Tôi bị ám ảnh bởi Annie Londonderry. Bà sinh ra ở Riga, Latvia và di cư vào Boston khi còn là một đứa trẻ. Sau đó, bà được gọi là Annie Cohen. Tới năm mười bảy tuổi, khi cả cha lẫn mẹ đều qua đời, bà và người anh trai cùng nhau nuôi dạy các em. Năm mười tám tuổi (1888), bà kết hôn với một người bán rong, rồi đổi tên thành Annie Kopchovsky và sinh con không lâu sau đó. Để giúp chồng kiếm sống, bà đi rao bán những chuyên mục quảng cáo cho các báo. Chuyện kể lại rằng, một hôm bà tình cờ nghe được hai người đàn ông giàu có cá độ với nhau xem liệu một phụ nữ có đủ khả năng đạp xe vòng quanh thế giới được hay không. Trước đó bà chưa bao giờ ngồi trên một chiếc xe đạp, còn các con bà khi đó mới được năm, ba và hai tuổi, vậy nhưng bà đã quyết định mình chính là người phụ nữ sẽ thực hiện kỳ tích đó.
Bà tự tìm được cho mình một nhà tài trợ là hãng nước suối Londonderry Lithia thuộc New Hampshire và đặt lại tên mình theo thương hiệu của hãng là Annie Londonderry. Chỉ sau tám ngày, bà đã đạp xe từ Boston tới thành phố New York, nhưng phải mất tới hai tháng bà mới đi tiếp tới Chicago. Khi đã đến được Chicago, bà từ bỏ bộ váy dài để khoác lên người chiếc quần túm thể thao mà thời đó vẫn đang chịu nhiều “lời ong tiếng ve”, thay chiếc xe đạp cồng kềnh nặng hơn 19kg của phụ nữ bằng loại nhẹ hơn dành cho nam giới, và tiếp tục cuộc hành trình. Ở mỗi điểm đến, bà đều tìm cách thu hút sự chú ý của báo giới, bán những món quà lưu niệm, và mở các khóa giảng dạy lẫn tư vấn về đạp xe cho phụ nữ. Peter Zheutlin, người cháu trai họ ba đời của bà đã viết: “Bà đã tự biến mình thành một tấm biển quảng cáo di động. Có lúc trên người bà gần như phủ đầy ruy băng, áp phích, băng rôn, được khâu hoặc gắn vào quần áo suốt từ đầu tới chân.” Giống hệt các tay đua ngày nay vậy.
Hành trình đi vòng quanh thế giới chủ yếu di chuyển bằng thuyền và chỉ đạp những chặng ngắn trên đất liền để phô trương. Bà trở thành nhân vật được truyền thông săn đón, là người phát ngôn cho một công ty sản xuất xe đạp và một cây viết tự tường thuật hành trình của mình một cách chi tiết đều được đăng trên trang nhất của tờ New York World (Tạm dịch: NY quốc tế) vào năm 1895. Bà tiếp tục phát triển sự nghiệp viết lách và đảm nhận một mục có tên gọi “Người phụ nữ mới” chuyên tường thuật những tình huống kịch tính cho tờ World (Tạm dịch: Thế giới). Bà đã viết: “Tôi là một nhà báo và một ‘phụ nữ kiểu mới’. Cụm từ này có nghĩa là: Nếu có bất kỳ điều gì đàn ông làm được, thì tôi tin rằng mình cũng có thể làm được.”
Annie tham gia một loạt các buổi nói chuyện, vẽ ra những câu chuyện phiêu lưu vô cùng đáng sợ ở Ấn Độ (đi săn hổ với hoàng gia Đức, rồi nhầm tưởng đó là con quỷ), Nhật Bản (bị ngã xuống một dòng sông băng; nhận một viên đạn; làm việc trong tù) và Siberia (quan sát phương thức hoạt động của ‘hệ thống đối đãi với tù nhân chính trị’ ở Nga). Bạn có lẽ cũng hình dung được khán giả đã nghe mà như “nuốt” từng lời bà vậy. Và như lời tường thuật của tờ San Francisco Chronicle (Tạm dịch: Biên niên ký San Francisco) thì: “Bà có một sự tin tưởng vào bản thân khá bất thường so với giới tính bà mang”. Người cháu trai họ Zheutlin đã viết một cuốn sách vô cùng thu hút về bà. Trong quá trình viết sách, anh hiểu ra bà đã có lúc “chơi trò ú tìm” với sự thật. Có lẽ bà đã dựng nên câu chuyện về cuộc cá cược giữa hai người đàn ông giàu có ở trên để thu hút sự chú ý của công chúng đối với hành trình khám phá cuộc sống của mình. Có lúc, bà từng tuyên bố rằng mình là một luật sư, một người thừa kế, lại có lúc bà nói mình là một nhà phát minh, một sinh viên y khoa trường Havard, và là cháu gái của một thượng nghị sĩ.
Bạn có thể sẽ tranh luận rằng Londonderry là một hình mẫu dở tệ: sau tất cả, bà đã bỏ rơi gia đình để đi theo cuộc phiêu lưu của riêng mình. Bà đã từng chăm sóc gia đình theo tiêu chuẩn ăn uống của người Do Thái, song đã không còn làm vậy trên bước đường đời tiếp theo. Bà rời gia đình với tay trắng, nhưng lại trở nên giàu có tới độ mua được cho họ cả một ngôi nhà ở Bronx lúc trở về. Zheutlin cũng chỉ ra rằng, năm 1894 chỉ có hai vận động viên nữ dùng hình ảnh của mình để quảng bá cho sản phẩm thương mại: Đó là Annie Londonderry và Annie Oakley.
Không chỉ đầy hấp dẫn trong lịch sử vận động viên và doanh nhân, câu chuyện của bà còn cho chúng ta thấy có rất nhiều cách để làm một bà mẹ theo kiểu Do Thái. Trong số chúng ta, có người ra ngoài làm việc kiếm tiền, có người ở nhà nội trợ. Trong lịch sử, đã có những thời kỳ chúng ta tiến sâu vào hệ thống chính trị và hoàng gia, nhưng cũng có những thời kỳ chúng ta phải chui lủi trong những khu ổ chuột và trốn chạy khỏi sự truy sát của những kẻ lăm lăm thanh kiếm trên tay. Tôi sẽ tranh biện rằng, có lẽ Londonderry tham gia vào thử thách đạp xe kia để kiếm tiền nuôi sống gia đình, nhưng bà cũng đã thực hiện nó vì muốn tìm kiếm sự phiêu lưu. Và dù thuộc dân tộc nào chăng nữa, bạn vẫn nên trân trọng bài học này: Chúng ta hoàn toàn có quyền được tự định đoạt giá trị của những giấc mơ và sự độc lập của chính mình. Liệu câu chuyện của Annie có làm cá nhân tôi muốn nhảy ngay lên chiếc xe đạp để thực hiện cuộc hành trình về phía tây hay không? Không, bởi vì tôi là người không thích di chuyển trừ phi bị vây bắt. Nhưng chắc chắn, câu chuyện ấy giúp tôi vơi bớt mặc cảm tội lỗi mỗi khi khao khát có được chút “khoảng trời riêng” rời xa khỏi con cái mình.