Abraham Joshua Heschel (1907 - 1972), là giáo sĩ vĩ đại, đồng thời là người đi đầu trong phong trào dân quyền đã từng tham gia biểu tình cùng tiến sĩ Martin Luther King Jr có nói: “Sống và tồn tại là môn nghệ thuật vĩ đại, vậy bạn hãy bắt tay tạo dựng tác phẩm của riêng mình ngay từ lúc trẻ. Một, hãy luôn ghi nhớ tầm quan trọng của đức tính tự kỷ luật; hai, học hỏi từ thật nhiều nguồn trí tuệ; và ba, hãy nhớ rằng cuộc sống có thể sẽ là một bữa tiệc mừng hân hoan.” Kỷ luật, học hỏi và vui mừng hân hoan. Bạn lưu ý nhé, Haschel không hề thêm câu: “Hãy tự thấy bản thân mình thật tuyệt!” Chúng ta đừng lo lắng quá về lòng tự trọng của trẻ, mà nên ngẫm xem chúng sẽ làm cách nào để có thể tự tạo nên một cuộc sống giàu ý nghĩa.
Hãy giúp đỡ con trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống ấy. Đừng tán dương những thứ tầm phào, chỉ vì muốn củng cố cho chúng ý thức về bản thân. Nếu trẻ đã ngoài 20, đừng nựng nịu con những câu như: “Con nói hay quá!” Đừng khen ngợi khi chúng ghi điểm cao trong một trò chơi trắc nghiệm ngốc nghếch dễ như ăn kẹo. Sau khi làm rõ với con về công việc chúng cần phải thực hiện, đừng có “nhặng xị” lên mỗi lần chúng hoàn thành bổn phận.
Nếu tiếp tục khen con không phải lối như vậy thì bạn sẽ biến con thành chú mèo cưng chỉ cần biết đi vệ sinh đúng chỗ đã “meo meo” đòi được thưởng.
Bạn có biết ngoài việc trẻ biết suy nghĩ và cư xử, còn đức tính gì ở chúng mà bạn không nên ca tụng? Đó là tính hào phóng! Theo một loạt các nghiên cứu do giáo sư tâm lý học Joan Grusec và các cộng sự thuộc Đại học Toronto thực hiện, thì trên thực tế những trẻ thường xuyên được khen ngợi vì sự hào phóng kết cục lại kém hào phóng hơn những trẻ khác. Chúng chỉ tỏ ra hào phóng để được khen ngợi chứ không phải do bản tính vốn có.
Xin được chia sẻ ngoài lề một chút: Lúc đầu tôi định đặt tên cho chương này là “Mặc kệ phong trào ‘lòng tự trọng’”. Trong lịch sử, các bà mẹ Do Thái chưa bao giờ khen con họ là thông minh, tốt bụng, đáng yêu hay ấn tượng. Ở một mức độ nào đó, họ làm vậy là để xua đuổi tà ma. Tuy thế, họ vẫn cho phép mình tự hào một chút và nở nụ cười rạng rỡ khi ông bà của lũ trẻ tỏ ý khen ngợi chúng thông minh, tốt bụng, đáng yêu và ấn tượng. Khoe khoang vốn là đặc quyền của những người ông người bà mà.
Nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc Đại học Stanford đã thực hiện một cuộc nghiên cứu mang tính đột phá về lý do tại sao chúng ta không nên khen trẻ thông minh. Trong mỗi thí nghiệm điển hình, bà yêu cầu một đứa trẻ giải một trò đố ghép hình. Với một số trẻ, bà sẽ khen chúng thông minh, còn một số khác thì không. Với những trẻ không được khen là thông minh, trò chơi càng khó thì các em càng phấn khích và càng tin tưởng vào khả năng giải đố của bản thân... và nhờ đó các em chơi càng lúc càng giỏi hơn. Còn những trẻ được ca tụng là thông minh lại thường xuyên muốn bỏ cuộc khi đã thắng ở một lượt chơi nào đó; chúng sợ rằng nếu độ khó của trò chơi tiếp tục tăng lên, chúng sẽ thất bại và để lộ ra là mình yếu kém. Bài học rút ra ở đây là: Đừng khen con là thông minh mà hãy nói rằng bạn tự hào vì chúng đã không ngừng cố gắng.
Đừng cư xử như thể trí thông minh mới là chỉ số quan trọng nhất cho sự thành công trong cuộc sống. Chính nhà tâm lý học Louis Terman đã đề xuất ra cuộc thi Stanford- Binet và phát minh ra thuật ngữ “IQ”, và từng nổi tiếng với một nghiên cứu các trẻ thông minh dài hạn. Khi dự án được khởi động vào năm 1921, ông bắt đầu theo sát hơn một nghìn trẻ có chỉ số IQ lớn hơn hoặc bằng 135. Terman mất vào năm 1959, song những người tham gia vào cuộc nghiên cứu (được gọi bằng cái tên trìu mến là các “Termite”) vẫn tiếp tục được theo sát cho tới ngày nay; nghiên cứu chỉ kết thúc khi “Termite” cuối cùng mất. Rõ ràng Terman đã muốn tin rằng có một mối tương quan lớn giữa chỉ số IQ cao và sự thành công, nhưng những dữ liệu thực tế thu được lại không hề chứng minh cho điều đó. Họ đều phát hiện ra rằng sự bền bỉ, lòng tự tin và sự khích lệ mới đóng vai trò quan trọng nhất trong thành công của những người trưởng thành. Và tiện đây cũng xin được làm rõ, khích lệ không hề đồng nghĩa với khen ngợi mà có nghĩa là vừa thôi thúc trẻ không ngừng cố gắng, vừa mang đến cho chúng những cơ hội để học tập và thành công. Một điểm quan trọng cần ghi nhớ ở đây là: Trí thông minh không hề làm nên điều khác biệt.
Nhiều năm trước, khi tôi có dịp được trò chuyện với giáo sư tâm lý học Brian Goldman thuộc Đại học Bang Clayton, ông đã phân tích tôi nghe sự khác nhau giữa “lòng tự trọng mong manh” và “lòng tự trọng vững chãi”. Những người có lòng tự trọng mong manh cũng biết yêu bản thân, nhưng tình yêu ấy bị đặt trên nền móng rất dễ lung lay bởi hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác về họ. Họ khó có thể thừa nhận điểm yếu của bản thân, nên không biết tự cải thiện theo hướng tích cực. Vì không biết nhìn ra hạn chế của mình và cứ mỗi lần bị chỉ trích hoặc cảm thấy thất bại là lại nghi ngờ những giá trị tự thân thiết yếu, nên kết cục là họ luôn loay hoay trước những câu hỏi về bản sắc cá nhân. Ngược lại, những người có lòng tự trọng vững chãi biết thừa nhận những mặt mạnh và cả những mặt yếu của mình. Vì biết rõ giá trị thực sự của bản thân nên họ ít có khuynh hướng bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Và tôi xin giới thiệu, đó chính là những người “lập dị”.