Trừng phạt hoặc tha thứ nhưng chớ dọa dẫm trẻ
- Ngũ Thư
Mục đích của kỷ luật là dạy cho trẻ biết lắng nghe sự phân định đúng - sai từ sâu thẳm bên trong chúng. Bạn muốn chúng sẽ trở thành những con người có đạo đức, thay vì chỉ nơm nớp lo sợ bị “bắt quả tang”. Trong đạo Do Thái có bàn đến tính thiện và tính ác. Đây là hai loại động lực tồn tại bên trong mỗi con người. Cũng là lẽ thường tình nếu có ai đó muốn làm điều xấu, vì đa số mọi người khi làm điều xấu đều cảm thấy “rất đã”. Song với tư cách là cha mẹ, chúng ta phải dạy lũ trẻ biết lắng nghe tính thiện trong con người chúng ngay cả khi chúng vẫn còn đang u mê bởi cảm giác “phê” tức thì mà tính ác gây ra.
Từ tội lỗi trong tiếng Do Thái cổ là chết. Nghĩa đen của từ này xuất phát từ một thuật ngữ trong môn bắn cung mang ý nghĩa “trượt mục tiêu”. Giống như bắn cung, kỷ luật cũng là một kỹ năng phải học mới có được. Càng luyện tập nhiều, chúng ta sẽ càng tiến gần hơn tới hồng tâm. Có một câu chuyện về nhà thần học người Đức gốc Do Thái Franz Rosenzweig như sau: Mỗi khi có người hỏi rằng liệu ông có tuân thủ đủ số lời răn dạy hay không, thì câu trả lời không bao giờ là “không” mà luôn là “giờ thì chưa”. Trong khi ông còn là một nhà thần học cơ đấy! Vậy bài học rút ra ở đây là tất cả chúng ta đều mang trong mình năng lực thay đổi và phát triển. Con cái chúng ta không cố tình bắn “trượt mục tiêu”, mà chúng chỉ đang trong quá trình học hỏi. Kể cả những người làm cha mẹ chúng ta cũng vậy. Truyền thống Do Thái tin rằng học tập là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời. (Trên thực tế, ý nghĩa gốc rễ của từ Torah - tên bộ sách trung tâm của đạo Do Thái - là “dạy” hoặc “hướng dẫn”. Và cũng không phải ngẫu nhiên, đó cũng là ý nghĩa gốc rễ của từ “cha mẹ”, horeh. Từ nay tất cả những ai nói với bạn rằng từ Torah nghĩa là “luật lệ” đều hoàn toàn sai lầm và bạn cứ thoải mái mà “sửa gáy” họ nhé).