Tặng anh
Ở TRONG QUÂN NGŨ, HOÀNG ĐƯỢC XẾP VÀO LOẠI đẹp trai thư sinh. Cậu lính gác sân bay trẻ trung nhanh chóng chiếm được cảm tình của những cấp sếp kề cận.
Thứ nhất bởi anh chàng này trông bắt mắt ưa nhìn, hễ nhìn vào hàng quân đang đứng nghiêm tăm tắp là y như rằng thấy gương mặt sáng bừng của cậu. Nom đến mát ruột.
Thứ hai cậu ta có biệt tài tiếp cờ. Hễ thủ trưởng nào khoái giải lao bằng ván cờ là y như rằng phải cho gọi ngay Hoàng đến. Nghe nói Hoàng ham cờ tướng từ nhỏ. Lũ bạn cùng lứa lúc còn đang tuổi mải chơi trận giả, mải đánh đấm phá phách thì cậu đã như ông cụ non ngồi im lìm bên bàn cờ cùng các cụ. Mọi nước đi nước phá cậu nắm giữ trong đầu như bảo bối. Chơi cờ với thủ trưởng, Hoàng cũng không chịu buông cái cần cơ hội ra câu, nghĩa là chẳng chịu cho thủ trưởng tiến, quân của thủ trưởng bị tàn sát liên hồi, đến độ thủ trưởng phải chi ra cái bình rượu thuốc.
Có rượu thì phải kiếm mồi.
Cái khoản này Hoàng cũng láu lỉnh hơn người. Những lúc giải lao rảnh rỗi, Hoàng không như cái cách la cà của mấy cậu lính choai choai là tranh thủ í a í ới mấy cô gái địa phương. Trời cứ cho cậu cơ hội làm quen gặp gỡ các cô gái rất chi là đàng hoàng tử tế. Chẳng hạn có bận đang đi dạo ngoài đường cái, thấy một cô gái dắt xe đạp đi ven vệ đường. Cậu hỏi cái xe bị làm sao vậy? Cô gái bảo không hiểu sao tự dưng đang đi lại bị hỏng mất cái pê-đan. Hoàng cúi xuống xem, hoá ra cái pê-đan vẫn còn sáng loáng, chỉ tuột mất con ốc. Cậu dò dẫm tìm khắp lượt vệ cỏ, tìm thấy cái con ốc to như con ốc lồi nằm mở mắt nhìn trời bên đám sỏi lát đường.
Thế là cô gái cám ơn rối rít.
Cô là cô giáo dạy tiếng Anh cấp ba ở trường huyện. Cô tình nguyện dạy thêm cho Hoàng cái món tiếng thời đại này mỗi tuần ba tiếng. Cô có ba buổi đi dạy thêm ở một lớp học phải đi ngang qua đơn vị Hoàng một cây số. Cứ trước mỗi buổi dạy thêm, vào thời gian đơn vị được nghỉ ngơi, cô tranh thủ tạt qua, vào lán tiếp khách dạy cho Hoàng một tiếng.
Hoàng lại là người ham học. Trước khi nhập ngũ, cậu đã thi đỗ vào trường Thương mại, nhưng nhà nghèo quá, lại đúng lúc bên Không quân về tuyển người, lại có lời hứa hẹn thêm cho đám lính tò te là họ có thể sẽ được dự tuyển vào trường sĩ quan nếu rèn luyện tốt. Vào học sĩ quan quân đội không mất tiền lại oai hơn cóc, ai mà chả thích. Thế là đầu quân. Tài sản khi đầu quân là một ba lô có mấy bộ áo quần và nặng trĩu một bên là sách học. Bạn cùng đại đội ngạc nhiên kính nể. Bây giờ có cơ hội học thêm, chả dại gì bỏ phí. Hoàng coi cô giáo như thần tượng, thậm chí hình như là chuyển sang thích thích cô giáo. Còn cô giáo thì không chỉ hình như thích mà là rất thích anh Hoàng.
Thi thoảng vào ngày chủ nhật, cô giáo cùng Hoàng ra thị trấn chơi. Họ thăm thú nơi này nơi nọ, vào tiệm chụp ảnh, cô giáo còn đứng đợi Hoàng vào hiệu cúp tóc. Lúc cúp xong tóc thì vừa hay đến giờ lấy ảnh. Hai người chụp chung một tấm, nhìn như cặp yêu nhau. Hoàng rút cái bút bi “bửu bối” ra ghi nắn nót mấy dòng tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt đại loại là: Hôm nay là một ngày đẹp trời. Bạn gái của tôi rất đẹp!!! Cô giáo mặt ửng hồng, mắt lúng liếng. Có nguy cơ không thể làm cô giáo tiếp.
Nhưng “anh” Hoàng của cô giáo dạy tiếng Anh cứ như nước trôi lập lờ không ra trong không ra đục. Cả đám bạn cùng trường cô giáo kéo đến chơi, thấy cô nào cũng mặt ửng hồng, mắt lúng liếng nhìn “anh” Hoàng. Cô giáo thấy ân hận vì trót giới thiệu học trò này với bạn gái. Cô giáo không biết trong ba lô của cậu dày một tập thư bạn trai có, bạn gái có, chị gái cũng viết thư thăm em, nhưng nhiều nhất là bạn gái. Thi thoảng sực nhớ ra, cậu lôi trong ba lô ra xem lại mấy lá thư mới, rồi lên kế hoạch viết trả lời. Nhưng cũng có những cái thư cứ lưỡng lự mãi chẳng biết nên viết hay nên lơ đi.
Chẳng hạn cái lá thư này:
“Quê hương, ngày…
Thân gửi H.
Không biết dạo này H. có khoẻ không mà sao không thấy viết thư về, M.A lo lắm. Giá mà M.A có thể lên trên đó để chăm sóc H. Dạo này ở nhà cũng bình thường, chỉ nhớ người đi xa thôi. Không biết H có còn nhớ đêm trăng ấy? Chẳng nhẽ H không còn nhớ những gì mà chúng mình đã có trong cái đêm kỷ niệm ấy sao? Từ ngày H về phép rồi trở lên trên ấy đã hai tháng rồi mà M.A không hề nhận được thư của H. Hay là người ta đã có ai khác ở trên ấy? Vừa rồi M.A có ghé về thăm gia đình H. Hai bác vẫn khoẻ. Bác gái vẫn hay phải ra đồng sớm. Giá như M.A có thể giúp được bác gái, nhưng người ta có khiến đâu. Chẳng nhẽ ở xa xôi thế này mà cứ trách người đi xa”.
Hoàng cầm bút viết lên trang giấy pơ-luya màu xanh (xin được của thủ trưởng mấy tờ nhân một dịp thủ trưởng thua đậm ba ván cờ):
“MA thân mến!”
Đọc chỉ thấy một chữ MA. Rồi lá thư chẳng được thêm dòng nào, nghĩa là cũng chẳng được gửi đi.
Trong lòng Hoàng chỉ thấy nhớ mẹ.
Ngày ở nhà Hoàng hay giúp mẹ việc đồng. Nhà chỉ có ba chị em, chị gái mới lớn đã theo chân chồng về nhà người ta chăm chăm chút chút cho người ta. Bố đi công tác vắng. Mẹ gầy xanh như lá khoai, bàn chân dậm lên bùn mà bùn chẳng lún là mấy. Ngày trẻ mẹ đẹp nhất cái làng bên tỉnh Hưng Yên. Đẹp nhưng nhỏ xíu như cái kẹo mút ông hàng kẹo bán năm xu còn ăn bớt một tẹo. Mẹ về nhà chồng, nép sau lưng bố sợ sệt đủ thứ. Thế rồi mẹ ra đồng nhà chồng, bón phân làm cỏ ruộng nhà chồng. Mẹ đẻ ra ba đứa con cho nhà chồng. Nhà chồng chẳng còn ai ngoài mấy bác trai vì ông bà nội đã bỏ đi về cõi. Hoàng gánh mạ ra đồng cho mẹ. Thấy mẹ lom khom cấy, chân xiêu xiêu, gió đồng thổi lạnh sau lưng. Hoàng bước xuống ruộng cầm nắm mạ:
- Để con cấy giúp mẹ!
Mẹ cười:
- Con trai ai lại cấy lúa bao giờ.
Hoàng cả quyết:
- Đồng làng mình các bà các cô không biết chứ cấy lúa lẽ ra phải để cho con trai làm.
Mẹ lẩm nhẩm:
- Vì sao lại là con trai?
Hoàng hếch gương mặt thư sinh nhìn khắp đồng làng:
- Mẹ nhìn xem, cái giống mạ này có khác gì lũ con gái. Mẹ chẳng bảo con là đời con gái như mẹ giống thân cây lúa là gì? Cứ phải nhổ lên rồi cắm vào mảnh đất khác mới sinh sôi nảy nở được. Thế thì người cấy mạ cứ phải là con trai mới có khí dương. Có khí dương thì mới sinh sôi nảy nở được chứ.
- Cha bố anh! Chỉ giỏi lẻo mép.
- Đấy mẹ xem, lúa con cấy sẽ lên xanh nhất cho mà xem.
Hoàng vừa trêu chọc mẹ, vừa cấy nhanh chẳng kém mẹ. Bàn tay trắng trẻo thư sinh của cậu cầm từng nhánh mạ cấy xuống bùn, từng nhánh từng nhánh thẳng hàng tăm tắp, chẳng phải chăng dây.
Thế mà lúa do Hoàng cấy lên xanh thật. Xanh hơn cả thửa do mẹ cấy.
Từ vụ ấy, cứ mỗi khi mùa cấy đến là Hoàng lại lội bùn cấy giúp mẹ. Cả làng ai cũng nắc nỏm: cô nào vớ được anh chàng này thật may mắn.
Thế nên cái cô MA kia hình như chưa được may cho lắm. Nếu số cô “may” thì lá thư kia không phải là “MA thân mến”, mà phải là “M.A thân yêu!…”, với cả phải là một lá thư dài, lá thư phải được đóng con dấu bưu điện, một ngày đẹp trời anh bưu điện gõ cửa nhà cô gái; đến mùa cấy, cô gái sẽ theo chân mẹ người ấy ra đồng, cấy những dảnh lúa tuy không xanh bằng tay người ấy cấy nhưng vẫn là có hai mẹ con người cấy người tung mạ xuống đồng, người kể chuyện con trai ngày nhỏ, người kể chuyện cái đêm trăng trong giấc mơ kỷ niệm.
Cả cô giáo trên cái vùng núi xa xôi hết lòng dạy tiếng Anh cho Hoàng cũng chờ đợi mãi một ngày đẹp trời.
***
Cho mãi đến sau này, người con gái mà Hoàng chọn làm vợ cũng không biết được rằng cô chính là hình ảnh của tất cả những hình ảnh đã trôi qua đi trong cuộc đời trai trẻ của chồng mình.
Với cô, anh là một nhà doanh nghiệp giỏi, là tay say cờ đến mê muội, là dân sale - thị trường uống bia như trút nước vào họng mà vẫn chẳng muốn gục, là tay chơi khá hấp dẫn, là một gã đàn ông đích thực với hai ngón tay thư sinh kẹp điếu thuốc hai tư trên hai tư tiếng, là tay thợ mắc điện, thợ sửa cống, thợ xây, là nhà hùng biện, nhà phê bình sự việc sự vật đầy lô-gích, kẻ ngủ ngày, anh hùng thời đại, người thông minh hơn người, người chồng thương vợ, kẻ kém may mắn về tiền bạc, bạn tri âm tri kỷ, viên ngọc ẩn trong đá… Cô không biết cấy lúa. Chẳng biết cái đêm trăng nào ở trên con đường làng có hai người trẻ tuổi tay trong tay mắt nhìn mắt. Cô sinh ra lớn lên ở phố. Cô chẳng một lần nào phải lội bùn. Nhưng cô chính là người làm cho đêm trăng năm xưa trở nên huyền thoại. Cô làm cho cái đại đội lính năm xưa mãi tươi trẻ. Cô cũng làm cho cái con đường đất đỏ có một cô gái dắt chiếc xe đạp tuột ốc pê-đan trở thành con đường lung linh trong câu chuyện kể cho bao người. Cô là một nhà văn nổi tiếng.
Mỗi khi cô về, bà mẹ chồng vẫn thường kể lại, ngày xưa nó cấy lúa giúp mẹ còn giỏi hơn con gái làng. Cô im lặng nghe bà kể chuyện ngày anh còn nhỏ.
Cô đi ra đường làng, nhìn ngang dọc, chẳng biết người thiếu phụ nào trong căn bếp nào ngày xưa đã có một đêm trăng kỷ niệm? Cô đi ra cánh đồng, phía chân trời đang ửng hồng.
Có thể người ấy đã lấy chồng làng bên. Phía làng bên, người ấy cũng đang nhìn thấy chân trời ửng hồng.
Ngày 23 tháng 12 năm 2006