Trên thực tế, nhiệm vụ duy nhất và cũng là quan trọng nhất của cha mẹ chính là dạy con tính tự lập.
Tự lập có nghĩa là:
✓ Tư duy độc lập;
✓ Tự đưa ra quyết định;
✓ Tự đáp ứng nhu cầu của bản thân;
✓ Tự lên kế hoạch và hành động;
✓ Tự đánh giá mọi hành động của bản thân.
1 “Ăn được - Không ăn được”: Một trò chơi rất được yêu thích ở Nga. Người chơi xếp thành vòng tròn hoặc đứng thành một hàng, người quản trò sẽ ném quả bóng về phía người chơi bất kì và gán cho quả bóng một cái tên. Nếu đó là thứ ăn được, người chơi phải bắt lấy quả bóng. Nếu đó là thứ không ăn được, người chơi phải né không bắt bóng.
Người tự lập là người biết bản thân muốn gì và biết cách làm thế nào để đạt được những gì mong muốn. Người độc lập là người không phụ thuộc. Điều đó không có nghĩa là anh ta cô đơn. Không phụ thuộc có nghĩa là anh ta xây dựng các mối quan hệ không dựa trên nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau, mà dựa trên nguyên tắc của sự cảm thông. Thay vì nghĩ: “Tôi không thể sống thiếu bạn và bạn cũng vậy, không thể sống mà thiếu tôi”, người tự lập sẽ nghĩ: “Tôi có thể sống ngay cả khi không có bạn, nhưng thật tuyệt vời nếu có bạn ở bên cạnh tôi”.
Xét về khía cạnh tâm lý, khi một người rèn được tính tự lập thì anh ta đã được coi là một người trưởng thành về mặt nhân cách (dù có thể anh ta chưa hoàn toàn trưởng thành về mặt sinh lý).
“Đã từ lâu tôi không còn yêu chồng nhưng bản thân lại không thể sống thiếu anh ấy. Tôi không có chỗ nào để đi và cũng không có gì để nuôi sống bản thân. Tôi biết rõ rằng anh ấy đang thay đổi con người tôi, nhưng tôi sẵn sàng chịu đựng điều ấy bởi tôi tin anh ấy cũng cần tôi. Anh ấy cũng cần tôi, tôi tin là như thế. Chồng tôi không biết làm bất cứ công việc nhà nào, ngay cả việc chiên một quả trứng. Chồng tôi rất yêu con và con lại yêu tôi rất nhiều. Thằng bé không thể ngủ được khi vắng mẹ. Thằng bé đã 5 tuổi nhưng chưa hề một lần xa mẹ. Nó thích ngủ và chơi cùng bố mẹ thay vì đùa nghịch với những đứa trẻ khác ở ngoài sân chơi.”
Những gì mà bà mẹ ở trên nhận thức có vẻ giống như chỉ số về mức độ của tình mẫu tử mãnh liệt, nhưng thực tế nó lại phản ánh chỉ số phụ thuộc. Khi một đứa trẻ thích dành thời gian với mẹ, điều đó thể hiện bé yêu quý mẹ. Tuy nhiên khi một đứa trẻ 5 tuổi, xin nhấn mạnh là đứa trẻ đã 5 tuổi, không thể vắng bóng mẹ một giây thôi thì đó chính là sự phụ thuộc.
Vì mối quan hệ không như ý với chồng, mà người phụ nữ này (vô tình) chọn cách gắn bó hơn với đứa con để bù đắp lại. Tuy nhiên tình cảm này, xét cho cùng, không được gọi là “lành mạnh”. Do không cảm thấy bản thân có giá trị với chồng, người phụ nữ này đã bù đắp lại bằng cách nuôi dưỡng giá trị của bản thân với tư cách một bà mẹ.
Chính vì điều này, hậu quả là đứa trẻ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn bè. Còn bà mẹ sẽ ngay lập tức kết luận: Nếu con không thể giao tiếp bình thường với bạn bè, con buộc phải giao tiếp với mẹ và mẹ sẽ không còn cảm thấy cô độc.
Khi hai vợ chồng được gắn kết với nhau bằng cảm xúc ấm áp mà không phải sự phụ thuộc lẫn nhau, họ sẽ dễ dàng hơn với việc “bỏ mặc” đứa trẻ, bởi họ có sở thích chung, có những câu chuyện cần được chia sẻ và những nơi muốn đi cùng nhau, chỉ hai người mà không vướng bận con cái. Do đó, hãy rèn tính tự lập cho chính bản thân mình, trước khi bắt đầu hành trình dạy con trở nên tự lập. Hãy tự hỏi lại bản thân: “Mình có phải là người tự lập không?”
“Tôi muốn nuôi dạy con trở thành đứa trẻ tự lập nhưng lại bị chính bố mẹ tôi, tức ông bà ngoại thằng bé “cản trở”. Khi tôi đưa cho con chiếc thìa để thằng bé tự xúc ăn, thì bà thằng bé sẽ bón cơm cho nó. Khi tôi đưa quần áo và yêu cầu thằng bé tự mặc, thì bà sẽ giúp nó mặc. Tôi muốn thằng bé học cách chơi một mình trong một khoảng thời gian nhưng ngược lại, thằng bé không “bị bỏ lại” lấy một phút, mà ngay lập tức sẽ có ông hoặc bà chơi cùng.”
Vậy tại sao lại có nhiều ông bà, cụ thể là ông bà ngoại mắc phải lỗi này? Tại sao họ lại không xem xét ý kiến của con gái mình?
Có thể giải thích đơn giản như thế này: Con gái sống cùng cha mẹ trong ngôi nhà của cha mẹ và sống nhờ trợ cấp từ chính bố mẹ đẻ mình. Cô con gái không chồng, không việc làm và phải nhờ cậy bố mẹ trông nom con cái. Như vậy có nghĩa là cô con gái không phải là người tự lập. Cho đến khi cô con gái còn phụ thuộc vào cha mẹ, thì cha mẹ (tức ông bà ngoại) còn có quyền bỏ qua những ý kiến của con gái mình. Họ tự cho mình quyền kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của con cái và bây giờ là cháu ngoại mình.
Bạn sẽ không có cơ hội để nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ có tính tự lập, cho đến khi tự bản thân bạn phải là một người tự lập. Làm thế nào để các bậc cha mẹ có thể nhận được sự hỗ trợ từ ông bà trong quá trình rèn rũa tính tự lập cho con? Đôi khi bạn buộc phải cứng rắn, chẳng hạn như: “Con mong bố mẹ sẽ nghiêm túc xem xét và ủng hộ các nguyên tắc của con về việc nuôi dạy con, nếu không con rất tiếc và mong bố mẹ thông cảm rằng, con buộc phải hạn chế thời gian cháu ở bên ông bà”. Hãy nhớ rằng chỉ có người tự lập, không phụ thuộc mới có thể thiết lập được các quy tắc của riêng mình; được lắng nghe ý kiến. Ý kiến của một người thiếu tự lập sẽ dễ dàng bị bỏ qua, bởi dù sao thì bạn cũng không có nơi nào để đi.
Tuy nhiên, sự thiếu tự lập trong các mối quan hệ “cha mẹ − con cái” hay “vợ − chồng” lại có lợi ích nào đó, ẩn sau đó là nhu cầu của mỗi cá nhân.
- Chúng tôi đã sống với nhau 10 năm rồi và chồng tôi luôn bắt đầu mỗi buổi sáng với câu hỏi: “Lyuba, tất của anh đâu?”. Tôi thật không thể chịu nổi!
- Ồ, nhưng bạn đã chịu đựng điều đó được suốt 10 năm rồi đó. Điều gì khiến bạn quyết định tới buổi tư vấn với bác sỹ tâm lý học gia đình?
- Chúng tôi có một đứa con trai. Một đứa trẻ tuyệt vời! Thằng bé rất thông minh và phát triển rất tốt. Thằng bé bắt đầu bập bẹ khi mới được sáu tháng, và bây giờ thằng bé còn biết lặp lại theo mẹ những bài thơ ngắn! − Khuôn mặt người phụ nữ bỗng rạng rỡ vì niềm vui và sự tự hào về cậu con trai của mình.
- Vậy việc đó thì liên quan gì đến những chiếc tất của chồng bạn?
Người phụ nữ bỗng thay đổi nét mặt và giọng chùng xuống:
- Thằng bé bắt chước bố hỏi: “Mẹ, tất của con đâu?”! Thật là một ví dụ khủng khiếp mà chồng tôi dạy cho thằng bé! Thằng bé sẽ thế nào khi tiếp tục lớn lên như vậy?
- Ồ, bây giờ thì tôi đã rõ hơn rồi. Vậy bạn làm gì mỗi khi nghe thấy câu hỏi đó của chồng mình?
- Tôi ư? Tôi tìm và đưa tất cho anh ấy.
- Trong suốt 10 năm sao?
- Đúng vậy.
- Bạn có bao giờ nghĩ mình đã tạo cho anh ấy một phản xạ cố định trong đầu rằng, bất cứ khi nào anh ấy hỏi, bạn sẽ tìm và đưa cho anh ấy một đôi tất. Trong tiềm thức, chồng bạn đã khắc sâu ý niệm chỉ cần yêu cầu và ngay lập tức sẽ được vợ đáp ứng. Nếu bạn thực sự muốn chồng mình thay đổi, trước tiên, bạn phải thay đổi chính mình.
- Vậy tôi nên làm gì để thay đổi anh ấy? Nói với anh ấy rằng: “Anh hãy tự lo liệu, xoay xở với những chiếc tất của mình”?
- Uhmm... Nghe có vẻ hơi thô lỗ... Tại sao bạn không chọn một phương pháp nhẹ nhàng hơn nhỉ?
- Em để tất trong tủ quần áo ở phòng ngủ, trên kệ thứ hai từ dưới lên. Và tất của anh em để ở bên trái.
- Bạn luôn luôn để tất ở duy nhất một vị trí?
- Đúng vậy!
- Vậy tại sao bạn không thử nhắc nhở anh ấy về chỗ bạn cất những chiếc tất và để anh ấy tự mình đi tìm?
Bạn sẽ không có cơ hội để nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ có tính tự lập, cho đến khi tự bản thân bạn phải là một người tự lập.
- Còn con trai của tôi, tôi nên làm gì với thằng bé?
- Hãy dùng cách tương tự. Nếu những chiếc tất luôn luôn được cất ở duy nhất một vị trí, đứa trẻ sẽ nhanh chóng ghi nhớ được điều đó. Bạn có thể giúp chúng bằng những chỉ dẫn đơn giản: “Tất cả những chiếc tất đều nằm ở đây”, “Tất cần được đặt ở đúng vị trí”; hay thậm chí một vài yêu cầu: “Hãy tự tìm tất cho mình”, “Đừng quên xỏ tất”. Và chớ có sốt ruột khi con xỏ tất ngược hoặc đi những chiếc tất cọc cạch. Điều quan trọng nhất đó là con tự mình tìm và đi được tất vào chân.
Một chuyện thường xuyên xảy ra đó là trước khi xuất hiện những đứa trẻ trong ngôi nhà, người vợ (vô thức) có xu hướng tự nguyện đóng vai trò mẹ của chồng mình. “Anh ấy sẽ chết vì đói, nếu thiếu tôi mất!”, “Anh ấy sẽ không thể tìm thấy những chiếc tất mà không có tôi!”, còn người chồng theo xu hướng đó cũng trở nên ỷ lại vào người vợ: “Olya, anh chẳng tìm thấy gì để ăn”. Trong “trò chơi” này luôn có một nhu cầu vô thức của cả người vợ lẫn người chồng. Nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi được nếu bạn thực sự muốn.