ANITA MOORJANI
Tôi sẽ chia sẻ cùng bạn quan điểm của mình dựa trên chính trải nghiệm cá nhân về cái chết. Tôi tin rằng sau khi thể xác của chúng ta chết đi, tất cả chúng ta sẽ đến một nơi tràn ngập tình yêu vô điều kiện. Có những người đã trải qua cảm giác sống ở những thế giới thuộc cấp độ thấp hơn mà người ta thường gọi là địa ngục. Theo tôi, điều này có thể tùy thuộc vào niềm tin của bạn trong phút lâm chung. Nó còn tùy thuộc vào tinh thần mạnh mẽ của bạn đối với những vấn đề liên quan đến thiên đường, địa ngục hay sự phán xét. Nhưng điều cốt yếu là nó phụ thuộc vào việc tâm trí bạn nắm vững niềm tin nào lớn nhất.
Theo tôi, trong giây phút lâm chung, tâm trí của chúng ta vẫn còn hoạt động được một lúc, sau đó mọi người sẽ tiếp tục di chuyển sang một trạng thái khác. Và tôi hoàn toàn tin rằng cuối cùng thì tất cả chúng ta sẽ được đến một vùng đất tràn đầy tình yêu thương vô điều kiện. Tôi cũng hoàn toàn không tin vào địa ngục và cho rằng đó chỉ là do chúng ta tưởng tượng mà ra.
Một số người tin rằng có địa ngục ở khoảnh khắc cận kề cái chết và tôi tôn trọng niềm tin ấy vì hiểu rằng họ có những nỗi sợ riêng. Nhưng rồi sau một thời gian tin như thế, họ cũng sẽ nhận ra đó chỉ là kết quả của sự tưởng tượng. Họ sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều có thể đến một nơi tuyệt vời, nơi mà chúng ta cảm nhận được tình yêu to lớn và hiểu rõ vì sao chúng ta đến Trái đất này, và chúng ta sẽ làm gì tiếp theo. Chúng ta cũng sẽ gặp lại những người mà chúng ta yêu thương đã qua đời, đồng thời vẫn có thể dõi theo cuộc sống của những người thân yêu đang còn sống.
Khái niệm thời gian ở cuộc sống bên kia cửa tử rất khác biệt so với thế giới mà chúng ta đang ở. Nếu như ở thế giới này chúng ta vẫn thường tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo thì ở thế giới bên kia mọi thứ sẽ không như thế. Khi trải nghiệm cảm giác lâm chung, tôi cảm thấy như thể mọi khoảnh khắc thời gian đều diễn ra đồng thời. Tôi có thể nhìn thấy sự việc trong quá khứ lẫn tương lai cùng một lúc.
Để bạn có thể mường tượng rõ hơn khái niệm thời gian này, hãy tưởng tượng đó là một tấm thảm khổng lồ được trang trí tuyệt đẹp như một bức tranh với những đường nét rối rắm, đan xen lẫn nhau. Nếu bạn đứng sát gần như chạm vào nó, bạn sẽ không thể nào nhìn thấy toàn cảnh bức tranh. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy nó được dệt nên từ rất nhiều sợi chỉ riêng lẻ đan bện vào nhau. Cuộc đời của tôi cũng giống như một trong những sợi chỉ đó.
Nếu lần theo một sợi chỉ, tôi sẽ chỉ sống được có một khoảnh khắc của đời mình. Và khi sợi chỉ, là tôi, được đan bện vào những sợi chỉ khác trong tấm thảm, cuộc đời của tôi sẽ chạm đến cuộc đời của những người khác. Cứ thế nó đi mãi, tôi có thể mất đi một lúc rồi quay trở lại, nhưng sợi chỉ đó cứ xuyên suốt như thần thức tôi luôn tồn tại. Nhưng nếu lùi lại, tôi sẽ thấy được tất cả mọi sợi chỉ, tức mọi khoảnh khắc của đời mình cùng một lúc. Tôi có thể nhìn thấy sợi chỉ của mình tương tác với những sợi chỉ khác, hay nói cách khác là cuộc đời của mọi người được tương tác với nhau.
Tương tự, ở trạng thái lâm chung, tôi có thể thoát ra khỏi thế giới này để nhìn toàn cảnh bức tranh cuộc sống. Và tôi có thể nhìn thấy mọi việc trong cùng một lúc,trong đó có cả những cuộc đời khác nhau đang cùng làm nên bức tranh chung tuyệt vời này.
P. M. H. Atwater
Nó tương tự như khi bạn bước ra khỏi nhà hay chuyển sang một trạng thái ý thức khác. Trải nghiệm đó vô cùng đơn giản. Tất cả những người từng trải qua cảm giác suýt chết đều kể giống nhau như thế.
Sẽ có rất nhiều thứ bạn có thể làm, có rất nhiều người để bạn gặp, kể cả những người thân yêu hay thậm chí những con thú cưng đã qua đời.
Mark Pitstick
Trước tiên, bạn không thật sự chết. Chẳng có ai thật sự chết đi cả, đó chỉ là những gì bạn nhìn thấy mà thôi. Bạn cần nhớ rằng những gì giác quan của chúng ta cảm nhận được còn ít hơn một phần trăm thực tế nhiều. Khi nhìn thể xác của một người chết đi, chúng ta có cảm giác như mọi việc đã chấm dứt ở đó, song thực tế không phải vậy. Hãy tưởng tượng điều này cũng giống như một cái áo mà bạn mặc lúc năm tuổi và bây giờ bạn không thể mặc vừa nó, cũng như không cần đến nó nữa. Cơ thể con người cũng như cái áo vậy.
Thể xác của bạn cũng giống như một chiếc xe có nhiệm vụ đưa bạn từ điểm xuất phát là bụng mẹ cho tới đích đến là nấm mồ. Theo nhiều nền văn hóa, người ta cho rằng khi linh hồn bạn đã sẵn sàng “tốt nghiệp”, bạn không còn cần đến “chiếc xe thể xác” kia nữa. Ở Ấn Độ, người ta gọi cái chết đó là “rũ bỏ thể xác”, còn người Mỹ gọi đó là “thay đổi thế giới”. Có nhiều cách mô tả chính xác chuyện gì sẽ xảy ra sau cái chết của một người.
Câu hỏi tiếp theo ở đây là “Sau khi con người thật sự của bạn rũ bỏ thể xác thì giai đoạn tiếp theo trong chuyến phiêu lưu vĩnh hằng của bạn sẽ là gì?”. Câu trả lời là “Điều đó còn tùy thuộc vào mức độ nhận thức của bạn tại thời điểm nhắm mắt xuôi tay”. Hẳn bạn từng nghe nhiều người nói “Chẳng ai mang theo được cái gì khi chết đi”. Điều đó đúng với tất cả những của cải vật chất lẫn thể xác của bạn trong thế giới này. Nhưng cái mà bạn có thể mang theo cùng lại là chính bạn, là mức độ nhận thức và khả năng yêu thương của bạn. Thiên đường hay thế giới bên kia không hề giống nhau đối với tất cả mọi người. Có thể sẽ có nhiều phiên bản thế giới bên kia, cũng giống như ở thế giới này luôn có những mảnh đời khác nhau.
Nếu như ở trong thế giới này chất lượng cuộc sống được quyết định bởi quan điểm và thái độ của ta thì ở thế giới bên kia, mức độ năng lượng và nhận thức của ta chính là yếu tố quyết định những gì ta trải nghiệm. Tương tự như khi ta còn sống, những gì ta trải nghiệm trong thế giới bên kia sẽ không cố định như những nét khắc trên đá. Bất kỳ lúc nào ta muốn, ta đều có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Hãy lấy ví dụ về cuộc đời của Mẹ Teresa, người đã dành trọn cuộc đời để phục vụ cho những mảnh đời bất hạnh, cam tâm khổ hạnh để phụng sự Chúa. Khi Mẹ mất đi, điều đó giống như việc Mẹ bước từ căn phòng này sang căn phòng khác và được những người thân yêu chào đón “Hoan hô, Teresa! Chào mừng đã trở về nhà. Nghỉ ngơi một chút đi, rồi cô sẽ lại tiếp tục thực hiện những dự án quan trọng khác như giúp đỡ các linh hồn tổn thương đang cần được chữa lành, đến giảng dạy ở những hành tinh hay những thiên hà đang cần đến cô”. Thực sự, đối với những người như Mẹ, cái chết cũng giống như một sự chuyển tiếp liền mạch để đến với một giai đoạn khác trong cuộc đời.
Có một câu chuyện hoàn toàn khác, câu chuyện về Hitler. Lúc sống, những quyết định của con người này đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ, lầm than cho người khác. Ông ta sẽ không phải chịu đọa đày dưới địa ngục mãi mãi, nhưng rất có thể ông ta sẽ phải trải qua một cảm giác tự cảm ray rứt, hối hận như bị đày xuống địa ngục. Những người như Hitler có thể sẽ phải ngủ một giấc rất dài vì thậm chí không dám thoáng nghĩ đến những hậu quả mà họ đã gây ra.
Những người đã từng trải qua cảm giác lâm chung đều nhắc đến việc họ được nhìn thấy lại toàn bộ hình ảnh đời mình và xem đó là một trong những khía cạnh chuyển tiếp của phút lâm chung. Kinh sách cổ của đạo Do Thái có mô tả về thiên đường và địa ngục như sau:
“Khi lâm chung, bạn sẽ trải qua giai đoạn nhìn lại đời mình và phân loại giữa cái tốt và cái xấu mình đã gây ra trong đời, cảm nhận được những ảnh hưởng mà bạn tạo ra cho người khác.”
Như vậy, bạn không chỉ xem lại toàn bộ cuộc đời mình mà còn cảm nhận được hậu quả mà bạn đã gây ra cho người khác từ những việc mình làm.
Như vậy, rất có khả năng những người như Hitler sẽ không thể nào chịu đựng nổi cảm giác tồi tệ trải qua vào phút lâm chung khi nhìn lại đời mình. Họ chỉ có thể có một khởi đầu tốt hơn trở lại sau một giấc ngủ thật dài và sâu để được giáo huấn và chữa lành vết thương tâm hồn. Những điều xấu xa trong linh hồn ông ta phải được gột rửa, tẩy xóa đi trước khi nó có thể lại đến gần với những linh hồn khác. Đó chính là tác dụng của “ngọn lửa địa ngục” mà người ta vẫn thường truyền tụng: thiêu đốt những năng lượng thấp hèn, cũ kỹ cho đến khi chỉ còn lại năng lượng thuần túy, ý thức và linh hồn trong lành.
Bạn cũng trải qua quá trình này khi sống trên Trái đất, và đó cũng chính là một trong những giá trị của sự đầu thai làm người. Cuộc sống bên kia thế giới sẽ là thiên đường nếu bạn biết đốt sạch những điều tiêu cực và rũ bỏ đám bụi trần gian. Nếu không làm được điều đó, có thể bạn sẽ phải trải qua cuộc sống địa ngục trong một thời gian, nhưng chỉ trong một thời gian nào đó thôi chứ không phải là mãi mãi.
Cần nói thêm rằng khi còn bé, Hitler đã bị ngược đãi một cách tàn nhẫn và do đó ông ta lớn lên với một trạng thái tâm thần không bình thường. Vì thế tôi cũng không thể biết được rằng liệu Thượng Đế có xét đến yếu tố này hay không và nếu có thì đến mức độ nào khi phán xét ông. Tôi tin, với một niềm tin có cơ sở, rằng linh hồn ông sẽ được chào đón trở về một khi nó đã sẵn sàng. Nhưng hẳn là ngày đó sẽ rất xa vì linh hồn ông ta sẽ phải trải qua những cảm giác tội lỗi, tự kinh tởm bản thân vì những điều quá tàn nhẫn, xấu xa mà ông ta đã làm.
Marilyn Schlitz
Tôi rất thích các nghiên cứu về đề tài ý thức và đã xem xét vấn đề này qua nhiều phương thức khác nhau. Với vai trò của một nhà tâm lý học thực nghiệm chuyên về tâm linh, tôi đã nghiên cứu việc ý thức của chúng ta có thể tồn tại bên ngoài thể xác hay không. Chúng tôi đã thiết kế những quy trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, sử dụng các điều kiện ngẫu nhiên và phương pháp “mù đôi” (hay double-blind, một thủ pháp thí nghiệm nhằm loại trừ những sai lầm từ phía người làm thí nghiệm và nhóm được thí nghiệm), cho phép chúng tôi ghi lại khả năng mà một người có thể tác động và gây ra những thay đổi tâm sinh lý ở một người khác. Những thí nghiệm này cho thấy tác động của trạng thái ý thức có khả năng vượt xa khỏi phạm vi cơ thể hữu hạn.
Tôi đã dành khoảng 20 năm nghiên cứu và khi còn ở Viện Khoa học Tinh thần (Noetic Sciences), tôi đã tìm hiểu về bản chất của sự biến đổi thế giới khi một người chuyển từ sự sống sang cái chết. Chúng tôi đã thu thập câu chuyện của những người đã trải qua điều này để tìm hiểu xem yếu tố xúc tác của quá trình này là gì, điều gì giúp ta chịu đựng được nó và nó sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Chúng tôi đã phỏng vấn 60 bậc thầy tâm linh của những tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát 2.000 người bình thường và so sánh những gì xảy ra với họ so với những tu sĩ sống trong hang động. Chúng tôi có đề cập đến công việc này trong cuốn sách của chúng tôi, Living Deeply: The Art and Science of Transformation in Everyday Life.
Từ tất cả những dữ liệu đó, tôi và các cộng sự đã tạo ra một mô típ thay đổi. Một trong những yếu tố lớn của sự chuyển tiếp hay biến đổi này chính là mối tương quan với cái chết, điều gì sẽ xảy ra sau cái chết và hệ thống những ý nghĩa mà chúng ta đặt ra cho nó. Một kết luận mà chúng tôi nhận được chính là con người luôn chối bỏ cái chết. Chính nỗi sợ chết đã khiến chúng ta có những hành vi lầm lạc, kém chịu đựng và hung hăng với người khác, cũng như dẫn đến nỗi đau đớn khốn cùng cho bản thân và cho mọi người. Rất nhiều người tự hỏi “Điều gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết?”. Thật ra có rất nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này.
Ba năm gần đây, tôi đã thực hiện một bộ phim có nhan đề là Death Makes Life Possible. Tôi đã phỏng vấn nhiều người có những quan điểm khác nhau về thế giới bên kia cửa tử. Và chúng tôi nhận được rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi về cuộc sống sau khi chết – có người cho rằng chết là hết, và cũng có người tin rằng vẫn còn tồn tại vũ trụ bao la, phức tạp mà chúng ta không thể biết hết. Chẳng hạn như, Phật giáo cho rằng trên hành trình đi đến giai đoạn ý thức tiếp theo, chúng ta sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Và mỗi tôn giáo, tín ngưỡng đều có những câu trả lời khác nhau về vấn đề này.
Khoa học cũng có câu trả lời riêng liên quan đến câu hỏi này. Ví dụ, trong phim ảnh và sách truyện của mình, tôi đã truyền tải vào đó những nghiên cứu liên quan đến đề tài đồng cô. Những người này tin rằng họ có thể trò chuyện, trao đổi thông tin với linh hồn người đã khuất. Các nhà khoa học ở Viện Khoa học Tinh thần (IONS) đã tiến hành nghiên cứu xem điều gì đã xảy ra trong não của những ông đồng bà cốt này. Họ muốn biết liệu có điều gì khác biệt diễn ra trong não của những người này vào những lúc họ cho rằng mình đang trao đổi với các linh hồn so với những lúc bình thường. Và người ta phát hiện ra rằng vào những lúc đó, dường như trung tâm bộ nhớ của họ mở ra, như thể để có chỗ cho một hệ thống bộ nhớ khác đi vào. Tuy đây chỉ mới là một phát hiện sơ khởi nhưng rất thú vị.
Bên cạnh đó còn có một công trình nghiên cứu khác cũng thú vị không kém do trường Đại học Virginia thực hiện về đề tài đầu thai. Người ta đã lưu trữ hàng ngàn hồ sơ của những người có bằng chứng cho thấy họ đã từng là một ai đó vào những kiếp trước.
Chúng tôi đã cố gắng khám phá những bí ẩn này một cách có hệ thống theo nhiều góc độ khác nhau như sau:
Thật thú vị biết bao nếu đến một lúc nào đó tất cả những giá trị thật sự này hợp nhất lại với nhau. Bản thân tôi cho rằng không có khía cạnh nào là câu trả lời đúng duy nhất. Là một nhà nhân loại học, tôi thực sự nghĩ mỗi chúng ta đều phải hiểu được mình là ai, mục đích sống của mình là gì và điều gì sẽ xảy ra với mình sau khi chết, dựa trên nền tảng văn hóa giáo dục mà mình nhận được từ gia đình và xã hội. Khi đó, tự chúng ta sẽ tìm ra nhiều lời đáp khác nhau cho những câu hỏi này.
Gary Schwartz
Từ “cái chết” đã không còn chính xác nữa. Thật ra chẳng có cái chết nào đến với chúng ta cả. Đó chỉ là một sự chuyển tiếp, là “dịch chuyển” đến một trạng thái, một phương chiều khác mà thôi. “Cái chết” đã trở nên lạc hậu, cũng giống như xưa kia con người từng nghĩ “mặt trời xoay quanh Trái đất” vậy.
Khi thể xác chết đi, năng lượng, thông tin, những kỷ niệm cùng tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại trong “chân không vũ trụ”.
Thế thì chúng ta sẽ làm gì với những thông tin và năng lượng đó? Chúng ta sẽ làm gì với những trải nghiệm sống của mình? Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy nhiều khả năng có thể xảy ra. Trước hết, người ta có thể tái kiếp. Đã có bằng chứng nghiên cứu của trường Đại học Virginia cho thấy chúng ta có thể trở lại Trái đất để tiếp tục phụng sự và phát triển.
Bên cạnh đó, một số người có thể chọn tiếp tục phụng sự nhưng không nhất thiết phải tái kiếp. Và một trong những nghiên cứu thú vị mà chúng tôi đang làm hiện nay là tạo ra một thiết bị có thể giúp phát hiện sự tồn tại của linh hồn mà tôi gọi là soul phone. Vâng, sự sáng tạo của loài người thực sự rất phong phú và biến đổi liên tục, từ điện thoại di động thời kỳ đầu (cell phone) đến những chiếc điện thoại thông minh (smart phone), và trong tương lai sẽ là soul phone.
Trong quyển sách The Sacred Promise, tôi có đề cập đến nghiên cứu này và tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi chúng ta có thể sử dụng công nghệ này để trò chuyện với những người đã “chết”, tức những người đã chuyển từ cuộc sống ở Trái đất sang một giai đoạn khác. Đồng thời, những tình cảm yêu thương mà con người đã từng có trên Trái đất này sẽ diễn tiếp và lan tỏa đến những người họ đã biết lẫn chưa bao giờ gặp.
Tiêu đề cho quyển sách đó là How Science is Discovering Spirit’s Collaboration with Us in Our Daily Lives. Trong phần này, người ta lưu ý đến một khả năng là những linh hồn đã chết có nhiều chọn lựa vai trò khác nhau. Họ không nhất thiết phải trở lại làm người nhưng vẫn có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ với con cháu mình. Họ có thể giúp chăm sóc Trái đất vì họ yêu mến hành tinh này và mong mỏi được phục vụ thế giới. Bên cạnh đó, bạn sẽ được tự do hơn khi rũ bỏ thể xác này: bạn có thể đi đến những hành tinh khác hoặc thậm chí là những vũ trụ khác.
Quan điểm riêng của tôi là sau khi chết, chúng ta sẽ có nhiều chọn lựa khác nhau, và dĩ nhiên là kèm theo những trách nhiệm và điều kiện khác nhau. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta có thể tự do lựa chọn và đảm trách vẹn tròn nhiệm vụ của mình, đó là điều rất đáng hoan nghênh.
Caroline Myss
Mọi người biết không, có một điều tôi chắc chắn là chúng ta sẽ luôn tiến về phía trước. Trên hành trình đó, chúng ta sẽ luôn mắc sai lầm và phải chỉnh sửa. Chúng ta không có các lý thuyết thần học để áp dụng ngay trong cuộc sống. Chúng ta có rất nhiều tôn giáo khác nhau trên mặt đất này, nhưng thực ra chúng ta nên có một hệ thần học phổ quát vì cuộc sống mỗi cá thể diễn ra tương tự nhau trong khắp vũ trụ này. Chúng ta tôn thờ những vị thần mà chúng ta cho là giống với hình mẫu mình muốn hướng tới, nhưng thực ra thánh thần đâu giống chúng ta. Chính vì vậy, những hiểu biết về tâm linh của chúng ta thực ra chỉ đạt đến mức độ “tiểu học”. Chúng ta có tiếp tục cuộc sống của mình sau khi chết không? Hoàn toàn có khả năng. Về phía tôi, tôi có ý tưởng cuộc sống sau khi chết ấy sẽ diễn ra như thế nào không? Không hề.
Những gì tôi nhận thấy được từ những trải nghiệm ở phút lâm chung là chúng ta được chào đón bởi những linh hồn đã đi sang thế giới bên kia trước chúng ta, những người thân yêu trong cuộc đời. Dường như thế giới bên kia là một vùng đất đẹp đẽ tràn ngập tình yêu thương. Một điều đặc biệt nữa là chúng ta có cơ hội nhìn lại, rà soát lại cuộc sống của mình và những hành động mình đã từng làm, từ đó biết lựa chọn cách hành xử khiến mình thiện lành hơn, bớt ích kỷ và biết yêu thương hơn. Những lựa chọn này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho cuộc sống của người khác và chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy những hệ quả do lựa chọn của mình tạo ra. Đây thực sự là một trải nghiệm sâu sắc.
Bill Guggenheim
Tôi không biết liệu nơi những người đã khuất đi đến có khác biệt lắm so với thế giới mà họ đã từng sống hay không. Chúng ta vẫn cho rằng người tốt và kẻ xấu sẽ đi đến những nơi khác nhau. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là những điều mà mọi người trên Trái đất này nghĩ. Những người đã từng trải qua cảm giác cận kề cái chết đã kể lại cho chúng ta trải nghiệm đó như thế nào nhưng tôi nghĩ mọi việc sẽ không nhất thiết phải diễn ra y như vậy. Có thể chúng ta sẽ đi qua một đường hầm đến một vùng Sáng và có cảm giác như đang về nhà. Chúng ta cũng sẽ được đoàn tụ với những người thân đã khuất.
Tuy nhiên, để có được cảm giác ở trên thiên đường thật sự, tư tưởng của bạn cũng phải đồng nhất với điều đó. Chẳng hạn như, nếu bạn là người theo đạo Tin Lành thì ngay cả khi đã đặt chân đến thiên đường của Thiên Chúa giáo, bạn cũng không có cảm giác thật sự ở trên thiên đường. Họ không tồn tại ở nơi họ muốn đến và do vậy nơi đó sẽ không thể là thiên đường đối với họ. Tương tự, một Phật tử khi đến thiên đường của đạo Hindu sẽ không cảm thấy đó thật sự là thiên đường đối với họ. Thiên đường phải là nơi đồng điệu với các hệ giá trị và tư tưởng của con người chúng ta.
Tương tự, một tội phạm đã từng hành xử tàn ác với người khác phải đến một nơi thích hợp mà anh ta cảm thấy thoải mái. Điều đó không có nghĩa là họ phải bị trừng phạt hay phán xét. Vấn đề ở đây là việc đi tìm sự “đồng thanh tương ứng” và những nơi phù hợp với bản thân từng người.
Tuy nhiên, họ có vô vàn cơ hội để gia tăng mức độ nhận thức của mình. Lúc nào họ cũng có cơ hội thăng tiến lên một cấp độ tâm linh cao hơn, mà trước hết họ phải thật sự mong muốn điều đó đã. Những người đã từng tàn sát không biết bao người vô tội trong chiến tranh hoặc gây ra nhiều tội ác có thể cho rằng họ đúng và không cần ai giúp họ giác ngộ. Nhưng có thể sau khi chết đi, một thời gian sau họ sẽ thay đổi suy nghĩ và muốn thoát ra khỏi lối sống trước kia của mình. Họ có thể cần đến sự trợ giúp để phát triển lên cấp độ tâm linh cao hơn và tiếp tục đi trên con đường của mình. Khi đó sẽ có những thiên thần, những thầy tu, hay bạn gọi họ bằng tên gì cũng được, sẵn sàng giúp những người này hối cải và tiến hóa. Cuối cùng, họ có thể quay trở lại trường học Trái đất và thể hiện rằng họ đã thật sự thay đổi cách sống của mình.
Có thể một số người sẽ nói “Như thế thì quá dễ đối với những kẻ tàn ác như Hitler hay Mussolini”. Tuy nhiên, theo như những gì tôi được biết, những người như họ chưa bao giờ cầm lấy súng và giết một ai đó. Nói thế không có nghĩa họ không phải là người xấu, bởi chính những lời nói và quyết định của họ đã gây ra cái chết cho hàng triệu triệu người, mang đến biết bao đau thương và khổ sở cho xã hội. Những người đi theo họ cũng phải chịu trách nhiệm trước cái chết và sự thống khổ của người khác vì đã tự tay thực thi mệnh lệnh của cấp trên.
Nhưng đồng thời, tất cả những đau thương chết chóc ấy lại giúp cho nhiều người có cơ hội trở thành người tốt và gửi gắm một bài học vô cùng quan trọng đến toàn thể nhân loại. Nói tóm lại, nếu như chúng ta không thật sự chết mà chỉ là từ bỏ cuộc sống trên Trái đất và tất cả chúng ta đều tiếp tục tồn tại sau đó thì có lẽ chúng ta sẽ đủ can đảm để chọn lựa con đường sống trên mặt đất này.
Bernie Siegel
Điều gì sẽ xảy ra ư? Thể xác của bạn sẽ chết đi, nhưng linh hồn bạn thì không. Khi rời bỏ thể xác của mình, bạn sẽ để lại tất cả những đau khổ buồn phiền lẫn rắc rối và chỉ mang theo ý thức ra đi. Những người bẩm sinh bị mù khi chết đi sẽ lại sáng mắt khi rũ bỏ thể xác này. Vậy làm thế nào bạn có thể nhìn hay suy nghĩ khi không còn thể xác?
Bạn chỉ chết về mặt thể xác chứ không chết về mặt ý thức. Ý thức của bạn vẫn tiếp tục tồn tại, hoặc là giúp cải thiện thế giới, hoặc là làm cho nó tồi tệ thêm. Nếu ý thức của bạn đầy hận thù, cay đắng và căm ghét, bạn có thể làm ảnh hưởng đến ý thức người khác và khiến họ cũng cảm thấy tương tự. Còn ngược lại, bạn sẽ có thể giúp mọi người trở nên thân thiện, giúp đỡ và yêu thương nhau hơn.
Stan Grof
Tôi lớn lên giữa một nền giáo dục rất ư là nghiêm khắc. Tôi học nghề y ở Prague, thủ đô Cộng hòa Czech. Tôi được thừa hưởng một nền giáo dục hết sức thuần túy, dạy rằng con người chúng ta được cấu thành từ thể xác và ý thức là sản phẩm của não bộ, khi thể xác chết đi, não bộ cũng chết theo và mọi chuyện kết thúc ở đó.
Sau 50 năm nghiên cứu về ý thức, tôi nghĩ về điều này theo một cách kỹ lưỡng hơn. Vào cuối những năm 1960, trên thế giới xuất hiện một bộ môn hoàn toàn mới, đó là môn học về cái chết – chuyên nghiên cứu trạng thái của những người từng trải qua cảm giác lâm chung.
Chúng tôi có những câu chuyện được kể lại từ những người trở về từ cửa tử. Thoát chết sau cơn thập tử nhất sinh, họ kể lại cho chúng tôi cuộc hành trình khá thú vị của họ. Họ như được sống lại cả cuộc đời trong một quãng thời gian rất ngắn. Họ đi qua một đường hầm và gặp một Vùng Sáng Thiêng gọi là Thượng Đế. Thượng Đế sẽ xem xét và phán xét cuộc đời họ. Sau đó họ đi đến một nơi được cho là không thể quay trở lại nữa.
Hiện tại, chúng ta không có những câu chuyện từ người đã trải qua cái chết thực sự, bởi chỉ những người chết hụt mới có thể ngồi đây kể lại chuyện của họ cho chúng ta nghe. Tuy nhiên họ đã đi đủ xa để chứng minh những điều mà chúng ta đọc được trong cuốn sách Tibetan and Egyptian Books of the Dead và Ars Moriendi, The Art of Dying là đúng đắn.
Dựa trên tất cả những điều đó, tôi tin rằng chết là một hành trình thú vị. Nó hoàn toàn không giống như khi ta tắt công tắc điện, và rồi mọi thứ chấm dứt.
Karen Wyatt
Câu trả lời của tôi dựa trên những trải nghiệm mà tôi đã có với các bệnh nhân, đồng thời cũng dựa theo những gì bản thân tôi trải qua. Trong giây phút lâm chung, linh hồn sẽ rời bỏ thể xác. Trong một vài trường hợp, tôi đã chứng kiến cảnh linh hồn một bệnh nhân rời bỏ thể xác của họ. Tôi đã quan sát thấy thể xác họ dần chết đi trong vòng ba mươi phút, rồi quay trở lại với cuộc sống.
Linh hồn rời bỏ thể xác, để thể xác ở lại Trái đất này. Thể xác trở về với cát bụi vì nó không còn hữu dụng nữa. Sau đó, linh hồn sẽ trở về với thế giới quê hương của nó. Đó là nơi linh hồn kết nối với nguồn năng lượng và sức mạnh vĩ đại.
Mark Anthony
Tôi nghĩ câu trả lời có thể nằm ngoài sức tưởng tượng của con người trên thế gian này, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tìm hiểu sâu thêm về vấn đề này. Điều gì xảy ra khi chúng ta chết đi? Câu đầu tiên tôi viết trong quyển sách Never Letting Go của mình là “Khi bạn chết đi, bạn không thật sự chết”. Sự tồn tại thể xác có thể sẽ kết thúc, nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ trong cái đã tạo nên con người thật sự của mỗi chúng ta. Khi rời bỏ thể xác, chúng ta chuyển sang trạng thái ý thức bất tử.
Hãy tưởng tượng mỗi linh hồn là một giọt nước chứa đầy ý thức thuần túy. Khi chúng ta rời bỏ thể xác, giọt nước đó sẽ rơi vào giữa lòng đại dương mênh mông của thế giới bên kia. Linh hồn chúng ta sẽ kết nối với tất cả mọi vật, mọi người và mọi nơi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể trở về trạng thái độc lập của mình khi cần, đó là một ưu thế mà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta. Chúng ta hoàn toàn có thể tách rời khỏi đại dương đó khi cần giao tiếp với những ai đang còn sống trên thế giới vật chất này.
Những khả năng có thể xảy ra đối với linh hồn của một người chết đi là không thể kể xiết. Rất nhiều người hỏi tôi về những người thân yêu đã tự tử của họ. Theo truyền thống Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo, những người tự tử sẽ phải xuống địa ngục. Cứ nghĩ đến việc người thân của mình bị đọa đày mãi mãi ở dưới địa ngục khiến những người đang sống cảm thấy đau buồn biết mấy. Trong quyển sách tiếp theo của tôi có nhan đề Evidence of Eternity, tôi đã dành rất nhiều thời gian để bàn về vấn đề tự tử và tôi có thể nói với bạn một điều rằng “Không có chuyện của người nào giống người nào”.
Tất cả chúng ta đều là con của Thượng Đế và Người là bậc phụ mẫu tràn đầy tình yêu không ai sánh bằng. Chẳng có cha mẹ nào lại muốn kết tội con mình và đày đọa nó mãi mãi. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là những đứa con muốn làm gì thì làm và chúng vẫn cần phải được chỉnh đốn khi sai sót.
Raymond Moody
Chưa bao giờ tôi đồng tình với ý nghĩ có sự tồn tại của thế giới bên kia, điều đó nghe có vẻ phản trực giác đối với tôi. Thế nhưng gần đây tôi cảm thấy dường như mình đã thức tỉnh và bắt đầu nghĩ đến nhiều khả năng liên quan đến đề tài này. Bên cạnh cuộc đời này, mỗi chúng ta còn có một cuộc đời khác, một cuộc đời rộng lớn hơn bao gồm cả cuộc đời hiện tại. Tôi cũng không biết phải diễn tả khác đi như thế nào, chỉ biết rằng quả thật có tồn tại thế giới bên kia.