Đường Bá Hổ1 từng nói: “Đời người bảy mươi xưa nay hiếm, tôi tuổi bảy mươi là tốt rồi. Mười năm đầu tiên là tuổi thơ, mười năm cuối cùng là già yếu. Khoảng giữa chỉ có năm mươi năm, một nửa qua đi là ban đêm, tính lại chỉ còn hai mươi lăm năm. Trong đó cần ăn cơm, đi ngoài, lại còn bao nhiêu là thất bại, bao nhiêu là đau buồn, bao nhiêu là phiền não!”
1 Đường Bá Hổ hay Đường Dần (1470 - 1524), là nhà văn, nhà thơ, đồng thời là một danh họa nổi tiếng thời nhà Minh. Tương truyền ông sinh vào giờ Dần, ngày Dần, tháng Dần, năm Dần nên có tên là Đường Dần.
Vì vậy, cho dù đời người mấy mươi mùa lạnh nóng, cũng chỉ như tài khoản trong ngân hàng, là có hạn, có lượng, có hết, do đó phải sử dụng thật tốt. Xã hội ngày nay phổ biến một câu nói: “Tận dụng từng phút từng giây”; Phổ Hiền cảnh chúng kệ1 cũng có câu: “Ngày nay đã qua, mạng cũng giảm dần; như cá thiếu nước, nào có vui gì?” Vì vậy, từng phút từng giây trong cuộc đời, chúng ta đều không được phép dễ dàng bỏ qua.
1 Là bài kệ xuất hiện trong các kinh như Hoa nghiêm kinh, Pháp cú kinh; thường được trích trong các bài khóa tụng thường nhật. Bài kệ này thể hiện quan điểm tinh tấn mà Phật giáo khởi xướng.
Sinh mệnh là rất quý, nhưng sinh mệnh chỉ kéo dài trong hơi thở, vậy sao chúng ta lại không thể tận dụng thật tốt khoảng thời gian trong cuộc đời hữu hạn này?
Nếu là người nội trợ trong gia đình, mỗi ngày bạn phải đi chợ mua thức ăn, những khoảng thời gian vụn vặt trên đường đi và về đó, bạn sẽ xử lý như thế nào? Mỗi ngày bạn phải nấu cơm, quét nhà, giặt đồ, và trong khi làm những công việc nhà ấy, bạn để tâm mình ở nơi nào? Khoảng thời gian giữa ba bữa ăn, bạn để chúng trôi qua ra sao? Nếu như bạn có thể tận dụng thời gian trên đường đi chợ và về nhà để tính toán kinh tế gia đình, lên kế hoạch làm thế nào để tiết kiệm nguồn chi tiêu; hoặc là kiểm điểm những điều tốt xấu của bản thân, như vậy trí tuệ ắt sẽ tăng trưởng. Hoặc bạn có thể tranh thủ thời gian rửa bát đĩa, dọn dẹp nhà cửa để niệm Phật, như người thợ rèn: “Boong boong beng beng, luyện lâu thành thép; thời giờ đã đến, ta về Tây phương”1.
1 Xưa có một người thợ rèn, gia đình rất nghèo khó, làm việc quanh năm cũng chỉ vừa đủ ăn. Một hôm ông gặp một vị pháp sư, được vị pháp sư khuyên nên tu hành pháp môn niệm Phật để có thể thoát khổ. Từ đó ông hoan hỷ làm theo, cứ mỗi lần gõ búa, ông lại niệm một tiếng A Di Đà Phật. Được ba năm, ông nói với người vợ rằng mình sắp về tới nhà, chính là về với thế giới Cực lạc. Trước khi vãng sinh, ông có để lại bài kệ này.
Nếu là một học sinh, sáng sớm bạn đi xe buýt, hoặc ngồi xe ô tô đến trường, bạn có thể tận dụng những lúc này để học từ vựng tiếng Anh, lên trước dàn ý cho bài văn của mình. Thậm chí khoảng thời gian trước và sau mỗi tiết học ở trường, bạn đều có thể tận dụng chúng để giải bài tập hoặc suy nghĩ về đáp án của bài kiểm tra. Nếu như khéo sử dụng thời gian vụn vặt thì hơn mười năm trong đời học sinh, bạn sẽ có thời gian chuẩn bị bài nhiều hơn so với người khác.
Nếu là một nhân viên trong ngành giáo dục, hay một nhân vật chính trị, học giả kinh tế, nhân viên trong các nhà máy xí nghiệp, v.v. cứ mỗi khoảng thời gian trước và sau khi làm việc, hoặc là trong những lúc rảnh rỗi, cho đến lúc dùng cơm, bạn đều có thể dành chút thời gian suy nghĩ về những điều tốt xấu của mình, tổng kết những chỗ được và chưa được trong cách xử sự của mình, để chuẩn bị tốt cho bước kế tiếp. Rất có thể chỉ trong vài phút ngắn ngủi này, bạn lại tạo nên được ảnh hưởng nhất định đối với sự nghiệp tương lai, đồng thời cống hiến và phát huy những ý tưởng không thể ngờ tới.
Người biết tận dụng thời gian, có lúc ngay cả trong giấc mơ cũng suy nghĩ về những điều đã nghe đã biết. Nếu có thể tận dụng từng giây từng phút trong cuộc đời, điều này không những giúp tăng thêm hiệu quả làm việc, mà còn có thể kéo dài thọ mệnh của bản thân!