Một số tín đồ của tôn giáo khác thường phê bình Phật giáo là tôn giáo sùng bái thần tượng. Quả thật không sai, Phật giáo không những không bài xích sùng bái thần tượng, ngược lại còn khuyến khích con người cần có quan niệm thánh hiền, thần tượng, bởi vì nếu như trong tâm không có thần tượng, làm sao biết ra sức học tập để sánh vai cùng họ được?
Trong lịch sử, bao nhiêu bậc minh quân thánh hiền đều là thần tượng của chúng ta; các vị trung thần nghĩa sĩ cũng là thần tượng của chúng ta; thậm chí cha mẹ thầy cô, bạn bè có đức có học đều là thần tượng của chúng ta. Nếu không có vô số những thần tượng này, vậy chúng ta biết học hỏi ai? Mục tiêu của chúng ta ở đâu?
Với người Phật tử, khi nhìn thấy thánh tượng của Đức Phật, ta đảnh lễ quỳ lạy; nhìn thấy thánh giá của Chúa Jesus, chúng ta cũng khen ngợi Ngài. Thần tượng là niềm tin tốt đẹp, là tín ngưỡng thăng hoa. Thanh thiếu niên ngày nay, bởi vì thiếu sự ngưỡng mộ đối với những vị lãnh tụ xã hội, thiếu sự tin tưởng sùng bái đối với thần tượng thánh hiền, do đó buông thả mặc sức làm việc xằng bậy, xem thường pháp luật, xem thường kỷ cương. Với những hành vi như vậy, chẳng lẽ họ có thể thành tựu tương lai cho chính mình được sao?
Thật ra mọi người ai cũng đều có quan niệm về thần tượng. Một tấm vải may thành lá cờ tổ quốc, vì lá cờ ấy ta có thể hy sinh, bởi vì đó không còn đơn thuần là một mảnh vải, mà đó là đại diện, là biểu tượng cho đất nước của ta. Một khúc gỗ có thể đem đi đốt lửa, nhưng khi làm thành bài vị của tổ tiên, ta phải đặt nó lên thờ phụng, đó chính là sùng bái thần tượng.
Một tấm vải đã may thành lá cờ tổ quốc, mặc dù rách nát đến mấy, ta vẫn kính cẩn nghiêm túc trước nó; một tấm vải được xem là lụa là gấm vóc, nhưng do không đủ để may một bộ quần áo thì ta có thể bỏ đi mà không cần màng đến, bởi vì nó vô dụng đối với chúng ta. Chất liệu vải giống nhau, làm thành mũ thì đội trên đầu, làm thành dép thì mang dưới chân; giá trị của vải đều như nhau, nhưng làm thành mũ hay là thành dép, giá trị cao thấp của chúng trong lòng ta cũng sẽ không giống nhau.
Phật giáo tùy thuận theo pháp thế gian, chủ trương con người cần có thần tượng để sùng bái, nhưng theo giáo lý tối cao vô thượng của Phật giáo thì không có quan niệm thần tượng. Giống như một người muốn qua sông thì cần có thuyền bè, một khi đã qua sông rồi, tất nhiên là không cần vác thuyền bè theo nữa.
Ngày xưa, Thiền sư Đơn Hà đến ở nhờ trong một ngôi chùa, do thời tiết quá lạnh cho nên đã lấy tượng Phật chẻ thành gỗ để đốt lửa. Thầy tri sự vừa thấy, hết sức tức giận mắng rằng: “Tại sao thầy đốt tượng Phật?”
Thiền sư Đơn Hà nói: “Tôi đang đốt để tìm xá lợi!”
“Nói bậy! Tượng Phật bằng gỗ thì xá lợi ở đâu ra?”
“Đã không có xá lợi còn cần đến làm gì? Vậy thì lấy thêm một ít để sưởi ấm thôi!”
Vị tri sự tuy giữ gìn tượng Phật song lại chưa nhận thức được Phật tính; Thiền sư Đơn Hà đốt tượng Phật, ngược lại mới là người nhận ra Đức Phật.
Thần tượng không phải là thứ được xây bên ngoài mà cần gây dựng trong tâm của chúng ta. Thần tượng bên ngoài chỉ là phương tiện để phát khởi và xây dựng thần tượng thực sự trong tâm chúng ta. Bởi vì “thần tượng” có thể khiến ta nhìn vào, ra sức nỗ lực để cùng thánh hiền sánh vai! Cho nên Phật giáo là tôn giáo sùng bái thần tượng, song cũng siêu việt thần tượng, bởi vì thần tượng chân chính, thật ra là chính chúng ta!