Làm việc tại một nhà trẻ, tôi đã được gặp và chứng kiến không ít những ví dụ về cách nuôi dạy trẻ của những ông bố bà mẹ, mà tôi cho là cách nuôi dạy con của họ còn thiển cận. Trong đó đặc biệt nhất phải kể đến một cậu bé 3 tuổi, tên là Slavik.
Bố mẹ cậu bé quá lo lắng và luôn cho rằng cậu bé phải được đút cho ăn. Nếu không thì Slavik sẽ gầy còm. Tuy nhiên sự hiểu biết của bố mẹ Slavik về gầy béo của trẻ cũng hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học. Từ vóc dáng và cặp má phúng phính của Slavik, thì hoàn toàn không đáng lo ngại.
Tôi không hiểu ở nhà bố mẹ đã cho cậu bé ăn uống như thế nào và bằng cách nào nhưng ở nhà trẻ, rõ ràng cậu bé ăn uống không hề ngon miệng.
Cậu bé nhai và nuốt mọi thứ đồ ăn được chuẩn bị cho mình như một cái máy.
Vâng! Cậu bé hoàn toàn không biết cách ăn uống. Một đứa trẻ lên ba hoàn toàn không biết cách ăn bởi vì nó chưa bao giờ “có kinh nghiệm” với việc ăn uống.
Vào ngày đầu tiên ở trường, Slavik được tôi bón từng thìa cháo. Tôi cho cậu bé ăn và quan sát tâm trạng, hành vi của cậu bé: Hoàn toàn không có chút cảm xúc nào. Thìa đầu tiên, cậu bé mở miệng, nhai và nuốt. Thìa tiếp theo, cậu bé mở miệng, nhai và nuốt… Những hành động đó được Slavik lặp đi lặp lại trong vô thức.
Cần nói thêm về món cháo cậu bé ăn ngày hôm đó.
Gọi một cách hài hước thì món cháo này chống lại mọi quy luật về trọng lực. Có nghĩa là khi bạn xoay chiếc đĩa đựng cháo một vòng rồi tiếp tục xoay một vòng ngược lại, nếu theo đúng quy luật về trọng lực cháo sẽ văng ra khỏi đĩa, nhưng không, cháo vẫn nằm im trong đĩa, đặc sệt và đầy thách thức. Ngày hôm đó đã có rất nhiều đứa trẻ bỏ ăn, duy chỉ có Slavik ăn hết sạch đĩa cháo.
Tôi hỏi cậu bé:
- Slavik, con thích món cháo này của chúng ta chứ?
- Không.
Nói xong, cậu bé lại tiếp tục quy trình: mở miệng, nhai, nuốt.
- Vậy con có muốn ăn thêm không?
Tôi nâng thìa cháo lên.
Cậu bé trả lời: “Không!” và lại bắt đầu chuẩn bị thực hiện quy trình: mở miệng, nhai và nuốt.
- Nếu con không thích ăn, chúng ta sẽ kết thúc bữa ăn của mình tại đây! − Tôi nói.
Mắt cậu bé đảo liên hồi vì ngạc nhiên. Slavik không biết rằng việc đó là được phép: Có thể muốn hoặc không muốn ăn; Có thể ăn hết hoặc bỏ lại; Có thể nói về nguyện vọng, mong muốn của mình và được người lớn lắng nghe, để tâm đến.
Nếu cha mẹ đoán được hết mọi mong muốn của trẻ, chúng sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể học được cách hiểu những nhu cầu của bản thân và cũng sẽ mất rất lâu mới học được cách đề nghị giúp đỡ từ cha mẹ, cũng như những người xung quanh.
Có một câu chuyện cười như thế này về những ông bố bà mẹ, những người luôn luôn biết đứa trẻ của mình cần gì.
- Petria, chúng ta nhanh về nhà thôi!
- Mẹ, sao vậy? Do con lạnh phải không?
- Không, do con đói.
Quay trở lại với cậu bé Slavik.
Ban đầu cậu bé đã học được cách tận hưởng quyền từ chối thức ăn và chỉ uống mỗi kompot1. Sau đó cậu bé bắt đầu biết xin thêm đồ ăn khi thấy ngon miệng, và từ tốn đẩy đĩa thức ăn ra xa nếu đó không phải là món cậu bé thích. Cậu bé đã bắt đầu xây dựng được khả năng và ý thức về việc tự do lựa chọn theo ý muốn của mình. Sau một thời gian, chúng tôi không còn phải xúc từng thìa thức ăn cho cậu bé mà thay vào đó, Slavik đã bắt đầu tự mình ăn uống.
1 Kompot: Một đồ uống ngọt không cồn.
Ăn uống là một nhu cầu hết sức tự nhiên và cơ bản. Bất cứ đứa trẻ nào khi đói cũng sẽ tự ăn.
Có thể tôi là một bà mẹ lười biếng. Tôi không mất quá nhiều thời gian vào việc cho bọn trẻ ăn uống. Ngay từ khi con 1 tuổi, mỗi bữa ăn, tôi đưa cho con một chiếc thìa và đặt ngồi ăn ngay bên cạnh mẹ.
Khi tròn 1 tuổi rưỡi, các con tôi thậm chí còn được sử dụng dĩa.
Tất nhiên để các con có thể hình thành các kỹ năng và tính tự giác, độc lập này, tôi đã phải rửa bàn, lau chùi sàn nhà và thậm chí “lau một thời gian dài” cả chúng sau mỗi bữa ăn.
Đó là lựa chọn có chủ đích của tôi giữa hai việc:
Một là quá lười biếng và sốt ruột khi phải dạy lũ trẻ, tốt hơn hết tôi sẽ tự làm mọi việc để tiết kiệm thời gian.
Hai là tôi sẽ lười biếng đi một chút và kiên nhẫn dành thời gian, sức lực vào việc dạy lũ trẻ làm việc.
Vẫn còn một nhu cầu hết sức tự nhiên nữa đó là được đáp ứng nhu cầu.
Mẹ cậu bé Slavik muốn chúng tôi cứ mỗi hai giờ đồng hồ lại đưa thằng bé đi toilet. “Ở nhà, tôi cho thằng bé ngồi bô và giữ cho thằng bé ngồi như vậy cho đến khi nó làm xong mọi việc cần làm”. “Mọi việc cần làm” ở đây tức là việc giải quyết nhu cầu đi vệ sinh của bản thân!
Điều đó có nghĩa là bà mẹ ấy muốn một đứa trẻ 3 tuổi sẽ đợi chờ người lớn dẫn mình vào toilet (không cần biết nó có nhu cầu hay không) và thuyết phục: “Hãy làm mọi việc cần phải làm!” như ở nhà dù bé đang ở trên lớp.
Chẳng cần phải đợi ai đưa vào toilet, khi có nhu cầu cậu bé đã tự tè ướt quần. Cậu bé không biết rằng cần phải cởi và mặc một chiếc quần khác thay cho chiếc quần đã ướt sũng nước tiểu của mình. Thậm chí, cậu bé còn không biết yêu cầu sự giúp đỡ từ giáo viên.
Nếu cha mẹ đoán được hết mọi mong muốn của trẻ, chúng sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể học được cách hiểu những nhu cầu của bản thân và cũng sẽ rất lâu mới học được cách đề nghị sự giúp đỡ từ cha mẹ, cũng như những người xung quanh mình.
Sau một tuần lễ, vấn đề chiếc quần ướt đã được giải quyết một cách hết sức tự nhiên.
“Con muốn đi tè, cậu bé nói to để thông báo và đã biết tự mình đi vào nhà vệ sinh.
Việc đi tè là một nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người. Một cậu bé 3 tuổi hoàn toàn có thể kiểm soát được nhu cầu, quá trình, cũng như hành động cần thực hiện để giải quyết nhu cầu đó. Slavik biết khi nào mình cần phải đi toilet và đã tự mình đi thẳng đến nhà vệ sinh. Cậu bé có thể đã biết về nhu cầu đó từ trước khi đi nhà trẻ, nhưng ở nhà, cậu bé được bao quanh bởi những người lớn lúc nào cũng sẵn sàng đặt cậu vào bô ngồi và đợi đến khi cậu tự nhận thức ra nhu cầu “đi tè” của mình.
Ở nhà trẻ, tất cả những đứa trẻ đều bắt đầu tự ăn uống, tự đi toilet, tự mặc đồ và tự tạo nên những giờ học cho mình. Chúng sẽ quen dần với việc đề nghị giúp đỡ, nếu không thể tự mình giải quyết được những vấn đề của bản thân.
Cá nhân tôi không ủng hộ việc cho trẻ đi mẫu giáo. Ngược lại, tôi cho rằng tốt hơn hết bố mẹ nên giữ con ở nhà cho đến khi chúng 3 tuổi. Tôi chỉ muốn các bậc làm cha làm mẹ cần chú ý về hành vi của mình. Mọi hành vi của bố mẹ tác động đến trẻ đều phải hợp lý và phải tạo cho trẻ không gian để phát triển.
Một lần nọ, tôi có cô bạn ghé chơi cùng cậu con trai 2 tuổi và ngủ lại qua đêm. Đúng 9h tối, cô bạn tôi đứng lên đặt thằng bé vào giường đi ngủ. Thằng bé chưa buồn ngủ nên tìm mọi cách bò ra khỏi giường. Cô bạn tôi thì kiên quyết giữ thằng bé nằm xuống trên giường. Tôi cố gắng nói với cô bạn mình:
“Tớ đoán là cậu bé chưa muốn ngủ.”
Dù không dám khẳng định với cô bạn mình điều gì, nhưng tôi tin chắc việc cậu bé không muốn ngủ là đúng. Bởi vì bé vừa được đến một không gian mới, có người chơi cùng và rất nhiều đồ chơi mới lạ. Cậu bé vẫn còn đang rất phấn khích. Một đứa trẻ đang phấn khích lẽ nào lại muốn đi ngủ!
Tuy nhiên, cô bạn tôi vẫn ngoan cố bắt thằng bé nằm ngủ. Sau nửa tiếng vật lộn thì thằng bé cũng chìm vào giấc ngủ. Sau khi cậu bé chìm vào giấc ngủ thì con tôi cũng bắt đầu nằm ngủ tự nguyện mà mẹ nó là tôi, hoàn toàn không tốn chút sức lực nào. Nếu bạn tò mò bí quyết của tôi là gì, thì tôi xin trả lời là vẫn không có bí quyết nào hết. Khi trẻ mệt, chúng sẽ tự nằm yên trên giường và chìm vào giấc ngủ.
Lại một việc nữa chứng minh tôi là một bà mẹ lười biếng. Tôi quá lười để bắt con mình phải nằm ngủ khi nó không muốn. Tôi biết rằng, sớm muộn gì con tôi sẽ tự mình nằm ngủ bởi vì ngủ cũng là một nhu cầu tự nhiên.
Vào những ngày cuối tuần, tôi thích được lười biếng ngủ nướng trên giường. Ngày làm việc của tôi bắt đầu rất sớm vào lúc 6:45 vì 7:00, khi nhà trẻ mở cửa đã có học sinh đợi trước cửa. Một ông bố vội đến nơi làm việc tranh thủ đưa con đến lớp.
Dậy sớm thực sự là việc quá khắc nghiệt với những con cú. Mỗi buổi sáng ngồi thưởng thức ly cà phê mới pha, tôi cố gắng xoa dịu con cú bên trong mình rằng, chỉ cần đợi đến thứ Bảy thôi, cả tôi và nó đều có thể được ngủ nướng.
Một buổi sáng thứ Bảy nọ, tôi tỉnh dậy lúc gần 11h. Con trai 2 tuổi rưỡi của tôi đang ngồi xem phim hoạt hình, miệng nhâm nhi chiếc bánh quy gừng. Thằng bé tự bật TV (không có gì khó khăn với nó bởi chỉ cần ấn nút), và tự tìm đĩa DVD hoạt hình. Bé cũng tự mình tìm sữa và bỏng ngô.
Việc tỉnh dậy và đón một ngày mới với cái sàn nhà vương vãi đầy bỏng ngô, những chiếc cốc rót tràn sữa hay những cái đĩa bẩn trong bồn rửa bát thật đủ sức phá hỏng tâm trạng của bạn. Tuy nhiên với một cậu bé mới 2 tuổi rưỡi thì việc nó có thể tự ăn sáng và có ý thức dọn dẹp những thứ mình gây ra, thì cũng đủ sức kéo căng tâm trạng phấn khích của một bà mẹ như tôi lên nhiều lần.
Cậu con trai 8 tuổi của tôi đã thức dậy và ra khỏi nhà từ sớm. Chiều qua thằng bé đã xin phép tôi đi đến rạp chiếu phim cùng gia đình bạn mình.
Tôi đã nói với con của mình rằng, tôi quá lười để phải thức dậy sớm vào sáng thứ Bảy, khoảng thời gian đẹp đẽ mà tôi đã phải đợi suốt một tuần mới có chỉ để có thể ngủ bao lâu tùy ý. Nếu thằng bé thực sự thích đi đến rạp chiếu phim, thằng bé phải tự mình đặt báo thức, tự dậy ăn sáng, thay đồ và tốt hơn hết tự mình đi đến đó. Hãy nhớ đừng có ngủ quên…
Thực ra tôi cũng đặt báo thức nhưng để ở chế độ rung, giả vờ nằm ngủ và lắng nghe mọi hoạt động của con. Khi cánh cửa ra vào vừa đóng lại, tôi đợi tin nhắn từ mẹ của bạn thằng bé báo rằng, thằng bé đã đến nhà họ hay chưa. Tất cả phải thật bí mật với thằng bé để nó tin rằng, mẹ hoàn toàn tin tưởng nó đủ khả năng và trách nhiệm với những sở thích, mong muốn của mình.
Tôi còn lười nấu nướng, lười chuẩn bị đồng phục, lười sấy khô đồ cho bọn trẻ khi rời bể bơi, lười chỉ bài cho con (trừ khi chúng yêu cầu mẹ giúp đỡ) và lười vứt rác, bởi rác sẽ được cậu con trai 8 tuổi của tôi vứt trên đường đến trường. Tôi còn thỉnh thoảng đề nghị thằng bé pha trà và mang đến tận bàn làm việc cho tôi.
Rõ ràng là mỗi năm qua đi, sự lười của tôi lại tăng thêm một chút.
Nhưng dù sao thì chúng vẫn là những đứa trẻ. Và chúng sẽ có sự biến đổi bất ngờ mỗi khi bà của chúng ghé chơi. Chúng tôi sống khá xa nhau nên mỗi lần đến chơi bà thường ở lại một tuần. Cậu bé 8 tuổi của tôi “bỗng dưng” quên rằng nó có thể tự mình học bài, tự mình làm nóng thức ăn cho bữa trưa, tự mình chuẩn bị sandwich, tự mình xếp sách vở đến trường, thậm chí quên luôn việc nó đã hoàn toàn có thể tự mình đến trường.
Và một trong hai cậu con trai của tôi thậm chí còn sợ ngủ một mình. Thằng bé chỉ đi ngủ khi có bà ngồi bên giường.
Bà của hai cậu con trai tôi, trái ngược với mẹ chúng, không hề “lười biếng”.…