Sự hoảng sợ trước những chuyện vặt vãnh mà không hề có một dữ liệu hoặc lập luận logic nào làm căn cứ là một thứ đặc quyền xa xỉ. Trên trang blog Free-Range Kids (Tạm dịch: Những đứa trẻ được nuôi thuận tự nhiên) của Lenore Skenazy, bạn tôi đã liệt kê và kiểm tra độ xác thực của một số trường hợp quá kích động vì hoang tưởng và bao bọc con thái quá: Một vị phụ huynh khăng khăng đòi đốn hạ cây quả hạch trên phần đất công cộng vì cho rằng nó có thể làm con bà ta bị dị ứng quả hạch và gặp các vấn đề về hô hấp; các cha mẹ ở vùng ngoại ô bị cảnh sát bắt giữ vì để con chơi ngoài trời mà không có người giám sát; trong giờ giải lao, trường học cấm học sinh chơi đuổi bắt, không cho học sinh ngồi xe lăn đi lại mà không có giám sát và thậm chí còn cấm chúng chạy nhảy. Gần đây, Lenore còn tìm hiểu một nghiên cứu về các khu dân cư ở thành thị, vùng ngoại ô và vùng nông thôn Vương quốc Anh do Viện nghiên cứu chính sách thuộc Đại học Westminster thực hiện. Nghiên cứu cho thấy vào năm 1971, có 80% số học sinh lớp Ba đã tự đi bộ đến trường. Tới năm 1990, con số này giảm xuống chỉ còn 9% và ngày nay thậm chí nó còn thấp hơn thế.
Mối lo lắng của chúng ta cứ ngày một lớn dần trong khi những hiểm nguy mà bọn trẻ phải đối mặt lại ngày càng được thu nhỏ. Rõ là an ninh ở các thành phố giờ đây đã tốt hơn so với nhiều năm trước đây và còn tốt hơn rất nhiều so với hồi chúng ta còn bé. Theo Cục thống kê tư pháp, tội phạm bạo lực ở Mỹ đã giảm 48% kể từ năm 1993. Tại Canada, tỷ lệ tội phạm đang dần giảm và quay trở về mức cũ của năm 1972. Ở Vương quốc Anh, tỷ lệ giết người hiện nay đạt thấp nhất tính từ 1978 đến nay. Tại Úc, tỷ lệ giết người đã giảm gần 1/3 kể từ năm 1999.
Lẽ ra nên nghĩ xem liệu mình đã lắp ghế ngồi ô-tô cho con đúng cách chưa thì chúng ta lại đi lo về nạn bắt cóc. Theo Trung tâm dành cho trẻ mất tích và bị khai thác, số trẻ bị bắt cóc bởi người lạ hoặc người quen sơ sơ chỉ chiếm 1% của 1% (tức 0.01%) trong số các trẻ mất tích, con số này ước tính vào khoảng 115 trẻ mỗi năm. Hiểm họa rình rập quanh trẻ đến từ các thành viên gia đình và bạn bè lại lớn hơn rất nhiều so với từ người lạ. Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, trong số tất cả những trẻ dưới năm tuổi bị giết từ năm 1980 cho tới năm 2008, có 63% trường hợp sát thủ là cha (mẹ), 28% là người quen biết, 7% là họ hàng và 3% là người lạ.
Vậy là, hầu như chúng ta luôn CHẮC CHẮN có thể cầu viện tới một ai đó khi gặp nguy biến và nhìn chung mọi người thường có xu hướng hành động nghĩa hiệp khi gặp một chú chó con đi lạc hay một đứa trẻ đang trong cơn hiểm nguy. Nhưng chúng ta vẫn cứ mãi lựa chọn tin vào điều tồi tệ nhất đấy thôi. Năm 1972, bản Điều tra xã hội tổng quát được Trung tâm nghiên cứu ý kiến quốc gia thuộc Đại học Chicago thực hiện, đã chỉ ra một nửa dân số Mỹ tin rằng hầu hết mọi người đều đáng tin cậy. Tới năm 2013, con số này đã giảm xuống còn 1/3 ba. Một lần nữa, sự mất lòng tin lại gia tăng mặc cho con số tội phạm đang giảm đi đáng kể. Chúng ta vẫn cứ chọn thái độ sợ sệt, ngờ nghệch và la toáng lên ầm ĩ.
Coi nào, tôi sẽ không phủ nhận rằng trong cuộc sống, mà đặc biệt là cuộc sống phố thị, cũng có những điều đáng sợ. Một buổi chiều Chủ nhật, chúng tôi lần đầu tiên đưa Josie (lúc đó mới chín tuổi) tới Brooklyn, rồi để con lại một mình trong phòng thu của lớp học thuộc trường nghệ thuật Viện Pratt. Khi quay về từ Costco để đón con, do tắc đường nên chúng tôi đã tới rất trễ. Lúc đó chúng tôi không biết tên giáo viên của con, cũng không có một số điện thoại nào trong khi Josie lại chưa có điện thoại di động riêng. Đó là một chương trình cho học sinh trường công mà Viện Pratt chỉ cộng tác, nên chúng tôi chỉ có các số điện thoại văn phòng, nhưng lại không biết nên hỏi gặp trực tiếp người nào, hơn nữa hôm đó lại là Chủ nhật. Chúng tôi đến muộn 40 phút. Khuôn mặt Josie lúc đó lem nhem nước mắt, còn khuôn mặt của cô sinh viên dạy lớp con bé hôm đó thì như muốn kêu lên: “Chúa ơi sao tôi lại vướng phải rắc rối này”. Nhưng sự cố ấy cũng chẳng gây ra điều gì tệ hại. Sau lần đó, chúng tôi mua cho con một chiếc điện thoại di động. Trong vòng một năm tiếp theo, cháu thường xuyên tự đi bộ đến lớp thổi sáo cách nhà tám khu phố rưỡi và tự đi bộ hoặc đi xe buýt tới trường học Do Thái cách nhà 19 khu phố.
Để tôi mách bạn điều này: Những ông bố bà mẹ nhiều đặc quyền thường than thở về việc con họ cứ dính chặt vào cái điện thoại, nhưng họ không nhận thấy rằng chính những chiếc điện thoại lại có thể góp phần giúp trẻ được tự do hơn và giúp bố mẹ bớt lo lắng hơn khi tách khỏi con. Vậy chúng ta nên bình tĩnh suy xét. (Tôi xin nói thêm, nếu bạn thấy có lúc mình thầm cảm ơn một thiết bị nào đó vì nó khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, nhưng lại có lúc nó làm bạn bực bội, thì đó là điều hoàn toàn bình thường. Nếu không muốn con sử dụng điện thoại di động vào giờ sinh hoạt gia đình, thì đến giờ đó hãy tịch thu chúng lại. Đơn giản vậy thôi).
Tất cả chúng ta đang liếc xéo sang nhau bằng con mắt hoài nghi và lo lắng. Chúng ta lo sẽ bị các phụ huynh khác đánh giá, lo con chúng ta sẽ rơi đúng vào những trường hợp ngoại lệ được kể ở trên, lo sẽ có ai đó báo với cảnh sát rằng chúng ta là những bậc cha mẹ liều lĩnh hoặc bỏ bê con cái. (Thưa với bạn, không phải vô cớ mà chúng ta có những mối lo ấy. Năm Maxie lên mười tuổi, có một lần cháu phải đợi xe buýt để về nhà sau buổi diễn tập cho vở kịch sắp tới của giáo đường. Lúc đó trời đang tối và lạnh dần, còn giao thông ở khu dân cư vẫn rất bình ổn như thường lệ. Một người ưa tọc mạch bỗng chặn Maxie lại ở trạm xe buýt để hỏi tên và địa chỉ của cháu, hỏi cháu đến từ đâu và đang định đi đâu. Maxie rất bối rối nên đã trả lời mọi câu hỏi của bà ta. Sáng hôm sau, người phụ nữ đó gọi cho giáo đường để báo đã gặp một bé gái sáu tuổi tên là Maxie, rồi phán cha mẹ cháu hẳn là rất bỏ bê con và cần được xử lý. May mắn thay, vị giám đốc giáo dục nhận điện thoại hôm ấy lại nói biết gia đình tôi và tin tưởng vào quyết định của chúng tôi. Tôi nghĩ người phụ nữ ấy chỉ có ý tốt, vì bà đưa cho Maxie 20 đô-la để đi taxi về. Maxie đưa lại cho tôi số tiền đó, rồi chúng tôi quyết định quyên góp nó cho quỹ từ thiện. Chúng tôi làm thế vì cảm thấy món tiền ấy cứ toát ra “mùi” phán xét và bất mãn và Maxie không hiểu rằng, người ta đang chỉ trích cha mẹ cháu chứ không phải cháu, nên cảm thấy có điều gì đó rất đáng xấu hổ. Còn tôi cứ có cảm giác như vừa làm điều khuất tất. Dẫu biết mình không sai, nhưng tôi vẫn buồn và thấy có lỗi).
May mắn thay, trong những năm gần đây, các bậc cha mẹ nhìn chung đang có xu hướng bớt kiểm soát trẻ và cho trẻ nhiều tự do hơn. Đôi lúc tôi vẫn phải tự nhắc mình rằng trên hành tinh này, hễ cứ có một con người đang tồn tại thì sẽ có một người khác ở đâu đó và vào lúc nào đó đang cố “bới lông tìm vết” hòng chứng minh người kia nuôi dạy con rất kém. Và đây là ví dụ minh họa: Nhà chúng tôi nằm đối diện ở bên kia con phố so với trụ sở của câu lạc bộ Hells Angels (Tạm dịch: Những thiên thần của địa ngục). Hồi Josie mới vài tháng tuổi, tôi đặt cháu vào xe đẩy và hai mẹ con cùng đi dạo. Một gã đàn ông khổng lồ xăm trổ đầy mình với bộ râu quai nón đang sửa chiếc xe phân khối lớn, liền nhìn trừng trừng vào tôi rồi hét lên: “ĐỘI MŨ VÀO CHO CON BÉ!”
Khi ngay cả “thiên thần địa ngục” cũng “sửa gáy” bạn về cách nuôi con thì đó là lúc bạn hiểu mình chẳng việc gì phải lo lắng về những lời phán xét. Vì thế, tôi thường nhớ lại câu chuyện này khi thấy cảm thấy cách nuôi con của mình bị “ném đá”.