Truyện ngắn này dành tặng nàng Công Nữ Ngọc Vạn, người đàn bà tuyệt đẹp và diệu kỳ trong số những liệt nữ đất Việt.
THÁNG MƯỜI TA RỒI MÀ CHƯA THẤY LỤT TỚI Người ta kháo nhau: năm nay Huế trốn được trận lụt mùa đông.
Nhưng không thấy mưa lụt, lòng người nao nao khó tả. Trời xanh ngắt sâu thăm thẳm. Mây trắng nhởn nhơ giữa bông biển khổng lồ. Mặt trời lên dịu dàng không e ngại, không giận dữ, cũng không có ý định trốn chạy. Bầu trời đẹp quá khiến con người phía dưới cứ co lại lo lắng. Nhỡ đâu lại sắp có chuyện gì xảy ra. Dân cố đô đã quen với gian nan vật lộn với thiên nhiên, đã quen với những ngày nước ngập dầm dề, đã quen ăn mắm cà mắm nêm. Quen với cả những lũ cá theo nhau hàng đàn mỗi khi mùa nước về. Dân làng chài lại tha hồ căng lưới, sau khi biết mình đã thoát chết trong lòng nước lụt mênh mông. Năm nào cũng hút chết, cũng có kẻ phải từ biệt cõi trần để cống hiến cho thủy thần thêm nhân lực.
Vậy mà chẳng mấy ai chịu dời lên cao hơn phía trên núi để dựng nhà. Cứ thích bám theo dòng sông Hương mà sinh sống.
Bữa đó, vào lúc dân xóm vạn chài Vĩ Dạ đã lên đèn, một cái gì trôi vùn vụt từ phía thượng nguồn sông Hương về. Cái bè trôi bằng chuối rừng này khiến mọi người trong thuyền đang chuẩn bị sắp bữa cơm ra chú ý vì xung quanh bè chuối có kết những bông hoa rừng, lại có những ánh nhấp nháy sáng trưng của lân tinh, không hiểu sao bám dày đặc xung quanh bè. Người vạn chài ít khi vớt những thứ trôi trên sông mà không phải cây cỏ hay hoa trái của núi gửi về dòng sông. Nhất là lại vớt phải người đang chới với sắp đi vào nước, nhỡ đâu phạm tới long thần hà bá. Nhưng cái bè này khá thu hút và lạ là nó trôi đến đoạn xóm chài cắm thuyền thì quay quay vài vòng rồi dừng tắp lại.
Vạn chài tên Thuận đứng sững bên thuyền nhà nhìn cái bè. Anh gọi mọi người:
- Ông Tuy bà Tuy, ông Hẻo bà Lành, ông Hợi bà Sương đâu rồi? Tui mà vớt cái nầy lên, nhờ mấy ông mấy bà làm chứng, tui vớt vì nó đến nhập xóm ta, nó không đi đâu nữa. Chắc có chuyện chi phía trên núi. Tui vớt đây nầy…
Ông Tuy bà Tuy, ông Hẻo bà Lành, ông Hợi bà Sương cùng lũ nhỏ nít các nhà đứng cả ra bên mép thuyền:
- Chúng tui làm chứng đây. Anh vớt lên đi. Biết đâu chuyện dữ hóa lành cho xóm chài mình.
Anh Thuận năm nay đã ba mươi sáu tuổi có lẻ, vẫn chưa có vợ. Đúng ra là anh đã có vợ rồi, nhưng mới ăn hỏi xong chuẩn bị cưới thì cô ta bỏ theo một tay Việt kiều ở Mỹ về. Thành ra anh Thuận đâm lỡ dở, cưới thì chưa mà hỏi thì rồi. Muốn lấy vợ làng chài phải chờ sắp nhỏ lớn. Mà sắp nhỏ lớn thì chúng vẫn cứ gọi bằng chú Thuận, lấy đứa nào cũng khó coi. Chờ được cô nàng nào lỡ dở thập phương bước xuống làng chài thì không biết đến mùa lụt nào trong cuộc đời này. Vậy nhưng anh vẫn cứ chờ.
Cái bè trôi rõ ràng cố tình dừng lại gần thuyền anh Thuận. Anh lấy lái khều cái móc dây bên bè chuối, nhưng cái dây sắn rừng nhỏ lại ngấm nước nên bở tung ra và tuột thõng xuống. Anh Thuận nhảy xuống nước bơi ra gần bè.
Từ mấy cái thuyền gần, ông Tuy bà Tuy, ông Hẻo bà Lành, ông Hợi bà Sương cùng lũ nhỏ nít cứ thấp thỏm, không hiểu sao anh Thuận khi đã bơi gần đến cái bè lại cứ đứng phắc giữa nước. Mấy người cùng lúc hỏi:
- Chi vậy, Thuận?
- Cái chi đó, chú Thuận ơi…
“Cái chi” đang cựa quậy và khẽ rên.
Anh Thuận liền cởi phăng chiếc áo đang mặc ướt sũng trên người ném lên cái bè chuối rồi ngụp xuống nước lặn mất tiêu không thấy đâu. Ông Hợi nhảy sang thuyền ông Hẻo rồi nhảy sang thuyền ông Tuy, rồi nhảy sang thuyền anh Thuận, gọi xuống nước:
- Thuận, lên đi coi nào?
Ông Hợi cởi bỏ quần dài, nhảy xuống nước bơi ra bè. Anh Thuận cũng nhô lên, nhăn:
- Ông ra giúp tui một tay.
Ông Hợi nhìn thấy trên bè là một cô gái nhỏ. Cô đang mê man không biết gì. Có lẽ cô bị sốt. Cả hai lấy tay đẩy chiếc bè về gần thuyền anh Thuận.
Ông Hợi bảo:
- Chắc cho cô bé này lên thuyền của cậu?
Anh Thuận hơi đỏ mặt:
- Làm khó cho tui. Cô ta không biết là ai? Lại không có gì mặc trên người. Hay đưa sang nhà bác?
- Vậy thì cứ để lên thuyền cậu đã. Tui bảo mấy bà sang giúp chứ sang nhà tui phiền phức lắm. Vậy đi…
Xóm chài đêm đó thức khuya hơn thường khi. Họ lo giúp cô gái mặc quần áo, bón cháo và thắp hương đỏ cả xóm để khấn hà bá, dù biết đây không phải người bị hà bá kéo.
Cô gái mê man chưa hề tỉnh. Người cô nóng hầm hập. Bàn tay trái bị bầm dập, sưng to như ổ mối xông. Cô nhỏ xíu và có lẽ mới chỉ mười sáu, mười bảy là cùng. Cả xóm bàn ra tán vào: “Hay anh Thuận chăm sóc rồi nhận vợ luôn, có lẽ trời xui đất khiến đem vợ tới cho anh”. Anh Thuận đỏ bừng mặt kêu:
- Cô ấy phải kêu tui bằng chú mới đúng. Còn nhỏ quá mà. Dù gì thì cũng phải hỏi xem cô ấy là ai? Nhà ở đâu? Cô bị chuyện gì mà dạt xuống đây?
Anh Thuận sắp một góc thuyền để mấy bà đặt cô nằm đó. Có lẽ góc này là ấm cúng nhất. Mọi người mang sang nào cháo trứng cá, nào ly sữa để sẵn, dặn anh Thuận khi cô tỉnh dậy thì cho uống ly sữa nóng rồi cho ăn cháo.
Tới nửa đêm, cô gái khẽ rên rồi bật mở mắt. Cô nhìn quanh hốt hoảng. Cô nhìn thấy người đàn ông đang ngồi sững bên mép thuyền, lại nhìn thấy con thuyền đang tròng trành trên nước. Cô nhìn thấy bàn tay mình đã được băng bó và chỗ nằm thật ấm cúng.
Anh Thuận hỏi:
- Cô là ai? Ở đâu tới?
- Tui…? Tui cũng không nhớ… tui là ai? Đây là đâu?
- Sông Hương đấy. Cô đang nằm trên sông, chỗ chúng tôi ở là xóm chài Vĩ Dạ. Tui… thấy cô nằm trên bè chuối, không mặc… cô sốt cao thì cứ nằm nghỉ đi. Mà… có lẽ cô nên gọi tui là chú…
- Chú… tên chi?
- Tui tên Thuận. Còn cô?
- Tui tên chi… tên chi…? Tui cũng không nhớ nữa.
Cô gái cố chống tay ngồi dậy, nhìn bàn tay bị giập sưng tấy của mình nghĩ ngợi:
- Hình như tui bị đánh rất đau… Hắn đánh tui rồi ập lên người tui… Tui không còn quần áo trên người… Tui mắc cỡ, tui chống cự lại, tay tui bị bẻ rồi bị đập bằng một khúc gỗ.
Cô nhìn quanh thuyền:
- Chú cho tui ở nhờ thế nầy chú có bị cô nhà chú cự nự không? Mà cô ấy đâu?
- Đi Mỹ rồi. Tui sống một mình. Đêm nay tui sang ngủ bên cạnh, cô ở đây bao lâu tùy thích. Cô ăn cháo đi. Cháo trứng cá đấy, đang còn nóng. Sữa thì muốn uống khi nào để tôi đun lại cho nóng. Mấy người bà con xóm chài qua đây khi tối, họ cho cô mượn mấy bộ quần áo để trên đầu nằm đó.
Cô gái cứ ngơ ngác nhìn khắp lượt con thuyền, nhìn người đàn ông vạn chài khắc khổ, rồi cô nằm xuống, khẽ nói:
- Chú đừng đi… Tui sợ ở đây một mình…
Mấy ngày sau, cô gái mới thực sự dứt khỏi cơn sốt mê man. Cô ra khỏi nhà thuyền, ngồi bên mép thuyền buông thõng chân xuống nước. Cô đã quen với những người dân vạn chài tốt bụng, những đứa trẻ nít ngoài mấy bữa đi học trên trường tiểu học, lại ào về ríu ran quanh cô. Chúng hỏi cô đủ thứ, nhưng cô chẳng nhớ mình là ai. Dân xóm chài dặn lũ trẻ đừng để cô đi theo lên trường học, vì cô chưa thực sự khỏe. Khi khỏe cô sẽ nhớ ra mình là ai. Họ giúp cô có cái mặc, chăm cô từng món ăn. Nhất là người đàn ông trên cái thuyền này. Trông người ấy cứ cô độc thế nào.
Bữa cơm, hai người ngồi ăn trên sạp thuyền. Cô bảo:
- Từ mai, chú để tui nấu nướng đỡ. Tui khỏe rồi.
- Nấu trên thuyền, cô có biết giữ lửa không?
- Tui nhìn chú làm là biết liền. Tui thích ăn cá hồng nấu canh thơm như hôm qua.
Anh Thuận bỏ lái sang chợ Vĩ Dạ mua được một con cá hồng no tròn. Bà Tuy bảo:
- Coi được xin làm vợ cho ngon cơm đi.
Anh Thuận lắc:
- Cô ấy còn nhỏ xíu à. Mà không nhớ mình là ai nữa. Tui thấy thương thì nuôi như con thôi.
- Con chi mà con. Con cá thờn bơn nuôi lâu thành cá mập.
Anh Thuận đỏ mặt không nói gì, chui vào khoang bếp làm cá. Cô gái giật lấy:
- Để tui.
Cuộc sống có thêm người cũng vui hơn, nhưng cũng cần tiền hơn. Anh Thuận hằng ngày đội cát châm cá, thì thụp dưới dòng nước. Quần áo bị rách nay có người vá víu giùm. Nhưng anh vẫn lúng túng mỗi khi kêu cô gái có việc, anh thường nói trống lõng, không xưng chú, không kêu cháu. Anh cứ ám ảnh cái cảnh nhìn thấy cô không quần không áo bữa nào. Khi đó, anh ngỡ mình nom thấy một nàng tiên nhỏ, với hai núm vú tròn căng, phía dưới lùm lùm đường nét con gái mà anh chưa từng bao giờ nhìn thấy. Nhưng khi cô gái tỉnh dậy và với những bộ quần áo cô mặc trên người, cô chỉ như một cô bé con còn tuổi cắp sách đến trường.
Một hôm Thuận đội cát nhặt được dưới lòng sông một cái cặp nơ óng ánh. Anh đem về cho cô gái. Bỗng dưng cô hét lên một tiếng rồi nằm lịm xuống sạp thuyền run rẩy. Anh Thuận không hiểu điều gì đã xảy ra, không dám kêu mấy người hàng xóm sang, mà lúc này trời mới ngả sang chiều, xóm vạn chài đi theo dòng nước theo luồng cá chưa về. Vậy nên anh đành ôm cô gái lên chỗ nằm của cô, lấy dầu xoa lên trán lên thái dương cô. Nghĩ ngợi một lát, anh lật bụng cô lên để xoa dầu vào đó. Tay anh run rẩy, không dám lật cao cái áo hơn lên, nhưng anh lại như nhìn thấy bộ ngực căng mọng hôm nào…
Khi tỉnh dậy, cô gái như cánh hoa bị ướt đẫm sương đêm, xanh tái nhưng long lanh mờ ảo. Cô nhìn người đàn ông rồi nhìn cái cặp nơ. Cô nhìn ra bầu trời được khoanh bằng một khung cửa thuyền, hoàng hôn đang buông xuống trên mặt sông tím sẫm.
Người đàn ông đang lui cui quẹt lửa châm bếp. Cái lưng rắn rỏi nhẫn nại.
Cô bảo:
- Cái cặp nơ này của mẹ tui…
- Mẹ cô? Bà ấy đâu? Vậy cô là ai? Ở đâu tới?
- Chắc mẹ tui đẩy tui theo bè rồi bà quay lại để giữ mộ tổ. Quay lại đấy là bà chấp nhận chết.
- Chết? Ở đâu?
Cô gái như nói một mình, thật chậm để nhớ lại:
- Ngày xưa bà tui trao cái cặp này cho mẹ. Ngày xưa nữa, có một người trong dòng họ đã trao cho người con gái duy nhất của ông giữ ngôi mộ tổ cùng cái cặp này, với lời dặn bí truyền…
- Sao nó lại trôi dạt về đây? Sao tui lại nhặt được nó? Kỳ lạ chưa?
Cô gái kể mẹ con cô bị bọn cướp rừng lần hồi theo dấu vết. Chúng ngỡ có một kho tàng quý giá tổ tiên để lại nên theo dõi từ trước. Lúc mẹ cô vào rừng hái măng, chúng đến và định cưỡng bức cô, nhưng mẹ về kịp đã gắng sức cứu thoát con gái. Sau hồi vật lộn, cô bị đập đầu vào đá không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thấy mình trôi trên dòng sông mà không nhớ gì.
***
Một ngày không mưa không nắng, anh Thuận dân xóm chài Vĩ Dạ làm mâm cơm cúng trời đất tổ tiên, hà bá, long thần, mời bà con nước xóm sang ăn bữa cơm hợp duyên, cũng là bữa cơm chia tay tạm thời với bà con để đưa người vợ trẻ tên Ngọc Vi ngược nước tìm về chốn xưa của cô, để tìm người mẹ không rõ còn sống hay đã chết. Nếu chết cũng phải thắp nén hương cho bà, vun vén lại phần mộ rồi liệu bề ở đó hoặc về lại xóm chài.
Ngọc Vi nhất định cho rằng mình đã mười tám tuổi. Cô kể mẹ cô tên Ngọc Vĩnh. Bà ngoại cô tên Ngọc Viên. Cả nhà đều mang họ Công Nữ. Nhưng không ai biết cái chốn cô sinh ra và lớn lên. Và tại sao cô lại giỏi chữ đến vậy?
Thuyền trôi trên sông, câu chuyện mà người vợ trẻ kể với anh Thuận thế này:
“… Ngày xưa có một người con gái tên Công Nữ Ngọc Vạn là cháu gọi chúa Nguyễn Hoàng bằng ông nội, được gả cho vua nước Chân Lạp. Bà được phong làm hoàng hậu, và đã làm nên những kỳ tích không anh hùng đương thời nào sánh nổi: mở rộng bờ cõi nước Việt về phía Nam.
Trước khi sang nước Chân Lạp, nàng đã phải từ hôn với người mình yêu dấu. Tương truyền ông này không lấy vợ, ông xin với chúa sang Chân Lạp bí mật bảo vệ người yêu trong suốt cuộc đời mình.
Không hiểu sao ông vẫn có một người con gái nhỏ được đưa về nước Việt sau khi ông bị giết chết trên đất Chân Lạp. Nghe nói có thời kỳ sau khi vua Chey Chetta II mất, bà Ngọc Vạn khi ấy mới hơn ba mươi sáu tuổi đã lui vào sống ẩn dật hàng năm tại một ngôi chùa trong rừng sâu, trước khi trở lại triều đình làm thái hậu. Sử chép bà Ngọc Vạn không cho người tình cũ gặp khi bà mặc áo tu hành. Nhưng theo lời xưa truyền miệng thì họ có gặp nhau…”.
Con thuyền ngược nước sông Hương chạy lên phía thượng nguồn. Đi mãi đi mãi. Ngọc Vi kẹp chiếc cặp lên tóc, soi mình dưới bóng nước đang vỡ òa sau lái. Cô đang đi tìm lại cội nguồn của mình cùng với người đàn ông mà dường như anh đã chờ cô từ rất lâu.
Cô kể với chồng, rằng nơi mẹ con cô ở chỉ có cát vùi trên tầng đất cổ, rất nhiều cây rừng bao quanh. Mà tại sao ở đó lại có rất nhiều cát cô cũng không rõ nữa. Dưới tầng đất cổ ấy là một huyệt mộ, thực ra không chôn ai cả. Chỉ có một cuốn nhật ký bằng tiếng Hán Nôm, một bộ quần áo và vài thứ lặt vặt của ông cố tổ được người lính hầu đem từ Chân Lạp về. Những thứ đó được táng thay cho thi thể đã thành cát bụi của ông nơi xứ người.
Những kỷ niệm xưa chắc rằng đã nát tan cùng đất, chỉ có nước Việt với biên giới đã dài rộng và lớn mạnh.
Chỉ có gió và nước trôi mải miết dưới bầu trời chứa trong nó bao điều kỳ ảo và huyền diệu…
Ngày 3 tháng 1 năm 2010