Trong dòng văn hóa cao cấp, nguồn tham khảo lớn duy nhất cho hình mẫu bà mẹ Do Thái có lẽ là tiểu thuyết Portnoy’s Complaint (Tạm dịch: Lời phàn nàn của Portnoy) của Philip Roth. Thật khó giải thích cho những người không phải người Do Thái hiểu cuốn sách này đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn như thế nào, đồng thời đã khiến nhiều thế hệ mẹ Do Thái tức giận và đau khổ ra sao. Trong một câu chuyện nhân kỷ niệm 40 năm thành lập của Đài phát thanh công cộng Quốc gia (NPR) có ghi: “Những gì tiểu thuyết Lời phàn nàn của Portnoy làm với các bà mẹ Do Thái cũng giống hệt những gì bộ phim Jaws (Tạm dịch: Hàm cá mập) đã làm với những chú cá mập: Biến một sinh vật vốn đã rất đáng sợ trở nên còn đáng sợ hơn nữa.”
Chân dung Sophie Portnoy trong cuốn sách càng củng cố thêm quan niệm về các bà mẹ Do Thái: Một lực lượng thiên nhiên vô cùng đáng sợ với cách nuôi dạy con vô cùng “trực thăng”. Bà ta đòi xem con đi ị, luôn miệng cằn nhằn, cố sức kiểm soát cuộc sống tình cảm của con và không bao giờ dùng tư cách người lớn của mình để đại diện cho con trong bất kỳ vấn đề gì.
Cuốn sách đã biến sự thật thành một bức tranh biếm họa. Quay trở lại thời kỳ các mẹ Do Thái sống trong các thị trấn nhỏ ở Đông Âu trước khi xảy ra nạn diệt chủng. Để có thể là những người quản lý gia đình giàu năng lực, họ phải quán xuyến tất cả mọi việc từ quản lý tài chính, hoạch định ngân quỹ, nấu nướng, dọn dẹp, nuôi dạy con, tiếp thị, và có lẽ tới cả điều hành công việc kinh doanh. Vì thế, họ không thể e dè và yếu đuối. Vậy nhưng Roth đã lại luôn “chuyện bé xé ra to”. Quả thực chỉ là nhân vật trong một cuốn sách, nhưng sức ảnh hưởng lại ngoại cỡ.