Anita Moorjani
Chúng ta cần hiểu rằng thể xác không phải là thứ quan trọng nhất của mỗi người. Đa số chúng ta chỉ nhìn thấy hình ảnh bản thân được thể hiện ở phần thể xác và suy nghĩ bị bó buộc theo những gì thể xác hiện hữu và có thể làm được. Phần lớn nền tảng mà ta được nuôi dưỡng và giáo dục cũng được xây dựng dựa trên yếu tố thể lý. Chúng ta quá chú tâm đến những gì mình có thể nhìn, nghe và cảm nhận mà lại không chú ý đến một chiều hướng hoàn toàn khác ở bản thân. Trong nhiều trường hợp, chúng ta bị cười nhạo hoặc bị khinh thường nếu có những trải nghiệm thực tế khác với những nền tảng này.
Trong thực tế, chúng ta không chỉ sở hữu thể xác mà còn làm chủ một thứ khác mà tôi gọi là ý thức, hay mọi người có thể gọi đó là linh hồn, tinh thần – điều đó không quan trọng. Chúng ta là ý thức thuần khiết và nó lớn lao, mạnh mẽ hơn cái thể xác nhỏ bé, hạn hữu mà chúng ta đang sở hữu. Khi nghĩ rằng mình là ý thức, tôi bỗng nhận ra linh hồn mình hoàn toàn không tồn tại riêng lẻ mà luôn kết nối với mọi người, trong đó có bạn.
Giữa tất cả chúng ta không hề có sự tách biệt riêng rẽ. Thể xác có thể khiến chúng ta nghĩ rằng mỗi người là một cá thể độc lập nhưng chỉ cần nhận biết rõ về phần ý thức, hay phần hồn của mình, chúng ta sẽ thấy tất cả mọi người đều có sự liên kết với nhau. Tất cả chúng ta đều là những dạng thức biểu đạt khác nhau của cùng một ý thức. Và tôi đã thấy đó là sự thật khi nhận thức rõ về bản thân mình. Khi tôi nhận ra điều đó – với từng tế bào trong cơ thể tôi – tôi biết rằng tôi vĩ đại hơn thế nhiều, rằng tôi là một với tất cả mọi thứ, tôi là một với Thượng Đế. Tôi nhận thấy thể xác của tôi chỉ là sự phản chiếu hình ảnh của bản thể mà tôi đã nhận thức được.Ngay khi tôi nhận ra điều đó, lập tức thể xác của tôi được chữa lành. Tôi muốn mọi người hiểu rằng chúng ta thật mạnh mẽ, kỳ diệu và vĩ đại hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ.
P. M. H. Atwater
Tôi thật sự là một linh hồn bất tử, là sự “mở rộng” của Đấng Thánh Thiện. Tôi tồn tại tạm thời bên trong lớp vỏ thể xác, để nhờ đó tỏa ra những xung động điện từ, rồi hình thành nên những mô thức hành xử mà chúng ta thường gọi là tính cách.
Tôi là một linh hồn. Tôi không phải là tính cách của tôi. Tính cách và hình hài mà tôi đang mang đây có ý nghĩa giúp tôi thực hiện sứ mệnh của đời mình, còn tôi là ai thì câu trả lời chính là “Tôi là một phần của Thượng Đế”.
Mark Pitstick
Con người chỉ cảm nhận được một phần rất nhỏ cuộc đời mình. Nhiều nhà vật lý học lượng tử cho rằng những gì một người bình thường cảm nhận được không chiếm tới một phần trăm thực tế cuộc sống. Họ phát biểu rằng cả thế giới được tạo nên từ hai yếu tố: ánh sáng và năng lượng. Nếu ví tổng “lượng” ánh sáng và năng lượng của cả thế giới này to bằng núi Everest thì những gì chúng ta cảm nhận được thông qua các giác quan chỉ to bằng một quả bóng golf – điều đó chẳng khác nào nhìn qua lỗ khóa trên cánh cửa để tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra với thế giới xung quanh. Và có một câu hỏi quan trọng mà bạn có thể tự đặt ra cho mình là “Làm thế nào tôi có thể nới rộng cái lỗ khóa đó thêm chút nữa để hiểu biết thêm về cuộc đời này?”.
Con người là những thực thể năng lượng tồn tại vĩnh hằng, thực thể tâm linh, ý thức và nhận thức – hay nói tóm lại là linh hồn. Bạn là thực thể ánh sáng đang tạm sống trong hình dáng con người để thực hiện một số chức năng trong thế giới vật chất. Bạn là một phần bất tận của Tổng Thể. Nếu ví Thượng Đế như là Đại Dương Thánh Thiện thì bạn chính là một giọt nước giữa đại dương đó, nhưng là một giọt nước rất quan trọng. Bởi nếu không có những giọt nước thì đại dương chẳng thể nào tồn tại.
Chúng ta biết nước có thể tồn tại dưới nhiều thể khác nhau – thể lỏng, thể rắn và thể khí – nhưng cho dù dưới hình thức nào đi nữa, chúng đều là nước. Tương tự, hình dạng bên ngoài của bạn có thể thay đổi nhưng bản chất bên trong bạn là cố định. Bạn có thể có hoặc không có một hình hài cơ thể vào lúc nào đó hay ở nơi nào đó, nhưng nguồn năng lượng/bản thể đích thực của bạn luôn tồn tại bất chấp những thay đổi về mặt thể chất. Nhiều bằng chứng cho thấy ý thức của bạn vẫn tồn tại ngay cả khi thể xác đã chết hay khi bạn chưa được sinh ra.
Nói đến đây, nhiều người sẽ hỏi “Thế cái phần người trong tôi vốn ưa thích du lịch đó đây, thích ăn ngon mặc đẹp, thích xem phim ảnh, sách truyện phiêu lưu và muốn được yêu thương là gì? Nếu tôi chỉ là một thực thể năng lượng thì điều gì sẽ xảy ra với tất cả những thứ đó?”.
Câu trả lời là, những gì bạn từng làm và sống sẽ trở thành một phần con người bạn. Trên hành trình vô tận của riêng mình, bạn sẽ không đánh mất một thứ gì cả và sẽ còn có nhiều thứ hơn mình tưởng. Tính cách, các ký ức, sở thích và kỹ năng đều góp phần tạo nên con người tổng thể của bạn.
Theo thời gian, những khía cạnh tiêu cực và năng lượng thấp kém trong bạn sẽ lụi tàn, nhường chỗ cho nguồn năng lượng cao cả hơn và tinh tế hơn. Khi đó, bạn sẽ thức dậy với nguồn ánh sáng và tình yêu mạnh mẽ vốn đã luôn tồn tại trong bạn; và bạn sẽ sống theo tinh thần đó.
Marilyn Schlitz
Tôi nghĩ tất cả chúng ta lúc nào cũng có câu trả lời cho câu hỏi này dưới những dạng thức khác nhau, tùy vào từng hoàn cảnh sống và giai đoạn phát triển trong đời. Hiển nhiên tất cả chúng ta đều tồn tại dưới chữ “tôi”, cái “tôi” vốn hàng ngày đi làm, đi học, tạo dựng các mối quan hệ trong xã hội… Bên cạnh đó, còn có một cái “tôi” khác lớn hơn, gọi là cái “ta”, đầy siêu việt và kết nối tất cả chúng ta thông qua các hoạt động tâm linh. Ngay cả ngành vật lý lượng tử bây giờ cũng làm sáng tỏ cho chúng ta biết việc kết nối với nhau mang ý nghĩa như thế nào.
Sau nhiều năm nghiên cứu về sự biến đổi trong ý thức, chúng tôi nhận ra rằng vấn đề cốt lõi ở đây là sự thúc đẩy cái tôi ý thức ở con người. Trong trạng thái cá nhân đó, người ta sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” như trong câu nói “Tôi đã có một trải nghiệm cận tử”, hay “Tôi đã nếm trải sự thoát xác”, “Tôi biết được những điều huyền bí”. Những trải nghiệm này có thể diễn ra trong những hoạt động rất đời thường, như khi đang rửa chén hay nhìn ra ngoài cửa sổ, và rồi trạng thái lúc đó đã khiến người ấy thay đổi quan điểm về việc “tôi” là ai và là gì. Đấy là những con đường tạo điều kiện cho cái “tôi” cá nhân tiến dần đến với cái toàn thể, cái “ta”.
Điều này có thể khá khó khăn đối với một số người kháng cự lại những thôi thúc mới này. Đôi khi não bộ của chúng ta không có khả năng tiếp thu những điều mới.
Gary Schwartz
Tôi sẽ nhìn sự việc dưới góc độ của một nhà khoa học chứ không phải dựa trên trải nghiệm cá nhân. Đúng vậy, mỗi chúng ta không đơn thuần là hình hài vật chất này. Vật lý hiện đại đã cho thấy bất cứ điều gì tồn tại đều là sự kết hợp giữa năng lượng và thông tin. Những gì chúng ta định nghĩa, chúng ta trải nghiệm, thực chất đều là năng lượng. Và điều thú vị về năng lượng và thông tin là chúng tồn tại vĩnh hằng trong vũ trụ.
Ví dụ, khi ta ra khỏi thành phố và đến với vùng quê không điện đóm, ta sẽ thấy ánh sáng của vô số vì sao. Nhìn qua kính viễn vọng, ta sẽ thấy hàng tỉ thiên hà và mỗi thiên hà chứa hàng tỉ ngôi sao. Tất cả ánh sáng đó đã đi khắp vũ trụ hàng triệu hàng tỉ năm qua và không hề biến mất. Nếu tất cả ánh sáng đó “ngẫu nhiên” bị biến dạng trong không gian, thì khi chúng ta nhìn vào bầu trời ban đêm sẽ chỉ trông thấy một vùng đen đặc quánh. Thực ra những gì chúng ta nhìn thấy đó là lịch sử – các ánh sao trời đã ra đi và trở lại qua hàng triệu, hàng tỉ năm.
Ánh sáng có tính bất tử và năng lượng/thông tin của con người cũng giống như những vì sao xa kia. Bằng cách nào đó, chúng có ảnh hưởng đến cảm nhận, suy nghĩ, tính cách lẫn ý thức của chúng ta. Chỉ cần có kiến thức cơ bản về vật lý học, nhất là vật lý lượng tử, chúng ta có thể kết luận rằng bản chất cốt lõi của con người cũng mang tính vật lý lượng tử. Và thông tin, hay năng lượng, cũng giống như phần linh hồn của con người vậy.
Caroline Myss
Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc, đặc biệt khi họ đã bước sang tuổi trung niên. Câu hỏi này mang nhiều hàm ý khác nhau. Khi đã đi được nửa đời người, chúng ta thường hỏi câu này vì muốn tìm lại ý nghĩa cuộc đời, để đánh giá giữa sự cho và nhận của cuộc đời. Chính vì thế mà câu hỏi “Tôi là ai?” sẽ giúp chúng ta khám phá ra những tiềm năng để có thể thay đổi, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Có nhiều lý do khiến ta phải tự hỏi “Tôi là ai?”. Có những người tự hỏi câu này là vì họ phải đối diện với quá nhiều thất bại, đau đớn trong cuộc sống; có người vì đọc nhiều sách tâm linh, họ có thiên hướng triết học tự nhiên; hoặc có người đang phải chịu đựng nỗi đau đớn do bệnh tật hay đang hấp hối.
Bản chất con người vốn thích tìm hiểu về những điều thiêng liêng, thần thánh ngay cả khi không ngôn ngữ nào có thể chuyển tải trọn vẹn những điều ấy. Họ tìm kiếm những điều thiêng liêng này vì những ý muốn khác nhau. Họ muốn được cảm thấy mình quan trọng và xem thường những điều bình thường. Đó chính là động lực đầu tiên để họ đi tìm kiếm những điều phi thường hay siêu nhiên. Và trên hành trình tìm kiếm đó, sẽ có những lúc họ tự hỏi “Tôi là ai?”.
Bill Guggenheim
Tôi là người theo đạo Thiên Chúa, vì thế câu trả lời của tôi sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi điều này. Hồi còn bé, tôi được dạy rằng khi chúng ta chết đi, linh hồn của chúng ta sẽ rời bỏ cơ thể. Nếu là một cậu bé hay cô bé ngoan, linh hồn của ta sẽ được bay lên thiên đường, bằng không nó sẽ bị đày xuống địa ngục. Và tôi không thích địa ngục chút nào, vì nghe như thể chẳng khác gì một nhà tù.
Ngày nay, tôi tin rằng tôi, bạn và tất cả mọi người, là linh hồn hay ánh sáng đang tồn tại ở ngay đây và ngay giây phút này. Mỗi chúng ta đang mặc một bộ quần áo trên hành tinh này, gọi là cơ thể, để làm những việc mà con người vẫn làm. Bộ “quần áo Trái đất” có rất nhiều công dụng, nhưng đôi khi cũng làm phiền chúng ta. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, nó sẽ không còn tồn tại nữa.
Tôi hình dung nó cũng giống như bộ quần áo của phi hành gia khi bay vào vũ trụ. Nếu phi hành gia bước ra khỏi tàu mà chiếc áo bị thủng, nó sẽ dừng hoạt động và người mặc sẽ chết. Tương tự như người thợ lặn phải đeo chiếc mặt nạ kim loại an toàn và mặc bộ quần áo chịu áp suất chuyên dụng để có thể lặn sâu xuống biển, nếu vì lý do nào đó mà bộ quần áo bị hỏng, họ sẽ chết. Cơ thể của chúng ta cũng thế. Nó cũng có những giới hạn nhất định và cuối cùng sẽ không còn hoạt động.
Tuy nhiên, tôi và bạn, những gì cốt lõi làm nên tôi và bạn, sẽ không chết đi mà lại bất tử. Tất cả chúng ta đều có một cơ thể tâm linh rất mạnh mẽ được ráp vào cơ thể vật chất. Cơ thể tâm linh của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại ở thế giới bên kia hoặc ở cuộc sống sau khi chết. Trong cuốn sách của chúng tôi, chúng tôi thường gọi thế giới bên kia là thiên đường, tuy nhiên nó có thể được gọi là cõi niết bàn, vùng cực lạc, hay bất kỳ tên gọi nào khác mà bạn muốn. Các tôn giáo khác nhau có những tên gọi khác nhau cho nơi này.
Bernie Siegel
Câu trả lời cũng dễ mà! Theo tôi, có thể hình dung câu trả lời như thế này: giả sử bạn đang đứng xếp hàng để bước vào cổng thiên đường và người ta hỏi bạn rằng“Anh là người kế tiếp, vậy anh muốn giới thiệu về mình với Thượng Đế như thế nào?”. Nếu tôi trả lời tôi là một bác sĩ, Thượng Đế sẽ bảo “Hãy quay lại đây khi nào anh biết mình là ai”. Vậy tôi là ai? Tôi chính là con của Thượng Đế. Chỉ cần trả lời như thế, bạn sẽ được vào thiên đường. Như vậy, tôi chính là một thành viên của gia đình Thượng Đế, là một trong những đứa con của Người.
Stan Grof
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cần phải nói rằng tôi không phải là bậc thầy về lĩnh vực này, do vậy tôi sẽ không bảo với bạn “Đây là câu trả lời duy nhất”. Tôi đã nghiên cứu về những trạng thái ý thức thoát trần (non-ordinary states of consciousness) hơn nửa thế kỷ nay và nhận ra rằng có một nhóm nhỏ các trạng thái mà trong số đó tôi tin là có khả năng chữa lành, biến đổi và tạo nên cuộc cách mạng. Những trạng thái này cũng có tiềm năng trở thành những phương pháp suy nghiệm, nghĩa là bạn cũng có thể tiếp nhận các thông tin mới về ý thức, linh hồn, thậm chí là về bản chất thực tế. Những gì tôi trả lời được dựa theo những gì tôi đã nhìn và nghe thấy từ những người đã trải qua các trạng thái này – khách hàng của tôi, học viên các khóa huấn luyện và đào tạo của chúng tôi – cũng như từ những trải nghiệm của bản thân tôi.
Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao bộ môn tâm thần học lại không có tên gọi dành cho nhóm các trạng thái rất quan trọng mà những bậc thiền sư, những người tập yoga, những người được khai tâm đã đạt đến. Vậy nên tôi đặt cho nó cái tên là “holotropic” – tên ghép của “holos” nghĩa là tổng thể, và “trepein” nghĩa là di chuyển. Ở đây tôi muốn nói đến trạng thái tinh thần giúp đưa tất cả chúng ta quy về một mối chung trong cái tổng thể của loài người. Sẽ có người hỏi lại “Thế chẳng phải tất cả chúng ta đã là một vì cùng trải nghiệm những điều y như nhau trong đời sống hàng ngày đấy ư?”. Xin thưa rằng “Không, bởi khi ở trong trạng thái ý thức thoát trần, chúng ta có thể mở rộng ý thức và trải nghiệm nhiều khía cạnh khác của vũ trụ bằng chính kinh nghiệm cá nhân của mình”.
Đạo Hindu và nhiều truyền thống tín ngưỡng khác cũng bảo rằng tận sâu bên trong mỗi chúng ta là một đốm sáng năng lượng thánh thiện. Đạo Hindu gọi đó là Atman và có nhiều hoạt động giúp bạn thật sự trải nghiệm về nó. Điều này củng cố cho khái niệm rốt cuộc bạn là ai. Khi bạn nhận biết được Atman, bạn sẽ thấy năng lượng của mình cũng đồng nhất với năng lượng sáng tạo của vũ trụ, được gọi là Brahman. Như vậy, con người đích thực của bạn chính là Atman - Brahman chứ không phải “cái tôi - thể xác” như chúng ta vẫn nghĩ.
Karen Wyatt
Chúng ta là những linh hồn đến với hành tinh này để trải nghiệm cuộc đời thể xác. Linh hồn chính là con người đích thực của chúng ta. Nhân dạng mà chúng ta đang có trên Trái đất này chỉ là tạm thời.
Linh hồn của chúng ta đã tồn tại ở đây qua nhiều kiếp sống trong quá khứ. Nhiều người ngay từ khi còn bé đã có sẵn trình độ hiểu biết và nhận thức rất cao về tâm linh. Linh hồn có nhiều cơ hội để tiến hóa. Có những kiến thức và sự khôn ngoan chúng ta đã mang sẵn trong mình khi tái sinh ở kiếp này.
Chúng ta là đại diện độc nhất của Đấng Sáng Tạo Vô Biên và đều được tạo thành từ cát bụi vũ trụ. Ấy vậy mà chúng ta lại hiện thân trong những thể xác hoàn toàn khác biệt nhau. Chúng ta là những linh hồn đã được tái sinh trong thế giới vật chất để biểu lộ bản chất yêu thương và sáng tạo của mình. Mỗi linh hồn có những đặc điểm riêng, những đặc điểm ấy sẽ định hướng cho cuộc sống của chúng ta trên cõi đời này và vẫn sẽ tồn tại sau khi thể xác tan rã.
Mark Anthony
Thực chất mỗi con người có nhiều thể tồn tại khác nhau. Chúng ta là những linh hồn bất tử đang tạm thời bị giới hạn trong thể xác này. Linh hồn chúng ta hiện đang bị giam giữ trong thể xác, cũng giống như rượu đang chứa trong chai, còn não bộ giống như cái nút chai. Não đưa ra những nhận xét, đánh giá về thế giới xung quanh nhưng thực ra lại chỉ có thể cảm nhận được một thế giới hữu hạn, là thế giới mà chúng ta đang trải nghiệm.
Tuy vậy, cái thế giới bên kia cửa tử lại là bất tận. Chúng ta có mặt ở đây là để trải nghiệm cuộc sống hữu hạn vì những lý do riêng nào đó. Đến thời điểm chúng ta phải rời bỏ thế giới vật chất này, bộ não – nơi trú ngụ của sự sợ hãi, cái tôi và những giới hạn – sẽ được giải phóng, giống như cái nút chai bật ra và linh hồn chúng ta sẽ được quay về với trạng thái bất tử của nó.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi trong mỗi chúng ta còn tồn tại một yếu tố vĩnh hằng. Ở một cấp độ nhất định, chúng ta trải nghiệm đời sống vật chất, đồng thời bản thể cao hơn của chúng ta vẫn kết nối với Thượng Đế, với ý thức tập thể, với thế giới bên kia.
Raymond Moody
Những người vĩ đại nhất cũng từng trăn trở về câu hỏi này. Yếu tố cốt lõi nào đã tạo nên con người duy nhất có một không hai của bạn? Hồi bé tôi là một đứa trẻ khá triết lý. Lúc ấy tôi nhớ tôi vẫn thường tự hỏi mình rằng “Linh hồn là một điều gì đó thật kỳ lạ. Làm sao lại có những con người khác nhau thế nhỉ?”. Niềm đam mê đầu tiên của tôi là thiên văn học và nó thực sự có thể thức tỉnh bạn về vấn đề này. Ngay từ đầu, tôi đã ngờ rằng ý thức sẽ đảm nhiệm vai trò chính. Tôi nhận biết điều này trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Khi tôi nghĩ rằng bản sắc của mình được tạo nên từ chuỗi những câu chuyện trên hành trình cuộc đời.
Elie Wiesel đã sống sót từ trại tập trung Auschwitz sau chiến tranh, rồi trở thành người chuyên săn tìm và cung cấp thông tin liên quan đến Đức Quốc xã. Ông đã rất thông thái khi phát biểu rằng “Thượng Đế tạo ra con người vì Người thích những câu chuyện”. Nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy quả thật đời người chẳng khác nào một câu chuyện. Suốt thời gian làm nhà trị liệu tâm bệnh cho người già, tôi đã trò chuyện với rất nhiều người lớn tuổi bị chứng suy nhược tâm thần hoặc bị stress. Những con người đang ở bên kia con dốc cuộc đời ấy đã chia sẻ “Đôi lúc, tôi cảm thấy đời mình chẳng khác nào một vở kịch”. Tôi cũng từng nghe Joseph Campell, nhà nghiên cứu về thần thoại, phát biểu tương tự. Và giờ đây, ở tuổi 69, tôi cũng bắt đầu tự cảm nhận được điều đó.
Theo thời gian, chúng ta thêu kết và dệt lại những câu chuyện đời mình. Theo Plato, có một thực thể vô hình đang tồn tại bên trong thể xác mỗi chúng ta. Và ông gọi thực thể đó là linh hồn. Từ này có ý nghĩa rất quan trọng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi về mặt ngôn từ trong suốt hàng thế kỷ qua. Chính xác nó là gì?
Vào thế kỷ thứ 17, giữa bối cảnh quyền hạn nhà thờ có nguy cơ lung lay, John Locke cho rằng bản sắc cá nhân được hình thành từ chính những ký ức của chúng ta. Rồi đến Hume cũng thừa nhận bên trong mỗi người chính là những ý tưởng, cảm giác và quan điểm đang tuôn chảy. Riêng tôi, tôi cảm thấy dường như mình đồng tình với nhận xét cho rằng mỗi con người được tạo nên từ những câu chuyện cuộc đời của họ.