Cuốn sách này đề cập đến những điều dù đơn giản nhưng lại rất mơ hồ.
Những rối loạn thể hiện ở sự non nớt trong suy nghĩ, tâm lý, hành vi của những người trẻ tuổi đã trở thành một vấn đề thực sự đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Các bậc cha mẹ có quá nhiều năng lượng (đôi lúc dư thừa) để sống hộ con, tham gia vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của con, thay con quyết định, thay con lên kế hoạch cuộc đời và thay con giải quyết mọi vấn đề từ lớn đến bé trong cuộc sống. Câu hỏi đặt ra: Liệu trẻ có thực sự cần cha mẹ làm vậy không? Liệu đây có phải là cuộc tẩu thoát khỏi cuộc đời của chính những bậc làm cha làm mẹ?
Cuốn sách nói về cách nhắc nhở bản thân bạn, dạy bạn không chỉ cách làm cha mẹ mà còn cung cấp nhiều phương pháp, kinh nghiệm, giúp bạn vượt qua những hạn chế của vai trò quan trọng này. Cuốn sách chỉ cho bạn cách thoát khỏi cảm giác lo lắng và mong muốn được kiểm soát tất cả mọi việc. Cuốn sách nuôi dưỡng, trang bị cho bạn kiến thức và tâm thế sẵn sàng buông tay con để con bước vào cuộc sống tự lập.
Giọng văn có chút châm biếm, mỉa mai và rất nhiều những ví dụ, bài học thực tế làm cho việc đọc cuốn sách trở nên rất hấp dẫn, lôi cuốn. Đây không đơn giản là một cuốn sách mà còn là một câu chuyện, là sự phản ánh cuộc sống làm cha mẹ thường nhật. Tác giả không ra lệnh cho người đọc phải làm thế này, phải làm thế kia mà kêu gọi người đọc, hướng người đọc phải suy nghĩ, rút ra bài học từ những câu chuyện tương tự mà không quên chú ý đến những ngoại lệ, không nằm trong quy luật, quy tắc thông thường. Cá nhân tôi cho rằng cuốn sách có thể giúp những bậc cha mẹ theo chủ nghĩa hoàn hảo thoát khỏi ám ảnh và cảm giác tội lỗi thường trực − những thứ gây cản trở việc thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa cha mẹ và con cái.
Đây thực sự là một cuốn sách “thông minh” và “tốt bụng”, bởi dạy cho người đọc cách trở thành những người mẹ tốt và cách những người mẹ tốt dạy con tự lập hơn trong cuộc sống.
Vladimir Kozlov, Chủ tịch Học viện Tâm lý học Quốc tế, Tiến sỹ Tâm lý học