Chúng ta nên lựa chọn cách nào để nuôi dạy nên những đứa trẻ tử tế, độc lập, đạo đức, chăm chỉ, sáng tạo và hòa mình vào thế giới? Trong suốt chiều dài lịch sử, các bà mẹ Do Thái đã lựa chọn ra sao để nuôi dạy nên những người thành đạt mà không đểu cáng?
Muốn thúc đẩy tính tự lập của trẻ, hãy để chúng học hỏi qua việc làm, tức là học hỏi qua những sai lầm và đối mặt với rủi ro. Câu châm ngôn cổ Do Thái nói rất đúng: “Nếu nằm trên mặt đất bạn sẽ chẳng bao giờ ngã.” Nhưng nếu cứ mãi nằm trên mặt đất, bạn cũng sẽ không bao giờ vươn tới những tầm cao.
Đôi lúc, tự lập sẽ đi đôi với thất bại. Đây là câu chuyện nhà tôi: Tôi muốn các con mình học nấu ăn (như thế chẳng phải sẽ giảm hẳn gánh nặng công việc cho tôi hay sao). Nhưng nếu tôi cứ kè kè bắt lỗi chúng trong bếp, thì chắc suốt đời tôi sẽ bị chết dí ở đó. Các con tôi có lúc cũng lười nhác, chẳng hạn Josie dù đã biết làm món trứng nhưng vẫn kiên quyết thà nhịn đói đi học còn hơn phải tự nấu. Và cả hai đứa sẽ nổi khùng nếu tôi định can dự vào việc nấu nướng của chúng. Gần đây, hai đứa đang tập làm bánh ngọt sô-cô-la và bơ đậu phộng bằng lò vi sóng theo công thức học được ở trại hè. Tôi rất muốn được cùng con làm món bánh đó, nhưng lại e mình sẽ lấn quyền chúng. Tôi hiểu rõ tính khí của mình mà. Vì thế tôi đi lên gác. Từ dưới bếp vang lên những tiếng ríu rít đúng kiểu “chị em gái” thật dễ thương, tiếng nhào trộn, tiếng thìa va vào nhau lanh canh. Rồi tôi nghe thấy tiếng con gọi tần ngần: “Mẹ ơi”. Tôi đi xuống bếp và thấy hai chị em đã cho sô-cô-la vào một chiếc bát nhựa nhỏ rẻ tiền để nấu. Thế là chiếc bát nhựa nóng chảy ra hòa lẫn vào rồi bốc lên một thứ mùi vừa nồng nặc hôi hám vừa độc hại. Một cơ hội để truyền đạt kiến thức không thể bỏ lỡ! Tôi bèn giải thích với con rằng không phải đồ nhựa nào cũng dùng được trong lò vi sóng và chút sô-cô-la còn sót trong bát kia không thể dùng được nữa. Vì nó đã trở nên ĐỘC HẠI. Nào, giờ thì dọn dẹp nhà bếp đi, mở cái cửa sổ kia ra, và tiện đây mẹ sẽ dạy luôn cho các con cách bật máy hút mùi vì bếp nhà mình đang nồng nặc mùi nhựa cháy. Dẫu vậy, tôi vẫn mừng vì đã để các con được tự làm và thất bại, bởi vì nhờ thế mà từ nay chúng sẽ biết không được nấu chảy đồ ăn trong những chiếc bát nhựa bé xíu.
Không nên nhìn nhận sự tự lập như một tình huống bất đắc dĩ đành phải chọn vì sự sinh tồn. Tự lập là cả một chặng đường dài. Người cha (mẹ) “tốt vừa đủ” có nhiệm vụ hỗ trợ con mình hoàn thành chặng đường ấy và chấp nhận cả những thất bại của chúng khi được trao quyền tự giải quyết vấn đề.
Con trẻ có thể tự xây dựng cuộc sống viên mãn của riêng chúng mà không cần đến sự hỗ trợ của chúng ta, đó chính là mục đích cao cả nhất của việc nuôi dưỡng tính tự lập. Chúng ta muốn chúng tự tìm ra công việc yêu thích, tự đánh giá đúng năng lực của bản thân và có những ước mơ cũng như nguyện vọng riêng hoàn toàn độc lập với ý nguyện của chúng ta. Có những người mẹ độc đoán thái quá (chẳng hạn như khuôn mẫu Mẹ hổ), ra quyết định hộ con rồi đẩy chúng vào những vị trí mà họ đã thay chúng quyết định trước. Còn những người mẹ quyền uy mà không hề độc đoán (chẳng hạn như các bà mẹ Do Thái trong lịch sử) sẽ tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của con, để từ đó biết “càm ràm” con đúng cách và luôn khuyến khích chúng tự trưởng thành. Giống như nhà tâm lý học lâm sàng Jennifer Kunst đã từng viết: “Hình tượng người mẹ tốt vừa đủ của Winnicott không mang dáng dấp của một nữ thần mà giống như một người trồng cây vậy.”
Phương pháp luận của mẹ Do Thái
1. Nói gì với những người chẳng những không tán thành triết lý rèn con tự lập của bạn mà còn bảo với bạn: “Cảm ơn vì những thông tin của cô, nhưng nhà tôi lại phù hợp với cách này hơn!” Với những người luôn khẳng định phương pháp của bạn là sai lầm, thì có tranh luận cũng vô ích. Hẳn bạn đã từng nghe câu cách ngôn của Robert Heinlein: “Đừng bao giờ cố gắng dạy hát cho một con lợn bởi bạn sẽ vừa lãng phí thời gian vừa làm nó bực bội.”
2. Tin vào lý trí thường tình. Năm mười ba tuổi, Josie từng đi xe buýt xuyên thị trấn để trở về nhà sau bữa tiệc trưởng thành của bạn. Lúc đó trong người cháu có điện thoại di động, thẻ metro và tiền mặt. Vào 10 rưỡi đêm, cháu gọi cho tôi khi đang ở trạm dừng và nói rằng đó là một buổi tối dễ chịu nên cháu muốn đi bộ qua mười dãy phố để về nhà. Tôi đã không tán thành và đành phải nói thật: “Con đang ở khu làng phía đông vào đêm thứ Bảy. Bọn đểu say khướt sẽ lượn lờ khắp nơi mà con thì đơn thương độc mã. Có thể đi bộ cũng không có gì nguy hiểm, nhưng biết đâu có một gã trai sinh viên nào đó đang say lảo đảo sẽ cười nham nhở với con rồi nôn mửa lên giày của con. Thôi con làm ơn hãy đi về bằng xe buýt hoặc taxi đi.” Và con bé đã nghe tôi.
3. Thiết lập các kỹ năng tự lập cho con ngay từ nhỏ. Trẻ ba tuổi đã có thể tự trộn một bát ngũ cốc ăn liền cho bữa sáng rồi đặt bát vào chậu rửa sau khi ăn xong. Trẻ tám tuổi có thể giúp cha mẹ chạy những việc vặt quanh khu dân cư. Và dù trẻ ở lứa tuổi nào thì bạn cũng cần kiên quyết để chúng tự xoay sở trong lần đầu tiên làm bài tập về nhà. Dù niềm thôi thúc muốn xông vào can thiệp và GIÚP CON GIẢI QUYẾT trong bạn có mạnh mẽ tới đâu thì hãy cố nén lại và để cho con được tự nhận biết hậu quả. Để khi trẻ tự thành công, chúng sẽ càng nhận thức sâu sắc hơn năng lực của bản thân.
4. Cứ để con thất bại. Nếu con bạn hay bỏ quên bữa trưa ở nhà, bạn chỉ cần nhắc chúng một lần thôi và dừng ở đó. Nếu sau đó chúng vẫn tiếp tục quên, chúng sẽ phải nhịn đói. Hãy cứ để con gánh chịu và xử lý hậu quả. Nếu chúng không làm bài tập về nhà, chúng sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước thầy cô giáo. Bạn chỉ cần cung cấp cho con những công cụ cần thiết để thành công, chẳng hạn mua sách cho chúng, khích lệ và làm mẫu để chúng noi theo, còn sau đó, như lời của nhân vật Elsa trong bộ phim Frozen (Tạm dịch: Băng giá): Hãy buông tay.