạt cát, một viên đá, một cành cây, một ngọn cỏ, hay bất cứ một sự việc kỳ diệu nào ở thế gian, đều là những kiến thức ta cần phải theo đuổi và khám phá.
Thế nào là “dọc cả ba đời”? Đó là, đối với những bậc thánh hiền, quân tử, trưởng giả, người tốt việc tốt từ xưa đến nay, ta đều có thể tiếp xúc với họ bằng thần giao cách cảm, bất kể thời gian. Còn thế nào là “ngang khắp mười phương”? Tương tự như mạng Internet hay E-mail của thời nay, dù chỉ ở một mình trong ngôi nhà nhỏ, ta vẫn có thể gặp gỡ, qua lại với mọi người trên khắp thế giới. Hiện nay chẳng phải chúng ta đều đã “dọc cả ba đời, ngang khắp mười phương” rồi hay sao?
Thật ra, chúng ta cũng có thể đem “dọc cả ba đời, ngang khắp mười phương” để ứng dụng trong các quy tắc xử sự của mỗi người. Ví dụ, trước khi nói một câu nói hay làm một công việc, bạn cần phải tìm hiểu về tất cả các mối liên quan đến con người, công việc mà bạn định nhắc đến, bởi vì nếu không thể “ngang khắp mười phương”, thì bạn sẽ phải chịu những đợt sóng chỉ trích tấp nập kéo đến. Cho dù bạn làm bất cứ việc gì, cũng cần phải tiếp nhận từ trên mà phát huy xuống dưới, cần phải đi “dọc cả ba đời”, nếu không sẽ chịu rất nhiều sự đối kháng và áp lực từ bên ngoài.
Cho nên, mọi người khi đối nhân xử thế cần nhớ, đã có qua lại của chiều ngang, vẫn cần có quan hệ của chiều dọc; đã có quan hệ của chiều dọc, cũng cần có qua lại của chiều ngang. Nếu bạn hiểu được mối liên hệ của chiều ngang thì cũng sẽ hiểu được mối bận tâm của chiều dọc, có vậy bạn mới có thể có được “đời người ngang dọc”.
Los Angeles là thành phố phía Tây của nước Mỹ, sở hữu tuyến đường cao tốc giống như mạng nhện, đông tây nam bắc, dọc ngang mấy chục con đường. Quan sát kỹ lưỡng ta thấy, hễ là đường chạy theo hướng Đông - Tây đều là tuyến đường chẵn; hễ chạy theo hướng Nam - Bắc đều là tuyến đường lẻ. Mặc dù hệ thống đường đi có đan chéo phức tạp, nhưng chúng lại có quy tắc; chính vì có quy tắc nên rất hoàn chỉnh, giống như “đời người ngang dọc”.
Khi đáng “ngang” nên “ngang khắp mười phương”, khi đáng “dọc” cần “dọc cả ba đời”. Sợi tơ có ngang có dọc mới có thể dệt thành tấm vải; cốt sắt xây nhà có ngang có dọc thì công trình mới chắc chắn được. Con người nếu béo lên, phát triển theo chiều ngang, như vậy không tốt; nếu như gầy quá, chỉ phát triển theo chiều dọc, như vậy cũng không nên; điều tốt nhất là dọc ngang đều có thể phát triển một cách quân bình.
Địa lý không gian của thế giới đều là ngang; lịch sử thời gian của vũ trụ đều là dọc. Nếu chúng ta đủ khả năng để vận dụng, đủ khả năng để chú ý, đủ khả năng để nắm bắt linh hoạt cả thời gian và không gian ấy, khi đó tức là chúng ta đã có một “đời người ngang dọc” rồi.