Trong nền giáo dục Do Thái có một thuật ngữ là Santa Pause (Ông già Noel không đến). Đó là thời điểm vào tháng 12 hằng năm khi trẻ con Do Thái nhận ra chúng không giống với hầu hết các bạn của mình và không phải phụ thuộc văn hóa đa số. Điều đó có thể làm chúng thất vọng, nhưng cũng có thể lại là một hình mẫu tuyệt vời giúp chúng nhìn nhận về vị trí của mình trong thế giới. Có sao đâu nếu chúng ta khác biệt! Có sao đâu nếu chúng ta lập dị và đứng một mình! Năm chín tuổi, tôi là bé gái duy nhất trong đội Liên đoàn nhí. Khi đó, mẹ tôi đã giải thích cho tôi về Equal Rights Amendment (Tạm dịch: Luật sửa đổi quyền bình đẳng), rồi khâu một miếng phù hiệu có cả hình một nắm đấm đòi tự do lên mũ lưỡi trai cho tôi. Vài người cha của vài thành viên trong đội tỏ ra khó chịu. Nhưng mẹ tôi chỉ cho tôi thấy từ lâu phụ nữ đã bị phủ nhận quyền bỏ phiếu và quyền sở hữu đất đai ra sao. Bà cũng giải thích rằng một cuộc chiến pháp lý đã bắt đầu được khởi động để mang lại công bằng cho đất nước này, vì thế khi tôi thi đấu hết mình trong một đội gồm toàn con trai tức là đã đóng góp một phần vào nỗ lực chung ấy.
Nếu có thể biến những điểm khác biệt và đặc biệt của bản thân thành bản sắc riêng, trẻ thậm chí sẽ còn tự gây dựng cho chúng một chỗ đứng trong thế giới. Trong cuốn Little Failure (Tạm dịch: Thất bại bé nhỏ), tiểu thuyết gia Gary Shteyngart đã chia sẻ một câu chuyện có thật về thời trẻ của ông. Thời đi học, ông chỉ là một thanh niên nhập cư người Nga tẻ nhạt và kém hòa nhập văn hóa. Nhưng nhờ khả năng sáng tác những mẩu truyện khoa học viễn tưởng tuy khủng khiếp nhưng rất hấp dẫn mà ông đã tự khám phá được bản thân, còn lũ trẻ ở trường đã bớt ghét ông đi đôi chút. Ông nói: “Đừng hiểu lầm, tôi vẫn cứ là một tên kì dị bị ghét bỏ. Nhưng đây là những gì tôi đang làm: Tôi đang định nghĩa lại những ‘điều khoản’ khiến mình trở thành một tên kì dị bị ghét bỏ. Tôi đang đánh lạc hướng lũ trẻ ra khỏi tính Nga và dẫn dắt chúng đến một đặc tính mới là khiếu kể chuyện... Một thằng nhóc vốn là con trai một thương nhân và nổi tiếng lại bị hổng kiến thức đọc viết cơ bản đã hét lên hỏi tôi:
‘Mày có viết được cái gì mới không? Thế người Lopezian có tấn công không? Tiến sĩ Omar sẽ làm gì tiếp theo?’”
Hãy nuôi dưỡng cho con những cảm xúc tốt lành mỗi khi chúng thực sự làm được một điều gì khó khăn hoặc đáng quý, chẳng hạn như cật lực viết một câu truyện khoa học viễn tưởng, ngăn không cho bạn công khai bắt nạt một đứa trẻ khác (ngay cả khi việc đó khiến chúng bị công kích rất nhiều), hay tỏ ra can đảm trong những tình huống đáng sợ.
Hồi Maxie ba tuổi, cháu bị một bạn ở nhà trẻ làm gãy mũi. Khi đang lái chiếc xe ô tô đồ chơi trong sân trường, xe của Maxie bị một chiếc khác đâm mạnh đến nỗi bị đập mặt vào bảng điều khiển, rồi bị trượt ngã xuống gầm, còn xe của cậu bé kia thì đè lên xe của cháu. Sau đó, Maxie phải đến gặp bác sĩ tai mũi họng nhiều lần, và điều đó chẳng vui chút nào. Tới lần thứ ba, cháu rất sợ nhưng không khóc, và cuộc tái khám diễn ra ổn thỏa. Cháu lấy một món đồ chơi trong “hộp cho đi” của bác sĩ và tỏ ra khá vui tươi trên đường trở về nhà. Tôi nói với cháu: “Con biết không, con đã rất dũng cảm. Dù sợ hãi nhưng con đã cố kìm nén nỗi sợ hãi ấy, và mẹ tự hào về con.” Cháu vui vẻ trả lời với phong thái của một đứa trẻ rõ là đã xem ti-vi quá nhiều: “Nó cũng không quá tệ như con tưởng! Giờ thì ai muốn chơi bài Canasta nào?” Về đến nhà tôi đã tìm trên Google và hiểu ra trò Canasta là một câu thoại trong chương trình The Fairly Odd Parents (Tạm dịch: Những ông bố bà mẹ lập dị).