Người Do Thái ở Mỹ ngày nay cứ như đang sống trong một vùng đất hứa vậy. Chúng ta chiến thắng những giải lớn trong văn học và có những công việc hết sức thú vị. Người dân nơi đây chưa từng có ý định chôn chúng ta trong những ngôi mộ tập thể khổng lồ. Trong lịch sử, trên mảnh đất quê hương của mình, người Do Thái cũng từng được trao quyền thống trị; nhà nước Israel hiện đại được thành lập vào năm 1948. Với những người dân đã trải qua hàng nghìn năm luôn phải sống lang bạt, thì việc sở hữu một ngôi nhà có ý nghĩa gì? Liệu chúng ta có thể thực sự an tâm và thư giãn? Và nếu đúng là chúng ta đang sống ở nơi dễ chịu và thoải mái, thì làm thế nào để chúng ta vẫn duy trì nguồn năng lượng, sức sáng tạo và động lực, thứ đã tiếp sức mạnh cho chúng ta trong những lần lưu vong? Liệu cách nuôi dạy con kiểu Do Thái có thể tiếp tục truyền tải những giá trị vững vàng và tư duy linh hoạt đã trở thành công cụ đắc lực cho người Do Thái trong một thế giới bất biến không ngừng? Liệu chúng ta có đang bị mất đi những giá trị và thuộc tính, mà đã khiến chúng ta thành công và sáng tạo đến vậy trong suốt nhiều thế hệ?
Có một số người thậm chí còn không biết một chút gì về sự tồn tại của cái gọi là “khuôn mẫu bà mẹ Do Thái”. Ngày nay ở Mỹ, các bà mẹ Do Thái đã trở thành những bà mẹ Mỹ thuần túy. Theo dòng chảy thời gian và hội nhập, hình mẫu JAM - cùng với hình mẫu Cô gái xóm Do Thái và hình mẫu JAP - đã dần rút khỏi nhận thức đại chúng. Đặc biệt là khi loạt phim Cô bảo mẫu dừng phát sóng trên truyền hình thì nhân vật huyền thoại “bà mẹ Do Thái” cùng những nút thắt hài hước cũng dần phai nhạt.
Hình tượng Mẹ hổ dần soán ngôi hình tượng bà mẹ Do Thái và cùng với đó, một thế hệ dân nhập cư khác đang cố gắng bươn chải để tìm chỗ đứng trên đất Mỹ. Vị trí của người Mỹ gốc Hoa ngày nay cũng gần giống với vị trí của những người Do Thái chúng ta cách đây 40 năm. Điều này có nghĩa là lại có một tâm điểm mới về tình yêu thương, mối ngờ vực, nỗi sợ hãi và lòng oán giận của phụ nữ. Một phần trong tôi thấy có chút phiền muộn khi phải trao lại sợi dây cương hài hước vào tay các nhóm dân tộc khác, song phần còn lại nói với tôi rằng việc chia sẻ kho tàng hài kịch cũng là chuyện thường tình.
Tuy nhiên, tôi cho rằng sự vắng bóng của các nhân vật người Do Thái trên mạng lưới truyền hình là một biểu hiện cho thấy chúng ta không thực sự chắc chắn về bản thân mình. Chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho việc so sánh văn hóa Do Thái với văn hóa đa số. Vì thế khi sống trong một thế giới tương đối cởi mở, chúng ta lại rơi vào cuộc vật lộn nhằm cân bằng giữa danh tính Do Thái của mình với sự hội nhập vào thế giới rộng lớn. Tại những nơi và trong những kỷ nguyên mà người Do Thái bị căm ghét, chúng ta cố gắng hạ thấp mình xuống, giữ vững lòng tin và làm mọi điều có thể để tồn tại. Nhưng giờ đây, khi sống tại một đất nước và trong một thời đại tương đối dễ chịu, chúng ta lại rơi vào cuộc đấu tranh nhằm định hình phương hướng phát triển của dân tộc mình trong những thế hệ tiếp theo. Nhiệm vụ của chúng ta - những người Do Thái - là phải đảm bảo không để mình trễ nải trong việc truyền tải những giá trị lịch sử của dân tộc mình cho đời con cháu, và trao cho chúng những công cụ cần thiết để thành công. Ngay lúc này đây, tôi sẽ tranh biện rằng nhiều người Do Thái đang đánh mất mối liên kết với những luân lý và quy trình đã khiến con cái chúng ta thành công trong các lĩnh vực khoa học và sáng tạo, cũng như trong kinh doanh và báo chí. Chúng ta đang lãng quên đi những điều mình từng làm - những điều khiến con cháu chúng ta trở nên sáng dạ đến như vậy ở nhiều đất nước và nền văn hóa - mà thường là trong giai đoạn nghèo khó và bài Do Thái.
Song đây không chỉ là cuốn sách dành riêng cho người Do Thái. Không cần phải là một người Do Thái chính thống giáo hoặc thậm chí một người tin vào Chúa, bạn vẫn có thể áp dụng các giá trị Do Thái trong việc coi sóc gia đình mình. Mỗi chương tiếp theo trong cuốn sách này sẽ bàn đến những điều mà các bà mẹ Do Thái đã làm trong suốt những năm qua để nuôi dạy nên những đứa trẻ có đạo đức và có khả năng phát triển mạnh mẽ trong một thế giới phức tạp.