C
ông quốc Monaco nằm trên một mẩu đất nhỏ bị kẹp giữa bởi Pháp và Italia. Nhìn từ con đường ven biển Moyenne Corniche mà khách du lịch từ Nice thường đi khi mùa xuân tới, đường chân trời dường như kéo dài bất tận. Màu xanh của Địa Trung Hải trải dài hết tầm mắt. Trên cái nền xanh ấy, thi thoảng lại xuất hiện một vài vệt trắng do tàu thuyền tạo thành khi rời khỏi bãi biển. Từ trên đường nhìn xuống, khung cảnh đẹp tới ngỡ ngàng, ngay cả khi đã bị phá đám bởi những tòa nhà bê tông đáng ghét. Sự xuất hiện của những tòa nhà ấy nói lên rằng ngay cả những khoảnh đất kém quan trọng nhất ở đây cũng mang giá trị không thể đo đếm được. Thực tế đúng là như vậy. Sau Vatican, Monaco là quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất trên thế giới. Mật độ dân số ở Monaco là có một không hai. 40.000 người, ba phần tư trong đó là người ngoại quốc, “chen chúc” nhau trên một mảnh đất có diện tích chỉ 2 km2. Nhưng sự giàu có xa hoa thì len lỏi tới từng con phố.
Từ lâu đài hoàng gia ở Le Rocher, phía trên cảng Fontvieille, nhiều thế hệ nhà Grimaldi đã thay nhau ngắm nhìn và tận hưởng khung cảnh đó. Xứ Công quốc đích thị là một công viên giải trí đời thực, nơi bạn có thể ngắm nhìn qua các khung cửa kính những món hàng từ các thương hiệu nổi tiếng nhất, có thể bắt gặp những siêu xe màu sắc sặc sỡ của Anh hay Italia bất kỳ lúc nào, và cười nhạo những kẻ tò mò đang há hốc mồm bên ngoài những khách sạn và casino xa xỉ mà từ đó không ngừng hiện ra những bộ đôi trong phục sức lạ đời bất chấp ngày hay đêm. Monaco đồng nghĩa với sự hào nhoáng. Nơi này giống như một xứ sở mộng mơ, được trang điểm bởi chiến công của những nhà vô địch vĩ đại. Là Ayrton Senna, người từng 6 lần vô địch Formula One Grand Prix, giải đấu cứ mỗi năm một lần lại khiến những bức tường trong thành phố như rung chuyển. Là Rafael Nadal, người sẽ về nghỉ ngơi trong một căn nhà ở đây sau mỗi chức vô địch trên mặt sân đất nện ở Monte-Carlo, điều tới nay đã lặp đi lặp lại được 11 lần. Là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, những người từ năm 2010 đã thay nhau lên nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu trong lễ bốc thăm vòng bảng Champions League được tổ chức ở trung tâm hội nghị Grimaldi Forum vào tháng 8 hằng năm. Sân vận động Stade Louis II, ngự ở ngay lối vào thành phố, trong khu Fontvieille, cũng không phải là ngoại lệ. Sân bóng hiện đại, tráng lệ này từng chứng kiến không ít chiến công chói lọi của những vận động viên vĩ đại bậc nhất trong lịch sử, từ Sergey Bubka tới Usain Bolt. Từ những năm 1980, Stade Louis II, với sức chứa 18.000 chỗ ngồi, cũng chính là sân nhà của AS Monaco. Nơi đây từng chứng kiến những bước chạy của những tiền đạo hàng đầu như ngôi sao người Brazil Sonny Anderson, huyền thoại Liberia George Weah, tiền đạo người Tây Ban Nha Fernando Morientes và những nhà vô địch World Cup 1998 với đội tuyển Pháp - Yuri Djorkaeff, Thierry Henry và David Trezeguet - trong màu áo sọc đỏ-trắng.
Mùa hè năm 2013, để chuẩn bị cho ngày tái xuất Ligue 1, Monaco tiếp nối truyền thống này bằng cách chiêu mộ một số tiền đạo hàng đầu thế giới. Bộ đôi ngôi sao người Colombia là Radamel Falcao và James Rodriguez được lôi kéo lần lượt khỏi Atlético Madrid và FC Porto với tổng số tiền lên tới 105 triệu euro. Tiền đạo trẻ người Pháp Anthony Martial, lúc đó chưa được 18 tuổi, cũng được đưa về từ Olympique Lyonnais với giá 5 triệu euro. Trong bối cảnh đó, thông tin về vụ chuyển nhượng Kylian Mbappé, một niềm hi vọng trẻ tuổi còn chưa tới 15, hoàn toàn có thể bị bỏ qua một cách nhanh chóng. Nhưng không hề. Trong ngày Kylian ra mắt Monaco, tạp chí France Football quyết định làm điều mà họ không mấy khi làm với những cầu thủ trẻ là dành hẳn một cột nhỏ để tân binh của ASM có thể nói về những tham vọng của mình. Để cho thêm phần trang trọng, Kylian trích dẫn hẳn một câu nổi tiếng của Oscar Wilde: “Hãy nhắm tới Mặt trăng; nếu có thất bại, bạn cũng sẽ hạ cánh trên những đám mây.”
Nhưng trong năm đầu tiên ở đội bóng mới, hiện tượng tới từ Bondy nhanh chóng thấy mình phải gắn chặt với đất bằng. Chuyện bay cao phải để sau. Kylian sống cùng với các đồng đội khác. Dưới những mái vòm của sân Stade Louis II, có khoảng 20 phòng được dành riêng cho các cầu thủ trẻ như Kylian, phần lớn tới từ vùng Marseille hoặc Paris. Mỗi sáng sớm, chúng sẽ leo lên một chiếc mini-bus trực chỉ La Turbie, một ngôi làng nhỏ nằm cách Công quốc khoảng 10km, và dành trọn cả ngày ở học viện. Buổi sáng là dành cho việc học văn hóa; các lớp học dành cho độ tuổi 11 được tổ chức ngay tại học viện. Buổi chiều mới là thời gian tập luyện. Các buổi tập được tiến hành trên một sân cỏ nhân tạo tuyệt vời nhìn ra Địa Trung Hải. Chính ở đây, dưới sự chỉ dẫn của Bruno Irlès, một cựu trung vệ từng khoác áo AS Monaco trong giai đoạn từ 1994 tới 2001, Kylian và khoảng 20 chàng trai trẻ thuộc lứa 1997 và 1998 sẽ có cơ hội từ từ khám phá về giải U-17 quốc gia.
“Ngay từ những buổi tập đầu tiên, đặc biệt là trong thời gian tập huấn đầu mùa giải ở Austrans thuộc vùng Vercors Massif, tôi đã nhận ra cậu ta có thể làm được những gì,” Bruno Irlès, người bắt đầu tiếp quản lứa 1997-1998 từ năm 2013 sau 2 năm thay thế Frédéric Barilaro ở cương vị giám đốc học viện tạm quyền, đánh giá. “Cậu ta lập tức cho thấy tiềm năng tấn công to lớn, thể hiện qua cước bộ và kỹ thuật với bóng tuyệt vời. Tôi cũng nhanh chóng nhận ra vấn đề liên quan tới khả năng phòng ngự của cậu ta; đúng ra thì cậu ta không hề có nhu cầu tham gia phòng ngự. Nhưng khách quan mà nói thì cậu ta còn chưa được 15 tuổi. Tôi tin là mùa giải trước mắt có thể giúp cậu ta tiến bộ hơn. Tôi nghĩ là tôi có đủ thời gian. Đấy mới là năm đầu tiên của Kylian ở giải U-17 Pháp, nên tôi muốn mọi việc diễn ra từ từ với cậu ấy, cũng như với các cậu bé khác thuộc lứa 1998.”
Trong những trận đầu tiên ở giải U-17, Kylian gần như không có cơ hội đá chính. Cậu bé ra sân theo kiểu cắc bụp và phải tự hài lòng với việc chỉ được xuất hiện trong ít phút cuối trận. Lần đầu tiên trong đời, Kylian phải chịu sự cạnh tranh ở cấp độ câu lạc bộ. Mà đối thủ cạnh tranh của cậu toàn là những cầu thủ lớn tuổi hơn, những người đã có ít nhất một năm kinh nghiệm ở giải đấu. Cậu cũng phải làm quen với những chọn lựa và nhận xét khắt khe từ vị huấn luyện viên của mình. Ông không ngừng chê trách cậu vì thiếu nỗ lực cải thiện khả năng phòng ngự. Vào ngày 8/9/2013, Bruno Irlès quyết định gửi cầu thủ trẻ của mình xuống bộ phận nghiệp dư để tăng cường cho đội bóng đang chơi ở Division d’Honneur U-17. Quyết định ấy nhanh chóng làm phát sinh xung đột.
“Tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay, bởi vì xuống đó Kylian sẽ có cơ hội được ra sân và trải nghiệm một thứ bóng đá khác hẳn, ít chất kỹ thuật và nặng về thể lực hơn. Hóa ra tôi nhầm. Mọi chuyện diễn tiến thật tồi tệ,” Bruno Irlès nhớ lại. “Trong một trận đấu, khi được huấn luyện viên yêu cầu phải lui về phòng ngự, cậu ta đã có một cử chỉ rất xấu. Không dễ để diễn tả, nhưng cơ bản cử chỉ ấy có nghĩa là ‘Hãy để tôi yên!’ Đáng ngạc nhiên hơn, người bị triệu lên giải trình trong tuần tiếp theo không phải là cậu ta, mà là tôi! Frédéric Barilaro và Souleymane Camara vừa nhận được một cuộc gọi từ bố mẹ của Kylian. Họ không hiểu nổi vì sao tôi lại cho con trai họ xuống chơi ở giải Division d’Honneur. Quyết định cuối cùng là tôi không được bắt cậu ta chơi ở đó nữa, dù thực tế là tất cả mọi cầu thủ đều cần trải nghiệm ở Division d’Honneur U-17 để trưởng thành.”
“Đúng là chúng tôi đã yêu cầu ông ấy không làm thế nữa,” Souleymane Camara, cựu trưởng bộ phận tuyển trạch của Monaco, xác nhận. “Nhưng anh phải nhớ là Kylian từng chơi ở DHU-17 với Bondy trong mùa giải trước đó rồi. Thế nên không có lý gì lại bắt cậu ta phải xuống chơi ở đó một lần nữa.”
Ngay cả khi phe Kylian đã thắng, thì điều đó cũng không thay đổi được thực tế là những tháng đầu tiên của cậu bé ở AS Monaco đã không diễn ra như mong đợi. Cảm giác lo lắng, bất an vẫn ngự trị. “Ở Bondy, chúng tôi ai cũng thắc mắc không biết điều gì đang xảy ra, và đều có cảm giác là chuyện này sẽ kết thúc rất tệ,” Fanfan Suner nhớ lại. “Irlès yêu cầu Kylian phải phòng ngự, nhưng thử hỏi ở Barcelona người ta có bắt Messi phải làm điều tương tự không? Tất nhiên là các cầu thủ phải có ý thức giữ vị trí. Nhưng một huấn luyện viên không nên bắt các cầu thủ chơi ở những vị trí mà họ cảm thấy không thoải mái, cũng như không nên bắt một tiền đạo phải phòng ngự như điên suốt cả trận.”
Wilfrid Mbappé dõi theo mọi diễn biến của vụ việc với cặp mắt chăm chú. Ông xin nghỉ việc một năm, để Fayza và Ethan vốn đang ở Seine-Saint-Denis chuyển tới sống gần trung tâm tập luyện, trong một căn hộ ở thị trấn cận kề Cap d’Ail. Ông hầu như không bỏ sót bất kỳ buổi tập nào của cậu con trai, và vị huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm thực sự không thể hài lòng với những gì mà ông chứng kiến: “Anh ấy không thích những phương pháp mà Bruno Irlès sử dụng,” một người bạn thân của gia đình tiết lộ. “Anh ấy nói là ông ta thường chửi bới thành tràng ở trên sân. Cầu thủ nào mà hơi yếu đuối chắc chắn sẽ phải khóc cả đêm. Kylian vẫn đang gắng gượng, nhưng đôi lúc thằng bé cũng bị tổn thương. May mắn là thằng bé luôn nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Họ không để mặc cho mọi chuyện tự xảy ra, mà không ngừng yêu cầu những lời giải thích.”
Cuộc gặp thứ hai, lần này có sự góp mặt của bố mẹ Kylian, được tổ chức vào tháng 12 ở trung tâm tập luyện La Turbie. Cảm giác căng thẳng không hề giảm đi, ngược lại là đằng khác. Bruno Irlès được triệu lên để tự bào chữa cho mình: “Đầu tiên, người ta trách tôi không tạo cơ hội cho Kylian ra sân. Tôi nói rằng đấy là vì các anh cấm không cho tôi để cậu ta chơi bóng với các cầu thủ nghiệp dư trong khi cậu ta chưa sẵn sàng để ra sân từ đầu trong các trận đấu ở giải U-17 quốc gia. Họ cũng nói rằng thằng bé không hạnh phúc là vì tôi. Nhưng điều đó không đúng. Kylian vẫn rất thân thiết với các bạn, nhưng, tất nhiên, thằng bé hơi thất vọng vì không được tôi lựa chọn. Cuối cùng, họ nói về việc tôi hay quát mắng các cầu thủ trong những buổi tập. Tôi nói rằng một huấn luyện viên như tôi phải biết cách xốc một cầu thủ khi anh ta không làm theo các chỉ dẫn hay không nỗ lực vì đồng đội. Đó là vấn đề của Kylian. Nhưng vì tôi không được phép gửi cậu ta xuống đội nghiệp dư, tôi buộc phải tìm những cách khác để chấn chỉnh cậu ta. Thế nên đúng là đôi khi tôi có bảo với cậu ta là ‘Bỏ cái kiểu chơi như một ông sao đó đi!’, hay ‘Đây không phải là Real Madrid đâu, nên hãy nhúc nhắc cái mông đi!’ Nếu tôi tỏ ra cố chấp thì đó là vì tôi muốn giữ vững lập trường của mình, và trên hết là vì tôi muốn Kylian hành xử khiêm tốn như mọi cầu thủ khác.”
Cuộc gặp kết thúc mà không thu được kết quả nào. Cuộc chiến quyền lực giữa một bên là gia đình của Kylian với một bên là vị huấn luyện viên của đội U-17 sẽ còn tiếp diễn trong suốt giai đoạn hai của mùa giải. “Tình huống này là một minh chứng tốt cho sự phức tạp của nghề huấn luyện viên,” Marc Westerloppe, người đã chuyển từ học viện RC Lens sang học viện Paris Saint-Germain trong năm 2013, phân tích. “Làm một huấn luyện viên cũng gần giống như làm bố. Vừa phải biết quát mắng các cầu thủ, lại vừa phải hiểu và biết cách động viên anh ta. Tất nhiên là đôi lúc Irlès cũng phải tỏ ra khắc nghiệt với Kylian và nói với cậu ta rằng: ‘Này, bóng đá không phải trò đùa đâu. Đừng có mê sảng như thế nữa!’ Nhưng ông ấy cũng phải nhớ rằng tài năng của Kylian đã được cả nước Pháp ghi nhận. Ngoài ra, cũng không nên quên là cậu bé non hơn so với hầu hết các bạn, vì sinh vào cuối năm. Ở thời điểm đó, cậu ta vẫn cần được đối xử bằng tình cảm, cần cảm giác được che chở, và đó có vẻ chính là những gì còn thiếu.”
“Rõ ràng là Irlès, người ở thời điểm đó còn mâu thuẫn với cả Barilaro, đã không chiếm được trái tim của Kylian,” Reda Hammache đồng tình. “Nhưng cũng không thể trách ông ấy được. Huấn luyện viên nào rồi cũng có lúc gặp vấn đề với các cầu thủ. Irlès không may ở chỗ ông gặp chuyện với Mbappé, ở thời điểm đó là một trong những ngôi sao trẻ được báo chí quan tâm nhất.”
Quan hệ giữa các bên xuống đáy vào mùa xuân năm 2014, khi U-17 Monaco tham dự giải Montaigu diễn ra ở phía tây nước Pháp, gần Nantes. Ngày 21/4, sau trận đấu cuối cùng của giải, gặp Girondins de Bordeaux, Irlès nói rằng Kylian đã có những phản ứng không phù hợp. “Khi tôi nhắc tới việc thay cậu ta ra, cậu ta đã làm một cử chỉ với cánh tay mà ai cũng hiểu có nghĩa là biến đi!” Irlès kể lại. “Tôi lập tức thay cậu ta ra mà không giải thích gì thêm. Đó là trận đấu chính thức cuối cùng của cậu ta. Cậu ta không bao giờ ra sân trong các đội bóng của tôi nữa.” Một số nguồn tin khẳng định là Irlès và chú của Kylian là Pierre Mbappé gần như đã lao vào động thủ với nhau. “Tôi không biết kể chi tiết, nhưng đúng là lúc đó chuyện đã đi quá xa. Thế nên sau đó tôi tìm tới ban lãnh đạo và giải thích nguyên nhân đằng sau quyết định loại cậu ta ra khỏi đội bóng.”
Không khó tưởng tượng ra tình thế khó xử của ban lãnh đạo lúc ấy. Họ không thể chống lại huấn luyện viên của mình, nhưng đồng thời cũng phải tìm cách lấy lại niềm tin của gia đình Mbappé. Người ta tin rằng nhà Mbappé đã quyết định rằng nếu không sớm có giải pháp thì họ sẽ chuyển con mình tới một đội bóng khác. Trách nhiệm nặng nề dồn lên vai giám đốc học viện Frédéric Barilaro, người rất may mắn có được sự ủng hộ của vị tân giám đốc thể thao người Bồ Đào Nha Luis Campos. Barilaro có một ý tưởng. Đầu tiên, ông và Campos cùng tới trấn an gia đình Mbappé, những người đang ở trong một trạng thái hoang mang sau một mùa giải bất thường. Sau đó, Kylian được chuyển lên chơi ở đội U-19 do Barilaro dẫn dắt, sau khi đã tập riêng một tuần với sự hỗ trợ của trợ lý huấn luyện viên Sylvain Legwinski.
Đúng như dự đoán, sau đó ít tuần, Bruno Irlès rời AS Monaco để chuẩn bị lấy bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp. Nhờ có bằng, ông tìm được cơ hội làm huấn luyện viên của Arles-Avignon, trước khi tới FC Sheriff Tiraspol ở Moldova. Ông chia tay đội bóng đã gắn bó lâu năm trong cảm giác hối tiếc vì đã “không thể giúp Kylian cải thiện những điểm yếu, dù cậu ta đã mạnh mẽ lên rất nhiều về mặt tinh thần” sau một năm chơi bóng dưới sự dẫn dắt của ông. Kylian khép lại mùa giải U-17 quốc gia đầu tiên trong dang dở khi chỉ được ra sân có 1.175 phút, bằng một nửa thời gian ra sân tối đa. Trong một ghi chú của Irlès về Kylian có những thống kê về những gì mà cậu ta đã làm được: 5 bàn, trong đó có 2 bàn vào lưới Nîmes, 3 pha kiến tạo, và... 2 sai lầm trực tiếp dẫn tới bàn thua. “Đúng rồi, tôi ghi lại cả điều tốt lẫn chưa tốt. Ta đâu có cơ hội quay về quá khứ để làm lại tất cả từ đầu!”