Đời người có tám thứ khổ, trong đó “oán tắng hội khổ” chính là gặp người, gặp việc không vừa ý, từ đó tâm sinh ra oán hận, tức giận, cho nên mới phải chịu khổ, không thể diễn tả hết.
Lúc còn nhỏ, từ thầy giáo, người lớn, cho đến cha mẹ đều dặn đi dặn lại, dạy bảo chúng ta không nên tức giận, nhưng chúng ta gần như đều bỏ ngoài tai, thường xuyên trút giận lên người này việc nọ. Ví dụ, nhìn thấy bạn không thân thiện, không tôn trọng tôi, điều đó làm tôi muốn nổi giận; thấy bạn tốt, bạn giàu sang, tôi lập tức muốn nổi giận; thấy tư tưởng, quan niệm của bạn khác với tôi, tôi cũng muốn nổi giận. Bạn phát tài, tôi nổi giận; bạn có tên trên bảng vàng, công thành danh toại, tôi cũng muốn nổi giận. Bạn không tốt với tôi, tôi nổi giận; bạn làm việc quá tốt, tôi cũng muốn nổi giận. Thậm chí bởi vì bản thân quá nhạy cảm, do đó chỉ cần một câu nói, một ánh mắt của người khác thôi cũng rất dễ khiến tôi tức giận.
Con người thời nay bởi vì quá dễ dàng tức giận, do đó khắp nơi trong xã hội đầy rẫy những sát khí, oán khí, nộ khí, cho đến uế khí, trược khí, v.v. mọi thứ thật là đen tối, hỗn loạn. Mặc dù cha mẹ thầy cô luôn luôn bảo ban chúng ta cần “vươn lên” chứ không nên “tức giận”, nhưng mỗi khi gặp phải khổ nhọc thất bại, chúng ta đều không thể kiên cường nhẫn nại, không biết làm sao để tự mình vươn lên.
“Chớ có tức giận mà cần vươn lên”, đây quả là một câu châm ngôn thật sự chí lý. Vươn lên, không phải bảo chúng ta vì một cơn giận nhất thời để rồi đi tranh giành, đấu đá; mà là khuyên chúng ta dùng tâm chân chính dốc hết sức lực, không ngừng vươn lên. Như Chính khí ca của Văn Thiên Tường1, khuyến khích con người ta nên dùng chính khí đối trị tà khí; Mạnh Tử cũng nói cần nuôi dưỡng tinh thần chính đại cương trực, khuyến khích mọi người mở rộng tấm lòng để xóa bỏ tính khí hẹp hòi, ích kỷ.
1 Văn Thiên Tường (1236 - 1283) là thừa tướng của triều đại Nam Tống. Ông nổi tiếng là người trung nghĩa lẫm liệt. Nhà Nguyên sau khi tiêu diệt được nhà Tống rất muốn có sự phục vụ của ông, bèn tìm đủ mọi cách từ việc đem chức tể tướng ra dụ dỗ cho đến tra tấn thể xác lẫn tinh thần nhưng đều không thành. Sau ba năm cảm thấy không thể nào khuất phục được ông, vua Nguyên hết cách bèn ra lệnh xử tử nhưng vẫn khen ông là bậc “chân nam tử”.
Từ xưa đến nay, chúng ta hoàn toàn không phán định sự thành tựu của người quân tử nhân từ trong lịch sử dựa trên phương diện danh vị hay tiền tài, mà điều đáng để chúng ta ca tụng, khen ngợi chính là khí phách và lòng độ lượng rộng lớn mênh mông ở họ.
Vươn lên cũng có nghĩa là không vì thất bại nhất thời để rồi suy sụp nhụt chí, mà nên hết sức nỗ lực cầu tiến; không vì thất bại nhất thời mà đánh mất tinh thần, phải nên chấn chỉnh tinh thần để vượt qua; không vì nghèo khổ nhất thời mà buồn rầu, cần phải cổ vũ tinh thần, càng gắng sức vươn lên. Khi một người đang phải chịu thiệt thòi hay đang gặp thất bại, chỉ có tự mình nỗ lực vươn lên, có thể lấy tâm nguyện làm động lực, có thể biến bi thương phẫn nộ thành sức mạnh, thì người ấy mới có tương lai xán lạn.
Một người sở dĩ nổi cơn tức giận chủ yếu là vì những muộn phiền tích tụ trong tâm quá nhiều. Hy vọng chúng ta hãy biết vươn lên, không nên tức giận, càng không nên suy sụp. Đừng tự biến mình thành một quả bóng da đã hết hơi, bởi khi ấy chúng ta chẳng còn giá trị gì để mà nói nữa cả. Chỉ có sức nỗ lực phấn đấu của mỗi người mới có thể giúp cho bản thân đứng lên từ chính nơi vấp ngã!
Muốn vươn lên trước tiên cần có chí khí. Lập chí hướng thượng, lập chí làm người, lập chí vươn lên; lập chí chính là nguồn động lực để vươn lên. Nếu như chúng ta muốn không tức giận thì ắt phải vươn lên, nếu chúng ta muốn vươn lên thì trước phải lập chí. Người có chí khí, còn lo gì mọi việc chẳng thành?