Có thể đôi lúc, sống trong khoảng trời riêng khiến chúng ta không thể ở bên con để lau khô cho chúng tất cả những giọt nước mắt. (Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên Josie được cô trông trẻ sơn móng tay là hồi cháu lên hai. Ngay khi tôi vừa trở về nhà sau buổi ngồi viết ở quán cà phê, con bé sợ hãi chìa tôi xem những ngón tay mũm mĩm xinh xinh của cháu. Tôi đã chạy ngay vào phòng riêng rồi khóc. Nghe có vẻ thật nực cười, nhưng tôi muốn mình mới là người làm móng cho Josie trong lần đầu tiên).
Nhưng bạn hãy nhìn mà xem, cuộc sống và hoàn cảnh sống của chúng ta luôn biến đổi. Chúng ta luôn cố gắng hết mức song lại luôn cảm thấy như thế vẫn là chưa đủ và chúng ta thường xuyên bị giằng xé không biết mình nên ra ngoài làm việc toàn thời gian, bán thời gian hay ở nhà chăm con. Một bà mẹ Do Thái như tôi mà nói ra lời khuyên này có lẽ sẽ làm bạn sửng sốt, nhưng tôi cho rằng chúng ta nên tự xả bỏ những mặc cảm tội lỗi.
Hãy cùng phân tích các giả thuyết của nhà phân tâm học trẻ em người Anh Donald Winnicott (1896 - 1971). Ông đã phát minh ra thuật ngữ “đồ vật chuyển tiếp” (còn được gọi là “đồ vật thân thương”, “chăn yêu”, hoặc trong trường hợp của cô con gái Maxie của tôi thì đó là một em bé yêu tinh nhồi bông màu xám đã bạc màu trông rất đáng sợ). Có lẽ Winnicott nổi tiếng nhất với ý tưởng “người mẹ tốt vừa đủ” của ông. Năm 1953, ông viết: “Muốn làm một người mẹ tốt, hãy làm một người mẹ tốt vừa đủ.” Bạn cứ nỗ lực hết sức, song bạn cũng được phép có khiếm khuyết và đôi khi còn được phép có cảm giác oán giận nữa. Sẽ có lúc bạn mất bình tĩnh, nhưng rồi sau đó, cũng chính bạn sẽ là người tự tháo ngòi cơn cuồng nộ của chính mình. Những khiếm khuyết được bộc lộ từ con người bạn cùng sự thừa nhận của bạn đối với chúng sẽ dạy cho trẻ một điều: Chúng không cần phải trở nên hoàn hảo. Hãy để con được tự do xác định những mục tiêu và sở thích trong lĩnh vực tri thức và đừng cố gắng xáo trộn chúng chỉ nhằm thỏa mãn ý muốn của bản thân.
Một người mẹ tốt vừa đủ sẽ đáp ứng những nhu cầu của đứa con bé bỏng, nhưng đồng thời sẽ giãn dần khoảng cách giữa những lần đứa bé đưa ra yêu cầu và những lần mẹ đáp ứng những yêu cầu đó. Như thế, khi đứa bé dần lớn lên, nó sẽ nhận ra sự khác biệt giữa bản thân mình và những người khác, sẽ hiểu nó không phải là thượng đế, và sẽ học cách tự giải quyết những vấn đề của bản thân. Ngược lại, người mẹ “hoàn hảo” thường ngay lập tức thỏa mãn mọi nhu cầu của con. Người mẹ đó bị trói buộc vào con cái, không thể tạo cuộc sống riêng cho bản thân dưới bất kỳ hình thức nào, và trong lòng luôn thường trực cảm giác oán giận và bị ngược đãi. Còn đứa bé sẽ không bao giờ học được cách tự xoa dịu và tự giải quyết vấn đề, nó trở nên phụ thuộc vào “mẹ yêu” trong mọi vấn đề cần giải quyết.
Bruno Bettleheim (1903-1990) còn đưa khái niệm “người mẹ tốt vừa đủ” của Winnicott tiến xa thêm một bước nữa. Trong những năm gần đây, danh tiếng của Bettleheim bị hủy hoại nghiêm trọng vì ông đưa ra giả thuyết “những bà mẹ băng giá” là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ. Ông cũng bị buộc các tội: trừng phạt thân thể, có hành vi tình dục sai trái, và ngụy tạo các giấy tờ chứng nhận. Dẫu vậy, vị này cũng có vài ý tưởng rất thông minh về trí tưởng tượng, tính sáng tạo và khả năng hồi phục cảm xúc của trẻ. Trong cuốn The Good Enough Parent (Tạm dịch: Cha mẹ tốt vừa đủ) của mình, ông chỉ ra rằng khi chúng ta cứ quyết liệt cố chấp làm một tấm gương hoàn hảo, có nghĩa là ta đang dạy con rằng chúng cũng buộc phải trở thành những người hoàn hảo.
Nếu cứ kè kè suốt ngày bên con, không những bạn chẳng thể dạy chúng tự lập mà còn khiến chúng hiểu rằng, trước sau gì chúng cũng sẽ thất bại hoặc không thể đạt mục tiêu. Bởi vì khi bước vào thế giới thực và mất đi vị thế trung tâm, chúng sẽ bị sốc rồi nhanh chóng nhận ra không phải lúc nào mình cũng được tâng bốc. Hơn nữa, những lời tâng bốc giả dối ấy còn khiến chúng trở nên hoài nghi và khinh thường cả bản thân lẫn những người xung quanh khi nhận ra trong thực tế không một ai có thể đạt tới những lời ca ngợi đó.
Bettleheim đã viết: “Mục tiêu khi nuôi dạy một đứa trẻ là phải tạo điều kiện để trước tiên nó được tự khám phá hình mẫu con người mà nó muốn trở thành, rồi sau đó khi lớn lên nó sẽ biết hài lòng với bản thân và lối sống mà nó lựa chọn. Tới một lúc nào đó, trong cuộc đời mình nó sẽ phải thực hiện được những điều mà nó cho là quan trọng, đáng khao khát và giàu ý nghĩa; biết kết thân với những con người có ý thức xây dựng, sống trọn lý vẹn tình và có tinh thần vun đắp trong những mối quan hệ; biết giữ vững tinh thần vui tươi, lạc quan trước những gian nan mà chắc chắn nó sẽ phải đương đầu trong cuộc sống.” (Với quan điểm hay ho này, tôi nghĩ chúng ta có thể tha thứ cho ông ta về vụ “bà mẹ băng giá”).
Cả cha mẹ và con cái muốn có sự độc lập đích thực cần phải tìm một giải pháp trung gian để cả hai đều vừa không quá ì vừa không tự đặt mục tiêu quá cao để rồi rơi vào căng thẳng. Sống độc lập nghĩa là không quá khắt khe với bản thân song cũng không quá dễ dãi cho qua mọi lầm lỗi. Trong cuộc sống của chúng ta, sự cân bằng giữa gia đình và công việc không bao giờ là bất biến mà luôn dịch chuyển theo nhiều hướng vào những thời điểm khác nhau. Có những lúc chúng ta ước ao có thể bớt chút thời gian phục vụ con để được sống cho riêng mình, rồi có những lúc chúng ta lại ao ước được ở bên con nhiều hơn nữa. Sự cân bằng lý tưởng giữa công việc và cuộc sống chẳng bao giờ tồn tại.