Tại khóa học tiền tiểu học, các giờ học và giờ giải lao diễn ra như thời khóa biểu chính thức. Lũ trẻ ùa ra hành lang chạy nhảy rất ồn ào. Điều khác biệt giữa những đứa trẻ đi học các lớp tiền tiểu học với những đứa trẻ đã vào lớp Một đó là có rất nhiều cha mẹ đứng ở ngoài hành lang để quan sát con mình − những đứa trẻ đang làm quen với môi trường mới. Họ quan sát xem con mình làm gì, chơi gì, chơi với ai… trong giờ giải lao.
Sau một tháng, lũ trẻ dần quen với môi trường và kết thân được với những người bạn mới. Chúng chơi thành các nhóm nhỏ, chia sẻ với nhau những thứ chúng thấy thú vị, thậm chí cả cảm xúc của mình. Một cô bé tiến tới gần cô bạn của mình và khoe món đồ chơi mới. Trong khi đó, cô bạn đang say sưa trò chuyện với một cậu bé khác và tỏ ra không chút hứng thú với món đồ chơi đó. Cô bạn vứt món đồ chơi ra xa và nói: “Để tớ yên”. Người mẹ của cô bé có món đồ chơi bị vứt dưới sàn đã quan sát được cảnh tượng con gái mình bị “xúc phạm”. Cô nhanh chóng gọi con gái lại gần và ra một phán quyết cứng rắn: “Con bé đó đã nói gì với con?” “Để tớ yên” ư? Đừng bao giờ để mẹ thấy con lại gần hay lảng vảng xung quanh nó. Đừng kết bạn với con bé đó nếu nó không tôn trọng con! Con hiểu mẹ nói gì chứ?”
1 Robin Hood: Nhân vật anh hùng trong văn học dân gian của Anh. Một cung thủ và kiếm thủ cừ khôi, được biết đến với việc “cướp của người giàu chia cho người nghèo”.
Đừng kết bạn với con bé đó! Sau đó sẽ là đừng kết bạn với con bé kia, đừng kết bạn với những đứa trẻ đó và cuối cùng “Đừng kết bạn với ai. Chẳng có ai tốt đẹp!”. Sau đó nhiều năm, cô con gái sẽ nói với mẹ rằng: “Mẹ à, mẹ đã cấm đoán con kết bạn và bây giờ con thấy mình mới cô đơn làm sao!” Có thể tôi đã phóng đại nhưng cấm đoán con giao lưu, kết bạn không phải là giải pháp tốt nhất.
Vậy giải pháp nào cho bà mẹ có cô con gái bị “xúc phạm” kia?
Tại sao bà mẹ không nghĩ sẽ nói chuyện, trao đổi với con về tâm trạng, cảm giác của con khi bị bạn ném đồ chơi và xua đuổi. Rõ ràng, tâm lý người mẹ chỉ tập trung vào suy nghĩ “con mình không được tôn trọng” và cảm thấy bị tổn thương. Với cô con gái − người muốn khoe món đồ chơi thì tâm lý còn phức tạp hơn nhiều. Ở đây, người mẹ phải suy nghĩ thấu đáo hơn:
- Thực sự con mình muốn gì?
- Thu hút sự chú ý từ cô bạn gái?
- Thu hút sự chú ý của đúng cô bạn gái đó?
(Hai câu hỏi trên rõ ràng khác nhau đúng không?)
- Con chỉ đơn giản muốn khoe đồ chơi mới và không quan trọng khoe với ai đó cụ thể?
- Liệu con có thể cư xử một cách tế nhị hơn để tránh việc gây hấn với bạn bè?
- Đây là lần đầu tiên hay những việc tương tự như vậy đã thường xuyên xảy ra trước đây?
- Con nên phản ứng như thế nào trong trường hợp này?
- Con nên nói: “Tớ xin lỗi đã làm phiền nhưng cậu đừng cư xử thô bạo như vậy với tớ”?
- Con run rẩy bỏ đi đến chỗ những cô bạn gái khác?
Tất cả những câu hỏi trên người mẹ đều có thể cùng con thảo luận và đưa ra câu trả lời, giải pháp hợp lý. Dù sao, người mẹ hãy để con được quyết định người con sẽ kết bạn và cách con cư xử.
* * *
Ở trường mẫu giáo, cậu nhóc Semen có một cậu bạn tên là Lesha. Semen đặt tên cho chú mèo của mình là Lesha − tên người bạn tốt nhất của cậu bé. Nhưng người bạn tốt nhất của Semen lại rất thất thường. Lesha có thể đột nhiên nói: “Tớ sẽ không chơi với cậu nữa” và nghỉ chơi với Semen một thời gian. Nhưng có thể ngay ngày hôm sau, hai đứa lại chơi với nhau vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thỉnh thoảng, mẹ Semen than phiền với tôi về cậu bạn thân nhất của con trai:
- Một vài lần đưa thằng bé đến lớp hoặc đến lớp đón thằng bé, tôi thấy thằng bé ngồi một mình trước hiên vì Lesha lại không muốn chơi cùng thằng bé nữa. Tôi không biết đấy có phải thú vui của thằng nhóc Lesha nữa không. Thằng nhóc nói: “Tớ sẽ không chơi với cậu” rồi quan sát xem thằng bé Semen − con trai tôi phản ứng như thế nào với câu nói đó. Tôi thực sự chỉ muốn cấm Semen chơi với thằng nhóc Lesha đó.
- Ồ, cậu là mẹ − Tôi nói − Cậu có thể cấm mà. Người ta gọi đó là quyền cha mẹ. Nhưng vấn đề dù Lesha như vậy, nhưng Semen vẫn muốn chơi với thằng bé đó. Nên nếu cậu cấm thằng bé chơi với người bạn mà nó thích thì sẽ có hai trường hợp xảy ra. Một là con trai cậu − Semen sẽ nói dối rằng thằng bé đã nghỉ chơi với Lesha. Hai là thằng bé sẽ nghe lời mẹ không chơi với Lesha nữa, nhưng nó sẽ rất tức giận mẹ mình đấy. Và tớ cá là nếu cậu bắt thằng bé nghỉ chơi với Lesha, Semen chắc chắn sẽ không bao giờ học được cách đối phó với những mối quan hệ mang lại sự khó chịu về mặt cảm xúc của mình.
Đừng kết bạn với con bé đó! Sau đó sẽ là đừng kết bạn với con bé kia, đừng kết bạn với những đứa trẻ đó và cuối cùng “Đừng kết bạn với ai. Chẳng có ai tốt đẹp!”.
- Vậy tớ nên làm gì đây? Tiếp tục đứng nhìn thằng bé rầu rĩ vậy sao?
- Cậu không thể chỉ khoanh tay đứng nhìn thằng bé như vậy được! Cố gắng thảo luận tình huống với thằng bé. Nếu tớ là cậu, tớ sẽ nói với thằng bé đây không phải là cách chúng ta đối xử với bạn bè. Những người thật sự coi con là bạn sẽ không làm như vậy. Sẽ không có điều gì tốt đẹp xảy ra trong tình bạn khi chúng ta không còn tin tưởng vào bạn bè nữa. Người ta rất coi trọng tính kiên định của những người đàn ông. Tớ sẽ khuyên thằng bé chơi với những đứa trẻ khác nữa. Hãy gợi ý rằng thằng bé nên tìm và nên làm gì để tìm được một người bạn đáng tin cậy hơn.
Cô bạn tôi đã nói chuyện với cậu con trai của mình. Hai hoặc ba tuần gì đó trôi qua, cô ấy gọi cho tôi và nói rằng, bây giờ, mỗi khi tan học về nhà, Semen thường xuyên nhắc về những trò chơi thú vị với cậu bạn Phoma ở trường.
* * *
Khi còn là một giáo viên mầm non, tôi đã gặp rất nhiều trẻ có mối quan hệ bạn bè không hòa hợp. Hai bé gái − một người thích ra lệnh, chỉ huy, một người luôn răm rắp tuân theo − Marina. Cha mẹ của Marina quyết định chuyển cô bé sang lớp khác để cứu con gái tránh khỏi những ảnh hưởng không tốt từ cô bạn thích ra lệnh. Thế nhưng, Marina, dù đã chuyển sang lớp khác, lại tiếp tục có mối quan hệ như vậy với một cô bạn gái mới. Cô bạn gái mới tiếp tục là người ra lệnh, chỉ huy, còn Marina tiếp tục là người làm theo mệnh lệnh. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ: Marina đã tự mình xây dựng mối quan hệ mà ở đó cô bé đóng vai trò của người phục tùng.
* * *
Nếu đứa trẻ không tự học được cách làm thế nào để thoát ra, để vượt qua những tình huống làm tổn thương bản thân, không có sự thay đổi từ chính bên trong con người mình thì những tình huống đó rất có thể sẽ được lặp lại không chỉ một mà rất nhiều lần. “Tự” không có nghĩa chúng ta để đứa trẻ tự xoay xở với vấn đề của mình hoặc chỉ rao giảng lý thuyết cho trẻ. Cha mẹ phải tham gia vào quá trình xây dựng mối quan hệ bạn bè của con với vai trò cố vấn. Nghe, cảm nhận, chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến và gợi ý các giải pháp cùng con. Hãy nhớ đừng bao giờ giải quyết bất kỳ vấn đề nào của con bằng những phương pháp mang tính độc tài.