Vẻ vang là điều mà mọi người đều mong cầu. Học trò mười năm khổ công đèn sách, chủ yếu chính là hy vọng được vẻ vang khi “bảng vàng đề tên”; các vận động viên tham dự Olympic trải qua bao nhiêu năm khổ luyện, cũng là hy vọng có được vẻ vang khi giành được huy chương.
Vẻ vang, mọi người đều hy vọng; vẻ vang, mọi người đều theo đuổi. Nhưng, quá tham đắm vào đó, nhất là sau khi “vẻ vang nhất thời” rồi, lại lưu lại tiếng xấu muôn đời, thì cái được đó không bằng cái mất.
Viên Thế Khải chỉ vì ngai vàng quý giá đã thỏa thuận với quân xâm lược để lên ngôi hoàng đế, song được ba tháng ngắn ngủi thì nhận lấy cái chết, để lại tiếng chê ngàn đời. Ngược lại, Tôn Trung Sơn chỉ đảm nhiệm chức vụ tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc có ba tháng liền từ chức, nhưng đến hôm nay vẫn được tôn xưng là Quốc phụ. Vì vậy, vẻ vang cần duy trì liên tục không ngừng, sự việc đã lỗi thời rồi thì chẳng thể gọi là vẻ vang; màu mây rực rỡ của chiều tàn, vầng tịch dương lặn về Tây, còn có gì đáng để lưu luyến?
Lý Đăng Huy làm tổng thống mười hai năm, bị bãi nhiệm chưa đến mấy tháng thì đã hoàn toàn bặt vô âm tín. Còn những vị lãnh đạo như Tưởng Kinh Quốc, Đại sư Thái Hư, Đại sư Hoằng Nhất, v.v. đến nay vẫn còn được người đời ưa thích bàn đến. Sự khác nhau giữa “vẻ vang nhất thời” và “thành tựu lịch sử”, từ đó có thể nhìn ra được phần nào.
Có người lúc sống thì vẻ vang, sau khi chết rồi mới mang theo tiếng chửi rủa của người đời, ví dụ Tần Cối1 của triều Tống, Ngụy Trung Hiền2 của triều Minh, v.v. Có người mặc dù lúc sống vẻ vang, cuối đời cũng không bị người đời thóa mạ, nhưng sau khi chết thì bi thương vô cùng, ví như Tề Hoàn Công, người chín lần họp chư hầu, chỉnh đốn thiên hạ, được thời bấy giờ xưng làm bá chủ, sau khi chết hơn sáu mươi ngày vẫn không có người đến liệm xác, thật hết sức bi thương!
1 Tần Cối (1091 - 1155), là thừa tướng thời Nam Tống, người lãnh đạo phái chủ hòa trong chiến tranh Tống - Kim, vì để nghị hòa với nhà Kim đã hãm hại rất nhiều trung thần nhà Tống.
2 Ngụy Trung Hiền (1568 - 1627), là một trong những đại hoạn quan trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người cầm đầu “đảng hoạn quan” dưới thời Minh Hy Tông trong việc lũng đoạn triều chính, thâu tóm mọi quyền lực trong tay, đồng thời tiêu diệt tất cả những người không cùng phe cánh với mình một cách không khoan nhượng.
Có người trung nghĩa can đảm, khi sống mặc dù gặp phải nhiều hoạn nạn, nhưng sau khi chết, danh tiếng vẫn lưu truyền sử xanh, để lại tiếng thơm muôn đời, vĩnh viễn được người sau nhớ đến, ví như gia đình Triệu Thuẫn trong Cô nhi nhà họ Triệu1; cùng với Tôn Thúc Ngao phụ tá Sở Trang Vương xưng bá; Bách Lý Hề giúp đỡ Tần Mục Công chinh phạt Tây Nhung, mở rộng lãnh thổ, v.v. Những vị đó đến nay chẳng phải đều được mọi người khen ngợi sao?
1 Câu chuyện diễn ra ở nước Tấn thời Xuân Thu. Nhà họ Triệu (một trong sáu gia tộc lớn của nước Tấn) bị Đồ Ngạn Cổ gièm pha nên bị xử chết cả nhà, chỉ còn một người con trai là Triệu Vũ được một môn khách là Trình Anh cứu sống. Để thoát khỏi sự truy sát của Đồ Ngạn Cổ, Trình Anh đã đem người con trai ruột của mình để thế mạng cho Triệu Vũ, đồng thời giấu Triệu Vũ ở một nơi và nuôi lớn trưởng thành.
Có người được vẻ vang thì cả thế giới đều biết, có người được vẻ vang thì chỉ một người tán thưởng. Ví dụ, trong lòng cha mẹ, ta là một đứa con vẻ vang; trong quan hệ vợ chồng, ta là một người chồng, một người vợ vẻ vang; ở trong đoàn thể, ta là một hội viên vẻ vang; ở trong quốc gia, ta là một công dân vẻ vang. Những vinh quang, vẻ vang này chẳng phải có ý nghĩa hơn hẳn thứ “vẻ vang nhất thời” kia sao?
Marie Curie nhờ phát hiện ra nguyên tố hóa học Radium (Ra) mà nổi tiếng toàn cầu, nhưng bà chỉ xem bằng khen của Hiệp hội Hoàng gia Anh ban thưởng như một thứ đồ chơi của con. Bởi vì bà biết rằng không thể giữ lấy sự “vẻ vang nhất thời” rồi cho đó là dài lâu, bằng không thì một việc cũng chẳng thể thành tựu.
Nói một cách chính xác, cho dù là đối với con người hay sự nghiệp, đều không nên cho rằng vinh quang trong quá khứ có thể được khẳng định lâu dài, bởi lẽ thành tựu trong hiện tại mới là điều quan trọng. Song “hiện tại” lập tức trở thành “quá khứ”, kế đến lại có một “hiện tại” tiếp theo. Do đó, chúng ta không thể có tâm tự mãn, phải biết “thận trọng ngày mới, ngày ngày đổi mới, lại ngày ngày đổi mới”, mới có thể theo kịp sự tôi luyện của thời gian. Sự thấu hiểu thế tình của Marie Curie, thật sự đáng để chúng ta suy ngẫm!