Anita Moorjani
Khi một đứa bé hay ai đó mất đi, những người thân của họ sẽ đau khổ tột cùng, trong khi người qua đời đã VỀ ĐẾN NHÀ. Chúng ta chết vì đã đến lúc chúng ta phải chết; ngay cả với một đứa trẻ cũng vậy, nó cần ra đi khi đã đến thời điểm chín muồi để đi. Đứa trẻ đến với cuộc đời này chỉ trong một thời gian ngắn và đó đã là một món quà quý giá đối với nhiều người, nhưng sau đó nó cần ra đi để trở về NHÀ của chính nó. Thời điểm đó dường như đã được quy định trước khi đứa trẻ đến với thế giới này. Chúng ta xem đó là đau khổ vì chúng ta nghĩ như thế, nhưng nếu nhìn sự việc khác đi, bạn sẽ thấy đó không còn là nỗi đau nữa. Ngược lại, chúng ta sẽ cảm thấy vui mừng cho đứa trẻ vì biết rằng nó sẽ được VỀ NHÀ an toàn.
Có nhiều nguyên nhân vì sao có những đứa trẻ phải chịu đựng bệnh tật đau ốm. Đó có thể là một phần trong kế hoạch mà Tạo Hóa đã lập ra, và thường thì bệnh tật lại chính là một món quà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta vì nó mang mọi người lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, còn một dạng đau khổ khác chúng ta vẫn đang phải gánh chịu mà không hề nhận ra. Đó là chúng ta vẫn nghĩ rằng mỗi người là một cá nhân độc lập và tách biệt với nhau, rằng chúng ta phải phấn đấu để trở thành người tốt đẹp hơn nữa, thành công hơn nữa. Chính cảm giác mình vẫn chưa đủ tốt sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của chúng ta và dẫn đến nhiều vấn đề khác. Đó chính là sự đau khổ mặc nhiên mà chúng ta tự tạo cho mình và khiến bản thân không còn lựa chọn nào khác để thoát khỏi.
Trước khi trải qua cảm giác cận kề cái chết, cuộc sống của tôi có rất nhiều đau khổ. Tôi tự cho rằng mình nhỏ bé, thấp kém và vì vậy để người khác có cơ hội lấn át mình. Chính điều đó khiến tôi luôn cảm thấy lo sợ trong cuộc sống. Tôi sợ bệnh tật, sợ mình chưa đủ tốt và luôn làm vui lòng người khác. Tất cả mọi điều và mọi quyết định tôi làm đều xuất phát từ nỗi sợ hãi. Chính điều đó đã sinh ra nỗi đau khổ mà tôi phải chịu đựng lẫn căn bệnh ung thư mà tôi mắc phải.
Khi ở giai đoạn sắp chết, tôi bỗng nhận thức rõ ràng rằng mình không nên sống trong sợ hãi như thế, lẽ ra mọi quyết định của tôi phải xuất phát từ tình yêu thương và đam mê để không phải đau khổ. Lúc đó, tôi đã nghĩ “Tại sao trước kia mình lại không nhận ra điều này? Tại sao mọi người không dạy mình điều này từ bé?”. Tôi nhận ra phần lớn nỗi thống khổ của mình xuất phát từ những niềm tin được mọi người gieo vào đầu và những quyết định sai lầm của bản thân.
Bài học lớn nhất, quan trọng nhất trong cuộc sống mà tôi đã tìm thấy là yêu thương và trân trọng bản thân. Càng yêu thương và trân trọng bản thân, chúng ta sẽ càng ít phải hứng chịu đau khổ. Phần lớn đau khổ là do chúng ta tự đánh giá thấp bản thân và nghĩ rằng chúng ta không quan trọng.
Một điều khác cũng quan trọng không kém mà tôi đã nhận ra là chúng ta phải chọn lựa mọi thứ dựa trên tình yêu thương chứ không phải nỗi sợ hãi. Trước khi trải qua trải nghiệm “chết hụt”, tôi luôn bị ám ảnh bởi việc làm thế nào để có thể sống mạnh khỏe. Tôi nghiên cứu các loại thuốc chống ung thư và tìm hiểu những phương thức sống lành mạnh. Tôi ăn uống rất lành mạnh, uống vitamin bổ sung, uống nước ép làm từ cỏ lúa mì và các bạn thử đoán xem kết quả thế nào? Kết quả là tôi vẫn bị ung thư. Có trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh tôi mới hiểu được rằng tất cả những điều tôi làm trước kia trong cuộc đời mình đều xuất phát từ nỗi lo sợ.
Hiện tại tôi vẫn chọn những thực phẩm lành mạnh nhưng tôi không làm điều đó vì sợ bị ung thư mà là vì tôi yêu quý cuộc sống của mình. Tôi yêu cuộc đời mình và luôn chọn lựa có ý thức những gì mang lại cho tôi niềm vui và tình yêu, thay vì luôn phải lo sợ những hệ lụy. Tôi không còn phải đau khổ nữa. Cuộc sống trở nên thật dễ chịu, thật vui.
P. M. H. Atwater
Thật ra đó là sự lựa chọn của linh hồn chúng ta. Nó xuất phát từ định hướng sống và mục đích cuộc đời của mỗi người. Tôi từng gặp một người đàn ông mắc căn bệnh mãn tính phải ngồi xe lăn. Nhưng ông luôn điềm nhiên mỉm cười và nói với tôi rằng “Thân thể này cho tôi cái đặc quyền để nhắc nhở mọi người về lòng can đảm trong cuộc sống”.
Tôi sinh ra là một đứa con hoang với năm ông bố, hai bà mẹ và tự lớn lên một mình. Tôi bị bệnh bại liệt, động kinh, thấp khớp, chứng cảm giác kèm(*), chứng khó đọc từ hồi nhỏ và thậm chí hồi đó trường học còn chưa hề biết đến các chứng bệnh này. Tôi còn nhớ năm lớp một của mình thật kinh khủng. Phần lớn thời gian tôi phải ngồi trên một cái ghế ngay trước mặt mọi người, trên đầu đội cái nón có chữ “Đần độn”. Tôi không hề bị tra tấn về mặt thể xác nhưng phải chịu tổn thương nghiêm trọng về tinh thần.
(*) Cảm giác kèm (synesthesia) là hiện tượng cảm giác liên quan đến việc thần kinh tự kích hoạt một cảm giác hay nhận thức khác. Ví dụ, một người có thể cảm nhận các màu sắc sau khi nhắm mắt, nhìn thấy sóng âm thanh đầy màu sắc và cảm nhận rõ hương vị âm nhạc. Tuy nhiên, chứng synesthesia không hoàn toàn là một hiện tượng tốt.
Bất chấp tất cả những điều đó, tôi vẫn là tôi. Tôi đã trải qua cảm giác đứng trên bờ vực thác nước Shoshone ở Idaho. Tôi đứng đó một mình và nhìn xuống dòng thác hùng vĩ, đột nhiên hình ảnh của tất cả những người mà tôi đã gặp trong đời bỗng hiện ra trước mắt, từ những người đã từng làm tôi tổn thương, những người đã từng tra tấn tôi bằng cách này hay cách khác, cho đến những người đã hết lòng yêu thương và cứu vớt tôi... Tất cả họ đều đang ở đó. Tôi chợt nhận ra tất cả đều nằm trong một kịch bản sẵn có và đó là một phần của điều kỳ diệu. Tất cả những điều đó đã góp phần làm nên tôi của ngày hôm nay, và tôi mỉm cười cảm ơn Thượng Đế khi nhìn lại mọi thứ.
Tại sao một linh hồn đầu thai làm đứa trẻ lại mất sớm ư? Theo nghiên cứu của tôi với sự tham gia của 277 trẻ em thì phân nửa trong số đó có thể nhớ rõ sự ra đời của chúng, 1/3 trẻ có thể nhớ lại giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ. Như vậy, các linh hồn đều biết rõ tiến trình này và biết rõ họ sẽ đến với thế giới này như thế nào. Và cũng theo các nghiên cứu về những trường hợp đã từng trải nghiệm cảm giác chết đi sống lại thì các linh hồn biết rõ vì sao họ đến đây. Linh hồn biết rõ cả bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của mình ngay từ khi bắt đầu với hình dạng một tế bào nhỏ nhoi trong bụng mẹ.
Mark Pitstick
Tôi đã từng ở bên cạnh những đứa trẻ mất trong bệnh viện vì bị chấn thương nghiêm trọng hoặc bị lạm dụng, và tư vấn cho nhiều bậc phụ huynh có con qua đời. Suốt bốn mươi năm qua tôi đã làm việc với hàng ngàn bệnh nhân phải chịu đựng đớn đau. Bản thân tôi cũng trải qua những đau khổ như mất người thân, ly dị, thất tình, phá sản, thất vọng tràn trề,… Vì thế tôi hiểu rõ, cả ở góc độ cá nhân lẫn nghề nghiệp chuyên môn, rằng sự đau khổ và cái chết, nhất là những trường hợp có liên quan đến trẻ nhỏ, là những điều hết sức khó khăn để vượt qua.
Thử thách và thay đổi vốn là một phần trong cuộc sống này. Khi ta hiểu rõ về thế giới bên kia cửa tử, điều đó không có nghĩa là sẽ giúp ta tránh khỏi cái chết và mọi khổ đau nhưng nó sẽ giúp chúng ta cảm thấy phấn khởi hơn. Ví dụ, mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều nếu thay vì nghĩ chết là “tạm biệt” thì chúng ta nghĩ rằng chết là “hẹn gặp lại”. Bên cạnh đó, nếu biết rằng mỗi thử thách trong cuộc sống đều có một dụng ý và ý nghĩa sâu xa, ta có thể đón nhận chúng dễ dàng hơn.
Đó là lý do vì sao tôi luôn làm tất cả mọi điều có thể để chia sẻ cùng mọi người những bằng chứng nghiên cứu khoa học và tâm thần đã được lưu trữ cho thấy thật ra chúng ta không hề chết đi. Đồng thời, tài liệu này cũng cho thấy cuộc đời vốn dĩ có ý nghĩa riêng của nó và rất công bằng chứ không hề rối ren và tàn nhẫn. Hiểu được điều này, bạn sẽ không còn quá sợ bất cứ điều gì trong cuộc sống nữa, kể cả khổ đau và cái chết.
Khi bạn thật sự hiểu rằng cuộc sống không hề chấm dứt – kể cả khi nó luôn thay đổi – bạn sẽ không còn phải đau khổ. Có thể bạn sẽ cảm thấy buồn phiền trong chốc lát nhưng sẽ không còn khổ sở bi lụy như khi không có nền tảng tâm linh vững chắc hay sự hiểu biết về những bí ẩn của cuộc đời.
Có một lý do khiến bạn đau khổ là vì bạn chú tâm quá mức đến những điều sẽ thay đổi trong cuộc đời. Ví dụ, nếu bạn quá quan tâm đến sắc đẹp, cơ thể hay tuổi tác của mình thì cũng có nghĩa là bạn đang tự tạo cho mình nguy cơ đau khổ vì chẳng ai tránh được lúc nhìn thấy mình đánh mất những điều này. Trẻ đẹp và mạnh khỏe là điều ai cũng ưa thích, nhưng có một điều còn quan trọng hơn là giữ được tinh thần bình an khi những điều đó không còn.
Hãy nghĩ đến bản chất cốt lõi của bản thân chính là linh hồn, ý thức và tình yêu. Những thứ đó sẽ không bao giờ biến mất hay chết đi.
Khi người ta hỏi Đức Phật “Tại sao con người đau khổ?”, Ngài đã trả lời rằng có hai nguyên do khiến ta đau khổ:
Ai cũng cảm thấy đau khổ khi chứng kiến một em bé qua đời. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng rất có thể đứa bé đã là một linh hồn trưởng thành. Chính vì thế đứa bé đó không cần phải ở lại “trường học Trái đất” quá lâu. Hầu hết các bậc cha mẹ có con nhỏ qua đời đều cho tôi biết chúng là những đứa trẻ rất đặc biệt và nhạy cảm. Họ thường lo sợ con mình sẽ chết yểu vì chúng quá thánh thiện so với thế giới này.
Có một điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là, dẫu một người năm tuổi hay chín mươi lăm tuổi thì khi mất đi, quãng thời gian họ sống trên Trái đất này cũng chỉ nhanh như một cái chớp mắt so với cõi vĩnh hằng. Và cũng theo triết lý nhà Phật, kiếp người cũng ngắn ngủi tựa như “những giọt nước biển bắn lên không trung khi sóng vỗ, rồi lại nhanh chóng trở về với đại dương”. Điều đó giúp chúng ta nhận ra rằng sự khổ đau mà chúng ta phải gánh chịu trong cuộc đời thật ra rất ngắn ngủi.
Bạn sẽ trì hoãn việc gấp của mình năm phút để cứu lấy cuộc sống của một đứa trẻ chứ? Tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ đồng ý. Vâng, đau khổ của con người cũng tương tự như thế – nó tồn tại rất ngắn ngủi trong khoảng thời gian vĩnh cửu, có thể mang đến một mục đích tuyệt vời; và từ quan điểm của vũ trụ, có lẽ đau khổ là điều thực sự rất có giá trị.
Bên cạnh đó, bạn cần nghĩ mỗi linh hồn đều tự nguyện chọn lựa để trải qua những khó khăn trong cuộc sống làm người. Mọi thứ sẽ trở nên khác biệt nếu bạn hiểu rằng mình tự nguyện đón nhận đau khổ chứ không phải bị Thượng Đế ép buộc.
Hãy làm tất cả những gì bạn có thể để giảm thiểu sự đau khổ; nhưng khi đối diện với nó hãy trân trọng, nâng niu, rút tỉa kinh nghiệm để học hỏi từ nó. Suy nghĩ như thế sẽ giúp bạn bước qua những trải nghiệm trên Trái đất này một cách nhẹ nhàng và vui vẻ, dẫu cho đó là những sự việc đau buồn hay tồi tệ. Bạn đừng quên rằng trong các câu chuyện đẹp, những nhân vật anh hùng chỉ trưởng thành và nhận ra năng lực nội tại sau khi trải qua gian nan tranh đấu và chiến thắng kẻ xấu. Và cuộc đời bạn trên Trái đất cũng giống như một câu chuyện vĩ đại vậy.
Marilyn Schlitz
Phải, tôi cũng thừa nhận rằng quả thật con người phải chịu nhiều đau khổ. Tôi làm việc tại Viện Khoa học Tinh thần (Institute of Noetic Sciences) với nhà sáng lập là giáo sư Edgar Mitchell, một trong các phi hành gia trên chuyến tàu Apollo 14. Trong khi làm việc, ông đã có dịp dạo bước trên cung trăng, ngắm nhìn không gian bao la cùng mặt trời, mặt trăng và Trái đất, xem cảnh chúng mọc và lặn. Ông đã được tận mắt nhìn thấy vũ trụ mênh mông và sự kỳ diệu của nó, điều mà ngày nay chúng ta đã biết đến qua các báo cáo khoa học.
Ông có hai trải nghiệm. Một trong số đó là nỗi đau khổ sâu sắc khi ông thực sự cảm nhận được những gì hành tinh chúng ta đang phải gánh chịu. Khi nhìn xuống Trái đất từ trên vũ trụ bao la, ông không còn thấy những ranh giới lãnh thổ, sắc tộc, màu da, giới tính hay tuổi tác… nữa mà chỉ trông thấy một tổng thể hợp nhất tuyệt vời. Như vậy, đau khổ không phải là thứ sẵn có trên hành tinh xinh đẹp này, nó chỉ được gây ra bởi những cư dân sống trên đó.
Chúng ta là những sinh vật tạo ra ý nghĩa cuộc sống và tất cả những đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng đều có những giá trị riêng của nó. Đau khổ chính là phản ứng tự nhiên đối với những gì xảy ra nhằm mục đích giúp con người trưởng thành hơn. Nó cũng xuất phát từ quan điểm và những gì chúng ta chú tâm đến trong cuộc sống. Bản thân tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có mối liên hệ với nhau. Vấn đề chỉ là mỗi người có một định nghĩa khác nhau về mối liên hệ đó mà thôi.
Trở lại với những nghiên cứu khoa học, chúng ta vẫn nghĩ con người sẽ trở nên bất lực trước những nỗi đau lớn, chẳng hạn như khi phải chứng kiến cảnh người thân hay con cái qua đời. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng thật ra con người có khả năng phục hồi tốt hơn mình vẫn nghĩ. Việc nhận ra được khả năng phục hồi ấy là rất quan trọng, vì đó chính là món quà của cuộc sống, để chúng ta hiểu được khổ đau thực ra chỉ là một quá trình để bạn trưởng thành. Chúng ta phải luôn nhớ đến điều đó để biết đau khổ chỉ là một giai đoạn và cuộc sống vẫn luôn ban tặng cho chúng ta nhiều điều tuyệt vời khác.
Có nhiều cách giúp chúng ta vượt qua đau khổ, sống chung với nó và lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Bạn có thể thực hành thiền hoặc thể hiện lòng trân trọng đối với một mối quan hệ đáng quý nào đó để cảm thấy bớt đau khổ hơn. Hoặc bạn cũng có thể đi dạo trong mê cung, thiền, cầu nguyện, viết lách hay tham gia các hoạt động nghệ thuật sáng tạo. Giấc mơ được gặp lại người thân đã khuất cũng giúp chúng ta nguôi ngoai nỗi buồn và có cảm giác như họ vẫn còn ở bên cạnh. Những giấc mơ như vậy có thể mang lại cho mọi người cảm giác phấn khởi và cảm giác liên kết hữu hình với những người thân yêu quá cố. Tôi đã đề cập đến những giấc mơ này trong một cuốn sách của tôi Death makes Life Possible.
Đó là lý do xuất hiện một số tập tục trên hành tinh của chúng ta. Lễ hội Ngày của những Người chết ở Mỹ Latinh xuất phát từ niềm tin cho rằng bức tường ngăn cách giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn vào thời gian lễ hội diễn ra trong năm và do đó người sống có thể giao tiếp dễ dàng với những người thân đã khuất. Mọi người làm bàn thờ nhỏ, cúng đồ ăn thức uống, treo ảnh người thân yêu đã khuất phía trên bàn thờ để có thể nói chuyện với họ. Đó là một kiểu kết nối trực tiếp với những người thân đã đi về thế giới rất xa và cách biệt với chúng ta.
Những nền văn hóa khác cũng có các ngày lễ kỷ niệm, chẳng hạn như ngày Irish Wake (tạm dịch Người Ai-len tỉnh thức). Có một số truyền thống khác, chẳng hạn như người Celt(**) có một triết lý tôn vinh những người đã chết vì họ vẫn đang ở đây, với chúng ta và ở trong chúng ta. Thật đau buồn khi người thân yêu của mình ra đi, nhưng đó là thời điểm để bạn tỏ lòng tôn kính và ăn mừng cuộc sống mới của họ. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình và tự xét lại ý nghĩa thực sự của việc sống trên Trái đất. Đó vừa là món quà, đồng thời cũng là cơ hội dành cho bạn.
(**) Người Celt là một nhóm đa dạng các bộ lạc thời kỳ đồ sắt và thời kỳ La Mã ở châu Âu. Sau thời kỳ bành trướng của đế chế La Mã và cuộc đại di dân của các dân tộc Đức, nền văn hóa Celt đã bị giới hạn ở Ireland, các phần phía tây và phía bắc của Vương quốc Anh (Wales, Scotland, Cornwall và đảo Man), và miền Bắc nước Pháp.
Gary Schwartz
Quả thật đây là một câu hỏi rất quan trọng. Có rất nhiều lý do dẫn đến đau đớn, khổ sở mà chúng ta phải chịu đựng. Lý do thứ nhất là nhằm bảo vệ bản thân chúng ta. Chẳng hạn khi còn nhỏ chúng ta biết rằng không được cho tay vào lửa vì sẽ bị bỏng. Nhưng làm sao chúng ta biết được điều đó? Là vì chúng ta bị đau. Đau là một cơ chế tự nhiên sẵn có trong mỗi người, mục đích của nó là báo cho chúng ta biết mình đang làm tổn thương bản thân và tránh để không bị đau nữa trong tương lai. Như vậy, xét về khía cạnh này, đau đớn tự thân nó là một năng lực tự nhiên có ích đối với con người, vì nếu không có nó chúng ta sẽ liên tục làm tổn thương chính mình.
Thứ hai, chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không biết sợ hãi. Những người ít biết sợ trước những mối nguy hiểm thật sự thường sẽ không có khả năng tồn tại cao. Như vậy, sợ hãi cũng là một điều tốt. Thế còn sự phiền muộn thì sao? Đó cũng là một điều tốt vì nếu không cảm thấy phiền muộn, chúng ta sẽ ít quan tâm hơn đến người thân của mình. Như vậy, những cảm xúc đau đớn, sợ hãi, buồn thương, cảm thấy mất mát hay tội lỗi đều giúp chúng ta biết yêu thương và quan tâm đến người khác hơn trong cuộc sống, và do vậy chúng không phải là những cảm xúc tiêu cực.
Bây giờ, câu hỏi thứ hai là tại sao chúng ta lại mắc bệnh? Và tại sao chúng ta lại làm những điều tệ hại đối với bản thân và với mọi người? Nguyên nhân chính là do con người được ban cho quyền tự do chọn lựa. Chúng ta được quyền tự do lựa chọn tất cả mọi thứ, kể cả việc phạm phải sai lầm, và phải chịu trách nhiệm trước những gì mình chọn. Chúng ta không thể mong chờ Thượng Đế làm thay những việc mình có thể làm. Ai ai cũng thích sự tự do, nhưng đi kèm với nó luôn là trách nhiệm.
Và lý do cuối cùng là một số người khi đến với thế giới này đã chọn lựa một cuộc sống ngắn ngủi hơn so với những người khác. Việc họ phải chết trẻ hay mắc một chứng bệnh nào đó đều nằm trong sự thỏa thuận mà họ đã chọn khi đầu thai, chứ không phải là do nghiệp báo từ kiếp trước. Họ đã chọn điều đó để làm gương cho những người khác, giúp họ học được sự cảm thông và trách nhiệm trong cuộc sống.
Như vậy, có rất nhiều lý do vì sao đau khổ xảy ra với cuộc đời mỗi con người. Kết luận của tôi là Tạo Hóa đã tạo ra sự sống và ban cho chúng ta sự tự do để phát triển, khám phá và tự chọn lấy những sai lầm của mình. Tất cả đều diễn ra trong một hệ thống hết sức thông thái và đầy yêu thương.
Caroline Myss
Sau nhiều năm làm việc gần gũi với nhiều người, tôi đã đi đến kết luận rằng phần lớn những khổ đau mà con người phải chịu đựng là do họ tự tạo ra. Có nhiều nỗi đau tưởng chừng như từ trên trời rơi xuống, nhưng cũng có những nỗi đau là do chúng ta tự tạo ra cho chính mình. Ví dụ, khi nạn lốc xoáy xảy ra, nhiều người được hỏi “Tại sao anh/chị không dựng nhà lánh nạn”, họ đã trả lời rằng “Chúng tôi không làm là vì…”.
Thông thường, chúng ta không chọn những quyết định khôn ngoan. Chúng ta thường xuyên đứng trước ngã ba để chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu. Chẳng phải chúng ta vẫn thường xuyên ăn những món mà lẽ ra chúng ta không nên ăn đó sao? Chúng ta khuyên mọi người không nên làm điều này điều nọ. Chúng ta nghĩ đến rất nhiều điều mình không nên làm. Nhưng khi đối diện với sự chọn lựa, chúng ta lại chọn những điều tệ hại. Chúng ta chi tiêu quá tay để rồi lại cảm thấy mình đã có một ngày thật tệ. Chúng ta không quản lý chi tiêu hàng tháng cho đúng mực. Và kể cả cuộc đời mình, chúng ta cũng không kiểm soát nó cho thật tốt.
Thế thì tại sao ta phải đau khổ? Là do ta đã có những chọn lựa sai lầm, do ta làm những việc ngu ngốc và không ngừng lặp đi lặp lại những điều đó. Ta không biết tự mình thoát ra khỏi con đường mòn đó. Tất cả những bậc thầy tâm linh đều bảo rằng báo thù là ngu xuẩn vì nó không giúp đạt được điều gì, thế nhưng chúng ta vẫn chất chứa trong lòng nỗi thù hận. Chúng ta chọn những điều không hiệu quả và dù biết rõ hậu quả nhưng vẫn cứ làm. Vậy thì cái giá chúng ta phải trả là đau khổ.
Nhiều người bảo tôi rằng “Tôi sợ nhiều thứ lắm và không thể nào tiến về phía trước chỉ vì sợ”. Chúng ta thường hay để người khác chọn lựa thay cho mình vì sợ phải đối diện với hậu quả. Chính điều đó đã là một sự đau khổ được báo trước. Thay vì thế, chúng ta có thể làm điều ngược lại, nghĩa là tự quyết định lấy cuộc đời mình và dẫu có phải đối diện với những đau khổ không được báo trước thì ít ra chúng ta đã có cơ hội được khám phá và trải nghiệm hạnh phúc. Rất nhiều người chấp nhận chịu đựng đau khổ vì sợ rủi ro. Và đó cũng là lý do khiến chúng ta đau khổ.
Bill Guggenheim
Chịu đựng đau khổ đồng nghĩa với việc kháng cự lại tự nhiên. Ví dụ, tôi sẽ đau khổ khi cứ níu kéo một người phụ nữ trong khi cô ấy muốn kết thúc mối quan hệ.
Tôi có một người bạn thân làm công tác xã hội ở bệnh viện và cô ấy tiếp xúc với rất nhiều trẻ bị ung thư. Khi nói chuyện với cô ấy về những điều này, tôi nghĩ những đứa trẻ đó đã được Thượng Đế chọn lựa để chịu đựng căn bệnh đó. Có em sẽ lành bệnh, có em thì không và cha mẹ của các em đã rất đau khổ trước sự mất mát đó. Tôi hiểu cảm giác mất mát khi mất đi đứa con.
Nhưng đó lại là cơ hội để ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn, dẫu cho nỗi đau có cùng cực đến mấy. Khá nhiều người vui vẻ, lạc quan mà tôi từng gặp lại chính là những người đang phải đối diện với những căn bệnh chết người hoặc là những người luôn yêu thương mọi người vô điều kiện.
Bernie Siegel
Một thế giới hoàn hảo sẽ không phải là sự sáng tạo, mà đó là một trò ma thuật. Chúng ta sống ở đây để học hỏi và sự tự do sẽ khiến những hành động chúng ta làm trong đời trở nên có ý nghĩa. Mục đích của chúng ta ở đây là nâng cao ý thức của mình cho đến một ngày thế giới sẽ trở thành một vùng đất đầy ắp tình yêu thương giữa người với người. Ở nơi đó, đau khổ sẽ được giải thoát mặc dù đau đớn vẫn tồn tại, vì nó là cần thiết để bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta nhận thức được những cảm giác và ý thức hơn trong mối quan hệ với những người xung quanh. Nếu không có những nỗi đau này, chúng ta sẽ gặp những rắc rối lớn về mặt cảm xúc và thể chất. Nhưng với tình yêu và lòng từ bi, nỗi đau sẽ được giảm nhẹ lại và dễ chịu đựng hơn.
Stan Grof
Vâng, đây là câu hỏi khó nhất trong tất cả các câu hỏi ở đây. Khi bạn đang đi trên cuộc hành trình tâm linh và khám phá ra nguyên tắc thần thánh của cuộc hành trình này, bạn sẽ tự hỏi “Tại sao lại có những khổ đau?”. Tôi có dành nguyên một chương trong cuốn sách The Cosmic Game của mình để nói về thiện - ác. Sau cùng, nếu Đức Thánh Thần muốn tìm hiểu chính bản thân mình, cuộc tìm hiểu đó chỉ toàn vẹn khi nó bao gồm cả nhận thức về bóng tối. Sự sáng tạo cũng đòi hỏi tính đối cực.
Khi Ramakrishna(***) được hỏi “Tại sao lại tồn tại sự khổ đau trên thế giới này?”, ông đã đưa ra câu trả lời khá kỳ lạ “Để cuốn truyện về hành tinh này thêm dày và hấp dẫn hơn”. Nghe câu trả lời đó, tôi nghĩ “Tại sao ông cho rằng sự khổ đau sẽ làm đầy các tình tiết hơn chứ? Ông không thấy những đứa trẻ nhỏ đang phải hứng chịu những giày vò về thể xác và chết vì căn bệnh ung thư, bị giết ở Syria hay một nơi nào đó, chịu thương tổn bởi những vụ ném bom sao?”.
(***) Ramakrishna (1836 – 1886) là một tu sĩ Hindu và là một yogi.
Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ về điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cố trốn tránh hay loại bỏ tất cả những gì được cho là tăm tối. Chúng ta sẽ đánh mất một phần lớn nội dung của cuốn truyện vĩ đại này. Chẳng hạn, việc loại trừ bệnh tật sẽ khiến tất cả bác sĩ, nhà trị liệu và những người giàu lòng nhân ái như Mẹ Teresa không còn việc gì để làm trên Trái đất. Nếu chiến tranh không tồn tại trên hành tinh này, những anh hùng trừ gian diệt ác, những câu chuyện truyền cảm hứng như Chiến tranh và Hòa bìnhcủa Tolstoy, những tác phẩm nghệ thuật và những bộ phim về nội dung chiến tranh vô cùng đau thương và bi tráng… sẽ không xuất hiện.
Vì vậy, nếu chúng ta loại bỏ hết tất cả những điều tăm tối đó, chúng ta sẽ nhận được một câu chuyện phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Chắc chắn câu hỏi tiếp theo sẽ là “Liệu chúng ta có cần phải đi quá xa đến thế không? Mọi thứ trở nên quá yên ắng và tẻ nhạt. Chúng ta không thể duy trì trạng thái phân cực này ở một giới hạn hợp lý sao?”. Điều này trở thành một thách thức lớn theo suốt hành trình thiêng liêng của chúng ta, giúp chúng ta phân định sự sáng tạo thực sự với chiếc bóng của nó. Những gì chúng ta có thể làm là thay đổi cách đóng góp cho thế giới, tạo ra nhiều năng lượng tích cực hơn là đứng về phía bóng tối, gây ra những tổn thương cho sự sống trên mặt đất này.
Karen Wyatt
Theo những gì tôi đã chứng kiến và rút ra bài học thì đau khổ chính là một phần tất yếu của con đường tiến tới sự thông thái. Linh hồn đầu thai trên Trái đất là để học cách vượt qua khổ đau. Chính khổ đau sẽ mang lại nhiều bài học quan trọng, trong đó có bài học về sự cảm thông và chịu đựng.
Chúng ta đến với hành tinh này để chịu đựng đau khổ ở nhiều phương diện khác nhau – từ thể chất, tinh thần, tình cảm cho đến linh hồn – để lĩnh hội được sự thông thái, trong đó cũng bao hàm cả sự khổ đau. Nhờ trải qua khổ đau mà chúng ta có thể hoàn thiện được các kỹ năng của mình. Cuộc đời cho chúng ta cơ hội để phát triển một cuộc sống đầy yêu thương, có mục đích và quan tâm đến mọi người xung quanh. Chính đau khổ sẽ dẫn ta đến bên bờ vực thẳm, nhờ vậy mà cuối cùng ta học được những bài học cần thiết khi tồn tại trên hành tinh này.
Bên cạnh đó, đau khổ còn mở ra cho ta cơ hội để yêu thương và tha thứ; nó dạy ta bài học về sự dâng nộp lẫn tính nhất thời. Như vậy, đau khổ có một mục đích rất sâu sắc khi xảy đến với cuộc đời ta. Nó là công cụ giúp ta hiểu được mục đích sống trên đời. Nó giúp ta cởi bỏ dần những lỗi lầm sai trái và đưa ta đến gần hơn với con người đích thực của mình.
Chúng ta ai cũng cảm thấy đau lòng khi nhìn một đứa trẻ phải chịu đau đớn hay qua đời. Trong những năm làm việc ở bệnh viện và từng chứng kiến cảnh nhiều em bé qua đời, tôi nhận ra trong số đó rất nhiều em quả là những linh hồn rất đỗi trưởng thành; các em đến với cuộc đời này nhằm mục đích giúp ích cho cha mẹ mình, cũng như những người khác. Bệnh tật và cái chết của các em là một sự hy sinh tự nguyện để giúp cho cha mẹ và những người xung quanh nhận ra những bài học trong cuộc sống, từ đó có cơ hội phát triển và trưởng thành.
Mark Anthony
Tôi còn nhớ bộ phim Oh God, trong đó George Burns đóng vai Thượng Đế. Diễn viên John Denver hỏi Thượng Đế rằng “Tại sao Người lại để khổ đau diễn ra khắp nơi trên Trái đất này?”. Lúc đó, Thượng Đế đã nhìn anh ta và đáp “Tại sao Ta lại cho phép khổ đau xảy ra trên Trái đất này ư? Ta không hề cho phép điều đó xảy ra. Mà chính loài người đã cho phép khổ đau xảy ra. Các ngươi có quyền tự do sống và lựa chọn mọi thứ. Các ngươi được quyền lựa chọn để yêu thương nhau hoặc giết hại nhau”. Tuy đó là một bộ phim hài nhưng cũng rất sâu sắc khiến người xem ngẫm nghĩ.
Câu hỏi ở đây là “Nếu Thượng Đế là tình yêu, vậy tại sao chúng ta lại phải chịu nhiều đau khổ đến như vậy?”. Không ai biết địa ngục có thật hay không nhưng đôi khi cuộc sống ở trần gian này chẳng khác gì địa ngục. Mỗi chúng ta đều trải qua nhiều kiếp sống khác nhau ở thế giới vật chất này. Và khi đã trải nghiệm đủ những gì mình muốn và trả hết nghiệp chướng của mình, chúng ta sẽ không còn phải trở lại Trái đất này để chịu đựng đau khổ nữa.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình chịu đau khổ vì mất con, đau khổ vì xung đột diễn ra ở Trung Đông, Crimea, Bắc Triều Tiên, châu Phi và thậm chí là trong chính gia đình mình. Tuần trước chú tôi đã qua đời và vài ngày sau đó, con trai ông cũng mất trong một vụ tai nạn. Nghĩa là trong vòng có năm ngày thôi mà gia đình tôi đã phải trải qua hai mất mát lớn.
Có thể những điều đó xảy ra nhằm giúp chúng ta trưởng thành hơn. Tôi tin chắc rằng chính những lúc gặp phải biến cố đau buồn, tiêu cực là lúc chúng ta trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đó cũng là một sự chọn lựa. Khi chúng ta gặp một cú sốc, chúng ta có thể chọn hướng sa đà vào bia rượu để tìm quên hay hủy hoại thân thể. Hoặc chúng ta cũng có thể chọn trở thành một người khôn ngoan, cảm thông và thấu hiểu mọi thứ diễn ra trong cuộc đời.
Còn đối với trường hợp những trẻ nhỏ gặp nạn hay đau khổ, hãy nhớ rằng rất có thể trong thân xác nhỏ bé ấy là một linh hồn đã tiến hóa rất cao.
Trong những lần đang kết nối với các linh hồn ở thế giới bên kia, thỉnh thoảng tôi trông thấy một vì sao sáng. Điều đó có nghĩa là khách hàng của tôi từng có một đứa con qua đời khi còn bé hoặc đã từng chết trong bụng mẹ. Và đó là những linh hồn bất tử rất đặc biệt. Những linh hồn đó biết tất cả mọi việc diễn ra trong gia đình họ, còn họ có thể không mảy may biết gì nhiều về linh hồn ấy. Một lần nọ, khi tôi đang nói chuyện với khách hàng thì một linh hồn em bé chết non nói bên tai chúng tôi về cái máy pha cà phê hiệu Mr. Coffee. Khách hàng của tôi sửng sốt nói “Trời đất, tôi mới mua cái máy đó hôm qua và đã từng sẩy thai cách đây 15 năm!”. Linh hồn đó đã nói cho khách hàng của tôi những gì nó biết sẽ xảy ra với cuộc đời bà. Và cho dù chưa bao giờ chào đời, cậu bé như vẫn luôn ở đó, vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời bà.
Raymond Moody
Tôi ước mình có thể làm hay nói được điều gì đó nhiều hơn để giúp đỡ những người bị đau khổ, nhất là khi một đứa trẻ qua đời. Đứa con đầu lòng của tôi qua đời năm 1970 và sống chỉ được có 36 tiếng trên cõi đời này. Cho đến hôm nay thì đấy vẫn là một điều hết sức đau lòng đối với tôi. Tuy nhiên, chính cảm giác mất mát không thể quên đó lại giúp tôi có thể trải lòng và chia sẻ cùng các bậc phụ huynh khác cũng bị mất con như tôi. Tuy nỗi đau không thể nguôi đi hoàn toàn nhưng bù lại tâm hồn bạn sẽ lớn mạnh hơn từ chính nỗi đau.
Khi bạn chịu đau khổ, nếu nói ra được sẽ là điều tốt vì nó giúp bạn nguôi ngoai dần. Phụ nữ có xu hướng nói ra đau khổ của mình, trong khi nam giới lại không như thế và đó là một nỗi khó khăn cho cánh đàn ông. Đàn ông thường có khuynh hướng đau khổ theo những cách riêng và trong nền văn hóa của chúng tôi, đàn ông được cho là không nên nói ra những đau khổ của mình.
Như tôi đã từng nói, cuộc đời là một chuỗi những câu chuyện đan xen nhau và cái chết của con cái cũng là một câu chuyện quan trọng góp phần tạo ra tình yêu lớn hơn trong cuộc sống. Cái chết của con cái luôn là một phần lớn trong câu chuyện của mỗi người. Có những người đến với cuộc sống của chúng ta rồi lại ra đi thật nhanh, thật phũ phàng. Nhưng tôi nghĩ có lẽ tất cả mọi việc đều đã được sắp xếp hài hòa trong một bức tranh tổng thể.
Chúng tôi nhận nuôi hai đứa trẻ mới sinh và thề có Chúa, đó là một trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời. Vợ tôi và tôi không dẫn những đứa trẻ đến bất kỳ lễ nghi tôn giáo nào và chúng tôi cũng không nói chuyện về chủ đề cuộc sống sau cái chết tại nhà. Đó là chuyên môn nghề nghiệp của tôi. Chúng tôi chỉ nói về bài tập về nhà, hôm nay ăn gì và có chương trình gì trên ti-vi tối nay. Các con tôi có những ký ức hết sức mật thiết với chúng tôi, đã chọn để đến với cuộc sống chúng tôi. Điều này khiến tôi thực sự hiểu được rằng chúng ta không chỉ sống một cuộc đời, mà đã trải qua rất nhiều cuộc đời.