“Xin lỗi, bạn có phải là bà mẹ lười không?” − tôi rất bất ngờ khi nhận được rất nhiều câu hỏi như vậy từ các trang mạng xã hội. Họ có ý gì đây? Tôi nên phản ứng như thế nào?
Khi hành vi của cha mẹ thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi hành vi ở trẻ. Nếu cha mẹ làm thay trẻ mọi việc, vô tình cha mẹ cũng tước luôn động lực, động cơ để trẻ phát triển. Ngược lại, nếu người lớn dừng việc thay trẻ làm mọi việc, thì trong đứa trẻ sẽ dần hình thành ý thức “hiện thực hóa” những nhu cầu của mình một cách tự giác và độc lập.
Từ những thảo luận, thậm chí tranh luận trên diễn đàn và những ví dụ được rút ra từ thực tế cuộc sống, khi sự lười biếng này bị phản đối kịch liệt, các bài viết ăn theo hiện tượng này cũng vì thế mà được tập hợp lại nhiều thành một blog. Nhưng tất cả chỉ biến các ý kiến, những quan điểm trở thành một mớ hỗn độn. Và rồi bỗng dưng một biên tập viên báo chí đã đề nghị với tôi rằng: “Bạn sẽ không phản đối nếu chúng tôi xuất bản nó thành một bài báo chứ?”. Cô ấy cũng không quên nhấn mạnh “Nó thực sự sẽ là một quả bom đấy!”.
Và rồi quả thực nó đã trở thành một quả bom thông tin khi bài báo của tôi được đăng tải, chia sẻ và trích dẫn trên các forum dành cho cha mẹ, các blog, các trang mạng xã hội và các kênh thông tin trong và ngoài nước khác nhau trên internet.
Sự lười biếng mà mẹ cần là sự quan tâm tới trẻ, không phải là thái độ thờ ơ, vô cảm.
Điển hình như bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha, cậu bé Slavik của tôi đã nhận được một cái tên mới − Sebastiana, còn nhân vật người mẹ (tức là tôi) ở phiên bản tiếng Tây Ban Nha đã yêu cầu cậu con trai 8 tuổi của mình mang cà phê tới bàn làm việc thay vì mang trà, bởi trà ở Tây Ban Nha không phải là thứ đồ uống phổ biến cho lắm. Khắp mọi nơi, trong mọi thảo luận đã nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi trước câu hỏi “Trở thành một bà mẹ lười biếng là tốt hay không tốt?”.
“Đúng vậy! Cần phải giáo dục đứa trẻ để nó có sự chuẩn bị tốt nhất và luôn sẵn sàng đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống của mình.”
“Vậy tại sao bạn lại sinh con? Để chúng phục vụ chúng ta hay sao?”
May mắn sao là những người tham gia tranh luận đã sôi nổi một cách tích cực. Có nghĩa là họ không chăm chăm vào việc cãi nhau giữa các cá nhân, hội nhóm mà cố gắng ủng hộ hay phản bác ý kiến của nhau qua những trải nghiệm thực tế của bản thân. Mỗi trải nghiệm đều được gắn với một câu chuyện nào đó của cá nhân họ, những ví dụ, bài học về chính thời thơ ấu của họ hay của những người mà họ quen biết.
Rất tiếc là một vài nguồn trên Internet đã đăng tải không đầy đủ nội dung bài báo, do đó đã gây ra một số hiểu lầm không đáng có cho người đọc. Thực tế sự lười biếng mà bài báo đề cập đến không phải đơn thuần là sự lười biếng được hiểu theo nghĩa đen, mà nhấn mạnh tới việc áp dụng sự lười biếng đó một cách hợp lý với mục đích tạo điều kiện cho trẻ hình thành và phát triển thói quen tự lập.
Và với tôi, tính tự giác và độc lập sớm của một đứa trẻ không nên bị biến thành hậu quả của thái độ thờ ơ, quan điểm trung lập về mọi thứ đang xảy ra xung quanh con mình của các bậc cha mẹ.
Mỗi khi đọc được những bình luận của độc giả tự nhận mình là một bà mẹ lười: “Cả ngày tôi chỉ ngồi sau bàn làm việc/ngủ/xem tivi, và để lũ trẻ tự chơi”. Tôi bỗng cảm thấy hết sức lo lắng.
Tôi không muốn thông điệp mà mình muốn gửi gắm được tiếp nhận một cách lệch lạc. Thật tuyệt vời nếu đứa trẻ có thể tự chơi, tự phục vụ bản thân nhưng nếu cha mẹ để trẻ tự xử lý hết mọi việc, tự đáp ứng nhu cầu của bản thân thì thật là đáng lo ngại, bởi vì sự lười biếng đó hoàn toàn xuất phát từ bản năng. Sự lười biếng của một bà mẹ mà tôi đề cập tới ở đây, đó là sự quan tâm thực sự chứ không phải sự thờ ơ, bàng quan với đứa trẻ. Vì lẽ đó mà tôi đã tự chọn con đường trở thành một bà mẹ lười, có nghĩa là tôi quá lười biếng khi phải làm mọi thứ giúp con và luôn luôn đáp ứng nhanh nhất mọi yêu cầu của chúng.
Bạn sẽ rảnh tay và tiết kiệm được cả núi thời gian, công sức nếu tự rửa đống chén bát, thay vì phải lau sạch nước bắn tung tóe trên sàn nhà khi để một đứa trẻ 5 tuổi rửa bát. Chưa hết. Sau khi con ngủ, bạn còn phải lôi tất cả chỗ chén bát đó ra cọ rửa lại, bởi nó vẫn còn dính đầy dầu mỡ và bọt xà phòng. Nếu bạn để một đứa trẻ 3 tuổi tưới hoa trong vườn, bạn sẽ phải chấp nhận việc trẻ có thể dẫm nát cả luống hoa, xới tung tóe đất và nước chảy từ miệng vòi sẽ làm chúng ướt sũng cả quần áo, giày dép. Nhưng nhờ thế mà trẻ có thể sẽ học được cách phối hợp các động tác, hiểu được hậu quả của từng hành động mình làm, và sửa được sai lầm ở những lần sau. Rồi một ngày nào đó, chúng sẽ là những người làm vườn thành thạo!
Tất cả các bậc làm cha làm mẹ trong hành trình nuôi dạy con đều phải lựa chọn: hoặc là tự mình làm hoặc tận dụng tình huống để dạy con. Lựa chọn thứ hai sẽ có hai ưu điểm: a) tạo điều kiện cho con phát triển và b) dần dần cha mẹ sẽ được giải phóng.
Và rồi một ngày kia, khi trẻ đã được học và biết làm rất nhiều việc, mẹ có thể cho phép mình lười biếng. Bấy giờ, sự lười biếng mới thực sự là sự lười biếng theo nghĩa đen.