Anita Moorjani
Bạn tin hay không thì tùy, nhưng chính chúng ta đã chọn cho mình nơi đến là Trái đất này. Tôi biết có thể nhiều người sẽ bảo “Tại sao tôi phải chọn đến Trái đất trong khi tôi có thể chọn những nơi khác thú vị hơn?”. Chúng ta chọn đến sống ở Trái đất này là để trải nghiệm. Nó giống như một đứa trẻ chạy vòng quanh rồi nói “Con chọn chỗ này vì ở đây có món sô-cô-la ngon tuyệt mà chỗ khác không có”. Ở đây chúng ta có một thể xác để có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị, như thức ăn ngon và yêu đương nồng nhiệt. Những cảm giác thể lý chỉ có thể được trải nghiệm thông qua thể xác chứ không thể trải nghiệm được ở bất kỳ chiều không gian phi thể xác nào.
Ở cõi tinh thần hay tâm linh, chúng ta chỉ cảm nhận được sự tuyệt vời và tình yêu thương chan hòa vô điều kiện. Còn trên Trái đất, chúng ta có những trải nghiệm thực sự và biết được mình là ai. Chúng ta sẽ được biết thế nào là thử thách và nhận ra thiên đường chỉ là một trạng thái ý thức chứ không phải là một nơi chốn cụ thể. Và ta muốn đến Trái đất này để trải nghiệm điều đó. Miễn sao chúng ta biết mình thật sự là ai, còn ở đâu thì không hề quan trọng. Chúng ta có thể cảm nhận thiên đường ngay tại đây, ngay trong hình hài này.
P. M. H. Atwater
Tại sao tôi lại muốn đến thăm Trái đất? Vì tất cả chúng ta có mặt ở đây là để thực hiện những công việc và nhiệm vụ của mình. Chúng ta ở đây để nhớ lại mình là ai.
Chúng ta đến với thế giới này bằng hơi thở đầu tiên rồi cũng lìa xa nó bằng hơi thở cuối cùng. Và cuộc sống được tạo nên từ chuỗi những chuyển động và nghỉ ngơi. Chúng ta cứ đến rồi đi. Dẫu đó là bi kịch hay hạnh phúc thì điều đó cũng không quan trọng. Chúng ta lưu lại trong thế giới này có khi là vài giây, vài giờ, vài ngày, vài tháng, vài năm, hay có người là nhiều thập kỷ, tuy nhiên tất cả đều quan trọng như nhau. Mỗi hơi thở đều có ý nghĩa quan trọng của nó. Tất cả chúng ta đều là một phần của cái chung khác lớn hơn.
Chương trình học của chúng ta đến từ “bên kia”, nơi được gọi là thiên đường. Tuy nhiên, thân xác của chúng ta lại tồn tại ở đây, trên quả đất này. Đây chính là “lớp học” để chúng ta thực hành khóa học tâm linh đó; và cho dù chúng ta đang học hỏi hay làm rối tung bài học của mình lên, thì chúng ta cũng đang trải nghiệm cuộc sống này với tất cả những hỉ nộ ái ố của nó, về tình yêu, về giận dữ, về kinh nghiệm, tận hưởng, chữa lành vết thương, hay tương trợ lẫn nhau và trưởng thành. Đó là tất cả những gì mà đời sống Trái đất ban tặng cho chúng ta. Và đó là một phần lý do vì sao chúng ta đã chọn để đến với thế giới này.
Mark Pitstick
Tôi sử dụng một từ viết tắt để biểu thị cho bốn lý do chúng ta có mặt trên Trái đất này… SAGE(*)
(*) Sage: Hiền nhân, là người đã đạt được sự khôn ngoan mà một triết gia đang tìm kiếm. Khác với những triết gia là người tìm kiếm sự khôn ngoan, hiền nhân không tìm kiếm sự khôn ngoan, vì họ đã sở hữu nó. Ngoài ra, hiền nhân là người sống “theo lý tưởng vượt lên những điều bình thường”.
- Service (Phục vụ): Chúng ta tồn tại là để phục vụ lẫn nhau và tất cả đều tuân theo một nguyên tắc Vàng. Khi chúng ta cho đi một, chúng ta sẽ nhận lại gấp nhiều lần hơn thế.
- Adventure (Phiêu lưu): Đó là lý do bạn thích những vở kịch, phim ảnh và tiểu thuyết với các nhân vật anh hùng… Vì đó chính là con người thật của bạn. Một linh hồn phải rất can đảm mới có thể chọn đến một nơi như Trái đất để trải nghiệm một cuộc phiêu lưu hấp dẫn như vậy. Chỉ cần ghi nhớ điều đó, bạn sẽ có đủ dũng khí và khả năng đương đầu với các thử thách. Khi tham gia bất kỳ một trò chơi nào, chúng ta cũng cần nắm rõ luật chơi của nó. Và luật chơi khi tham gia vào cuộc sống trên Trái đất là bạn hoàn toàn tự nguyện, đồng thời bạn cũng góp phần tham gia vào việc sáng tạo để trò chơi trở nên thú vị hơn. Điều này sẽ giúp bạn nhớ rằng đời là một cuộc phiêu lưu hấp dẫn hoặc không là gì cả, như Helen Keller đã từng nói.
- Growth (Phát triển): Trái đất là một nơi được các linh hồn chọn lựa để đầu thai nhiều nhất vì nó cho chúng ta nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển. Nếu bạn đến phòng tập thể dục và nâng một cây bút chì, bạn sẽ chẳng thể nào phát triển cơ bắp của mình. Nhưng nếu bạn nâng một thanh tạ, chắc chắn cơ bắp của bạn sẽ trở nên dẻo dai, rắn chắc hơn. Tương tự như thế, nếu cuộc đời luôn êm đềm và bằng phẳng, bạn sẽ chẳng tiến bộ được mấy. Chính nghịch cảnh sẽ giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều.
- Enjoyment (Tận hưởng): Trái đất là một nơi cực kỳ tươi đẹp ngay cả khi bạn nhìn vào những điều tiêu cực lẫn tích cực. Có những niềm vui mà bạn không thể nào tận hưởng được nếu sống trong thế giới phi thể xác. Bộ phim Awakenings, dựa trên cuốn sách viết bởi bác sĩ Oliver Sacks, kể về câu chuyện có thật của các bệnh nhân bị viêm não rối loạn hôn mê, một loại bệnh ngủ, trong nhiều thập kỷ. Một loại thuốc chữa bệnh tên là L-Dopa tạm thời được dùng để đánh thức họ, giúp họ có thể tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống trên Trái đất. Bộ phim mô tả một cuộc sống tuyệt vời thực sự là như thế nào khi bạn mở mắt và đánh giá đúng mực vẻ đẹp xung quanh mình.
Đó là bốn lý do phổ biến giải thích vì sao bạn có mặt ở nơi đây. Bên cạnh đó, còn một lý do khác nữa có thể đã khiến bạn đến đây, đó chính là để hỗ trợ cho sự tiến hóa của năng lượng vũ trụ, bởi ngay bây giờ và ở đây, bạn cũng chính là một phần của nguồn năng lượng đó. Thượng Đế không phải là một thực thể tĩnh mà là một hiện tượng không ngừng lan tỏa và phát triển. Vũ trụ này vẫn không ngừng học hỏi và lớn lên. Bạn chính là một mắt xích nhỏ trong sự học hỏi và phát triển chung đó. Khi sống trên Trái đất, bạn đang tận hưởng một cuộc đời trải nghiệm và khám phá. Tất cả những gì bạn làm đều phản ánh trở lại với vũ trụ. Và có một điều tôi cam đoan với bạn là những trải nghiệm trên Trái đất chính là một hành trình tuyệt vời và hoàn toàn an toàn để đưa bạn đến với sự vĩnh hằng.
Marilyn Schlitz
Chúng ta không ngừng đi tìm ý nghĩa cuộc sống và mục đích sống của mình, từ đó tạo nên những câu chuyện cho bản thân mỗi người. Suy cho cùng thì hiểu được vì sao chúng ta có mặt trên Trái đất này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tất cả những gì liên quan đến chúng ta: từ hạnh phúc; tình trạng thể chất; các mối quan hệ gia đình, cộng đồng; lẫn đức tin tâm linh hay tín ngưỡng. Nhiều người đã dành thời gian để trả lời câu hỏi “Mục đích tồn tại của tôi ở thế gian này là gì?”. Tại mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc đời, câu trả lời của họ có thể hoàn toàn khác nhau. Những hành động chuyển hóa tâm thức có thể giúp chúng ta tìm được câu trả lời tốt hơn cho câu hỏi này.
Thường thì chúng ta sẽ tự hỏi điều này mỗi khi gặp nghịch cảnh trong cuộc sống, còn những lúc mọi việc thuận buồm xuôi gió thì chúng ta không hề thắc mắc “Tôi là ai và tại sao tôi lại ở đây?”. Hàng ngày, chúng ta quá bận bịu với cuộc sống thường nhật cho đến khi một sự cố nào đó xảy ra: một người thân qua đời, bị mất việc, ly hôn,… khiến cuộc sống bình thường của chúng ta bị xáo trộn. Những lúc như thế, chúng ta sẽ hướng tập trung tới việc đi tìm lại mục đích sống đời mình và điều này cho chúng ta cơ hội cải thiện chất lượng các mối quan hệ xung quanh, cũng như chăm sóc bản thân tốt hơn.
Thông qua các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc một số hoạt động khác, chúng ta cũng có thể xác định lại mối quan hệ của mình với vũ trụ theo tầng nghĩa rộng lớn hơn. Chúng cũng giúp gợi mở những con đường để chúng ta có thể tìm thấy lời đáp cho câu hỏi “Tại sao tôi ở đây?”. Tuy nhiên, suy cho cùng thì mỗi chúng ta đều phải tự tìm lấy lời đáp cho câu hỏi này.
Gary Schwartz
Trước tiên, có thể nói đây là một câu hỏi thú vị. Tại sao một con chim hay một con voi lại tồn tại trên Trái đất này? Tại sao trên Trái đất này lại tồn tại các hệ thống sống? Có thể bạn sẽ nói rằng chúng ta có mặt trên cõi đời này là để học những bài học cuộc đời. Chúng ta ở đây để phát triển và tiến bộ hơn. Chúng ta ở đây để phát triển “những cá thể linh hồn”. Ở mức độ nào đó, điều đó là đúng. Và điều này cũng tương tự đối với các sinh vật khác như cá, tôm, cua hay gấu, cọp. Tất cả các sinh vật trên Trái đất đều có mặt tại đây để sống cuộc đời riêng của mình.
Tuy nhiên, tôi nghĩ con người có mặt trên Trái đất còn vì một mục đích cao hơn thế. Chúng ta không chỉ sống và thực hiện nhiệm vụ thông thường mà còn vì mục đích phục vụ. Giả thuyết của tôi là chúng ta tồn tại trên Trái đất không chỉ để học hỏi mà còn để phát triển khả năng yêu thương, lòng trân trọng và chịu trách nhiệm cho nhiều điều. Chúng ta không cần phải đợi đến lúc quay trở lại thiên đường mới cảm thấy hạnh phúc hơn mà ngay tại đây và bây giờ, chúng ta đã có thể trở thành những con người, những ông bố bà mẹ đầy yêu thương và biết quan tâm đến người khác. Đó là ý kiến cá nhân tôi, dù cho khá trái ngược với quan điểm về mặt khoa học.
Tôi có viết một quyển sách với nhan đề G.O.D. Experiments. G.O.D. là từ viết tắt của guiding (hướng dẫn), organizing (tổ chức) và designing (thiết kế). Cuối quyển sách tôi có dành một chương nói về tình yêu bất tận chính là món quà tuyệt diệu mà Thượng Đế (GOD) đã dành tặng chúng ta. Nhiều năm trước, tôi đã nhận ra một bài học khi còn là giáo sư giảng dạy tại Đại học Yale: loài người chính là những cỗ máy tình yêu bé nhỏ khi bước vào hành tinh này. Rõ ràng chúng ta yêu tất cả mọi thứ và muốn trải nghiệm mọi thứ. Chúng ta tò mò trước mọi việc. Và sự tò mò này chỉ thay đổi khi chúng ta bị tổn thương hoặc bị cha mẹ, thầy cô hay xã hội trừng phạt vì phạm phải một lỗi nào đó.
Cuộc sống trong một trường đại học cho ta thấy rất rõ về khả năng yêu thương của con người. Nơi đó có hàng trăm giáo sư bước chân lên bục giảng với niềm đam mê khác nhau. Đó có thể là niềm đam mê với hạt nguyên tử vật lý hay phân tử hóa học. Cha tôi là một dược sĩ và là một nhà hóa học vì ông yêu thích bộ môn này. Những nhà sinh vật học có thể dành cả đời nghiên cứu về ruồi giấm hay chim sẻ. Những người khác lại có thể đam mê các ngành tâm lý học, xã hội học v.v…
Loài người có khả năng yêu thích gần như tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống và tôi nghĩ đây cũng là một trong những phẩm chất của chúng ta. Trong quá trình “phát triển tâm linh”, loài người nghĩ đến những khái niệm như tình yêu vô điều kiện và tình yêu vũ trụ. Chúng ta vẫn thường nghe câu nói “Thượng Đế yêu tất cả mọi người và mọi vật” và ắt hẳn đó cũng chính là thông điệp mà những người thầy tâm linh vĩ đại như Chúa Jesus muốn gửi gắm đến chúng ta.
Tôi nhận ra rằng bẩm sinh chúng ta đã được lập trình để yêu thương. Đó là lý do vì sao có những người quá mê mẩn khoa học, sinh học hay tâm lý học tình yêu. Tuy nhiên, để có thể tuyên xưng được tình yêu đó, thứ năng lực gần như chưa được khai thác triệt để trong mỗi con người, đòi hỏi chúng ta phải được rèn luyện và giáo dục. Nguồn cảm hứng lớn nhất cho tôi chính là gia tăng ý thức trân trọng và vinh danh khả năng yêu thương của mỗi người.
Caroline Myss
Người ta hỏi câu này là vì họ không chấp nhận những điều bình thường. Cội nguồn của câu hỏi này là: tôi muốn trở thành người quan trọng, tôi muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, chứ không chỉ đơn thuần là tồn tại rồi đi siêu thị mua đồ hàng ngày, hay có một công việc chỉ để kiếm sống. Tôi muốn mình phải có một nghề nghiệp hay thậm chí là một cơ nghiệp hẳn hoi. Tôi muốn nghe được tiếng gọi sứ mệnh lòng mình.
Đại đa số mọi người tôi gặp đều đang cảm thấy nản lòng vì bị mắc kẹt giữa một công việc bình thường và niềm mong mỏi biết được sứ mệnh cuộc đời mình. Tuy nhiên, họ lại không đủ can đảm tiến xa hơn chút nữa để đến vùng Đất Thánh, cúi đầu xin Thượng Đế gọi tên mình. Họ thậm chí không thể mở miệng cất lên lời cầu nguyện. Chính vì thế mà họ tồn tại ở một thế giới lưng chừng giữa thể xác và tâm linh. Họ không thể dấn thân vào thế giới của tâm linh vì sợ phải đánh mất những thứ mình đang có như tài khoản ngân hàng, thú ăn ngon mặc đẹp, niềm vui dục tính và toàn bộ thế giới vật chất. Chính vì vậy, họ chỉ dấn thân vào thế giới tâm linh về mặt tinh thần mà thôi, nghĩa là thông qua lời nói, sách vở mà không thật sự trải nghiệm nó. Và do vậy, họ phải tự hỏi “Tại sao mình lại có mặt ở thế giới này?”, để rồi cái tôi của họ sẽ trả lời rằng “Mình có mặt ở đây để hoàn thành một sứ mệnh quan trọng nào đó”. Họ dành cả cuộc đời đi tìm danh vọng để chứng minh sự quan trọng của bản thân mà không bao giờ chạm được đến vấn đề cốt lõi là để linh hồn đảm nhận mọi việc.
Có phải tiếng gọi sứ mệnh của chúng ta đã được định sẵn từ trước khi chúng ta đặt chân đến thế giới này? Để trả lời câu hỏi này, tôi suy xét dựa trên quan điểm bản chất của tự nhiên, bởi tất cả chúng ta đều là những sinh vật của tạo hóa nên tất cả chúng ta phải tuân theo quy luật tự nhiên. Cũng giống như khi chúng ta ngắm nhìn thiên nhiên và tự hỏi “Liệu cách phát triển của những khu rừng có được định sẵn từ trước?”. Không hẳn thế, nhưng rõ ràng là có một thiên hướng như vậy.
Thể xác của bạn, trí tuệ và hình mẫu của bạn đều có sẵn những khuôn mẫu nào đó mà bạn sẽ thể hiện mình ở đó. Bạn chính là sự mở rộng của những khuôn mẫu ấy nhưng chúng cũng bao gồm luôn bạn. Bạn có vô số chọn lựa trong khuôn khổ của những khuôn mẫu ấy, tuy nhiên chính bạn lại là người quyết định mình sẽ chọn làm điều gì. Nỗ lực bao nhiêu và sáng tạo tới mức nào trong cuộc sống là tùy thuộc ở bạn. Tất cả đều nằm trong tay bạn, bạn chính là cỗ máy vận hành số phận của mình.
Bill Guggenheim
Chúng ta có mặt ở đây để học cách yêu thương mọi người vô điều kiện, trong đó bao gồm cả bản thân chúng ta. Nội dung bài học bao gồm tình yêu thương, sự cảm thông, sự tử tế, lòng trắc ẩn và những cống hiến cao cả nhất. Cuộc sống trên Trái đất cũng giống như một trường học và chúng ta là những học trò. Chúng ta đã chọn lựa từ trước những lớp học mà mình sẽ tham gia, những bài tập mình sẽ làm và chúng ta sẽ tuần tự trải nghiệm tất cả. Thậm chí chúng ta cũng đã chọn cha mẹ, ông bà, anh chị em, bạn bè, kẻ thù và vợ chồng cho mình. Chúng ta cũng chọn những hoàn cảnh sống – từ điều kiện kinh tế, chính trị cho đến xã hội. Chúng ta sắp xếp mọi chi tiết liên quan đến việc học và những bài học mình sẽ tham dự.
Cuộc sống trên Trái đất cũng tương tự như khu công viên giải trí Disney World. Đó là nơi chúng ta đến để học hỏi và đóng một số vai nhất định mà mình muốn trải nghiệm. Có người muốn trở thành chiến binh, họ thích thú khi cuộc chiến kết thúc và lại tham gia vào trận đánh khác. Vai trò đó khiến họ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa và thú vị, ở khía cạnh nào đó. Có người lại muốn một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, như trở thành cảnh sát trưởng để bắt giữ kẻ xấu, trong khi có người lại muốn mình là một tên cướp ngân hàng.
Bất cứ điều gì cũng có hai mặt. Con người chọn lấy cho mình những vai chính diện, nhưng cũng có khi họ lại rơi vào vai phản diện. Cuộc sống trên Trái đất giống như một vở kịch và chúng ta là những diễn viên cứ vài tuần lại cho ra mắt một vở kịch mới. Chúng ta sắm nhiều vai khác nhau từ bi, hài, trinh thám cho đến chính kịch. Đó chính là cuộc đời trên Trái đất. Điều quan trọng ở đây là chúng ta có nhiều cuộc đời để sống và nhiều cơ hội để học hỏi. Nếu có dịp đọc các quyển Journey of Soulsvà Destiny of Souls của giáo sư Michael Newton, bạn sẽ tìm thấy lời giải đáp cụ thể vì sao linh hồn chúng ta lại tìm đến thế giới này.
Bernie Siegel
Về câu hỏi này, tôi từng nghe một câu trả lời rất hay từ một nhóm người thiện nguyện khi được hỏi “Tại sao anh/chị có mặt ở đây?”. Một anh chàng nọ đã đáp rằng “Tôi ở đây vì tôi không ở đó”.
Tôi là một cố vấn trong ban điều hành thiên đường và ở đó Thượng Đế luôn nói chuyện theo lối ẩn dụ, khiến tôi phải bối rối và suy ngẫm. Một ngày nọ, Thượng Đế bảo “Con chính là chiếc ăng-ten bắt sóng vệ tinh, đồng thời là chiếc remote và màn hình ti-vi”. Tôi đáp “Con không hiểu ý Người”. Câu đó có nghĩa là bạn chẳng khác gì một thiết bị bắt sóng vệ tinh và bên ngoài kia có rất nhiều đài để bạn chọn. Còn tâm trí bạn chẳng khác nào chiếc remote giúp bạn chọn lấy đài mình muốn xem. Và cơ thể của bạn cũng giống như màn hình ti-vi; nó thể hiện ra những gì bạn đang xem.
Vấn đề là Thượng Đế của bạn là ai? Bạn chọn nghe đài gì? Nếu quan sát thế giới xung quanh, bạn sẽ thấy có rất nhiều người đang chọn sai đài, ví dụ như họ chọn vật chất và chiến tranh, cho rằng tôi đúng và anh sai.
Riêng tôi, tôi chọn là một chiến binh tình yêu khi đến với Trái đất này. Vũ khí của tôi là tình yêu thương. Nếu có ai khiến tôi nổi giận phát điên lên, tôi sẽ yêu thương họ. Khi đó, họ sẽ lúng túng và không biết phải đáp lại với tôi như thế nào. Còn tôi, tôi hiểu sở dĩ họ hành động như thế là vì họ không được lớn lên trong tình yêu thương. Tất cả chúng ta có mặt ở đây là để yêu thương lẫn nhau, để từ đó mọi người cảm thấy mình được nâng niu và có giá trị. Trái ngược với yêu thương là sự hờ hững, chối bỏ và lạm dụng. Nếu bạn lớn lên giữa những điều tiêu cực ấy, nghĩa là bạn đã sai lầm khi chọn đến với thế giới này. Bởi khi đó, bạn sẽ tự hủy hoại cuộc sống của mình cũng như của người khác.
Ngày nay, trên báo chí, đài phát thanh hay truyền hình, chúng ta dễ dàng bắt gặp những mẩu tin liên quan đến án mạng, bạo lực hay tự tử. Không ngày nào là không có những tin như thế. Hãy tưởng tượng ngược lại, khi có một người bước vào trường học, bước lên sân khấu hội trường và hô vang “Tôi yêu bạn” thay vì mang súng tới trường. Chính tôi là người đã từng làm như thế ở trường trung học. Trước mặt hàng ngàn đứa trẻ, tôi đã nói “Tôi muốn các em hiểu rằng tôi rất yêu thương các em, và nếu các em cần một người cha, tôi sẵn sàng trở thành cha các em”. Một em gái từng tự tử cho biết điều đó giúp em cảm thấy mình được chấp nhận bởi một người khác trong xã hội.
Tôi không nhất thiết phải thích cách hành xử của người khác, nhưng tôi có thể yêu thương họ. Điều đó sẽ giúp họ cũng yêu thương bản thân, từ đó thay đổi hành vi để sống tốt hơn thay vì hủy hoại đời mình. Chúng ta có mặt ở đây là để sống và học hỏi.
Karen Wyatt
Theo tôi, mục đích của linh hồn là trải nghiệm cuộc sống thể xác để học lấy những bài học mà linh hồn đó cần phải đạt được.
Ví dụ, những bài học mà tôi đã trải qua trong lần tái sinh này giúp tôi đạt được sự cân bằng giữa quyền lực và sự khiêm nhường. Tôi đã cố gắng thực hành điều này nhiều lần trong đời mình. Một bài học khác mà tôi có cảm giác mình có mặt ở nơi đây để học là cân bằng giữa tự do và trách nhiệm, nghĩa là làm thế nào vừa sống một cuộc đời tự do, vừa chịu trách nhiệm cho những hành động mình làm.
Mỗi chúng ta là một linh hồn độc nhất vô nhị, được tái sinh trong kiếp này để tận dụng tối đa khả năng yêu thương và đạt được những hiểu biết cần thiết để phát triển. Cuộc sống trên hành tinh này giúp chúng ta học cách vượt qua những khó khăn và giữ vững những mục tiêu cao cả nhất, đó là có được tình yêu vô điều kiện và tuyên xưng thiên đường ngay trên trần thế. Chúng ta có mặt ở đây là để học hỏi càng nhiều càng tốt những thứ chúng ta trải nghiệm từ cuộc sống.
Mark Anthony
Đây là một câu hỏi mà nhiều người và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đề ra từ thời xa xưa, khi con người còn ăn lông ở lỗ. Dựa trên những gì tôi thấy thì có vẻ như chúng ta đã từng tái sinh nhiều lần. Trong những dịp tôi trò chuyện với những linh hồn thì tất cả họ đều nói về việc đã từng tái sinh qua nhiều kiếp sống.
Trong phạm vi nghiên cứu những trải nghiệm của một người sắp lâm chung, đại đa số mọi người đều tin rằng có sự đầu thai. Đầu thai là vấn đề cội rễ của các tôn giáo chính như Hindu, Phật giáo, Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo. Những câu chuyện huyền thoại của đạo Do Thái đều nhắc đến việc một người có thể có nhiều kiếp sống nối tiếp nhau. Nhà thần học đầu tiên của đạo Cơ Đốc, Origen của vùng Alexandria, đã từng nhắc đến chủ đề nhiều kiếp sống. Ông nói ngay cả quỷ Sa-tăng cuối cùng cũng có thể về với cõi sáng.
Lý do mà các linh hồn tìm đến với Trái đất là vì tại đây chúng ta có thể có được những trải nghiệm và cảm giác mà chúng ta không thể nào có được ở cõi vĩnh hằng. Ở thế giới bên kia, linh hồn không biết đến những cảm giác của thể xác như cái chết, đau đớn, bệnh tật hay già nua. Chỉ ở nơi đây chúng ta mới trải nghiệm được những điều mà mình không bao giờ biết đến ở thế giới phi thể xác. Nhưng cho dù chúng ta tồn tại trên thế giới này vì lý do gì đi nữa thì điều đó cũng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của linh hồn về lâu về dài, vì mục đích của linh hồn là không ngừng tiến hóa, phát triển và học hỏi.
Theo quan điểm của một số tôn giáo truyền thống, khi chết đi, con người sẽ đứng trước một ngai vàng và bị phán xét, nếu sống tốt anh ta sẽ được lên thiên đường và ngược lại sẽ bị đày xuống địa ngục. Tôi không có ý nói rằng thế giới bên kia chỉ tồn tại sự phán xét, tuy nhiên hình thức hoặc lên thiên đường hoặc xuống địa ngục xuất phát từ trí tưởng tượng của con người thời Trung Cổ. Đây được xem là hình thức phán xét phổ biến nhất đối với con người sau khi chết ở thế giới này. Nhưng rõ ràng đấy là nỗ lực hữu hạn của những con người hữu hạn muốn tự đặt ra cách thức hoạt động cho một thế giới vô hạn.
Raymond Moody
Tôi đã từng lắng nghe câu chuyện của hàng ngàn người trải qua cảm giác cận kề cái chết. Họ đều nhìn thấy luồng Ánh Sáng rực rỡ và xem lại thước phim cuộc đời trong một bức tranh toàn cảnh sống động. Từng việc họ đã làm hiển lộ ngay trước mắt họ cùng một lúc. Đa số đều cho biết họ nhìn thấy lại cuộc đời mình giữa một vùng ánh sáng rực rỡ. Chính lòng trắc ẩn sâu sắc toát ra từ Thực Thể Ánh Sáng ấy đã giúp họ chứng kiến lại toàn bộ cuộc đời họ. Và trong số những điều họ thấy thì nổi bật nhất chính là những hình ảnh có liên quan đến tình yêu thương và học cách để yêu thương.
Trong bức tranh toàn cảnh ấy, bạn sẽ có cảm giác như thể mình nhìn một ai đó đang sống và làm những việc khác nhau chứ không phải là mình, và bạn sẽ cảm nhận được tâm trạng của những người mà bạn đang tương tác với họ. Giả sử nếu bạn làm một điều gì tệ hại với ai, ngay lập tức bạn sẽ cảm nhận được cảm giác đau buồn của họ. Còn ngược lại, nếu bạn thấy mình đang cư xử tốt với một ai đó, lập tức bạn cũng sẽ có chung cảm giác ấm áp, hạnh phúc như họ.
Có thể bạn và nhiều người khác sẽ cho rằng tôi bị loạn thần kinh khi nghe điều tôi sắp sửa nói đây, nhưng quả thật tôi thấy đó chính là cách mô tả gần chính xác nhất về ý nghĩa của những trải nghiệm mà chúng ta có được trên Trái đất này. Đó là, mỗi chúng ta thật ra chính là một phần trong kênh truyền thông và giáo dục của Thượng Đế. Cuộc đời mỗi người chúng ta là một câu chuyện nhỏ có liên quan đến một người khác trong một quãng thời gian nào đó, để rồi lại rẽ sang những hướng khác nhau. Chúng ta giống như hơn bảy tỉ mối dây bện vào và tách ra trong từng thời điểm khác nhau. Như Wiesel đã nói, nếu Thượng Đế yêu những câu chuyện, hãy tưởng tượng ra cảm giác hồi hộp và cố giữ bình tĩnh của Ngài trong khi chứng kiến những câu chuyện về cuộc sống loài người.
Gần đây tôi có đọc được một số liệu chính xác nhất nói về số lượng các ngôi sao mà loài người biết đến trong vũ trụ và con số đó là một trăm năm mươi tỉ ngàn tỉ (150 x 109 x 1012). Tính trung bình cứ mỗi ngôi sao lại có bốn hành tinh xoay quanh nó thì phải có đến sáu trăm tỉ ngàn tỉ (600 x 109 x 1012) hành tinh được biết đến trong vũ trụ này. Các nhà thiên văn học ước tính cứ một ngàn hành tinh thì có một hành tinh có điều kiện sống như Trái đất và họ đã phát hiện ra một số hành tinh có thể có sự sống. Hẳn bạn phải thừa nhận đây quả là một thành tựu vĩ đại của tạo hóa.
Được quan sát công trình sáng tạo đồ sộ này với tất cả những điều tuyệt vời trên, đối với tôi mà nói nó thực sự thú vị. Thượng Đế cũng lưu tâm đến việc cho phép hai người đồng tính được chung sống cùng nhau, theo Pat Robertson và các cộng sự của ông.
Tóm lại, tại sao chúng ta lại có mặt ở đây? Vì chúng ta đang sống trong một vũ trụ tuyệt vời và đây thực sự là một trải nghiệm sống kỳ diệu.