Con gái Josie của tôi khi lên hai từng khóc toáng lên: “Đây là một thảm họa!” khi chú mèo nhà chúng tôi bị chết. Thực ra, đó đúng là một thảm họa. Người Do Thái thường lo lắng rằng toàn bộ tương lai toàn cảnh của mình sẽ là một thảm họa. Nhiều người còn dự đoán việc sống trong một thế giới phi thực tế sẽ gây ra Cái chết của dân Do Thái. Năm 2013, Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) đã đưa ra bản báo cáo về tình trạng của người dân Do Thái ở Mỹ khiến các nhà lãnh đạo người Do Thái nhảy dựng lên và “kêu quàng quạc” như Chú gà siêu quậy trong bộ phim hoạt hình cùng tên của Mỹ. Mặc dù qua cuộc điều tra có quy mô lớn này, người ta thấy rằng, có một số lượng áp đảo những người Mỹ gốc Do Thái nói là tự hào khi là người Do Thái và có ý thức mạnh mẽ về việc mình thuộc về dân tộc Do Thái, song cũng có nhiều người nói họ chỉ coi mình là người Do Thái về mặt chủng tộc và văn hóa. Rất nhiều người trong số chúng ta từ lâu đã không còn quan tâm tới những nghi lễ hoặc những cuốn sách. Và tất nhiên - dù đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta - tỷ lệ kết hôn liên tôn giáo đang tăng lên. Song tôi cũng sẽ tranh biện là việc này không có nghĩa các giá trị của đạo Do Thái hay của người Do Thái đã đến ngày tận thế của. Trong ‘Til Faith Do Us Part (Tạm dịch: Cho đến khi đức tin chia lìa chúng ta) - một cuốn sách nghiên cứu về hôn nhân liên tôn giáo, Naomi Schaefer Riley nhận thấy niềm tin tôn giáo của người mẹ là yếu tố lớn nhất quyết định cách nuôi dạy con của các gia đình. Một phần ba số trẻ trong các gia đình liên tôn giáo được nuôi dạy theo tín ngưỡng của người mẹ, trong khi chỉ có 15% được nuôi dạy theo tín ngưỡng của người cha.
Các bà mẹ luôn nắm giữ sức mạnh. Phụ nữ thường có khuynh hướng sùng đạo hơn nam giới (đó là lý do vì sao Do Thái giáo, một đức tin dựa trên nền tảng gia đình, không chỉ được thực thi mà còn được chuyển tiếp nhờ những người phụ nữ). Phụ nữ luôn có xu hướng tham gia các buổi lễ tôn giáo nhiều hơn hẳn so với nam giới. Và bởi vì thông thường các bà mẹ là những người chịu trách nhiệm về thời gian biểu của con, nên họ chính là những người đảm bảo việc giáo dục tôn giáo được thực thi.
Tôi nghĩ rằng sự đa dạng trong cuộc sống là một điều tốt cho chúng ta. Thế giới cách biệt của chúng ta trong quá khứ đầy rẫy những vết nứt, và như Leonard Cohen từng nói: “Đó là chỗ cho ánh sáng lọt vào.” Một tâm thế cởi mở với chủ nghĩa đa nguyên có thể mang đến cho chúng ta lòng bao dung, một cái nhìn rộng hơn về văn hóa, và những hiểu biết to lớn hơn về con người. Với người Do Thái - và với mọi người cùng mọi nền tảng văn hóa khác nhau - việc nắm được lịch sử, những câu chuyện, những truyền thống, những món ăn, âm nhạc và nghệ thuật của dân tộc mình luôn là một điều quan trọng. Những người không phải dân Do Thái có thể vừa tự soi lại nền văn hóa và nền tảng gia đình của mình để được tiếp thêm cảm hứng, vừa tiếp nhận những giá trị Do Thái để nuôi dạy những đứa trẻ hiện đại. Cũng giống như cô bồi bàn người Ai-len hay cô thợ làm tóc người Italia vẫn có thể trở thành một bà mẹ Do Thái. Trong cách nuôi dạy con của người Do Thái có một số yếu tố đặc trưng mà tôi cho rằng có thể sẽ hữu ích cho các bậc cha mẹ với những nền tảng văn hóa và tôn giáo khác nhau, và đó cũng chính là những nội dung mà phần còn lại của cuốn sách này sẽ khai phá.
Nếu bạn cảm thấy nền tảng tôn giáo của mình không tương thích với những giá trị của bản thân, hãy tiếp tục đi sâu tìm hiểu về lịch sử gia đình: Thế giới quan của cha mẹ, ông bà... đã ảnh hưởng như thế nào tới thái độ của bạn đối với giáo dục, chính trị, những vật dụng xa xỉ, công việc tình nguyện và với những người có vẻ như không giống bạn? Bạn muốn tiếp nối những thành tựu của thế hệ cha ông tới mức nào... hoặc nếu không thấy tự hào về quá khứ của gia đình, thì bạn quyết tâm không noi theo cha ông mình tới mức nào? Ngoài ra, hãy nghĩ về giá trị tranh biện của người Do Thái: vừa châm biếm vừa thông thái và hài hước, tính quyết đoán, lòng can đảm, sự phản kháng quyền lực, sẵn sàng tỏ ý phản đối và trở thành kẻ hay gây rắc rối. Khi người Do Thái cảm thấy không tin tưởng ở chính quyền, thì tư duy độc lập chính là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho họ. Cho đến ngày nay, công cụ ấy vẫn giúp con người tạo ra những mô thức khoa học và hình thức biểu đạt nghệ thuật mới.
Khuôn mẫu bà mẹ Do Thái chỉ là sản phẩm nhất thời và cục bộ. Nó không phản ánh lịch sử 5.000 năm của người Do Thái. Những giá trị của Glückel - giáo dục, tính tâm linh, lòng trung thực và tính độc lập - mới phản chiếu đúng đắn những lời truyền dạy của các bà mẹ Do Thái theo thời gian. Đó là những giá trị mà tất cả các bậc cha mẹ đều nên cố gắng học tập.