Thật là một kết luận kỳ lạ!
Tại sao trẻ không tự lập lại là thuận lợi cho người lớn? Lợi ích của tính thiếu tự lập ở trẻ là gì?
Lợi ích rất đơn giản:
Người lớn trong trường hợp này sẽ nhận được sự khẳng định (bề ngoài) về giá trị, tầm quan trọng không thể thay thế được. Điều này thực sự rất cần thiết khi bên trong họ không có niềm tin vững chắc. Lúc đó câu “Lũ trẻ không thể sống thiếu tôi” có thể được dịch như sau: “Tôi không thể sống mà thiếu chúng vì chỉ có chúng mới mang lại cho tôi sự công nhận về giá trị của bản thân”.
“Lớn lên” và “Trưởng thành người lớn” không phải là hai khái niệm tương đồng.
Sự phụ thuộc vào đứa trẻ khiến đứa trẻ lại càng trở nên phụ thuộc! Tâm thức tiềm ẩn dần xây dựng một chuỗi lô-gíc rằng: “Nếu như lũ trẻ không thể tự mình làm bất cứ việc gì mà thiếu tôi, chúng sẽ chẳng bao giờ xa rời tôi cho dù chúng ở bất cứ độ tuổi nào, kể cả khi chúng 20 tuổi hay thậm chí 40 tuổi... Lũ trẻ sẽ luôn luôn cần tôi, và điều đó có nghĩa là tôi sẽ chẳng bao giờ phải cô đơn”.
Trên thực tế, nhiệm vụ duy nhất và cũng là quan trọng nhất của cha mẹ chính là dạy con tính tự lập.
Tôi đã từng gặp những người lớn, nhưng chỉ trưởng thành về mặt thể chất. Tôi biết có những học sinh, cha mẹ phải sát sao việc làm bài tập về nhà cho đến tận những năm cuối cấp.
Nhiều sinh viên tôi từng làm việc cùng không biết tại sao họ phải học, và không biết điều mình thực sự mong muốn là gì trong cuộc sống này. Chúng chỉ làm theo mọi thứ mà cha mẹ quyết định.
Tôi đã từng nhìn thấy những người đàn ông (tôi nhấn mạnh là những người đàn ông chứ không phải là những cậu bé) hoàn toàn khỏe mạnh, hoàn toàn bình thường phải để mẹ dẫn tới gặp bác sỹ, bởi họ không biết phải lấy số thứ tự ở đâu và cũng không biết phải xếp hàng ở trước cửa phòng nào. Và tôi còn biết một người phụ nữ 36 tuổi không dám ghé vào cửa hàng quần áo nếu thiếu mẹ.
“Lớn lên” và “Trở thành người lớn” không phải là hai khái niệm tương đồng. Nếu muốn đứa trẻ độc lập, chủ động và có trách nhiệm, thì bạn cần cho chúng cơ hội để thể hiện những phẩm chất tốt đẹp này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải căng thẳng vận dụng hết trí tưởng tượng của mình để tạo ra những tình huống đòi hỏi trẻ độc lập, chủ động, nếu bạn còn có những sở thích khác thay vì ở bên trẻ 24/24.
Bây giờ tôi sẽ cho các bạn một lời khuyên về một sai lầm, mà phần lớn các bà mẹ đều mắc phải: Đừng đặt đứa trẻ ở vị trí số một. Với tôi, vị trí đầu tiên chính là Tôi. Giả sử tôi cống hiến trọn vẹn cuộc sống của mình cho lũ trẻ, sống bằng những sở thích, thú vui của chúng thì sau 10, 15 năm nữa tôi sẽ rất khó khăn khi để chúng tự bươn chải trong cuộc sống. Tôi sẽ sống thế nào nếu thiếu chúng?
Vậy làm thế nào tôi có thể lấp đầy khoảng trống? Làm thế nào tôi có thể kiềm chế bản thân khỏi cám dỗ muốn được “can thiệp” vào cuộc sống của lũ trẻ? Và hơn hết là làm thế nào để lũ trẻ hiểu được rằng mọi suy nghĩ, quyết định, hành động mẹ làm đều vì các con?
Để giải quyết được những câu hỏi trên, ngoài lũ trẻ tôi còn có một ông chồng yêu thương vợ, có công việc tôi yêu thích, có bạn bè, có những buổi gặp gỡ và những thú vui khác. Vì tất cả những thứ đó mà tôi không thể thực hiện được ngay lập tức mọi mong muốn của lũ trẻ.
- ‘Mẹ, rót cho con cốc nước!’
- ‘Con trai yêu quý, mẹ sẽ rót nước cho con sau khi viết xong bức thư.’
- ‘Mẹ, đưa giúp con chiếc kéo!’
- ‘Mẹ không thể đi xa cái bếp được, con cũng thấy là nồi cháo đang sôi mà. Hãy đợi mẹ một vài phút.’
Trẻ có thể chọn đợi chờ thật kiên nhẫn hoặc tự mình lấy cốc rót nước hay tự bắc ghế để lấy kéo. Con trai tôi thường sẽ thích phương án thứ hai hơn, tức là sẽ tự mình đáp ứng yêu cầu của bản thân. Thằng bé không thích phải đợi chờ, nên nó sẽ tìm cách để yêu cầu của mình được thực hiện ngay.
Ấy, nói vậy không có nghĩa là cha mẹ lúc nào cũng phải đáp ứng mọi yêu cầu của bản thân trước. Có những việc vẫn còn khó với con. Có những việc mẹ có thể làm ngay, thì không nên từ chối con. Chẳng hạn tại thời điểm đó, nếu mẹ rót nước uống cho mình thì không nên từ chối rót nước cho con.